Bước tới nội dung

Dưới hoa/XIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dưới hoa của Từ Chẩm Á, do Nhượng Tống dịch
XIII. — Thuốc tâm
Vạn-Quyển Thư-Lâu

DƯỚI HOA
(NGỌC-LÊ-HỒN)

TỪ-CHẨM-Á

Soạn

NHƯỢNG-TỐNG

Phiên-dịch và phê-bình

CUỐN THỨ V



1929

IN TẠI NHÀ IN THỤY-KÝ
98, Phố hàng Gai
HANOI

IN LẦN THỨ NHẤT

Giá bán: 0$10
 

XIII — THUỐC TÂM

Ốm đến ngoài tuần, người về trong cửa, nỗi thương tạm gác, giường bệnh vội thăm, võ vàng mặt ngọc, còn đâu là vẻ hồng-nhan; mê mệt giấc xuân, riêng xót cho thân bạc mạnh. Lê-nương từ khi mắc bệnh, ngày ngồi đối với siêu thuốc, đêm làm bạn với ngọn đèn, gối chiếc sầu dài, giường không chăn lạnh. Trong nhà chỉ có Thu-nhi cùng Bằng-lang là kẻ chăm chỉ thuốc thang, ra vào thăm hỏi, song cũng lúc đi lúc ở, chứ không phải có ngồi bên suốt ngày. Phong quang lạnh lẽo, âm khí nặng nề, gối chiếc nằm trơ, khí vị thật chẳng khác chi miền dị lộ. Sân trước vắng tanh, song the lặng ngắt, bấy lâu đã không nghe thấy ai tiếng nói câu cười. Quân-Thiến về, Bằng-lang đã chạy vào thưa với nàng. Một lúc Quân-Thiến bước vào vén màn nhìn nàng, trông thấy mặt, bất giác giật mình toan khóc mà nói:

