Bước tới nội dung

Giấc mộng con/X

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Giấc mộng con của Tản Đà
X. — Cố-nhân-thư
X.CỐ-NHÂN-THƯ

Cầm lấy bức thư song, biết là âm tín của người cố-nhân giai-nhân là Chu-kiều-Oanh. Ngoài đề:

Monsieur Nguyễn-khắc-Hiếu

au Tonkin

Indo-chine Française

Mở ra xem thời trong thư viết rằng:


Saint-Etienne le 11 Septembre 1925
Mon cher Tản-Đà

Giời gần, cố-nhân xa; nhưng cánh tem không gửi đến giời thời đưa về cố-hương để cố-nhân biết vậy.

Trong bức thư tôi giả lời cố-nhân năm ngoái, có nói qua đến sự duyên phận mình. Hại thay! không ngờ đến cuối năm mà người fiancé của tôi ấy vội đã rất dây cầm. Sang năm nay, tháng Juin, mẫu-thân là Hoàng-thị cũng về tiên. Tôi, hơn năm giời nay, ngày một bàn giấy viết, đêm một ngọn đèn cheo, cành tùng ba đông, ruột tầm trăm đoạn. Nhớ ngày nào cùng nhau câu truyện trong gác kín, cố-nhân có bình-nghị cho tôi mấy điều. Trong mấy điều đó, chỉ có học-thức và hiệp-khí là quí hơn, mà vào thân người con gái thời tôi cũng không biết có là quí. Cho nên, thấy những người thiếu-niên nam-nhi, hồng bay bốn bể, thời lại tự thương thân tủi phận, giận thay cho tạo-hóa sinh thành. Cố nhân ơi! cậy ai lên đến thiên-đình, sổ quần-thoa thấy tên mình xóa cho.

Khi trước cố-nhân có viết cho tôi một cái thư, nói mới làm thêm được nhiều văn. Tôi bên này, văn chữ tây và chữ nho xem nhiều, còn văn-chương quốc-âm thời không có. Nếu có thể chép gửi cho được, thời đồ làm quà ở cố-quốc, thật không gì quí hơn. Vả lại, chơi văn như chơi diều. Làm được cái diều tốt mà không đem ra thả, tưởng không có thú-hứng gì cả. Cứ như ý cố-nhân nói truyện trước, muốn cuộn lại bỏ hòm để chơi riêng, rồi sau này tự có người tri-âm, thời tôi lấy làm không phải lắm. Mình còn muốn tìm người tri-âm ở trăm năm về sau, thời sao bằng tìm ngay người tri-âm ở cùng thời? Con người ta ở đời, thường hay lấy ít tri-âm làm giận, mà không biết thực tự mình đã phụ biết bao người tri-âm. Không những thế, văn-chương có bài theo thời-nghi, bây giờ nghe ngay thời hay, mà năm sau đọc đến đã vô vị. Vậy cố-nhân nên nghe nhời tôi khuyên, đem tất cả các tập văn về các lối, in ra một lượt chơi, cũng để làm một đồ chơi chung. Rồi xem ý kiến của nhiều người bàn nói, thời nghĩa nào sai, câu nào kém, bây giờ còn mình, mình mới có thể chữa đi được. Sự hứng thú của con người ta lúc còn sống, sao cho đến suối vàng ít hối-hận thời là hơn! Tôi, trong mấy năm nay, chữ nho cũng rộng thêm được ít nhiều. Độ đầu xuân, qua chỗ công-viên, thấy người chơi xuân rất nhiều, cảnh-tượng vui-vẻ vẫn như cũ; mà sao chỉ một gốc liễu chúng ta cùng đứng nói truyện với nhau trước thời trông ra mặt ủ mày rầu. Nhân cảm thế, tôi có làm chơi mấy câu thơ chữ nho, xin biên về để cố-nhân chữa cho.

個個流鶯點樹黃
Cá cá lưu-oanh điểm thụ hoàng,
怒紅爭放亂春光
Nộ hồng tranh phóng loạn xuân-quang.
可憐最是舊辰柳
Khả liên tối thị cựu thời liễu,
終日愁眉憶阮郎
Chung nhật sầu my ức Nguyễn-lang.[1]

