Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật/Phụ lục

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Điều I[sửa]

(1) Những nước được coi là nước đang phát triển theo tập quán của Đại Hội đồng Liên hiệp Quốc nếu thấy hiện nay vì tình hình kinh tế cũng như các nhu cầu về văn hóa xã hội của mình chưa đủ khả năng ngay lập tức đảm bảo thực hiện tất cả những quyền quy định trong Đạo luật này, kèm theo Phụ lục như một thể thống nhất, thì khi phê chuẩn hoặc gia nhập Đạo luật này, hoặc vào một thời điểm sau đó, theo như quy định của Điều V(1)(c), phải gửi cho Tổng giám đốc một văn bản tuyên bố là mình sẽ chỉ tuân thủ những quy định ở Điều II, hoặc Điều III hoặc cả hai Điều đó. Nước đó cũng có thể ra tuyên bố theo quy định ở Điều V(1)(a), thay cho tuyên bố tuân thủ những quy định ở Điều II.

(2)

(a) Mọi tuyên bố theo quy định ở khoản (1), được thông báo trước khi hết thời hạn 10 năm, tính từ ngày bắt đầu có hiệu lực của những Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục này theo quy định của Điều 28(2), có giá trị cho đến hết thời hạn nói trên. Toàn bộ hoặc một phần của tuyên bố đó có thể mỗi lần được gia hạn thêm 10 năm tiếp theo, bằng một thông báo gửi cho Tổng giám đốc không quá 15 tháng nhưng không ít hơn 3 tháng trước khi hết hạn 10 năm hiện hành.
(b) Mọi tuyên bố theo quy định ở khoản (1) được thông báo sau khi hết thời hạn 10 năm tính từ ngày bắt đầu có hiệu lực của các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục này theo quy định của Điều 28(2) có giá trị cho đến khi hết thời hạn 10 năm hiện hành. Tuyên bố đó có thể được gia hạn như đã nói trong câu thứ hai của điểm (a) trên đây.

(3) Những nước thành viên Liên hiệp khi không còn được coi là nước đang phát triển như đã nói trong khoản (1) sẽ không còn quyền gia hạn tuyên bố của mình như đã quy định ở khoản (2) và dù có chính thức rút lui tuyên bố ấy hay không, nước đó vẫn không còn quyền sử dụng các quy định nêu trong khoản (1) kể từ ngày hết hạn 10 năm hoặc sau khi hết thời hạn ba năm kể từ ngày nước đó không còn được coi là nước đang phát triển. Hai thời hạn đó thời hạn nào dài hơn sẽ được áp dụng.

(4) Nếu vào thời điểm tuyên bố theo quy định ở khoản (1) hay (2) không còn giá trị nữa, nhưng còn tồn tại một số phiên bản đã được sản xuất nhờ vào giấy phép được cấp theo quy định của Phụ lục này, thì những phiên bản đó sẽ được phép tiếp tục lưu hành cho đến khi hết.

(5) Những nước bị ràng buộc bởi những quy định của Đạo luật này và đã nộp một tuyên bố hay một thông báo theo quy định của Điều 31(1) về việc áp dụng Đạo luật ở một lãnh thổ nào đó có hiện trạng tương tự với hiện trạng các nước nói ở khoản (1) đều có thể ra tuyên bố như đã nói ở khoản (1) và thông báo gia hạn như đã nói ở khoản (2). Chừng nào những tuyên bố hay thông báo này còn có giá trị thì các điều khoản của Phụ lục vẫn được áp dụng cho lãnh thổ nói trên.

(6)

(a) Một điều thực tế là khi một nước chấp nhận những quy định nêu ra trong khoản (1) thường không cho phép một nước khác được giảm sự bảo hộ dưới mức đã xác định theo các Điều từ 1 đến 20 đối với các tác phẩm có nước gốc là nước đã nêu ở trên.
(b) Quyền đối xử có đi có lại được quy định ở Điều 30(2)(b), câu thứ hai, không được áp dụng với các tác phẩm có nước gốc là nước đã ra tuyên bố về Điều V(1)(a) cho đến khi hết thời hạn như quy định ở Điều I(3).

Điều II[sửa]

(1) Một nước khi đã tuyên bố áp dụng quy định nêu trong Điều khoản này, đối với các tác phẩm đã xuất bản dưới dạng in ấn hoặc các dạng sao in tương tự được phép thay thế quyền dịch quy định trong Điều 8 bằng một quy chế cấp giấy phép không độc quyền và bất khả nhượng, do cơ quan có thẩm quyền cấp, theo các điều kiện dưới đây và phù hợp với Điều IV.

