Bước tới nội dung

Cổ xúy nguyên âm/Cuốn thứ nhứt/I-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CỔ-XUÝ NGUYÊN-ÂM

LỐI VĂN THƠ NÔM


I — THI LUẬT

(Thất-ngôn ngũ-ngôn)


Thơ chia làm nhiều lối, nhưng có hai lối thường dùng:

1° — thơ 7 chữ gọi là thơ thất-ngôn;

2° — thơ 5 chữ gọi là thơ ngũ-ngôn.

Tứ-tuyệt, bát-cú. — Thất-ngôn, ngũ-ngôn mỗi bài có 4 câu, gọi là tứ-tuyệt; mỗi bài 8 câu gọi là bát-cú.

Trong bài thơ có mấy vần? — Ngũ-ngôn làm bốn câu thì phải 2 hay 3 vần; tám câu thì phải 4 hay 5 vần; 16 câu thì phải 8 hay 9 vần.

Thất-ngôn làm bốn câu thì phải 2 hay 3 vần; tám câu thì phải 5 vần.

Thơ làm theo Đường-luật. — Thơ làm theo vần mà phải có thể-cách bằng trắc chừng ấy câu, chừng ấy vần như đã nói ở trên, thì gọi là thơ Đường-luật, nghĩa là luật đó mới tự đời nhà Đường đặt ra, rồi sau cứ tuân đó mà làm luật nhứt định cho nhà làm thơ.

Tràng-thiên cổ-thể — Còn như thơ thất-ngôn mà ngoại 8 câu, ngũ-ngôn mà ngoại 16 câu, không cứ gì điệu bằng trắc, thì gọi là tràng-thiên cổ-thể.

Đây xin nói về lối thất-ngôn Đường-luật như sau này:

Thất-ngôn Đường-luật

Thất-ngôn bát-cú. — Thơ thất-ngôn làm theo luật Đường mỗi câu bảy chữ đủ cả 8 câu, kể như sau này:

Câu thứ I là câu phá-đề, nghĩa là phá vỡ đầu đề mà nói tóm tắt cả đại ý lên trước.

Câu thứ II là câu thừa-đề, hoặc gọi là nhập-đề, nghĩa là thừa ý câu phá mà nói vào đầu đề; hai câu phá, thừa này không cần phải đối.

Câu thứ III, thứ IV là hai câu thực, nói thích thực nghĩa bài cho rõ, hoặc tả cảnh, hoặc tả tình, cũng phải nói vẽ ra như thực, hai câu này phải đặt đối với nhau.

Câu thứ V, thứ VI là hai câu luận, bàn luận ý đầu bài mà câu thực nói chửa hết, thì lại bàn thêm ra cho rộng, hai câu này lại đối với nhau.

Câu thứ VII, thứ VIII là hai câu kết, nghĩa là nói tổng-kết cả ý bài lại, hay là nẩy thêm ra ý khác nữa thì càng hay, hai câu kết này cũng không phải đối.

Thất-ngôn tứ-tuyệt. — Còn như thơ thất-ngôn tứ-tuyệt chỉ có 4 câu 3 vần mà thôi, thì không cần phải đối. Song có khi hai câu đầu làm đối nhau ngay, thì câu đầu tiên không phải vần nữa, chỉ có 2 vần ở về cuối câu thứ hai và cuối câu thứ tư mà thôi. Nhưng phải nói nhứt-khí, nghĩa là nói sao cho chuốt một hơi.

Làm thơ phải theo luật. — Trước khi làm thơ cần phải phân biệt tiếng bằng, tiếng trắc, để biết cho rõ luật bằng, luật trắc, rồi cứ theo luật mà làm.

Thể thơ bằng trắc có 2 luật: Một luật bằng, một luật trắc, nay xin lấy chữ (b) để tắt cho tiếng bằng, chữ (t) để tắt cho tiếng trắc, chữ (v) để tắt cho tiếng vần, mà kể ra sau này:

Thơ có hai luật

Thất ngôn luật bằng

B b, t t, t b v,
T t, b b, t t v.
T t, b b, b t t,
B b, t t, t b v.
B b, t t, b b t,
T t, b b, t t v.
T t, b b, b t t,
B b, t t, t b v.

