Bước tới nội dung

Giấc mộng con/II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Giấc mộng con của Tản Đà
II. — Thư ký
IITHƯ KÝ

Khi còn ở nhà quê, nghe nói nhiều người ở làng cạnh, xuốt đời chân không bước đến tỉnh, lấy làm thương, lấy làm buồn cười. Đến lúc, từ Saigon xuống tầu thủy sang Marseille, từ Marseille lên xe hỏa về Saint Etienne, thời nghĩ lại mấy người làng cạnh nơi cố-lý, mới thật là đáng thương, đáng buồn cười.

Đến Saint Etienne, độ vào 6 giờ chiều, theo ông Vinailles vào một cửa hàng nhớn, tên hiệu là Drayon, bán toàn đồ vàng, ánh đèn điện bựt lên, như hiện thân tại hoàng-kim thế-giới. Chủ-nhân chạy ra tiếp, trông người trọng hậu khác thường. Khi hai ông lên gác nói chuyện thời mình ngồi riêng tại một chỗ. Trưa hôm sau, ông Vinailles về nhà ở Lyon, mình theo tiễn ra ga; rồi quay lại cửa hàng, thuộc về chủ-nhân đấy bảo dưỡng.

Nguyên ông chủ hiệu tên là Dravine, là một người buôn bán to, các cửa hàng tại các nơi còn nhiều, mà hiệu bán đồ vàng đấy là một. Người có danh-giá, có đức-lượng, nhiều kẻ được nhờ ơn gây dựng mà thành thân. Hiếu ở đấy ít lâu, công việc cũng quen biết, chức-trách ngày một thân trọng; rồi ngày thời coi sóc công việc, đêm được đi học một ông thầy dậy tư, chữ français và chữ anglais.

Thành tòa như gấm, ngựa xe như dệt, ngày cây râm như mái lợp, đêm đèn sáng như giăng treo; các hạng người các châu, người ở làm ăn, kẻ đến du thưởng, ngày đêm đi lại bất tuyệt. Ai ngờ cậu ấm Hiếu vẫn nằm co xó rừng ở tỉnh Sơn-tây, xứ Bắc-kỳ, nước Nam-Việt, mà cũng có lúc theo chân tren bóng miền đại-bang! Nguyền xưa mới bén, đường trước còn dài, tưởng như ngày xem Tây-tương, xem Liêu-trai, xem Tình-sử, tấm tình ấy đã gác cả ngoài bụng; nhưng mà cái giống đa tình, giời không để cho quên, đất đến đâu cũng gặp, thoi oanh tơ liễu đã thêu nên một bức xuân-tình; quê người hồng tử đua tranh, trong trăm hoa lại một cành cố-hương.

Trong thành Saint-Etienne, gần công-viên,[1] có một cửa hàng bậc trung, cũng bán đồ vàng bạc, chủ-nhân là Chu-văn-Lập, người Saigon, sang làm ăn buôn bán ở Đại-pháp đã hơn 20 năm. Người giai trưởng có vợ con, coi một cơ-nghiệp tại Gia-định. Cùng ở cửa hàng đấy, ngoài bà vợ và cậu bé lên 6, có một cô con gái 17 tuổi thời không biết bởi nhân-sự sinh ra chăng? bởi cầu-tự sinh ra chăng? (!) Cô con gái, tên gọi Kiều-Oanh (嬌 鶯), dòng giống Lạc-Hồng mà sinh trưởng đất Đại-Pháp; chữ tây đã biết nhiều, còn đương học chữ nho cũng thông hiểu điển-tịch. Ông bà có một cô ấy là con gái, cho nên yêu chuộng khác thường. Mỗi bảy giờ tối, Hiếu đi học qua, thường thấy dắt em bé chơi trước cửa. Tiếng guốc nhẹ sẽ chạy rền trên gạch lát, nghe lâu đã quen tai. Sau, vì sự hàng-hóa giao dịch, tiền nong tính toán, lễ ý đi lại, ân tình thăm hỏi, làm cho một cô con gái con ông chủ một hiệu với một cậu thư-ký thân ái của ông chủ một hiệu, nguyên người một nước, cùng ngụ một thành, lại cùng phải vương-víu, lăng-líu, dắc-díu nhau, mà chỗ vườn công-viên, thành Saint-Etienne, đã thường có hai người cùng nói chuyện tiếng An-nam vậy.

