Bước tới nội dung

Chuyện thế gian/Quyển thứ nhất/1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
CHUYỆN THẾ-GIAN

1.Thần hổ

Cạnh núi Tây-sơn có một kẻ tiều-phu, lệ thường vào núi hái củi, một hôm đi sớm quá, khi sương mờ-mịt, đường đá gấp-ghểnh, ngồi tạm ở gốc cây để đợi cho tan sương. Bỗng thấy một người ở trong rừng đi ra, thật to nhớn, lại có ba, bốn người theo sau, đều dữ-dội, khác hẳn người thường. Bụng biết rằng: nếu không phải thần núi, chắc cũng là một thứ ma quái. Liệu không náu đâu được, phải ra quì xuống lạy. Người nhớn kia nói rằng:

« Không làm hại mày đâu, đừng sợ. Theo đây, rồi ta sẽ cho một cái bổng. »

Tiều-phu thật bụng không mong lợi, nhưng sợ mà phải đi. Theo đến một chỗ gần đường cái, thấy người ấy đứng hót một tiếng, tiếng thật dài mà vang, hổ ở đâu kéo đến rõ đông. Sợ quá, ngồi nép xuống. Lại thấy người ấy giơ tay lên chỉ trỏ, nói bảo, như thể ra hiệu lệnh, tiếng nói dấm-dẳng không nghe hiểu là gì. Rồi các hổ đi hết cả, chỉ một con ở lại, phục vào trong một cái bụi rậm. Một lát, có một người quẩy gánh đi qua, hổ nhẩy ra toan vồ, bỗng lại lùi lại. Một lát nữa, lại một người đàn bà đi đến, bị hổ tát chết lôi vào. Người nhớn ấy xét xem trong áo, có mười lăm đồng bạc, lấy đưa cho tiều-phu và bảo rằng:

« Hổ không có ăn người, chỉ ăn các giống vật. Hổ mà ăn người nào thời người ấy cũng chỉ là giống vật. Nguyên người ta thời phải có thiên-lương, có thiên-lương thời trên đỉnh đầu thường có khí sáng chiếu thẳng lên, gọi là « thần-quang »; hổ trông thấy, phải lánh ngay. Thiên-lương đã mất thời thần-quang phải tắt, hổ trông thấy không khác gì giống vật, cho nên mới dám bắt mà ăn. Mới rồi, một đứa đàn ông đi qua đấy, đầu trộm đuôi cướp, rất là hung ác; song những đồ trộm cướp được, nó còn có giúp cho một người chị dâu hoá để nuôi đứa cháu bồ-côi. Vì một chút lòng đó, thần-quang còn nhấp-nhánh như viên đạn, cho nên hổ không dám ăn. Một đứa đàn-bà đi sau, đã bỏ chồng đi lấy chồng khác; lại ở nghiệt với con vợ trước của chồng sau; lại lấy tiền-của nhà chồng sau, chuyên về cho con gái chồng trước. Bấy nhiêu điều ăn-ở, làm cho thần-quang đến tắt hết, làm cho hổ trông thấy không phải là người nữa, cho nên bị ăn. Mày nay được gặp ta, cũng là vì ở với mẹ ghẻ có hiếu nghĩa, bớt cơm áo của vợ con để phụng-dưỡng, cho nên ta được theo đạo giời mà giúp cho mày, chớ không phải tại mày quì lạy ta mà ta giúp cho mày được. Mày cố nên chăm lấy những điều ăn ở hay, rồi còn có phúc về sau nữa. »

Nói xong, cho đi. Tiều-phu mới biết là Thần hổ; về nói chuyện cùng nguời làng, làng ấy từ đấy phong-tục rất nhân-hậu.

Thế-gian bàn rằng:Thế-gian thường hay thờ hổ, nghĩ như vậy thời hổ cũng đáng thờ. Than ôi! Thiên-lương dễ mờ, thần-quang khó sáng, đầu trâu mặt ngựa, dạ cá lòng chim, đạo-đức không cảm-hóa cho nổi, pháp-luật không xét trị cho cùng, thần hổ đến nay có nhẽ cũng không thiêng! Thần hổ nếu có thiêng, thần-quang đã không ám.