Giấc mộng con/VIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Giấc mộng con của Tản Đà
VIII. — Tiêu-diêu-du (B)
VIIITIEU-DIÊU-DU (B)

Về đến Cỏi-đời-cũ, tương biệt với các bọn lũ cùng đi, rồi vòng theo mé bể Bắc-băng-dương, đi sang đường Âu-châu. Qua kinh-thành nước Anh, sang Na-Uy (Norvège), Thụy-điển (Suède), đến địa-phận Nga (Russie). Lại từ kinh-đô Nga đi 10 ngày xe lửa[1] đến Vladivostok (海 參 威), sang Nhật-bản. Chơi Đại-bản, Hoành-Tân, rồi quay về Thượng-Hải, đất Tàu.

Thượng-hải nguyên là đất một huyện, thuộc phủ Tùng-giang, tỉnh Giang-tô, từ đời Đạo-quang cắt chia cho các nước ngoài làm tô-địa[2], đến nay thành một chỗ đô-hội nhớn nhất ở Đông-Á. Tại bờ sông Hoàng-phố, người Thái-tây có một cái vườn chơi, nghìn bóng cây râm, bốn mùa hoa nở, duy cấm người Tàu không cho vào. Vậy thời xoay khách làm chủ, mà chủ té ra khách. Nghĩ cho nước Tàu là một nước to nhớn và khai-hóa sớm nhất ở bên phương Á-châu, mà sao đến nay các nước ngoài được đến chiếm hiếp như thế. Nhân xét xem lịch-sử của nước Tàu, từ đời nhà Chu đã có giặc Hiểm-doãn, đời Hán có Hung-Nô, đời Tấn có 5 rợ Hồ, đời Đường có Khiết-Đan, đời Tống có Liêu, Kim, sức xâm nhiễu bên ngoài, càng ngày càng mạnh. Đến Nguyên, thời là người giống khác vào cai-trị Trung-quốc; mà Nguyên ở Mông-cổ thời so với Liêu, Kim lại xa hơn. Vua Minh-tổ trừ được Nguyên, người Trung-quốc khôi-phục Trung-quốc, tự chủ được 279 năm. Đến Thanh, lại là người giống khác vào cai-trị Trung-quốc; mà Thanh ở Mãn-châu thời so với Nguyên lại xa hơn. Nay trừ được Thanh mà dân-quốc nổi lên, người Trung-quốc lại khôi-phục Trung-quốc. Nếu gịp này không hết sức tấn-tới, chen vào hạng liệt-cường, thời e rằng trong khoảng 200 năm nữa, lại có người giống nào ở xứ khác, ở xa hơn Mãn-Thanh, vào cai-trị Trung-quốc. Sợ thay! Cứ tình-trạng nước Tàu ngày nay, tất được như ông Câu-Tiễn làm vua, thời một phần mặt bể Thái-bình-dương họa mới có êm sóng. Chẳng thế mà nay dân-quyền, mai hiến-chính, càng thêu dệt bao nhiêu, càng rách nát bấy nhiêu, bốn vạn vạn con người giống da vàng họ Hiên-Viên, chưa biết rõ họa phúc. Tiếc thay! giang sơn còn đó, mà nào người củu-nguyên?!

Lên chới Sơn-đông, đến Khúc-phụ, tiến yết miếu thờ đức thánh Khổng. Miếu ở chính giữa thành Khúc-phụ. Ngoài cửa Đại-thành có nhiều các bia của các nhà Đường, Tống, Kim, Nguyên, Minh. Trong cửa, đến Hạnh-đàn, nền đất đó chính là chỗ Ngài ngồi giảng học trước. Trong Hạnh-đàn, đến chính-điện, từ đời vua Huy-tôn nhà Tống gọi là Đại-thành-điện. Bên tả cửa điện Đại-thành có một cây cối chính tay Ngài giồng trước, trải mấy lần khô, mấy lần tươi, đến năm thứ 12 hiệu Hoằng-trị đời Minh lại bị cháy, cành lá mất hết, nay không khô không tươi, trông như sắt. Tục gọi là cây sắt. Thực đủ vẽ ra câu 如 有 所 立 桌 爾 (như hữu sở lập trác nhĩ)[3]. Xem song, đến miếu ông Nhan-Hồi, cũng ở góc đông-bắc thành. Có một cây thông trắng, 5 người giang tay ôm vừa kín, cao 20 trượng, đẹp một cách hùng tuyệt! Mộ đức Khổng thời ở trên sông Tứ, nhiều các cây của các học-trò phương xa đem đến giồng và có mọc nhiều cỏ thi.