Bóng cây rậm, thưa, ánh đèn tỏ, khuất. Tiếng nói nhẹ bao nhiêu, ráng người mềm bấy nhiêu; mềm bao nhiêu, chín bấy nhiêu; chín bao nhiêu, tươi bấy nhiêu; tươi bao nhiêu, tình bấy nhiêu. Như ghét, như yêu, như chiều, như ngượng, lông mày ngài, con mắt phượng, cô nhìn ai! Xuân đi hạ tới, thu lại đông qua, mỗi đêm chỗ góc vườn công-viên, dù mưa phùn, dù gió lạnh, thường cùng nhau họp chuyện trong nửa giờ. Hết câu chuyện tình ý, đến câu chuyện văn-chương; hết câu chuyện văn-chương, ra câu chuyện lý-tưởng; hết câu chuyện lý-tưởng, đến câu chuyện điển-cố; hết câu chuyện điển-cố, ra thế-thái nhân-tình; hết thế-thái nhân-tình, đến tha-hương cố-quốc. Một hôm Oanh nói:

« Tôi dẫu gọi là người Việt-Nam, mà sinh trưởng ở bên này, thỉnh-thoảng có về quê Gia-định thôi; chớ như ngoài Bắc-kỳ, chưa bận nào ra đến. Nghe nói dân ta trình-độ còn kém lắm, các chỗ thượng-du không kể, ngay trung-châu cũng vậy. Mấy năm xưa lại thường hay sinh ra lắm sự biến-động, làm cho bụng Nhà-nước Bảo-hộ, sự khai-hóa chậm lại đôi ba phần; nếu không thế, thời annam ta bây giờ có nhẽ còn hơn mấy bước nữa.

Hiếu. — Phải. Nói đến người nước ta, thật nhiều cái đáng giận. Dân-gian trình độ, nghĩ đến lúc nào lại càng buồn. Nhưng ở trung-châu thời bây giờ một phần người số ít đã hơi khá, vả còn nhờ nhà-nước khai hóa, thế cũng phải dần dần tới lên, như người học-trò con, đến lúc đã thông khiếu, có nhẽ cũng không mấy. »

Một hôm Oanh cười hỏi: « Uyên-ương cửu biệt, lâu nay có tin tức gì về không?

Hiếu. — Độ hai tháng trước, có gửi về được một ít tiền và một cái thư.

— Thư có nhớ không?

— Nhớ.

— Thử đọc xem.

— Không đọc!

— Đọc đi.

— Không!

— Vợ chồng xa cách lâu, thời phải lấy mảnh thư để thông tình, việc gì mà giấu. Thử đọc lên, xem nhời nhẽ có được văn-chương không.

— Hễ đọc cấm cười nhé.

— Ừ.

Đọc rằng:

« Ma chère Femme,

Quan hà xa cách, thấm-thoắt đã 2 năm. Độ nọ tiếp thư anh ấm cả gửi sang, biết Mẹ già vẫn thường được khang kiện, cả nhà bình an, và số tiền gửi về năm ngoái, Hiền-khanh đã nhận lĩnh, tôi lấy làm yên lòng. Bóng dâu đã xế ngang đầu, nhờ hiền-khanh thay chữ hôm mai cho, thời người ngoài bể khơi cũng như về đến phần-hương vậy.

Đêm đông canh dài, giăng mờ sương lạnh, nghĩ đến nỗi ly cách, thời các người khuê-các cũng không may mà không lấy được anh chồng ngu! Nhưng biết thế thời đành, mà phận-sự người nam-nhi không phải hai chữ chung-tình đã là hết. Thôi, càng nhớ đến chồng bao nhiêu, càng nên chiều lấy mẹ bấy nhiêu. Ngày tháng thoi đưa, không mấy chốc mà đôi ta lại họp mặt. Mấy nhời trân-trọng, ngàn rậm nước mây ».

Oanh. — Thế có việc gì mà buồn cười, văn cũng giản mà có vị.

Ở Saint-Etienne hơn 2 năm, học chữ français đã rộng thêm, chữ anglais cũng thông hiểu, giao tiếp nhiều, nghe biết rộng, tự xét trình-độ học vấn đã lên được vài phân. Nghĩ dá gặp các ông bạn cùng chơi chợ Giời mấy năm xưa mà lại cùng nhau đứng nói chuyện thời chắc có một câu kinh ngạc rằng: « anh bây giờ thật không phải ấm Hiếu ở Sơn-Tây ». Tiếc cho, con chim xanh vùa đương chắp cánh bay chuyền, ánh trúc mới thông, cành mai chửa bén, mà vườn hồng chi đã ngăn sào ấy ai! thời trong thành Saint-Etienne, hiệu Drayon, sẩy sinh ra một sự rất đáng kinh, đáng nghi, đáng thương giận cho người thiếu-niên thư-ký sản Nam-việt.


  1. Là chỗ vườn chơi của nhà-nước, như Chại Hàng-hoa ở Hanoi.