Chị ơi chị! Em đã về đây! Nàng vừa thở vừa đáp rằng: Chị mệt lắm, không ngồi dậy được. Em tha lỗi cho chị nhé! Quân-Thiến nước mắt vùng quanh mà rằng: Chị ơi chị! Mới trong một tháng trời mà sao bệnh đã đến thế? Trông thấy chị ruột em thật đứt ra từng khúc. Lê-nương thở dài mà nói: Tấm thân bạc mạnh sớm chả chắc chiều. Bồ liễu yếu thơ, gió sương vùi dập. Bóng chiếc tự thương, nào phải mặt nghiêng thành nghiêng nước; thân tàn quá ngán, thật là đời đa bệnh đa sầu, ôm gối lòng đau, soi gương mặt võ: số mình đành vậy; ông trời ở đâu, Em ơi em! Chị chắc chị cũng chẳng sống với em được bao lâu nữa. Nghĩ như chị còn có vui gì sống. Dữ kỳ giam lỏng thành sầu, sống mà đầy đọa; bất nhược về ngay trời hận, chết lại nhẹ nhàng. Nghĩ đến thế lúc nào là lòng chị lại im như nước, nguội như tro, suốt ngày chỉ nằm đấy để chờ cái chết. Chị chết, chị không tiếc gì cả, chỉ có em là chị không sao quên được đó thôi. Bấy lâu chỉ sợ chị chết mà em chưa kịp về, chị em thân thiết chẳng khác gì ruột thịt trong mấy năm nay, mà lúc chết không được nhìn nhau, thì chị dẫu chết cũng còn ân hận. Chị yếu lắm rồi, em về may quá; còn thằng cháu đấy, chị nhờ vào em. Ngày tư ngày tết, nếu còn nhớ đến tình nhau thì một lưng cơm tẻ, mấy đóa hoa tươi, đơm cúng nhau ở trong vùng cỏ áy bóng tà, thế là chị đã được chịu ơn nhiều lắm. Quân-Thiến nghe nói, không sao cầm được nước mắt, vội vàng gạt lệ mà đáp: Chị nói gở ra chi thế! Trời ơi! Trời ơi! Em cầu trời phù hộ cho chị, không để chị phải buồn không để chị phải khổ, ra ơn cho chị sống, bớt bệnh cho chị lành! Nói xong, ngồi vào bên giường, cúi đầu chắp tay, lầm rầm khấn vái. Một lúc bỗng mở mắt nhìn Lê-nương mà rằng: Bệnh chị khỏi rồi. Nàng thấy thế cũng phải bật cười mà rằng: Cô điên đấy à! làm cái kiểu gì thế! Đi vào trường học, học được lối phù-thủy của các bà đồng đấy hay sao? Quân-Thiến ở với nàng đã lâu, vẫn biết tâm tính nàng, nàng yếu lần này Quân-Thiến cho là vì uất ức chứ không rõ là vì tình làm hại. Từ hôm về, Quân-Thiến liền trông coi cho nàng, chăm chỉ suốt ngày, không mấy lúc rời bên cạnh. Thuốc thang bưng rót, để ý ân cần, chăn áo đổi thay, hết lòng nâng giấc. Ngày dài vô sự thì ngồi nói trời, nói bể với người đau không mấy khi ngơi miệng, phàm những sự mắt thấy tai nghe, hoặc truyện chơi bời, hoặc tình nhi-nữ, hoặc chép trong sách vở, hoặc xem ở báo chương, hễ trong có nhớ được cái gì là lôi cả ra để hiến cả Lê-nương, trong khi nói lại thêm lời bình-phẩm, pha dọng đùa cười, như khách đi xa khoe mẽ, phượng múa rồng bay, như người con hát ra trò, hoa thêu gấm dệt. Lê-Nương nghe chuyện quên cả mệt, không còn nhớ mình đương lúc yếu đau. Ngoài ra nào tình hình trường học, nào cảnh vật quê người, nào trò vui trong lúc chơi đùa, nào sự biết về đường học vấn, phàm những cái có thể làm cho khuây lòng nàng. Quân-Thiến đều tỷ-tê kể lể cho nghe. Có lúc lại cất tiếng hát những khúc chơi xuân, ngâm những bài vịnh hoa, dọng ngâm trong trẻo, tiếng hát du-dương, ngọc nhả châu phun. nàng nghe vào thấy khoan khoái nhẹ nhàng, khối sầu đã dần dần tiêu-tán. Ban ngày thì thế, ban đêm Quân-Thiến lại bế Bằng-lang cùng ngủ ở bên giường nàng. Quân-Thiến đã khéo chiều Bằng-lang, mà Bằng-lang cũng thích ngủ với cô, sán cô chẳng khác gì sán mẹ. Trong gian phòng bệnh hắc ám đó, từ khi Quân-Thiến về hình như đem bóng sáng soi vào, khí dương đầm ấm, mây sầu tiêu tan, chẳng khác gì một nơi bệnh viện tốt nhất thế-giới! Dẫu cho kẻ ốm đến liệt giường liệt chiếu, các thày lang ai cũng bó tay, mà được một người trông coi khéo biết chiều lòng thể ý như thế cho, thì ma bệnh cũng phải chạy xa, thần chết cũng không dám đến. Huống chi Lê-nương nguyên không phải là có ốm thật, chẳng qua mối nghĩ vấn vương, dạ phiền chồng chất, tơ tình nọ chết đi không được, khối sầu kia kết lại đã nhiều, vì thế mà sậm sột không yên mệt mê thành bệnh. May được Quân-Thiến khéo truyện khéo trò, làm cho nàng quên nỗi lo buồn sinh lòng vui vẻ, bệnh nặng mười phần đã bớt được tám chín, ăn uống cũng dần dần hơn trước nước da vàng bủng đã có vẻ săm sắn, chẳng bao lâu sẽ lại lành mạnh như thường. Coi đó đủ rõ việc Quân-Thiến về nhà thực rất có ích cho nàng. Tuy nhiên Quân-Thiến mà chữa khỏi được bệnh nàng lại không phải là ở đấy...

