Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta/XII
Khổng học với Mặc học khác nhau ở nhiều điều, mà một cái quan niệm về nghĩa và lợi cũng đã thấy khác. Mặc Tử nói rằng : “Nghĩa tức là lợi” (Nghĩa, lợi dã). Mà Khổng Tử thì lại chia nghĩa và lợi làm hai ; chẳng những hai cái là khác thứ, mà lại hai cái là phản đối nhau nữa.
Hai cái thuyết của Khổng và Mặc khác nhau như vậy là do ở cái tư tưởng căn bổn của hai đằng không giống nhau. Mặc Tử chuộng kiêm ái, bình đẳng. Cái xã hội trong ý Mặc Tử cũng gần như cái xã hội các nước Âu Mỹ thời nay. Nghĩa là coi nhà nước với nhân dân làm một, việc gì lợi cho nhà nước tức là lợi cho nhân dân đó. Chẳng những thế, vì là kiêm ái bình đẳng cho nên việc chi lợi cho một người cũng tức là lợi cho nhiều người, việc chi lợi cho kẻ nầy cũng tức là lợi cho kẻ khác nữa. Vậy thì việc làm lợi đó tức là việc nghĩa, cho nên nói rằng nghĩa tức là lợi. Còn cái xã hội trong ý Khổng Tử là xã hội có giai cấp, chia ra vua và dân, nhà nước là của vua, mà nhân dân chẳng qua là vật phụ thuộc vào, tức là kiểu xã hội nước Tàu và nước ta lâu nay. Theo kiểu xã hội ấy mà nếu nhập nghĩa và lợi làm một thì e người trên vịn đó mà bóc lột kẻ dưới quá thể, làm cho mất cái mực quân bình đi mà sanh loạn chăng, nên phải phân biệt ra nghĩa là nghĩa, lợi là lợi, là cốt để hạn chế bớt cái lòng tham dục của người trên vậy.
Theo như Mặc Tử thì lợi tức là lợi chung cho mọi người, không có thể hiểu là lợi riêng của một người được, cho nên nhập hai cái lại một, khuyên người ta làm lợi tức là khuyên người ta làm nghĩa, mà khuyên người ta làm nghĩa cũng tức là khuyên người ta làm lợi. Song theo Khổng Tử lại phải thấn tới một bước, vẫn biết cái nghĩa đó tức là cái lợi chung, mà cũng không chịu nói là lợi, phải nói là nghĩa để cho phân biệt với lợi. Lợi, theo ý Khổng Tử, thì chỉ là sự tư lợi của ít người mà thôi, là điều xấu, ai ai cũng nên tránh nó. Vì cái thâm ý Khổng Tử là như vậy nên ngài chia ra cái bờ của nghĩa và lợi thật rạch ròi. Ngài nói rằng : “Hễ là người quân tử thì hiểu về nghĩa ; hễ là tiểu nhân thì hiểu về lợi”[1]. Lại nói rằng “Hễ thấy lợi thì phải nhớ đến nghĩa”[2]. Câu trên có ý khuyên người ta nếu muốn làm quân tử thì phải theo đường nghĩa. Câu dưới nhắc cho người ta trong khi thấy lợi phải nhớ đến nghĩa đặng đánh đỡ cái lòng tham lợi đi. Mấy câu đó còn là lời nói chung, đến như trong Đại học thì lại dạy rõ về cách trị quốc mà rằng : “Nhà nước chẳng lấy lợi làm lợi, mà lấy nghĩa làm lợi”. Chữ “nghĩa” đó tức là lấy thuế có chừng có đỗi, không xâm phạm đến những cái lợi nhỏ của dân. Như thế thì nhân dân no đủ mà quy phục[3] với nhà nước ; mà hễ nhân dân no đủ tức là nhà nước giàu : ấy tức là lấy nghĩa làm lợi. Sách Đại học đây cũng còn nói lấy nghĩa làm lợi, chớ đến Mạnh Tử thì lại cấm tiệt không cho nói đến lợi trơn.
