Dưới hoa/V
DƯỚI HOA
(NGỌC-LÊ-HỒN)
TỪ-TRẨM-Á Soạn
|
NHƯỢNG-TỐNG Phiên-dịch và phê-bình
|
CUỐN THỨ II
IN TẠI NHÀ IN THỤY-KÝ
98, Phố hàng Gai, 98
HANOI
IN LẦN THỨ NHẤT
Giá bán: 0$10
V — TIN XUÂN
Đói lòng gắn bó, trăm nỗi vẩn vơ, Lê-nương từ khi được thư của Mộng-hà, lúc thì mừng, lúc thì tủi, lúc thì tỉnh, lúc thì mê, nghĩ quẩn lo quanh, không còn rõ tại sao mà thế. Chao ôi! Nàng làm chi mà tự khổ thế? Nào phải nàng tự khổ đâu, chính Mộng-hà làm khổ nàng. Mộng-hà làm khổ nàng, mà có phải chàng không tự khổ đâu: ngay từ lúc Bằng-lang cầm thư ra, mắt chàng nhìn theo mà hồn chàng cũng đi theo nốt. Mối nghĩ rối bời, tấc lòng sậm sột, chàng bồn chồn như tên tù đứng hầu án, án chưa tuyên, chưa biết sống chết thế nào; có lúc ngồi lặng trước bàn như bụt mọc, có lúc đứng ngây bên cửa như phỗng sành, lại có lúc đi quanh phòng như chiếc chong-chóng. Lòng chàng để cả ở bức thư Bằng-lang cầm, đinh ninh không biết khi Lê-nương tiếp thư, đọc thư, thì sợ hay ngờ, thì mừng hay giận? Nếu quả giận thì bức thư của ta bây giờ đã đốt ra tro, đã quăng vào sọt Nếu mừng thì nàng đã đương ngẫm lời trong thư, tưởng người trong thư, rõ ý trong thư, mà cho kẻ viết thư là đa tình, là tri-kỷ, bức thư của ta bây giờ, tất đã được đầm đìa bao giọt lệ tình. Chàng nghĩ xa thôi lại nghĩ gần, những điều nghĩ của chàng như gió thoảng, như sương tan, trong chớp mắt đã lần lần đi hết, mà lòng nàng khi xem thư, giận hay mừng. chàng vẫn chưa biết lối nào mà đoán. Tuy nhiên, chàng lại thật không biết lối nào mà đoán sao? Nàng đã đem tập thơ đi thì không phải là vô tình với chàng, bức thư kia gãi vào chỗ ngứa, tất có kết quả hay; có cần gì phải đo đắn ngược xuôi, sợ không đắc lực... Chẳng qua chàng bấy giờ đã mắc phải sợi tơ tình trói chặt, thần kinh sinh ra rối loạn; vì thế mà sợ sợ lo lo, nghi nghi hoặc hoặc, lòng riêng những phấp phỏng khôn cầm. Đêm ấy mộng-hồn lận đận, chàng cũng tự biết xưa nay chưa từng có thế bao giờ; dằn dọc năm canh, thật chẳng khác gì vượt qua năm lần cửa ải......
Hôm sau chàng dậy học xong, về thẳng ngay nhà. Chàng về sớm hơn mọi hôm đến hai ba tiếng đồng hồ, người nhà không ai biết đến tâm sự chàng, chỉ biết là có khác ngày thường đôi chút. Kỳ thực thì chàng chỉ sốt ruột về mảnh giấy hôm qua, mong mỏi tin xuân, đã mòn con mắt; đứng đợi ngồi chờ, tính từng phút đồng hồ chỉ mong cho chóng xong buổi học, còn rỗi đâu mà bê tha.
Thế mà chẳng bao lâu thì mặt trời đã lặn.., lại chẳng bao lâu thì bóng trăng đã lên.., lòng đã nóng, mắt đã mòn, Bằng-lang đã vào học... Chàng lúc ấy lại càng tán-hoán tê-mê, khác nào một tên tù bước lên bàn-chém, sống chết chỉ năm phút cuối cùng nữa thôi.....