Quân-Thiến trông nom cho Lê-Nương không lúc nào là không nói chuyện để cho nàng đỡ buồn, song tâm sự nàng thì Quân-Thiến không sao mà biết được. Tuy hết sức khuyên lơn, song chẳng khác gì gãi ngứa ở ngoài giầy, tuy gãi đấy nhưng thực chưa vào chỗ ngứa. Một hôm Quân-Thiến bảo nàng rằng: Chị cấm cung ở nhà có biết thế-giới văn minh bây giờ việc kết hôn cũng qúy tự do không? Lê-Nương nói: Có. Nhưng chị chưa thấy có đám nào thế đấy. Quân-Thiến nói: Lối kết hôn cũ tin lời mối lái vâng mệnh mẹ cha, đôi bên giai gái đều không có quyền tự chủ. Lại còn nào là chạm mặt, nào là ăn hỏi, bao nhiêu những lễ nghi phiền phức, thường thường đến mãi khi tiệc ngọc khách tan, buồng then xuân khóa, mà chồng không biết tài mạo vợ, vợ không biết tính tình chồng, đôi lứa giở dang, suốt đời lầm lỡ, ông tơ trất trưởng, xưa nay đã làm hại biết bao nhiêu tài tử giai nhân. Ngày nay gió Âu mưa Mỹ, tràn sang khắp cõi Á-Đông, người trong tân học giới bây giờ ai cũng lấy việc tự do kết hôn làm một việc cần thiết nhất trong một đời; vàng thau kén chọn, đều theo ý riêng của đôi bên, mẹ cha không được cướp quyền, mối lái hết trò múa mép. Bởi thế nên khi đã lấy nhau thì dù sinh-tử biệt ly, đôi bên cũng được vui lòng hả dạ, không đến nỗi như ai phải tủi duyên hờn phận, oán vụng khóc thầm... Quân-Thiến nói đến đấy vội ngừng ngay lại, biết là mình đã nói lỡ lời. Tự nghĩ Lê-nương tuy không phải không hợp tính với chồng song đã trải đủ mọi mùi sinh tử, biệt ly, mình không nên đem những câu ấy để nhắc lại truyện thương tâm của người đương ốm. Nào biết đâu nàng nghe câu ấy, trong lòng bỗng sinh ra một mối cảm, mà mối cảm đó Quân-Thiến thực không ngờ đến... Trong óc nàng bấy giờ như bỗng rưng vớ được vật gì, không biết ở đâu ra, vui mừng khôn xiết; lại như bỗng rưng bỏ lẫn vật gì, không biết đi đâu mất, bạo bực lạ thường. Chỉ trong mấy giây đồng hồ mà chợt vui chợt tủi, nửa mừng nửa lo. Rút lại bên đắc ý đánh đổ được bên thất ý, bụng dạ khoan khoái, mặt mày nở nang, nhẹ mình như cất gánh đầy đổ đi; một câu chuyện của Quân-Thiến, đã thành ra một thang thuốc hồi sinh khởi tử cho nàng, việc thiên hạ còn gì lạ hơn thế nữa! Chao ôi! mừng thay là kẻ qua cầu, đôi vai đã trút gánh sầu nhẹ thênh! Dủi thay là kẻ ngoài vành, bỗng không mang lấy nợ tình cho ai!...

Nỗi buồn để dạ, lời ngọt vào tai, ruột nát trăm vòng, bụng sinh một kế... Cái kế của Lê-nương nghĩ ra sau khi nghe lời Quân-Thiến đó tức là kế lấy cành tiếp cây, đem đào thay mận, mượn thân Quân-Thiến để đối phó với Mộng-hà... Kể như tài-mạo, học-vấn, chí-khí của Quân-Thiến, sánh với Mộng-hà thực là phải lứa vừa đôi. Ta yêu Quân-Thiến cũng chẳng khác gì yêu Mộng-hà, xe cho họ lấy nhau, cũng là một việc hay lắm. Mộng-Hà được Quân-Thiến, đã đủ đền bù, Quân-Thiến được Mộng-hà, cũng là xứng đáng, mà ta ở giữa thì được thoát thân nhẹ nợ, đem tình máu mủ, thay lời nước non, còn kế gì tiện lợi cho bằng. Nàng nghĩ thế rồi thì bệnh đâu nhẹ bỗng, lòng những mừng thầm, nét mặt bỗng ra ý vui mừng hớn hở. Quân-Thiếu ngồi bên, đương sợ câu nói trước làm cho nàng động mối thương tâm, chú mắt nhìn xem vẻ mặt nàng, thấy nàng mủm mỉm ngậm cười, như có điều chi thích ý, thì ngạc nhiên không biết nàng nghĩ ngợi làm sao, cảm xúc thế nào, mà vẻ mặt lại đương buồn hóa tươi. Nàng ngẫm nghĩ một lát, lòng tuy biết vậy song miệng khó nói ra, Quân thiếu cũng lẳng lặng ngồi im, bốn mắt nhìn nhau, không nói một câu gì hết. Nàng nhìn Quân-Thiến một lúc thì vẻ mặt bỗng sa sầm, trong ý mình như lại thất vọng: Vì nàng sực nghĩ đến Quân-Thiến vốn tính kiêu-kỳ khó được lấy người vừa ý: đối với Mộng-hà không hề có truyện trò quen biết, thế mà trong óc tại đương lấy tự do làm thích, ra ngoài học trong một năm trời, bạn hữu chắc là nhiều lắm, nào chắc đâu cặp mắt xanh còn chưa có kẻ lọt vào!... Nay ta đem lòng ép uổng, can thiệp đến quyền tự do, tất nhiên nó chẳng chịu nghe nào, như thế thì có van cũng đến uổng công, mà có nói cũng bằng mỏi miệng. Đến như về bên Mộng-hà thì cũng khó nghĩ lắm. Đọc lại tiên thề, đủ rõ chàng đau đớn muôn phần, sắt son một dạ, đã cưỡi lưng hùm, khôn tìm lối xuống, khuyên lơ trăm cách, chung qui cũng chẳng ăn thua. Lòng bền như đá, hận nặng bằng non, tình chàng đã chuyên mà ý chàng cũng đã quyết rồi. Nay ta bỗng rưng ép chàng cầu hôn với Quân-Thiến thì tất chàng lại chối rằng: một lời đã nói, suốt đời không quên, ăn năn thì sự đã rồi, đôi bên đã biết lòng nhau, bất tất đem những câu đó làm rầy nhau nữa. Như thế thì ta còn biết nói ra làm sao. Cứ đó mà suy, việc ấy thực bề nào thì cũng chưa yên bề nào, chả đợi nói ra cũng đã biết là tất rồi quyết liệt. Nàng nghĩ đến đấy thì lại cuối mắt sầu tuôn, đầu mày hận nén, bao nhiêu hy vọng, đi đời nhà ma! Kế đó nàng lại nghĩ rằng: Đá mòn sông cạn, chỉ còn tối đó là tối thục-thân. « Mưu tính ở người mà thành bại ở trời », ta cứ việc làm cho hết sức hết lòng, may mà được thì ba người cũng được yên thân, chẳng may mà hỏng, thì Mộng-Hà thôi đành không vợ. Quân-Thiếu có lo gì chồng, mà riêng ta, ta cũng được cam lòng đôi chút.

