Bước tới nội dung

Giấc mộng con/IX

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Giấc mộng con của Tản Đà
IX. — Cố-hương
IXCỐ-HƯƠNG

Bể rộng cá nhảy, giời cao chim bay, đất khách tám thu, buồm về một lá. Vừng thái-dương lặn mọc chưa mấy, đã y-nhiên phong-cảnh cố-hương. Đến Saigon, hỏi thăm tin Kiều-Oanh, lại vừa mới đáp tàu khách sang Đại-Pháp, giận thay! Từ Saigon đánh giây thép trước về ngoài Bắc, rồi đi thẳng đường sắt ra Tourane, ra Huế; nghỉ một hôm, lại thẳng đường sắt ra Hanoi. Xe về đến Hàng-Cỏ, trông thấy nhiều ông hình như quen biết cả mà ngờ vì có râu; lúc xuống xe đến gần thời chính là những ông vẫn quen biết thân thiết cả mà mới có râu. Nghỉ Hanoi ba hôm, chơi cùng các anh em, thời ra: có người trước mới đỗ Admis, nay đã chức Tri-huyện; có người trước học Bưởi, nay đã làm việc ở Đồng-Đăng; có người bỏ học về canh-nông; có người thừa-phái đã được đến bát-phẩm. Đường xe lửa tự Hanoi đã làm qua Sơn-tây. Phố xá Sơn-tây đông vui hơn trước nhiều, cũng đèn điện, cũng xe điện, buôn bán rất thịnh vượng. Núi Tản đương xanh, sông Đà chưa cạn, giang sơn phong cảnh, nhìn kỹ còn như xưa. Về đến làng, đàn bà trẻ con cùng trông lên xe để chỉ trỏ. Đến cổng dân, các bà con ra xem chào hỏi đông; vợ cũng quấn tóc rối, đi chân mà chạy ra, dáng điệu đã đứng-đắn hơn trước. Đến cổng nhà, mẹ già tám mươi tuổi, phơ-phơ hai mái tóc, đứng tựa cổng mà mong con. Bước lên thềm, trông vào trong buồng, một cái khung-cửi đương mắc sợi, là của vợ mới học nghề dệt vải đã ba năm. Tan một quộc hàn-huyên, dạo xem các nhà trong họ mạc và lân-lý chung quanh, cây cối, rào dậu, cửa nhà, cổng ngõ đại-lược thấy khác cả. Các trẻ con mới sinh sau lố-nhố, trông không biết là con ai. Lạ thay! trong khoảng 8 năm giời, mà cố-quốc tha-hương, tình-cảnh khác nhau thế!

Từ khi về ở nhà, mưu tính sự sinh-lý. Dựng một cái nhà lá, 5 gian, có vườn ao. Tháng năm bỏ ít tiền đong ngô đậu, đến tháng tám thời bán; tháng mười lại đong thóc, tháng hai tháng ba bán; từ tháng bẩy đến tháng chín, cất vải trắng về dãi nâu, tháng một tháng chạp bán; từ tháng một đến tháng tư, làm gạo bán cho những người ăn buôn. Trong nhà vẫn để khung-củi, vợ lúc nào nhàn thời dệt thêm. Tháng dài ngày rộng, chơi về nghiệp văn-chương, chia đại-lược làm mấy loại:

Vận-văn 韻 文 (Thơ, ca, từ-khúc)
Thuyết-văn 說 文 (Tiểu-thuyết)
Kịch-văn 劇 文 (Tuồng, chèo)
Tản-văn 散 文 (Văn xuôi)
Dịch-văn 譯 文 (Văn dịch)

Chiếc võng đào, đôi giầy xanh, cành lê sương, khóm trúc chỉ, người Hy Hoàng trong cõi văn-minh. Than ôi! giàu sang một giấc hoàng-lương; nhân-sinh được thế cũng chân-thú! Phần-hương nhạn én, thấm-thoát đã hai đông; một hôm đương trưa, một mình ngồi trong trái buồng sách, rượu quả dâu rót cốc bạch-thạch, ngọn thu-phong lay động dáng người vàng[1], thời sực tiếp một bức phong-thư dán hai tem gửi từ Saint-Etienne đến.


  1. Đêm hôm thảm-biệt ở công-viên, Kiều-Oanh có cầm cho một cái cốc con, chế bằng một thứ đá trắng rất quí, quang phóng cũng gần như thủy-tinh. Bên trong cốc có chạm mỏng một hình mỹ-nhân bằng vàng, thật tinh khéo, phảng-phất như hình Kiều-Oanh vậy. Mỗi bận đem ra uống, hơi có gió đến rượu thời người vàng lưu động. Kể cũng phong nhã mà tình.