Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta/XIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta của Phan Khôi
XIII. Khổng giáo đã cùng Âu hóa gặp nhau

Nhẫn lên mấy thiên, tôi đã chỉ ra những cái ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta, mà tôi đã thấy được, hoặc dở hoặc hay là vậy. Những cái hay nó không trái với văn hóa mới, thì tôi tưởng nên giữ lại ; còn cái dở, nếu giữ lại thì thật là vô ích mà hữu hại, như tôi đã nói rõ trên kia rồi.

Tôi đã nói, những điều tôi kể ra đó là theo sự tôi thấy. Vậy hoặc còn những cái ảnh hưởng khác mà tôi không nói đến, ấy là vì tôi chưa thấy. Sau nầy nếu tôi còn xem xét ra được điều nào nữa, tôi sẽ bổ thêm vào ; nay tạm dừng bút ở đây.

Trước khi dừng bút, có mấy cái vấn đề về Khổng giáo rất là quan hệ mà ai cũng nên biết, thì tôi xin giãi bày ra trong mấy thiên nữa, làm kết luận luôn thể.

Khổng giáo khi gặp Âu hóa tràn sang thì cái trạng thái nó ra làm sao, sự đó tưởng có nhiều người muốn biết lắm.

Theo tôi thấy thì Khổng giáo tuy đã làm nền móng cho xã hội, duy trì cái thế đạo nhân tâm trong mấy nước Á Đông ta mấy ngàn năm nay, nhưng khi nó đã cụng trán với cái văn minh Âu châu thì chừng như nó muốn lung lay, đứng không vững nữa. Sự ấy rất rõ ràng trước con mắt chúng ta, xin độc giả xem qua cái lịch sử sơ lược dưới nầy, rồi lấy lòng công bình mà xét đoán, thì dẫu viện ông thầy trời xuống cũng không lấy lời nào binh vực cho nó được. Mà theo cái thuyết “ưu thắng liệt bại”, thì nội chỗ đó cũng đủ chứng rằng Khổng giáo là không thích hiệp với sự sanh tồn ở đời nay.

Cái lịch sử Khổng giáo ở nước ta không đủ đem ra mà nói, phải mượn của Tàu.

Khổng giáo có cái tánh chất hay điều hòa. Khi trước gặp Phật giáo thì nó điều hòa với Phật giáo, coi như cái kết quả của Tống nho nói trên kia thì biết. Khi gặp Gia-giáo[1] thì lại cũng muốn điều hòa với Gia[1], tức như bọn Từ Quang Khải hồi nhà Minh là danh nho mà theo Đạo[1], lại làm tể tướng đương triều, theo các giáo sĩ Tây học được những món thiên văn toán pháp, rồi nhờ có thế lực mà làm sách truyền bá ra, về sau ai cũng nhìn rằng Tây học truyền sang Tàu là từ bọn đó. Nhưng đến khi Khổng giáo gặp cả cái văn minh của Âu châu thì dường như muốn điều hòa mà điều hòa không thể được, ví chẳng khác hai người gặp nhau, toan bắt tay, mà rồi một người đi bắc một người nam, rút lại chỉ nhìn nhau chớ không thể bắt tay.

Hồi nhà Minh, các giáo sĩ Tây đem truyền sang Tàu chỉ có thiên văn toán học mà thôi. Lịch pháp nước Tàu nhờ đó mà cải lương được đúng hơn trước. Người Tàu biết có trái đất, biết trái đất chia ra hai bán cầu và ở trển có năm châu cũng là từ đó. Nhưng một vài cái khoa học đó không đủ làm cho người Tàu kính phục, họ cũng vẫn còn tự đại như xưa, họ vẫn cho chỉ có ông Khổng Tử nhà mình là thánh hơn ai hết thảy.

Đến rốt đời nhà Thanh, đời Quang Tự sơ niên, người Tàu đã dịch ra được nhiều sách Tây cả sách khoa học và sách triết học. Bấy giờ họ mới biết bên Tây cũng có những bậc thánh triết như ông Socrates, ông Platon, ông Descartes, ông Kant, v.v. Lại thêm các nước Âu châu đem những tàu những súng qua mà dọa họ, họ mới càng hoảng hốt. Khi ấy các nhà nho nước Tàu trước sau chia ra làm ba phái, tìm cách phò trì cho Khổng giáo để chống lại cái văn minh Âu châu.

