Giấc mộng con/I
Đêm hôm 28 tháng giêng năm Bính-thìn là năm Duy-tân thứ 10, lịch tây 1916, Nguyễn-khắc-Hiếu hiện thân ở cố-lý mà tinh-thần tri-giác man-mác tại tha-hương.
Thời thấy:
Cùng hai người bạn thân, Lệ-Trùng và Thu-Thủy, cùng chơi núi Sài-sơn, lên chợ Giời. Ngó xuống chân núi thời lom-nhom đá mọc, hớn-hở huê cười, các người đi chơi xuân nối nhau một giải như con rắn lượn lối đường quanh; trông ra bên giời thời một ngàn mây bạc, mấy vệt rừng xanh. Giang sơn một thú hữu tình, bức tranh xuân-sắc như gần như xa.
Lệ-Trùng. — Giời mỗi năm một lần xuân, thời giang sơn cũng mỗi năm một lần xuân; thời trăm năm trăm lần xuân; nghìn, vạn, ức, triệu, hằng-hà sa-số năm thời nghìn, vạn, ức, triệu, hằng-hà sa-số xuân. Mà tiếc cho thân-thế con người ta, tuổi đã đi không bao giờ lại! tóc đã bạc bao giờ lại xanh! Cho nên người đời xưa vui chơi non nước mà hay sinh một mối cảm-tình, thời như chúng mình ngày nay, cũng sao được không có mỗi người một tư-tưởng riêng?
Thu-Thủy. — Vui chơi non nước mà hay sinh một mối cảm-tình, thời dẫu người đời xưa hay chúng ta, cũng chẳng qua muốn đem thân danh cùng giang sơn cùng lưu-truyền, thời cũng là một hứng-thú chung của các người đi chơi trong lúc du thưởng thế mà thôi.
Lệ-Trùng. — Giang sơn to nhớn như thế, trông như hữu tình, mà thực là một vật vô tình, cho nên thọ. Thân hình con người ta rất nhỏ mọn, lại các cái lo thương phiền não lần-hồi truyển tiếp trong ngày đêm. Người đời xưa dám mong hai chữ lưu-truyền, là chỉ trông cậy vào hai chữ tài đức. Nhưng tôi thấy lắm người tài cũng không hèn, đức cũng không bạc, mà sau lúc thân đã khuất, hình đã tiêu, thời tên tuổi sự-nghiệp cũng đều chỉ mây tan đá chìm trong thế-gian...
Hiếu. — Ấy bởi thế, cho nên tôi mỗi bận đi chơi, trước thì hứng, sau ra cảm, rồi sinh sầu. Không biết người sầu chăng? giang sơn sinh sầu chăng?
Thu-Thủy. — Không. Cứ ý tôi xem ra thời: vật đổi sao dời, đá mòn sông cạn, giời đất có lúc bể dâu, mà các người danh-nhân thực thiên cổ. Núi Thú-dương có ngày cũng lở, mà tiếng Di, Tề ở Trung-quốc, biết đời nào quên[1]; sông Bạch-đằng khô lấp có phen, mà ông Trần Hưng-đạo tại nhân-gian, ai làm cho mất. Vật chỉ có hình thời tất hủy. Giang sơn dẫu thọ, so với danh-nhân còn chết non, cũng chỉ thua hai chữ tài đức là giống vật vô hình mà người là một vật hữu tình. Nếu như ý nói anh Lệ-Trùng thời không những sai nhầm, lại dễ làm cho người ta ngã lòng lắm. Còn như anh Tản-Đà thời nguyên là một người đa tình, cho nên nhiều sự sầu cảm. Cái đó coi như thường mà thực rất có hại đến học-thức.
Lệ-Trùng. — Phải, nhân tôi lại nghĩ rằng: con người ta ở đời, cũng chỉ nên nuôi cái tài sức, theo cái ý thú, để làm song cái phận-sự mình; còn như lưu-truyền hay không, cái đó về phần sau lúc tri-giác đã thu tiêu, không cần phải tính đến. Ông Bá-Di có tính đâu sự lưu-truyền mà mới có cao-tiết núi Thú-dương? Ông Hưng-đạo có tính đâu sự lưu-truyền mà mới có trận đánh sông Bạch-đằng? thời cũng can chi phải cùng giang sơn tranh thọ, mà nay sầu mai cảm, không những vô ích, thêm hại cho sinh-ý tự-nhiên.
