Bước tới nội dung

Dưới hoa/VII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dưới hoa của Từ Chẩm Á, do Nhượng Tống dịch
VII. — Quá say

VII — QUÁ-SAY

Nến tàn chén cạn, nhớ cảnh đêm qua, Thạch-si đi rồi, Mộng-hà càng thêm buồn bã, tuy chẳng nặng lòng mong nhớ, sao khỏi xót mình bơ vơ. Huống hồ đường mây thuận gió, người đương gặp dịp dọc ngang; bãi cát chờ mưa, mình những xót thân đầy đọa; người sao tươi tỉnh, mình những âu sầu. Mười năm lạc phách, số Ngu-Phiền chưa khỏi tuần đen; trăm mối thương tâm, tóc Phan-Nhạc đã pha sợi bạc; nằm suông đất khách, ở lâu thêm lắm chuyện bực mình; chạy khắp chân trời tìm mãi đã ai người biết bụng; Mộng-hà tiễn bạn đi, lòng vẫn lấy sự không được cùng đi làm ân hận; đọc thơ chàng đủ rõ lòng chàng đau đớn thế-nào. Vì thế mà ngay khi tiễn biệt, tình cảnh đã buồn; sau lúc phân kỳ, ruột gan càng rối; thế nhưng Thạch-si đi đã đi rồi, nghìn dậm xa xôi, lòng Mộng-hà, chàng biết thế nào được; biết chăng họa có Lê-nương đó thôi.

Mộng-hà uống rượu với bạn, cách đêm không về. Nàng lấy làm lạ sau hỏi thằng nhỏ mới biết. Nàng tuy là gái cấm cung song vẫn nghe tiếng Thạch-si và biết chàng là người học vấn nết na, so với Mộng-hà hơn kém nhau không mấy. Tuy vậy, nói về khí khái ngang tàng, tính tình chín chắn thì chàng còn thua Mộng-hà một bậc, ai ngờ số tốt số xấu, cảnh thuận cảnh nghịch thì đôi bên lại xa nhau một vực một trời; bên thì bay liệng sánh bầy loan phượng, bên thì long đong như chúa đười ươi, so sánh mà coi, không thể không kêu oan cho Mộng-hà được. Hôm ấy nàng có viết cho Mộng-hà một bức thư, khuyên chàng nên bỏ cách sinh nhai, tìm đường tiến thủ: « ... Lấy tài ông anh mà cứ chịu mai một thế này, thật là đáng tiếc; chi bằng nhân dịp ra ngoài du học, tốn công trong vài năm, để tìm đường mở mày mở mặt về sau... » Lại còn có mấy câu nói rằng: « Nếu số lộ-phí, học-phí mà còn thiếu thốn ít nhiều thì thế nào cũng xin thu xếp được »... Chàng xem thư trong lòng cảm động lắm: tự nghĩ cha chết anh đi, cảnh nhà dấp mãi, dù muốn du học làm gì sẵn tiền; chí khí tầy trời, cơn gấp khúc cũng đành xếp xó. Hôm ấy tiễn Thạch-si đi, cũng muốn được cùng bạn cùng ra ngoài du học, thế nhưng « chim lồng hồ dễ cất mình bay cao ». Biết nhau như Thạch-si, cũng còn chưa được một lời yên-úy cho nhau, thế mà một người con gái yếu ớt như ai, lại sẵn bụng liên-tài muốn giúp tiền học-phí; con mắt tinh đời, tấm lòng nghĩa hiệp, đáng yêu đáng kính biết bao. Bởi vậy, chàng đọc xong bức thư của nàng thì hàng châu lã chã khôn cầm, ruột héo gan dầu, ngổn ngang trăm mối; giờ lâu bỗng đập bàn đứng rậy, thở dài mà nói: Trời ơi! Mộng-hà vô-phúc, để phụ Lê-nương rồi! Lê-nương yêu ta, ta phải trả lời mới được! Nói thế rồi thần trí mê man, không kịp lựa lời, cầm bút thảo ngay vào cuối thư nàng bốn bài thơ tứ-tuyệt; viết xong, giao lại cho Bằng-lang.