Phải thứ nhứt là bọn lập ra cái thuyết “Tây học do Đông nhi lai”. Họ tìm những chứng cớ quàng xiên mà chỉ minh ra rằng bao nhiêu những học thuật Âu châu, dầu triết học dầu khoa học cũng vậy, đều là từ Tàu truyền sang hết, tức như kỷ hà học là phép toán bày ra bởi ông Nhiễm Cầu, học trò đức Khổng Tử. Cái thuyết nầy chỉ là như anh nhà quê làm phách, không bổ ích gì cho sự thiệt hết, nên lại có kẻ nổi lên xướng cái thuyết khác.

Phái thứ nhì là bọn lập ra cái thuyết “Trung học vị thể, Tây học vị dụng”. Họ nói rằng những sự học về luân lý chánh trị, v.v. thì trong Khổng giáo cũng đã đủ thừa rồi, nên lấy những cái đó làm cốt ; nước Tàu thiếu là chỉ thiếu về khoa học, nên phải lấy Tây học để cung cấp cho sự cần dùng. Phái nầy có một tay kiện tướng tức là Trương Chi Đồng[2]. Coi như cái thuyết đó thì thấy họ tuy chưa[3] chịu nhận cả Tây học, nhưng cũng đã nhận một phần của Tây học (vì bấy giờ trong con mắt họ coi Tây học chỉ là khoa học). Cái thuyết ấy thạnh hành một lối, song không thấy công hiệu chi nên lại có phái thứ ba.

Phái thứ ba tức là phái Khương – Lương[4], xướng ra cái thuyết “tam thế” của Khổng giáo. Họ chủ trương rằng Khổng Tử đã lập ra phép tắc để trị các “đời” khác nhau, ấy là đời cứ loạn, đời thăng bình và đời thái bình, mà thái bình tức là đại đồng. Đó là tam thế. Họ chia ra các thời kỳ, từ Khổng Tử cho đến bây giờ cũng còn thuộc về đời cứ loạn ; từ thời kỳ họ đó mới bắt đầu thăng bình rồi còn lâu nữa mới đến thái bình, bấy giờ khắp thế giới sẽ đại đồng. Đương thời kỳ nào thì phải lấy phép tắc theo thời kỳ ấy mà trị. Rồi họ mới lấy một đoạn lời đức Khổng nói trong Kinh Lễ mà vẽ vời ra cái phép tắc đại đồng coi hơi giông giống cái chế độ cộng sản ngày nay. Chính ông Khương Hữu Vi xướng ra cái thuyết nầy, ổng cho rằng sau Khổng Tử hơn hai ngàn năm, cái bí truyền ấy đã giấu kín đi, đến ổng, nhờ Trời mở trí cho mới tìm thấy. Học trò ổng là Lương Khải Siêu cũng phụ họa theo mà nói bô bô lên một độ, nhưng về sau, khi Lương độ chừng 35 tuổi trở lên, không hề nói đến nữa cho đến chết.

Cái thuyết “tam thế” nghe nó xuyên tạc quá, thật không thể đứng được. Người Tàu có ông Trương Văn Khai đã phản đối. Muốn bẻ bác cái thuyết ấy thì phải dẫn sách vở nhiều quá, không tiện, cho nên tôi tạm bỏ đi. Ở đây tôi chỉ có ý cho độc giả biết rằng cái thuyết ấy xướng ra là bởi ông Khương Hữu Vi thấy Khổng giáo không sánh kịp Tây học, mới vẽ vời thêm cho tốt đẹp ra để có đem mà đối địch cùng nhau. Chớ thiệt ra thì trong Khổng giáo có đâu cái đồ quý lạ như Khương đã nói. Mà có lẽ đồ quý lạ ấy lại ổng mượn của Tây học mà đem chưng ra.

