Bước tới nội dung

Gương sử Nam/Thiên thứ nhất/Tiết thứ nhất/Hồi thứ năm

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ NĂM

Từ khi vua Tự-đức đã mất rồi, thì ông Nguyễn-văn-Tường, ông Tôn-thất-Thuyết làm Phụ-chính. Đã là bỏ vua Cung-huệ mà lập vua Hiệp-hòa, rồi lại giết vua Hiệp-hòa mà lập vua Kiến-phúc, đều là bởi tay hai ông ấy cả.

Lúc ấy nước ta đã là nhận sự bảo-hộ với nước Lang-sa, những mà còn mong những sự cứu viện với nước Tầu. Nên chi sai quan đi lại Thiên-tân, để mà nghe thăm các sự tin tức.

Năm 1884, ông Nguyên-soái nước Lang-sa tên là Cô-bê (Amiral Courbet), kéo quân lên đánh tỉnh Sơn-tây, thì quan Tầu là ngươi Đường-cảnh-Tùng và ngươi Lưu-vĩnh-Phúc thua chạy. Rồi lại đem tầu sang đánh tỉnh Phúc-châu, cũng là chiếm được.

Năm 1885, nước Lang-sa lại kéo sang đánh tỉnh Bắc-ninh, thì quan Tầu là ngươi Từ-diên-Húc bỏ thành mà chạy. Từ đó trong hai năm giời, khi thì nước Lang-sa lấy được tỉnh Lạng-sơn, khi thì nước Tầu thu tỉnh Lạng-sơn lại, cũng chẳng qua chỉ dành nhau cái sự bảo-hộ nước ta mà thôi. Đến khi nước Tầu biết rằng không có thể địch được Lang-sa nữa, thì chịu nhượng nước Lang-sa là nước bảo-hộ ta, mà nước Lang-sa thì giả Phúc-châu lại cho Tầu. Cái hòa-ước này ký ở Thiên-tân. Từ đó cái ấn nước Tầu đã phong cho ta, thì nộp lại cho nước Lang-sa, mà ông Tường ông Thuyết, không còn trông mong về sự nước Tầu cứu viện nước ta vậy. Lúc bấy giờ quân nước Lang-sa đã đóng ở trấn Bình-đài, mà hai ông ấy còn chắc rằng có thể đánh được; đặt ra làm quân phấn-nghĩa, tập lính ở vườn Hậu-, rồi lại chuyên tàng của cải ra đồn Lao-bảo để làm đường hậu đạo ngày sau.

Năm 1885, ông Toàn-quyền tên là Cô-si, (Général de Courcy) kéo quân vào Huế, chỉ là có ý trừ khử những kẻ quyền-thần mà thôi. Nên chi ông Tường ông Thuyết làm sự bạo nghịch, sợ rằng nước bảo-hộ không dung, mới gây việc ra đánh trước. Khi quân ta đã phải thua rồi, ông Tường thì chạy sang nhà Sứ mà thú; ông Thuyết đem vua Hàm-nghi ra chạy. Sau lại nhà-nước bảo-hộ xét ra cái lỗi ấy, bởi tại hai người, ông Tường đã phải đầy, mà ông Thuyết cũng bỏ nước mà chốn chạy vậy.

Xem lại công việc buổi ấy, tiếng rằng có nước Lang-sa bảo-hộ, mà trong phần đất 12 tỉnh ấy, còn là tự chủ một mình.

Cũng bởi một lũ gian-thần, làm điều phi phản, gây sự oán thù, nên chi nước Lang-sa lại phải dùng binh để mà dẹp loạn. Mà công việc bảo-hộ Trung-kỳ, tự đó cũng không khác chi bảo-hộ Bắc-kỳ vậy.

Xem lại các công việc đã kể trên này, thời đầu bởi cấm sự buôn bán mà gây ra việc oán thù, sau bởi sinh sự đánh nhau, mà nên ra quộc bảo-hộ.

Và xét lại nước Lang-sa thủa đầu mới đến nước ta, chẳng qua là cầu lấy sự thông thương.

Khi lấy Gia-định là có ý mở nơi buôn bán, để mà tranh lợi với đất Hạ-châu (Singapore), đất Hương-cảng của nước Hồng-mao.

Khi ra Bắc-kỳ là có ý thông lên tỉnh Vân-nam, tỉnh Tứ-xuyên, mà làm đường xe lửa, nên chi từ lúc đến cửa Tourane, cho đến lúc ký tờ bảo-hộ, dùng dằng đã gần 30 năm giời, cũng là muốn để thời giờ cho ta, mà sửa sang việc trong nước lại, nếu khiến ta lấy lòng tin cậy, mà nhờ nước Lang-sa giùm giúp cho ta, thì chắc rằng nước Lang-sa lấy nước ta làm nước thông thương, mà không lấy nước ta làm nước bảo-hộ.

Vì chưng nước ta ngoài mặt tuy nói rằng giao hảo, trong lòng thực là có ý nghi ngờ. Một thì nhầm vì sự học mình đã là văn-minh, hai thì nhầm vì thế nước Tầu đáng nên tin cậy.

Dẫu rằng nước Lang-sa cũng có cho tầu cho súng, mà mình vẫn cũng không học, không theo. Cho nên đánh một trận thì thêm một tờ hòa-ước, một tờ hòa-ước thì lại thêm mấy mươi điều.

Lúc đương đánh thì duy tân chắc ở phen này, lúc đã hòa thì thủ cựu lại hơn khi trước.

Tuy rằng buổi ấy cũng có dâng sớ xin cho các nước thông thương, như là ông Phạm-phú-Thứ, là quan Tổng-đốc, dâng thơ xin đổi phép cai-trị trong nước, như là ngươi Nguyễn-trường-Tộ là kẻ học trò. Những người thông hiểu tình thế ngoại quốc, chẳng qua được một vài người, mà khăng khăng giữ lấy thói quen, phần ấy là một phần nhiều trong một nước.

Xem như năm 1876, là năm vua Tự-đức thứ 28, có thi các người cống-sĩ ở đền ngoài, Ngài có ra một câu văn sách hỏi rằng: « Nước Nhật-bản theo học nước Thái-tây mà nên được nước phú cường. Thế thì nước ta có nên bắt chước không?» Các người cống-sĩ tâu rằng: « Nước Nhật-bản thủa trước vẫn là theo sự văn-minh nước Tầu, mà bây giờ thay đổi thói cũ theo nước Thái-tây, dẫu là có nên ra nước phú cường, về sau cũng hóa ra loài mọi rợ. » Than ôi! không hiểu tình thế ngoại quốc mà không theo, lỗi ấy còn là lỗi nhỏ; đã hiểu tình thế ngoại quốc mà không chịu theo, lỗi ấy mới là lỗi to. Các sự lỗi ấy, có phải ở quân tướng mình mà thôi đâu, tưởng rằng những kẻ sĩ phu nước ta, cũng không chối được cái lỗi ấy vậy. Sách có nói rằng: « trong nước ắt là mình tự đánh lấy, mà sau người ta mới đánh mình » thế mới biết rằng cái sự lỗi ấy, bởi tại nước mình, dẫu rằng nước Lang-sa không lấy mình, thời nước khác cũng lấy mà thôi, không nên trách tại ai vậy.