Bước tới nội dung

Hưng Đạo vương/Hồi 11

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ MƯỜI MỘT

Mông-cổ cố sức cất quân báo thù,
Hưng-đạo ba phen phụng chiếu đánh giặc.

Nói về Thoát-Hoan tự khi bại trận giở về, các tướng dần dần cũng trốn về được cả. Thoát-Hoan nghĩ từ khi mới xuất chinh, năm sáu mươi vạn quân, binh hùng tướng dũng nhường nào, chắc là nuốt sống được Nam-quốc. Nay té ra hao quân tổn tướng, mười phần mất đến năm sáu phần, làm mất cả danh-giá thiên-triều. Nghĩ càng xấu hổ, xấu hổ bao nhiêu thì lại tức bấy nhiêu, tức vì quân oai hùng cường là thế, tướng tá dũng mạnh là thế, mà thua với một nước nhỏ nhặt.

Khi về đến triều vào chầu Nguyên chúa, khóc lóc tâu hết tình hình trận mạc là thế. Nguyên chúa nghe xong, cơn giận ở đâu đùng đùng nổi lên như sấm, mắng Thoát-Hoan rằng:

— Đồ nhục quốc kia! Khi xưa mày tình nguyện những thế nào, mà nay thua với một nước nhỏ, còn mặt mũi nào mà dám về đây.

Thoát-Hoan khóc tâu rằng:

— Con gặp phải Trần-quốc-Tuấn, lắm mưu nhiều trí, cho nên bị thua thế này. Nhưng con chỉ mắc lừa một lúc mà thôi, nay lại xin cất quân sang đánh phen nữa, nếu không báo thù được, con xin chịu tội.

Bấy giờ Ô-mã-Nhi, A-bát-Xích đứng cả ở dưới thềm rồng. Nguyên chúa đòi cả lên điện mắng rằng:

— Trẫm tưởng các ngươi cũng là người trí dũng, vậy cho các ngươi đi phò thái-tử, phàm việc quân tình, phải thương lượng với nhau mà làm, sao dám để đến bại nhục như thế, làm mất cả oai danh của trẫm, khôn ngoan các ngươi để đâu?

Các tướng sợ xanh mắt, nín lặng không dám nói lại làm sao.

Nguyên chúa tức giận, muốn chém Thoát-Hoan và cả các tướng, may có quần thần can ngăn, mới thôi.

Nguyên chúa bấy giờ sắp sửa cất quân vượt bể đi đánh Nhật-bản. Thấy truyện bại trận này, lập tức trừu hết quân đi đánh Nhật-bản lại, và sai đóng thêm 300 chiếc tàu, truyền hịch cho ba tỉnh: Giang-hoài, Hồ-quảng, Giang-tây, tụ tập quân sĩ, hẹn đến tháng tám thì cất quân noi đường Khâm, Liêm sang đánh báo thù nước Nam.

Quan tỉnh Hồ-nam tên là Duyến-Kha dâng sớ về can rằng:

— Quân ta bại trận mới về, kẻ dấu vết chưa khỏi, người đau yếu chưa dậy, xin hãy cho quân-sĩ nghỉ ngơi dưỡng sức ít lâu, rồi sẽ định kế xuất chinh.

Nguyên chúa nghe nhời, cho quân sĩ nghỉ ngơi vài tháng. Còn Trần-ích-Tắc khi trước hàng Thoát-Hoan theo về Tàu, hãy cho ra ở Ngạc-châu.

Qua sang mùa xuân tháng hai năm sau, bấy giờ là năm Đinh-hợi, niên hiệu Trùng-hưng thứ ba (niên hiệu Chí-nguyên nhà Nguyên thứ 24, lịch tây 1287). Nguyên chúa kén lấy 7 vạn quân, 5 trăm chiếc thuyền ở Giang-hoài, Hồ-quảng, Giang-tây; lại phát 6 nghìn quân Vân-nam và 1 vạn 5 nghìn quân ở bốn châu ngoài bể. Sai Thoát-Hoan làm Đại-nguyên-súy, A-bát-Xích làm Hành-tỉnh-tả-thừa, Áo-lỗ-Xích làm Bình-chương-chính-sự, Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp làm Tham-tri-chính-sự, khởi thêm quân trong nước cả thẩy 30 vạn, cho theo Thoát-Hoan sang đánh nước Nam, giả danh đưa Trần-ích-Tắc về nước, lập làm An-nam quốc vương. Lại sai Vạn-hộ là Trương-văn-Hổ theo đường bể tải hơn 70 vạn tạ lương sang cấp cho quân ăn.

