Dưới hoa/II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dưới hoa của Từ Chẩm Á, do Nhượng Tống dịch
II. — Khóc đêm

II — KHÓC ĐÊM

Buồng văn vắng khách, bóng nắng đỉnh đầu; khói xanh trên nóc nhà bếp bốc nghi ngút lên lưng chừng không, ấy là lúc cơm trưa vừa chín. Mộng-Hà sớm rậy ra ngay gốc hoa, nhặt hoa, chôn hoa, khóc hoa, người đã mệt nhoài, quay vào vừa đặt lưng nằm thì thằng nhỏ đã bưng cơm đến. Ăn xong, chàng uống mấy chén nước chè cho hồn thơ tỉnh lại, đi bách bộ quanh phòng mấy lượt rồi lại ra đứng tựa vào bên song. Bấy giờ hoa tân-di đương đua nở; dưới bóng nắng, mầu hoa rực rỡ như mây như gấm, lọt thẳng vào mắt chàng. Chàng nhìn hoa mà than rằng: Cây hoa mới đẹp làm sao! Điểm tô nhờ sức giớ đông, trăm sáu thiều-quang hình như để dành phần cho nó cả. Thế nhưng cảnh đẹp được bao lâu, hoa tươi nào mấy lúc, dì gió vô tình kia bụng dạ vẫn công bằng song bàn tay không phải là không cay nghiệt, nay thế này, mai thế khác, đã dục dã cho hoa nở, tất có khi vùi dập cho hoa tàn. Gốc hoa này rồi tránh sao khỏi được cái số-kiếp như đám hoa trong mồ kia, muôn hồng nghìn tía đua tươi, cứ mặt ta trông thì có khác gì muôn, nghìn giọt lệ sầu nhuốm máu... Chàng nghĩ thế thì lòng lại buồn tanh, trăm mối tơ sầu, gỡ ra không được; nhân lại bên bàn viết, lấy bút giấy thảo hai bài thơ rằng:

HOA LÊ

Hoa rụng xuân về cảnh vắng tanh,
Nhìn nhau chan chứa xiết bao tình.
Cánh tàn rải rắc hương còn đượm,
Hồn lạc bơ vơ mộng chửa thành.

Gạt lệ nào ai cùng biết cảm,
Đau lòng hỏi đến nỡ làm thinh.
Phương trời lận đận tri âm vắng,
Trông bóng hoàng-hôn luống giật mình.

TÂN-DI (mộc bút)

Phấn điểm son tô đượm vẻ ngoài,
Vườn xuân đua thắm dễ nhường ai.
Gió đông ngăn đón tin còn vắng,
Sương sớm la đà mộng chửa phai.
Chữ gấm nghìn dòng in nét máu,
Màn là bốn mặt kín hương trời.
Đề thơ không phải tay tài tử,
Để thẹn cùng hoa biết mấy mươi.

Viết xong đọc lại một lần, gác bút ngồi rù, lòng lại nghĩ vơ nghĩ vẩn. Chợt nghĩ hồn-hoa tuy đã được yên thân, song mồ-mới chưa có gì đánh giấu, để không như thế, coi vào sao đang. Chàng vốn là tay giỏi nghề chạm, liền lấy một tấm đá trắng, vạc nhẫn đi mà khắc chữ; trong hai tiếng đồng-hồ đã làm xong tấm mộ-chí, có đề hai dòng chữ rằng:

« Mồ Hoa Lê »

« Năm Kỷ-dậu, tháng ba, Thanh-lăng hậu-nhân đề »

Khắc xong, chàng gọi thằng nhỏ đem ra dựng lên trên mồ. Người lúc ấy đã mệt nhọc quá, liền nằm vật xuống giường ngủ thiếp đi. Mãi đến khi bóng tà đã bảng lảng non tây mà chàng vẫn ngủ say không biết...