Thất ngôn luật trắc

T t, b b, t t v,
B b, t t, t b v.
B b, t t, b b t,
T t, b b, t t v.
T t, b b, b t t,
B b, t t, t b v.
B b, t t, b b t,
T t, b b, t t v.

Thất-luật

Thơ làm sai luật gọi là thất-luật. — Luật bằng, luật trắc tuy rằng như vậy, nhưng trong mỗi câu có 7 chữ, thì chữ thứ I và chữ thứ III không cần phải đúng tiếng bằng trắc như luật. Còn ra những chữ thứ II, thứ IV, cùng chữ thứ V, VI, VII, tiếng bằng, tiếng trắc phải đúng theo luật. Nếu sai bằng trắc chữ nào, thì gọi là thất-luật.

Niêm luật, thất niêm

Niêm luật. — Thơ làm theo luật bằng, hay luật trắc, đã theo luật nào thì trong tám câu những chữ thứ hai tiếng bằng hay là tiếng trắc phải niêm theo về một luật nấy.

Thí dụ làm theo luật bằng, thì những chữ thứ hai ở trong tám câu phải lần lượt theo như thế này: « Bằng, trắc, trắc, bằng, bằng, trắc, trắc, bằng. »

Làm theo về luật trắc, thì những chữ thứ hai trong tám câu phải lần lượt theo như thế này: « Trắc, bằng, bằng, trắc, trắc, bằng, bằng, trắc » như thế gọi là niêm-luật.[1]

Thất-niêm. — Nếu bốn câu trên theo luật bằng, mà bốn câu dưới lại lẫn sang luật trắc, thí dụ như câu thứ nhứt chữ thứ hai bằng, thế là theo luật bằng; tới câu thứ năm chữ thứ hai lại dùng tiếng trắc, đó là lại theo luật trắc, thì gọi là thất-niêm, nghĩa là luật bằng lẫn sang luật trắc, hay luật trắc lẫn sang luật bằng, cũng đều sai luật cả.

Hay là câu phá đã làm theo luật bằng, chữ thứ hai bằng; tới câu thừa-đề tiếp theo, hay câu thích-thực thứ ba, mà chữ thứ hai lại dùng tiếng bằng, thế cũng gọi là thất-niêm, không được.

Thí dụ luật bằng

Bài tả cảnh già

(Quan Tam-nguyên Yên-đổ)

Thứ I phá: Nhớ từ năm trước hãy thơ ngây,
II thừa: Phút chốc mà già đã đến ngay.
III thích Mái tóc chùm đen, chùm lốm đốm,
IV thực: Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay.
V bàn Lập lờ bốn mắt tranh mờ, tỏ,
VI luận: Khấp khểnh ba chơn dở tỉnh, say.
VII tổng Còn một nỗi này thêm chán ngắt!
VIII kết: Đi đâu dở những cối cùng chầy.

Nhứt, tam bất luận

Bài thí dụ trên này làm theo luật bằng, nên câu thứ nhứt: « Nhớ từ (b) năm trước (t) hãy (t) thơ (b) ngây (v). Đó là làm theo luật bằng nên câu thứ nhứt chữ thứ II (từ) phải bằng. Còn chữ thứ I đầu câu đáng lẽ cứ theo chữ thứ II thì phải dùng tiếng bằng, nhưng trắc (nhớ) cũng được; chữ thứ III đáng lẽ cứ theo chữ thứ IV thì phải dùng tiếng trắc, nhưng bằng (năm) cũng được; đó là (nhứt tam bất luận,) nghĩa là trong 8 câu thơ về những chữ thứ I, thứ III không cần đúng hẳn bằng trắc như luật; còn thì phải theo như luật cả vân vân.

Khổ-độc. — Song le theo lối thơ thường làm tuy rằng (tam bất luận,) nghĩa là chữ thứ III đáng trắc trắc mà dùng bằng trắc cũng được; chớ như đáng bằng bằng mà dùng trắc bằng, thì khó đọc mà không có âm hưởng, vậy nên gọi là khổ-độc, cũng không được.

