Dưới hoa/VIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dưới hoa của Từ Chẩm Á, do Nhượng Tống dịch
VIII. — Tặng hoa
Vạn-Quyển Thư-Lâu

DƯỚI HOA
(NGỌC-LÊ-HỒN)

TỪ-CHẨM-Á

Soạn

NHƯỢNG-TỐNG

Phiên-dịch và phê-bình

CUỐN THỨ III



1928

IN TẠI NHÀ IN THỤY-KÝ
98, Phố hàng Gai
HANOI

IN LẦN THỨ NHẤT

Giá bán: 0$10
 

VII — TẶNG HOA

Gió bấc mưa dầm, canh trường rả rích; khí đêm lạnh ngắt, tiếng gió mưa hình như cùng trò truyện với khách sầu. Lê-nương đương ngồi đợi thì Bằng-lang đã ở ngoài mưa chạy vào, nàng liền hỏi rõ tình-trạng Mộng-hà sau khi say rượu; Bằng-lang thưa lại đủ điều, rồi rút tay áo lấy ra một tờ giấy đưa cho mẹ mà nói: Thày bảo con đem cái này về đưa cho mẹ đây. Nàng cầm lấy để bên hộp gương và dục Bằng-lang đi ngủ. Bấy giờ trời đã nửa đêm, tiếng mưa gió ngoài song lại to hơn trước, khí trời giở rét, làn gió lạnh đìu hiu lùa vào kẽ cửa, thấy gợn cả người. Nàng lúc ấy còn chưa bỏ áo đi nằm, ngồi tựa bên giường, rút cành trâm khêu lại ngọn đèn tàn, mở tờ của chàng, nhìn qua một lượt, một thiên gió táp mưa sa, nét thảo như rồng bay rắn lội, chữ nào cũng lả lướt, trông biết ngay là viết sau khi say rượu, cho nên nét bút nguệch-ngoạc, không được chỉnh tề. Kế đọc đến văn thì sầu đong muôn hộc, giặn bốc nghìn trùng, bao nhiêu nỗi uất ức ở trong lòng đều chan chứa ra đầu ngọn bút. Tủi phận giận thân, lệ hòa nét mực, thật có cái vẻ « trời cao đất rộng, trăm mối ngổn ngang ». Người sao tài học đủ đường, kiếp sao chịu những đoạn trường thế ru! Chao ôi! Xưa nay các bạn má hồng, chỉ vì tấm lòng thương kẻ có tài mà đến nhỡ một nhầm hai, nào biết bao nhiêu mà kể! Như Lê-nương, từ khi dứt gánh tương tư, tấm lòng đã tro tàn lửa tắt, không biết tại sao gặp một người vốn không quen thuộc như Mộng-hà mà lại đem lòng xót mướn thương vay? Từ ngày gặp gỡ, mấy độ lân lạ, nợ trước đã không, duyên sau này phải? đưa cổ vào tròng, mua giây ma vác, sa vào bể hận, cất đầu chẳng lên, mắc phải lưới hồng, gỡ mình không được. « Đã mang lấy nghiệp vào thâu, tránh sao cho khỏi dữ gần lánh xa ». Song khuya mưa gió, tịch mịch trăm chiều chàng đã từ « làng say » vào « làng ngủ » rồi, mà nàng thì một mình lưỡng lự canh chầy, lòng vẩn-vơ những tưởng nhớ đến chàng, không sao quên đi được. canh tàn ngồi rét, chiếc bóng lẻ loi, giọt châu thấm ướt tờ mây nhiêu chỗ đã đỏ thẫm như sắc máu đào, mà nàng vẫn không nỡ dời tay; gập lại, rở ra, không biết là bao nhiêu lượt. Chợt đọc đến câu: « Người ta đương nô nức ra ngoài, sao my lại chịu nằm dài một xó nhà quê », thì sực nhớ đến bức thư hôm trước của mình, thực đã làm cho lòng chàng phải trăm chiều đau đớn. Nàng viết bức thư đó, vốn là thực-tình, vốn là vì tấm lòng sốt sắng đối với người tri-kỷ, có ngờ đâu khi chàng đọc đến lại nghĩ vào thân-thế mà động mối thương tâm. Nàng ngồi một mình cứ băn khoăn nghĩ đến chàng, có biết đâu chàng ở bên phòng sách bấy giờ cũng mơ màng phách quế hồn mai, trong giấc chiêm bao, hoảng hốt như đương cùng ngồi đối diện với nàng, cùng nhau kể lể biết bao nhiêu tâm sự...

