Dưới hoa/IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dưới hoa của Từ Chẩm Á, do Nhượng Tống dịch
IV. — Duyên văn

IV — DUYÊN VĂN

Cổ-nhân có câu: « Được một kẻ tri-kỷ, là đủ một đời không ân hận »; coi câu đó đã rõ bạn tri-kỷ là khó kiếm thế nào. Thế nào là tri-kỷ, tri-kỷ là biết mình: Lòng lại biết lòng, ta cho họ là biết ta, họ cũng cho ta là biết họ: đã biết nhau cho nên thân thiết, đã thân thiết cho nên sống thác một niềm, trước sau một dạ, một lời đã hứa, suốt đời không quên. Ấy vì thế cho nên tìm được một người tri-kỷ là khó, mà nhất là trong lúc phong trần lận đận, đường cùng bơ vơ thì lại càng khó. Khách văn-chương nặng lòng ôm nỗi bất bình, ngày tháng lần hồi, có tài không phận; nỗi riêng uất ức, đường thế deo neo; soi gương xem luống thẹn râu mày, lắc đầu nghĩ thêm buồn gan ruột; « đầy thành ngựa ngựa xe xe, sao ai lủi thủi đi về lấm chân? » đời họ biết gì, vận mình là thế; trông quanh mình không mấy kẻ là không vênh mặt vác mày, chìa môi bĩu mỏ; man mác bể người, mình còn ai biết, cực chẳng đã mà phải tìm ở trong làng son phấn; may mà được có các chị em con mắt tinh đời, tấm lòng dễ cảm; thương tình lưu lạc, trọng kẻ tài hoa; ba sinh chắp nối duyên thừa, đi về hồn mộng: một buổi hàn huyên truyện cũ, tầm tã lệ châu; này bực khuynh thành, trước gương ngọc tần ngần chau mặt; nọ người tài tuấn, bên quần hồng bẽn lẽn cúi đầu; danh-sĩ long đong, mỹ nhân đầy đọa: thế thôi đành thế, ta lại biết ta: Hầu-Triều-Tôn chung tình với Lý-Hương-Quân, Vi-Si-Châu xiêu lòng về Lưu-Thu-Ngôn, chính là vì thế. Mộng-hà với Lê-nương cũng vào hạng ấy, chỉ khác là kẻ thì ngao du ở chỗ phồn-hoa, người thì lưu lạc đến nơi cung lịch, kẻ thì là cô đầu tiếp khách, người thì là gái góa không chồng; nào cảnh nào tình, chua cay biết mấy; cùng phường bạc mạnh, chung tấm si tình, cũng vì thế mà Mộng-hà đối với Lê-nương, say đắm mê-man, kể lại gấp mười bọn Hầu, Vi, Lưu, Lý...

Thân này thương biệt thương xuân, khác gì Đỗ-Mục; người ấy hay buồn hay ốm, khéo giống Thôi-nương; chàng dù trộm liếc dong-quang, song nàng đã biết thừa công-chuyện: chàng nhớ nàng, dễ nàng quên được chàng sao? Đã không quên nhau ắt tìm cách để gần nhau.... Tuy nhiên, hai người khi ấy dù sóng tình đã nổi, mầm tình đã deo, song cũng còn nhiều điều phải e-lệ giữ gìn, chưa dễ đưa ngay nhau vào đường tình cho được. Chàng muốn ngỏ ý với nàng, song lại lo nước chẩy hoa trôi, chắc gì lời đã đắt; nàng muốn ngỏ ý với chàng, song lại sợ mạch rừng tai vách, rồi nữa tiếng ai mang... Lửa tâm nung nấu, càng dập càng nồng: tơ nhện vấn vương, một giây một buộc; viện sách đèn tàn, song the bóng chiếc, thật là « trong gang tấc lại gấp mười quan san »... Nhẹ bước định lên thềm Quế, chưa tiện đường mây; buông thuyền muốn đến non Bồng, còn trông chiều gió; dưa phải đợi đến mùa mới chín, mía phải ăn đến gốc mới ngon; tấm tình của đôi bên trước còn trăng gió, sau ra đá vàng, cho đến khi gắn bó keo sơn, kể cũng tốn công nhiều lắm... Lá thắm cạn dòng, chim xanh tuyệt lối; tin ong sứ điệp, chỉ còn nhờ ngòi bút đó thôi...

