Bước tới nội dung

Hưng Đạo vương/Hồi 10

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ MƯỜI

Thái-thượng-hoàng xa-giá hoàn cung.
Phạm-ngũ-Lão sắt cầm phỉ nguyện.

Bấy giờ thượng-hoàng cùng vua còn đóng ở Tràng-an, nghe tin Hưng-đạo vương thắng trận kéo về, mừng rỡ vô cùng. Vua thân ra cửa hành-cung đón vào. Hưng-đạo vương vội vàng xuống ngựa lạy phục cạnh đường. Vua thân ra đỡ đứng dậy, mời ngồi cùng một xe đi vào.

Hưng-đạo vương vào đến sân rồng, thượng-hoàng và vua mừng rỡ nói rằng:

— Giang sơn nước Nam ta lại được bình yên như cũ, toàn nhờ sức của vương cả.

Hưng-đạo vương tâu rằng:

— Tiểu-thần không sớm trừ được giặc, để đến nỗi xa-giá phải long đong năm sáu tháng giời, đó thực là một tội to, dám đâu nói đến công cán.

Thượng-hoàng an úy một hồi, lại cho đòi cả các tướng lên điện ngọt ngào úy dụ một lượt, rồi sai mở tiệc đại yến ăn mừng, trên từ vương hầu, dưới đến tướng sĩ, ai nấy cũng được dự tiệc.

Hưng-đạo vương đóng quân nghỉ lại ba hôm, rồi tâu vua xin rước xa-giá về Thăng-long.

Thượng-tướng Trần-quang-Khải tự khi khôi phục được kinh-thành, sửa sang cung điện chực xa-giá về đã lâu. Vì khi trước chưa được yên ổn hẳn, cho nên Hưng-đạo vương chưa dám rước về. Nay mới thực là bốn phương bình định, non nước như xưa. Tháng sáu năm ấy, Hưng-đạo vương suất các tướng sĩ hộ vệ xa-giá thượng-hoàng và vua tự sông Đại-hoàng khởi trình.

Hôm ấy khí giời mát mẻ, sông lặng nước bằng, chiêng trống vang giời, tinh kỳ rợp nước. Thuyền rồng chèo trên mặt nước, vùn vụt như bay. Đôi bên vệ đường đê kéo cờ treo đèn, già trẻ kéo ra xem đông như kiến, rõ ràng ra cảnh tượng thái bình.

Vua đứng trên thuyền rồng, ngắm xem phong cảnh vui vẻ, sực nghĩ đến những lúc trèo non vượt bể, trải mùi cay đắng, mới than rằng:

— Không ngờ bây giờ lại trông thấy quang cảnh này!

Đang khi nhìn trông phong cảnh, bỗng dưng thấy mây kéo tối sầm, cơn giông cơn gió ở đâu, ù ù kéo đến, nước sông cuồn cuộn, sóng trắng rập rềnh, thuyền bè trành nghiêng trành ngửa, ba quân mất vía, các tướng kinh hồn.

Hưng-đạo vương vội vàng sai quân bỏ neo, tụ cả các thuyền kèm giữ một chiếc thuyền rồng của thượng-hoàng và vua ngự. Một nhát thấy một người ở giữa dòng sông nổi lên, ăn mặc áo lính, tay cầm một cái hộp vàng, trèo sấn lên thuyền rồng, đệ đến trước mặt vua, quì xuống tâu rằng:[1]

Tôi phụng mệnh Đại-đô-đốc ở thủy-phủ, đem hộp thư dâng lên hoàng-đế ngự lãm.

Nói đoạn từ ra, nhảy xuống sông đi mất.

Vua ngạc nhiên lấy làm lạ, sai mở hộp ấy ra, thì thấy có một bức thư.

