Dưới hoa/I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dưới hoa của Từ Chẩm Á, do Nhượng Tống dịch
I. — Chôn hoa

DƯỚI HOA

(NGỌC-LÊ HỒN)



I. — CHÔN HOA

Sương sớm chưa tan, vầng đông mới mọc, ánh nắng lồng vào cửa kính, đỏ-hồng như sắc hoa. Ngoài song một gốc hoa lê, trong cảnh trăng tàn gió sớm, thướt tha như một cô tiên áo trắng mới chợt tỉnh giấc vàng, mà dì gió vô tình, không rưng đã sấn vào đòi mạng... Gió đưa hoa rụng tơi bời. Ủ ê mặt ngọc ngắn dài hàng châu. Quanh thềm tuyết trải trắng phau; non Bồng cung Quảng chung mầu điểm trang. Về phía tả, dưới hòn non-bộ, lại có một gốc tân-di, bông hoa mới nở, vừa nhuộm mầu hồng, sương sớm la đà, cành xuân deo nặng; dưới bóng mặt trời mới lên, như trăng một bức bình phong gấm; kẻ nhìn đã đủ mê hồn choáng mắt, mà lá thêu mây dệt, dễ đâu bì được dong quang...

Hai gốc hoa song song cùng đứng, bên như xùi xụt khóc, mà bên như nhởn nhơ cười: mỗi bên như ở một trời đất khác Cùng trong một cảnh mà bên nở, bên tàn, bên tươi, bên héo, gốc hoa lê tiều-tụy kia, chính là cái hình ảnh của các chị em bạc mạnh, so với gốc tân-di đương trà khoe thắm, đua tươi, tô hồng, chuốt lục, lại càng thêm đau cho thân-phận lạc loài. « Mấy lần cửa đóng then cài, đầy thềm hoa rụng biết người ở đâu! » Hồn hoa đã chết rồi, ai là người gọi? ai là người lay? lại ai là người thương tiếc? Một, đôi chiếc oanh vàng ríu rít đầu cành, như còn biết vì hoa mà thăm viếng; ngoài ra thì sân không vắng ngắt, chỉ có làn gió rung cành, làm cho cánh hoa rụng tơi bời tung trắng mà thôi. Một lát, cánh song sịch mở, một chàng thiếu-niên ngó cổ ra ngoài. Chàng người mảnh rẻ mà mặt buồn rầu, gượng mệt ngậm sầu, hình như kẻ đã lo hộ vì hoa mà xuốt đêm mất ngủ; thẩn thơ đứng tựa song, nhìn đăm đăm vào gốc lê nửa tàn rồi ngậm ngùi mà nói: Sương gió một đêm mà đã tả tơi đến thế! Hoa ơi hoa! phận hoa mỏng mảnh thế ru mà... Chỗ chàng đứng, cách gốc tân-di chẳng bao nhiêu; bóng dương đầm ấm, hoa mỉm miệng cười: thấp thoáng bóng hồng, ánh lại như nhuộm vào mầu áo. Tuy nhiên, chàng hình như không để ý đến. Lạ thay! gốc tân-di mới nở thì chàng ra ý hững hờ, mà gốc hoa-lê đương tàn, thì chàng lại ra tình quyến luyến, đời bỏ ta yêu, đời yêu ta bỏ, tính khí ngược đời như vậy trong tình trường ai bảo chàng không phải là một kẻ oái-ăm[1]. Người ấy là ai? Chính là chàng Mộng-Hà người ở Giang-Tô đó.

