Dưới hoa/XII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dưới hoa của Từ Chẩm Á, do Nhượng Tống dịch
XII. — Tình địch

XII — TÌNH ĐỊCH

Tơ kia không dứt, thuốc nọ khôn dằn, Lê-nương nằm liệt đến mấy tuần, mà bệnh vẫn không thấy bớt, Suốt ngày mê man như ma làm, không buồn nói cũng không buồn ăn, không ra thức cũng không ra ngủ. Chẳng bao lâu mà cái nhan sắc hoa ghen trăng thẹn, đã hoa gầy trăng ám, trông không còn ra hồn người. Một khung giường gấm, đã hóa ra muôn lớp thành sầu; góc chăn bên gối, vệt lệ ướt đầm, chẳng qua lại chỉ một mình nàng trông thấy. Mình gầy rơi xương, lòng đau hơn xé, vóc mai mòn rũ, kiếp hồng nhan đã đến ngày gần đất xa trời. Hại thay mang lấy sắc tài. Đoạn trường lại chọn mặt người vô duyên.

Chao ôi! Ta viết đến đây, ta lo cho Lê-nương mà ta không sao tha thứ cho Mộng-hà được nữa. Nhẫn tâm thay Mộng-hà! Đã đem một phong thư làm cho nàng ốm, lại đem một phong thư làm cho nàng ốm thêm, hình như cố ý làm cho nàng phải sống đọa thác đầy, bụng dạ như thế, còn ra giống người gì nữa. Than ôi! Xương khô ngoài nội, kẻ từ-tâm trông thấy động lòng, tiếng khóc bên đường, khách lữ thứ nghe vào biến sắc. Chàng cùng nàng, tấm tình ăn ở với nhau vào hạng nào trong xã-hội, mà nỡ nhắc đến những nhời vô vị, để dục cho hết kiếp phù-sinh; nào ai là bạn hữu tình, dễ ai im tiếng bất-bình cho ai?

Tuy nhiên, chàng có phải không biết nàng ốm là vì cớ gì đâu; lại có phải không biết bệnh nàng nên dùng thuốc gì đâu. Một lời trót nói, hối cũng bằng thừa, muốn cho một thang thuốc phải-môn, thì khỏi được cái ốm nhất thời, song bỏ mất mối tình ngày trước, Mộng-hà đâu có chịu làm. Ý chàng thì hình như cho rằng: Lê-nương ốm, ừ thì ta cũng ốm; Lê-nương chết, ừ thì ta cũng chết; sống chết là việc nhỏ, duy có lời thề kia đã ghi lòng tạc dạ thì trời dài đất rộng nên giữ gìn đừng để tiêu tan. Lúc viết thư hỏi thăm, cũng đã biết nàng xem vào bệnh tất nặng thêm; đem người yếm thế, nói chuyện thương tâm, cũng là cực chẳng đã, nín chẳng đành mà phải viết. Chao ôi! Lê-nương đã đành là ốm, còn Mộng-hà tuy không ốm, song cũng không ngày nào là không đem nước mắt rửa mặt, mê man trong bể thảm thành sầu; ngày dài sáu khắc, gan ruột rối nhầu; đêm vắng năm canh, mộng hồn vơ vẩn. Từ khi nghe tin nàng mệt không biết đã vì nàng mà tốn kém bao nhiêu nước mắt, võ vàng bao nả dong nhan, Đôi nơi vắng mặt mà thực thì bốn mắt đều khan giá phỏng cho hai người được giáp mặt nhau, thì tất đến nhìn nhau mà nức nở không sao thành tiếng. Người đa bệnh, kẻ đa sầu; hỏi ai gan nát ruột dầu hơn ai?