Sương hôm pha nhạt bóng tà, gió hiu hiu thổi bông hoa lìa cành, non xuân treo bức tranh tình, hoàng hôn mấy độ một mình thẩn thơ..... Bấy giờ trời đã chiều. Mấy lớp mây tàn đương lác đác bay về núi. Ba dịp cần con, một dòng nước chẩy, bóng núi in xuống mặt sóng, mặt sóng động, bóng núi cũng rung rinh lay chuyển, vẽ ra lắm nét rất ly-kỳ. Trên nóc chiếc nhà lá, mấy đường khói biếc vẩn vơ bay tỏa lưng chừng không. Bên sườn núi, ngoài bãi sông, lũ chăn trâu đánh củi vừa đi vừa hát nghêu ngao, như tô điểm thêm cho phong cảnh. Bên cầu mấy gốc cây to, cành cây hệt như nét vẽ; đàn ác về hôm, bay đậu lấm-tấm; vang tai nghe những tiếng kêu « ác ác », hình như bảo ai rằng: « Trời rét chiều hôm, về đi kẻo tối »; khách qua đường nghe tiếng, trong lòng lại thấy bồi hồi. Cảnh vật bốn bề, thật là một bức tranh « Cảnh chiều nhà quê » tuyệt đẹp. Qua cầu sang Tây, trên dậu hoa dâm-bụt, thấy có một góc tường trắng. Một nếp nhà con, mấy hàng cột nhỏ, trông cũng hơi có vẻ lâm-tuyền. Đó tức là lớp nhà sau của họ Thôi. Hai cánh cổng gỗ, suốt ngày thường khép hờ. Trong cổng có khu vườn con trồng rau, coi xanh tốt lắm. Quá vào trong chút nữa, lớp nhà nhỏ, tức là chỗ phòng sách của Mộng-hà. Bấy giờ ở dưới cầu có một người đang đi lủi-thủi, vì bước vội, vành mũ lại thuỷnh thoảng chạm vào cành cây. « Xăm xăm đè nẻo Lam-Kiều lần sang », người ấy là ai? chẳng phải Mộng-hà đó sao? Mộng-hà đi đâu về? Chính là ở trường về đó. Ở trường về mà sao chàng đi đứng ra ý vội vàng, mặt mũi ra dáng ngơ ngác; sương phủ chim kêu, trời chiếu đẹp thế, mà cũng không dừng chân đứng lại, nỡ bỏ hoài cái cảnh trí ưa nhìn chỉ còn lại trong giây phút ở dưới bóng tà dương? Sở dĩ thế là vì chàng ở trường suốt ngày vất vả, chỉ mong về cho chóng đến nhà mà nghỉ ngơi; vả chăng « ngổn ngang trăm mối bên lòng, tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra », thà nằm khểnh ở xó nhà, quyển sách câu văn, còn có thứ để mượn làm trò tiêu khiển: những thứ cỏ nội hoa hèn, mọc bên đường cái, hồ dễ đã làm cho chàng phải bận lòng.

Về đến nơi, chàng đẩy cửa bước vào thấy trong phòng vắng ngắt; lên tiếng gọi thằng nhỏ, mãi không thấy thưa. Ngày thường chàng đi dậy học, cứ khóa phòng lại rồi mới đi, thìa khóa thì giao cho thằng nhỏ. Hôm ấy không biết làm sao cánh cửa lại ngỏ, chàng vội vàng bước vào thì trông thấy nhiều cái để khác mắt, trong bụng hơi sinh nghi. Sách vở trên bàn, chỗ nọ để xọ chỗ kia, chàng lấy làm lạ, soát lại xem thì không thấy mất gì, chỉ có tập thơ vịnh truyện « Hồng-Lâu-Mộng » thì đã không cánh mà bay, tìm mãi không sao thấy. Chợt nhìn xuống đất thấy có bỏ rơi một bông hoa trà-my đã héo; chàng nhặt lên liền tay ngắm nghía thấy hương thừa còn ngát mà đài hoa lại có một lỗ thủng, nhận ra đích là vết trâm cài.... Thấy thế, chàng sực nghĩ ra, đoán chắc người vào phòng tất là Lê-nương, Lê-nương biết thơ cho nên đem tập thơ của chàng di... Bông hoa bỏ rơi lại đây, vô ý hay là hữu ý? Chàng nghĩ thế thì vừa sợ vừa mừng, lại vừa nghi hoặc, trái tim đập mạnh, lại nặng thêm một lớp nợ tình...