Nàng được thư, thấy vẫn là phong thư của mình trước thì giật mình không hiểu ra cớ làm sao; tự nghĩ có lẽ trong thư có chỗ nào sơ-xuất chăng, liền cầm lấy đọc lại một lượt. Đến mãi cuối thư, nàng mới thấy có 120 chữ viết đá thảo rằng:

I. — Nhỡ bước công danh phải đọa đầy,
       Như điên, như dại, mấy năm nay.
       Cá mè mấy lớp qua sông cả,
       Riêng phận lờn-bơn chịu đắng cay.

II — Muôn đội ơn lòng đã quá yêu:
       Con thuyền bể học dục buông chèo.
       Đường cùng chưa ráo đôi hàng lệ,
       Còn biết trông ai bước ngặt nghèo?

III — Thân này nghĩ thẹn với con tầm:
        Ăn hại cho đời dạ những căm.
        Tuổi trẻ không làm nên sự nghiệp,
        Ngày qua tháng lại luống thương thầm.

IV — Sóng gió ai gây trận bất bình,
         Mênh mang việc nước chịu làm thinh.
         Lo đời đã chán tay tài giỏi,
         Khinh trọng nào đâu đến lượt mình!...

Đèn khuya bóng tối, khắc lậu canh chầy; chữ gấm mê hồn, mặt hoa ủ phấn. Lê-nương đọc thư chàng, không sao khỏi tiếc cho chàng, lại không sao khỏi thương cho chàng, mà tiếc cho chàng bao nhiêu thì lại tiếc cho mình bấy nhiêu, thương cho chàng bao nhiêu thì lại thương cho mình bấy nhiêu; kim châm lửa đốt, đau đớn trăm chiều; chỉ rối tơ vò, âm thầm chín khúc. Thông minh là lụy cho đời. Long đong là số những người tài danh. Nổi chìm một kiếp phù sinh, đồng tâm đồng bệnh là mình với ta. Một nhời, một giọt lệ sa. Ngâm ra tiếng khóc, đọc ra dọng sầu. Tờ hoa tầm tã dòng châu. Mực nhòa chữ ướt biết đâu mà nhìn! Bút nào vẽ được dạ phiền; văn nào tả được muôn nghìn tấm thương.... Một mình nàng lưỡng lự canh trường, càng nghĩ lại càng không sao nín được tiếng xụt xùi nức nở. Chao ôi! vì một việc ấy mà tấm tình của đôi bên lại càng gắn bó keo sơn, gỡ ra không được. Như có như không, như duyên như nợ, đảo điên xoay sở, ông xanh kia không biết có lòng nào, mà hai người ấy lại không biết tội tình làm sao!... Bức thư ấy, bài thơ ấy, là lần thứ hai mà hai người trao gửi cho nhau. Thư nàng đã dử buộc chặt mối tình chàng, mà thơ chàng lại làm thêm chua xót tấm lòng nàng; thở dài một tiếng, biết tính sao đây, mối cảm tuy khác nhau, song tấm tình-si thì đôi lòng như một. « Sớm đào tối mận lân la, trước còn trăng gió sau ra đá vàng. » Việc Thạch-si đi Nhật thật đã gây cho cuộc tình ái của đôi bên; có một lần thế, hai người mới thật thành tri kỷ, mới thật thành ra chịu cam sống thác với tình; mà Thạch-si đối với cuộc tình ái của hai người chẳng khác gì đã đứng vào tay chủ động...

Lục rậm hồng thưa, ngày dài người mệt; oanh già vắng ngắt lá mới xanh um. Ấy là thì tiết nào? Lại chẳng phải thì tiết khó chịu về đầu hè sao? Lúa chín dâu xanh, đồng điền sầm uất; nào gái hái dâu, nào trai đi gặt, đi về tấp nập đầy đường. Cổ nhân có câu: « Tháng tư bận rộn đủ bề. Hết ra đồng lúa lại về ruộng dâu ». Có ở nhà quê mới biết câu ấy là tả được đúng tình đúng cảnh. Chàng ở nhà sang đấy, bây giờ đã được hơn một tháng.