« Mở thư lòng những cảm; nhớ lại lúc ai phong: má phấn đôi hàng lệ, tờ hoa thấm giọt hồng ». Bằng-lang lững thững bước vào, trong tay có cầm một cái hình chữ « nhật »; là cái vừa bước vào Mộng-hà đã nhìn ngay thấy... Cái gì thế vậy? Chính là bức phục-thư mà chàng đã suốt ngày mong ngóng. Mộng-hà! Mộng-hà! Mừng nào lại quá mừng này?... Bằng-lang cầm thư đưa chàng; chàng mừng rơn, song cố làm ra vẻ điềm nhiên; biết chắc là tin lành, không muốn bóc ra xem ngay, sẽ cầm để lên mặt bàn, rồi dậy Bằng-lang học, hình như không để ý đến lắm Mãi đến khi xong buổi học, Bằng-lang xuống nhà ngủ chàng mới mở thư ra đọc. Thư rằng:
« Nét mực đen sì, ngọn đèn xanh ngắt; lời vàng vâng lĩnh. rằng hay thì thật rằng hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào. Buồng xuân vắng vẻ, bể người mông mênh, trong cảnh thê lương tịch mịch này, còn có người nghĩ đến kẻ bạc mạnh mà phong thư hàng chữ, thăm hỏi ân cần, ấy là may cho Lê-ảnh, song may cho Lê-ảnh lại chính là rất không may cho Lê-ảnh đó. Lê-ảnh tài hèn, mới lọt lòng mẹ, đã đeo sẵn sầu. Vọc vạch bút nghiên, thường hay xấu số. Bông hoa vườn cấm, lạ mặt gió đông; chiếc bóng lầu không, nhìn vầng trăng khuyết; má hồng mạnh bạc, ai khác ai đâu. Tài cao số nặng, đức giầy phận mỏng, đã sinh ra kiếp.., dễ trốn khỏi vòng.., có cứ gì một Lê-ảnh. Người ta gặp việc chẳng may, cứ nghĩ quá đi một từng thì bình tâm ngay được. Lê-ảnh tự nghĩ, hổ sinh ra phận thơ đào, đã được tí chút thông minh, lại có đôi phần nhan sắc, chính là hợp với số các chị em bạc mạnh; thế mà không đến nỗi phong trần đầy đọa, làm kiếp hoa rơi vô chủ, kể cũng đã may rồi. Bây giờ chăn đơn gối chiếc, khép cửa phòng thu; mở gương soi luống những chau mày, đặt lưng xuống ít khi nhắm mắt; bên song ủ-rũ, con yểng im hơi; dưới nước vẫy vùng, cặp uyên có bạn; nghĩ nông nỗi ấy, cay đắng trăm chiều. Thế nhưng xét lại thì vẫn là lỗi tự mình, ông xanh không khép tội nặng, không bắt chịu cái khổ đọa-đầy, thương mình thế tưởng đã quá rồi, còn phàn nàn chi nữa... Hãy xem một người sắc có, tài có như Lâm-Tần-Khanh, lại gặp được một kẻ đa tình nhất xưa nay là Giả Bảo-Ngọc. ý hợp tâm đầu, hương nồng lửa đượm; thế mà chưa tròn lời hẹn, đã mắc mưu gian: nửa chừng xuân hoa vội lìa cành, ba thước đất trăng còn soi bóng; nợ tình chưa trả, giấc mộng đã tàn; sinh tử lỗi nguyền, nước non để giận; đôi lứa thế mà nhân duyên còn thế, như hạng Lê-ảnh, kêu gì được oan... Giá phỏng Lê-ảnh không coi làm thường, lại cũng khư khư mình buộc lấy mình như Lâm-Tần-Khanh, trước mắt đau lòng ly-biệt, đường dài xót nỗi bơ vơ; nước mắt không khô, khóc lắm thêm đầy bể khổ; thơ tình muốn thảo, đưa sao cho đến suối vàng; ốm lấp sầu vùi, mỗi ngày một quá; mưa gió nặng nề, sức bồ liễu chịu sao cho nổi; chẳng bao lâu tất phải da thịt hao