Hưng Đạo vương/Hồi 2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ HAI

Khéo dùng mưu, thế bại thành thế thắng,
Chịu thông hiếu, cuộc chiến đổi cuộc hòa.

Bấy giờ vua Thái-tôn đóng quân ở sông Thiên-mạc, cự nhau với quân Mông-cổ non nửa tháng, sực lại có hai sứ-giả của Ngột-lương-cáp-Thai sai đến dụ hàng. Vua giận quân Mông-cổ độc ác, sai trói hai sứ-giả đuổi về. Liền hội các quan thương nghị kế phá giặc.

Trần-thủ-Độ hiến kế rằng:

— Quân Mông-cổ tự khi sang đây, đánh trận nào được trận ấy, tướng sĩ sinh bụng kiêu căng, coi ta rẻ rúng, chắc không phòng bị, vậy đêm hôm nay xin đến cướp trại giặc thì tất phá được.

Vua nghe nhời, sai Thủ-Độ, Nhật-Hiệu, Lê-phụ-Trần lĩnh 5.000 quân, dẫn 50 chiến thuyền, kéo tự đấy lên bến Đông-bộ-đầu. Một mặt sai Hưng-đạo vương, dẫn 3.000 quân mã men bờ sông tiến lên. Còn vua tự dẫn 30.000 quân tiếp ứng.

Chiều vàng vàng mặt giời, Thủ-Độ truyền quân ngả cờ im trống dần dần tiến lên bến Đông-bộ-đầu. Bấy giờ vào đầu hạ tuần tháng chạp, thuyền đi mặt nước, lấp loáng bóng giăng, mấy chòm u uất bóng cây xanh, một giải mông mênh mầu lụa trắng, bốn bề lặng ngắt, thuyền đi vùn vụt như tên. Khi canh hai gần đến trại giặc, cách 3 dậm mặt sông, gập mười chiếc thuyền tuần-tiễu của giặc mỗi thuyền ước chừng 30 người. Thủ-Độ nổi hiệu còi, dàn thuyền vây, bắt được 8 chiếc, còn 2 chiếc chạy thoát về phi báo. Thủ-Độ thúc thuyền bơi ùa vào đuổi mãi đến tận trại giặc, quả nhiên giặc không phòng bị trước. Lê-phụ-Trần trước hết xông vào, phóng hỏa đốt thuyền giặc, quan quân dàn thuyền ra ba mặt đánh thốc vào. Quân Mông-cổ đương giấc ngủ mê, choàng đứng dậy, kinh hồn thất đảm, xô xát dẫm nhau, kẻ thì chạy lên bờ, kẻ thì nhào xuống sông, chỉ tìm đường thoát thân, không ai bụng nào kháng cự.

Đêm hôm ấy, trên mặt sông, lửa sáng rực giời, trống đánh vang sông, Ngột-lương-cáp-Thai ở trại trên cạn, vội vàng thúc quân xuất chiến thuyền ra đánh, lại gặp phải đại quân của vua Thái-tôn vừa đến, hợp binh đánh giết, quân Mông-cổ chết hại rứt nhiều.

Ngột-lương-cáp-Thai thấy núng thế, lại kéo quân lên bộ tháo đường chạy. Quan quân chia làm hai mặt, một mặt đánh dưới sông, một mặt lên bộ đuổi theo.

Ngột-lương-cáp-Thai dẫn bại quân tất tả cắm đầu chạy, đến đầu canh tư bỗng thấy một tiếng pháo nổ, lửa cháy bùng bùng, quân ở đôi bên đường kéo ra đánh. Ngột-lương-cáp-Thai trông thấy hiệu cờ Hưng-Đạo vương cố sức chống cự một hồi, rồi vừa đánh vừa lui, chạy thoát vào thành Thăng-long.

Thuyền giặc phần bị cháy, phần bị đắm mất nhiều, chỉ chạy thoát được một ít mà thôi, còn bao nhiêu thì bị quan quân bắt được cả.