Thoát-Hoan phụng mệnh sắp sửa cất quân đi. Sực có cận-thần vào tâu với Nguyên chúa rằng:

— Tâu bệ-hạ, có một tên tù là Nguyễn-Nhan, phạm tội đáng chết, y tình nguyện đi làm hướng đạo, sang đánh Nam-quốc, lập công để chuộc tội.

Nguyễn-Nhan tên chữ là Bá-Linh (ta thường gọi là phạm Nhan), cha là người Quảng-đông, sang buôn bán bên nước Nam, lấy vợ ở làng, An-bài huyện Đông-triều, sinh ra Bá-Linh. Bá-Linh nhớn theo cha về Tàu, học hành cực giỏi, đỗ Tiến-sĩ triều nhà Nguyên; lại cao tay phù-thủy, có phép tàng hình biến hóa. Thường vào trị bệnh cho cung-nữ, rồi thường thường biến phép hóa hình làm con gián, vào cung tư thông với cung-nhân. Về sau lộ truyện, Nguyên chúa dùng phép bắt được, định án chảm quyết. Bá-Linh thấy Thoát-Hoan cất quân đi, mới tâu xin đi tùng quân chuộc tội.

Nguyên chúa đang khi muốn báo thù, thấy Bá-Linh có lắm thuật tài, và lại ở nước Nam đã lâu, quen biết thông thổ, mới tha tội cho đi theo Thoát-Hoan làm hướng-đạo.

Bá-linh mừng rỡ, lạy tạ ơn Nguyên chúa, giở về thu xếp ấn quyết đồ đạc, đi theo Thoát-Hoan.

Vua nghe tin Nguyên triều sắp sửa cất quân, vời Hưng-đạo vương vào, hỏi rằng:

— Thoát-Hoan bại trận giở về, chuyến này căm tức sang đánh báo thù, quân thế hẳn to hơn trước, ta nên dùng kế gì mà chống lại được?

Hưng-đạo vương tâu rằng:

— Nước ta xưa kia, quân dân hưởng thái bình đã lâu, không tập đến việc chiến trận, cho nên năm trước, quân Nguyên vào cướp, còn có kẻ trốn tránh theo hàng giặc. May nhờ có oai linh tổ-tôn, và thần võ của bệ-hạ, đi đến đâu được đến đấy, mới quét sạch được bờ cõi. Còn như bây giờ, quân ta đã quen việc công chiến, mà kẻ kia thì đi xa mỏi mệt. Vả lại thấy Toa-Đô, Lý-Hằng, Lý-Quán tử trận, tất cũng chột dạ, quân tình đã sinh nghi sợ, hẳn không dám hết sức mà đánh. Cứ như ý tôi xem ra, thì chuyến này dù có quân Nguyên sang đây, ta phá cũng dễ hơn phen trước. Xin bệ-hạ đừng lo.

Vua mừng rỡ, sai Hưng-đạo vương đốc suất các vương hầu, mộ thêm quân sĩ, sửa sang khí giới, để phòng việc công thủ.

Hưng-đạo vương phụng mệnh, truyền hịch cho các vương hầu mộ binh.

Qua sang tháng mười một, Thoát-Hoan dẫn quân noi đường Khâm, Liêm, đến châu Tư-minh; sai Vạn-hộ là Hà-Chỉ, Trương-Ngọc lĩnh 2 000 quân, vận lương thảo chứa tại châu ấy. Lại sai Trình-bằng-Phi, Áo-lỗ-Xích mỗi người dẫn 1 vạn bộ binh đi đường lục; Ô-mã-Nhi, Phàn-Tiếp suất lĩnh chu-sư đi đường bể, chia làm hai ngả kéo sang trước. Còn Thoát-Hoan thì tự dẫn đại quân đi sau.