“Mạnh Tử ra mắt vua Huệ Vương nước Lương. Vua hỏi : Cụ già chẳng ngại xa ngàn dặm mà đến đây, cũng sẽ có phương gì để làm lợi cho nước ta chăng ? Mạnh Tử thưa rằng : Vua lựa phải nói lợi làm chi ; chỉ có nhân nghĩa mà thôi. Chớ nếu vua nói : có phương gì để lợi nước ta, thì quan đại phu cũng sẽ nói : có phương gì để lợi nhà ta, sĩ và dân cũng sẽ nói : có phương gì để lợi mình ta. – Rồi thì người trên kẻ dưới giành lợi lẫn nhau mà nhà nước nguy rồi ! Nếu ai cũng coi nghĩa làm sau, coi lợi làm trước, thì chẳng cướp nhau chẳng hề biết no đủ. Chi cho bằng nhân nghĩa : chưa có kẻ nhân nào mà bỏ sót cha mẹ mình, chưa có kẻ nghĩa nào mà lại để vua mình ra sau. Vậy thì vua cũng nên nói nhân nghĩa mà thôi, lọ phải nói lợi làm chi ?”[4].
Lại có một lần, “Tống Hình hầu qua nước Sở. Mạnh Tử gặp dọc đường, hỏi rằng : Tiên sanh tính đi đâu ? – Tống Hình trả lời : Tôi nghe nước Tần và nước Sở sắp đánh nhau, tôi muốn đến nói với vua nước Sở biểu thôi đi, mà không chịu, thì tôi lại sẽ nói với vua nước Tần biểu thôi đi; trong hai vua đó thế nào tôi cũng sẽ gặp một. – Mạnh Tử lại hỏi : Tiên sanh định nói bằng cách nào ? Tống Hình đáp : Tôi định nói về sự đánh nhau là chẳng lợi . - Mạnh Tử nói rằng : Không được. Tiên sanh đem lợi mà nói với vua Tần, Sở, vua Tần, Sở ham lợi mà bãi binh đi, ấy là bọn quân lính vui được bãi mà ham lợi vậy. Rồi thì kẻ làm tôi nghĩ lấy lợi thờ vua mình, kẻ làm con nghĩ lấy lợi thờ cha mình, kẻ làm em nghĩ lấy lợi thờ anh mình. Ấy là vua tôi, cha con, anh em đều bỏ nhân nghĩa mà lấy lợi tiếp nhau. Như vậy mà nước chẳng mất, là sự chưa hề có. Bây giờ nếu tiên sanh lấy nhân nghĩa nói với vua Tần, Sở, vua Tần, Sở ham nhân nghĩa mà bãi binh đi, ấy là bọn quân lính vui được bãi mà ham nhân nghĩa vậy. Rồi thì kẻ làm tôi nghĩ lấy nhân nghĩa thờ vua mình, kẻ làm con nghĩ lấy nhân nghĩa thờ cha mình, kẻ làm em nghĩ lấy nhân nghĩa thờ anh mình. Ấy lẽ vua tôi, cha con, anh em cùng nhau bỏ lợi, cứ lấy nhân nghĩa mà tiếp nhau. Như vậy mà chẳng làm nên nghiệp vương, là sự chưa hề có. Vậy thì lựa phải nói lợi làm chi ?”[5].
Coi mấy lời của Mạnh Tử đó thì thấy sự phân biệt nghĩa và lợi lại càng nghiêm lắm. Đại ý Khổng Tử và Mạnh Tử cũng vậy, làm một việc gì mà khởi niệm ra bởi lợi là không được. Theo Mạnh Tử nói đó, trong một nước mà ai làm việc chi cũng nghĩ về lợi hết, thì sanh ra giành nhau mà rồi nước phải nguy phải mất. Khổng Tử cũng có nói rằng : “Hễ nương theo lợi mà làm thì nhiều điều oán”[6]. Nghĩa là, hễ mình làm việc gì cũng cốt cho một mình được lợi, thì tất phải hại đến kẻ khác mà rồi có nhiều người oán mình.