Ngày tháng quê người, đi nhanh như chớp; ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân; nhớ mẹ sớm hôm vò võ, mưa nắng một mình; thương anh bèo nước bơ vơ, xa xôi muôn dậm. Buồn trông mây bạc, nào thấy cánh hồng. Khách du lận đận đường cùng; nghĩ lòng đã xót xa lòng đòi cơn. Huống chi ngày xuân thấm thoắt, mối sầu rối tung; ba sinh mộng cũ, chẳng qua in lại vết tàn; một tập thơ tình, nào biết gây ra duyên mới. Nghĩ lại nào lúc chôn hoa, nào khi đắp đất, chẳng qua nhân lúc ngồi buồn, bầy trò giải trí, biết đâu vì thế mà thành ra rước nhớ cưu hờn. Kiếp người vui tẻ, nào chắc thế nào; tin tức đoạn trường, hỏi làm chi nữa... Bấm đốt ngón tay, được mấy lúc mà áo rét đã thay, quạt là đã đắt, quang âm vì vụt, gan ruột nấu nung. « Đã sinh ra số long đong, nghĩ bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu. » Tuổi hoa năm một thêm nhiều, dạ phiền ngày một thêm chiều đeo đai. Lấy gì khuây khỏa một vài? Mộng tàn như khói, ngày dài hơn năm.

Chàng đáp thơ hôm trước thì hôm sau chủ-nhật. Mọi khi hễ được ngày nghỉ thì chàng lại cùng Thạch-si giắt tay ra cửa, đem theo một thằng hầu; lên núi hóng mát buông thuyền làm thơ, nghe chim hót, rót rượu mời, tìm chơi các phong cảnh hữu tình, suốt ngày vui vẻ. Đến bây giờ thì cảnh ở người đi, khôn tìm thú cũ đi chơi không bạn, không bằng nằm nhà còn có thú hơn. Bởi vậy hôm ấy chàng không ra trường thì cũng lười không muốn bước chân ra cửa; quét đất đốt hương, ngồi xếp bằng, lấy tập « Nghi-Vũ » của Vương-thứ-Hồi ra đọc; lời lẽ văn hoa, ý tứ sâu sắc, sợi tơ tình lại thấy vấn vương. Gấp sách thở dài, bước ra trước sân, thì đất hoang một nấm, cỏ mọc xanh rì, mảnh bia còn đó trơ trơ, chợt nhìn đến mà chàng lại can trường đứt nát. Nguyên từ sau khi chôn hoa, gió sớm trăng chiều, chàng thường lần bước đến bên mồ-hoa, tận tình khóc lóc. Vết lệ chan hòa, từng lâu từng mới, hồn hoa tuy đã chết song được nước mắt của chàng sớm hôm đem tưới, thì dần dần đã thấy lại tươi. Thế mà ngoảnh lại gốc Tân-di mới nở ngày nào thì đã sắc tàn hương nhạt, hết vẻ hồng nhan; hoa rụng tả tơi cành không trơ trọi; vẻ tiều tụy thật trông mà thương hại, ngày vinh-hoa nào chắc được bao nhiêu. « Đời đến làm hoa là bạc mạnh, xuân đi như mộng với đông-phong. » Trông ra nghìn tía muôn hồng, qua thì dễ tránh khỏi vòng phiêu-linh? Tấm-tình của Mộng-hà vốn không hậu riêng ai hay bạc riêng ai, duy có một điều là chàng thường đem dùng vào những cảnh thê-lương, chứ không đem dùng vào những nơi náo nhiệt. Cánh hoa lê trong mồ, đã vì chàng mà vùi sầu lấp thảm, thì gốc Tân-di trước mắt, cũng đủ khiến chàng đứt ruột đau lòng. Ngày trước chàng trông đến gốc Tân-di mà điềm nhiên chẳng chút đoái hoài không phải có nhìn hoa bằng con mắt lạnh đâu, mà chỉ là vì gốc Tân-di khi ấy đương trà khoe thắm đua tươi, chứ chưa đến nỗi lạt phấn phai hương đó thôi...

