Bước tới nội dung

Gương sử Nam/Thiên thứ nhất/Tiết thứ hai

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

TIẾT THỨ HAI


Nói về nước Lang-sa cai trị nước ta.

Từ khi nước Lang-sa nhận việc bảo-hộ nước ta, lúc ấy còn là phải dùng binh để dẹp loạn, nên chi lấy quan võ mà kiêm chức Toàn-quyền. Từ năm 1884, mới đặt quan văn làm Toàn-quyền đại-thần, từ ông Paul Bert là đầu. Lúc ấy nước ta vua Hàm-nghi mới bỏ chạy, vua Đồng-khánh mới dựng lên, trong nước còn là nhiều giặc cướp. May mà gặp được ông Paul Bert là người khôn ngoan thông thái, có danh tiếng trong nước Lang-sa. Khi đã đến nước ta, thì giao giả lại kinh thành cho ta, mà đặt ông Nguyễn-hữu-Độ ra làm Kinh-lược Bắc-kỳ. Nghĩa là để quyền cho quan ta mà cai trị lấy dân ta, lại lập hội-đồng ở Bắc-kỳ, cũng là muốn mở trí dân ta lấy sự khai hóa. Ông ấy còn đương tính toán làm cho ta nhiều sự ích lợi, chẳng may mất ở Hà-nội, người nước ta cũng lấy làm tiếc.

Năm 1889, là đời vua Thành-thái năm thứ 3, lại có ông de Lanessan sang làm Toàn-quyền. Ông này cũng là một người thông thái. Buổi ấy trong nước ta giặc cướp còn là chưa yên. May mà nhờ ông ấy lấy lòng tin cậy nước ta, như là đặt ra lính cơ giao cho các tỉnh, mà được phép dùng súng ống. Từ đó việc giặc cướp một ngày một yên. Mới bắt đầu sửa sang đường xá, để mà làm đường xe lửa là những việc có ích lợi.

Xem ra trong đời ông ấy, cũng có đặt ra thuế tín-chỉ, đặt ra thuế rượu, nhưng mà kẻ mua kẻ bán, đều được thung dung. Trước cũng là lợi cho nước, sau cũng tiện cho dân vậy.

Năm 1892, là năm vua Thành-thái thứ 7, ông Rousseau sang làm Toàn-quyền đại-thần. Ông này là người lão-thần, tính khí khoan hòa, không muốn sinh sự nhiễu dân, nước ta cũng được nhờ ơn ông ấy. Lúc ấy lại vay tiền nước Lang-sa 80 triệu làm đường xe lửa, cũng là có ý mở mang, chẳng may ông ấy mất ở Hà-nội.

Năm 1897, là năm vua Thành-thái thứ 11, ông Doumer làm Toàn-quyền đại-thần.

Lúc ấy Bắc-kỳ đã yên rồi, nên chi mới bãi nha Kinh-lược.

Nhưng dẫu thế mặc lòng, cũng là còn thuộc về trong sự bảo-hộ.

Lại vay tiền nước Lang-sa 200 triệu để làm đường xe lửa trong xứ An-nam và xứ Bắc-kỳ, lại cho tiếp từ Bắc-kỳ cho đến Vân-nam; mới đặt sổ chi tiêu chung ở Đông-dương, mà tòa thương-chính, tòa lục-lộ, tòa canh-nông, tòa giây-thép, đều đặt ra có quan làm đầu.

Làm nhiều công việc như thế, dẫu rằng không muốn gia thuế cũng không được.

Nên chi từ đó thuế đinh thuế điền, ngày thêm da vào, mà thuế muối thuế rượu cũng cho người ta lĩnh trưng, để cho thêm được nhiều thuế.

Nhưng cũng may, vì trong đời ông ấy, giặc cướp mới yên, mùa màng lại được, cho nên làm việc gì cũng là xong vậy.

Năm 1902, là năm vua Thành-thái thứ 16, ông Beau làm Toàn-quyền đại-thần.

Ông này là nối sau ông Doumer, chỉ phải giữ sự thường, không dám làm việc gì quá ra nữa.