Theo cái thuyết trọng nghĩa khinh lợi của Khổng giáo nên các nhà vua thuở nay, đối với dân không dám lấy thuế nặng hay là bày ra nhiều thứ thuế. Chẳng những vậy, gặp năm mất mùa lại còn giảm thuế hay là tha hẳn đi, còn chẩn thại cho cân nữa là khác. Cứ như cái tình hình kinh tế ngày nay, thật không thể làm như vậy được. Song ở thời đại quân chủ chuyên chế, phải làm vậy mới được, không thì thế nào cũng sanh loạn, trong lịch sử có thấy nhiều ông vua vì hà chính bạo liễm[7] mà phải diệt vong.
Thế nhưng ở đây tôi không cốt nói về phương diện vua đối với dân, chỉ cốt nói về trong xã hội An Nam ta, cá nhân đối với cá nhân, đã chịu ảnh hưởng của cái thuyết ấy thế nào.
Ngoài những câu đức Khổng Tử nói mà đã dẫn trên kia, ngài lại còn nói nhiều lời khác làm cho sự phân biệt nghĩa và lợi càng thêm rõ ràng thiết thiệt, mà phàm người có đọc sách ngài không thể bỏ qua đi được. Ngài đã tỏ ra ý mình đối với sự giàu sang mà rằng : “Ăn cơm lức, uống nước trong, co cánh tay mà gối, cái vui cũng ở trong đó rồi. Chớ còn làm điều bất nghĩa mà được giàu sang, thì ta coi cũng như đám mây nổi”[8]. Lại rằng : “Khi trong nước hữu đạo (nghĩa là thạnh trị) mà mình chịu nghèo hèn là đáng xấu hổ ; khi trong nước vô đạo (nghĩa là loạn ly) mà mình được giàu sang, cũng là đáng xấu hổ”[9]. Lại khi “ngài ở nước Trần, hết lương ăn, Tử Lộ tỏ ý bất bình mà nói cùng ngài rằng : Thế ra người quân tử cũng có lúc cùng ư ? Ngài đáp rằng : Quân tử cùng thì chịu cùng, chớ còn tiểu nhân, hễ cùng thì làm bậy”[10]. Trong ba câu đó chỉ câu thứ nhì nghĩa nó hơi tối một chút nên giải thêm cho rõ hơn. Khi trong nước hữu đạo mà mình chịu nghèo hèn, thế là tỏ ra mình vô tài, cho nên đáng xấu hổ. Khi trong nước vô đạo mà mình được giàu sang, thế là chỉ có hùa theo sự vô đạo ấy mà kiếm ăn, hoặc đến làm điều bất nghĩa để cầu lợi, cho nên đáng xấu hổ.
...(Tòa kiểm duyệt bỏ một đoạn)....
Với cái thuyết nầy, phải kể Tống nho là thật có công lắm. Trình tử nói rằng : “Kẻ học chẳng có việc gì trước hơn là phân biệt nghĩa và lợi”. Một câu ấy khác nào như một cái hoa tiêu cắm ngay trước mặt những người mới bước chơn vào cửa Khổng.
Bởi vậy trong làng nhà nho ở nước ta, những người nào học mà rồi trả chữ cho Thánh thì thôi không kể, chớ còn những người học được chữ nào làm được chữ ấy, thì họ phải gióng theo sự phân biệt nghĩa và lợi đó mà quyết định cái đường tấn thối[11] của mình. Chúng ta đừng thấy bọn nhà nho ngày nay phần nhiều thất thế, không làm ra gì được, mà khinh họ là vô tài. Vô tài thì cũng có vô tài thật, nhưng họ lại quên lửng cái sự vô tài của mình đi ; họ đương ngồi xấp bằng trong ba gian lều cỏ dựa lưng vào chữ “nghĩa” mà khủng khỉnh làm cao, lấy nửa con mắt coi những phường ăn sung mặc sướng, lên bổng xuống trầm, mà cho là đồ vô sỉ ! Mà hạng người ấy nào có phải là ít.