Làm thơ trước phải lập ý, cùng những câu nên đối, câu không nên đối

Làm thơ trước hết phải lập ý, thí dụ như bài thơ trên này là vịnh cảnh già, thứ I là câu phá-đề, nên mới nói lại từ thủa trẻ, để lung động ý đề lên trước; tới câu thứ II là câu nhập-đề, mới chuyển tới cảnh già, hai câu đó không phải đối cũng được.

Câu thứ III, thứ IV thì lấy mái tóc lốm đốm đối với hàm răng lung lay, là thực tả cảnh già, hai câu đó phải đối với nhau.

Thứ V, thứ VI thì nói tới già phải đeo kính đối với già phải chống gậy, là bàn rộng thêm ra cho rõ ý cảnh già, hai câu đó cũng đối với nhau.

Thứ VII, thứ VIII là tổng kết ý bài, mà nói đến già phải giã giầu, thì thực là chán cảnh già lắm, nhưng lại có ý bóng rằng chán những sự nói chầy, nói cối, hai câu đó thì không phải đối.

Đó là tả cảnh già mà lập ý bài diễn ra như vậy, giá mà vịnh mùa xuân thì lại tả cảnh mát mẻ; vịnh mùa hè thì lại tả cảnh nòng nực; vịnh lúc vui thì tả tình phong nhã; vịnh lúc buồn thì tả tình rầu rĩ; đầu bài thế nào thì tùy ý mà thích thực, bàn luận ra thế ấy. Nhưng trước hết phải lập ý, rồi sau dàn ra mà làm, ý nào nên trước thì để trước, ý nào nên sau thì để sau, đại-khái xem như bài đã thí dụ ở trên.

Thí dụ luật trắc

Qua đèo Ngang tức cảnh

(Bà Thanh-quan)

Qua đỉnh đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom-khom dưới núi tiều và chú,
Lác-đác bên sông chợ mấy nhà.
Luyến chúa đau lòng con quốc-quốc,
Thương người[2] mỏi miệng cái gia-gia.[3]
Dừng chơn đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Bài thí dụ này là làm theo luật trắc, nên câu đầu: « Qua đỉnh (t) đèo Ngang (b) bóng (t) xế (t) tà (v). Đó là làm theo luật trắc nên câu thứ nhứt chữ thứ II (đỉnh) phải trắc. Còn chữ thứ I đầu câu đáng lẽ cứ theo chữ thứ II thì phải dùng tiếng trắc, nhưng bằng (qua) cũng được, xem như lối (nhứt bất luận) đã nói ở trên thì hiểu. Còn những chữ thứ III, IV, V, VI, VII, dùng tiếng bằng, tiếng trắc, đều phải theo luật cả như đã kể ở trên.

Đại ý lối thơ tức cảnh

Bài thơ trên này là qua đèo tức cảnh, nên câu phá-đề nói ngay tới đèo Ngang, đó là lối khai-môn kiến-sơn, nghĩa là mở cửa ra trông thấy núi ngay, mà phá-đề thì nói tới đề ngay; kế tới câu thừa-đề thì mới tả tới cảnh núi non, hoa cỏ.

Câu thứ III thứ IV thì tả cảnh trời chiều mà mắt mình trông thấy, như là: Tiều-phu lom-khom, quán chợ lác đác.

Câu thứ V, thứ VI thì tả tình thương nhớ mà tai mình nghe tiếng, như là: Con quốc-quốc luyến chúa, cái gia-gia thương nhà.

Đến hai câu kết thì lại tổng kết cả tình cảnh trong khi trèo đèo một mình, chỉ trông thấy một trời một nước cùng một ta mà thôi, dư-ý biết là dường nào.

Đó là lối thơ chơi tức cảnh, tùy lúc qua chơi cảnh nào thì vịnh cảnh nấy; chơi núi non, sông nước, thì tả cảnh núi non, sông nước; chơi chùa thì tả cảnh chùa; chơi hội thì tả cảnh hội vân vân; đại khái xem như bài đã thí dụ ở trên.