Khuôn cửa tối mù, ngọn đèn sáng đỏ; chàng đương nhìn bông hoa nghĩ vơ vẩn thì thằng nhỏ đã về. Chàng cất tiếng hỏi: Mày đi đâu mà không ở nhà? Cửa ngõ chẳng đóng, trống trước trống sau, nếu có quân gian vào đây mà lọn đồ thì trong nhà này còn cái gì còn nữa? Lúc ta đi đã đóng cửa rồi mới giao thìa khóa, ai vào đây mà mở cửa, mày có biết không? Thằng nhỏ đáp: Chiều hôm nay cụ sai con vào thành mua hàng, con giao thìa khóa cho con Thu. Lúc đi con có soát qua, thì « ông cụ khóa » vẫn còn nguyên ở cửa. Còn ai mở về sau thì con không biết. Chàng lại hỏi: Con Thu là đứa nào? Thằng nhỏ đáp: Con Thu là con nhài hầu bà Cả. Mộng-Hà không hỏi nữa, xua tay cho lui ra; bỗng lại gọi giật lại mà dặn rằng: Ra thì ra, đừng nói bép xép gì với con Thu nhé! Thằng nhỏ vâng vâng dạ dạ, song khi ra đến hiên, gặp con Thu thì hỏi ngay: ai mở cửa và thìa khóa để đâu? Con Thu nói: thìa khóa bà cầm, ai mở cửa thì tao không biết, nhưng có lẽ chỉ có bà chứ chả còn ai nữa. Thằng nhỏ liền đem lời chàng dặn bảo con Thu, và dặn đừng nói cho bà biết. Con Thu vốn tinh ý, nghe lời thằng nhỏ cũng ư hữ song lại đem nói với Lê-nương ngay. Nàng lúc ấy đang ngồi cạnh song the, dưới bóng đèn, rở tập thơ của Mộng-Hà, ngâm nga sẽ đọc; chợt nghe lời con nhài nói, bất giác giật nẩy mình. Nàng đã biết chàng mất tập thơ tất hỏi vặn thằng nhỏ, nên bỏ bông hoa lại, để chàng biết là nàng lấy thì yên chuyện đi, không ngờ còn lôi thôi như thế. Tuy nhiên, việc mất tập thơ, chàng có nói với thằng nhỏ hay không? Thằng nhỏ biết nói với con Thu thì không ngại: nhưng nếu ông cụ rõ chuyện thì biết làm thế nào...... Ta rõ khờ dại quá, cứ chắc chàng là người ý tứ, ai ngờ lại ra cơ sự thế! Nàng vì quá yêu chàng nên mới đem lòng giận, giận rồi hối, hối rồi sợ, chỉ trong giây phút mà lớp sóng bể lòng dâng lên hạ xuống không biết là bao nhiêu lượt, thổn thức gan vàng, như tơ vò rối, nhìn đèn ngồi lặng, gập sách thở dài...

Chợt lại nghĩ ra rằng: Mình nghĩ quẩn nó ra thế đó thôi, chàng là giống đa tình, thấy hoa chắc biết ý ta, chả có lẽ lại nói với thằng nhỏ được. Nhân sẽ hỏi con Thu: Thằng nhỏ nói thế thôi hay có nói gì nữa? Con Thu thưa: không; bấy giờ nàng mới chắc dạ, lại tươi mặt lại, cũng theo như lời chàng dặn thằng nhỏ mà dặn con Thu rằng: Từ rầy cấm mày không được bép xép với thằng nhỏ; bảo không được thì ốm đòn đó, nghe chưa? Con Thu vâng lời...