Cố-nhân bây giờ ở nhà, trong có thú gia-đình, ngoài có vui chúng bạn, không biết có lúc nào nhớ đến người cũ ở Saint Etienne nữa không? mà tôi thời nhớ đến cố-nhân luôn, xuốt ngày thường như cây liễu vậy. Không biết tại tôi ở trong lúc buồn rầu mà thế? hay tính chất người con gái về âm-loại, cho nên dễ cảm tình hơn người đàn ông mà thế chăng? Tiếc cho! không được là một bạn nam-nhi với cố-nhân, để cùng nhau lúc giang-hồ, khi phần-tử, khi sơn-thủy, lúc phòng văn, cùng theo một sự-nghiệp học-vấn. Nhưng cũng còn may cho! được một người bạn nam-nhi là cố-nhân, để những khi lá hồng gió thu, đêm đông đèn biếc, thời lại mượn tờ giấy trắng, giọt mực đen, chiếc tem đỏ, để tả tấm gan vàng, mà đưa người mắt xanh. Bể lòng lai-láng mông-mênh, dậm ngàn nước cũ năm canh ngọn trào! Nay muốn vì cố-nhân khuyên giải một đôi lời, trước hết muốn cho cảm-tình của cố-nhân dễ truyền nhiệt như loài kim thiết. Kể từ ngày được tiếp mày-chi ở công-viên đến nay, một hai yêu đang, nghìn vạn chân-trọng. Nhưng trong khi cố-nhân ở New-York, tôi có xem lại bộ Tứ-thư, đến câu 沉 潛 剛 毅 足 以 有 爲 也 (trầm, tiềm, cương, nghị, túc dĩ hữu vi giã)[2] và xem thấy một câu nói của ông Gia-cát-Lượng rằng: 寧 靜 足 以 致 遠 (ninh tĩnh túc dĩ trí viễn)[3], thời biết con người ta ở đời, gánh vác được một việc to nhớn, theo đuổi được một đích xa thẳm, là tất phải có mấy đức ấy ở trong mình; mà xem như cố-nhân ta thật thiếu kém. Cố-nhân nay đã là một người có học-vấn, thời phải nên biết rằng: văn-chương có trọng-giá, không phải là một sự chơi riêng trong ý-thú, không phải là một sự đua vui trong phẩm-bình, mà phải có bóng mây hơi nước đến dân-xã. Cố-nhân nay đã là một người có tư-tưởng, càng phải nên biết rằng: một tấm thân người nam-nhi, không phải là của riêng một mình mình; mà là của nước tổ Hồng-Lạc hơn 4000 năm, của nhà nước Bảo-hộ đã 50 năm, của xã-hội 25 triệu người, của giang sơn 34 vạn lý[4]. Nghĩ cho thực cũng nên nhường, hai vai gánh nặng con đường thời xa! Xem như một tập vận-văn của Cố-nhân đưa tôi trước, đầu đề bài (Muốn làm thằng cuội), là vì nhân tư-tưởng chán đời mà sinh ra làm văn; nhưng lại có một câu (Dậm đò) đứng kết sau, thời cõi đời rút lại không chán được, Cố-nhân cũng đã biết. Đã nhiều duyên nợ ba sinh, trăm năm để một khối tình mặc ai?! Vậy thế xin kính khuyên Cố-nhân, lấy bốn chữ trầm, nghị, cương, tĩnh, theo lấy câu đứng mũi chịu sào. Ba vì ngọn núi còn cao! Hắc-giang một giải biết bao nhiêu nguồn! Sao cho nhân-tâm phong-tục được thuần chính, dân-trí tư-tưởng được khai-minh, là chức-trách của ngòi bút đại-văn-gia trước phải đối đáp với xã-hội; mà cốt phải hiểu cho lòng dân An-nam biết thân-đái nhà-nước Bảo-hộ, thời sự tiến-bộ mới có phần trông mong; rồi ra công về trên sự học-vấn, xuy cầu tinh-lý, làm một nhà văn-học kiêm triết-học ở Đông-dương, để nhà-nước Đại-Pháp cũng vui lòng về trong sự khai-hóa. Sự-nghiệp tôi chúc mong cho Cố-nhân có bấy nhiêu; còn như giầu sang vinh hoa, ái ân tình dục trên thế-gian, lâu cũng thành ra giấc mộng cả! Đêm đông tấc dạ, giời nam ngàn mây.

Kính chúc nhà-nước Bảo-hộ ta nghìn vạn năm!

Kính chúc nước tổ Hồng-Lạc ta nghìn vạn năm!

Kính chúc danh-vọng của Cố-nhân ta nghìn vạn năm!

Ton amie
CHU-KIỀU-OANH 拜


Từ khi về cố-quốc, mê thiết sự văn-chương, cho nên con hỏa ân-tình đi lại trong bụng cũng thưa cách. Không ngờ đến khi xem bức thư của người cố-nhân, giai-nhân, rất thân yêu quí trọng, đáng tưởng nhớ là Chu-kiều-Oanh song, nhân tưởng lại tình cảnh cùng ai trong bao năm, mà cảm-tình lại sóng gió trong tấc dạ. Người đâu gặp-gỡ làm chi! trăm năm biết có? Sự hoặc mơ-màng chăng tá? một phút thành không!

  1. Bài thơ này nói cái phong cảnh chỗ vườn công ấy, một làn cây xanh, mấy con chim oanh đâu bay lại đậu, coi ra lốm-đốm từng chấm vàng. Các sắc hoa gặp thời, tranh nhau đua nở, làm sắc-sỡ cái phong-quang chiều xuân. Chỉ thương riêng cho một cây liễu thời xưa, xuốt ngày rủ lông mày buồn rầu, nhớ anh chàng họ Nguyễn.

    — Bài thơ này không lấy gì làm hay lắm; nhưng văn bút của một người con gái mà được thế, kể cũng là đáng yêu. Tôi muốn dịch làm bốn câu thơ quốc-âm mà tài dịch không nổi. Vậy xin nhờ các bực văn-nhân, ông nào có hào hứng nghĩ chơi mà dịch cho, thực quí-hóa vô chừng (hoặc bốn câu lục-bát cũng được). Ai dịch cho, xin cứ gửi về hiệu in Đông-Kinh Hanoi. — Hiếu cẩn bạch.

  2. Trầm là không nông-nổi, tiềm là không bộc-lộ, cương là các vật ngoài không đè nén lay đổ được, nghị là không ngã lòng. Có mấy đức ấy thời đủ làm được công-việc hay.
  3. Ninh là thường yên-thư, tĩnh là tự tĩnh-mịch. Có thế mới đủ đến được đường lối xa.
  4. , mỗi nước mỗi khác. Ta trước vẫn tính theo lý Tàu, nhưng cũng là một cách hồ-đồ. Từ có Bảo-hộ, lại tính theo kilomètres. Nay cứ số lý nói ở trong thư này, hợp với số kilomètres carrés cộng cả 3 kỳ, thời hoặc lấy kilom. c. làm một lý. Nếu như thế cũng tiện.