Tôi biết cụ Nguyễn Bá Học. Cách 20 năm trước, tôi ở Nam Định học chữ Pháp với cụ đâu vài tháng. Song tôi nhìn cụ là ông thầy tôi thật. Cụ học chữ Hán vào bậc giỏi, chữ Pháp cụ cũng thông, ở thời bấy giờ có tài như cụ, giá “lém” ra thì làm gì chả được. Song cụ cứ cả đời làm thầy giáo, lương bổng vừa đủ ăn. Năm 1906, đức Thành Thái ra Bắc kỳ, nghe tiếng cụ, toan thưởng cho cái hàm Hàn lâm gì đó. Cụ kiếm cớ từ chối không chịu. Sau ngài ban cho cái biển bốn chữ “giản dị tinh thông” là cái biển sơn đen thếp vàng, hiện giờ còn treo tại nhà. Ấy là tôi cử ra một Nguyễn Bá Học, nhơn tiện vì nhiều người đã thấy cụ trong Nam phong ; còn biết bao Nguyễn Bá Học khác mà không tên tuổi chi, thì có ai biết đến !
Nếu trong xã hội không cần có những người có nết thanh cao để làm tiêu biểu, hay là nói rằng đương thời đại vật chất, hãy đua nhau trong đường vật chất không còn kể tinh thần là cái cóc mốc gì, thì thôi, chẳng nói làm chi ; bằng trong đời còn có luân lý, trong lòng người ta còn có một chỗ để chứa cái trong sạch thơm tho, thì những nhà nho cao thượng ấy ta cũng nên biểu dương ra mới phải, mà cùng trong lúc đó ta lại phải cảm ơn Khổng giáo.
Nhiều khi tôi thấy những chuyện vụn vặt trong làng xóm mà tôi ngẫm nghĩ hoài. Càng ngẫm nghĩ tôi càng tin cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta thật là sâu xa. Tôi kể lấy một chuyện mà nghe.
Ở vùng nhà quê tôi có hai anh em người kia, anh giàu mà em nghèo. Người em chuyên nghề trồng trầu bán. Lúc đó vừa gặp sau cơn bão, trầu mắc. Nhà anh sai trẻ cầm tiền qua nhà em mua một tiền trầu. Người em hái trầu cho một rổ, biểu đem về mà không lấy tiền, nói rằng : “Chỗ anh em, tao nhờ ảnh nhiều, chi thứ một vài tiền trầu mà bán chác, tao nỡ nào ngửa tay lấy tiền ảnh hay sao ?” Trẻ đem cả trầu lẫn tiền về. Người anh thấy trầu nhiều quá, nói rằng : “Sao một tiền trầu mà nhiều thế, bộ chú vừa bán vừa cho sao há ?” Đứa trẻ mới lòi tiền ra, thuật lời của em. Người anh đưa thêm một tiền nữa biểu cầm cả hai tiền qua trả, và rằng : “Nói với chú nó : tình nghĩa là khác, còn mua bán là mua bán ; huống chi tao đã tư trợ cho chú nó được, thì lẽ nào tao lại đi bòn một bữa gạo của con chú nó sao ?” – Qua bên kia, người em không nghe, bắt cầm tiền lộn về. Vậy rồi đứa trẻ cứ phải đi qua đi lại đến mấy lần, mà tôi không hiểu việc ấy về sau rồi liễu kết ra cách nào.
Việc nhỏ quá con tép ! Song le đạo lý của thánh hiền ở trong đó. Đằng người em lấy nghĩa làm trọng, muốn làm ra quân tử ; đằng người anh đã không ham lợi thì không ham lợi cho luôn, cũng không muốn làm tiểu nhơn. Tôi tưởng người ta ở đời với nhau mà có những câu chuyện như vậy thì nghe có hơi êm đềm dễ chịu, phải không ? Hay là cứ “đồng trên đè đồng dưới” ?
Tôi nghe nhiều người đi bên Pháp về kể chuyện lại. Ở bển, anh em học sanh ta hay tiêu tiền chung với nhau, khi người nầy có, cho kẻ kia tiêu, khi kẻ kia có, người nầy tiêu lại. Song phải biết rằng sự có ấy không kể chắc được. Người Pháp thấy như vậy, trầm trồ lấy làm lạ. Mà lạ thiệt. Chẳng những ở nước Pháp, cả Âu châu cũng vậy, theo luật, cái quyền sở hữu rất phân minh thì bảo sao họ thấy vậy mà chẳng trầm trồ? Vì đó người Pháp ở đây, cho An Nam mình là không biết phân biệt của người của ta nên có thói ăn cắp. Song họ không biết rằng cái sự ăn cắp là khác, còn cái sự không phân biệt của người của ta lại là khác. Không phân biệt của người của ta, tức là cái thói trọng nghĩa khinh tài, chịu ảnh hưởng Khổng giáo lâu đời mới có được cái thói ấy !