Khổng giáo ở nước Tàu xưa nay không có giáo hội (église) gì cả. Từ Khương Hữu Vi mới có lập ra giáo hội, kêu bằng “Khổng giáo hội”. Trần Hoán Chương[5], tấn sĩ, học trò của Khương, đứng chủ trương việc ấy, mà cách tổ chức và chương trình trong giáo hội thì đều do họ Khương bày ra. Giáo hội ấy lập đâu hồi cuối triều Quang Tự, đầu Tuyên Thống, ban đầu thiên hạ cũng nô nức, sau càng ngày càng suy. Tôi không rõ, ngày nay có lẽ tiêu rồi, chưa biết chừng.

Nội một sự lập giáo hội đó cũng đủ thấy cái thế lực của Khổng giáo đã sa sút lắm, không đủ địch lại với cái phong trào ở ngoài, sợ mình thua mà bị diệt vong đi, nên mới lập hội đặng hiệp sức lại mà giữ. Song hễ cái gì nó đã không thích hiệp với đời, thì tức là đã đến ngày nó phải đi, dầu neo tầu cầm cũng không lại. Khổng giáo hội nầy cũng như “Bảo hoàng hội”, mà hai cái đều do tay họ Khương lập ra. Thuở nay, ông vua có cần ai lập hội mà bảo hộ ổng bao giờ, cái ngày lập hội mà bảo hoàng tức là cái ngày đức hoàng đế sắp bước từ trên ngai bước xuống vậy.

Trong mấy năm đầu Dân quốc cũng còn nghe Khổng giáo hội vọc vạch nọ kia. Nhứt là hồi Viên Thế Khải toan xưng đế, muốn lợi dụng Khổng giáo để được việc cho mình, bèn sức cho các trường học phải đọc kinh truyện, bấy giờ Khổng giáo hội hơi đắc thế được một độ. Nhưng sau khi Viên đổ rồi, hội ấy lại suy, rồi suy luôn cho đến giờ. Một đoạn lịch sử ngắn ngắn nầy lại đủ tỏ ra rằng Khổng giáo là bạn với quân quyền, là vây cánh cho cái chánh thể chuyên chế. Hễ quân quyền lụn bại, chánh thể chuyên chế hạ màn, thì Khổng giáo cũng không còn đứng với ai.

Thế mà trong khi phái thứ ba nổi lên đó, họ cố làm cho những chỗ hiệp với quân quyền chuyên chế trong Khổng giáo thay hình đổi dạng đi để giống với Tây học, khỏi trái với thời thế. Ngoài các sách của họ Khương làm ra, là sách đại để dựa theo Tây học mà giải kinh Khổng, có mấy điều Lương Khải Siêu đã biện bác, cũng nên thuật lại mà nghe. Như câu “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi” trong Luận ngữ, tiên nho đều giải rằng : Dân, có thể cho chúng nó noi theo được, mà không thể cho chúng nó biết được. Lương giải lại rằng : Dân trình độ khá, thì cho chúng nó noi theo ; còn chẳng khá thì phải cho chúng nó biết đã. Lại câu “Thiên hạ hữu đạo tắc thứ nhân bất nghị” vốn có ý là dân không được nghị luận đến việc chánh trị ; nhưng Lương giải ra là hồi bấy giờ mọi việc đâu vào đó, nhân dân không còn chỗ nào dị nghị được nữa. Phàm những điều ấy đều vì có ý “cải trang” cho Khổng giáo mà làm ra ; nhưng chỉ cải trang được một câu một lời mà thôi, cả sách vở của họ Khổng còn đó, còn có lời nầy dính dấp với lời kia, chỗ nầy đối chứng với chỗ khác, làm thế nào mà che đậy hết đi được ? Việc họ làm đó chẳng có công hiệu gì, chỉ càng tỏ ra Khổng giáo đã đến ngày đứng không vững, nên mới dựa vào lưng người khác vậy.

