Cao đẳng quốc dân/14

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cao đẳng quốc dân của Phan Bội Châu
Chương thứ mười bốn
CHƯƠNG THỨ MƯỜI BỐN

Chữa chứng bệnh
« không biết thương nòi-giống »

Người ta còn có một chứng bệnh rất to, là chứng bệnh không biết thương nòi-giống. Người ta mắc lấy chứng bệnh đó, chẳng những trái hẳn tính loài người, mà so với các giống vật có một điểm trí khôn cũng còn thua kém nữa.

Kể chứng bệnh ác-độc thứ nhất không gì hơn chứng bệnh nầy. Kìa con ong vẩn có nọc, mà ong ở chung một ổ không bao giờ cắn nhau; cọp vẫn hay ăn thịt mà cọp ở chung một xứ không bao giờ ăn nhau.

Thường xem thấy bầy kiến, nó vẫn là một loài vật rất nhỏ nhen, mà cũng có một điểm tốt rất lạ: nó ở chung nhau một bộng, có hàng trăm hàng ngàn con, một con đi ra, thoạt thấy được mồi ăn, thời tức khắc chạy về tin cho cho anh em mình cả; tha mồi thời khó nhọc chia với nhau, ăn mồi thì ngon ngọt chung với nhau, không bao giờ được mồi mà ăn riêng cả, lại có khi tránh mưa trốn gió, dăc đoàn kéo lủ đi chung một lối đường, con nhỏ, con lớn, đoàn trước, đoàn sau, dắc nhau đi không khác gì một đội quân lính, chẳng may giửa đường có con nào bị thương tử thời chúng kiến xúm nhau cỏng nó về hang, không bao giờ bỏ bạn chết mà đi cả! Thế mới biết thương nòi tiếc giống, dầu loài vật cũng có tấm lòng lành, chung một máu một mủ thời họa phúc chia nhau, nghĩa đồng tử đồng sinh vẫn trước sau một mực.

Vật còn như thế, người có lẽ thua nó hay sao? Quái ngán thay, lạ lùng thay, đến người nước ta thời khác hẳn. Tục ngữ có câu rằng: « Gà một chuồng bôi mặt đá nhau » lại có câu rằng: « Kẻ chết đã xanh người nhăng nanh mà cười » lại có câu rằng: « Tưởng ngờ chị ngã em nâng, ai ngờ chị ngã em mừng em reo » lại có câu rằng: « Đi ra tưởng bắt “trâu cò”, trâu cò không bắt, “bắt bò”, bò ôi! » Mấy câu thí-dụ đó ngẩm nghĩ cho kỷ, thiệt là vẽ nết xấu người nước ta quá đúng rồi đó.

Ôi các anh em! ôi các chị em! Máu in nhau giọt đỏ, da in nhau sắc vàng, đầu in nhau tóc đen, mắt in nhau tròng sắc, giống Tiên-Rồng giòng Lạc-Hồng trải mấy ngàn năm mới có bây giờ, con một họ, cháu một giòng, nếu cứ theo lẽ thường, chắc máu ai thâm thịt nấy, đánh đá thì đau đến lòng gạch, chết thỏ thì sa nước mắt hồ, vẫn đạo trời có thế mới đang-nhiên, mà tình người cũng có thế mới chính-đáng.

Cớ sao mấy mươi năm gần đây, tình-hình ở xã-hội, cách hành-động các anh em chị em ta thương nhau, bênh nhau chẳng bao lăm người mà ghét nhau, hại nhau thời không xiết kể; rước voi giầy mồ ông vãi, cỏng rắn về cắn gà nhà, việc đó thiệt bất-nhân vô-đạo đã quá chừng, mà người mình trở lại nhận làm khôn khéo!

Xin ai thử nghĩ, mồ ông vải trúc mà voi có ơn gì đến mình không, gà nhà bể ổ mà rắn có đức gì đến mình không? Nếu voi có ơn đến mình, rắn có đức đến mình mà đã chắc voi với rắn đó thiên trường địa cửu cha mình mẹ mình mãi hay sao? Một mai gió mây biến hóa dâu bể đổi dời, voi đã tang xương rắn cũng dứt nọc, các ngài lúc bây giờ đêm khuya mó bụng, hỏi bóng thăm hình, mồ tang hoang vì ai, gà nhao nhác vì ai, mình còn mặt mủi nào thấy ông bà ở dưới đất, trông chú bác ở trên đời. Đau đớn thay! tội tình thay! Cái chứng bệnh không biết thương nòi giống đó, hú ba hồn chín vía các ngài nên thang thuốc cho mau mới phải.

Bây giờ tôi xin làm ơn cho các ngài vị thuốc nầy: « Giống thân-ái ». « Giống thân-ái » đó khi đầu Trời sinh ra người thời đã deo hột giống ấy vào trong lòng người. Người vì có hột giống ấy mới khai nên hoa, mới kết nên quả, mà nòi giống người mới sinh trưởng vô cùng. Nếu lòng người mà không có hột giống ấy thì gọi rằng: « lòng chết ».

Ông Lão-Tử có câu nói « Ai mục đại ư tâm tử » nghĩa là người ta lòng chết không gì đau đớn hơn; nếu thiệt lòng người thì bao giờ chết đặng, lòng mà đến chết vì không hột “giống thân-ái” mà thôi.

Đức Gia-Tô có câu rằng: « Ái nhân như kỹ » nghĩa là thương yêu người như thương yêu mình.

Đức Phật-Tổ có câu nói: « Nhất thiết từ bi » nghĩa là không kể người, không kể ta, nhứt luật thương yêu cả. Đạo-Nho cũng có hai chữ “Kiêm-ái”. Nhà triết-học tây cũng chủ-trương hai chữ “Bác ái”. Xem như những đạo-lý các thánh-hiền nói đó thời hể chung một loài người dầu ai cũng nên thân-ái, huống gì chung một nòi giống nữa rư!

Nòi giống ta, ta thương yêu lấy nhau; có cơm ta no chung, có áo ta ấm chung, có nhà cữa ta ở chung, gặp việc vui ta vui chung, gặp việc buồn ta buồn chung, vì hột giống thân-ái đó càng ngày càng nảy nở, hoa tự-do nhơn đó mà muôn tía ngàn hồng, gió “đại-đồng” nhân đó mà Nam reo Bắc thổi.

Việc “đại-đồng” của 25 triệu nòi giống ta chắc cũng rày mai mà trông thấy được hẳn!

Vậy nên ở trong bài thuốc tự-lập lại còn có một vị như sau nầy giống “Thân-ái” hằng hà sa số hột, hột nào chắc càng hay!