Cổ xúy nguyên âm/Cuốn thứ nhứt/I-2
TAM-NGUYÊN YÊN-ĐỔ SOẠN
1. — Mùa thu, ngồi mát uống rượu (Thu ẩm)
Năm gian nhà cỏ thấp le-te,
Ngõ tối đêm khuya, đóm lập lòe.
Lưng giậu phất-phơ, mầu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh, bóng trăng loe.
Da trời, ai nhuộm mà xanh ngắt?
Mắt lão, không viền cũng đỏ hoe!
Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy,
Độ năm ba chén, đã say nhè!
2. — Mùa thu, ngồi mát câu cá (Thu điếu)
Ao thu lạnh-lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo-teo.
Sóng biếc, theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng, trước gió sẽ đưa vèo.
Từng mây lơ-lửng, trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh-co, khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chơn bèo.
3. — Mùa thu, ngồi mát ngâm thơ (Thu vịnh)
Trời thu xanh ngắt mấy từng cao.
Cầu trúc lơ-phơ, gió hắt-hiu.
Nước biếc trông như từng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu, hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không, ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.[1]
4. — Lên núi Long-đội (Núi Đọi thuộc huyện Duy-tiên Hà-nam)
Hai mươi năm cũ lại lên đây,
Phong cảnh nhà triền vẫn chửa khuây.
Chiếc bóng lưng trời, am các quạnh,
Mảnh bia thủa trước, bể dâu đầy.
Le te nghìn xóm quanh ba mặt,
Lố nhố muôn ông lẩn một thầy.
Nghĩ lại bực cho dòng nước chảy,
Đi đâu mà chảy cả đêm ngày?
5. — Núi An-lão (Thuộc huyện Bình-lục Hà-nam)
Mặt nước mênh mông nổi một hòn,
Núi già, nhưng tiếng vẫn là non.
Mảnh cây thơ-thớt đầu như trọc,
Ghềnh đá long-lay ngấn chửa mòn.
Một lá (thuyền) về đâu xa thẳm thẳm,
Nghìn làng trông luống bé con con.
Dẫu già đã hẳn hơn ta chửa?
Chống gậy lên cao bước chửa chồn.
6. — Thú quê
7. — Ngẫu hứng
Nghĩ đời mà cũng ngán cho đời,
Câu cóp làm sao được với trời?
Chép miệng, lớn đầu to cái dại,
Phờ râu, chịu đấm mất phần xôi.
Được thua, hơn kém lưng hồ rượu,
Hay dở, khen chê một trận cười.
Dựa gối bên mành toan hóa bướm,
Gió thu lạnh lẽo lá vông rơi.
8. — Mừng ông Ngũ-sơn ra làm Đốc-học Hưng-yên, hai bài:
thứ nhứt
9. — thứ hai
Ông làm Đốc-học mấy năm nay,
Gần đó thế mà tôi chửa hay.
Tóc bạc, răng long chừng bậc cụ,
Khăn thâm, áo thụng cũng ra thầy.
Học-trò kẻ chợ giầu năm miếng.
Khảo khóa ngày xưa quyển một chầy.
Bổng lộc như ông, không mấy nhỉ?
Ăn tiêu nhờ được chiếc lương tây.
10. — Gặp bạn ngồi suông tình
Đã bấy lâu nay, bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, nước cả khôn chài cá,
Vườn rộng, rào thưa khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà chửa nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, giầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta!
11. — Đề ảnh
Cũng chẳng giàu, mà cũng chẳng sang,
Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.
Cờ đương dở cuộc, toan lầm nước,
Bạc gặp canh đen, phải chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát-sách,
Mềm môi chén mãi tít cung-thang.
Nghĩ mình, lại gớm cho mình nhỉ!
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng.
12. — Cảm hứng
Năm nay tớ đã bảy mươi tư,
Rằng lão, rằng quan, tớ cũng ừ.
Lúc hứng, đánh thêm ba chén rượu.
Ngồi buồn, ngâm láo một câu thơ.
Bạn già lớp trước, nay còn mấy?
Truyện cũ mười phân, chín chẳng như.
Cũng muốn sống thêm trăm tuổi nữa,
Thử xem mãi mãi thế này ư?
18. — Đông dạ cảm tác
Nỗi nọ đường kia xiết nói năng!
Chẳng nằm chẳng nhắp biết mần răng.