Cũng như ở ta đây, có nhiều người đã lấy câu “tứ hải chi nội giai huynh đệ dã” trong Luận ngữ mà cho rằng Khổng giáo cũng chuộng nghĩa bác ái, không phân biệt các chủng tộc trong loài người. Thật ra thì lời đoán ấy chưa chắc là đã phải. Cứ văn nghĩa của nội một câu đó cũng đã rõ rồi. Bởi vì, nói rằng “tứ hải chi nội” (nghĩa là trong bốn biển) thì rõ là chỉ trong một nước Tàu mà thôi, câu ấy chẳng khác nào nhìn mọi người cùng ở nước Tàu là anh em, chớ không hề nói đến người ở ngoài bốn biển. Huống chi trong kinh Xuân thu của đức Khổng làm ra, có một cái nghĩa lớn, kêu là “nội Trung quốc ngoại di địch”, lấy nước Tàu làm chủ mà ngoại các nước khác ra, cho là mọi rợ hết ; đã cho là mọi rợ mà còn nhìn là anh em được sao ? Vì quá ư tự tôn theo kiểu Xuân thu đó mà 5-7 mươi năm về trước nước Tàu và nước ta đều cho người Tây là mọi, cái lầm như cái trời ấy trải bao lâu mới tỉnh biết. Thế mà ngày nay ta còn xưng Khổng giáo là bác ái, chẳng qua thấy Gia-tô và Phật có cái nghĩa ấy rồi ta cũng kiếm lấy một cái tựa tựa để chưng ra cho có với đời mà thôi.

Lại cũng có người lấy câu “Dân quý quân khinh” mà cho rằng chính Mạnh Tử đã xướng ra dân quyền trước các học giả bên Tây. Kỳ thiệt có phải vậy đâu. Lời Mạnh Tử nói đó cũng giống như trong Kinh Thơ[6] nói rằng “dân duy bang bổn” (nghĩa là dân là cội gốc của nước) mà chỉ bạo hơn một chút. Nói vậy có ý khuyên người làm vua phải coi dân là trọng chớ chẳng hề có ý biểu vua phải nhường quyền cho dân. Coi cả sách Mạnh Tử, chỗ nào ổng cũng nói “bảo dân, dưỡng dân, mục dân”, nghĩa là nuôi dân như nuôi con, chăn dân như chăn trâu chăn dê vậy ; vậy thì dựa vào chỗ nào dám bảo rằng Mạnh Tử đã xướng dân quyền ? Đại phàm bàn về một cái giáo nghĩa nào một cái học thuyết nào, cũng phải như đứng vào chỗ rất cao mà ngó xuống cả toàn thể nó, rồi phán đoán mới trúng được ; chớ nếu thấy đâu nói đó, mượn một câu một lời, thì luôn luôn là sai lầm, dối mình và dối cả người nữa.

Nãy giờ nói hơi xa đề, nay xin tiếp theo khúc lịch sử đã kể trước.

Người Tàu thấy ba phái kia đối với cái vấn đề Khổng giáo gặp Âu hóa giải quyết lúng túng không xong, năm 1916 khởi đầu mới có cuộc cách mạng lớn về tư tưởng, tức gọi là “tân văn hóa vận động”. Bấy giờ mới có những người cất thân ra làm tròng bia chịu đạn như bọn Ngô Ngu, Trần Độc Tú[7] mà công kích Khổng giáo rất kịch liệt. Sau đó bèn có những sự cất tế điền họ Khổng ở Khúc Phụ và bỏ xuân đình thu đình không tế.

Người An Nam mình nghe những sự như vậy đều phải than thở, cho họ là làm bậy, quá nhẫn tâm.

Song phải hiểu mới được, phải biết tình thế nước người ta, nếu đã biết, thôi thì không trách. Bởi vì các nước lập hiến đời nay, trong hiến pháp nước nào cũng có điều nhân dân tín giáo tự do. Đã tín giáo tự do thì trong nước chắc có nhiều tông giáo. Trong nước đã nhiều tông giáo thì nhà nước không có thể tôn một cái giáo nào làm quốc giáo (religion nationale) được.Trong bản thảo hiến pháp của Tàu[8], nơi điều 11, cũng đã định rằng tín giáo tự do, thì lẽ nào nhà nước Tàu còn tôn thờ riêng một mình Khổng Tử ? Nếu còn đặt tế điền, còn tế lễ một năm hai kỳ ở văn miếu, thì thành ra nhà nước lấy Khổng giáo làm quốc giáo rồi, há chẳng trái với hiến pháp hay sao ? Nước Tàu cũng còn có mấy chục triệu dân không theo Khổng giáo mà theo các giáo khác, bọn ấy có dại đâu ngồi yên mà để cho chánh phủ làm như vậy ? Vì lẽ đó nước Pháp trong năm 1904 cũng truất Thiên Chúa giáo, không nhận làm quốc giáo nữa, hầu để tôn trọng hiến pháp và quyền tự do tín giáo của nhân dân. Thế nhưng, người mình đối với việc nước Pháp làm thì không ai nói chi ; còn thấy người Tàu làm, thì cho là làm bậy. Sự đó cũng không lạ mấy, vì An Nam đối với Khổng Tử có tình sâu nghĩa nặng hơn là đối với Jésus Christ.

