Chuyện thế gian/Quyển thứ nhất/8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

8.Hai anh em họ Thương.

Người nước Cử, có nhà họ Thương, anh giầu mà em nghèo, ở láng-giềng liền nhau. Khoảng đời Khang-hi có năm mất mùa quá; em, ngày hai bữa không kiếm đủ ăn. Một hôm, mặt giời đã đứng bóng, bếp còn không có lửa, bụng đói lép, không biết làm cách gì. Vợ bảo sang nói với anh, Hai Thương (là em) nói:

« Không ăn thua gì! Nếu anh có thương rằng mình nghèo thời đã liệu cho từ trước rồi. »

Vợ cứ sai con sang. Một lúc, về không.

Hai Thương hỏi: « Thế nào? »

Vợ lại hỏi kỹ rằng;

« Mày sang thấy thế nào?

Con — Thấy bác cứ ngần-ngừ mắt trông vào bác gái; bác gái bảo tôi rằng: « anh em đã ở riêng, ai có cơm, người ấy ăn, ai còn giúp nhau được! »

Hai vợ chồng nghe xong, cùng nhìn nhau nín im; còn cái chum vại nào, đành đem bán rẻ để kiếm ít tấm cám qua ngày vậy.

Trong làng có mấy đứa tay chơi, biết Cả Thương (là anh) giầu có, đêm leo tường vào. Vợ chồng đập thau, khua nồi để báo hiệu. Người làng cùng ghét cả, không ai đến. Phải gọi rầm đến Hai Thương. Hai-Thương muốn chạy sang, vợ nắm giữ lại không cho sang, nói to bảo chị rằng:

« Anh em đã ở riêng, ai có vạ, người ấy chịu, ai còn giúp nhau được! »

Một lúc, cướp phá cửa vào, bắt vợ chồng Cả Thương chói lại, đốt, kêu rất thảm.

Hai Thương nói:

« Chị ấy dẫu thế nào thời thế, có nhẽ nào mình trông thấy anh chết mà không cứu! »

Nhân đem con, vác dao, gậy, qua tường sang, kêu thét rất to.

Hai bố con nhà Hai-Thương xưa nay vẫn mạnh tợn, ai cũng sợ; cướp lại sợ rằng rồi sinh có đảng viện khác đến nữa, mới chịu đi.

Vào xem anh chị, chân tay đều xùi lên; cởi chói ra, nhắc để lên giường, gọi các đầy-tớ giai gái về đủ cả, rồi mới về.

Cả-Thương dẫu bị đau, nhưng tiền của chưa mất gì cả, ngày hôm sau bảo vợ rằng:

« Còn được những gì bây giờ, đều như của em nó cho cả, thời nên chia cho nó một ít.

Vợ — Nếu có anh em tốt bụng ra, thời đã không phải chịu khổ thế. »

Cả-Thương thôi không nói nữa.

Nhà Hai-Thương lại hết ăn, vợ nghĩ tất anh có báo đáp cho, lâu không thấy gì, nóng ruột quá, cho con sang, được mấy đấu thóc về. Giận lắm! muốn đem giả. Hai-Thương bảo thôi. Mấy tháng nữa, càng nghèo đói không thể đứng được.

Vợ nói:

« Bây giờ thật không có cách gì cho có ăn được. Không bằng bán cả nhà và đất cho anh. Anh sợ ta đi chỗ khác, hoặc không bắt viết giấy mà giúp cho cũng nên. Nếu dẩu không thế, thời được một trăm bạc, cũng kiếm cách làm-ăn được. »

Chồng ừ, sai con cầm văn-tự sang.

Cả-Thương bảo vợ và nói rằng:

« Em dẫu nó có tệ, nhưng là chân tay của mình, nó đi chỗ khác thời mình chơ ra một mình, không bằng giả văn-tự mà giúp cho nó.

Vợ — Không phải thế. Nó nói đi là nó dọa mình đấy. Nếu làm thế thời chính là mắc mẹo nó. Thiên-hạ, người ta không có anh em, dễ đều chết cả ư? Mình cứ xây tường cho cao vững, tự khắc giữ lấy được. Cứ lấy văn-tự đi, cho nó muốn đi đâu thời đi, cũng rộng thêm nhà ra được một ít. »

Định thế, mới bảo Hai-Thượng sang ký tên vào giấy, rồi giả tiền cho về. Hai-Thương từ đấy mới dời đi xóm khác ở.

Những bọn vô-lại trong làng, nghe Hai-Thương đi, lại đến cướp. Chói, đánh, khảo, đốt, làm rất thảm độc. Có bao nhiêu của phải đem ra chuộc mình hết. Cướp sắp đi, lại mở các bịch thóc, gọi những người nghèo trong xóm cho đến tha-hồ lấy, một lúc hết sạch. Đến hôm sau, Hai-Thương mới biết chuyện, chạy về xem, thời anh đã mê mệt không nói được. Mở mắt ra thấy em, chỉ lấy tay vạch xuống chiếu được một lúc, rồi chết. Hai-Thương tức lắm, lên kêu huyện. Những đứa đầu cướp chốn mất cả, còn vào lấy thóc thời đến hơn trăm người, đều là kẻ hèn mọn trong làng, quan cũng không làm thể nào được. Cả-Thương còn lại một đứa con mới lên năm, nhà đã nghèo buồn, thường thường cứ đến đằng nhà chú, ở vài hôm không về, đưa về thời ràn nước mắt ra. Vợ Hai-Thương cũng có ý không ưa.

Hai-Thương nói:

« Bố mẹ nó bất nghĩa, chứ nó có tội gì! »

Mua bánh cho ăn và tự đưa về đến nhà. Từ đấy, cách mấy hôm, lại giấu vợ con mang trộm gạo đến cho chị dâu để nuôi cháu.

Thế-gian bàn rằng:Cả-Thương, tình hữu-ái không đáng thẹn với em mà chỉ không bảo nổi vợ; vợ Hai-Thương, thói tai-ác không kém gì chị dâu mà chỉ không bắt-nạt nổi chồng. Vậy cho nên trong cửa nhà người ta, phải lấy người đàn-ông làm trọng, vợ lấn chồng thời dễ sinh họa-biến; cho nên đức-tính của người đàn ông, không lấy nhân-nhu làm quí, chồng khuất vợ thời gia-biến thường sinh. Xem chuyện đó mà nghĩ cho những nhời luận « xướng nữ-quyền » ở trong những nước chưa văn-minh, thực là gieo giáo mác vào trong các gia-đình của xã-hội vậy.