Cao đẳng quốc dân/13

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cao đẳng quốc dân của Phan Bội Châu
Chương thứ mười ba
CHƯƠNG THỨ MƯỜI BA

Chữa chứng bệnh ”không biết đường kinh-tế”

Nếu ai có hỏi rằng: nước vì sao mà mạnh, dân vì sao mà giàu? Thời tôi xin trả lời rằng: « nguồn bể phú cường chỉ cốt ở đường Kinh-tế ».

Người ta nghe hai chữ “kinh-tế” chưa hiểu nghĩa ra làm sao, huống gì làm đường “kinh-tế. Xưa truyện Đại học có câu rằng: « Sinh chi giã chúng, thực chi giã quả, vi chi giã tật, dụng chi giã thú » nghĩa là của sinh nở ra thì nhiều, của ăn tiêu đi thì ít, người làm của thì cần kiếp, người dùng của thì dè dặt. Sách Tây cũng có câu rằng: « Những hạng người sinh ra lợi thì nhiều, những hạng người chia mất lợi thì ít » góp hai câu nói đó thì cách đường “kinh-tế,” dầu đông tây cũng chẳng khác gì, nói tóm lại chĩ có một cách sinh nỡ thời thường vô cùng, mà tiêu hao thời thường mãi hạng, của trời đất sinh ra thời biết đường lợi dụng, của nhân lực làm ra thời biết đường mở mang, có thế mới gọi là “kinh-tế.” Người nước ta thời thế nào? Việc tiêu dùng thì không biết đương hạng chế, cách làm ăn thời không biết đường cải-lương, sự nghiệp dân sinh trong một nước chĩ nhờ cậy về nông, chân lắm tay bùn, kẻ làm khôn hết mực, cày sâu cuốc bẩm, xem làm khéo cùng kỳ. Ngoài mấy đám đồng cạng ruộng sâu, nào khoáng sãn, nào sơn lâm, nào công trình, nào thủy lợi, chẳng biết một tý gì. Người ngoại-quốc lấy máy móc làm chân tay, mà mình thì không biết học, người ngoại-quốc lấy thị-trường làm kho chậu, mà mình thì không biết đua, của sinh-sản ngày không một hào một ly, mà của tiêu-xài ngày có hàng ngàn hàng vạn; thấy người ta sang-trọng ta cũng sang-trọng, nhưng cái đồ sang-trọng đó rặt là cắt thịt nhà để vá cánh giặc; thấy người ta sung-sướng ta cũng sung-sướng, nhưng cái mồi sung-sướng đó rặt là nặn sữa mẹ để nuôi người dưng. Bao nhiêu vật lạ của ngon, nào rượu, nào thuốc, nào trà, nào vãi bông, gấm vóc, không một thức gì là tay chân mình chế-tạo, mà cũng không một đồng tiền nào không phải máu mủ mình ép ra; tiền của người không một đồng nào vào tay mình, mà máu mủ mình thì trót tháng quanh năm chĩ những trét miệng hùm, no bụng sấu: trí khôn người ta như thế còn nói được “Kinh-tế” được đâu!

Than ôi! Thiên-thời ta vẫn tốt, địa-lợi ta vẫn giàu, mà tai mắt chân tay ta vẫn không kém gì ai cả, thuốc ta, rượu ta, trà ta, vãi vóc ta, không dùng được hay sao, không chế-tạo được hay sao? Cớ sao thợ-thuyền buôn-bán thời không thấy tới, mà chĩ thấy lui, xài-phí ăn-tiêu thì chĩ thấy thêm mà không thấy bớt; đã một mặt thời quen nết tham thanh chuộng lạ, một mặt thời dử nết, dử thói ở nể ăn không; bể toan khô nước mà ngồi đợi trời mưa, đèn toan hết dầu mà ngồi chờ trăng mọc! người ngu-ngẩn đến thế, không chết rày thì chết mai, chĩ e mấy tấm ván hòm chưa dự bị bao giờ đặng!

Tôi nghĩ đến nông-nổi thế mà khóc than cho vận-mệnh người nước ta. Chứng bệnh về đường kinh-tế nếu không lo chạy chữa cho mau thời nòi giống nước ta chẳng tuyệt-duyệt về thủy hỏa, binh đao, mà tuyệt-duyệt về đồ ăn thức mặc! Ai là nguời có tâm-huyết, chắc cũng lấy lời nói ấy làm đúng rồi. Bây giờ xin nghĩ một vị thuốc để chữa chứng bệnh nầy. Vị thuốc gì đây, là vị “Nội-hóa.”

Trình-độ dân ta còn thấp, trí-thức dân ta còn non, bảo nhờ cậy việc công, việc thương, sẽ đấu mạnh, đua giàu với các nước, cái hy-vọng đó, ở ngày nay thiệt chưa có được ngay, song le tục-ngữ có câu rằng: « Khéo ăn thời no, khéo co thời ấm. » Đồng-bào ta bây giờ mà muốn cho được đều no, đều ấm thời phải có một cách khéo mà thôi.

Đường sanh-lợi chưa có thể phát-đạt đến 10 phân, thời đường tiêu-xài phải dè-dặt từ một ly, một mãnh, cần thứ nhất là dùng Nội-hóa. Đó thiệt là một vị cứu cấp cho chứng bệnh người ta. Đồ ăn ta, ta ăn, đồ mặc ta, ta mặc, đồ dùng ta, ta dùng, dầu mở máu mủ ta, ta bồi bổ cho ta, bớt một ly của ra, tức một ly của vào, bớt một đồng tiền chết tức là thêm một đồng tiền sống. Nội-hóa tiêu-dùng ngày càng chảy, thời các món công thương nghề nghiệp cũng nhân đó mà cạnh khéo đua khôn; đắp tư-cơ sẻ tạo nên thời, đúc trí-tuệ sẽ gây nên thế, họa may bụng đà khỏi đói, mà óc cũng thêm no, dân-sinh đà khỏi nổi khốn-cùng, thời dân-trí cũng có cơ tấn-bộ. Theo tạo-nhân mà tìm đường kết-quả, cái việc chấn-hưng nội-hóa đó, chẳng phải là cần-cấp lắm sao?

Vậy nên trong bài thuốc tự-lập phải có một vị thuốc như sau nầy: « Nội-hóa » một vạn thức, kiêng ngoại-hóa.