Tiền sen nở biếc. lửa lựu pha hồng. Cảnh ấy là cảnh gì? Có phải là cảnh về vụ nghỉ-hè ở các trường đó không? Mộng-hà xa nhà mấy tháng, lòng quê thường gửi mây Hàng, vẫn mong cho chóng đến nghỉ hè, để được ra khỏi thành sầu, về đất cũ; trước là để mẹ già khỏi phải bận lòng mong mỏi, sau nữa được cùng Kiếm thanh mặt mừng tay bắt, vui thú đoàn viên. Nay nghỉ hè đã đến, mà bệnh Lê-nương mười phần vẫn chưa bớt mảy may, dẫu nóng ruột muốn về, song đành cũng phải ở chậm lại trong vài ba bữa. Ngày thường chàng đã không bỏ được nàng, thì trong lúc ốm đau, chàng sao có bỏ được nàng mà dứt áo ra đi cho được. Thế nhưng bệnh của nàng, hồ dễ đã bỗng rưng mà khỏi, nàng còn chưa khỏi một ngày, tức là chàng còn chưa về được một ngày. Luôn mấy hôm, tấm lòng thương nàng cùng tấm lòng nhớ mẹ, nhớ anh cứ giằng xé nhau ở trong tâm, sầu một mối chia năm bẩy mối. Dễ ai dạ đá gan vàng, chịu sao nổi cảnh đoạn tràng như ai? Chao ôi! Mộng-hà không khéo cũng sắp mang bệnh vào thân rồi đó.

Giữ nhau không bỏ, thiệt cả đôi bề, ta đã ái ngại cho nàng mà ta lại ái-ngại cho chàng nữa. Nào ngờ bệnh nàng bấy giờ với bệnh chàng ngày xưa, đã cùng một căn nguyên, lại cùng một trạng-thái. Chỉ trong mấy hôm mà nàng đã khỏi hẳn ốm, mà chàng đã sắp sửa về, cơn dông tố nọ, trận sóng gió kia, trong chớp mắt mà đã khói tỏa mây tan, không còn chi là giấu vết. « Trời kia mây gió bất kỳ, người ta họa phúc cứ gì sớm hôm », câu ấy của cổ nhân, thật là phải lắm. Sở dĩ thế là vì trong khi, các trường nghỉ học đó. ngoài Bằng-lang cùng con Thu ra, Lê-nương lại được thêm một người trông nom cho nữa. Nàng được người ấy. nhân nghĩ được cách đối phó với chàng, tâm sự đã yên, bệnh vì thế khỏi. Người trông nom ấy là ai? Chính là một tay cứu-tinh của nàng, mà thực là một tay thù-địch của chàng...

Kẻ chép chuyện hãy tạm gác bút, xin có một lời thưa trước với độc giả đây anh em chị em đã biết Mộng-hà cùng Lê-nương là chủ nhân trong chuyện này, song chưa biết ngoài ra còn có một người chủ mà khách, khách mà chủ nữa. Người ấy chưa ra thì chuyện này là một cuốn tình thư, người ấy ra rồi thì chuyện này là một thiên hận-sử, sự tích có lạ, kết quả không hay. Người ấy là ai? Tức là cô Quân-Thiến, con gái út nhà họ Thôi đó.

Các bạn độc giả còn nhớ đoạn « Chôn Hoa » trên chương thứ nhất chuyện này không? Hoa của Mộng-hà chôn là đám hoa Lê đã tàn, song trong sân lại còn có gốc Tân-di đương nở nữa. Hoa-lê là hình ảnh Lê-nương, thì gốc Tân-di khoe thắm đua tươi, tô hồng chuốt lục nọ lại là hình ảnh ai? Câu hỏi đó chắc anh em chị em bấy lâu vẫn ghi để trong lòng. Xinh thay hoa Tân-di! Vị mỹ-nhân kia, thực khéo giống hoa như hệt! Thế nhưng có người ấy đến mà mối tình của Mộng-hà cùng Lê-nương lại càng buộc nhau vào cảnh khổ. Bởi vì thế mà kẻ chép chuyện này, dùng dằng chưa nỡ hạ bút ngay.

