Cao đẳng quốc dân/11

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cao đẳng quốc dân của Phan Bội Châu
Chương thứ mười một
CHƯƠNG THỨ MƯỜI MỘT

Chữa chứng bệng “không biết hiệp-quần”

Các chứng bệnh như trên kia là bệnh về cá-nhơn, bây giờ lại kể một chứng bệnh như sau nầy là bệnh chung về đoàn-thể, người ngoại-quốc thường khinh-bỉ người nước ta, có một câu nói rằng: « Không có một đoàn-thể nào từ ba người trở lên » câu nói đó thoạt mới nghe tưởng là quá đáng, nhưng xét cho đến tình-hình xả-hội nước ta, tinh-thần nhân-dân nước ta tan tan, tác tác, rạc rạc, rời rời, ghét nhau, ngờ nhau, ai lo thân nấy, bảo rằng không đoàn-thể từ 3 người trở lên, vẫn có thế thật.

Suy cho đến nguyên cố bởi vì sao đây, thì chĩ vì không biết nghĩa hợp-quần mà thôi.

Hợp-quần nghĩa là làm sao? là hợp cả một bầy lại cho thành một đoàn-thể, ví như tay chơn tai mắt có hợp mới thành được một thân, cột kèo rui phên có hợp mới thành được một nhà, từ việc nhỏ đến việc to, muốn nên một việc tất phải có một bầy, muốn nên một bầy tất phải có cách hợp; thuở xưa giao-thông chật hẹp, núi bể chia lìa, mưa gió riêng trời mình, bờ cỏi riêng đất mình, người mình đua đuổi với người mình, dầu kém dầu hơn, dầu thua, dầu được cũng chẳng qua nhà mình mình ở, của mình mình ăn, nếu không biết hợp-quần cũng chưa lấy gì làm tai hại lắm. Thử xem đời bây giờ có thế được rư? Bễ đông tây chung nhau làm một vũng câu, Châu Âu Á chung nhau làm một rừng bắn, người đem cả trăm chân, nghìn tay, trăm khôn nghìn khó, dắt đoàn kéo lủ mà áp đến nhà mình, xô cửa phá buồng, bửa rương móc túi, bầy người càng đông thì thế người càng mạnh, bầy mình càng ít thời thế mình càng cô, lữa đốt nhà đã tận nóc, nước nuốt thuyền đã ngập mui, mà bà con trong nhà trong thuyền đây hãy còn anh với em cắp giao trỏ nhau, lái với bạn trừng mắt dòm nhau, kể việc rất ngu ở trong loài người có ai hơn thế nữa!

Than ôi! Thịt nát thì xương cũng tan, môi mất thì răng cũng lạnh. Nghĩa hiệp-quần đó còn mù-mịt thêm một ngày thì họa diệt chũng kia càng cấp-bách thêm một ngày.

Ôi các anh em! ôi các chị em! cái chứng bệnh không biết nghĩa hiệp-quần đó lúc bây giờ không gấp chữa mau, hãy còn chờ gặp ma Chiêm-Thành mà gục đầu thú tội hay sao? Tôi trông thấy tình cảnh các anh em chị em mà óc tôi nhức, máu tôi sôi, mà tay chân tôi gai gốc, tổ tiên ta nếu còn thiêng, nòi giống ta nếu còn phúc thì chứng bệnh ly-quần đó chắc phải được một vị thuốc sẽ chữa lành ngay.

Tôi nghĩ đi nghĩ lại, suốt đêm suốt ngày mới được một vị thuốc là giải “đồng-tâm”. Đồng-tâm nghĩa là người nào người nấy đồng một lòng, giải đồng tâm nghĩa là ức muôn triệu người kết hợp nhau làm một giây, thân thể tuy khác nhau mà tinh-thần in nhau như hệt.

Xưa tôi ông Trụ có ức muôn người, nhưng ức muôn bụng, tôi vua Võ-vương có 10 người nhưng đồng nhau một bụng, kết quả thì vua Võ-Vương được mà ông Trụ thua, đó mới biết rằng: tâm đồng nhau thời nhược hóa nên cuờng, tâm chẳng đồng thời cường hóa nên nhược, vì sao thế? Lòng khác nhau thời bầy rẽ, bầy rẽ thì mạnh hóa nên hèn, lòng đồng nhau thời bầy chung, bầy chung thời hèn hóa nên mạnh. Vậy nên hai chữ “Đồng-tâm” đó là phương thuốc hiệp-quần rất thiên liêng rất ứng nghiệm.

Tuy nhiên có kẻ nói rằng: « Đông người thì tất phải nhiều bụng, nhiều bụng thì không thể nào đồng lòng, cái sự đồng tâm đó thật là khó khăn lắm. »

Ôi các anh em! ôi các chị em! câu nói ấy thật quá ngu rồi đó! Xưa nay đồng lòng, không đồng lòng, chĩ vì có một cớ: chủng tộc không đồng, ngôn ngữ không đồng, tập tục không đồng, thế mà muốn đồng lòng, vẫn khó lắm. Đến như người nước ta, nòi giống vẫn đồng với nhau, ngôn ngữ vẫn đồng với nhau, tập tục vẫn đồng với nhau, mà huống gì lối tử sinh đường vinh nhục lại đồng với nhau; chim ở chung một rừng cá ở chung một bể, nếu chẳng may bể khô rừng cháy, thời một cái lông, một tấm vãy, còn mong sống sót được hay sao?

May gặp lúc bây giờ rừng hãy còn cây, bể hãy còn nước, kết hợp cã bầy, đồng một lòng, chung một dạ, tính đường đi đứng, lựa bước chen lui, giắc nhau ra khỏi ngục trầm-luân, kéo nhau thoát khỏi vùng đồ thán, xoay họa xưa lại làm phúc, rửa vết dơ trong pho sữ củ, mà thay lấy vẻ vinh quang, biết bao nhiêu công nghiệp lớn lao, chĩ ở trong một gốc lòng anh em chị em nên tất cả.

Vậy thời giải “đồng-tâm” đó thật là phương thuốc khĩ tử hồi sinh của món ta không gì hơn nữa. Vậy nên trong bài thuốc tư-lập có một vị thuốc như sau nầy: “giải đồng-tâm” 1 dây càng kiên thực càng tốt.