Đó là bề mặt. Lật bề trái lại, thì cái sự phân biệt nghĩa lợi cũng có điều khó chịu cho người ta, nhứt là vào thời buổi nầy. Theo tâm lý người mình thì ai ai cũng hiểu rằng lợi là đáng khinh mà nghĩa là đáng trọng. Nhưng xem chừng như ít người đem cái luật ấy ghép vào cho mình, mà lại đem ghép vào cho người khác ở chung quanh mình. Suy cái bụng họ ra, ý chừng họ muốn ai ai cũng “uống nước trong làm việc” thì họ mới ưng ; ai ai cũng “ăn cơm nhà mà đi đánh giặc” thì họ mới cho là quân tử. Bởi vậy khi nghe ông Phan Văn Trường có mấy trăm mẫu ruộng ở Cà Mau, ấy là họ bất bình rồi, họ không hỏi đến lai lịch ruộng ấy vào tay ông Phan cách nào, và từ trước đến nay, ông ta có chút công lao gì đối với người An Nam, từ đó họ không kể nữa ! Như vậy, làm cho kẻ thức giả ở đời càng thấy khó.
Còn bọn gian hùng thì quả nhiên họ lợi dụng cái tâm lý ấy mà làm lợi cho mình. Năm trước, ở Hà Nội tôi thấy có một cái cơ quan, người đứng đầu trong cái cơ quan ấy đối với những người giúp việc cùng mình thì nói : việc nầy chẳng qua chúng ta bớt ra mỗi người một chút công để làm nghĩa vụ ; thế nhưng cái quyền lợi kín ở trỏng không ai thấy thì người ấy tóm thâu. Cho đến mấy ông chủ phòng ngủ, chẳng biết việc làm ăn riêng của họ có can hệ chi đến 20 triệu anh em, mà họ cứ kêu “đồng bào ! đồng bào !” om sòm trên tờ quảng cáo “Hỡi đồng bào ! – Xin hãy vì nghĩa đồng bang ghé vào khách sạn tôi !” – Ừ, đồng bào vì nghĩa đồng bang ghé vào khách sạn ông, ấy là đồng bào làm một việc nghĩa để cho ông thủ lợi ! Hai chữ “đồng bào” có phải là chữ sắm ra để họ dùng vào việc ấy đâu. Còn các ông nhà buôn tinh ranh, cũng chực lợi dụng cái tâm lý ấy. Các ổng đưa những hàng xấu ra mà hô lên rằng : “Của nội hóa đây ! các ngài phải có cái nghĩa vụ dùng nội hóa hầu để khuyến khích công nghệ nước nhà”. Rồi họ thừa dịp đó mà bán mắc muốn gấp hai ngoại hóa. Thế nhưng bọn nầy có dại chi, trong khi ấy thì mình đừng thèm làm quân tử.
Đừng nói những việc nhỏ mọn như vầy là không hại. Một số đông người vì lòng thành thiệt mà bị phỉnh, còn một vài kẻ mượn chữ nghĩa mà lấy lợi riêng, cái tệ ấy lại còn đáng ghét hơn là nhà tư bổn ăn hiếp nhà lao động nữa vậy.
Chú thích
- ▲ Luận ngữ, Lý nhân
- ▲ Luận ngữ, Hiến vấn
- ▲ Bản gốc là quý phụ, có lẽ in lầm; ở đây sửa lại
- ▲ Mạnh Tử, Lương Huệ Vương thượng
- ▲ Mạnh Tử, Cáo tử hà
- ▲ Luận ngữ, Lý nhân
- ▲ Hà chính: chính trị hà khắc, tàn bạo; bạo liễm: đánh thuế quá nặng
- ▲ Luận ngữ, Thuật nhi
- ▲ Luận ngữ, Thái bá
- ▲ Luận ngữ, Vệ Linh công
- ▲ Tấn thối: tiến thoái