Quán khách ai buồn, buồng thu mình ốm; ấm chè siêu thuốc, những là ngại gió kinh sương, chiếu lạnh giường đơn, ai kẻ quạt sầu rấp thảm. Mộng-hà từ hôm nhà trường nghỉ hè, sớm tối mong về, chỉ vì Lê-Nương ốm, mà chàng phải ở lại, thấm thoắt lại đến hơn tuần lễ. Quê cũ tìm đâu trong mộng, trời bể mênh mang; tin sương dò hỏi khi buồn, tăm hơi vắng ngắt. Ngày vắng bơ vơ, nhìn rêu cửa lại như khêu mối nghĩ; canh chầy thơ thẩn, mong hoa đèn nào thấy báo tin hay, lòng rối hơn tơ, ruột đau như thắt, Lý-hậu-chúa có câu: ban sớm chiều hôm thường đem nước mắt rửa mặt: chính là hợp với tình cảnh chàng trong lúc bấy giờ. Nguyên từ khi Lê-Nương bị đau, mình gầy ra chẳng khỏi buồng, tay yếu cầm không nổi bút, thơ lá thắm cạn lời ngâm vịnh, cánh chim xanh dứt lối đi về. Mộng-hà sau khi viết thư thăm lúc mới đau, không hôm nào không hỏi Bằng-lang về bệnh tình nàng. Thế nhưng con trẻ thơ ngây nói thường lúng túng, bệnh nặng nhẹ knông sao biết chắc được. Những muốn được nhìn tận mặt, song then cài cửa đóng, có cánh khôn bay; rở lại tờ hoa, lệ trên giấy vẫn còn hoen tối nhìn vào ảnh ngọc, người trong gương như cũng võ vàng. Hai bữa cơm thường, nuốt vào chối cổ, năm canh người vắng, nằm xuống giật mình. Tóc Phan-an sầu bạc nửa đầu, lưng Thẩm-ước gầy còn một chét.,. Tấm lòng chàng trong mấy ngày hôm ấy thực đã như bào như xé vì ai... Chàng biết bệnh nàng quyết không thể trong mấy hôm mà khỏi ngay được. Hoặc giả nhân một trận ốm ấy mà rồi đến hương tàn ngọc nát, cũng là nhẽ tự nhiên, song không có cách gì để cứu chữa cho nàng thì cũng đành lẽ ngồi đấy mà than giài thở ngắn, còn biết làm thế nào được nữa, sau nghe tin Quân-Thiến đã về nàng được một người trông nom thân thiết thì bất giác trong bụng mừng thầm. Chàng tự nghĩ bệnh nàng chỉ là quá lo quá nghĩ gây nên, nay được người chăm chút, được người khuyên lơn, gỡ được mối cảm thương, phá được niềm uất ức, thì hoặc giả nhân đó mà bệnh tình được đỡ mặt ngọc lại tươi, thì chẳng những là may cho nàng mà may cho cả ta nữa. Chàng đối với Quân-Thiến tuy không có chi đáng gọi là tình cảm, song lúc ấy thì không sao khỏi đem lòng mong mỏi Quân-Thiến đem bụng giúp vì Nếu bệnh nàng mà khỏi, thì Quân-Thiến đối với nàng thực là ơn nặng tái sinh mà mình gián tiếp cũng được cảm tấm lòng nhiều lắm, May sao ông trời còn thương, cầu được ước thấy, Quân Thiến về chưa mấy hôm thì nàng đã lìa xạ đất chết mà chàng cũng ra khỏi thành sầu, Quân-Thiến cùng Mộng-hà, trong chỗ vô hình đã gây được một mối tình ân ái, việc kỳ chuyện lạ, trong trường tình xưa nay âu cũng là có một không hai.