Kẻ chép chuyện lại còn một điều nghi-hoặc nữa, xin vì anh em chị em giải quyết cho xong. Mộng-hà ở nhà họ Thôi trong ngót ba tháng, có biết người nhà họ Thôi, ngoài Lê-nương, Bằng-lang, còn có Quân-Thiến nữa không? Ta nên xem lại chương thứ hai, bài thơ của Mộng-hà vịnh Tân-di, cuối có câu: « Đề thơ không phải tay tài-tử, để thẹn cùng hoa biết mấy mươi », câu ấy không phải là mượn bút viết chơi, ngoài ra không có ý gì khác. Thế nhưng Quân-Thiến học ở trường Nga-Hồ nữ, học mỗi tháng về thăm nhà một lượt, chàng được giáp mặt hoa đào chẳng qua có một lần khi mới đến mà thôi. Nay xin thuật qua cái tiểu-sử của Quân-Thiến. Thôi-ông sinh được hai con: trưởng là chồng Lê-nương, thứ tức là Quân-Thiến. Nàng bồ côi mẹ từ năm mười tuổi, một thân côi cút, coi Lê-nương như chị ruột mà Lê nương cũng coi nàng như cùng chung bát máu sẻ đôi. Bấy giờ Lê-nương mới mười tám, con nhà dòng dõi, vốn có theo đòi bút nghiên. Còn nàng thì thông minh vốn sẵn tư trời, nhân thế Lê-nương vẫn dậy cho nàng học. Trong chỗ buồng the, quần áo mặc chung, sách đèn có bạn; tấm tình thân mật, dù cho chị em ruột thịt cũng chưa dễ đã bằng. Nào ngờ chưa được bao lâu mà Lê-nương đã uyên chia thúy rẽ, ngậm tủi suốt đời. Còn nàng thì chỉ có một anh, nửa đường chia tay, nỗi đau đớn cũng chẳng kém chi Lê-nương Cảnh nhà cô khổ, thân thế long đong, số bạc mạnh em có hơn gì chị. Nỗi gần nào biết đường xa. Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa. Hai người vì nhau mà sống, có nhau mới vui, đã có cái thế dời nhau không được. Ngày thường dù có chị em láng giềng, bà con họ ngoại, mến cái thông-minh. cái nhan sắc của hai người, thường dắt díu đến chơi, trò truyện ra chiều thân thiết lắm; song hai người đều tiếp đãi ra chiều lãnh-đạm miễn qua loa xong chuyện thì thôi. Thế mà họ vẫn cứ quấy rầy, hoặc mời chơi hội Đạp-Thanh, hoặc rủ bầy trò « chọi cỏ » Hai người thấy thế càng chán, đều từ tạ không nhận lời. Thường bảo nhau rằng: Chúng nó toàn là phường tục tử, mặt béo đẫy, óc đen xì, phấn điểm son tô, lắm trò khả ố, trông thấy mặt mà ghê mà tởm, ai có thừa thì giờ mà chơi bời với chúng làm chi. Chao ôi! Tục-ngữ có câu: « Ngu si hưởng thái bình », họ tục thì tục thật nhưng số tốt duyên may, một đời được hưởng cái gia đình hạnh phúc. Còn những kẻ không tục kia, sắc nước hương trời một đời được mấy thì chẳng vào tay thằng nhắng giầy vò, tất phải số ông trời ghen ghét. phụ phàng hết kiếp, sầu tủi quanh năm, bạc mạnh nghìn thu, đã thành lệ sẵn. « Thế gian còn lắm người si, thương tâm nào phải riêng gì Tiểu Thanh » Chao ôi! lời Tiểu-Thanh nghiệm lắm rồi! Kìa như Quân-Thiến với Lê-nương, ai bảo không phải cùng Tiểu-Thanh cũng người một hội? Quân-Thiến càng lớn lên càng đẹp. Chiều thanh vẻ lịch, dứt mực hồng quần, mà đầu mày cuối mắt thường tỏ ra vẻ kiêu kỳ, trông mặt đủ khiến người không dám đến gần, thật là đã đẹp như hoa, lại nghiêm như sắt.. Mùa thu năm Mậu-Thân, vào học trường nữ-học Nga-hồ được giao du cùng các bạn hiền bốn phương, học hành tấn tới, tầm mắt mở mang; ngày thường bị giam cầm ở trong buồng kín, chịu bao nhiêu nỗi bất bình. đến bấy giờ cũng được đôi phần hỷ-hả. Khi về thường nói với người nhà rằng: Cái nữ giới hắc ám mịt mờ, bây giờ mới thấy được một đôi tia sáng. Thế mà trông quanh các chị em đồng bào vẫn còn chôn chặt vùi sâu trong vòng địa ngục, chưa biết tỉnh ngộ ra chút nào. Tôi không tiếc gì hết, chỉ tiếc thay cho chị Lê thôi. Lấy cái thiên tài nhanh nhẹn, cái tư chất thông minh của chị Lê, nếu cho theo đòi tân-học, cùng các chị em thanh niên cùng đua tài đấu sức trong khoa-học giới ngày nay, thì tất là xô đẩy được muôn người, phất riêng một lá cờ trong nữ giới. Tiếc thay sinh chẳng gặp thì, tài làm hại số. Lầm-lỡ xuân xanh dễ lấy lại tấm thân trong sạch; mịt mờ ngục tối. đã mất không cỗi phúc tự do; ngày sau còn chửa biết đâu, gương trước đã bầy ra thế. Chị Lê ơi chị Lê! Sao anh mất sớm mà chị sinh cũng sớm thế ru mà!