Vầng hồng lặn, bóng trăng lên, làn gió hiu hiu, gương nga vằng vặc; lúc chàng tỉnh rậy, thì ngoài bao lan đã trăng lồng bóng hoa... Đồng hồ trên vách, « keng keng » vừa điểm mười giờ. Bóng trăng lọt song soi vào màn, trên chăn đệm in vô số những bóng hoa mờ tỏ. Khí trời bỗng đổi lạnh; chàng kéo chăn trùm kín, toan nối lại giấc mộng tàn. Bỗng nghe có tiếng khóc văng vẳng xa đưa, chàng giật mình tung chăn ngồi lên, cặp mắt lim dim bấy giờ mới thật tỉnh. Lắng tai nghe xem tiếng khóc ở đâu thì chính là ở ngoài song, rền rĩ nỉ non, nghe dợn cả gai ốc. Chàng sậm sột tự nghĩ: Quái lạ! Chỗ này ban ngày ban mặt còn không có ai lai vãng; đêm hôm khuya khoắt, sao lại có kẻ đến đây mà khóc than? Thôi phải rồi! Có lẽ là hồn-hoa đấy hẳn thôi! Ta có công đắp điếm cho nó ban ngày, cho nên bây giờ người vắng canh chầy, nó mới hiện lên để làm bạn với ta cho qua cơn sầm tịch. Chắc độc-giả cũng rõ rằng điều đó bao giờ lại có thực được, chẳng qua chàng nghĩ vẩn ra thế đấy thôi. Nghĩ thế rồi, chàng liền đánh bạo muốn dò ra mối manh; vai khoác áo, chân khuờ giầy, rón rén bước ra đứng nấp vào sau khuôn cửa kính để nhìn ra ngoài cho rõ. Chợt thấy dưới gốc hoa lê, thấp thoáng có một người con gái áo trắng, quần trắng, thẩn thơ đang đứng một mình; trông người vừa có vẻ yểu điệu, vừa có vẻ đoan trang, tuy không son tô phấn điểm, giắt ngọc đeo vàng, mà trộng liếc dong quang thật là một vị tiên sa trên trần thế!...... Lúc ấy đêm lặng như tờ, trăng trong như nước, cuối mắt đầu mày, xem rõ bằng một, nào ai biết rằng người hay hoa.... Tóc mây bù rối, vóc liễu thướt tha, giọt lệ vắn dài, vịn gốc cây mà khóc. Tiếng khóc nỉ non thánh thót, trong cảnh trăng suông đêm vắng, xa nghe như tiếng loan lẻ bạn, tiếng nhạc lạc đàn. Đàn chim đậu trên cành, thấy động đều vỡ tổ bay kêu xào xạc.... Hồi lâu nàng mới rút khăn lau ráo nước mắt, cúi đầu nhìn xuống đất, bỗng nhớn nhác trông quanh bốn phía, hình như đã trông thấy tấm bia trên mồ; uốn lưng bước lại, lấy tay vỗ về tấm bia rồi lẩm nhẩm gật đầu; xong đó dạo bước quanh mồ, sầm nét mặt ra chiều nghĩ ngợi rồi lại cất tiếng khóc. Tiếng khóc lần này lại thảm thiết hơn tiếng khóc lần trước, giọt lệ thương tâm như thấm đến tận gan tận ruột, có lẽ không kém gì tiếng khóc của Tần-Khanh, khi đứng trước mồ Mai-hương. Chàng đứng cách người ấy có chừng hai, ba thước; dưới vầng trăng sáng, trên từ mái tóc đường ngôi, dưới đến nếp quần vạt áo, mắt chàng trông đều rõ như vẽ, quả nhiên là một vị mỹ-nhân tuyệt sắc, tuổi độ ngoài đôi mươi... Tâm thần chàng bấy giờ đã như dại như ngây, vừa mê vì đẹp, vừa cảm vì tình, lại vừa thương cho sức vóc yếu-thơ, chịu sao nổi đêm hôm lạnh lẽo. Trong óc chàng nẩy ra không biết là bao nhiêu những cảm-tưởng lan man kỳ quái... Bỗng thấy « rầm » một tiếng, chàng mới như ngủ mê chợt tỉnh, thì ra nhìn mải quá, đến nỗi chạm trán vào mặt kính, suýt xầy cả da... Nhìn lại người con gái thì đã không thấy đâu nữa rồi, chỉ còn có gió đêm hiu hắt, bóng nguyệt tờ mờ, chiều trời đã quá canh ba; chàng bâng khuâng như mất lạng vàng, lại vào giường ngủ. Đêm ấy có ngủ được không tuy Mộng-Hà không bảo kẻ chép chuyện, song cứ ý riêng mà đoán, thì tưởng ta cũng nên đem chương thứ ba trong thơ Quan-Thư[1] mà ôn lại vì chàng...