(2)

(a) Tuân thủ quy định ở khoản (3), sau khi mãn hạn 3 năm, hoặc một thời hạn dài hơn do luật pháp quốc gia nói trên quy định, kể từ lần xuất bản đầu tiên của tác phẩm, nếu người sở hữu quyền dịch không dịch hoặc không ủy thác dịch tác phẩm đó sang một ngôn ngữ thông dụng trong nước đó, thì bất kỳ công dân nào của nước nói trên đều có thể xin giấy phép để dịch tác phẩm đó sang ngôn ngữ đã nói và xuất bản bản dịch dưới dạng in ấn hay các dạng sao in tương tự.
(b) Giấy phép có thể cấp theo quy định của Điều này, nếu tất cả những ấn bản của bản dịch sang thứ tiếng nói trên đã tiêu thụ hết.

(3)

(a) Trong trường hợp dịch sang một thứ tiếng không thông dụng trong một hay nhiều nước phát triển thuộc Liên hiệp, thì thời hạn chỉ là một năm, thay cho thời hạn ba năm quy định ở khoản (2)(a).
(b) Với sự chấp thuận của toàn bộ các nước phát triển là thành viên Liên hiệp có cùng một ngôn ngữ thông dụng chung, một nước nêu ở khoản (1) trên đây nếu muốn dịch một tác phẩm sang ngôn ngữ đó, có thể thay thế thời hạn 3 năm nói trong khoản (2)(a) bằng một thời hạn ngắn hơn theo thoả thuận, tuy nhiên thời hạn này không được dưới một năm. Tuy nhiên các điều khoản đưa ra trong câu trên đây không áp dụng trong trường hợp ngôn ngữ đó là tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha. Các Chính phủ ký kết những thoả thuận nói trên phải thông báo cho Tổng giám đốc về những thoả thuận đó.

(4)

(a) Những giấy phép nói ở Điều này sẽ không được cấp trước khi hết một thời hạn phụ thêm là 6 tháng, nếu thời hạn chính để được cấp là 3 năm và là 9 tháng, nếu thời hạn chính để được cấp là 1 năm và được tính
(i) từ ngày người xin giấy phép hoàn thành các thủ tục nêu trong Điều IV(1), hoặc là,
(ii) nếu không xác định được danh tích và địa chỉ của người sở hữu quyền dịch, thì kể từ ngày người xin gửi, theo quy định ở Điều IV(2) các đơn xin phép lên cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
(b) Trong thời hạn 6 tháng hay 9 tháng nói trên, nếu một bản dịch sang thứ tiếng đang xin, đã được người sở hữu quyền dịch hoặc người được ủy thác xuất bản, thì không cấp thêm giấy phép nào nữa theo quy định của Điều này.

(5) Giấy phép cấp theo Điều này chỉ được cấp để phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

(6) Nếu người sở hữu quyền dịch hoặc người được ủy thác đã xuất bản bản dịch và bán với giá tương đương giá bán thông thường tại nước đó đối với các tác phẩm tương tự, và nếu bản dịch đó là bản dịch ra cùng thứ tiếng cùng một nội dung với bản dịch đã cho phép, thì bất cứ giấy phép nào được cấp theo quy định của Điều này đều bị đình chỉ. Những bản đã in ra trước khi đình chỉ giấy phép được phép tiếp tục phát hành cho đến khi hết.

(7) Đối với các tác phẩm mà phần chính là hình ảnh thì giấy phép dịch và xuất bản dịch phần ngôn ngữ cũng như in lại và xuất bản các hình ảnh chỉ có thể được cấp nếu các điều kiện nêu ra ở Điều III được thoả mãn.

(8) Không được cấp một giấy phép nào theo Điều này một khi tác giả đã thu hồi tất cả các phiên bản đã lưu hành của tác phẩm của mình.

(9)