Đồng đất quê người, muôn vàn sầu khổ. Bạn bè mấy kẻ nhìn, khách khứa nào ai đến; quên giận dễ tìm ra thuốc thánh; giải buồn họa chỉ có ma-men! sầu gỡ không ra, lại tưới bằng rượu; rượu dập không tắt, lại quét bằng thơ; bởi vậy trong mấy hôm chàng đã vì rượu mà say, lại vì thơ mà gầy! Cổ-nhân có câu: « Mong sao chân cứng đá mềm », ý nói người ta ra ngoài, trăm sự chỉ nhờ về sức khỏe. Thế mà chàng thì vì đêm hôm trước quá say, đến sáng hôm sau thành ốm, tự nghĩ công việc nhà trường, không thể bỏ được, đành phải gượng ốm ngồi rậy, khoác áo bước xuống giường. Nào ngờ chân chưa chạm đến đất thì mình đã như ở lưng chừng trời; đầu óc choáng váng như đeo viên đá nặng nghìn cân, trong ngực nôn nao, khắp mình buồn bã; mắt đổ hồng quang, miệng nôn buồn mửa, thân thể chàng đã mất hết sức khỏe rồi. Tờ mờ ánh sáng, thấp thoáng bóng người, thằng nhỏ đã bưng nước rửa mặt lên, Chàng bước ra rửa mặt, đương rửa thì bỗng rưng mắt mũi tối tăm, trong ngực đau như xé. Cổ họng nóng ran, lợm không chịu nổi, « ọe » một tiếng, nhổ phắt ra ngoài... Bỗng thấy thằng nhỏ hoảng hốt kêu lên rằng: Trời ơi! Cái gì đỏ thế kia? Sao đờm thày lại như thế? Thày làm con sợ quá! Chàng nhổ ra xong, trong ngực thấy rỗng không, người thì lao đao như lạc trong đám mây mờ khói tỏa; may đứng tựa vào bàn nên không đến nỗi ngã; nghe tiếng kêu vội nhìn xuống đất, thấy mấy giọt đờm dây dớt có mầu đỏ, thì cũng giật mình. Muốn cố gượng mà đứng, song người đã mệt lử ra rồi. Giá không có thằng nhỏ đỡ chàng thì chàng đã dời tay vịn bàn mà ngã lăn xuống đất.

Thằng nhỏ đỡ chàng vào giường nằm. Bấy giờ nét mặt chàng đã xám ngắt. trông không còn ra hồn người; hơi thở yếu dần, chỉ còn thoi thóp, cất tiếng thào thào, sẽ gọi thằng nhỏ mà bảo: Mày chạy mau ra trường, xin phép thày giáo Lý cho ta nghỉ, kẻo quá giờ học, học trò ngồi đợi đã lâu rồi. Thày giáo Lý đó quê ở ngay Rong-hồ, làm chức phụ-giáo trường ấy. Thằng nhỏ vâng dạ lui ra; trong nhà chỉ còn mình chàng nằm trơ, ôm đầu lăn lóc, vật mình kêu ca, đấm ngực đập giường, trăm chiều đau đớn, mà giọt máu mới sa dưới đất thì mầu đỏ tươi đã đổi ra mầu đỏ thâm, soi ngay vào mắt bệnh-nhân. Ngày dài đằng đẵng, nhà vắng teo teo, tuyệt không có ai qua hỏi đến. Được một lát, chàng vịn giường ngồi lên, lấy gương soi mặt, bỗng thở dài mà rằng. Tim ta nát ra rồi! Bệnh ta nặng lắm rồi! Sức ta kiệt quá rồi! Đời ta hỏng mất rồi! Thương hại thay cho Mộng-hà! Mẹ già đầu bạc, còn đương tựa cửa ngồi mong; giấc mộng bụi hồng, đã sắp giật mình tỉnh lại. Thương hại thay cho Mộng-hà! Đời mà đến thế thì thôi!.. Chàng ngậm ngùi một lúc, lòng đã nguội như tro, lại ném mảnh gương rồi vật mình nằm xuống.