mòn, tâm thần mê mẩn; ông xanh độc địa, cướp duyên đi rồi cướp mạng theo đi; xương trắng chơ vơ, làm người khổ mà làm ma càng khổ... Bởi vậy, Lê-ảnh ngày thường vẫn giận cho duyên, vẫn đau vì phận, song vẫn phải lấy câu vận mạnh khuây dần nhớ thương. Hay đâu rồng đến nhà tôm, vì cây giây quấn; nghĩ tình mơ-má, không quản muối dưa; Bằng-lang có phúc, đã được nhờ ơn; Lê-ảnh vô duyên, còn chưa gặp mặt. Tự thẹn theo nghề nghiên bút, tài mọn dám khoe; bấy lâu nghe tiếng văn chương, lòng riêng vẫn mến; thầm yêu trộm kính, đã tự bao giờ. Sau đó, trước đèn lần rở tập thơ, dưới nguyệt được nhìn nét bút; lại càng rõ thêu mây dệt gấm, đáng bực tài hoa; đắm ngọc say hương, bao nhiêu tâm sự; những tưởng Giả-Bảo-Ngọc lại sinh xuống đời này. Làng văn-mặc là nơi phong nhã, khách tài hoa vốn giống đa tình; lấy cái tài ông anh, đem tấm tình ông anh, đi đến đâu chẳng đắt, ngỏ cùng ai chẳng xong; vào chi cảnh đoạn trường này, mà quyến luyến chi đến tấm thân bạc mạnh? Đọc thư ông anh, lời lẽ ân cần, hình như muốn nín không xong; Lê-ảnh dù ngu, lẽ nào không biết cảm. Thế nhưng nghĩ lại, phận mình đã hèn, duyên mình đã lỗi, đời mình đã chẳng ra sao; buồng thu vò võ, ngồi mà nhớ lại cuộc đời trai trẻ cảnh nhà xum họp ngày nào: đôi-tư trận gió, hoa rụng hết rồi; chín chục thiều quang, xuân còn đâu nữa; cành trâm gẫy chắp vào thêm xấu, mảnh gương rơi gắn lại không lành; tấc lòng bây giờ đã như mặt nước giếng khơi, cớ chi còn gây lên sóng gió, rước lấy trầm-luân; kiếp sống thừa này, thực không muốn để lụy cho lòng quân-tử. Nhân-duyên ngày trước, đã vụng đường tu; tình nghĩa kiếp sau, xin vâng lời hẹn. Đôi lòng đã như một, thì trên mây xanh, dưới suối vàng, tất cũng có ngày gặp gỡ; bấy giờ ta sẽ xin nguyệt-lão xe duyên cho kiếp khác có lo chi không trả được nợ lòng! Lê-ảnh nào phải kẻ vô tình, đâu dám phụ lòng ai mà không cho nhau là tri-kỷ... Chỉ sợ khi vướng phải lưới tình, gỡ ra không được; rồi đó trải qua trăm nỗi khó khăn, nếm đủ nghìn mùi cay đắng, chịu thêm vạn sự lo buồn bực tức; rút lại cũng đến trăng khuyết hoa tàn, sầu vùi thảm lấp, thì thật không may cho Lê-ảnh, mà cũng là không may cho cả ông anh... Đến như việc muốn xem tập thơ, thì Lê-ảnh ngâm nga mới học, lề lối chưa tường, đôi khi cầm bút viết quàng, chẳng kẻo mua cười cùng kẻ biết, Ông anh vốn có bụng ái tài, nếu không cho Lê-ảnh là khó dậy, mà để vào hàng học trò gái như cụ Tùy-viên ngày trước, thì Lê-ảnh xin trút trâm tháo xuyến, làm lễ nhập môn. Ngày khác đem đầu thụ giáo, rửa nghiên mài mực, không dám quản công; chắc cũng không đến nỗi cầm ngược đầu sách, để nhục cửa thầy; điều đó Lê-ảnh vẫn lấy làm ước ao, mà chắc ông anh cũng không nỡ từ chối... Một tấm tình riêng, dám đem bầy tỏ; lệ sa nhòa mực, đọc lại không ra chữ gì. Xin ông anh xét cho...