(a) Giấy phép dịch một tác phẩm đã được xuất bản dưới hình thức in ấn hay sao in, có thể vẫn được cấp cho một cơ quan phát sóng có trụ sở trong một nước nói ở khoản (1) nếu cơ quan đó gửi đơn xin phép cơ quan có thẩm quyền trong nước nói trên, với điều kiện phải đảm bảo những yêu cầu sau đây:
(i) bản dịch phải được dịch ra từ một ấn phẩm và ấn phẩm đó được mua một cách hợp pháp theo quy định của luật pháp của nước nói trên;
(ii) bản dịch chỉ dùng cho mục đích phát sóng phục vụ giảng dạy hoặc phổ biến các thông tin khoa học, kỹ thuật tới các chuyên gia của một ngành cụ thể nào đó;
(iii) bản dịch đó chỉ được phục vụ cho những mục đích nói ở đoạn (ii) thông qua các buổi phát sóng hợp pháp và dành cho thính giả trên lãnh thổ của các nước nói trên, kể cả việc phát sóng các bản ghi âm hay ghi hình hợp pháp, và chỉ phục vụ mục đích phát sóng mà thôi;
(iv) các bản dịch đó đều không được sử dụng cho mục đích thương mại.
(b) Các bản ghi âm hay ghi hình của một bản dịch do một cơ quan phát sóng thực hiện theo giấy phép cấp theo quy định của khoản này theo mục đích và quy định của điểm (a), và nếu cơ quan sở hữu cho phép, cũng có thể được sử dụng bởi bất kỳ một cơ quan phát sóng nào khác có trụ sở trong nước mà cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép đó.
(c) Nếu đáp ứng được đầy đủ tất cả các tiêu chuẩn và điều kiện nêu trong điểm (a) thì cũng có thể cấp giấy phép cho một cơ quan phát sóng để dịch các văn bản có trong một tác phẩm nghe nhìn nhằm phát hành với mục đích duy nhất là phục vụ giảng dạy các cấp.
(d) Tuân thủ những quy định ở những điểm từ (a), đến (c), các quy định ở các điểm khác trên được áp dụng để cấp và thực thi các giấy phép được cấp theo quy định của khoản này.

Điều III[sửa]

(1) Những nước đã đưa ra tuyên bố công nhận các quy định trong Điều này sẽ được phép thay thế quyền sao in theo qui định ở Điều 9 bằng một qui chế cấp phép không độc quyền và bất khả nhượng, do cơ quan có thẩm quyền cấp với những điều kiện dưới đây và phù hợp với Điều IV.

(2)

(a) Nếu một tác phẩm tuân thủ quy định của Điều này theo quy định ở khoản (7) sau khi đã hết hạn:
(i) quy định ở khoản (3), tính từ lần xuất bản đầu tiên của tác phẩm, hoặc là
(ii) hết một thời hạn dài hơn do Luật pháp quốc gia nói ở khoản (1) quy định và cũng tính từ ngày đó thì nếu ấn bản đó chưa được chính người giữ quyền sở hữu hoặc người được ủy thác phát hành tới công chúng ở nước nói trên với giá tương đương với giá bán thông thường tại nước đó đối với các tác phẩm tương tự hoặc chưa đưa ra phục vụ giảng dạy có hệ thống, thì bất cứ người dân nào của nước đó cũng có thể xin phép sao in và xuất bản ấn bản đó để bán cùng một giá hoặc rẻ hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy một cách có hệ thống.
(b) Giấy phép có thể cấp theo những điều kiện quy định trong Điều này để sao in và xuất bản một ấn bản đã được phát hành như đã nói ở điểm (a) nếu trong vòng 6 tháng tính từ khi hết hạn không còn một ấn bản nào để bán cho công chúng hoặc phục vụ nhu cầu giảng dạy có hệ thống với giá tương đương với giá bán thông thường tại nước đó đối với các tác phẩm tương tự.

(3) Thời hạn nói ở khoản (2)(a)(i) là 5 năm. Trừ những trường hợp sau đây:

(i) thời hạn đối với những tác phẩm khoa học tự nhiên kể cả toán học và công nghệ là 3 năm.
(ii) đối với các tác phẩm khoa học viễn tưởng, thơ ca, kịch, âm nhạc và các sách về nghệ thuật, thời hạn là 7 năm.

(4)

(a) Không cấp giấy phép sau 3 năm, theo quy định của Điều này nếu chưa hết thời hạn 6 tháng
(i) tính từ ngày người xin phép làm xong các thủ tục quy định ở Điều IV(1) hoặc
(ii) nếu không xác định được danh tích hay địa chỉ của người sở hữu quyền tái bản, thì thời hạn 6 tháng được tính từ khi người xin phép đã gửi đơn lên cơ quan có thẩm quyền cấp phép, theo quy định ở Điều IV(2).
(b) Trong những trường hợp khác và nếu Điều IV(2) được áp dụng thì giấy phép không được cấp trước khi kết thúc thời gian chờ đợi là 3 tháng kể từ ngày gửi đơn xin cấp phép.
(c) Trong thời gian 6 hoặc 3 tháng chờ đợi theo qui định ở điểm (a) và (b) nếu tác phẩm được đem bán như đã nói ở khoản (2)(a) thì việc cấp phép theo Điều này bị đình chỉ.
(d) Việc cấp phép cũng bị đình chỉ một khi tác giả đã thu hồi tất cả các ấn bản được phép sao in và xuất bản.