Nắng nhạt lồng song, gió nồm lùa cửa, xương đau rời rã, hồn mộng bơ vơ. Chao ôi! Quê người lận đận, đã là sự không may; quê người lận đận mà mang lấy ốm đau lại càng là sự không may nữa. Sự không may đó, sự càng không may đó, Mộng-hà đem thân hứng cả lấy, một đã khó chịu, huống hồ lại hai! Quê người đã khổ rồi, quê người mà mang lấy ốm đau, cái khổ lại gấp mười lần nữa. Khổ thay Mộng-hà! Nguy thay Mộng-hà! Ốm đau nhớ đến cảnh nhà: Ngoài giường ba thước đường xa bằng trời! Sầu vùi thảm lấp đôi nơi, ôm lòng trăm mối ngày dài hơn năm!...

Cửa vắng nhà thanh. Ong bay qua mành... Trong buồng sách bóng người vắng tanh..., chỉ nghe tiếng chàng rên rỉ, khác nào vượn ốm hót trăng, ngựa già thét gió, người nghe phải dợn tóc dùng mình... Trời bấy giờ đã non trưa. Bên ngoài thấy có hai người vào thăm. thì là Thôi-ông và thằng-nhỏ. Nguyên thằng nhỏ lúc ra, đem ngay bệnh trạng của chàng thưa lại với chủ. Thôi-ông nghe tin giật mình, sai một tên người nhà khác ra trường xin phép rồi cùng thằng nhỏ lên thăm chàng. Chàng trông thấy Thôi-ông, chống tay vào gối toan gượng ngồi rậy. Thôi-ông vội ngăn lại, lại nhìn chàng mà nói: Vắng mặt mới ba hôm nay, ai ngờ người cháu đã sút đến thế!... Chàng vừa thở vừa nói: Tấm thân bồ liễu[1], được lúc nào biết lúc ấy đó thôi! Hơi cảm một chút đã mệt không cất mình rậy được, làm phiền đến bác phải bận nghĩ, quá bộ sang thăm hỏi, lòng này áy náy vô cùng. Thôi-ông nói: Cháu đương độ tuổi trẻ đầu xanh, sức dài vai rộng; bao nhiêu hy vọng, đều trông cả ở tấm thân hữu dụng sau này. Khó ở một chút vốn không hề chi, song quê người lắm nỗi bận mình, nằm ngồi ăn uống, nhỡ không cẩn thận ra, thì lão là chủ nhà mà không biết chăm nom, mang lỗi nhiều lắm. Bệnh cháu chắc là bởi chứng hay lo nghĩ quá. Thổ-huyết không phải nói chuyện chơi như cái lở, cái ghẻ thường được. cháu nên bán sầu mua vui, ngậm đắng làm ngọt, bớt lo bớt nghĩ, cho bụng thư nhàn; lòng đã thư rồi thì ma bệnh tự nhiên phải lảng. Thiên hạ bao nhiêu điều thất ý, chỉ nên khuây khỏa là hơn; thế gian vô số chuyện bất-bình, sao khéo ôm-đồm cho khổ. Nay cảm mai sầu, chỉ tổ rước lấy ốm đau. hại cho chí khí. Công việc còn dài; xuân thu chưa mấy, tội gì mà mình lại hại mình như thế, điều đó bác xin can. Chàng nghe nói, trong lòng cảm động, liền đáp rằng: Lời vàng ngọc của bác, cháu xin tạc dạ ghi lòng; từ đây quyết không dám liều thân hoại thể, để phụ lòng bác cần quyền thương đến. Thôi-ông lại nói: Ngoài cửa Bắc có ông lang Phí, kể cũng có thể là hạng Biển-Tước đời nay. Bác sẽ cho mời đến thăm bệnh cho cháu. Chàng vốn không muốn uống thuốc, nhưng nể lời đành phải vâng lời. Thôi-ông liền sai thằng nhỏ đi mời thầy lang. Thầy lang đến, xem mạch xong liền đoán: Chứng này là chứng « tâm tật », thuốc uống sợ cũng không ăn thua gì đâu. Thế nhưng tôi cũng xin bốc thử một thang, song bệnh-nhân cốt phải di-dưỡng lấy tính-tình, đừng cưu sầu chuốc não, đừng nghĩ vẩn lo vơ, thì uống mới kiến-hiệu. Đoán xong lại ngồi nói chuyện một lúc, kê đơn để lại rồi về. Bấy giờ khuôn cửa đã pha sắc tối, ngọn cây vừa nhạt bóng tà, Thôi-ông sợ nói chuyện lâu làm mệt óc bệnh-nhân, liền dặn Mộng-hà nên khéo giữ gìn, bảo thằng nhỏ phải chăm hầu hạ: có gì cần lấy, phải xuống nói ngay; đinh ninh dặn hai ba lần, rồi mới chống gậy bước ra khỏi cửa.

