Bước tới nội dung

Cao đẳng quốc dân/15

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
CHƯƠNG SAU HẾT

Bài tóm cách làm việc

Các chứng bệnh đã chữa lành rồi, bây giờ mới tính cách làm việc.

Thứ nhất là phải có chủ-nghĩa, thứ nhì là phải có chương-trình, thứ ba lại có kế-hoạch. Có đủ ba điều đó, thời việc lớn mới có thể làm nên.

Bây giờ xin giải-thích điều thứ nhất.

Hể phàm làm một việc, tất trước phải có chủ nghĩa. Chủ-nghĩa có tốt có xấu, có phải có chăng. Khi ta bắt đầu sắp sửa làm việc thời ta phải hết sức kén chọn, thấy chủ-nghĩa gì đã tốt lại phải, thì ta giử chặt chủ-nghĩa ấy mà làm; ví như: bắn bia phải nhìn cái trung-tâm bia cho chắc chắn; ví như vượt bể tất phải dòm xét cái mủi châm phương-hướng cho kỷ càng; trung-tâm bia đá đã nhìn được chắc thời bắn mới không sai, châm phương-hướng đó xét được rành thời thuyền đi mới không lổi. Người làm việc mà có chủ-nghĩa, đó là vào trường bắn mà xem thấu bia, vặn máy thuyền mà định chắc hướng. Vậy nên người làm việc trước hết phải kén chọn chủ-nghĩa cho “vửng vàng”.

Bây giờ lại giãi-thích đều thứ nhì.

Khi sắp sửa làm việc thời kén chọn chủ-nghĩa vẫn cần lắm; nếu đã có chũ-nghĩa, mà khi bắt tay vào làm, không có chương-trình thì như người đánh cờ mà không tính suốt cả bàn, vội vàng lụp chụp, thấy nước thời đi, nước sau đem làm nước trước, nước trước đem làm nước sau, thời bàn cờ đó, tất nhiên phải thua. Vì vậy làm một việc gì, tất phải định một cái chương-trình việc ấy. Ví như muốn đi một lối đường từ Huế đến Hà-nội tất phải tính toan từ khi bước chân ra đi cho đến khi tới Hà-nội, tiền đi xe lữa hết bao nhiêu, tiền đi xe ô-tô hết bao nhiêu, tiền đi xe tay và tổn phí ở trên xe hết bao nhiêu, lại phải nghĩ trước cả mọi đều, như giấy thông-hành, giấy căn-cước, đồ hành-trang, người đầy tớ, với giữa đường khỏi phải xuống xe ga nào, đến nơi thì trú những nhà nào; vã lại khi giữa đường hoặc khi đến nơi có đều gì trở-ngại hay không, thời phải tính làm cách gì cho trơn chảy, lại như tiền tổn-phí tất phải phòng đủ, chớ “đo bò làm chuồng”, lở khi thiếu thời dở, việc phòng-bị tất phải sắp đặt sẳng-sàng, chớ “bắc nước đợi gà”, sợ khi gấp thời không xong. Người trổ lối đưa đường thời phải lựa cho thập phần chắc chắn, chớ có rước thầy mù coi đất mà đến khi lở làng. Tính toán các điều ấy đủ rồi, thời ta định sẵng một cái chương-trình, việc gì trước ta làm trước, việc gì sau ta làm sau, việc gì lành thời ta theo, việc gì dữ thời ta tránh; chương-trình chắc chắn, noi đó mà đi, có sự gì đi không tới nơi đâu?

Bây giờ lại giải thích về điều thứ ba.

Hể phàm một việc chủ-nghĩa vẫn chính đáng, chương-trình vẫn tinh-tường, còn có một việc đáng lo là còn sợ kế-hoạch không được hoàn-thiện.

Vậy nên phân đến kế hoạch. Ông Khổng-Tử có câu nói rằng: « Hiến mưu như hành » nghĩa là làm việc phải có mưu mẹo, phải tính cho đến chốn đến nơi. Sách Bình-thư có câu nói rằng: « Đa toán thắng, thiểu toán bất thắng »; nghĩa là « tính toán được nhiều nước thời ăn hơn, tính toán được ít nước thời phải thua » ví như: hai người vật nhau, một người sức mạnh mà không có mẹo, một người sức yếu mà có nhiều mẹo, thời người yếu chắc ăn hơn. Cái mẹo đó tức là kế-hoạch, mà trong khi tính toán kế-hoạch thời phải đủ ba điều, 1° cân-nhắc về phần trí-khôn, 2° cân-nhắc về phần lực-lượng, 3° cân-nhắc về phần thời-thế. Lựa trong ba điều đó mà tính toan bày đặt cho đủ cả mọi đường, như làm một bài tính, không bỏ sót một con tính nào, đó là kế-hoạch. Việc thiên-hạ dầu nhỏ dầu to, nhưng mổi một việc tất phải có một món kế-hoạch, nếu kế-hoạch được tinh-tường chu-đáo thời có việc gì làm chẳng nên?