Nhà làm thơ có câu nói liều mà cũng có câu tả thực; nói liều như câu: « Đêm xuân ngủ quên sáng, xao xác chim kêu váng »; tả thực như câu: « Thương hoa rậy sớm nhìn hoa, yêu trăng ngồi ngắm trăng tà thâu canh. » Đêm dài man mác, mặc thây hoa ngủ tắt đèn đi; canh vắng âm thầm, đuổi phắt trăng ra gài cửa lại; người mà như thế, thật là phường tục tử vô tình. Còn như khách đa tình thì ai không quyến luyến với trăng với hoa, mà đã quyến luyến thì ai chẳng đem lòng âu yếm. Hoa nở, trăng tròn, một năm nào mấy lúc, kẻ tự phụ là giống đa tình sao nỡ mặc cho hoa nở, trăng lên chỉ biết vùi đầu ngủ kỹ, để bỏ phí cái quang-âm quý báu vô ngần? Mộng-Hà một thân lưu lạc, lần lữa qua thì, nỗi nọ đường kia, sự lòng ai tỏ; trong cảnh thê lương, mong được kẻ để cùng mình bè bạn[2] thì chỉ trông có hai gốc hoa sân trước đó thôi. Bởi vậy, chàng coi hai gốc hoa ấy như sinh mạnh thứ hai của chàng, hết sức chăm nom săn sóc, đến nỗi ăn thì nhìn thấy hoa ở mâm cơm, nằm thì trông thấy hoa ở trong mộng, mà sắc hoa, hương hoa, hồn hoa, bóng hoa, lòng chàng coi hình như lúc nào cũng đi về lẩn quất bên mình. Khi ấy chàng sực nghe tiếng chim hót thảm, vội vàng xốc áo ngồi lên, bâng khuâng nhớ lại cảnh đêm qua, từ lúc còn ngồi đứng thẩn thơ, cho đến lúc đặt lưng nằm xuống... Nguyên đêm trước, trăng trong như nước, hoa nở đầy cành; cảnh đẹp trời thanh, nào dễ mấy khi được thế. Đêm xuân một khắc nghìn vàng. Dưới hoa luống những bàng-hoàng năm canh. Lời khấn vái, chuyện đinh ninh, nhìn trăng nhẩy múa, vin cành thở than. Một mình ngồi đứng bàn hoàn, say mê quên cả đèn tàn đêm khuya... Mãi khi hơi sương lạnh toát người mệt như dần, chàng mới đành từ giã thần hoa, đặt lưng nằm nghỉ. Gối chiếc chăn đơn, dằn dọc không sao nhắm được mắt; hồn hoa theo gót lẻn vào, ma ngủ tìm đường chạy mất, mà bừng mắt coi, thì trời đã rạng đông...

Mộng-Hà đã là giống đa tình, đã yêu hoa như tính mạnh mình có lẽ lại không biết đem lòng bác ái sao? Lòng chàng quyến-luyến với hoa lê mà hờ-hững với tân-di, không phải là thiên, mà chỉ vì một mảnh tình chung, chưa dễ sẻ đôi cho được. Chàng ở đấy mới được có mấy tuần. Lúc mới đến thì đã cuối mùa hoa lê: gió dập mưa vùi, trông hoa đã muôn phần tiều tụy. Thế mà cảnh cũng chiều người, từ khi có chàng, hồn hoa như lại hớn hở tươi cười để đón chào chủ mới. Chàng vừa qua cơn vất vả đường trường, lại phải ở vào một chỗ trông quanh không một ai là người quen kẻ thuộc; đương khi cám cảnh bơ vơ, đau lòng lưu lạc, tình cờ lại gặp được gốc hoa lê cũng cùng phường bạc mệnh, tự nhiên phải đem lòng âu yếm: « lạ chi thanh khí nhẽ hằng, một giây một buộc ai giằng cho ra »! Đến như gốc tân-di thì lúc ấy hoa còn chưa nở: gió đông mới nhuộm má đào; bướm ong chưa biết lối vào tìm hương. Những là thẹn nắng kinh sương; đào ghen sắc thắm, mai nhường mầu thanh, Mộng-Hà thấy thế, vẫn ra ý hững hờ; vì so sánh hai hoa, thì tuy cũng có vẻ đáng yêu, song cái vẻ đáng yêu của hoa-lê còn làm cho chàng phải đem lòng cảm. Chàng là người thường đặt mình ở trong vòng tịch-mịch, thê-lương, có thiết gì đến cảnh phồn-hoa rực rỡ: lòng yêu hoa đã khác, thì bụng thương hoa khỏi sao bên trọng bên khinh. Bấy giờ chàng đẩy cửa nhìn ra, thì đã thấy đầu cành vắng ngắt, mặt đất trắng phau, một lớp cánh hoa tàn, đưa vào mắt thêm gợi lòng chua xót. Chàng thương hoa mà rậy sớm, hoa sao nỡ bỏ chàng mà đi đâu! Chàng đứng ngẩn người ra nhìn một lúc rồi quay vào, lại theo cửa phía tả đi qua lối hành lang mà bước ra sân trước. Một vùng quỳnh nát, rao tan, gót giầy thoang thoảng hương tan chưa phai.. Chàng rảo bước chạy lại, ôm gốc hoa nức nở khóc rằng: Hoa ơi hoa! Mộng-Hà đến đây rồi mà hồn hoa đi đâu thế? Đời hoa thật là đời bạc mạnh! Sinh ở một nơi không có ai là người lai vãng, gió đông khóa kín, cửa đóng then cài; không cần đến ai, không thiết đến ai, mà lại cùng ta chắp mối tơ duyên ngắn ngủi, Hoa nở ta không hay, hoa tàn ta mới đến, « biết lối tìm xuân, xuân đã muộn », số hoa đã chẳng ra gì, mà số ta nào có ra gì... Nếu ta đến sớm mấy bữa thì vào lúc hoa nở đầu mùa, hương còn đượm, sắc còn tươi, gió sớm trăng chiều, ta còn được đứng tựa bao lan mà nhìn cho no mắt... Nếu ta đến chậm mấy bữa thì đã là lúc gió dập mưa vùi, vàng phai ngọc nát, sắc đã tàn, hương đã nhạt, dù nhìn đến cành không sao khỏi đau lòng khách, song chuyện trăm năm cũ, có đâu như trông thấy nhỡn tiền... Cớ chi trước không đến, sau không đến, mà lại đến vào giữa lúc hoa tàn? Chưa vui xum họp đã sầu chia phôi, hình như con tạo trêu ngươi, cố đem sợi tơ mành mà xe làm chỉ thắm. « Gây sóng đã làm phiền đến nước, rụng hoa lại để tội cho xuân », tội của gió kể thì to thật! Thế nhưng bàn tay chuyên chế của chúa xuân mới lại càng độc địa: đã để đời hoa phải thiệt thòi vì gió, lại còn đem mảnh tàn hồn của hoa để giắt ta vào cảnh thương tâm! Ta muốn bắc thang lên gõ cửa nhà trời, hỏi ông xanh sao khéo vô tình, nỡ thả rông cho giống Hương-quốc-ma-vương[3] được phá hại cái thế-giới oanh hoa[4] như thế[5].