Nửa đỉnh hương tàn, một bình nước đặc; cái cảnh ngồi đêm ở nhà trọ, chỉ thế là cùng. Bấy giờ trăng soi vằng vặc, gió thổi hiu hiu, Mộng-Hà khêu đèn ngồi chờ, Bằng-lang cắp sách vào học; học xong buổi, chàng đưa cho Bằng-lang một phong thư mà bảo: Cầm cái này về đưa cho mẹ con; lại nhắc lời nói với mẹ con: nợ cũ Hồng-lâu, phải liệu trả đi mới được! Bằng-lang không hiểu ra thế nào, nhẩm kỹ lấy lời thầy dặn, rồi cầm thư về nói với Lê-nương... Ta tiếp phong thư, thế có chăng thì thế! tai nghe câu nói, lòng âu đã tỏ lòng; nàng liền rút trâm bóc phong thư, để lại gần đèn mà đọc... Thư rằng:

« Mộng-Hà không may, xấu số mười năm, xa nhà ba tháng; trăng tàn gió sớm, ném chén quỳnh từ dã quê hương; sóng biếc sông xuân, buông chèo quế tìm sang đất khách. Nhờ được lượng trên không hẹp, dẫu rằng tài mọn cũng thương; lông cánh giống nhà, cháu trứng nước giao cho dậy học, nắng mưa đất lạ, phận bèo mây được chỗ yêu thân. Nước rót cơm bưng; đã non một tháng, ơn đền nghĩa trả, chưa thỏa tấc lòng; mà xem bề đãi khách ân cần, mỗi ngày một hậu; khiến cho kẻ cùng đường cảm-khích, dẫu thác không quên.....

« Kế nghe lời nói con hầu, riêng đội ơn lòng bà chị; gió bay bông liễu, khen tài Đạo-Uẩn thông minh; mưa đập cành lê, tủi phận Văn-Quân mỏng mảnh. Cũng bởi trông con thơ ấu để ý chăm nom cho nên vì kẻ lạc loài, đem lòng săn sóc. Lận đận xót phường chân trắng, tài ấy nên thương; xụt xùi nâng vạt áo xanh, đêm nay lại khóc. Nhìn mặt trong gương thêm thẹn, ngày còn không sao chẳng gặp nhau; thấy trăng trước cửa mà buồn, duyên đã lỡ khôn đường kéo lại. Đá mòn sông cạn. bao giờ sạch nợ phong trần; đêm vắng ngày dài, luống những đau lòng luân lạc. Hoa rơi im tiếng, lần khắp cành không; trăng sáng có lòng. soi vào cảnh mộng. Non bồng gang tấc, còn chưa giáp mặt hoa đào; con tạo cơ cầu, nào chắc nối duyên hương lửa. Than ôi! Câu chuyện khóc hoa đêm ấy, đã rõ ràng lòng đấy lòng đây; lời nguyền tạc đá ngày nào, khéo lần lữa kiếp này kiếp khác. Bạn đã tủi trông vào càng tủi, ta vốn buồn nghĩ đến thêm buồn. Nào khi sân trước vắng tanh, đã được thấy mặt hoa đầm lệ; này lúc buồng văn lặng ngắt, có ngờ đâu gót ngọc đưa xuân. Tập thơ in vết mộng tàn, bạn đã ôm sầu đỡ khách; mặt đất rơi bông hoa héo, ta thêm thấy cảnh nhớ người. Tơ duyên đã chắc mười phần, tin tức vẫn thông đôi ngả. Làn gió gợi sầu trăm mối, gạt hàng châu cùng đội trời này; bóng trăng soi tủi hai nơi, xót người ngọc cũng trong cảnh ấy. Hương lòng ba nén, dám xin cúi lậy thiền quyên; mực lệ đôi dòng, họa có đền bù oan-nghiệt. Nên nghĩ má hồng quá lứa, khó gập tri âm; đừng lo con đỏ biết tình, dò ra tâm sự. Phận ai mỏng mảnh, tập thơ tủi phận chắc giầy; tài khách tầm thường, tấc dạ tiếc tài riêng nặng; bốn mùa nước chảy, dạ đa sầu dù đem gột không phai; năm sắc mây lồng, câu tuyệt diệu xin thường ban cho đọc. Ví chẳng hẹp gì mấy chữ, xa đưa thư ngọc trả lời; sẽ đem cất giấu một nơi, thề quyết miệng vàng giữ kín. Đành kém kẻ tài tiên biến hóa, văn trăm trang một lúc đã làm xong; nhưng trong khi chén rượu khề khà, thơ các lối mươi bài còn họa nổi. Nông nỗi dám tiện đây bầy tỏ, mảnh tờ hoa bay đệ đến cung mây; truyện trò mong được dịp gần kề, nơi buồng gấm rộng cho hầu mặt ngọc »[1]