Thư rằng:

— « Thủy-phủ Đại-đô-đốc Giang đại-giao kính phụng thư tâu lên hoàng-đế: Tôi trấn thủ ở xứ này, nghe tin thánh-giá hoàn cung, lấy làm hân hạnh vô cùng. Vậy tôi thân xuất hết tướng sĩ quân quyền, ra đây đón mừng hoàng-đế. Vả lại tôi nghe hoàng-đế lắm cung-tần mĩ-nữ theo hầu, dám xin hoàng-đế giáng ơn ban cho một người, thì tôi đội ơn không biết ngần nào, sẽ xin thu hết phong ba, để hoàng-đế lên đường cho được ổn tiện. »

Vua xem thư nổi giận, hỏi Hưng-đạo vương rằng:

— Thủy-thần vô lễ dám ngăn trở đường trẫm, cầu đòi mĩ-nhân, thì vương tính sao?

Hưng-đạo vương cũng giận, tâu rằng:

— Vật nào yêu quái mà dám vô lễ làm vậy? Xin bệ-hạ khoan tâm, tôi xin sai dũng-tướng xuống giết được yêu thần ấy.

Nói đoạn lập tức lấy thanh thần-kiếm, truyền cho Yết-Kiêu lội xuống sông giết yêu quái.

Yết-Kiêu lĩnh mệnh cầm thanh kiếm nhảy xuống sông, bấy giờ hãy còn đang sóng to gió nhớn, Yết-Kiêu xuống đến đáy sông, thấy những ba-ba, thuồng-luồng, rải, rắn, cá to vô số. Các giống thủy-tộc xúm quanh cả vào chực nuốt Yết-Kiêu. Yết-Kiêu cầm thanh thần-kiếm, chém vung một lúc, các giống bị thương chết rất nhiều, tan giãn cả ra bốn phía. Yết-Kiêu cứ việc đuổi theo chém giết. Một nhát, thấy một con thuồng-luồng cực to, chờm đến trước mặt Yết-Kiêu. Yết-Kiêu vung thanh kiếm chém ra, thì hào quang tỏa ra ba trượng, con thuồng-luồng ấy biết là thần-kiếm, vùng ra chạy mất. Yết-Kiêu biết nó hẳn là chúa yêu, theo chiều sóng gió hết sức đuổi theo, con kia chạy không kịp, túng thế chui vào một cái hang nhớn cạnh bờ. Yết-Kiêu bấy giờ mới thôi, lại lội ra đến chỗ đóng thuyền nổi lên.

Tướng sĩ trên thuyền thấy Yết-Kiêu nhảy xuống sông, đang lúc ba đào hùng dũng, chắc là Yết-Kiêu phải chết dưới sông. Một nhát thấy máu đỏ loang lên mặt nước, rồi rải, rắn, cá, ba-ba nổi lên lềnh bềnh, mà Yết-Kiêu thì không thấy tăm hơi đâu, ai ai cũng đã lo thay, đang xì xào ngơ ngác, tự nhiên thấy giời lại quang đãng, sóng gió yên lặng, rồi thấy nước sủi lên sùng sục, Yết-Kiêu nhảy choàng lên thuyền.

Hưng-đạo vương mừng rỡ hỏi rằng:

— Xuống đó sự thể làm sao?

Yết-Kiêu thuật hết tình đầu như thế. Thượng-hoàng cùng vua đều mừng, khen cho Yết-Kiêu có sức mạnh và can đảm.

Yết-Kiêu tâu rằng:

— Tiểu-tướng chưa biết được con yêu quái, vì nó chui vào hang, vậy lại xin mang ngọn giáo dài xuống sông giết cho được yêu vật, đem lên dâng bệ-hạ.

Vua thấy bấy giờ sóng gió đã yên ổn, không muốn sinh sự, mới bảo rằng:

— Ngươi đã ra tài đuổi được giống ác vật ấy, nó không dám ngăn trở nữa thì thôi, bất tất phải nhọc sức làm chi nữa.