Than ôi! Mộng-Hà mê rồi! hoa có biết nói đâu mà khéo khóc than kể lể. Lớp hoa rụng quanh thềm, đã không có lúc nào là lúc chắp cánh liền cành được nữa, mà gió đông chơi ác, lại nhân lúc Mộng-Hà ê chề đau đớn, cố trêu cho thêm nỗi đoạn trường: một trận gió to vùi dập, bao nhiêu hoa trên cành còn lại, rào rào rụng xuống như mưa, phấp phới bay vào đầy cả áo. Chàng nhìn ngược nhìn xuôi, bất giác chín khúc quặn đau, hai hàng lã chã; trông nhau chua xót muôn vàn, lệ sầu theo cánh hoa tàn như mưa... Chàng vừa cất tiếng kêu trời, thì hồn hoa hình như cũng có thiêng, nghe tiếng chàng khóc, đã bàng hoàng chợt tỉnh, cố gượng bay lên trước mặt chàng múa theo chiều gió, ra ý cảm tạ chàng về tấm thịnh tình từ trước và van vỉ chàng đoái thương cho chút phận về sau... Chàng tự nghĩ; Ta đã là chủ gốc hoa này, thì phải làm cho hết bổn phận ta. Ngồi nhìn cho hoa phải rã rời tan tác, đã đành cam chịu bạc với tình: song đắp-điếm tử sinh, việc ấy ta còn chờ ai; mà để cho hoa phải sa rãnh dây bùn, sao cho đành dạ? Nghĩ thế rồi sẽ phủi cánh hoa trên áo, trở vào khoác một chiếc bao cùng cầm một chiếc cuốc đem ra; lại đi quanh nhặt từng cánh hoa một, bỏ vào trong bao; vừa đi, vừa quét, vừa xùi xụt khóc thầm; làm trong nửa tiếng đồng hồ, mà đám tuyết dưới thềm đã gói ghém vào trong chiếc bao gấm của chàng tất cả... Xong đâu đấy, chàng vác chiếc bao vào, định cất vào tủ hay để lên bàn, song nghĩ làm như thế thì xác hoa còn điêu đứng ở nhân gian, bây giờ dẫu không sao, song sau này chắc gì giữ được; đã toan thả xuống nước, song chung quanh lại không tiện hồ ao. Chàng muốn thu xếp ngay cho yên việc, song nghĩ đi nghĩ lại, không biết nên theo cách nào. Bỗng sực nhớ ra mà rằng: Phải rồi! phải rồi! Lâm-Tần-Khanh[6] chôn hoa, còn để chuyện đến giờ. Việc trước còn đấy, người sau học đòi, một nấm Mai-Hương (mả chôn hoa) ba thước đất, đó chính là cái gương cho ta, khách đa tình phải thế mới được. Ta tiếc gì mấy phút chân bùn tay lấm, mà không đã thương thương trót, để chịu tiếng với Tần-Khanh. Nói xong lại hớn hở nói một mình rằng: Ta làm thế, họa may mới khỏi phụ lòng tri kỷ!... Vội vàng lau ráo nước mắt, gượng làm ra bộ tươi tỉnh, bước lại bên hòn non-bộ, tay cầm cuốc, tay xách bao hoa...