Lạ thay! Người con gái sao lại đến đấy? đến đấy sao lại cất tiếng khóc? cất tiếng khóc sao lại thảm thiết nhường kia? Khóc mồ chăng? Khóc hoa chăng? Hay còn khóc về nông nỗi khác? Chắc hẳn nàng cũng cùng Mộng-Hà cùng giống tình-si, cùng hoa lê cùng phường mạnh bạc, tiếng khóc kia, chẳng qua, mượn cớ khóc hoa mà kỳ thực là mình tự khóc mình... May mắn thay cho Mộng-Hà! Mênh mang đất rộng trời dài biết đâu còn có kẻ cùng mình cùng chung một tấm tình mà sa đôi hàng lệ... Nước sông cuồn cuộn, mạch thảm chưa vơi; mảnh đá trơ trơ lời nguyền còn đó; duyên gặp gỡ trong đêm hôm ấy, hay đâu đã giắt ai vào giấc mộng-tình...

Các bạn xem chuyện, có biết người con gái ấy là người thế nào không? Nàng không phải là hồn hoa lê, mà chính là hình-ảnh hoa lê... Chàng Mộng-Hà đa tình kia, cùng người con gái bạc-mạnh ấy đều là vai chính trong chuyện này. Muốn biết lai lịch người con gái ấy ra sao, xin hãy xét xem tung tích Mộng-Hà thế nào đã.

Mộng-Hà họ Hà tên Bằng, biệt hiệu là Thanh-lăng hận-nhân, quê ở Thái-hồ, tỉnh Giang-tô. Lúc sinh chàng, bà mẹ nằm chiêm bao thấy trên trời sa xuống một đám mây ngũ sắc, nhân đặt tự là Mộng-Hà Chàng vốn con nhà gia-thế; người cha là một nhà nho hay chữ ở trong vùng, sinh được một gái, hai trai, con cả là Kiếm-Thanh mà chàng là con thứ. Vì lúc chàng sinh ra có điềm lạ, nên cha mẹ lại hết lòng thương yêu[2]. Một đôi người ngọc, rạng vẻ cửa nhà, ai cũng khen là nhà có phúc Lúc chàng còn nhỏ, vừa đẹp người, vừa sáng dạ, khác hẳn mọi đứa trẻ thường: đi về học tập, cắp cập theo anh, bé đã được tiếng là thần-đồng, lớn lại nổi danh là tài-tử.... Cha mẹ thấy thế vẫn có bụng mừng thầm, thường nói: « Cảnh già được con khá, ở đời còn gì sung sướng hơn ». Người cha vốn không thiết phú quí, thấy Mộng-Hà có thiên-tài như thế, không muốn cho học lối kiếm ăn, để lạc bước vào vòng lợi danh. Vì thế chàng được để cả thì giờ đọc các thơ, văn, sử sách, cùng xem rộng các tiểu-thuyết[3], trí khôn mở mang ra nhiều lắm. Trong các tiểu-thuyết, chàng thích nhất là bộ Hồng-lâu-mộng; đầu bàn, bên gối, xem không mấy lúc dời tay. Kiếp xưa nặng nợ, mới sinh làm giống đa tình; tuổi trẻ hay buồn, tất phải kém đường hạnh-phúc. Người ta hễ có tài thường hay đa tình, mà hễ đa-tình thì thường hay lắm sầu giầu cảm, « Hồng-lâu-mộng » là ngọn bút khoe tài, bộ sách tả tình, câu chuyện gây sầu gợi cảm, mà chàng lại là kẻ có tài, kẻ đa tình kẻ lắm sầu giầu cảm, nên mỗi khi cầm đến sách là lại lo hộ cho người thiên-cổ, kêu oan cho khách si-tình. Nguyên vì một nỗi tủi duyên hờn phận của Lâm-Tần-khanh mà trong những khi trăng chiều gió sớm. chim hót hoa cười, không rưng chàng đã phao phí mất bao nhiêu hàng lệ... Đến khi xem đến những đoạn Tần-Khanh đốt thư để dứt tình, chôn hoa để gửi giận, thì lại càng thương vì nỗi « người đâu hiếu nghĩa đủ đường, kiếp sao chịu những đoạn-trường thế ru! » Có lúc bụng chàng tấm tức, hồn chàng mê man, mong đời mình cũng gặp được một người như thế... Nhân khi ngồi rỗi vô sự, chàng lại đem các vai trong truyện, trên từ « bà lớn Sử, » dưới đến « chị cả Sã », vịnh cho mọi người một bài thơ. Lời thơ trải chuốt thanh tao, ai xem cũng thích. Có người bạn thân đã nói: Tu mấy kiếp cho được làm đời Giả Bảo-Ngọc!... Thế nhưng anh đã ao ước, thì trời xui khiến vậy, không khéo lại có ngày lạc vào vườn Đại-Quan, chịu đủ mọi đường khổ não mất thôi. Chàng biết bạn nói trêu mình, mỉm cười không đáp. Biết đâu chỉ mấy năm trời, mà lời nói bỡn kia đã thành ra sự thật; Tờ hoa thắm lệ đã vì ai mà giắt mối tơ mành...