Ngũ bất luận

Bài qua đèo Ngang trên này, câu thứ VIII: « Một mảnh tình riêng ta với ta », chữ thứ V đáng lẽ phải dùng tiếng trắc thì mới hiệp luật; nhưng bằng (ta) cũng được, đó là (ngũ bất luận), nghĩa là chữ thứ V cũng không cần phải đúng như luật. Nhưng trong 8 câu thơ, họa là có một đôi khi mới dùng chữ thứ V trái luật như vậy.

Áp vần

Hiệp âm đúng vần. — Trong bài thơ những chữ cuối cùng câu thứ nhứt, thứ nhì, thứ tư, thứ sáu, thứ tám, phải theo vần nhau, mà cốt phải áp-vần[4] hiệp với nhau cho đúng, thí dụ như bài tả cảnh già áp những vần này: « Ngây, ngay, lay, say, chầy; » bài qua đèo Ngang áp những vần này: « Tà, hoa, nhà, gia, ta; » đó là làm theo đúng vần.

Hiệp âm lạc vần. — Nếu trong một bài câu thứ I hạ vần (ngây), mà câu thứ II lại hạ vần (), như thế là hiệp âm không đúng vần, thì gọi là lạc-vận.

Âm vận không nên cưỡng-áp. — Tiếng quốc-âm nước ta chửa có đặt ra thành quyển Tập-vận, vậy nên làm thi-ca chỉ đánh vần thuận miệng mà thôi. Nhưng trong ngũ-âm đều có âm-hưởng tự-nhiên, phải nên hiệp âm cho đúng vần mới được. Nếu thanh-âm hơi trạnh một tí, như là vần (nay) hiệp với vần (người), vần (ngày) hiệp với vần (ai) thì là cưỡng-áp, nghĩa là làm gượng không hiệp vần cũng không được.

Hiệp âm theo vần quốc-ngữ. — Vậy ta nay nên theo vần quốc-ngữ mà hiệp âm cho đúng mới phải, thí dụ như vần (am), thì hiệp theo (bam), (cam), (dam), (đam), là về một vần. — Vần (ăm), thì hiệp theo (băm), (căm), (dăm), (đăm), là về một vần. — Vần (âm), thì hiệp theo (bâm), (câm), (dâm), (đâm), là theo về một vần.

Nếu vần (am) mà hiệp với vần (âm), hay là vần (gầm) mà hiệp với vần (nam), đều là cưỡng-áp cả, không được.

Đây là nói qua đó mà thôi, sau này chúng tôi sẽ có soạn ra được quyển Quốc-âm tập-vận đích đáng, xin trình chư vị quân-tử sửa soạn lại cho, rồi sẽ đem in ra để các nhà làm thơ tiện lãm.

Từ điệu

Điệu thơ cốt phải êm-ái, điển-nhã; quốc-âm nước ta cũng có tiếng thanh, tiếng trọc, tiếng bóng-bảy, tiếng thô-tục, làm thơ thì cốt tìm những tiếng thanh-nhã, bóng-bảy, mà hiệp lại thành câu, cân nhắc cho thanh-âm, từ-điệu hiệp với nhau, rồi đọc đi đọc lại nghe rõ êm tai, thì mới là được; mà nhứt là những chữ nhỡn-tự thì lại càng phải thôi xao[5] cho kỹ; thí dụ như sau này:

Vịnh nước lụt
(Quan Tam-nguyên Yên-đổ)

Quai Mễ Thanh-liêm[6] đã lở rồi,
Vùng ta, thôi cũng lụt mà thôi.
Gạo, năm ba bát, cơ còn kém,
Thuế, một hai nguyên, dáng chửa đòi.
Tiếng sáo vo-ve chiều nước vọng,
Chiếc thuyền len-lỏi bóng trăng trôi.
Đi đâu cũng thấy người ta nói:
Mười chín năm nay lại cát bồi.

Nhỡn-tự. — Đại khái như bài trên này câu thứ III: « Gạo, cơ còn kém; » câu thứ IV: « Thuế, dáng chửa đòi; » chữ () chữ (dáng) là nhỡn-tự. Câu thứ V: « Tiếng sáo vo-ve chiều nước vọng, » thứ VI « chiếc thuyền len-lỏi bóng trăng trôi, » chữ (vo-ve), chữ (chiều), chữ (vọng); chữ (len-lỏi), chữ (bóng), chữ (trôi), đều là nhỡn-tự, những chữ đó cần phải cân nhắc cho kỹ, thì điệu thơ mới thanh-tao, lời thơ mới êm-ái, mà mới nẩy ý hay ra được.