Lê-nương đọc xong, vừa sợ, vừa mừng, vừa thẹn lại vừa bực; nghe đến dọng tình, trên cặp má đã hồng-hồng bừng đỏ; trước hết cầm thư mà nghĩ quanh, kế đến ném thư mà thở dài, sau hết thì nhìn thư mà sa đôi hàng lệ. Những là ngồi đứng âm thầm: mặt hoa nóng máu, ruột tầm vò tơ. Lưới tình vướng những ngày xưa; lửa tâm rẹp đến bao giờ cho yên... Một lúc nàng lại khêu ngọn đèn hoa, lau khung gương bụi, đứng nhìn bóng mà khóc rằng: Người trong gương ơi! em có phải là bóng Lê-ảnh đấy không? Thủy không nhạt, gương không mờ, mà cảnh đoàn viên nào đâu, để em phải chiếc bóng lẻ loi, dưới cánh song the, chỉ còn lại một nét mặt sầu ủ-rũ? Thương hại thay cho Lê-ảnh! em có sắc mà trời bắt em duyên phận mỏng manh, em có tài mà trời buộc em tháng ngày tủi nhục; khối sầu đã chất cao tầy núi, tấm thân rầy coi nhẹ bằng bông; từ đây mà đi thì phôi pha ngày bạc, gỡ sao ra được cảnh đau lòng, lạnh lẽo buồng thu, mong gì lại có ngày mở mặt?... Em hại mình chưa thỏa, còn toan hại người sao? Em lụy mình chưa chán, còn muốn lụy người sao? Thôi đi em! Thôi đi em! Sao chẳng nghĩ tơ tình vướng vít, buộc vào rồi cởi không ra! Sao chẳng nghĩ bể hận mông mênh, sa xuống là lên không được! Kiếp sống thừa như đám bông tàn, rơi xuống đất rồi thì thôi, còn vương chi lấy sợi tơ mành mà mong những sự rẽ mây tung gió. Nhỡ khi gió kép mưa đơn, cố tình vùi dập, e chỉ độ nửa ngày là thân nọ đã ra thân vô chủ; vơ vẩn lưng trời, xiêu dạt đi không còn biết đâu là bờ bến, bấy giờ thì còn đọa đầy nhục nhã biết là bao nhiêu. Nghĩ thêm chán nản trăm chiều. Thân mình mình dễ đã liều được đâu. Mầm tình cắt dứt cho mau; lửa lòng phải liệu từ sau tưới dần. Đạp hẳn thành sầu cho đổ, đừng để vướng chân; ở vào cảnh khổ đến đâu, cũng nên yên phận. Lên dốc biết kìm cương ngựa, mới không thẹn mặt thông minh; cách sông nhắn khách chăn trâu, đừng khéo tìm đường phiền não. Trăng khuyết hoa tàn, phải sao chịu vậy. Trẻ tạo trêu ngươi chưa chán, mình còn tự trêu mình nữa sao? Đôi càng tốt thì trời càng ghét, tình càng sâu thì nợ càng nhiều; hồng nhan nào phải giống ở đời, sao em chẳng nghĩ?... Nàng ngồi nghĩ vẩn nghĩ vơ, một mảnh lòng son, tan nát như tơ vò chỉ rối; mãi đến bấy giờ vẻ mặt mới tươi, nước mắt mới ráo; nhìn bóng cúi đầu ngồi lặng, bỏ gương cất tiếng thở dài; bể lòng yên lặng như tờ; gió đã ngớt, sóng đã im, trong óc đã không còn thấy có hai tiếng « Mộng-hà » vướng vất... Lòng nàng đã thế thì đôi bên từ đó sẽ dứt tình, mà kẻ chép chuyện « Dưới-Hoa » chép đến đây sẽ gác bút sao? Xin thưa rằng chưa! Lòng nàng khi ấy, tuy không vương chút bụi, dũ sạch mọi niềm, thế nhưng chỉ được một lúc thì trong bể lòng lại nổi lên một cơn sóng gió bất kỳ, gió càng to, sóng càng cao, dần dần không sao cầm đậu được lòng, ruột rối gan dầu, lại hơn là lúc mới cầm thư đọc. Vì sao thế? Vì rằng nàng dù rẹp được mối tình gió giăng, giữ được tấm lòng băng-tuyết; thế nhưng tấc dạ liên tài thì không sao trừ tuyệt được; mỗi khi nghĩ đến, trong lòng lại thấy lao-đao. Cũng bởi thế mà ngâm câu thơ cảm, lòng riêng thêm trăm mối ngổn ngang; rở bức thư tình, nước mắt lại hai hàng lã chã; tỉnh trước mê sau, chết đi sống lại; trong chớp mắt đã biến đổi thiên hình vạn trạng, mà chính nàng cũng không tự biết. Chao ôi! Bả tình độc-địa, biết là bao nhiêu[2].