Liền lại sai tướng sĩ chỉnh đốn thuyền bè khởi hành. Cách hai hôm lên đến Thăng-long. Thượng-tướng Trần-quang-Khải đem văn võ trăm quan ra thành đón rước vào cung. Thượng-hoàng và vua về đến cung cấm, làm lễ bái tạ thiên-địa tôn-miếu, lại mở tiệc ăn mừng, cho tướng-sĩ ăn uống vui vẻ ba ngày.

Gia phong cho Hưng-đạo vương làm Hưng-đạo đại-vương. Các tướng có công ai nấy cũng được phong thưởng.

Những người Chiêm-thành, khi trước theo Toa-Đô, bị quan quân bắt được tha hết cho về nước. Các quân tướng bên Nguyên bị bắt, cũng tha cả cho về Tàu.

Nói về con gái nuôi Hưng-đạo vương là Nguyên công-chúa, từ khi Trinh công-chúa vào cung, còn một mình Nguyên công-chúa ở nhà hầu hạ phu-nhân, thường nghe thấy vương-phụ khen trong bọn gia-tướng có Phạm-ngũ-Lão văn võ toàn tài, anh hùng hơn cả. Nguyên công-chúa nghe lỏm thì cũng biết vậy, nhưng chưa rõ Phạm-ngũ-Lão là người thể nào. Một hôm, Hưng-đạo vương có việc vội cho đòi Phạm-ngũ-Lão vào hầu; lúc Phạm-ngũ-Lão đến thì Nguyên công-chúa có ý, ở nhà trong liếc mắt ra, thấy người tướng mạo khôi-ngô, oai phong lẫm liệt, đang trạc thanh niên, từ đấy đem lòng tơ tưởng.

Còn Phạm-ngũ-Lão ra vào hầu vương-phủ, thỉnh thoảng nghé thấy bóng hồng thấp thoáng trong vườn, trạc ngoài đôi tám xuân xanh, mắt phượng, mày ngài, mặt hoa, da tuyết, hỏi ra thì là con gái nuôi Hưng-đạo vương. Từ khi ấy Phạm-ngũ-Lão ngày ngẩn đêm mơ, lúc nào cũng nhớ tới Nguyên công-chúa. Lạ thay! giai tài gái sắc, hễ nghe tiếng nhau, hễ gặp mặt nhau, là sinh lòng quyên ái, nhưng hai bên chưa biết bụng nhau, không dám ngỏ nhời than thở, chỉ băn khoăn tình riêng trong dạ, mà yêu trộm nhớ thầm!

Đến khi giặc-giã, Ngũ-Lão phải theo quân đánh giặc; công-chúa thì theo phu-nhân tránh một nơi, có 5, 6 tên ả-hoàn và hai tướng tâm phúc đem một đội gia-đinh theo hầu.

Công-chúa nhân lúc loạn ly buồn bã, sực nghĩ đến mối tình, lại nhớ nhời tiên-mẫu, thường thường đêm khuya giằn giọc, thở ngắn than dài, không biết nhân duyên về sau thế nào. Huống hồ đương cuộc can qua chinh chiến, những người anh-hùng xuất thân báo quốc, biết đâu sinh tử dường nào, nếu rủi ra mà phải người anh-hùng tri kỷ, thì sơ tâm ao ước, chả hóa ra ảo mộng hư vô; công-chúa càng nghĩ càng lo, lại càng buồn. Vả lại xưa nay là người khuê các, bây giờ phải trèo non vượt suối, trải gió dầm mưa, thân bồ liễu chịu sao được phong sương, dần dần phải bệnh, mặt hoa ủ dột, mình ngọc gầy gùa.

Phu-nhân yêu dấu công-chúa, chẳng khác nào con sinh ra; nay đang lúc buồn rầu, lại thấy con phải bệnh, trong bụng bồn chồn, ngày đêm phiền não. Các ả-hoàn hết điều khuyên giải, và chạy thuốc men cho công-chúa, nhưng bệnh thế mỗi ngày một nặng, phu-nhân hỏi han, thì công-chúa chỉ thở dài không nói ra làm sao cả.