Chỉnh đối

Trước khi làm thơ thì phải nghĩ xem ý nào nên đối với ý nào, chữ nào nên đối với chữ nào, cốt phải so sánh cho chỉnh.

Ý chỉnh đối. — Trong bài thơ có ý chính là chủ thì lại đối với chủ; ý bàng-thấn[7] là khách thì lại đối với khách, chớ không nên chủ đối với khách; thí dụ như tả cảnh Hà-nội, thì lại lấy cảnh núi sông Hà-nội, núi Nùng đối với sông Nhị, thế là chủ đối với chủ. Nếu đang nói cảnh núi Nùng Hà-nội, mà lại bàng-thấn đối với non Tản Sơn-tây, thế là chủ đối với khách, không được.

Hay là vịnh Tây-hồ thì dẫn tích: « Vực Trâu Vàng, »[8] đối với « non Phụng Đất, »[9] thế là chủ đối với chủ; nếu câu trên đang tả cảnh non Phụng-Đất ở Tây-hồ, mà câu dưới lại bàng-thấn đối với vũng Rùa-Vàng là tích hồ Hoàn-kiếm, thế cũng là chủ đối với khách, không được.

Chữ chỉnh đối. — Còn như chữ thì phải cân nhắc tiếng nặng đối với tiếng nặng; tiếng nhẹ lại đối với tiếng nhẹ, đại khái như « xanh om » đối với « trắng xóa », « hồng » đối với « lục », « ngàn thông » đối với « dặm liễu » vân vân, thí dụ như sau này:

Cảnh chiều
(Bà Thanh-quan)

Mặt trời xê xế buổi hoàng-hôn,
Tiếng ốc xa đưa tiếng trống đồn.
Gác mái, ngư-ông về viễn-phố,[10]
Gõ sừng, mục-tử lại cô-thôn.[11]
Ngàn thông xào-xạc chim bay mỏi,
Dặm liễu cheo-leo khách bước giồn.
Nọ kẻ đường dài, người lữ-thứ,
Với ai mà giãi nỗi hàn, ôn?

Bài thí dụ trên này như câu thứ III: (Ngư-ông) đối với câu thứ IV: (Mục-tử), đó là chữ nho lại đối với chữ nho; câu thứ V: (ngàn-thông) đối với câu VI: (dặm-liễu), đó là cây thông lại đối với cây liễu, như thế là chữ đối chỉnh.

Cảnh thu
(Hồ-xuân-Hương)

Thánh-thót tầu tiêu[12] mấy hạt mưa,
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu-xơ.
Xanh om cổ-thụ tròn xoe[13] tán,
Trắng xóa tràng-giang phẳng lặng[14] tờ.
Bầu giốc giang sơn say chấp rượu![15]
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ.[15]
Ờ hay! cảnh cũng ưa người nhỉ,
Ai thấy ai mà chẳng ngẩn-ngơ!

Bài trên này câu thứ III: Sắc xanh đối với câu thứ IV: Sắc trắng, đó là đối chọi mùi; chữ (om) chữ (xóa) là tiếng bóng bảy mà nhẹ, lại đối với nhau; (cổ-thụ), (tràng-giang) là chữ nho, lại đối với chữ nho; câu thứ V, VI: Rượu đối với thơ, như thế mới là đối chỉnh không lép chữ nào.

Cách đối xuất sáo. — Lại như câu thơ mừng quan Chợ: « Ngựa hồng ngày cưỡi hầu hai buổi, súng lục đêm tuần đạn một viên » đó là hồng-sắc đối với lục-liên, đối lấy tiếng mà cũng chỉnh, lại là một cách đối xuất-sáo.

Kỵ trùng ý

Trong một bài thơ thì phải mỗi câu một ý, mỗi chữ một ý, hay là trong một câu, một chữ, mà có hai ba ý thì càng hay, chớ không nên trùng điệp.