  1. Suốt bức thư này là viết theo lối văn tứ-lục. Lối văn ấy, nào niêm, nào luật, nào đối đáp, điển-tích nhiều, tinh-thái ít, thường có cái tệ « chặt chân cho vừa giầy ». Các nhà văn học cách-mạnh ở Tầu ngày nay như Trần-Độc-Tú, Hồ-Thích-Chi đều hết sức công kích lối văn này cho là một thứ văn bất tiến hóa, chỉ nên coi là một cái dấu vết của lối văn chương cổ điển (Classicisme) ở Á-đông mà thôi, không còn giá trị đáng sinh tồn ở đời này nữa. Ý tôi cũng thế. Song khốn vì một nỗi cuốn này là một cuốn viết pha rất nhiều văn tứ lục, mà một điều trong ba điều cần cho kẻ dịch là phải « tín »: tôi dịch cuốn này tự nhiên là phải dịch « đúng » cả đến thể-văn; chứ thực không phải có ý gì « nhăn mặt cầu xinh » để mua cười cùng kẻ biết.
  2. Sách nho chép rằng: Giống đười-ươi là giống biết nói tiếng người. Muốn bắt nó thì cứ để mấy vò rượu và mấy chục đôi dép cỏ ra bên rừng. Nó trông thấy, tất bảo nhau rằng: Giống người nó muốn bầy trò để bắt chúng mình đây; xong nó liền rủ nhau xuống, mở vò rượu nếm thử, mềm môi uống mãi, say lướt cò bợ, liền xỏ chân vào dép đi khệnh khạng; thế là người ta cứ việc ra mà bắt, vì nó chạy không được nữa. Con người ta trong lúc thanh niên, nếu không có công-phu khắc-kỷ (maîtrise en soi) để đè nén dục tình, thì rượu chè, cờ bạc trai gái, vẫn biết là dở đấy, nhưng cũng « nếm thử »..., khi đã nếm thử rồi thì khó lòng mà gỡ ra được. Cái mê lúc ấy cũng chẳng khác gì cái mê của giống đười-ươi say rượu Lê-nương này cũng thế. Anh em chị em há lại không nên liệu đó mà giữ mình sao!