Tôi cầm bút viết đến đây, xin có một câu hỏi độc giả: Anh em, chị em thử đoán: Mộng-hà đọc xong bức thư của Lê-nương thì nghĩ ra làm sao? Thư của chàng thật là một bức thư tình. Đến như thư của nàng thì xem ra như hữu tình, như vô tình, lời không ra nghiêm mà nghiêm, lòng không ra oán mà oán, câu nói không ra ý cự tuyệt mà chính là cự tuyệt; cứ thường tình ra thì đọc xong bức thư, chàng tất phải thất vọng[1], tất phải trách nàng là kẻ bạc tình Thế nhưng chàng nào phải Tư-Mã mà nàng nào phải Văn-quân. Tấm lòng thương yêu của đôi bên là bởi chí tình chứ không phải bởi nhục dục[2] Chàng viết thư cho nàng không phải là có ý trêu ghẹo, chẳng qua là tiếc vì tài mà thương vì phận, xót cho người lại giận cho mình; chân trời góc bể mông mênh, cùng thuyền ai có thấu tình chăng ai... Vì thế mà chàng phải viết thư; mà vì thế nên lời lẽ trong thư nàng chính hợp với ý chàng, nàng biết chàng lắm cho nên mới chịu dãi hết can tràng, đối với nhau như thế mới thật là bạn đồng tâm, mới thật là người tri-kỷ. Nếu không thế thì tiểu thuyết truyền kỳ, đem đun bếp bịt tương không hết; giai nhân tài tử, nói quanh đi quẩn lại thêm nhàm; Mộng-hà đi ở trọ mà viết thư đưa gái; Lê-nương đã góa chồng còn đem bụng tiếc xuân; nếu quả là tuồng trong dâu trên bộc, liễu ngõ hoa tường, thì chẳng hóa ra một trò cười cho miệng thế; kẻ chép truyện dù ngu dốt, cũng quyết không dám đem ngọn bút quí báu này, tả câu chuyện nhơ nhuốc ấy, để mang tội với các anh em, chị em đọc chuyện đây. Đó là bản ý kẻ viết chuyện này người đọc chuyện xin biết cho như thế[3].
Cái cảm tình của chàng đối với nàng là thế, song cái cảm tưởng của chàng đối với bức thư nàng viết thì sao? Xin thưa rằng cũng chẳng khác gì khi nàng bắt được thư chàng, cũng trước thì cầm thư mà nghĩ quanh, kế đến ném thư mà thở dài, sau nữa lại nhìn thư mà sa hai hàng lệ. Chàng biết nàng không phải là kẻ bạc tình; trong dạ trăm oán nghìn hờn, song trong thư lại cố nói ra dọng xem thường xem khinh; lời văn lưu loát, nỗi lòng chua cay, đọc lên chan chứa biết bao là tấm tình quyến luyến; đến nỗi muốn dứt mối tơ mành, chờ duyên kiếp khác; ăn mày cửa thánh, đóng vai học trò; coi ra thì như bạc tình song càng bạc tình mới lại càng chung tình: vì thế mà từ đấy chàng lại càng không quên được nàng, nàng muốn gỡ thoát lưới tình mà chàng thì đã sa vào bể khổ. Tuy nhiên, chàng đã không khỏi khốc hại vì tình thì nàng lại khỏi được sao! Than ôi! Chim kia còn có lứa đôi. Thân này đành chịu lẻ loi một mình. Khuôn thiêng sao khéo bất bình, chỉ đào mà hóa tơ mành như không. Dưới trần ai bạn tình chung, vì ai dễ nín đôi dòng lệ châu???...