Trong bọn ả-hoàn có một đứa tên là Phương-Cúc sắc sảo tinh nhanh, đêm khuya hầu hạ, nghe tiếng công-chúa giằn giọc, đồ là công-chúa có chung tình. Nay lại thấy người mỗi ngày càng mòn mỏi, thuốc chữa không bớt, biết bệnh ấy hẳn là bệnh tương-tư, mới nói nhỏ với phu-nhân tình hình làm vậy. Phu-nhân cũng mang lòng nghi ngờ, nhân lúc thanh vắng, hỏi nhỏ công-chúa rằng:

— Con ơi! Bệnh con bởi tự đâu, con phải nói thực cho mẹ được hay?

Công-chúa chỉ rền rĩ ứa hai hàng nước mắt, nhất định không nói.

Phu-nhân lại hỏi:

— Con ơi! Từ khi chị con vào cung, mẹ chỉ có một mình con bạn vui cùng mẹ. Bây giờ cha con và các anh con phải đi dẹp giặc cả, hai mẹ con phải lặn lội thế này, mẹ nghĩ chua xót trong lòng, nay con lại đau ốm, thì cực lòng mẹ lắm.

Nói đoạn, phu-nhân ròng ròng sa nước mắt.

Công-chúa thấy mẹ buồn rầu, cũng động lòng khóc nức nở, rồi nói tảng ra rằng:

— Mẹ ơi! Con nhờ ơn cha mẹ nuôi con, coi con như con đẻ, công ơn ấy biết là ngần nào! Vì con xưa nay không đi xa bao giờ, nay phải dầm mưa dãi nắng, cho nên thành bệnh đấy thôi.

Phu-nhân lại dỗ rằng:

— Con ơi! Con có phải cảm phong sương, thì thuốc chữa phải bớt, nay bệnh mãi không khỏi, tất có duyên cớ sao đây, con phải nói thực cho mẹ biết, mẹ sẽ liệu phương kế chữa cho con. Nếu con không nói ra, mà chứa tích mảnh tình trong bụng, con mỗi ngày một héo hắt đi, thì làm thế nào?

Công-chúa trước còn nhất định không nói, rồi phu-nhân hỏi gặng mãi, mới khóc mà nói rằng:

— Mẹ ơi! Mẹ đã đoán được bệnh căn con, thì con cũng chẳng dám giấu gì mẹ. Con tự khi xưa chơi với chị con ở vườn hoa, có gặp tiên-mẫu nói đến duyên con về sau sánh với anh hùng. Nhưng con ở thâm khuê, thì biết anh hùng là ai, duy thường nghe vương-phụ khen tài Ngũ-Lão, con thiết tưởng như người ấy với con, mới thực là đẹp duyên phải lứa. Không ngờ giời làm ba đào, con phải lánh mình nơi khe suối, y cũng phải xông pha đám chiến-trường, đã chắc gì được thành nhân duyên về sau. Con nghĩ phận con, uổng sinh ra đời này, nên con thương tâm mà thành bệnh. Lạy mẹ, con cám ơn mẹ có lòng thương con, nhưng con tưởng chuyến này con không thể sống mà báo đáp ơn cha mẹ được.

Phu-nhân nghe xong tủm tỉm cười, nói rằng:

— Con ơi! Mẹ tưởng là con bệnh não thế nào, chớ việc ấy thì can gì mà ngại? Tiên đã dạy thì chắc là phải nghiệm. Vả lại Phạm-ngũ-Lão trí dũng song toàn, dù trải mấy trăm chiến-trận, cũng không việc gì. Con đã có tình như thế, để sau này mẹ sẽ nói truyện với cha con, chớ can gì mà phải lo phiền?