Sân không in vết lệ tàn; trông về cảnh cũ muôn vàn thương tâm. Chàng một mình thẩn thơ trước gió, tầm tã sa châu! giận xuân đi đi mãi không về, tiếc cảnh đẹp đẹp nào được mấy; chơi xuân kẻo hết, tự khổ mà chi. « Dưới thềm hoa rụng trắng ngần đời người nào được mấy lần Thanh-minh »; như nay thì hoa dưới thềm đã thành ra hoa dưới đất, tiết Thanh-minh đã đổi sang tiết Thanh-hòa[1]. Cảnh đẹp bỏ hoài, kiếp tu chưa khéo; nào được bụng dạ thư nhàn như Tô-học-sĩ, chỉ thấy ruột gan buồn bực quá Đỗ-tư-huân lửa giận cháy tim, mây sầu rợp mắt; mua giây mà vác, mình buộc lấy mình, dễ ai đội đá ở đời, sao chịu đầy đọa mãi ở chỗ thành sầu bể thảm? May sao còn chú ma-men, có thể cứu khổ cứu nạn cho chàng được. Chiều trời sẩm tối, mưa bụi lâm râm, chàng quay vào trong nhà lấy chai rượu con đặt trên bàn rót ra hãy còn được mấy chén. Ngồi tựa bên song, uống cho kỳ hết, song một mình vắng bạn uống cũng không thú; muốn bắt trước Lý-Thanh-Liên nâng chén quỳnh, mời chị Nguyệt, song chị Nguyệt lúc ấy thì đương lẩn mặt ở trong cung Quảng, gọi cũng không ra, Đem rượu tưới sầu, rượu chưa ngấm mà sầu đã ngấm: chưa cạn ba chén thì người đã say lướt ra rồi. « Đã là chổi quét bực lại làm mồi câu thơ »; sức rượu nồng nàn, hồn thơ lai láng, chàng liền gõ bàn làm nhịp mà hát. Hát rằng:

Mộng-hà ơi! Mộng-hà ơi!
Ta thương my cũng kiếp con người,
Cũng thân sức rộng, vai dài, hay hỡi có hay?
Đời my sao như lưỡi dao giầy?
Số my như chiếc chén thủng, rót đầy lại vơi?
Đợi cho my làm nên công nghiệp bằng người.
Lữa-lần có lẽ đến đời gỗ mục nẩy hoa!...
Nhớ khi my tấm bé ở nhà
Khôi ngô tuấn tú dễ mà đã chịu kém ai.
Phòng văn khi cầm bút viết chơi,
Mẹ, cha, thầy, bạn, ai chẳng phục tài thông minh?
Con nhà tông, lông cánh rành rành.
Cửa vàng thềm ngọc những chắc công danh hơn người
Thế mà nay vật đổi sao dời,
Nhà tranh, vách đất, nở để dập vùi kinh luân!
Mười mấy năm nay rỗ gót phong trần.
Trông người bay bổng, lại thương thân lạc loài,
Người ta đương nô nức ra ngoài,
Sao my lại chịu nằm dài một xó nhà quê?
Thừa ăn, đàn sẻ được no nê,
Thiếu mồi, chim phượng chịu đủ bề long đong;
Ấm thân đàn sẻ đậu Tây, Đông,
Nhọc mình, chim phượng biết ngô-đồng là đâu?
Đời người ta sống được bao lâu?