Lửng lơ lá thắm, đã báo tin xuân; mờ mịt bụi hồng, khôn nhìn mặt ngọc. Hôm sau Mộng-hà lững thững ở trường về, xa trông sau nhà hình như có bóng người đương tựa cửa thẩn thơ; nước tóc mầu da, thấp thoáng ở trong vùng hoa dậu cỏ tường, coi giống Lê-nương lắm. « Bâng khuâng trời lạnh áo đơn, chiều hôm tựa khóm trúc tàn đợi ai. » Chẳng rõ nàng đứng đấy làm gì, mà lúc chàng về đến trước sân, thì gót ngọc đã dời, bóng hồng đã khuất, chỉ còn có non xa ngậm giận, nước chẩy trôi sầu, một vệt bóng tà, dần dần phai nhạt, như gợi cho tấm lòng ai càng thêm mến tiếc mà thôi. Đoạn trường người vắng, ngơ ngẩn mà chi, chi bằng vào quách trong nhà mượn sách vở để khuây niềm mong nhớ. Vừa bước vào thì thấy chiếc độc-bình ở trên bàn có cắm một cành hoa tươi; đóa hoa hớn hở chào xuân, trông choáng cả mắt. Lạ thay! hoa ở đâu thế? Chắc là của Lê-nương đem cho. Nàng cho hoa có ý gì? Mầu hoa đỏ, đài hoa tròn, trong vẻ diệm-dã, pha thêm vẻ kiêu-kỳ, hình như muốn khinh người ra mặt. Tên hoa chàng mang máng vẫn nhớ mà khi ấy sực quên đi mất. Đợi Bằng-lang đến hỏi xem thì nó nói: Đấy là hoa « Cập-đệ » đấy. Vườn sau nhà con, hai bên có hai cây, mùa xuân này ra nhiều hoa lắm. Nếu thày thích thì bảo con Thu bẻ thêm mấy cành nữa, không ai giữ đâu. Mộng-hà gạt đi mà rằng: Cắm một cành thế cũng đủ rồi. Thày trông nó cũng không lấy gì làm thích. Bằng-lang bấy giờ mới không nói nữa. Còn chàng thì nghe tên hoa đã biết ý người cho hoa, sực nhớ lại đến việc mười năm về trước: cám cảnh giang hồ, đau lòng lưu lạc, hờn xưa giận mới dồn cả lại bên lòng; chợt đưa mắt nhìn thì thấy dưới hộp nghiên có đè một mảnh giấy, thấp thoáng có nét chữ; vội nhặt lấy đọc thì ra một bài từ:
Ngẫu-Cảm (Theo điệu giá-cô-thiên)
Trận gió đông sang khéo giết người!
Chôn hoa riêng nặng tấm tình ai
Bóng tà bảng lảng tơ lòng đứt,
Đầy đọa trông nhau lúc lỗi thời.
Tình gian gíu, lệ đầy vơi!
Nỗi nọ, đường kia, rối-rối bời!
Lạnh ngắt trăng soi hồn mộng tỉnh,
Buồn tênh nước chẩy cánh hoa rơi.
- ▲ Một chữ trả lời cũng là có hy-vọng, huống chi là một thiên văn-chương đại-cà-sa! Muốn cự tuyệt thì trừ phi như người nào tiếp được thư không thèm mở, ném ngay xuống đất cho đầy tớ quét ra cửa, họa chăng mới được. Thế nhưng các chị em ta đã dễ mấy người gan được thế! Mà không gan được thế thì tất có khi nhầm nhỡ suốt đời!...
- ▲ Thiên-hạ bao nhiêu những hạng con gái hư thân đều là chết về một câu này cả! Trong nhục dục thường khi không ái tình, chứ trong ái tình bao giờ cũng có nhục dục, Phàm trai gái yêu nhau là thế cả. Đó là một lẽ thuộc về sinh lý, họa-huần mới có kẻ không thế mà thôi. Những bọn thơ ngây không biết, thường hay tán dương cái ái tình cao thượng, nhân đó coi thường sự trao tấm ái tình cho kẻ khác, cho là rút về lúc nào cũng không hại gì. Có biết đâu lửa dục mê người, trước cao thượng rồi sau tục tằn, đến lúc hối thì đã muộn. Chao ôi! Bốn chữ « tinh thần luyến ái » không phải là không hay, song hay ở lý tưởng mà thôi, chứ sự thực thì chính là cái bả dại cho các chị em khuê các. Ai có đời thì lo....
- ▲ Tôi thì tôi không nghĩ thế. Tôi sở dĩ dịch chuyện này là vì tôi cho rằng lấy cái xã hội hắc-ám, cái gia-đình chuyên chế ở các nước Á-Đông, thì có thể đẻ ra được những hạng người đáng tức, đáng giận, đáng thương, đáng xót như Mộng-hà, như Lê-ảnh đó thôi.