Công-chúa được nhời phu-nhân khuyên giải, lại có các ả-hoàn dỗ dành chăm chút thuốc thang, dần dần mỗi ngày một tỉnh tao.

Được vài ba hôm, công-chúa đang lúc canh khuya tơ tưởng, sực nghe ngoài cửa có tiếng ngựa chạy sồng sộc, công-chúa mở cửa ra xem, thì thấy bóng giăng sáng như ban ngày, một tướng tế ngựa chạy đến, mình mẩy máu me đầm đìa, trông ra chính là Phạm-ngũ-Lão. Mé sau lại thấy một lũ giặc Tàu đuổi theo, súng bắn đùng đùng. Ngũ-Lão thét lên một tiếng cực dữ. Công-chúa giật mình tỉnh dậy, té ra là một giấc chiêm-bao.

Công-chúa một mình ngẫm nghĩ, đồ là Ngũ-Lão tất bị hại rồi, khóc ầm lên. Cả nhà kinh động thức dậy. Công-chúa nhân hãy còn yếu, khóc một lúc rồi ngất đi bất tỉnh nhân sự. Phu-nhân kinh hãi không biết cơn cớ làm sao, sờ vào thấy người đã lạnh cả chân tay, mới sai các ả-hoàn xúm xít vào gọi, kẻ giật tóc mai, người nắm ngón tay, gọi dồn một hồi, công-chúa mới tỉnh. Phu-nhân sai đốt lá sơn và dùng các thuốc xoa bóp.

Phu-nhân thấy công-chúa đã tỉnh, mới hỏi rằng:

— Ban nãy con làm sao, bỗng dưng mà khóc, rồi ngất đi đến thế?

Công-chúa khóc nức khóc nở không nói. Phu-nhân bảo các ả-hoàn ra ngoài, rồi lại hỏi hai ba lần.

Công-chúa mới kể mộng làm vậy, và nói rằng:

— Mẹ ơi! Cứ như mộng con, thì chàng Phạm chắc đã bị phải tay giặc rồi.

Phu-nhân lại khuyên giải rằng:

— Xưa nay mộng mị huyền hoặc, chắc gì mà tin; vả lại con nhớ lắm thì thành mộng. Có làm gì việc ấy, con cứ yên tâm, mai sau con chắc sánh được người ấy.

Công-chúa từ bấy giờ lại tỉnh tao, dần dần ăn uống như thường, lại khỏe mạnh như trước. Xảy đâu nghe tin Hưng-đạo vương đã dẹp xong giặc, sắp sửa rước xa-giá hoàn cung, các tướng tá trọn vẹn không khuyết người nào. Cả nhà được tin mừng rỡ vô cùng. Phu-nhân cho người đưa tin về, nói với Hưng-đạo vương, rồi thu xếp sắp sửa về dinh.

Hưng-đạo vương được tin, sai ngay Phạm-ngũ-Lão đem một đội quân đến tận nơi ngụ sở đón phu-nhân và công-chúa về.

Ngũ-Lão đến nơi, vào lạy phu-nhân, trình nhời Hưng-đạo vương. Phu-nhân trông thấy Ngũ-Lão mừng mừng rỡ rỡ. Công-chúa thì thẹn thò nép vào đằng sau bình phong. Các ả-hoàn và hai tướng tâm phúc ai nấy bưng mồm cười khúc khích, phu-nhân quát mắng mới thôi.

Phạm-ngũ-Lão ngạc nhiên, không biết tình ý làm sao mà họ thấy mình lại cười, lui ra ngoài hỏi lại truyện hai tướng. Hai tướng mới thuật sự tình công-chúa tương tư. Ngũ-Lão thẹn đỏ mặt. Từ bấy giờ Ngũ-Lão mới biết là Nguyên công-chúa cũng có tình riêng như mình, và cảm bụng chung tình của công-chúa, nhưng trong lòng vẫn còn thấp thỏm, chỉ sợ Hưng-đạo vương không gả cho.