Tuy vậy, hiến pháp nước Tàu, nơi điều 19, nói về việc quốc dân giáo dục, lại có nói rằng “lấy đạo Khổng Tử làm cái gốc lớn cho sự tu thân”. Theo ý riêng tôi thì sự đó rất phải, và cũng chẳng đến nỗi mâu thuẫn với điều 11 ; ấy vậy mà lúc bấy giờ trong nước Tàu nhao nhao lên,có nhiều người còn không chịu nữa, thế thì đủ biết cái sự người ta làm trên kia là sự vạn bất đắc dĩ vậy.

Cho đến năm ngoái đây, sau khi Chánh phủ Quốc dân thành lập tại Nam Kinh, trở lại hạ lịnh cho nhân dân phải tôn Khổng. Bởi vậy mà khắp trong nước ta, thấy Hoa Kiều đã làm lễ kỷ niệm Khổng Tử hai lần rồi. Sự nầy tôi không được biết cho rõ là thế nào, cứ theo dư luận người Tàu thì họ nói vì Tưởng Giới Thạch muốn thi hành cái lối độc tài (dictature) nên mới hạ cái lịnh ấy, nghe có lẽ lắm. Độ trước, tôi có viết trong Quần báo mà rằng : “Đối với Chánh phủ Nam Kinh, tôi vốn không ngờ vực gì cả ; nhưng từ khi chánh phủ ấy hạ lịnh tôn Khổng, tôi bèn bắt đầu nghi cho họ có giã tâm”, vì việc họ làm đó coi giống việc Viên Thế Khải đã làm năm xưa.

Cái lược sử Khổng giáo ở nước Tàu cùng cái văn minh Âu châu gặp nhau đầu đuôi như vậy. Coi đó thì biết cái gốc của Khổng giáo ngày nay đã lung lay. Có kẻ hay than vắn thở dài, sợ rằng đạo Thánh gặp phải cái thời khó khăn nầy rồi một ngày một suy diệt. Tôi thì tôi nói : Đổ cho thời a ? Có ai bắt đạo Thánh phải suy ? Suy là tại đạo Thánh không đủ sức trong mình để làm nên thạnh.

Nước Tàu còn có năm ba bọn trung với Khổng giáo, gặp cơn nguy biến, ra tay chống chải, hết phương nầy tìm phương khác, tuy không kéo lại được mà cũng còn tỏ cho thiên hạ biết rằng trong Khổng giáo vẫn có người. Đến nước ta thì hết chỗ nói ! Khổng giáo ở nước ta trong khi gặp văn minh Âu châu, hình như nó nằm sát rạt xuống, vừa khóc vừa rên, vừa ngửng đầu lên coi chánh phủ. Chánh phủ có để khoa cử thì cứ thi đậu làm quan chơi ; chánh phủ bỏ khoa cử thì cũng đau lòng mà khóc rên chút đỉnh ; nhưng đến khi chánh phủ lập trường ra bắt học chữ Pháp thì lại lau nước mắt mà cứ việc học, mong cho tốt nghiệp đặng làm quan. Rồi đến ngày nay đây, có thằng ngỗ nghịch là thằng tôi nó dám ra đương trường chỉ trích Khổng giáo, - để coi giạc chừng như, - cũng không ai thèm nóng mặt mà ra miệng hết. Ừ, nó nói ông Khổng Tử chớ nó có nói chi mình đâu, nó có động đến bát cơm của mình đâu mà hòng ra miệng ! Không dám dối độc giả, tôi viết đến đây, bỗng dưng hai hàng nước mắt trào ra trên giấy. Không phải tôi khóc vì Khổng giáo điêu tàn, nhưng tôi khóc, một là vì cái kẻ chỉ trích Khổng giáo lại là tôi, hai là vì ngó thấy cái tình đời bạc bẽo !

