Bước tới nội dung

Chuyện thế gian/Quyển thứ nhất/4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

4.Vết ngón tay.

Chốn lầu xanh ở Hàng-Châu có một ả tên là Thụy-Vân, tuổi mới mười bốn, tài sắc không ai bì, mẹ nuôi sắp cho để tiếp khách.

Thụy-Vân nói:

« Một lần này là lần bắt đầu trong một đời của tôi, nên trân-trọng mới phải. Giá tiền lấy bao nhiêu tùy mẹ, còn người khách thời để cho tự ý tôi chọn lấy. »

Mụ ừ, định giá mười lăm lạng. Từ đấy mới ngày ngày cho tiếp khách. Khách, ai muốn vào tiếp, phải có một cái đồ vật thông tin trước, vật trọng thời tiếp một ván cờ, hoặc họa một vần thơ; vật khinh thời mời một chén chè thôi. Nguyên Thụy-Vân đã có tiếng, từ đấy vương-tôn quí-khách ngày ngày đua nhau ở cửa. Có chàng Hạ-sinh ở Dư-Hàng là học-trò tài danh mà gia-tư tầm-thường, vẫn ao-ước Thụy-Vân, dẫu không dám tính sự mây mưa, nhưng cũng cố kiếm chút vật mọn để giáp mặt hoa đào. Song lại e ả kia đã trải nhiều những kẻ sang người trọng, chắc không coi mình vào đâu. Lúc đến, xem cách tiếp-đãi cũng không lạnh-lẽo lắm. Ngồi một lúc, gió đông dợn sóng, ngâm một câu cho Sinh nghe rằng:

« Nhân-gian ngọc tốt cũng nhiều,
Cớ chi len-lỏi Lâm-kiều hỡi ai?
Ngày xuân lữa một lần hai,
Thiều-quang mấy lúc ra ngoài chín mươi. »

Sinh nghe hết, mừng thú quá, đương muốn nói chuyện nữa, thấy một con ở vào bẩm có khách đến, vội-vàng phải chào ra. Về đến nhà, ngâm-nga ngẫm-nghĩ mãi mấy câu, mơ mòng tưởng nhớ. Qua một hai hôm, tình không thể rướch được, kiếm ít nhiều lại đi.

Bận này đến, Thụy-vân chào tiếp rất vui, ngồi dịch lại gần Sinh, ân-cần hỏi rằng:

« Có thể tính được khuôn duyên trong một đêm không? »

Sinh nói:

« Nhà nho kiết chỉ một mảnh tình si có thể đem dâng người tri-kỷ. Hết sức mới kiếm được một chút hèn mọn để vào thăm như thế này; trướng tô được giáp, đã thỏa lòng tìm hoa; còn như phượng chạ uyên chung, xin để đợi người quí-khách khác. »

Thụy-vân nghe xong, nét mặt buồn hẳn đi, rồi cùng trông nhau không có câu gì nữa. Sinh ngồi lâu mãi, mụ ở ngoài gọi « Thụy-vân » luôn để giục ý cho Sinh đi. Sinh biết ý thế, mới ra về. Từ đấy, lòng càng thảm-thiệt, dạ càng ngẩn-ngơ. Toan muốn bán gia-tài để mua một cuộc vui, nhưng đến khi tiếng gà canh tàn, lại đứng dậy mà về thời tình-cảnh ấy lại chịu sao cho được! Nghĩ đến thế, lại đành thôi, mà lối tình từ đấy bỏ rấp.

Thụy-Vân chọn người mãi mấy tháng không được ai vừa ý, mụ sắp ép tình bắt phải theo, nhưng chưa làm ra rõ. Một hôm, có một người học-trò vào chơi, mới ngồi nói mấy câu truyện qua, đứng dậy ngay, lấy một ngón tay-trỏ để vào trán Thụy-Vân, nói rằng: « Đáng tiếc! Đáng tiếc! » rồi đi. Thụy-Vân tiễn khách ra đến cửa, quay vào, các người cùng trông ở trên trán, thấy có vết ngón tay lờ-mờ đen. Rửa đi, trông càng rõ. Được vài hôm, vết đen to dần ra; hơn một năm, lan khắp cả xuống quá một nửa mặt. Ai thấy cũng phì cười, mà ngoài cửa từ đấy hết xe ngựa. Mụ thấy cây tiền[1] đến lúc đổ, mới tháo hoa bóc suyến, hạ xuống làm con đòi. Thụy-vân lại hèn yếu, không chịu được sai bảo, càng ngày càng tiều-tụy. Hạ-Sinh nghe nói, mới lại qua xem, thấy rù đầu ngồi dưới bếp, xấu như ma. Thụy-Vân ngẩng đầu trông thấy Sinh, ngoảnh mặt giấu vào vách. Sinh nghĩ thương, nói với mụ xin mua ra; mụ cho ngay. Sinh về sếp bán ruộng, đến mua đem về.