Thí dụ như vịnh xuân, câu thực đã tả cảnh trăm hoa đua nở; đến câu luận lại kể những nghìn hồng muôn tía, thế là ý câu nọ lại trùng với ý câu kia.

Hay là trong một câu có bảy chữ, mà đặt rằng: « Nửa đêm giờ Tý trống canh ba » thế là ngần nấy chữ chỉ có một ý, đều là trùng ý, phải nên kiêng kỵ.

Kỵ trùng chữ

Trong một bài thơ không nên dùng chữ trùng nhau, chỉ có câu phá, câu thừa cùng hai câu kết, có dùng một đôi chữ trùng nhau cũng được; còn như hai câu thực, hai câu luận thì không nên trùng, thí dụ như sau này.

Nước lụt thăm bạn (là quan Bùi Châu-cầu)
(Quan Tam-nguyên Yên-đổ)

Ai lên nhắn hỏi bác Châu-cầu:
Lụt lội năm nay bác ở đâu?
Mấy ổ lợn con mua đắt rẻ?
Và gian nếp cái ngập nông sâu?
Phận thua suy tính càng thêm thiệt,
Tuổi cả chơi bời họa sống lâu.
Em cũng chẳng no mà chẳng đói,
Thung thăng chiếc lá rượu lưng bầu.

Phá, thừa, kết dùng chữ trùng nhau. — Bài thí dụ trên này câu phá: — « Bác Châu-cầu ». Câu thừa: — « Bác ở đâu? » Trùng hai chữ (bác). Câu thứ 7 trùng hai chữ (chẳng), đại khái như câu phá, thừa, kết, thì trùng một đôi chữ như thế cũng được, còn những câu khác không nên dùng chữ trùng điệp.

Vì là câu thực hay là câu luận phải làm chỉnh-đối; nếu có dùng chữ trùng-điệp, thì đối lại cũng phải dùng chữ trùng-điệp mới được, thí dụ như bài sau này:

Ngẫu hứng (Yên-đổ)

Tháng ngày thấm-thoắt tựa chim bay,
Ông ngẫm mình ông, nghĩ cũng hay.
Tóc bạc bao giờ không biết nhỉ,
Răng long ngày trước hãy còn đây.
Câu thơ được chửa, thưa rằng được,
Chén rượu say rồi, nói chửa say.
Kẻ ở trên đời lo lắng cả,
Nghĩ ra ông sợ cái ông này.

Câu luận dùng chữ trùng nhau. — Bài trên này câu thứ V hai chữ (được), câu thứ VI đối lại phải dùng hai chữ (say), trùng chữ như thế cũng được; nhưng không nên trùng với những chữ câu khác.

Cú điệu

Lại còn như điệu câu cũng phải hoán-điệu mà đặt cho khác nhau, xem như những câu thơ dẫn thí dụ ở trên mỗi câu một khác thì hiểu; chớ không nên điệu hai câu luận cũng giống như điệu hai câu thực, thì gọi là (điệp-điệu), thí dụ điệu hai câu thực đặt như thế này:

Gió quốn bụi hồng lầm mặt đất,
Mây trùm cây biếc ngất phương trời.

Mà điệu hai câu luận lại đặt như thế này:

Chim về dưới cỗi ngừng tin nhạn,
Trăng lẩn vườn hoa ngỡ bóng người.

Những chữ đầu hai câu trên: (Gió quốn) (mây trùm), toàn là những chữ tiếng nặng (gió mây), mà âm hưởng bằng phẳng, đặt ở đầu câu, đó là điệu bình-đầu; tới đầu hai câu dưới: (Chim về) (trăng lẩn), cũng là một điệu bình-đầu cả.

Còn như ba chữ sáp-cước ở dưới: (Lầm mặt đất) (ngất phương trời) (ngừng tin nhạn) (ngỡ bóng người) cùng theo một điệu bình-cước cả, nghĩa là những chữ cuối câu đều đặt tiếng nặng bằng phẳng giống nhau, đó là điệp-điệu, phải nên kiêng kỵ.