Hiếu. — Phải. Chúng ta bàn luận trước, cũng chẳng qua cảm-hứng trong một lúc đi chơi thế này thôi; như mấy câu nói anh Lệ-Trùng mới rồi, ý tưởng thật bình-thường mà cao hơn. Ừ, nhưng tài sức con người ta có hạn mà phận-sự không biết đâu là bờ; nếu không có riêng một ý thú, không định được một đích hạn, thời như đội chiếc thuyền nan ra đứng trông cửa bể, hồ dễ mà không ngán? Ngán, hồ dễ mà không sầu?
Lệ-Trùng. — Giời sinh vạn vật trong thế-gian, vị khác nhau, phận khác nhau, tài khác nhau, cho nên ý thú cũng nhân mà khác nhau. Ý thú của hổ báo ở rừng xanh, ý thú của côn kềnh ở bể rộng, con ve có ý thú con ve, con kiến có ý thú con kiến, đều là nhân cái tài, cái phận, cái vị mà đều có một ý thú riêng. Trong đàn người, giời lại lựa chia làm vạn vật. Nay tôi không là anh, biết đâu anh là con hổ hay con kềnh, con ve hay con kiến? Kiến hay ve, kềnh hay hổ, anh tự hiểu thời tự có một ý thú; cái đó không hợp đem bàn định với người ngoài.
Hiếu. — Ừ, cái đó không thể phiền các anh bàn giúp thật. Nhưng người ta muốn làm song một phận-sự, phải nhờ có tài; tài, phải nhờ có học; học, quyết không phải một ngọn đèn xanh, năm xe sách cổ đã là đủ. Vậy thời tính sao?
Lệ-Trùng cười mà không nói được.
Thu-Thủy đương ngồi, tay cầm một bông hoa, buông hoa đứng dậy nói rằng: Như ý anh thời phải đi Saigon tìm anh Phạm-duy-Tâm, tất nhiên có một nhẽ rất tiện ích.
Hiếu. — Phải.
Lệ-Trùng. — Ừ! phải. »
Câu truyện vừa tàn, chiều giời cũng chuyển; phong-cảnh Sài-sơn chưa chớp mắt, đã thành ra một cuộc tiễn biệt ở nhà ga.
Đường ngoài ga Hàng-Cỏ, lờ-mờ sáng, có một người hành-khách sắp bộ đi đường xa, đồ hành-trang một cái va-li, là ai? thiếu-niên ấm-sinh ở Sơn-tây, Nguyễn-khắc-Hiếu đó. Khi ấy, các bậc tường-thức, các chỗ thân-bằng, nhiều ông cùng ra tiễn; lại một người thiếu-phụ đứng riêng tại một chỗ, thủy chung không có một tiếng nói, lệ hai hàng lâm-dâm như cành hoa lê hạt mưa điểm, thời là người tân-hôn, 16 tuổi, quê ở chùa Hương sông Hát, mới cưới rằm tháng chạp năm thứ 9 Duy-tân. Sau lúc đã bái biệt mà đi, đến Hải-phòng, còi tầu ba tiếng, sóng bể muôn trùng, là bắt đầu Nguyễn-khắc-Hiếu lìa xa cố-thổ.
Đến Saigon, tìm thấy ông Phạm-duy-Tâm. Quả-nhiên, nhân ông Tâm được tiếp hầu một ông quan tây là Vinailles. Ở Saigon ít lâu, rồi theo ông Vinailles sang Đại-Pháp.
- ▲ Ông Gi, ông Tề là hai anh em ruột, là trung-thần đời nhà Thương bên Tàu, giữ trung-khái mà chết đói ở núi Thú-dương. Đức thánh Khổng cũng có khen, người đời sau rất kính trọng.