Từ Sơn-đông lên chơi Bắc-kinh, từ Bắc-kinh đi thẳng xe lửa về Hán-khẩu, qua hồ Động-đình, chơi Hồ-nam. Một buổi chiều mát, một mình đi chân ra chơi chốn thôn dã. Núi biếc bóng vàng ánh, giời xanh cò trắng bay, phong-cảnh tuyệt đẹp. Cách một mặt ruộng về bên tay hữu đường, có một lão tiều-phu ngồi nghỉ, tựa lưng vào một cái bia đá trước cái mô đất con, đánh gịp chân mà hát rằng: « 荒 墳 兮 蔓 草 (hoang phần hề mạn thảo), 古 石 兮 蒼 苔 (cổ thạch hề thương đài), 噫 (y)! 固 一 世 之 狂 也 (cố nhất thế chi quồng dã), 而 今 安 在 哉 (nhi kim an tại tai)[4]?! Tiếng trong mà cao, ngọn gió chiều đưa đến tai như rót. Nhân chạy đến bia xem thời vết chữ đã mờ khuyết, chiều hôm càng khó coi. Chỉ mấy giòng cuối có mấy chữ hơi rõ, rằng: 淳 化 二 年 重 建, thời là hiệu năm vua Thái-tôn đời nhà Tống. Hỏi truyện ông lão ấy thời đó truyền lại là mả ông Tiếp-Dư đời nhà Chu. Lạ thay!

Qua Tứ xuyên, sang Tây-tạng, quay đến Ấn-độ, xem núi Himalaya (喜 馬 拉 山). Từ chân núi lên đến đỉnh, từng lớp trông khác nhau. Cứ quan Bác-sĩ nói rõ rằng: « chân núi nhiều rừng to; từ khoảng 7000 đến 12000 thước Anh thời không có cây nhớn; lại lên đến 15000 thước, chỉ có rêu; lên nữa thời bốn mùa đều băng tuyết cả. » Thật đáng là một ngọn núi cao nhất trong thế-gian. Người Thái-tây có nói rằng: « Người Ấn-độ sinh trưởng ở dưới bóng núi ấy, đời đời trông thấy cái cảnh-tượng cao nhớn, in vào trí-thức trong óc, cho nên sinh được nhiều cái cảm-tưởng cao nhớn, như đạo Phật, đạo Bà-la-môn. » Giang sơn có hệ đến nhân vật, đông tây có nói cả. Sách Nho nói về nghĩa chung-đúc, thời lấy về bên khí; người tây nói về nghĩa quan cảm, thời lấy về bên tượng. Mỗi đằng đều có một nhẽ riêng. Nhưng đem thi vào trong trường thi triết-học thời câu nói người tây-dương có lẽ hơn.

Xứ Ấn-độ, tại thành Agra, có một cái đền Taj-mahal là cái lăng của một bà vợ một ông vua Ấn-độ về, quãng đời thứ 16. Đền toàn xây bằng đá hoa trắng, trong trạm lồng, dát kim-cương ngọc-thạch các sắc. Người ở đấy nói rằng: « Đêm sáng giăng thời thật là cái cảnh đẹp có một. » Đêm hôm ấy, ước vào ngày 19 trong tháng lịch âm, đeo kính giăng mà ra chơi. Giá chưa biết đấy là cái đền Taj-mahal của một bà vợ vua nước Ấn-độ, thời có nhẽ tự ngờ mình là ông vua Minh-hoàng bên Tàu đi chơi cung Quảng-hàn. Vào trong đền mà xem, tưởng như bao các vì định-tinh trong bầu giời cùng nhau hội họp trong một cái nhà bé nhỏ ấy. Bước chân từ trong đền ra, một lúc lâu, giăng lên, bỏ kính đi, bầu giời quang sáng, mặt đá lóng-lánh, cảnh-sắc càng đáng yêu; hoảng như khi còn ở nhà được xem, ở dưới lòng nước sâu, cái bóng người con gái 18 tuổi rất trắng đẹp, đêm, tay đeo toàn đồ vàng, cầm đuốc sáng đứng ngang trên bờ ao. Nay đem cái đền này mà xem với cái quạt-nước[5] ở miền sông Madison nước Hoa-kỳ, thời: một cái thợ giời làm, một cái thợ người làm, mà sức đẹp gần ngang nhau. Lạ thay! cũng cùng là một tấm thân con người ta, có người thác đi thời hình thể chứa vào trong chỗ quí báu ấy, mà sao cũng lại có nhiều kẻ bỏ nát phơi khô, vùi nông chôn lấp quãng đồng không! Dẫu thế, sau lúc đã tạ biệt cái lăng ấy mà lùi đi, giăng mờ mây ám, cái bóng tối vô hạn của các cây cao chung quanh chùm rủ xuống mọi nơi, ngoảnh mặt lại mà thu lấy cảnh tượng ấy vào gương mắt, đã như trút cả lấy cái khí u-âm u-uất vào trong lòng. Cho nên, xem như bao nhiêu người đời xưa, anh-hùng như ông Ngụy-Võ, công-nghiệp như ông Dương-công, mà bờ sông Trương-thủy, ngọn núi Nghiễn-sơn, mả cũ bia tàn, chỉ để cho người sau vẩy hai hàng lệ trắng[6]. Rồi nữa, thỏ lặn ác tà, bể dâu biến đổi, cái trí-tưởng lâu xa, cái công-trình to nhớn ấy, còn đâu ở mãi chốn nhân-gian? Than ôi! người là một giống vật có tình; ngọc đá chỉ có hình. Cái vật có tình ấy đã tự mình không thể giữ lấy được, mà lại muốn nhờ mượn cái vật chỉ có hình ấy để truyền lưu vô cùng, thời trí-tưởng dẫu xa, công-trình dẫu to, nhưng kiến-thức thật bé.