Sáng hôm sau, vua Thái-tôn đốc quân thắng trận lên sông Phú-lương, khôi phục kinh thành. Ngột-lương-cáp-Thai rút quân lên mặt thượng-du. Vua Thái-tôn thu phục kinh-đô, mở tiệc khao thưởng các tướng, phủ-dụ ba quân. Cất Lê-phủ-Trần làm Ngự-sử đại-phu, và gả Thiên-thánh công-chúa họ Lý cho.

Vua lấy nhời an úy rằng:

— Trẫm khen ngươi cả gan xông đột, nếu không có ngươi thì sao có lúc bây giờ, vậy ngươi nên gắng sức thêm lên, để cùng hưởng sung sướng với nhau mãi mãi.

Lê-phụ-Trần lạy tạ ơn vua.

Vua lại xá tội cho tên tiểu-hiệu Hoàng-cự-Đà. Nguyên khi trước vua có ban cho tả hữu, mỗi người một quả muỗm, Hoàng-cự-Đà không được, mang lòng căm tức. Đến khi đại-quân cự nhau với quân Mông-cổ ở Đông-bộ-đầu. Cự-Đà đi một chiếc thuyền lẻn về trước. Đi đến sông Hoàng-giang (thuộc về huyện Nam-sang) thì gặp Thái-tử đi thuyền ngược lên, Cự-Đà bơi thuyền lánh vào ven bờ. Quan quân trông thấy gọi to lên rằng: « Quân Mông-cổ ở đâu? » Cự-Đà vốn lòng căm tức đã lâu, nhân dịp nói cho hả, liền đáp lại rằng: « Không biết! hỏi những thằng ăn muỗm ấy! » Thái-tử nổi giận, muốn bắt trị tội ngay, nhưng còn mắc việc đánh giặc là quan hệ hơn, vậy mới để tội ấy không hỏi vội. Đến khi nay bình định đâu đấy, Thái-tử xin bắt tội Cự-Đà. Vua thương hại đứa ngu dại, vì một miếng ăn nên oán, coi quả muỗm to hơn quả núi Tản-viên, quên bụng trung vua yêu nước, dù có giết đi cũng chẳng làm gì, vậy vua xá tội cho thân sâu bọ ấy, để cho khi khác biết khôn đánh giặc mà chuộc tội.

Nói về Ngột-lương-cáp-Thai kéo quân về mặt thượng-du, qua địa phận Hưng-hóa để về Vân-nam. Khi qua một cánh rừng, bỗng thấy hai bên sườn núi, trống đánh thùng thùng, rồi thấy một đội quân mã, ước chừng 3.000 người, đầu đội nón buồm, mình mặc áo xanh, mỗi người tay cầm một đồ binh khí, lưng đeo một bộ cung tên, kéo tràn xuống núi, một tướng đi đầu mắt lồi, râu rậm, mặt sàm sạm đen, tướng dữ như cọp, một tay cầm lá mộc, một tay cầm mã-đao, quất ngựa xông vào, quát lên rằng:

— Quân kia đi đâu?

Ngột-lương-cáp-Thai sai tên tì tướng múa thương ra đánh, vừa nhẩy vào thì đã bị tướng ấy chém quay xuống ngựa. Quân Mông-cổ kéo bừa vào đánh, quân bên kia bắn tên ra như mưa, trên đầu tên có thuốc độc, ai hơi tin phải thì buốt vào đến xương rồi chết. Hai bên đánh nhau lộn bậy một hồi, Ngột-lương-cáp-Thai, tháo đường chạy được thoát. Quân Mông-cổ chết hại rất nhiều.

Tướng ấy nguyên là chúa trại Qui-hóa họ Hà tên Bổng, xưa nay vẫn là người hùng-dũng vùng ấy. Hà-Bổng biết tin quân Mông-cổ thua trận, tất do đường ấy về Tàu, cho nên họp tập quân mường, đón đường đánh chẹn ngang.