Sao my chỉ những đứng tủi, ngồi sầu, nay khóc lại mai than?
Chạy tứ phương, vì nỗi cơ hàn,
Đường cùng, trời tối, luống chịu muôn vàn đắng cay.
Dưới đèn khuya, ôm tập thơ giầy;
Quên ăn, mất ngủ, my chỉ suốt ngày ngâm nga.
Sao không viết những văn ích nước, lợi nhà.
Mà tốn công phí giấy, chỉ rặt dọng xót xa âu sầu?
Năm nay my hai mươi mốt tuổi trên đầu,
Muôn lo, nghìn sợ, my đã trải bao cầu ngược suôi.
Còn trẻ trung my đã thế rồi,
Đến khi tóc bạc, da mồi, chi nữa mà mong?
Ối thương ôi! Sống như my thà chết quách cho xong,
Sao my lúng túng trong vòng gỡ mãi không ra?
Khách chơi xuân phóng ngựa tìm hoa.
Yếu chân chậm bước, my đến nữa mà làm chi.
Rụng tả tơi, hoa đã lỗi thì,
Tự mình đến muộn, có trách gì gió đông!
Mối sầu riêng, muốn nói không cùng,
Rượu đâu chưa dễ tưới tắt lửa lòng cho ai!
Dốc bình ra còn được chén vơi.
Cành đào, cành mận, hôm mai sẽ liệu tươi dần.
Một năm buồn nhất cảnh cuối xuân,
Một ngày buồn nhất cảnh trời gần hoàng-hôn.
Một cơn buồn, ba bẩy cơn buồn.
Đêm nay người vắng, lại bồn chồn thêm thương
Lắng tai nghe tiếng quốc ngoài tường;
Ngoài song lạnh lẽo, cái bóng trăng xuông ròm vào.
Nông nỗi này chua xót biết bao!
Hồn mê, sức mệt, thuốc nào cho khỏi bệnh ngẩn ngơ?
Lệ hết rồi máu rỏ như mưa,
Máu khi cạn nốt, mà trời đất vẫn thờ-ơ với mình.
Ném chén đi, vùng rậy nhìn quanh;

Đoạn trường, tay thảo bức thư tình gửi trao,
Khách tỉnh ơi! Nhận kỹ xem nào?
Mực? hay nước mắt? hay giọt máu đào mới sa?...

Chàng hát đi hát lại hai ba lần; trước thấy khoan khoái người kế đến choáng váng say, sau lại cất tiếng nức nở khóc; gác bút đứng dậy, người lao đao như kẻ mất hồn; để cả áo nằm lăn xuống giường, một lát đã ngủ thiếp đi không còn biết gì nữa. Bấy giờ đã vào lúc lên đèn. Thằng nhỏ bưng cơm tối lên, soi quanh tìm quẩn, chẳng thấy chàng đâu cả. Đương lúc sửng sốt thì chợt thấy hơi rượu sặc sụa ở trong màn xông ra. Vén màn lên coi thì thấy chàng mặt đỏ bừng bừng, đương nằm ngủ mệt. Nó biết là chàng say, cũng không đánh thức, một mình lủi thủi bước ra. Một lúc sau, con Thu đã giắt Bằng-lang lên. Gọi thầy chẳng thấy thầy thưa, tính trẻ hay đùa, Bằng-lang liền lẻn đến bên giường, cố lay chàng dậy; con Thu thì đứng một bên, cười khúc khích. Chàng đương lúc mơ màng, thấy động đến mình thì hình như đã hơi biết; cặp mắt lim dim, hơi men nồng nã, nói ràm nói rảm luôn mồm, Bằng-lang cứ việc lay, mãi chàng mới chợt tỉnh, giở mình ra ngoài mà hỏi: Đứa nào mà nhiễu sự thế! Người ta đương ngủ mà quấy rầy gì! Bằng-lang nói: Thưa thầy, con đây mà... Hôm nay thầy làm gì mà ngủ sớm thế, hay thầy làm sao đấy? Chàng nói: Con đấy à? Thày không sao cả, rượu say quá đấy thôi. Lúc chàng nói, tiếng nói vẫn ù ờ, mặt mũi bơ phờ, ma men chừng vẫn còn ám ảnh. Bằng-lang lại hỏi, Thưa thầy, hôm nay có học không? Chàng nói: Trời đã khuya chưa? Bằng-lang trông lên chiếc đồng hồ treo trên tường mà nói: Thưa chíu giờ hơn rồi. Chàng nói: Thày mệt không dậy được. Con ra học ôn bài cũ vậy, đừng quấy thầy. Bằng-lang vâng dạ khép cửa màn lại rồi ra đầu bàn rở sách học một mình. Bấy giờ con Thu đã xuống, nhà vắng không còn có ai. Trong cái thì gian, cái cảnh tượng buồn tanh, vắng ngắt bấy giờ, chỉ còn nghe thấy có tiếng đọc sách ở dưới đèn, tiếng ngáy ngủ ở trong màn, cùng tiếng đồng hồ « tích tắc » ở trên tường, cùng theo dịp với nhau mà thấp, mà cao, mà khoan, mà nhặt...