Mờ mịt sương hôm, non sông như chết, chiều trời buồn bã biết bao! Gối chiếc chăn đơn, một mình lăn lóc, nỗi lòng bức tức thế nào! Siêu thuốc ấm chè, dời ra không được, tình cảnh lại tiêu điều ra sao! Thế mà một mình chàng hứng cả vào, còn gì là đời người nữa. Chàng ốm song không biết ốm tự đâu ra, lại không biết ốm sao chóng thế! Rượu chưa cạn chén, thuốc đã kề mồm, mặt vàng bủng, xương gầy rơi, chàng lại không sao khỏi vừa sợ vừa lo: ma bệnh mà đuổi chẳng đi cho, thần chết tất không mời cũng đến. Vì thế mà suốt ngày nghĩ vẩn tính quanh, nóng lòng sốt ruột, mà bệnh càng nặng ra Phàm người ốm, bụng dạ nên thư thái chứ không nên lo phiền. Sống thác cầm lỏng cả ở trong tay người hầu bên, còn thuốc thang là cái ngoài không kể. Vô sự nằm co, liệt giường liệt chiếu; miệng khô cổ ráo, thở chẳng ra hơi; trong những lúc ấy, buồn bực quá thường sinh ra nghĩ một trăm thứ... Ốm mà ở nhà thì người trông nom thường là kẻ thịt xương thân thiết, sự hầu hạ tất khéo. áo chăn, ăn uống, để ý đến luôn, có lúc ghí dỗ cho yên dạ, có khi trò truyện cho đỡ buồn; hết lòng chăm chỉ, không quản công lao, cốt sao cho người ốm khuây được mọi điều đau khổ. Đến như ốm ở ngoài đường thì rầy rà lắm. Một bóng một đèn, ai người thiết đến, khỏi hay không khỏi, trông cả vào thuốc thang. Dù có đầy tớ bưng cơm, sắc thuốc, trải đệm, giọn giường cho, song nước lã người rưng, chắc gì tử tế!.. Trong lúc mê man, chàng thường nhớ đến mẹ, chắc mẹ ở nhà vẫn cho mình là bình an khỏe mạnh mà mong mỏi hôm mai. Còn Kiếm-Thanh thì phương trời cách trở, bấy lâu vắng tiếng xa hơi, có biết đâu đến mình đương thập tử nhất sinh, liệt giường liệt chiếu. Giá phỏng chẳng may nhắm mắt chết liền, trăm đường tránh chẳng khỏi số, thì tấc dạ nhớ anh, tan tác đã đau cho đàn nhạn, mà chút tình mớm mẹ, phụ phàng lại thẹn với chim ô. Chàng cứ mê man nghĩ những đâu đâu như thế suốt ngày, khí sắc càng ngày càng xanh xao, bệnh thế càng ngày càng trầm trọng, thuốc uống vào như muối bỏ bể, chẳng bao lâu mà một kẻ thanh niên anh tuấn đã thành ra một cái du-hồn vơ vẩn ở ngoài vùng tha-ma....