Mười năm lận đận phong trần, quyển vàng nỡ để lữa lần ngày xanh. Chàng dù coi rẻ công danh, song cũng thi khóa sinh hai lần, lần nào cũng trượt cả, vì vậy lòng thường uất ức, thế nhưng học tài thi phận kêu mà ai thương. Gặp lúc nhà nước đổi phép thi, các bọn thanh niên đều theo nhau bỏ cũ theo mới. Chàng cũng vào học ở trường sư-phạm Lưỡng-giang, khi tốt nghiệp đứng vào hạng tối ưu, bây giờ mới hai mươi tuổi. Khi ấy người hị hứa gả về họ Dương ở Hoằng-nông, đã làm lễ cưới; Kiếm-Thanh lấy vợ, đã sắp sửa có con. Cha mẹ muốn cho các con, như đũa có đôi, cũng toan tìm nơi xứng đáng cho chàng, song chàng không bằng lòng, hỏi không nói, mà hỏi gặng thì lại rưng rưng nước mắt. Cha mẹ tưởng chàng đã có nơi yêu vụng dấu thầm, cho người hỏi rò các bạn thân, song mãi không ra manh mối thì lại càng lấy làm lạ. Kỳ thực thì tâm sự của chàng thế nào, hồ dễ đã rỉ răng cùng ai được. Nghiêng nước nghiêng thành, tìm đâu cho thấy? Mộng hồn lận đân, ai người đồng tâm? Một mảnh tình si, chàng những muốn được một người đa tình nhất trong thiên hạ mà thờ, đâu có dám đem mắt tục mà tìm hoa giữa chợ, vì điều đó là điều quan hệ đến hạnh phúc suốt cả một đời, có thế luộm thuộm được đâu.

Chẳng bao lâu, người cha từ trần, cửa nhà sa sút. Kiếm-Thanh sang chơi vùng Mân, Sở, Mộng-hà ở nhà buồn lắm, cũng muốn tìm cách sinh nhai bằng bút nghiên. Vừa hay có người bạn học viết thư đến, mời giùm cho một nhà trường ở Rong-hồ. Chàng không muốn đem thân làm nghề gõ đầu trẻ; nhưng bà mẹ thì vì ở Rong-hồ có một nhà bà con xa họ Thôi, đã bẩy, tám năm tin tức không thông, cứ dục chàng nhận lời để tiện đường thăm hỏi. Chàng liền chọn ngày ra đi, không dám cưỡng lời mẹ. Ấy vì thế mà một mảnh chăn đơn, nửa hòm sách nát chàng đã phải bỏ cái cảnh cửa nhà vui vẻ, để nếm cái phong vị quê người bơ vơ.