(5) Việc cấp phép sao in và xuất bản bản dịch một tác phẩm theo Điều này cũng bị đình chỉ trong những trường hợp sau đây:

(i) khi bản dịch đó không phải do người sở hữu quyền dịch hoặc người được ủy thác xuất bản hoặc
(ii) khi bản dịch không phải là ngôn ngữ thông dụng ở nước xin phép cấp giấy phép.

(6) Nếu các ấn bản của một tác phẩm được người sở hữu quyền tái bản hoặc người được ủy thác phát hành ở nước nói ở khoản (1) tới công chúng hoặc phục vụ giảng dạy có hệ thống với một giá tương đương với giá bán thông thường đối với những tác phẩm tương tự, thì mọi giấy phép đã được cấp theo Điều này sẽ bị đình chỉ nếu ấn bản đó có cùng một ngôn ngữ và cùng một nội dung như ấn bản được xuất bản theo giấy phép. Những ấn bản đã in trước khi giấy phép bị đình chỉ được phép tiếp tục lưu hành cho đến khi hết.

(7)

(a) Tuân thủ quy định ở điểm (b) những điều nói về các tác phẩm trong Điều này chỉ áp dụng đối với các tác phẩm xuất bản dưới dạng in ấn hay sao in tương tự.
(b) Điều này cũng áp dụng cho việc sao bản dưới hình thức nghe nhìn những băng, phim thực hiện hợp pháp và được coi là tác phẩm được bảo hộ. Nó cũng áp dụng cho việc dịch văn bản kèm theo sang ngôn ngữ thông dụng trong nước xin giấy phép; với điều kiện các băng, phim nói trên được thực hiện và xuất bản với mục đích duy nhất là phục vụ giảng dạy có hệ thống.

Điều IV[sửa]

(1) Mọi giấy phép đã nói ở Điều II và Điều III chỉ có thể được cấp nếu người xin phép theo đúng các thể thức hiện hành ở nước hữu quan, minh chứng được rằng mình đã xin sự ủy thác của người sở hữu quyền dịch và xuất bản, hoặc sao in và xuất bản nhưng đã bị từ chối, hoặc là sau khi đã làm hết cách mà không tìm được người sở hữu quyền đó. Đồng thời với việc xin phép, người xin cũng phải thông báo cho bất cứ trung tâm thông tin quốc gia hay quốc tế nào theo như quy định ở khoản (2).

(2) Nếu không tìm được với người sở hữu quyền, thì người xin phải gửi bảo đảm máy bay bản sao các đơn từ đã nộp cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, cho Nhà xuất bản có tên in trên tác phẩm, cũng như cho trung tâm thông tin quốc gia hoặc quốc tế mà trung tâm này đã được Chính phủ của nước nơi Nhà xuất bản đặt trụ sở hoạt động chỉ định bằng một thông báo gửi cho Tổng giám đốc.

(3) Tên tác giả phải được nêu rõ trên tất cả các ấn phẩm dịch hay bản sao in được xuất bản theo giấy phép theo quy định của Điều II hoặc Điều III. Tên tác phẩm phải được ghi trên ấn phẩm. Nếu là bản dịch thì tên tác phẩm gốc cũng phải được ghi trên ấn phẩm.

(4)

(a) Giấy phép cấp theo Điều II hay Điều III không quy định cho phép xuất cảng ấn phẩm. Giấy phép chỉ có giá trị cho phép xuất bản các bản dịch hoặc tái bản trong nội địa của quốc gia nơi giấy phép đã được cấp.
(b) Để làm rõ những quy định ở điểm (a) khái niệm xuất cảng bao gồm cả việc gửi các ấn phẩm từ một vùng lãnh thổ nào đó tới một nước đã tuyên bố tuân thủ Điều I(5).
(c) Khi một cơ quan Chính phủ hay một công sở nào của nước đã cấp giấy phép theo Điều II để dịch sang một thứ tiếng khác không phải là tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha, gửi các ấn phẩm dịch xuất bản theo giấy phép đó sang một nước khác, thì việc gửi đó sẽ không bị coi là xuất cảng như đã nói ở điểm (a), nếu như những điều kiện sau đây được thoả mãn:
(i) người nhận là các cá nhân, công dân của nước có cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nói trên, hoặc là những tổ chức có các công dân đó;
(ii) các ấn phẩm đó chỉ phục vụ mục đích giảng dạy hoặc nghiên cứu;
(iii) việc gửi các ấn phẩm và việc phân phát cho các người nhận không phục vụ cho mục đích thương mại; và,
(iv) nước nhận các ấn phẩm đó đã ký một thoả ước với nước nơi có cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép, để được quyền nhận hoặc phân phát hoặc quyền vừa nhận vừa phân phát. Chính phủ của nước cấp giấy phép đã thông báo lên Tổng giám đốc về Thoả ước đó.