Ở Ấn-độ, ra chơi Pondichéry (thuộc-địa nước Đại-pháp), rồi đi Úc-châu (Océanie). Châu đó cũng là một phần đất nhớn trong 5 phương thế-gian, mà giống dân mường mán, mọi rợ, không thể xét cho hết. Từ có người Âu Mỹ sang đấy ở, người thổ ngày một tiêu mòn. Nay như một cái cù-lao nhớn nhất là Australie (澳 地 利 亞) là thuộc-địa của nước Anh, thời giống người thổ đã gần hết. Chỉ những chốn hang cùng rừng rậm, thỉnh-thoảng một đôi chòm gianh nứa, để làm cái ghi nhớ đáng thương trong loài người. Dẫu ai bảo là nhẽ vật đua tranh, giời đãi lọc; nhưng con tạo-hóa kia đã bày ra một phương đất rộng nhớn tốt đẹp ấy, thời sinh ra một giống dân ngu xuẩn hèn dại đấy mà làm chi?

Họ chúng ta con rồng cháu tiên, lại được Đại-Pháp là nước nhân ái hơn nhất trong doanh-hoàn đến bảo hộ, nghĩ càng nên lấy làm may mừng bao nhiêu, càng nên gắng theo đòi trên sự tiến hóa.

Úc-châu đã trải qua, lại quay về Phi-châu (Afrique), chơi Ai-Cập (Egypte); ở thành Caire. Thành ở bờ sông Nil, gần thành nhiều các cái cổ-tích; như cái tháp kim-tự là lăng những ông vua Ai-cập khi trước, công-trình to nhớn, cách-thức kỳ cổ. Trong lăng làm như cái thành nhỏ, có bầy đủ cả những đồ cần dùng của ông vua ấy lúc bình-sinh. Nghe người ta nói rằng: « Đến nay đào trong lăng, còn thấy nhiều hột thóc rất to là để từ hơn 2000 năm đến giờ. Những hột thóc ấy, không có không-khí vào, không mọc mầm được, cũng không thối nát được; đem ra gieo xuống đất, lại thành cây mạ to. Thây các ông vua trước đều ướp bằng một thứ thuốc riêng, cho không thể thối nát được, lâu cũng chỉ dét đi mà thôi. » Xem thế, biết trình-độ lúc ấy đã cao lắm. Ai-cập là một nước văn-minh thời xưa, mà từ đời trung-cổ giở về sau đến nay, ngày một hèn kém. Nghĩ cho một nước như một người. Thấy nhiều người từ lúc còn trẻ con, thông-minh rất sớm, mà đến sau không thành một người hay. Vây thời khai-hóa trước, văn-minh sớm, cũng không chắc là cái hay cho một nước ru? Quả có như thế thời giời đất còn dài, cuộc đời còn xoay vần, các nước gọi là văn-minh ngày nay có nhẽ cũng chưa chắc.

Từ Ai-Cập đáp tàu bay qua bãi cát Sahara (散 哈 拉 大 沙 漠),[7] sang phía tây châu ấy. Sang đến phía tây châu Phi-châu mà mới biết thế lực nước Đại-Pháp ở trong doanh-hoàn rất mạnh nhớn! Trừ cái cù-lao Madagascar ở riêng về một mặt đông-nam châu ấy không kể; còn từ bờ bên hữu sông Congo, một giải sông Niger, một phần tây bãi cát Sahara, cho đến hết phía bắc giáp bể Đại-trung-hải (Mer Méditerranée), ngọn cờ ba sắc, xa xa đối nhau. như người đã cắm những cái quạt văn-minh cho dân các xứ ấy. Chơi qua mỗi nơi khắp một lượt, vì khí giời nóng nực quá, lại chuyển về ngay thành Alger. Thành đó là kinh-đô của xứ Algérie, việc buôn bán rất thịnh vượng; khí giời êm hòa, người nước Anh đến mùa đông thường hay sang đấy để lánh rét. Trong thành có một cái tháp nhớn, có bia, là của nhà nước Đại-Pháp Bảo-hộ mới lập lên để kỷ công cho những các quân lính xứ ấy đã theo đòi về sự đánh được giặc Allemands từ bốn năm năm trước, lấy lại được 2 đất: Alsace và Lorraine. Rồi từ Algérie sang qua Tunis, về Marseille, lại về Saint Etienne.