Ngột-lương-cáp-Thai dẫn quân về Vân-nam. Hà-Bổng thì sai người về kinh-đô, báo tin thắng trận, và nộp các đồ bắt được của giặc.

Vua thấy người can-đảm hùng-dũng làm vậy, cả khen và phong cho Hà-Bổng tước hầu lại ban thưởng cho rất hậu.

Quân Mông-cổ tự khi thua trận ấy trở về, phần là thua thì sinh chán, phần là mới lấy được Vân-nam, chỉ mong về cho chóng, không bụng nào tranh chiếm gì nữa, cho nên đi đến đâu không nhũng nhiễu gì đến dân sự. Dân thì còn biết bụng giặc là thế nào, thấy nó không quấy nhiễu, thì cho là giặc hiền lành, nhân đức, gọi là Phật-tặc, nghĩa là giặc hiền như bụt.[1]

Vua Thái-tôn bình định xong giặc Mông-cổ, sai sứ sang Tống-triều thông hiếu, cống một đôi tượng, vì bấy giờ nước ta vẫn phải cống về Tàu. Mông-cổ thấy vậy cũng sai sứ sang bắt ta phải cống. Vua nghĩ nước mình hẹp nhỏ, mà Mông-cổ tuy tạm thua một lúc, nhưng vẫn có thế hùng-cường, mà mình không có thể cưỡng mãi được. Nghĩ như thế mới sai Lê-phụ-Trần sang sứ, định 3 năm xin nộp cống một lần.

Tháng hai năm Mậu-ngọ, vua nhường ngôi cho Thái-tử Hoảng. Thái-tử lên ngôi, tức là vua Thánh-tôn, cải niên hiệu gọi là Thiệu-long. Tôn vua cha lên làm Hiển-nghiêu-thánh-thọ Thái-thượng hoàng-đế.

Vua Thánh-tôn lên ngôi phong em là Quang-Khải (con thứ hai vua Thái-tôn) làm Chiêu-minh đại-vương. Cất Nguyễn-giới-Huân làm Đại-hành-khiển, Lê-phụ-Trần làm Thủy-quân Đại-tướng-quân.

Năm Canh-thân niên hiệu Thiệu-long thứ ba (năm Cảnh-thịnh thứ nhất nhà Tống và năm Trung-thống thứ nhất vua Thế-tổ nhà Nguyên, lịch tây 1260) Mông-cổ sai Nạp-xích-Đinh mang chiếu-thư sang dụ rằng:

« Khi trước sai sứ sang thông-hiếu, dám giam chấp lại không cho về, cho nên năm ngoái mới sinh việc binh nhung. Khi sau cho hai sứ sang chiêu an, lại dám trói mà đuổi về. Nay lại cho sứ sang khai dụ lần nữa, nếu biết đổi dại dốc lòng nội phụ, thì phải thân sang chầu. »

Vua Thánh-tôn tiếp được thư, phục thư lại rằng:

— « Đợi khi nào có chiếu mạng đưa đến, sẽ xin sai tử-đệ vào làm tin. »

Nguyên Thế-tổ tiếp được thư giả nhời, bèn sai Lễ-bộ Lang-trung là Mạnh-Giáp và Viên-ngoại-lang là Lý-văn-Tuấn lại đem thư sang dụ rằng:

« Phàm các quan liêu, sĩ, thứ bên An-nam, áo, mũ, phép, tắc, mặc y cho tuân tục bản quốc. Trung-quốc cũng đã răn bảo các quan ngoài biên cương, cấm không được tự tiện xâm nhiễu, vậy cứ yên trị như xưa. »

Vua nghĩ nước mình nhỏ, quí hồ giữ được trong nước yên ổn, không ai xâm phạm đến quyền mình thì thôi. Vả lại việc thông hiếu cũng là việc thường, mà người ta đang mạnh thế, mình cũng không thể vượt được. Ngài mới mở tiệc yến trong cung Thánh-từ, thết đãi bọn sứ-giả, rồi lại sai Đại-phu là Trần-phụng-Công, và Viên-ngoại-lang là Nguyễn-Diễn sang sứ Mông-cổ đáp-lễ.