(5) Trên tất cả các ấn phẩm xuất bản theo giấy phép cấp theo quy định của Điều II hay Điều III đều phải ghi chú bằng thứ ngôn ngữ thích hợp, nêu rõ là các bản đó chỉ được lưu hành ở nước hay lãnh thổ mà giấy phép nói trên quy định.

(6)

(a) Những biện pháp thích đáng được áp dụng trên bình diện quốc gia nhằm bảo đảm rằng:
(i) giấy phép đó mang lại cho người sở hữu quyền dịch hay quyền tái bản sự đền bù cân xứng, với tiêu chuẩn nhuận bút phải trả cho tác giả trong trường hợp những giấy phép được hai bên trong hai nước hữu quan tự do thoả thuận với nhau;
(ii) tiền đền bù được trả và chuyển đến tác giả. Nếu quốc gia đó có sự hạn chế về trao đổi ngoại tệ thì cơ quan có thẩm quyền bằng mọi cách vận dụng các guồng máy quốc tế nhằm đảm bảo việc chuyển tiền nhuận bút bằng một ngoại tệ chuyển đổi được trên thị trường quốc tế hoặc bằng loại tiền tương đương.
(b) Những biện pháp thích đáng sẽ được áp dụng trên cơ sở luật pháp quốc gia để đảm bảo có được bản dịch đúng, hoặc bản sao in chính xác của tác phẩm.

Điều V[sửa]

(1)

(a) Những nước được quyền tuyên bố tuân thủ những quy định ở Điều II, khi phê chuẩn hay gia nhập Đạo luật này, thay cho tuyên bố đó, có thể:
(i) ra tuyên bố về quyền dịch theo quy định của Điều 30(2)(a), nếu nước đó tuân thủ điều này
(ii) ra tuyên bố như đã nói ở câu thứ nhất của Điều 30(2)(b) nếu là một nước không áp dụng Điều 30(2)(a), hoặc nước đó không phải là một nước ngoài Liên hiệp.
(b) Trong trường hợp một nước không còn được coi là nước đang phát triển theo Điều I(1), việc tuyên bố tuân thủ khoản này có hiệu lực cho đến khi hết thời hạn đã quy định ở Điều I(3).
(c) Nước nào đã ra tuyên bố tuân thủ khoản này cho dù nước đó có thu hồi tuyên bố này đi chăng nữa sau đó cũng không được tuyên bố tuân thủ Điều II.

(2) Tuân thủ quy định ở khoản (3), nước nào đã tuyên bố tuân thủ Điều II thì sau đó không được tuyên bố tuân thủ khoản (1) nữa.

(3) Một nước khi không còn được coi là nước đang phát triển theo Điều I(1) chậm nhất là hai năm trước khi chấm dứt thời hạn quy định ở Điều I(3) có thể ra tuyên bố tuân thủ câu đầu của Điều 30(2)(b) cho dù nước đó không phải là một nước thuộc Liên hiệp. Tuyên bố này có hiệu lực ngay khi hết thời hạn quy định theo Điều I(3).

Điều VI[sửa]

(1) Mỗi nước thuộc Liên hiệp, kể từ ngày thông qua Đạo luật này và vào bất kỳ thời gian nào trước đó khi bị ràng buộc bởi các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục này, đều có thể tuyên bố:

(i) Nếu là một nước khi bị ràng buộc bởi các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục, được phép sử dụng những khả năng nêu trong Điều I (1), có thể ra tuyên bố rằng mình sẽ áp dụng những quy định ở Điều II hay Điều III, hoặc là cả hai, cho những tác phẩm có nước gốc là một nước theo quy định ở điểm (ii) dưới đây, với điều kiện nước này chấp nhận áp dụng các Điều khoản này cho những tác phẩm đã nói, hoặc là một nước bị ràng buộc bởi các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục. Tuyên bố nói trên có thể làm theo quy định của Điều V thay cho Điều II;
(ii) ra tuyên bố rằng mình chấp nhận để các nước đã tuyên bố tuân thủ điểm (i) trên đây hoặc đã thông báo tuân thủ Điều I, áp dụng Phụ lục này cho những tác phẩm xuất xứ từ nước mình.

(2) Những tuyên bố tuân thủ khoản (1) phải là một văn bản và phải gửi cho Tổng giám đốc. Tuyên bố đó sẽ có hiệu lực kể từ ngày nộp.