Cánh buồm thuận gió, thuyền xuân áp bến Rong-hồ; chàng lên bến hỏi thăm, thì nhà trường kia xa hẳn với thị thành, mà ở vào một làng rất hẻo lánh. Xa cảnh phiền-hoa, gần miền thôn dã, chàng cũng lầy làm thích; song hiềm vì nổi phòng nằm ở nhà trường không hợp vệ sinh, vừa ẩm thấp lại vừa không thoáng gió, liền hỏi thăm nhà họ thôi, thì ra ở cách tường chỉ độ nửa đường. Ngay chiều hôm ấy, Chàng bảo phu trường đưa sang đến cửa đường mới sực nhớ ra rằng khi đi quên chưa hỏi nhà ấy họ hàng ra làm sao, bây giờ đến thì biết hỏi thế nào cho tiện? Sau chàng lại nghĩ: Việc đã lỡ như thế rồi, ăn năn cũng vô ích, thôi thì chỗ họ xa, cứ người hơn tuổi thì ta chào là chú, bác, người ngang tuổi ta chào là anh, chị, nhầm ra nữa chắc cũng chẳng ai cười... Tuy nghĩ vậy mà lòng vẫn thấp thỏm như cô dâu xấu sắp phải ra chào bố, mẹ chồng, e lệ thẹn thùng, không sao tả ra được.

Én non ngó cổ ròm người, vẹt lòng học nói đón mời khách xa. Mộng-hà đưa danh thiếp vào, ông chủ thấy là bà con ở Thái hồ mới sang thì tất tả chạy ra đón. Chàng trông lên thì ra một ông già đến ngoại sáu mươi tuổi, tóc đầu bạc phơ. Vào nhà mời ngồi xuống, ông già liền vồn vã hỏi rằng: nước non cách trở, đường xá xa xôi, vắng tin tức tính ra đã sáu năm nay rồi. Ai ngờ trời xui khiến vậy, hôm nay cháu lại sang đến đây, thảo nào con quẹt sáng ngày cứ bay quanh nhà kêu mãi... Kế đó ông già lại hỏi thăm đến cha, mẹ chàng. Chàng rưng rưng nước mắt mà rằng: Bác có lòng nhớ đến, cháu xin cám ơn. Thấy cháu mất đã hơn một năm nay; nhà thanh cửa vắng. mẹ góa con côi, chả có ai là người đoái hoài đến cả. Nói đến đấy lại kể rõ truyện sang dậy học và bà mẹ ân cần dặn vào hỏi thăm. Ông già nghe nói hu-hi cất tiếng khóc, một lúc mới bảo chàng rằng: Dớp nhà chẳng may, lão nghe cũng ái ngại thay cho cháu. Thế nhưng lấy cái tài học cháu, cái khí khái cháu, đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, lo gì chả có lúc khá; kẻ khuất có thiêng, thấy con thế cũng được ngậm cười. Đến như cảnh lão mới thật là cảnh khổ. Muộn màng được một đứa con trai, năm ngoái lại lăn cổ ra chết. Giời xanh độc địa, già chẳng trót đời; gần kề miệng lỗ rồi còn phải ở vào cảnh nghịch. Cổ nhân ở vào cảnh ấy còn lấy làm đau đớn, huống chi bác là người thế nào, có thể như bậc thánh nhân mà coi thường đi được sao? Cháu thơ miệng sữa, nào tìm đâu thấy mặt cha; dâu dại đầu xanh, biết chắp sao lành gương vỡ. Bóng ngả cành dâu, tuổi già mấy nả; đường sau man mác, trông nhờ vào đâu? Nay may có cháu sang đây, vì cây giây leo, còn giọt máu rơi đấy, nhờ cháu dậy hộ. May ra nó biết được dăm ba chữ, giữ được lối con nhà nền-nếp, ấy là trông về cháu cả; ơn ấy lão sẽ không bao giờ dám quên. Mộng-hà đứng rậy bẩm: Bác đã có lòng yêu mà bảo, cháu không dám chối, chỉ sợ sức kém tài hèn, để phụ lòng bác ủy thác. Chẳng hay năm nay cháu lên mấy tuổi rồi? Ông già nói: nó mới lên tám, nũng nịu lắm, còn chưa rời được lòng mẹ ra. Cháu đã nhận lời bác, thì nên dọn lại đây cùng ở cho vui; vừa tiện cho cháu nó học hành, vừa may cho bác có người trò truyện sớm khuya, được như thế thì hay lắm. Mộng-hà tự nghĩ: Bên trường đương khổ vì nỗi thiếu chỗ nằm. dọn sang ở đây cũng tiện, liền bằng lòng ngay. Ông già hớn hở mà rằng: Cháu thật dễ tính quá! Nhà có cái buồng sách tĩnh lắm, lúc còn thằng-cả nó vẫn học hành ở đấy. Từ khi nó mất, lão không nỡ bước chân đến nữa, vẫn khóa từ bấy đến giờ. Nếp nhà ấy đàng sau có ao, đằng trước có núi, phong cảnh rất xinh. Trước sân lại có trồng ít hoa, có thể làm chỗ cho cháu uống rượu, ngâm thơ, đi dong, chơi mát được. Nếu cháu không nề-hà, thì ngay đêm nay cháu dọn đến có được không? Mộng-hà đáp: Xin vâng. Ông già liền gọi người nhà, bảo hỏi « mợ Lê » lấy thìa khóa vào quét dọn phòng sách. Mộng-hà cũng hối phu-trường về trường lấy hành-lý, đêm ấy chàng nghỉ ngay ở nhà ông già.