Về đến Saint Etienne, quan Bác-sĩ tiện đường vào chơi thăm ông Dravine. Cách một hôm, ngài lại về Mỹ. Kiều-Oanh khi ấy cũng về thăm quê Gia-định vắng. Trệnh niềm nhớ cảnh gia hương, Hiếu mới xin phép về quê nhà. Ông chủ có cho một ít tiền mang về, để làm vốn buôn bán.


  1. Đường sắt Sibérie 西 伯 利 亞 của nước Nga dài gần 8000 kilomètres, là con đường sắt nhớn nhất.
  2. Nước Tàu cắt đất cho các nước ngoài, bạn trong bao nhiêu năm lại giả về, gọi là tô-địa 租 地.
  3. Câu này ở trong sách Luận-ngữ, nói đạo đức thánh Khổng như thường đứng cao vòi vọi trước mặt người.
  4. Mấy câu này là nói cái cảnh mả cũ bia tàn, lại ngậm-ngùi cho người nằm dưới chỗ suối vàng ấy thật cũng là một người quồng-sĩ trong một đời mà bây giờ là đâu.
  5. Chữ tây là geysers, ở nước Hoa-kỳ miền thượng-lưu sông Madison có nhiều. Cái to nhất gọi là la géante, nguyên là một cái hốc núi, hai bên bờ giặt những thạch-nhũ, nước dưới đất đùn lên đầy cái hốc, rồi phun lên một đám cao 40 thước, khoát 10 thước. Từ đám nước ấy lại bắn vọt lên 5 cái cột nước nữa. cao đến 200 thước; rồi tỏa ra rơi xuống như hình cái quạt. Mỗi bận phun như thế, trong 20 phút thì thôi. Có khi một ngày phun đến ba bận. Trong lúc nước đương phun, thời tiếng gầm tiếng rít vang lừng một góc giời; ánh mặt giời chiếu vào, lấp-loáng như mấy trăm mấy ngàn cái cầu vồng; đứng đằng xa mà coi, cũng tưởng tượng như một cái cột rất to bằng châu báu dựng nối giời xanh với đất biếc.
  6. Ngụy-Vũ là ông Tào-Tháo. Dương-công là ông Dương-Hịu, đều là người Tàu. Mả ông Tào-Tháo ở bờ sông Trương-thủy. Ông Dương-Hịu có dựng một cái bia kỉ-công ở núi Nghiễn-sơn, người sau cảm thương, gọi là cái bia rớt nước mắt.
  7. Sahara là một bãi cát to nhất trong thế-gian, bề mặt so với bể Đại-trung-hải còn rộng hơn; ở vào chính dữa giải đất nóng, cho nên nóng nực lạ thường, cứ mỗi bốn năm năm mới có một lần mưa; duy có một giống lạc-đà tài nhịn khát đi qua được, các khách buôn qua đấy tất phải dùng nó mang đồ vật, gọi là cái thuyền trong bể cát. Gió nổi lên thời cát bay rầm giời, chỗ thời chứa cao lên thành gò, chỗ thời hoắm xuống như đầm. Gió to thời những cái cột cát quấn lên, cao đến từng 100 thước, hành khách đi gặp phải, thường bị vùi lấp vào đấy, người và súc đều mất hẳn tung-tích. Lại có một thứ gió nóng không thể kham, ống khí-hậu cao đến 122 độ, nước uống đựng ở trong túi da có thể sủi thành hơi bay đi hết; người và súc đều vì thế khát nóng mà chết. Trong cái bãi cát to nhớn khô nóng ấy, nhờ được có những chỗ có mạch nước chẩy vọt lên, có cây râm, có cỏ chăn, có dân ở; những khách buôn phải mang lương nước, tính đường đi vừa đúng đến những chỗ ấy để nghỉ mát và lấy nước uống, nhưng cũng nhiều khi lại bị lạc đường mà khát chết. Lắm sự nguy hiểm thế, cho nên chỉ những người Arabe buôn bán đi lại nhiều, còn các hành-khách khác ít thấy. Vì thế, có mấy nhà buôn to là người Français và người Egyptiens đứng chung nhau lập ra một cái công-ti tàu bay, để chở khách qua đó. Từ có cái công-ti ấy thời từ Egypte sang Sénégal, Niger và các xứ phía tây châu Phi, hành-khách đã đông vui hơn trước. Vậy biết sự buôn bán có tô-điểm cho xã-hội cũng nhiều.