Con Thu xuống thưa với Lê-nương. Nàng biết chàng say, sợ để con quấy nhiễu không tiện, liền sai con Thu lên gọi. Bằng lang nghe gọi, đang xếp sách vở toan đứng dậy thì chàng đã giấc nồng chợt tỉnh, lên tiếng khạc đờm. Bằng-lang thấy chàng thức liền quay vào giường mà rằng: Con xuống đây, xin thày cứ nằm nghỉ Chàng nói: Con xuống à? Dưới cái « đè giấy » trên mặt bàn, có tờ giấy đấy thì cầm lấy. Bụng thày hơi thấy đói, gọi thằng nhỏ bảo nấu cho thày bát cháo để thày dậy thày ăn. Bằng-lang vâng lời, gọi thằng nhỏ bảo hầu hạ, rồi cầm lấy giấy cùng con Thu đi xuống.

Canh điểm nhặt thưa, đèn khêu le lói, trận mưa rào đổ trên mái ngói, tiếng nghe sầm sập cửa ngoài. Lần the mỏng phất trên cánh song, phải mưa hắt ướt, long lanh lỗ chỗ, nửa tỏ nửa mờ, trông những tưởng là bóng trời đã tang-tảng sáng. Người ngồi bên trong đó là ai? chính là Lê-nương. Đêm đã khuya, sao nàng chưa đi nằm? Nàng còn đợi Bằng-lang. Buồng thu vắng vẻ, mẹ con sớm tối trông nhau. Bằng-lang chưa đi ngủ thì nàng cũng chưa hề đặt lưng nằm trước. Khi ấy nàng đang chau đôi mày liễu, sầm nét mặt hoa, chống tay lên cầm, ngồi ngẩn ngơ như có điều chi bận nghĩ. Đó chính là lúc con Thu nói cho nàng biết chàng đang say nằm ngủ, ngủ rất mệt, mà nàng sai nó lên gọi Bằng-lang. Trong khi con Thu vừa đi, Bằng-lang chưa xuống, lòng nàng nửa nghĩ đến con mà nửa lại toan nghĩ đến chàng.. Ngày thường chàng tuy hay rượu, song chưa hề thấy say. Cớ chi hôm nay ngồi một mình lại uống đến nỗi say, say đến nỗi không rậy được? Chắc hẳn chàng lại cảm xúc đến điều chi mạnh quá, nỗi lòng không ngỏ cùng ai được, nên mới trốn vào « làng say », tìm đường mượn rượu tưới sầu. Tình cảnh ấy ai bảo là không đáng xót, ai bảo là không đáng thương? « Mình không chắp cánh bay sao được, ruột vẫn vò tơ gỡ chẳng ra »; hồn vía nàng lúc ấy hình như đã theo con Thu cùng đến trước giường chàng để vì chàng mà trông nom săn sóc. Đương khi nghĩ ngợi lan man như thế, bỗng nghe có tiếng gọi mẹ, thì ra Bằng-lang cùng con Thu đã cùng nhau đẩy cửa bước vào.


  1. Tháng Tư.