Nhưng mà có hai việc rất là quan trọng: một điều là việc lập học, vì chưng nước ta theo việc thi cử đã lâu, xem ra nhiều điều vô ích, thời ai nấy cũng ưng thay đổi, nên ông ấy nương ý người nước ta đã muốn mà định ra việc lập học, mà phần nhiều giậy cho ta lấy chữ tây, như là lập trường cao-đẳng ở tại Hà-nội; một việc là đặt hội-đồng. Sự này là ông Paul Bert đã bày ra trước, mà ông Beau cũng theo dõi mà làm, nghĩa là cho dân cử lấy người để giúp nhà-nước, mà bàn việc cai-trị, hai điều ấy đều là ích lợi cho ta vậy.

Năm 1908, là năm vua Duy-tân thứ 2, ông Klobukowski sang làm Toàn-quyền. Ông này cũng là một người tử tế, theo ý của ông Paul Bert trước mà làm, biết là dân ta thuế má đã nặng rồi, nên cũng đương còn tìm kế cách mà dảm bớt đi. Xem như cái tờ hiểu dụ khi ông ấy mới đến, thời biết rằng ông ấy có lòng thương người nước ta, mà mấy lâu nay, nhà-nước còn đương phải lo đánh giặc Đề-Thám, bởi vì giặc cướp chưa yên, thì chưa có thế nào mà sửa sang đến việc khai hóa vậy.

Xét ra từ thủa nước Lang-sa đến nước ta, làm ra nhiều sự ích lợi, như là đất Sài-gòn, đất Tourane, đất Hải-phòng, hoặc là một đất bùn lầy, hoặc là một đám đất cát, mà mở mang nên ba thành phố lớn để cho các nước tầu bè đi lại buôn bán, công việc như thế, thực cũng lớn lao. Nước ta thủa trước đường xá chưa có giao thông, đi đường bộ thì chỉ có đường quan-báo, đi đường thủy thì chỉ dùng thuyền ván. Mà bây giờ nhờ nhà-nước Lang-sa sửa sang đường xá, nào là tầu chạy ngoài bể, nào là tầu chạy trong sông, nào là xe chạy bằng hơi, nào là xe chạy bằng điện, đường thủy đường bộ, đâu đâu cũng là thông đồng. Thủa trước nước ta thì trẻ con hay chết vì chứng đậu, dân sự đau ốm thì không có nhà-thương để mà nuôi nứng. từ khi nhờ nhà-nước bảo-hộ, sai quan đi khắp các tỉnh, để mà chưởng đậu cho những trẻ con, thì bây giờ trẻ con không phải chết vì chứng đậu nữa, và như ở Hà-nội cùng các tỉnh lớn đều có nhà-thương, thời những kẻ nghèo ngặt mà phải ốm đau cũng được nhờ ơn nhà-nước mà nuôi nấng cho. Nhà-nước lại lập ra trường Thái-y-viện, dậy cho người An-nam học thuốc, thì chắc rằng từ giầy về sau, có người An-nam mà chữa lấy cho nhau, thì sự tật bệnh cũng bớt hơn khi trước, và sự sinh-sản càng ngày càng thêm ra nhiều.

Nước ta thủa trước sản vật chưa được phát đạt, từ khi nhờ nhà-nước Lang-sa, mở mang buôn bán, thì các sản vật của ta bán ra ngoại-quốc, thứ nhất là phần thóc gạo, như là xứ Nam-kỳ bán ra ngoại-quốc, mỗi một năm được 732.000 tấn, Bắc-kỳ được 114.000 tấn, sản nghiệp của ta càng ngày càng mở thêm ra, những điều ích lợi như thế, tưởng là ai ai cũng đã biết rồi, không cần gì mà phải kể ra nữa.

Tuy thế, xưa nay trong việc nhà-nước cai-trị, không có thể nào mà bằng lòng cho khắp mọi người, nên chi người nước ta cũng có lấy ba điều mà phàn nàn trong việc cai-trị. Điều thứ nhất nói rằng: thuế khóa rất nặng. Điều thứ hai nói rằng: quan lại An-nam chọn không xứng đáng. Điều thứ ba nói rằng: nhà-nước không chịu hết lòng dậy dỗ.

Bây giờ ta thử xét trong ba điều ấy, ra thế nào?