Nói tóm lại, làm việc phải có chủ-nghĩa, mà mình đối với chủ nghĩa tất phải hết sức trung-thành, thà là vi chủ-nghĩa mà ghiết mình, chẳng thà vì mình mà ghiết chủ-nghĩa. Như ông Tôn-Văn trót một đời người hết sức trung-thành với “tam-dân chủ-nghĩa”, thật là gương cho ta đó. Còn người như chương-trình tất phải châm chước cho kỷ càng, tổ-chức cho hoàn-thiện, mà lại phải có kế-hoạch cho kỷ càng, thời chương-trình mới thực-hành được; nếu có chủ-nghĩa mà không chương-trình, thời chủ-nghĩa không bao giờ thực-hiện, nếu có chương-trình mà không kế-hoạch, thời chương-trình không bao giờ thành-công. Vậy nên ở trong cách làm việc, phải cần có cả ba đều đó.

Lại còn có một lẽ người ta cần phải biết, biết không thấu thời làm không xong, ông Tôn-Văn có câu nói rằng: « Tri nan hành dị » nghĩa là: « Biết được rành thời khó, đã biết rồi mà làm thời dể ». Nếu anh em muốn làm việc, cần phải biết cho rành.

Lại còn có một tệ-bệnh, người ta càng nên biết lắm.

Thí dụ: muốn lấy trộm một nhà ông nhà giàu thời làm thế nào những khi bình-thường, phải giả ngẩn giả ngơ, giả khờ giả dại, chớ cho ông nhà giàu đó biết mình là kẻ trộm bợm. Vậy sau đến khi thực-hành, mới dể được thành-công. Ông Lão-Tử có câu nói rằng: « Đại trí nhược ngu », nghĩa là những người khôn rất to, thời phải làm như hình người ngu; lại có câu rằng: « Đại xão nhược chuyết » nghĩa là những người khéo rất to, thời phải làm như hình người vụng.

Vậy nên những người muốn làm việc, trước phải bồi-dưởng hai cái tinh-thần, 1° là tinh-thần nín nhịn, 2° là tinh-thần tránh tiếng. Hay nín-nhịn thời chớ có dậng vặt với hung-hăng những thói vỏ-phu; hay tránh tiếng thời chớ có bán tiếng mua danh, để cho những người tầm thường không kể mình là giỏi mới là hay.

Sách Binh-thư có hai câu rằng: « Tịnh như xữ nữ, động như thoát thố ». Câu trên nghĩa là: “Khi ta hãy còn lặng lẽ, thời êm đềm kín-đáo như chị con gái chưa lấy chồng ở trong một chốn buồng sâu, vẫn mình là rất muốn lấy chồng vẫn hết sức tính-toan cách lấy chồng, mà không để cho ai biết”. Câu nói đó là bày vẽ cách kế-hoạch cho người ta làm việc. Câu dưới nghĩa là: “Khi ta hành-động, tất phải nhìn thời-thế mà theo cho gấp, như con thỏ ở trong lồng mà được sổ ra, thời bổng-chốc mà chạy rất mau, dầu ai lanh đến mấy, cũng không có thể bắt được nó”. Câu nói đó là bày vẽ cho cách người ta hành-động.

Cách làm việc nếu được như hai câu nói đó thời việc gì cũng thành-công; nếu không được như hai câu nói đó, thời việc gì cũng phải thất-bại.

Tuy-nhiên, lại có một lẽ: hể phàm tính việc thời tất muốn cho thành-công, mà đã có gan làm việc, thời lại phải không sợ thất-bại, bởi vì, hể làm việc tất phải trải qua một lối thất-bại, mới đến thành-công.

Sách Tây có câu nói rằng: « Thất bại là mẹ đẻ ra thành-công », có thế thật. Tục ngữ có câu rằng: « Đức tay mới hay thuốc ». Vậy nên những việc thất-bại chính là trường-học thiên-nhiên mà dạy bảo cho mình đến thành-công. Người ta chĩ sợ mình không có gan làm việc, còn thất-bại thời không nên sợ gì; càng thất-bại càng làm, càng làm càng sinh ra khôn khéo; trải một phen thất-bại thời thêm ra được một mối thành-công. Vậy mới biết: Thất-bại là mẹ đẻ ra thành-công, có thế thật!