Đầu cành, mấy tiếng chim gào tuyết,
Trước xóm, năm canh chó sủa trăng.
Phảng phất lòng quê khôn chép được,
Mơ màng thế cục cũng cầm bằng.
Canh gà eo-óc, đêm thanh thả,
Tình tự này ai có biết chăng?
14. — Cuốc kêu cảm hứng
Khắc khoái sầu đưa giọng lẳng lơ,
Đấy hồn Thục-đế[6] thác bao giờ?
Năm canh máu chảy, đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan, bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân, mà đứng gọi?
Hay là nhớ nước, vẫn nằm mơ?
Ban đêm ròng rã kêu ai đó?
Giục khách giang-hồ dạ ngẩn ngơ.
15. — Đi thi ngẫu hứng
Đi không, chẳng lẽ lại về không,
Cái nợ cầm-thư phải trả xong.
Rắp mượn điền-viên vui tuế-nguyệt,
Nỡ đem thân-thế chán tang-bồng.
Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.
Trong cuộc trần-ai, ai đã biết,
Xưa nay đâu chẳng có anh-hùng.
16. — Cách ăn ở
Ăn ở sao cho trải sự đời,
Vừa lòng cũng khó, há rằng chơi.
Nghe như chọc ruột, tai làm điếc,
Giận dẫu căm gan, miệng mỉn cười.
Bởi số, tránh sao cho khỏi số,
Lụy người, nên nỗi phải chiều người.
Mặc ai chớ để điều ân, oán,
Trong cuộc hơn thua cũng tại trời.
17. — Tặng bạn ra làm quan
Đầu non, chơn sóng những phôi pha.
Túi đẫy năm nay mới gọi là.
Hầu vợ mấy người, con cái nhỏ,
Bò bê một cặp, ruộng vườn ba.
Dở quan, dở khách, đâu mà gọi,
Không tóc, không râu, thế chửa già.
Bữa trước nghe rằng ông muốn nghỉ.
Vội vàng chống gậy giục ông ra.
18. — Gửi cho bạn là ông Bùi-quế (Châu-cầu)
Kim lan[7] từ thuở nhỏ chơi bời,
Đôi lứa như ta được mấy người?
Trời hẹn ngày cho ba vạn sáu.
Ta chung tuổi mới một trăm hai.
Kẻ già, nét bút chăm cùng trẻ.
Người khỏe, tay đao độ lấy đời.
Từ trước bảng vàng nhà sẵn có.
Chẳng qua trong bác với ngoài tôi.
19. — Mừng con là ông Phó-bảng Hoan dựng nhà
Vợ chồng thằng Bảng thực tài lo,
Nhà dẫu không to, thế cũng to.
Mực thước vuông tròn sau cửa thánh.
Lửa hương ngào ngạt trước làng nho.
Chim oanh vườn cũ đương bay nhảy,
Chồi quế sân sau muốn thập thò.
Con có cha, như nhà có nóc,
Được giờ cất nóc tớ lên cho.
20. — Nguyên-đán ngẫu vịnh
Nghĩ ta, ta cũng sướng ru mà!
Mừng thấy con ta dựng được nhà.
Năm mới, lệ thường thêm tuổi một.
Cỗ bày, ngồi đã trốc bàn ba.
Chén men đến bữa, nghiêng bầu giốc,
Chữ dại gần năm, xổ nút ra.
Một củ thủy-tiên năm bảy khóm,
Xanh xanh như sắp thập thò hoa.
21. — Nhàn cư
Ngần ấy năm nay vẫn ở nhà.
Nghĩ ta, ta lại chỉ thương ta.
Bóng hiên thêm ngán hơi nồng nhỉ!
Ngọn gió không nhường tóc bạc a?
Thửa mạ, rạch ròi chơn xấu tốt,[8]
Đấu lương, đo đắn tuổi non già.
Khi vui chén rượu say không biết.
Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa.
22. — Thằng trộm lại mất trộm (Đạo thất đạo)
(diễn bài chữ)
23. — Tặng hoa chà
(Nhân có quan án Chu-mạnh-Trinh tặng cho một chậu chà, ngài mới vịnh để đáp lại)
(diễn bài chữ)
Tết đến người cho một chậu chà.
Đương say, ta chẳng biện ra hoa.
Da mồi, tóc bạc ta già nhỉ!