Hôm sau, phu-nhân lên đường; Ngũ-Lão rước phu-nhân lên song-loan, công-chúa thì ngồi riêng một xe, có dáng thẹn thò. Ngũ-Lão thỉnh thoảng trông trộm sau xe, ruột nóng như lửa chất, mong về đến dinh cho chóng, để xem tình ý Hưng-đạo vương ra làm sao.

Khi về đến dinh, Hưng-đạo vương ra cửa dinh đón phu-nhân vào. Bốn vị vương-tử cùng ra nghinh tiếp. Vợ chồng con cái, trông thấy nhau hoan hoan hỉ hỉ, đưa nhau vào dinh. Công-chúa lạy mừng phụ-thân, anh em hỏi han vần vã. Hưng-đạo vương sai mở tiệc tẩy trần, cả nhà đoàn viên vui vẻ, các tướng bộ-hạ cũng được dự tiệc.

Phu-nhân thừa nhan nói với Hưng-đạo vương rằng:

— Giai khôn dựng vợ, gái nhớn gả chồng, con em này đã tới tuần cập-kê, tướng-công nên tìm kiếm một người xứng đáng mà gả chồng cho nó.

Hưng-đạo vương gật đầu.

Phu-nhân lại nói rằng:

— Thiếp nghe Phạm-ngũ-Lão anh hùng xuất chúng, và lại đang trạc thiếu-niên, chính là vừa đôi phải lứa với con em, tướng-công nên gả cho y là hơn.

Hưng-đạo vương thấy nói chính hợp ý mình, mới nói rằng:

— Phu-nhân nói phải! Vậy để tôi sẽ liệu xem.

Phạm-ngũ-Lão từ khi đưa phu-nhân về đến dinh, chờ chực nghe ngóng hơn nửa tháng giời, không thấy tin tức gì, nóng lòng nóng ruột, nghĩ ngợi thâu đêm đến sáng, không biết vì cớ làm sao, một là truyện trước họ nói xằng, hai là Hưng-đạo vương tìm kén cửa công hầu, không thèm gả cho ta chăng? Nghĩ vơ nghĩ vẩn, lúc nào cũng mặt mũi thờ thẫn. Một khi bỗng thấy một tên lính hầu ra đòi vào Hưng-đạo vương hỏi truyện. Ngũ-Lão đã mừng thầm, chắc là hẳn vì việc nhân duyên ấy. Vội vàng chỉnh tề khăn áo đi vào. Vào đến nơi thì thấy có Chiêu-văn vương Nhật-Duật ngồi chơi, té ra là Chiêu-văn vương cho gọi vào hỏi truyện ôn tồn, Hưng-đạo vương cũng nói những truyện đâu đâu, chớ không có câu nào động đến truyện ấy. Một nhát, Chiêu-văn vương giở về. Hưng-đạo vương cũng lui vào nhà trong đi nghỉ, Ngũ-Lão buồn rầu biết là ngần nào, lại phải lủi thủi giở ra. Chân đi lững thững, thỉnh thoảng lại ngảnh cổ dòm vào nhà trong, xem tình-nhân có ý tứ gì không, nhưng cửa sâu nhà rộng, nhìn vào chẳng thấy gì cả.

Ngũ-Lão tức lắm, vì không biết rõ truyện ra làm sao. Sáng hôm sau, lại vào hầu Hưng-đạo vương thực sớm, và có ý muốn trông mặt tình-nhân một chút. Vào đến nơi thì ngài còn ngủ, Ngũ-Lão chờ chực một hồi lâu, không thấy ngài thức dậy, muốn dạo ra sau vườn hoa, giả tiếng xem phong cảnh, nhác trông thấy bóng hồng thấp thoáng dưới lầu. Ngũ-Lão dòm vào thì mĩ-nhân đã bước lên lầu, khuất người không trông thấy gì nữa. Ngũ-Lão ruột gan bấy giờ như xé, đứng ngây ra không khác gì người phải thuốc mê.