Xem thế thì biết lối thơ là khó, vì chỉ có 7 chữ hay 5 chữ, mà nói sao cho đủ ý, lại phải có cú-điệu, có luật-cách, có hiệp vần vân vân, phải biết đủ cả các lối thì mới làm hay được.

Thơ ngũ-ngôn có hai luật lục ra sau này:

Ngũ ngôn luật bằng

B b, t t v,
T t, t b v.
T t, b b t,
B b, t t v.
B b, b t t,
T t, t b v.
T t, b b t,
B b, t t v.

Ngũ ngôn luật trắc

T t, t b v,
B b t t v.
B b b t t,
T t, t b v.
T t, b b t,
B b, t t v.
B b, b t t,
T t, t b v.

Đây là lối thơ ngũ-ngôn tám câu, luật bằng, luật trắc như vậy; nếu muốn dùng 16 câu, thì nối thêm 8 câu nữa, nhưng cũng theo luật ấy làm thêm ra mà thôi.

Hai câu đầu thơ ngũ-ngôn có khi dùng bằng trắc đối nhau ngay cũng được, thì câu thứ nhứt không phải hạ vần nữa. Nếu làm bốn câu thì chỉ có 2 vần; mà làm tám câu thì chỉ có 4 vần mà thôi.

Cứ theo như lối nhứt bất luận, thì chữ thứ nhứt đầu câu ngũ-ngôn, đáng trắc trắc mà dùng bằng trắc cũng được; chớ như đáng bằng bằng mà dùng trắc bằng, thì là khổ-độc cũng không được.

Còn như từ điệu, thể cách, nên thôi xao. nên kiêng kỵ như thế nào, đại khái cũng giống như lối thất-ngôn đã kể ở trên.

Sau này sẽ biên tập các lối thơ của quan Tam-nguyên Yên-đổ và của các bậc danh-nhơn lưu truyền lại, mà chia rành ra từng mục, để cung chư-vị quân-tử nhàn lãm.

  1. Niêm nghĩa là dính, làm thơ phải dính sát theo luật không được sai.
  2. Có bản là chữ nhà.
  3. Là con gà sọc ở rừng, thường gọi là con Đa-đa, hay kêu tiếng « Hành bất đắc giã kha kha ».
  4. Nghĩa là áp hạ chữ vần ở cuối cùng câu.
  5. Giả-Đảo vừa đi vừa nghĩ đặt câu thơ: « Tăng thôi nguyệt hạ môn , » nghĩa là sư đảy cửa dưới trăng. Lại nghĩ muốn đổi chữ (thôi) làm chữ (xao) (xao là gõ mà thôi là đảy). Đương nghĩ thơ thẩn chưa biết làm chữ nào hơn, vừa đi vừa ngâm lẩm bẩm, vừa giơ tay ra làm bộ (), (đảy). Sực đâu gặp quan Kinh-triệu là ông Hàn-Dũ cưỡi lừa đi qua, mà Giả-Đảo cũng không biết không tránh. Hàn-Dũ hỏi sao không tránh? Giả-Đảo nói thực là đương ham nghĩ câu thơ chưa biết làm chữ (thôi) hay là chữ (xao) hơn. Hàn-Dũ bảo chữ (xao) hơn. Từ bấy giờ Hàn-Dũ kết giao với Giả-Đảo làm thi-hữu. Xem đó thì biết làm thơ phải thôi xao cho kỹ.
  6. Thuộc tỉnh Hà-nam.
  7. Là dẫn dụ cho rộng thêm ý ra.
  8. Truyền rằng có con trâu vàng tự bên Tàu chạy sang, lặn xuống Tây-hồ.
  9. Đất Tây-hồ có cách phụng hoàng ẩm thủy.
  10. Là ông lão đánh cá bơi thuyền về bến xa.
  11. Là thằng bé chăn trâu cưỡi trâu về xóm hẻo lánh.
  12. Là lá chuối tiêu.
  13. Có bản là chữ như.
  14. Có bản là chữ ngỡ.
  15. a ă Hai câu này có bản là: « Còi mục thét trăng miền khoáng-dã, chài ngư chăng gió bãi bình-sa. » Nhưng xét ra thì sai vần, mà có trăng thì không phải cảnh ban chiều đang mưa.