Chao ôi! Gió đông lay tỉnh giấc vàng. Trời Nam để khách mơ màng nhớ ai. Thương nhau phải lúc lỡ thời; bướm ong xiết nỗi ngậm ngùi cho hoa!... Mộng-Hà đến bên hòn non-bộ, tìm miếng đất sạch, đào một cái hố, bỏ bao-hoa xuống, lấp đất đi, lại cơi một cái nấm để đánh dấu lên trên. Đắp điếm xong, vào trong bàn, lấy chiếc cốc thường dùng rót lấy ít rượu, đem ra tưới khắp chung quanh mồ. Nét mặt chàng, bỗng đổi ra vẻ sầu thảm vô cùng, vì chàng nghĩ đến việc chôn hoa mà chợt lại tự thương đến cái thân-thế mây trôi bèo dạt: Cánh hoa kia còn nhớ được ta là kẻ si tình, nhặt nắm xương tàn, tìm vùng đất tốt, một nấm vùi nông, có nơi ký thác, đời hoa thôi thế cũng là may. Đến như ta thì một thân lận đận, nửa đời giở giang, ở tạm ăn nhờ, nay đây mai đó; tri âm xa vắng phương trời, nắng mưa nghĩ nỗi đường dài mà kinh. Vụng tu đã lỗi giờ sinh, trăm năm ai lại biết mình là ai... Nghĩ thế rồi lại cất tiếng ngâm câu: « Chôn-hoa người bảo em đần. Chôn em nào biết đến lần tay ai? » của Lâm-Tần-Khanh, bất giác tại ngậm ngùi thương cảm; trời đất vô tình, tuổi xanh ngắn ngủi; giận thiều-quang đã đi không lại, mong tri kỷ biết đâu mà tìm; bên lòng trăm mối ngổn ngang, giọt lệ sầu lại không biết tự đâu dẫn đến.. Tần-Khanh đứng trước nấm Mai-hương còn có Bảo-Ngọc là người đồng-điệu, nay Mộng-Hà đứng đấy, lại làm việc của Tần-Khanh, mà Tần-Khanh nào đâu? mà người cười chàng đần là ai đần? mà người cùng chung một mối thương tâm, góp được hai hàng nước mắt, nữa là ai? Bạn tri-kỷ của chàng, có lẽ chỉ có đám hoa tàn trong mồ thôi đó. Nghĩ thế thì chàng lại sa đôi hàng lệ, gọi hồn hoa mà khóc rằng: Hoa ơi hoa! giấc mộng ba sinh, hoa mê hay tỉnh? Đời hoa sao ngắn? sầu này bao nguôi. Cỏ áy một vùng, mồ hoa đã ấm; đất vàng một nấm, xương hoa đã vùi; chim hôm mấy tiếng, đã viếng hoa rồi, rượu nhạt nửa bình, đã cúng hoa đoạn; biết chăng hoa? không biết chăng hoa? Thương ôi! nắm xương còn lại trơ trơ, hương trời sắc nước bây giờ hỏi ai? Lầu Yến-tử[7] khách đâu vắng tá, bâng khuâng cảnh những nhớ người, đình Mẫu-đơn[8] hồn có về không, mờ mịt ai nhìn thấy bóng? Tuy nhiên, tiếng kèn gọi nguyệt, Văn-cơ[9] chưa quên nỗi nước nhà; vết nhẫn in tay, Ngọc-tiêu[10] vẫn nhớ nguyền kiếp trước, vậy thì sang năm xuân về, hoa nên ra sớm, đừng để phụ lòng ta đợi tháng chờ năm.