Quan trấn-thủ ngoài biên thùy phi báo về Thăng-long. Các quan tâu với vua, xin tuyển thêm lính cho nhiều để chống giặc.

Hưng-đạo vương tâu rằng:

— Binh, cốt giỏi không cốt nhiều, nếu nhiều mà không giỏi, thì dù như Bồ-Kiên có trăm vạn quân, cũng không ích gì. Vả lại giặc đến chuyến này, ta chống lại cũng dễ, mà các vương hầu đã mộ quân thêm rồi, can gì phải tuyển nữa.

Vua nghe nhời, không tuyển thêm binh, sai Hưng-đạo vương thống lĩnh các vương hầu, chia quân ra phòng giữ các nơi.

Hưng-đạo vương phụng chiếu về dinh, hội các vương hầu tướng tá lại truyền lịnh rằng:

— Quân Nguyên chuyến này muốn đánh báo thù phen trước, quân thế mới sang tất mạnh. Các tướng nên phải dụng tâm phòng thủ cho nghiêm mật, chờ khi quân kia đã mỏi mệt, ta sẽ dùng mẹo thừa cơ mà phá, thì mới có thể đánh được, nếu ai coi thường khinh địch, thì đã có quân lịnh!

Các tướng đều hoan hô phụng mệnh.

Hưng-đạo vương mới sai Chiêu-văn vương Trần-nhật-Duật, Tướng-quân Nguyễn-Khoái dẫn 3 vạn quân lên giữ mặt Lạng-sơn. Sai Hoài-văn Hầu Trần-quốc-Toản, Tướng-quân Lê-phụ-Trần dẫn 3 vạn quân vào giữ mặt Nghệ-an, hai đạo ấy đường xa cho đi trước.

Hưng-đạo vương tự thống đại quân ra mặt Quảng-yên, sai Phạm-ngũ-Lão làm tiền quân, Cao-Mang làm tả quân, Đại-Hành làm hữu-quân, Nguyễn-địa-Lô làm hậu quân; Dã-Tượng, Yết-Kiêu và bốn vị vương-tử lĩnh trung-quân đi kèm với Hưng-đạo vương.

Khi cất quân sắp đi, sực có một người tráng-sĩ độ 20 tuổi, xin vào bái kiến.

Lính canh đưa vào hầu, Hưng-đạo vương trông thấy người ấy, mặt mũi phương phi, sức lực khỏe mạnh, hỏi rằng:

— Tên kia đến đây có việc gì?

— Tôi nghe đại-vương sắp cất quân đi đánh giặc, vậy xin vào làm môn-hạ, tình nguyện đi tiên phong phá giặc.

Người ấy họ Nguyễn tên là Chế-Nghĩa, quê ở làng Cối-xuyên, huyện Gia-lộc, tỉnh Hải-dương. Có sức khỏe, tài võ nghệ, lại thông hiểu thiên-văn, binh-pháp.

Thường có bài thơ tự thuật rằng:

Đội giời đạp đất một con người.
Chí khí đường đường kể mấy mươi.
Há chịu khách Tề khua kiếm chực,[1]
Nào thua tôi Tấn máu roi chơi.[2]
Mưa Hoài,[3] lửa Cử khôn nghìn chước,[4]
Gác Hán, lầu Đường thỏa một thời.
Trung nghĩa đứng vòng giời đất rộng,
Tiếng thơm khen ngợi để muôn đời.

Người ấy vốn có chí lập công danh, nghe Hưng-đạo vương hay thu dùng hiền tài, vẫn muốn đầu làm môn-hạ. Nay nghe tin ngài cất quân đi đánh giặc, mới nhân dịp vào bái kiến. Hưng-đạo vương hỏi truyện lai lịch, biết là người tài trí. Nhưng ngài muốn thử cho biết rõ, mới sai lính đem thương, ngựa, cho Chế-Nghĩa cưỡi ngựa múa thương xem ra làm sao. Chế-Nghĩa phụng mệnh cầm thương, nhảy phắt lên ngựa, vừa phi ngựa vừa múa thương, ngọn thương vùn vụt, tiếng kêu ve ve, chỉ trông thấy bóng nhấp nhoáng xung quanh mình. Múa một hồi, chống thương xuống ngựa, các tướng ai cũng chịu là giỏi.