Từ khi Quân-Thiến sang học Nga-hồ, Lê-nương mất một người bạn hiền, lòng lại càng buồn bực. dẫu gặp ngày lành cảnh đẹp, cũng thường uất ức không vui. Trông người bay nhẩy, xót mình bơ vơ, càng nghĩ càng phiền, kể sao cho xiết. Cũng may mỗi tháng, Quân-Thiến tất về một lần, mỗi lần về tất ở nhà ba, bốn hôm, góp nỗi biệt ly đầy tháng, cùng nhau trò truyện mấy đêm, kéo lại thế cũng là vừa-vặn. Quân-Thiến lại khéo nói phat-rò, làm cho Lê-nương nín cười không được. Hai người thường không ngủ suốt đêm, trùm chăn đợi sáng. Sau khi cách biệt thì đôi bên lại mượn bút thay lời. Trong một tuần, tất có mấy bức thư đi về. Tin cá năng đưa, làm vất vả cả người phu trạm. Lê-nương nửa đời dở dang, đối với đời đã như người ngoài cuộc. Ngoài Quân-Thiến ra, không còn ai là người thân thiết thứ hai. Nào ngờ nợ oan chưa dứt, duyên nghiệt còn nhiều, bể-hận mông-mênh, trường tình biến-huyễn, trong lòng Lê-nương, bỗng in thêm một cái hình ảnh nữa... Nàng dẫu đã đem lòng yêu Mộng-hà, song đối với Quân-thiến thì vẫn buồn bã lúc chia tay ngậm ngùi khi vắng mặt, thư từ đi lại, vẫn không hề ra vẻ thờ-ơ. Khi Mộng-hà mới đến thì Quân-Thiến vừa xin phép về chơi. Chàng ngồi trong cửa nhìn ra, dẫu mê về đẹp, song thấy trong vẻ đẹp lại có vẻ nghiêm, khiến người không dám nhìn thẳng. Sau khi thấy mặt, như đám mây bay thoảng lưng trời, trong óc chàng không còn in có hình ảnh nàng để lại. Đến như nàng đối với chàng thì lại ra ý hững hờ lắm. Nàng thường ở trường nhiều mà ở nhà ít, tuy biết trong nhà có chàng, song mặt mũi thế nào, phẩm hạnh ra sao, mà cả đến họ tên là gì, quê quán ở đâu, nàng cũng không rõ nữa. Tính nàng vốn lãnh đạm, không có tẹp nhẹp như các cô con-gái-bé khác, bấy giờ đương chuyên tâm về việc học, ngoài việc học ra, không để lòng đến việc gì khác, không phải là nhạc ý bỏ qua, mà chính là vì không rỗi thì giờ. Ngay lúc về đến nhà, trừ khi nói chuyện với Lê-nương, còn thì suốt ngày cứ cặm cụi bên bàn-viết như ông đồ-già; hoặc học ôn bài cũ, hoặc xem thêm sách mới, việc trong nhà nhất thiết không trông nom gì đến. Vì vậy mà việc Mộng-hà giao thiệp với Lê-nương, nàng không biết mảy may nào hết, mà Lê-nương cũng hết sức giữ kín. tuy đối với nàng thân chẳng khác gì em ruột, mà việc trong lòng vẫn không dám rỉ răng...