Cứ lấy bệnh chàng ốm, cảnh chàng ốm, nông nỗi chàng ốm mà xem thì thật khổ nhất trần đời; chưa ốm còn gượng không xong. đã ốm có mong gì sống. Thế mà biết đâu sự thực thì lại khác hẳn: ba ngày hôm trước bệnh cứ nặng mãi, song ba ngày hôm sau thì bệnh đã hết dần. Chẳng mấy hôm thì chàng đã nhẹ nhõm tỉnh tao, không phải thuốc thang gì nữa. Lạ thay cho bệnh chàng: Lúc đến đến như chơi, lúc đi đi mất tích... Các bạn đọc sách, xem chỗ chàng ốm, có ai còn nhớ đến Lê-nương đó không? Ông lão đa tình, nghe tin chàng ốm còn thỉnh thoảng thăm nom, huống chi một người ngày thường vẫn thầm yêu vụng dấu như nàng, lẽ nào nghe tin chàng ốm lại nỡ « khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu », không có cách gì để sẻ khổ san buồn; cho lòng chàng được đôi phần an úy? Nàng vừa được tin thì ruột đã nóng như bào, lòng đã đau như xé. Chỉ vì e ngại tiếng tăm, không dám ra thăm vào hỏi, song thực thì trong chỗ vắng người, nàng đã tốn bao nhiêu nước mắt; cho đến lúc chàng khỏi bệnh mà nàng đã tốn bao nhiêu tâm huyết vì chàng.

Tin rữ đưa đến, ruột sầu quặn đau. Nàng biết bệnh chàng thuốc thang cũng chẳng được nào, phàm thức cần dùng, một cốc nước, một chén thang, cũng tự trông coi cẩn thận rồi mới giao cho thằng nhỏ. Chẳng những thế, thường thường lại sai Bằng-lang ra thăm hỏi. Bằng-lang xem ý cũng quyến luyến. Mỗi khi ra lại đứng ngồi quanh quẩn ở bên cạnh, rở nhiều trò chơi của con trẻ, coi rất ngộ-nghĩnh, chàng đang ốm mà trông thấy cũng phải bật cười. Hôm thứ ba, bỗng thấy Bằng-lang cùng con Thu bước vào. Con Thu bưng hai chậu lan, để lên trên bàn, còn Bằng-lang thì hớn hở nói: Đây là hoa ở vườn sau nhà con, mẹ con quí nó lắm. Hôm nay vì thấy thày « rịu-mình », coi buồn bã quá, nên nói với mẹ con, xin đem nó đến đây để làm bạn với thày trong lúc yếu đau. Chàng gật đầu cám ơn. Bằng-lang trông chừng con Thu đã đi khỏi rồi, móc túi ra một phong thư ném vào bên gối chàng rồi quay mình chạy thẳng. Chàng gọi với mà bảo: Bằng-lang! Bằng-lang! Đừng chạy thế! Khéo chẳng vấp vào ngưỡng cửa lại ngã thôi....

Gió thanh thoang thoảng đầy nhà. Hương thầm đượm cả chăn là đệm bông... Mộng-hà đương lúc buồn bực, thoảng thấy mùi hương ấy, thân thể tự nhiên khoan khoái, tâm thần bỗng thấy tỉnh tao, chẳng khác gì uống được tễ thuốc « Thanh-lương tán »... Chàng tự nghĩ: Lê-nương cho ta hai chậu hoa, thật là biết rõ bệnh ta. thật là chữa được bệnh ta, tấm tình nàng đối với ta sâu sắc biết bao, ta ốm chuyến này kể cũng đáng... Tuy nhiên, ta ốm đến thế này, nàng biết tất là lo sợ, cặp mày liễu cau càng thêm đẹp đó, trong mấy hôm nay không biết đã vì ta mà thêm bao nhiêu tâm sự vấn vương. Nghĩ thế rồi cầm lấy phong thư bên gối, sẽ mở ra xem. Nhờ được hương lan xông ướp, chàng lúc ấy lòng đã khoan khoái, bệnh đã khỏi đến quá nửa, chứ không mê man như trước nữa rồi; giở mình quay ra, đặt thư lên trên gối mà đọc. Thư rằng:

« Cuộc say chưa tỉnh. ma-bệnh đã theo. Tin đến buồng thêu, ruột đau như cắt. Chỉ vì phân cách trong ngoài, chữa dép ruộng dưa, miệng đời phải giữ; thành thử không dám đi lại thăm nom, góp công chút đỉnh, lòng riêng áy náy, nói chẳng hết lời. Nghe nói ông anh yếu là vì say rượu; tuy nhiên, thành ra bệnh là bởi say rượu, song gây nên bệnh thì thực là vì cớ thương tâm Thổ huyết có phải là chứng bỡn đâu, man mác bể tình, ông anh lại chịu liều bỏ tấm thân bẩy thước đó sao? Trời ơi! sao ông anh lại lẩn-thẩn thế! Ông anh trên mẹ thì già, dưới con chưa có, đôi vai gánh nặng, sao nỡ bỏ liều? Lê-ảnh thật không dám đem cái thân bạc-mạnh này để lụy đến ông anh đâu; ông anh nếu thương Lê-ảnh thì xin tự thương thân trước đã. Mình vàng vóc ngọc, liệu khéo giữ gìn; gió mát trăng trong, liệu mà khuây khỏa; trước mắt đã đành nhiều trắc trở, sau này may còn có cơ duyên... Tục ngữ có nói: « Còn trời còn nước còn non, còn cô bán rượu anh còn say sưa »; câu nói tầm thường, nhưng nhiều nghĩa rộng... Ông anh nên ngẫm nghĩ cho kỹ: thành sầu không phải là « Trường-sinh-quốc », bê tha chi mãi để tự giam tự buộc lấy mình? Hôm qua nghe lời thầy lang, cũng bảo bệnh ông anh là chứng tâm tật, thuốc thang cũng chẳng khỏi nào. Chao ôi! Tâm tật thì lại phải chữa bằng tâm; một thân sống hay thác chỉ trông ở tấc lòng sướng hay khổ. Nếu giữ cho tinh thần được bền, thì chả cứ thuốc thang cũng khỏi; bớt sầu nén giận, để rẹp lửa phiền; yên dạ nguôi lòng, để trừ ma bệnh; nói thế là hết, mong ông anh chớ quên. Lan thơm hai chậu, xin sẻ lòng yêu. Một chậu là giống Nhất phẩm, một chậu là giống Tiểu-hà tuy không quí, song cũng không đến nỗi tục. Nằm buồn có nó, cũng đỡ sầm-tịch, lại cũng là một thứ để di dưỡng tâm thần. Bàng hoàng hạ bút, viết chẳng nên lời. Giấy ngắn tình dài, muôn vàn trân trọng. »

Cuối thư lại kèm thêm hai bài thơ ngắn, đọc lên thì ra mỗi bài vịnh một thứ hoa. Thơ rằng:

Nhất phẩm — « Nhất phẩm đừng ao-ước;
                        « Nhà nghèo hoa phải hèn!
                        « Bạn vàng trong lúc ấy,
                        « Âu cũng tiếc cho duyên!

Tiểu hà — « Hoa cũng giống đa tình:
                  « Trêu người đượm vẻ xinh!
                  « Xin nhờ hương của nó
                  « Chữa hộ bệnh cho mình. »

Lòng riêng như cởi, lời đẹp hơn tiên! Đọc hết bức thư, thần hồn mê mẩn. Mộng-hà ốm nguyên vì cớ thương tâm, chàng tự biết song không tự chữa được. Lời thư của nàng, đã rõ bệnh căn, lại già lý sự, thực chẳng kém gì Khổng minh đem 16 chữ mà chữa bệnh Chu-lang. Thư một phong kê rõ thuốc thang, hoa hai chậu gửi lòng thương nhớ... Chàng ốm thật, nên nàng lấy tình thật chữa cho mà khỏi. Bệnh lạ, thuốc lạ, người lạ, chuyện lạ, cái sức mạnh của ái tình trêu ghẹo bọn thanh-niên nam nữ, lại cám dỗ được mau, xoay vần được chóng đến như thế sao? Lời khuyên của Thôi-ông tuy có vẻ thiết tha, song có lẽ là « chỉ biết có một dóng » thôi vậy.