Áo biếc, đai vàng bác đấy a?
Mưa bụi đã kinh phường xỏ-lá,
Gió to lại sợ lúc rơi dà.[11]
Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi,
Đếch có mùi thơm một tiếng khà!
24. — Hoại cựu (Nói truyện cũ)
(diễn bài chữ)
Theo thầy ngày trước hãy ngây thơ,
Râu tóc bây giờ đã bạc phơ.
Hơn kém cuộc này ai chủ đó?
Già nua mấy kẻ bậc anh ta?
Ngủ đi còn sợ chiêm bao trước,
Nghĩ lại như là truyện thủa xưa.
Có rượu Trung-sơn[12] cho lū tớ,
Tỉnh ra hỏi đã thái-bình chưa?
25. — Chế anh học trò ngủ gật
Trò troẹt gì bay, học cạnh thầy,
Gật gà gật gưỡng bật cười thay!
Giọng khê nằng-nặc không ra tiếng.
Mắt lại lim-dim rắp đã cay,
Đồng nổi đâu đây la-liệt đảo?
Ma men chi đấy tít-mù say?
Dễ chừng bắt chước chu-y đó,[13]
Quyển có câu thần vậy gật ngay.
26. — Mùa hè lên chơi nhà ông biểu-huynh họ Đặng
(diễn bài chữ)
Gậy men cỏ rậm dạo đường quai.
Quá bước lên nhà bác Đặng chơi.
Một lũ tóc râu ai tuổi tác?
Nửa phần làng xóm đã dời thay.
Trâu già góc bụi phì hơi nắng.
Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người.
Ngửa mặt ông kia chơi mấy khỏe!
Suốt hôm một sáo thổi lưng trời.
27. — Tếch-về
(Xưa có người đi thi hỏng, sớm ngày nghe tiếng chim kêu tếch-về, nhân vịnh bài này)
Văng vẳng tai nghe tểnh-tếch-về.
Lặng đi kẻo động khách lòng quê.
Nước non có tớ càng vui-vẻ,
Hoa nguyệt nào ai đã mẩn-mê.
Quyên đã gọi hè cuông-cuốc-cuộc,
Gà từng gáy nguyệt tẻ-tè-te.
Lại còn giục-giạo về hay ở,
Đôi gót phong-vân vẫn khỏe-khòe.
28. — Ngẫu vịnh
(diễn bài chữ)
Tuổi thêm, thêm được tóc bơ-phờ,
Nay đã năm mươi có lẻ ba.
Sách vở ích gì đương buổi ấy.
Áo xiêm nghĩ lại thẹn mình già.
Xuân về ngày loạn còn lơ-láo,
Người gặp khi cùng cũng ngẩn-ngơ.
Lẩn thẩn lấy đâu đền tấc bóng,
Sao con đàn hát vẫn say sưa?
29. — Trung-thu nghe hát
(diễn bài chữ)
30. — Mừng năm mới
Sương tuyết hơi-hơi cũng nhạt phào,
Gió đông phơi-phới rước xuân vào.
Nhìn xem cảnh-sắc đều như mới,
Đố biết thiều-quang ở chỗ nào?
Trước mặt mưa phun chồi quế nở,
Trên đầu trăng dãi bóng huyên cao.
Bước qua năm cũ sang năm mới,
Chén rượu Đồ-tô[17] hẳn ngọt-ngào.
31. — Hoài cổ
Nghĩ truyện đời xưa cũng nực cười!
Sự đời đến thế, thế thời thôi.
Cây xanh, núi đỏ bao nghìn dặm?
Nước độc, ma thiêng mấy vạn người?
Rỗng tuếch ruột gan trời, đất cả,
Phá toang phên giậu Hạ, Di[18] rồi.
Thôi thôi đến thế, thời thôi nhỉ.
Mây trắng về đâu, nước chảy xuôi.
32. — Thầy đồ đi ve
(diễn bài chữ)
33. — Châu chấu đá voi
Châu chấu làm sao dám đá voi?
Đứng xem ta cũng bật buồn cười,
Xun xoe nhảy đến giương hai vế,
Ngứa ngáy không hề động nửa đuôi.
Say tỉnh cuộc này, ba chén rượu,
Được thua truyện ấy, một trò chơi.
Nghĩ ta, ta cũng thương mình nhỉ!
Theo đít còn hơn một lũ ruồi.