Khi ấy chàng đã khóc chẳng nên lời, vất vả suốt một buổi, người đã mệt, hồn đã mê, cả đêm không chớp mắt lúc nào, qua cơn thương cảm ấy, không sao đứng gượng lại được nữa, liền quay vào trong nhà nằm nghỉ. Sân trước bấy giờ lại vắng, chỉ còn có mồ hoa ba thước, quanh mồ ướt đầm những vệt lệ của Mộng-Hà mới tưới mà thôi.[11]

  1. Người yêu ta bỏ, người bỏ ta yêu, chính là vì cảm tình nó làm mê con người ta, mà cái mê ấy nhất là ở trong tình trường hay có. « Ái-tình mù mắt » (L’Amour est aveugle), nào có lạ gì đâu. Anh em, chị em thanh-niên, cố mà tránh cho khỏi cái mê như Mộng-Hà, kẻo lúc tỉnh ra thì đã ăn năn không kịp.
  2. Đức Khổng-Tử dạy rằng: « Đừng lo người không biết mình.,. » Ở trong đời, làm việc đời, đã đành cần có kẻ biết mình, song nhỡ khi không ai là kẻ biết mình, thì ta phải có cái khí khái tự lập tự tôn, đem một thân mà bạo dạn phấn đấu với đời, « Yêu ta ta cũng thế này, ghét ta ta cũng như ngày yêu ta », đừng vì thế mà nản lòng, đừng vì thế mà chăm chăm cầu cho đời biết mình, sinh ra tính ỷ-lại uất-ức như Mộng-Hà này, thì mới khỏi nhầm đường lạc lối được.
  3. Gió.
  4. Xuân.
  5. Người Á-đông có một cái « chứng chết » là chứng quá tin trời; khổ thì kêu trời, làm thì nhờ trời, giầu sang thì bảo trời cho, tức ghét thì rủa trời đánh, bao nhiêu việc thế-gian đều phó thác mặc tay trời cả; bởi thế về vật chất thì không sao chinh phục được sức thiên nhiên, về tinh thần thì sinh ra chứng đãi-thời, chứng ỷ-lại, chứng vô-huyết-tính, không còn gì là biết phấn đấu, biết cạnh tranh. Than ôi! giống da vàng hèn kém vì đâu? có lẽ nhiều người lại muốn bắc thang lên hỏi ông trời hẳn!...
  6. Một vai chính trong truyện « Hồng-Lâu-Mộng »
  7. Quan Miện-Miện tự tử ở trong lầu Yến-tử.
  8. Ngày xưa có vợ chồng người kia, lúc sống rất thương yêu nhau, lúc chết hóa làm hai cây mẫu đơn. (Theo điển truyện Mẫu-đơn đình).
  9. Sái-văn-Cơ bị giặc Hồ bắt, mượn kèn Hồ thổi để tỏ lòng nhớ quên
  10. Ngọc-Tiêu nhận chiếc nhẫn của Vi-Cao, chờ chàng không được, uất ức mà chết, sau lộn vào một nhà kia, mới đẻ ra ngón tay trỏ có một miếng thịt mọc vòng quanh y như người đeo nhẫn, sau gập Vi-Cao, bấy giờ chàng đã có vợ, liền lấy làm nàng hầu.
  11. Bọn nhà nho Đông-phương toàn là hạng rất thông minh. Chỉ vì cái giáo-dục hủ bại nô-lệ cổ-nhân, thành ra cái thông minh ấy đem dùng cả vào chỗ vô dụng. Mối không tưởng chỉ mơ màng những tình, những cảnh, những cảm, những sầu, những gió, những giăng, những hoa, những cỏ, rồi thành ra hạng người sống bằng mộng, trí não xa hẳn với sự thực tế ở đời. Quá đến nỗi có hạng như Ngô-Bội-Phu, giặc đuổi đến nơi còn mải làm thơ đánh chén?... Mộng-Hà này cũng là một người đủ đại biểu cho hạng hủ nho ấy. Cái thì giờ lúc tuổi xanh, càng gặp cảnh khó khăn lại càng phải bền gan phấn đấu, nào thiếu gì việc làm ích nước lợi nhà, thiếu gì sự đủ lợi nhân tế vật, thiếu gì sách vở, kiếm cung, để học tập, đúc rèn cho tấm thân hữu dụng, nói tóm lại là tùy cảnh ngộ đều có thể tìm được một con đường quang mà đi cả; cớ chi lại ngồi mà nhặt hoa, chôn hoa, khóc hoa, rồi lại tự thương, tự tủi, tự uất ức như một thằng cuồng? Hạng người như thế tức là hạng người xưa kia gọi là bọn « danh-sĩ », song nay thì tôi xin gọi là bọn « Chết rồi »? Bọn « Chết rồi » ấy ngày xưa thường chiếm được địa vị ở xã-hội Á-đông, cho nên xã-hội Á-đông mới có một phen « Chết dở »?... Mong sao các anh em, chị em thanh niên toàn là hạng thông minh cả, đừng có dùng nhầm cái thông minh như hạng Mộng-Hà này. ...