Khói thuốc mịt mờ, hương lan thoang thoảng, Mộng-hà vừa mới ốm liệt giường, bấy giờ đã nhổm ngồi rậy, cười nói như thường, tinh thần như cũ, lúc ấy đương cắm đầu vào bàn viết... Viết gì vậy? Viết trả lời Lê-nương...

« Đã tặng hoa thơm, lại ban lời ngọc, lòng kia vâng biết, bệnh này khỏi ngay. Kính đáp vài chương, gọi tỏ chút tình cảm tạ.

I — « Đem tấm tình riêng ngỏ với hoa,
      « Lòng đây lòng đấy khác đâu mà.
      « Ở lâu cùng bạn, hương càng đượm,
      « Ngảnh lại trông xuân, sắc chửa già!
      « Mưa gió những e cơn cớ ấy,
      « Đá vàng này thực lứa đôi ta!
      « Ôm đàn thử lựa dăm ba tiếng.
      « Ngơ ngẩn nhìn nhau bóng xế tà!

II — « Biết mặt xuân ra đã muộn màng,
       « Mộng hồn mấy độ đến Tiêu-tương!
       « Không duyên chưa dễ mà gian díu,
       « Mất nhị còn e để dở dang!
       « Mặc sức trăm hoa đua sắc thắm,
       « Thề xin trọn kiếp giữ lòng vàng.
       « Buồng lan, án tuyết người đôi ngả,
       « Gạt lệ cùng chung một tấm thương. »

Phụ hai bài từ ngắn, vịnh tên hoa:

Nhất phẩm (điệu Tư-giai-khách)

« Chín chục thiều quang, nở phải mùa.
« Hương trời nên hiến đến nhà vua.
« Trăm hoa ví phỏng đem so sánh
« Nhất phẩm, ai mà chẳng kém thua!
« Mưa sa đượm, gió đưa lùa.
« Điểm trang đành mặc kẻ chen đua!
« Lòng này đã ngỏ cùng hoa biết,
« Cập đệ » buồn nghe chuyện nói đùa! »

Tiểu-hà (điệu Ức-la-nguyệt)

« Hoa tươi muốn nói.
« Sương đọng trông như dội,

« Chăm chỉ mầm tình khi sớm tối,
« E có hồn uyên len lỏi.
« Đưa hoa vâng biết tấm lòng,
« Tìm nhau trong mộng được không?
« Nghĩ phận tủi cho phận thế!
« Trông xuân thương đến xuân cùng! »


  1. Bồ-liễu tức là cây thủy-dương (Tự-điển Tầu). Cố-Duyệt-Chi làm quan đời Lương, vừa bằng tuổi với vua Giản-Văn. Vua thấy Cố già hơn mình, nhân hỏi, Cố nói: « Tùng, bách sang đông vẫn tốt, bồ-liễu chưa thu đã tàn » (Thế-thuyết). Trong chuyện Kim-Vân-Kiều có mấy chỗ dùng điển này, chỗ thì dùng là « liễu-bồ », chỗ thì vì ép vần dùng là « bồ-liễu » đều để ví vào Thúy-Kiều. Nhiều người thấy thế, sinh ra hai cái nhầm: 1) Cho bồ-liễu là hai giống; cỏ bồ và cây liễu. 2) Cho bồ liễu chỉ để ví riêng vào đàn bà. Kỳ thực thì phàm dùng chữ bồ-liễu đều là lấy ở điển trên. Mà theo như trên thì bồ liễu là ví một người yếu ớt, không cứ là đàn ông hay đàn bà (Cố-Duyệt-Chi là đàn ông), và bồ liễu không thể là hai thứ được, vì cỏ bồ là thứ xanh tốt quanh năm, không có thể chưa thu đã tàn được.