Một nhát thấy Hưng-đạo vương đã thức dậy, ra ngồi chơi ngoài cung đường, Ngũ-Lão vội vàng giở vào ra mắt.

Hưng-đạo vương hỏi:

— Nhà ngươi đến đây có việc gì sớm vậy?

— Bẩm đại-vương, tôi nhân ngồi nhàn, vào hầu đại-vương.

Hưng-đạo vương cho ngồi bên dưới, sai rót nước cho uống, rồi lại nói truyện nhàn đàm một lúc, cũng không nói động gì đến việc nhân duyên. Ngũ-Lão tuy vâng vâng dạ dạ, nhưng trong bụng chán hơn cơm nếp nát. Một lúc lại từ giở ra về.

Phạm-ngũ-Lão về đến nhà, lẩn thẩn ngồi nghĩ một mình, chắc là mĩ-nhân không có ý gì với mình, cho nên không thèm nhìn đến; mà Hưng-đạo vương cũng quyết là không thèm gả con cho một đứa đầy tớ; thôi thì cũng yên phận quạ chẳng dám sánh với phượng-hoàng, đừng nên mộng tưởng lắm cho mệt sức. Từ bấy giờ cơn nóng nẩy trước cũng nguôi nguôi dần, miễn cho lập được công danh, thiên-hạ không thiếu gì mĩ-nhân, tài-nữ.

Cách nửa tháng nữa, bỗng lại thấy Hưng-đạo vương cho lính đòi vào dinh. Ngũ-Lão bấy giờ không còn mong tưởng gì nữa, thấy đòi thì vào. Vào đến nơi, chào lạy xong, Hưng-đạo vương cho ngồi, sai pha nước uống.

Hưng-đạo vương nói truyện đâu đâu một vài câu, rồi hỏi rằng:

— Chằng hay nhà ngươi ở nhà đã kết duyên Tần Tấn với đâu chưa?

Nhời đâu có nhời như sét đánh bên tai, lửa tình tắt lạnh bấy nhiêu lâu, bỗng đâu lại thấy bừng lên, khác nào cho một vị thuốc cải tử hoàn sinh!

Ngũ-Lão bấy giờ biết chừng ngài có ý đến mình, nửa mừng nửa thẹn, mới thưa rằng:

— Bẩm đại-vương, chưa ạ!

Hưng-đạo vương có ý mừng rỡ, bảo rằng:

— Ta thấy nhà ngươi tài kiêm văn võ, có lòng yêu mến, vậy ta còn một công-chúa, muốn cho kết duyên cầm sắt với nhà ngươi, không biết ý ngươi thế nào?

Phạm-ngũ-Lão lạy tạ, nói rằng:

— Đại-vương có bụng thương yêu tôi như thế, biết lấy gì mà báo đáp hậu ơn cho được.

Hưng-đạo vương mừng lắm, liền sai kén ngày, làm lễ thành hôn. Đến hôm cưới, Hưng-đạo vương mở tiệc vui mừng, mời cả các vương hầu đến ăn yến. Phạm-ngũ-Lão và Nguyên công-chúa, hai vợ chồng thành hôn, giai tài gái sắc, vui vẻ biết là ngần nào!

Hưng-đạo vương lập riêng một dinh cho hai vợ chồng Phạm-ngũ-Lão ở. Ngũ-Lão tạ ơn Hưng-đạo vương, từ bấy giờ loan hoàng đẹp lứa, cá nước ưa duyên, cầm sắt hòa vui, trăm năm phỉ nguyện.

Đó là:

Bói phượng đã hài duyên thục-nữ,
Cưỡi rồng nay phỉ nguyện anh-hùng.

Chưa biết sau này thế nào, sẽ xem hồi sau kể truyện.



  1. Khúc truyện này huyền hồ lắm, đặt theo nhời tục truyền, không có đích sác.