Vậy mà hễ nói đến Khổng giáo thì ai nấy đồng thanh bảo phải duy trì. Hôm trước đây thấy Chánh phủ Nam kỳ ra lịnh bắt dạy chữ nho mỗi tuần một giờ trong các trường, thì đã đua nhau cảm ơn và ca tụng ! Tôi chẳng biết nửa giờ chữ nho ấy mà nó có ích gì cho học trò, có ích gì cho Khổng giáo, có ích gì cho cái văn hóa tương lai của Việt Nam?

Mới đây, đọc một tờ báo quốc ngữ ở Hà Nội, trong có bài bàn về sự duy trì Khổng giáo, tôi thấy như thấy của quý, nên coi thử lập luận ra sao. Cái lý do của họ rất là đơn sơ, chỉ nói rằng nước Tàu ngày nay mà còn tôn Khổng, các bậc kỳ cựu họ vẫn lo bảo tồn Khổng giáo, thì ta cũng nên lấy họ làm gương. Nói như vậy thì thật chẳng có lý gì hết. Muốn duy trì Khổng giáo thì phải hiểu Khổng giáo là gì, cái địa vị của nó ngày nay ra sao, duy trì nó có ích lợi gì không, và làm cách nào mà duy trì ; chớ còn thấy người ta duy trì, mình cũng duy trì, thì chỉ nói cho vui tai đó vậy.

Trong bọn kỳ cựu Tàu đó, tôi biết có lão Ngô Trĩ Huy. Va năm nay ngoài 60 tuổi, đương làm ủy viên trong chánh phủ Nam Kinh, mà là một người phản đối Khổng Tử, hồi trước rất kịch liệt và lỗ mỗ. Trong văn tập chú va, có chỗ va nói rằng : “Cái học của Khổng Khưu là cái học ăn c...” (“Khổng Khưu khiết phẩn chi học”), vậy mà ngày nay va lại đồng tình với mấy ủy viên kia hạ cái lịnh tôn Khổng, thì tôi chẳng hiểu va là người gì ! Ông biểu tôi lấy thứ đồ kỳ cựu ấy mà làm gương cho tôi sao?

   




Chú thích

  1. a ă â Gia, Gia-giáo, Đạo nói ở đây đều trỏ Thiên Chúa giáo (cũng gọi Ki-tô giáo, Cơ-đốc giáo, Gia-tô giáo), tức là Christianisme nói chung, chưa phân biệt Catholicisme (Công giáo) hay Orthodoxie (chính thống giáo), Protestantisme (tân giáo, Tin lành)
  2. Đúng ra là Trương Chi Động (1837-1909), đại diện cho phái Dương Vụ cuối triều Thanh (theo Từ điển Nho Phật Đạo, bản dịch từ Hoa ngữ, Hà Nội: Nxb. Văn học, 2001)
  3. Bản gốc là “học tuy chưa...”, có lẽ in sai, ở đây sửa lại
  4. Hoặc Khang – Lương: gồm Khang Hữu Vi (1858-1927) và Lương Khải Siêu (1873-1829)
  5. Trần Hoán Chương (1881-1933) Tiến sĩ Nho học; lưu học đại học Columbia (Mỹ) lại đỗ Tiến sĩ; về nước sáng lập Khổng giáo hội, ra Khổng giáo hội tạp chí (1913), mở đại hội Khổng giáo toàn quốc ở Khúc Phụ, để xuất với Thượng viện và Hạ viện Trung Hoa dân quốc việc lập Khổng giáo làm quốc giá
  6. Kinh Thơ: tức là Kinh Thư (viết theo giọng đọc Nam Kỳ) chứ không phải Kinh Thi
  7. Ngô Ngu (1871-1949), học giả, thủ lĩnh tinh thần của phong trào “tân văn hóa” (phong trào Ngũ Tứ). Trần Độc Tú (1880-1942), học giả, một trong những người đề xướng “tân văn hóa”; là người sáng lập và tổng bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Trung Quốc (1921-27), sau trở thành người chống đảng
  8. Đây là nói dự thảo hiến pháp của Trung Hoa Dân Quốc, tức là chính thể nhà nước cộng hòa được thành lập sau Cách mạng Tân Hợi (1911), chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế ở Trung Quốc