Hưng-đạo vương lại hỏi các mưu mô trong binh-thư, thì hỏi đâu nói đấy, không sót chỗ nào.

Hưng-đạo vương khen rằng:

— Người này chẳng kém gì tài Phạm-ngũ-Lão, ta lại được thêm một tay tướng tài!

Lập tức vào chầu vua, xin phong cho Nguyễn-chế-Nghĩa làm Tiên-phong tướng-quân.

Nguyễn-chế-Nghĩa lạy tạ ơn, rồi theo Hưng-đạo vương đi đánh giặc.

Hưng-đạo vương sai Chế-Nghĩa làm chánh tiên-phong, và sai hai tên tì-tướng là Hùng-Thắng, Huyền-Du làm phó tiên-phong, cho dẫn 3.000 quân đi trước, ngài dẫn đại quân đi sau.

Chế-Nghĩa dẫn quân đến châu Tư-minh, chia đóng ba đồn: Sa, Từ, Trúc, cự nhau với quân Thoát-Hoan.

Hưng-đạo vương đóng đại quân trên núi Phù-sơn, sai đại tướng là Nguyễn-Thức đem quân Thánh-dực, Dũng-nghĩa giữ chặn cửa sông Đại-than,[5] phòng quân Nguyên đi đường thủy kéo vào.

Nói về tiền-quân của Nguyên là Trình-bằng-Phi, Áo-lỗ-Xích tiến binh đi trước, thấy bên này đã lập ba trại chỉnh tề, giữ gìn cẩn thận. Hai tướng mới đem binh đến phá trại.

Nguyễn-chế-Nghĩa ra khỏi trại 10 dặm dàn trận. Trình-bằng-Phi cũng dẫn quân vừa đến.

Chế-Nghĩa thúc ngựa ra trước, quát lên rằng:

— Quân sống sót kia, sao còn dám đến quấy nhiễu nước tao?

Trình-bằng-Phi cũng mắng rằng:

— Sức nước mày được bao nhiêu, mà dám kháng cự với thượng-quốc? Quân ta hùng binh trăm vạn, chiến tướng nghìn viên, nếu mày biết thân, thì đừng khoe tài với tao mà uổng mạng!

Chế-Nghĩa nổi giận, múa thương thúc ngựa vào đánh. Bằng-Phi khoa một lưỡi khai-sơn đại-phủ ra cự chiến. Hai tướng đấu nhau 5, 6 mươi hợp, một thương một phủ, ra sức giao phong. Chế-Nghĩa đánh hăng quá, Bằng-Phi địch không lại, dần dần núng thế, Áo-lỗ-Xích liền múa đôi gươm xông vào đánh đỡ cho Bằng-Phi. Chế-Nghĩa một mình cự hai tướng, không núng chút nào. Bỗng đâu tiếng reo nổi lên, thì là quân của Hùng-Thắng, Huyền-Du chia làm hai ngả kéo đến. Quân Nguyên thất đảm xôn xao chạy ra tứ phía. Áo-lỗ-Xích, Trình-bằng-Phi thấy quân đã vỡ, cũng quay ngựa chạy về. Chế-Nghĩa thừa thắng đánh thốc vào trong đám quân Nguyên, các tướng giặc hễ thò tên nào ra địch là bị đâm chết. Quân Nguyên thấy Chế-Nghĩa khỏe mạnh lạ thường, đều kinh hoảng lạy thụp xuống trước ngựa, kêu xin thứ mạng.

Chế-Nghĩa thương tình không nỡ đuổi giết, mới thu quân về trại.

Hai tướng Nguyên bị thua một trận, căm tức lắm, hôm sau lại kéo quân đến phá trại. Nguyễn-chế-Nghĩa dẫn quân ra đánh, quân Nguyên lại thua lụn bại một trận nữa giở về.