Vào cửa mỉm cười, nhìn nhau ngậm tủi, Quẹt trước cửa tiếng kêu hờ hững, Yểng dưới song dọng hót buồn tanh. Quân-Thiến bấy lâu cách mặt Lê-nương, vẫn nặng lòng mong nhớ. Trong hai tuần lễ vừa qua lại là vụ phải học cố để đi thi, không có thì giờ rỗi viết thư thăm hỏi, Xong kỳ thi, nàng liền thuê thuyền về quê. Tự nghĩ khi về đến nơi sẽ được cùng Lê-nương họp mặt truyện trò, cầm tay than thở, dưới đèn đôi bóng, cười nói tỷ tê, Ngày hè chậm tối, cảnh gia-đình còn lắm trò hay, có thể lấy lại cái vui xum họp những ngày, bù lại cái khổ biệt ly mấy tháng. Thuyền chạy như bay, quê cũ gần kề trước mắt. Hoa nội nhởn nhơ, cỏ xanh mơn mởn, lúc ra đi coi là thứ cưu sầu rước giận, đến nay trong lòng khoan khoái, trông cái gì cũng thấy vui mắt cả. Thế mà ta nhớ chị Lê thế nào chắc chị Lê cũng nhớ ta như thế. Hôm nay thấy ta về, không biết rằng mừng rỡ đến đâu.

Bốn bề khói bốc, mấy tiếng chèo đưa, một con thuyền giáp bến, một cô con gái nhẹ bước lên bờ, áo lụa giầy da, tay cắp mấy cuốn sách, trông lanh lẹn như chiếc én liệng bay trước gió. Một tên lái đò quẩy gói đi theo; trông biết ngay là một cô nữ-học-sinh mới ở trường về. Cô nữ-học-sinh đó tức là Quân-Thiến. Nàng lên bến rồi, liền rảo bước chạy về nhà, tiếng giầy lộp cộp, nét mặt vội vàng, mất hẳn vẻ nhu mỳ yểu điệu ngày thường, sở dĩ thế là vì lòng về như lửa, dạ nhớ như mây, bất giác thành ra tất tả bàng hoàng mà nàng cũng không tự biết. Chẳng bao lâu đã vào đến cửa, vào đến cửa mà không nghe thấy tiếng nói đôi hồi; lại chẳng bao lâu đã vào đến sân, vào đến sân mà không nhìn thấy bóng người đi lại. Lạ thay! Đi xa mới ba tháng trời, mà sao cửa vắng nhà thanh đến thế! Hay là ta mê ngủ? Ngoài cửa ta trông, cái gì cũng thấy vui mắt, mà sao trong cửa ta trông cái gì cũng thấy giật mình. Mười phần mừng rỡ hóa ra trăm nỗi hồ-nghi, mối cảm não người, đổi dời rất chóng. Nàng lúc ấy như dại như ngây, đứng ngẩn người ra một lúc, rồi đó đi quanh hành-lang, không muốn vào ngay trong nhà. Một lúc bên trong mới có người chạy ra, trông thấy nàng liền reo lên rằng: A! Cô đã về! Để con vào thưa với cụ! Nàng nhận ra là Thu-Nhi liền bước chân vào thì Bằng-lang đã chạy ra đón. Nó kéo vạt áo nàng mà nói: Cô đã về. Có mua làm quà cho cháu cái gì không? Nàng mỉm cười mà rằng: Có! Có! Vừa nói vừa bế đứa trẻ vào lòng, rồi xoa đầu mà hỏi; Chứ mợ con đâu? Nét mặt Bằng-lang bỗng tiu nghỉu mà rằng: Mợ con mệt đã lâu. May có cô về, làm bạn với mợ con, chắc là bệnh cũng chóng khỏi. Nàng nghe nói giật mình, vội bỏ Bằng-lang xuống vào hầu Thôi-ông rồi rảo bước sang buồng Lê-nương.