31. — Vừa mưa, vừa nắng, cái cắng đánh nhau
35. — Cò mổ chai
Chai sao chẳng biết tính con cò?
Mày hớ hênh chi nó mổ cho?
Đã cậy dầy mai không khép kín.
Cho nên dài mỏ nó ăn to.
Thôi về bãi bể cho êm ái,
Để mặc bến sông nó gật gù.
Cò trắng có khôn đành gác mỏ,
Chai già sẽ được lúc phơi mo.
36. — Nhứt vợ nhì trời
37. — Về nghỉ nhà
Tóc bạc, lòng son chửa dám già,
Ơn vua nhờ được nghỉ về nhà.
Nước non, cây cỏ còn như cũ,
Ghế gậy, cân đai thế cũng là!
Đất rộng biết thêm đường gốc sậy,
Ngày rồi nghe hết truyện la-ga.
Ông trời có ý cho ta nhỉ?
Có ý sanh ta phải có ta.
- ▲ Đào-Tiềm là người ẩn-sĩ nhà Tấn, mùa thu đến lại vịnh cúc ngâm thơ.
- ▲ « Sao chửa khá » có bản là: « Chưa khá nhỉ? »
- ▲ Có bản là: « Ai biết bao giờ cho khỏi lo. »
- ▲ Làm Đốc-học truyền giáo cho học-trò, cũng như là gõ mõ để truyền hiệu lịnh cho dân chúng.
- ▲ Thầy dạy học ngày xưa hay nắm tay ấn, khướu vào đầu trẻ.
- ▲ Vua nước Thục khi thác rồi hồn hóa làm con cuốc.
- ▲ Chữ kinh Dịch: « Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan, kỳ lợi đoạn kim. » Nghĩa là chơi với người bạn đồng tâm, thì thơm như hoa lan, mà lợi có thể chia vàng được.
- ▲ Tục-ngữ nói: chọn thửa mạ xấu thì rẻ tiền, chọn thửa mạ tốt thì đắt tiền.
- ▲ Ngạn-Phương bắt được đứa ăn trộm, rồi cho nó tấm lụa, răn nó chừa đi. Sau đứa trộm cũng cảm đức hóa ông ấy mà chừa.
- ▲ Vương-Tố ném dui nhà đuổi đứa ăn trộm.
- ▲ Dà là đài hoa,
- ▲ Cổ thi: An đắc Trung-sơn thiên nhật tửu, dính nhiên trực đáo thái-bình thì. Nghĩa là sao được rượu Trung-sơn uống say nghìn ngày, cho đến thì thái-bình.
- ▲ Au-dương-Tu chấm quyển, thấy có thần mặc áo đỏ (chu-y) ngồi đàng sau, hễ thấy quyển nào có câu hay thì gật.
- ▲ Ví mình như ông Đào-Tiềm đã về ẩn chốn cố-viên.
- ▲ Tiếc cho nàng Chiêu-quân phải ra cống Hồ, mà thương mình gảy khúc tỳ-bà.
- ▲ Bẻ liễu là khúc sáo tiễn biệt ra cửa Ngọc-quan ngoài tràng-thành.
- ▲ Là tên một thứ rượu ngon uống tết.
- ▲ Hạ là các nơi trong trung hoa; Di là các nơi rợ mọi.
- ▲ a ă Vì có hai thầy đồ dạy học nhà gái-góa làng Yên-đổ. Một đêm hai thầy cùng ngồi chơi, một thầy đọc câu ngạn-ngữ: « Muốn sang thì bắc phù-kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy ». Một thầy đọc: « Trách người quân-tử bạc tình, có gương mà để bên mình chẳng soi ». Vậy quan Tam-nguyên mới làm bài này, để chế thầy đi ve.
- ▲ a ă Hai câu này có bản là: Kiện ấy biết đâu tra hỏi được, có chăng viện chứng đến bồ câu.
- ▲ a ă Bài này làm theo luật trắc, mà hai câu này thất-niêm, nghĩa là không niêm theo luật. Giá đổi như thế này: « Mẹ mày rất khéo thôi đành một, con tạo dù khôn cũng thứ hai ». Như thế thì theo luật mà khỏi thất-niêm, nhưng không bằng câu cũ, vậy cứ để theo nguyên-văn.
- ▲ « Có cái chai » có bản là: « Một tí thôi ».