Trình-bằng-Phi sai người phi báo với Thoát-Hoan. Thoát-Hoan nổi giận, sai A-bát-Xích dẫn thêm 1 vạn quân đến hợp sức với Trình-bằng-Phi, Áo-lỗ-Xích, để phá quân ta. Một mặt sai thủy-quân kéo vào cửa sông Đại-than.

Nguyễn-chế-Nghĩa nghe tin Thoát-Hoan thêm quân đến đánh, sai người báo tin với Hưng-đạo vương. Hưng-đạo vương vội vàng sai Phạm-ngũ-Lão, Cao-Mang, Đại-Hành dẫn quân lên giúp Nguyễn-chế-Nghĩa.

Quân Nguyên chia làm ba đạo: Trình-bằng-Phi đánh đồn Sa, Áo-lỗ-Xích đánh đồn Từ, A-bát-Xích đánh đồn Trúc. Phạm-ngũ-Lão cũng chia quân ra cứu ba mặt.

Nói về A-bát-Xích kéo quân đến đánh Nguyễn-chế-Nghĩa tại đồn Trúc, Chế-Nghĩa dẫn quân ra địch. Đôi bên đánh nhau cực dữ, sát khí mù giời. Chế-Nghĩa tuy khỏe, nhưng ít quân không địch nổi A-bát-Xích. May có Phạm-ngũ-Lão dẫn quân đến cứu, đánh rát một trận, quân Nguyên mới lui.

Còn hai mặt quân của Trình-bằng-Phi và Áo-lỗ-Xích đến đánh trại Sa và trại Từ. Tướng giữ hai trại ấy là Hùng-Thắng, Huyền-Du, hiệp với Cao-Manh, Đại-Hành, giữ gìn cẩn thận. Hai tướng Nguyên phá không nổi, cũng dẫn quân giở về.

Còn thủy-quân của Nguyên tự đường bể kéo vào cửa sông Đại-than. Tướng giữ cửa sông ấy là Nguyễn-Thức đã phục sẵn hai đạo thủy-quân ở hạ-lưu, rồi dẫn một đạo chiến thuyền lên cự địch. Chiến thuyền của Nguyên kéo bừa bãi vào đánh. Nguyễn-Thức giả thua lùi về. Quân Nguyên thúc thuyền vào đuổi, vừa được vài dặm thủy-trình, thì chiến thuyền phục hai bên đổ ra chặn ngang đường về, Nguyễn-Thức lại thúc thuyền quay lại, ba mặt đánh dồn vào, thuyền giặc bị phá vỡ tan tành, chìm đắm vô số. Còn cái nào chạy được, lại trút cả ra cửa bể. Nguyễn-Thức thắng trận, khua chiêng thu quân.

Thoát-Hoan nghe tin báo mấy đạo quân cùng bị thua, khí tức uất lên, gầm hét như sấm, nói rằng:

Quân ta vừa mới xuất trận, mà đã bị thua luôn, phỏng lâm đến đại quân thì đánh làm sao cho được?

Nói đoạn giậm chân đập tay, làm rinh cả trại. Các tướng ai nấy sợ xanh mắt.

Sực có một người bước ra thưa rằng:

— Xin thái-tử bớt giận, tôi xin dùng mẹo này, dù quân Trần mạnh đến thế nào cũng phải thua.

Thoát-Hoan trừng mắt trông ra thì là Nguyễn-bá-Linh.

Đó là:

Đang cơn tức giận gan như xé,
Chợt có lương mưu ruột cũng nguôi.

Chưa biết Nguyễn-bá-Linh hiến kế ra làm sao, sẽ xem hồi sau phân giải.



  1. Phùng-Hoan làm khách nước Tề, múa gươm cầu tiến dụng.
  2. Tổ-Địch làm tôi nhà Tấn, múa roi ra trước dẹp loạn.
  3. Đêm mưa tuyết, Bùi-Độ lẻn vào đánh giặc Hoài-sái.
  4. Điền-Đan ở thành Cử, dùng kế hỏa-ngưu, phá quân Kỵ-Kiếp.
  5. Thuộc Hải-dương.