Thụy-Vân về nhà Hạ, xùi-xụt gạt nước mắt, tự xin làm phận lẽ, để hai chữ đôi-lứa đợi người khác.

Sinh nói:

« Người ta ở đời, lấy tri-kỷ làm trọng. Mình đương lúc như hoa trên cành, còn có biết đến ta; ta có đâu vì nỗi sa rụng mà quên mình chăng? »

Từ đấy thôi không lấy vợ khác nữa, ai nghe chuyện cũng đều nực cười mà Sinh thời tình nghĩa rất thân.

Sau một năm, Sinh ngẫu-nhiên đi chơi đến đất Tô, có anh Hòa-Sinh ở cùng trọ, bỗng hỏi rằng:

« Bên Hàng-Châu có một ả trong lầu xanh, tên là Thụy-Vân, nổi tiếng lắm, bây giờ thế nào?

Hạ — Lấy chồng rồi.

— Lấy ai?

— Người đó cũng như tôi.

— Nếu được người như ông thời thật đẹp đôi quá. Không biết giá mua ra bao nhiêu?

— Nguyên hắn có một cái tật xấu lạ, cho nên bán rẻ đi. Chớ nếu không, thời trong làng nho lấy tiền đâu mà mua hoa chuốc liễu được!

— Thế người chồng ấy có thật được như ông không?

— Ông hỏi làm gì kỹ thế?

— Thật chẳng giấu gì ông. Thụy-Vân, nguyên tôi cũng từng được tiếp người. Tiếc cho rằng nhan sắc hơn đời mà gặp bước lưu-lạc! Cho nên lấy một cái thuật nhảm, lòa sáng thế-gian mà giữ lại chất ngọc để đợi người mắt xanh.

— Ông đã làm được cho đen thế, thời có rửa được cho trắng không?

— Sao chẳng được! Nhưng tất phải người ấy có thành-tâm đến cầu mới được chứ! »

Hạ đứng ngay dậy, sụp xuống lạy, nói rằng:

« Chồng Thụy-Vân tức là tôi. »

Hòa mừng, nói rằng:

« Ừ, trong thiên-hạ, thật tài-tử mới đa-tình, không vì đẹp xấu mà đổi dạ. Xin theo ông về, sẽ tặng ông một người giai-nhân. »

Hòa cùng theo về; đến nhà, Hạ sắp bảo làm rượu, Hòa gạt đi, nói:

« Hẵng để làm phép đã, khiến cho người dọn rượu có lòng vui. »

Nhân sai lấy một chậu nước lã, lấy ngón tay-trỏ viết vào xong, bảo rằng:

« Rửa đi thời khỏi. Nhưng xong rồi phải ra tận nơi để tạ ơn thầy thuốc đấy. »

Hạ cười mà bưng vào, đứng đợi xem Thụy-Vân rửa. Rửa đến đâu, sáng đến đấy, trắng đẹp như thì xưa. Hai vợ chồng đều mừng, cùng nhau ra tạ ơn thời khách đã đâu mất!

Thế-gian bàn rằng:Bỡn phấn cợt hoa, quyến oanh rủ én, đều là giống đa-tình ở thế-gian; hại thay hai chữ « Đa-tình, » vì thế mà không có giá-trị. Lòa sáng thế-gian mà giữ lại chất ngọc, tiếc thế-gian không được mấy Hòa-sinh!

  1. Ả Hứa-tử-Hòa là con nhà lầu xanh ở Cát-châu, đẹp và tinh khôn, lúc gần chết, bảo mẹ rằng: « Cây tiền của mẹ đổ mất! »