  1. Chương này có mấy câu nói kẻ nhớ gái mà suốt đêm dằn dọc.
  2. Mê tín một cách vô-lý. Giá không có cái mê tín ấy thì Mộng-Hà chưa chắc đã hư hỏng. Cái tính chiều con của người mình hủ bại quá, nên chỉ. « Con ghét là con ra người » thôi.
  3. Ngày xưa ông cụ đẻ ra ông Lư-Thoa (J.J. Roussean) dậy vỡ lòng ông bằng các tiểu-thuyết mà sau ông thành ra nửa đời vô lại và suốt đời mắc chứng thần kinh; sự đó là bởi các tiểu-thuyết thường hay tả những chuyện « tài-tử giai-nhân », mà các bạn thanh-niên thì trí-thức chưa rộng, lịch duyệt chưa nhiều, thường có cái tệ đặt mình làm người trong truyện, rồi sinh ra khóc mướn, thương vay, mê-huyền tưởng hão. Cái óc thiếu-niên như tờ giấy trắng, dây một vết mực vào thì gột mãi không sạch. Lúc tuổi trẻ đã cảm-nhiễm phải một cái tư-tưởng gì thì có khi suốt đời phá mãi không tan. Điều đó là một điều có hại to, mà người chịu cái hại ấy không phải là không nhiều, như Mộng-hà này chính là một người trong số đó. Mong sao các anh em chị em đọc chuyện này có đủ tư cách trong việc đọc sách, để tránh khỏi cái hại đó. Cách ngôn Tây cói câu: « Kim-tiền làm đầy tớ thì tốt, nhưng làm chủ thì xấu ». Sách vở cũng vậy. Ta đọc sách vở gì, phàm văn chương tư tưởng của nó đều coi là đứa đầy tớ giúp việc cho ta để mở mang về đường tri thức. hay ta học dở ta dăn, phải ta theo, trái ta bỏ, chứ đừng làm đầy tớ cho nó để nó sai khiến được mình. Dù thánh-kinh, hiền truyện cũng thế, chứ chẳng cứ gì tiểu-thuyết sách vở là cơm nuôi cho linh hồn, thế nhưng cơm mà không biết ăn thì sao khỏi chết về bội thực được...