Vua Mông-cổ thấy nước ta xử tử-tế chịu phục, mới sai sứ đem sắc sang phong vương cho vua Thánh-tôn và ban thưởng 3 cuốn gấm Tây-thục, 6 cuốn gấm hoa vàng, định cho nước ta 3 năm phải một lần vào cống, mỗi lần cống phải nộp vài người nho-sĩ, và thầy-thuốc, thầy-bói, thầy toán-số, thợ thuyền mỗi hạng 3 người; lại phải cống đồ sản vật, như các hạng trầm-hương, sừng tê, trân-châu, đồi-mồi, vân, vân. Lại sai Nạp-xích-Đinh sang làm đạt-lộ-hoa-xích (tiếng Mông-cổ tức là quan chưởng-ấn) để giám trị các châu quận nước Nam.

Vua sai Dương-an-Dưỡng sang Mông-cổ tạ ơn. Mông-cổ lại tặng thêm một bộ đai ngọc, the lụa và các vị thuốc.

Vua tuy sợ thế Mông-cổ, bất đắc dĩ phải chịu nhún, nhưng vẫn có bụng căm tức, tháng ba năm Nhâm-tuất, vua xuống chiếu hội tập các tướng và quân-sĩ các nơi, tập chiến-trận ở bãi phù-sa sông Bạch-hạc (thuộc về tỉnh Vĩnh-an bây giờ), sửa sang đồ khí-giới, chế tạo chiến thuyền, có ý dự phòng việc chinh-chiến.

Bấy giờ Thái-sư Trần-thủ-Độ đã già yếu lắm. Đương mùa tháng chạp, giời bỗng nhiên nổi bão to, cây cối đổ ngổn ngang, dân gian tàn hại, mà Thủ-Độ phải bệnh mỗi ngày một nặng thêm, đến tháng giêng năm sau thì mất.

Thủ-Độ tuy là người thiển học, thờ nhà Lý thì thực là một tay gian-hùng tàn-ác, nhưng đến làm tôi nhà Trần, thì lại ra người hết lòng hết sức mấy vua, mà cầm quyền thì rất là công bình. Vua Thái-tôn được thiên-hạ, toàn là mưu mô tự Thủ-Độ cả; về sau Thủ-Độ vững lòng lo việc nước, khiến cho nhà nước nguy lại yên, kể ra thì cũng là một tay tài cán giỏi.

Có thơ khen rằng:

Sóng gió đùng đùng vận hiểm gian,
Một tay xoay xở chống giang-sơn.
Còn đầu còn vững lòng lo nước,
Ấy mới anh-hùng ấy mới gan!

Năm Bính-dần thứ chín, (niên hiệu Hàm-thuần thứ hai nhà Tống, và Chí-nguyên thứ ba nhà Nguyên, lịch tây 1266). Mông-cổ sai sứ đến ban chiếu cải nguyên và ban lịch mới năm ấy.

Tháng hai vua lại sai Dương-an-Dưỡng sang xứ Mông-cổ, xin định lại các thứ nộp cống, và xin miễn cho không phải cống các hạng nho-sĩ, bói-toán, thợ-thuyền, lại xin lưu Nạp-xích-Đinh làm đạt-lộ-hoa-xích mãi mãi.

Vua Mông-cổ tuy hứa nhời ưng cho, nhưng không bao lâu lại có chiếu sang bắt ta phải chịu sáu khoản sau này:

1∘ — Phải thân vào chầu;

2∘ — Sai con hoặc em sang làm tin;

3∘ — Biên số dân nộp sang;

4∘ — Phải chịu việc binh-dịch;

5∘ — Nộp thuế má;

6∘ — Vẫn cứ đặt quan giám-trị.

Vua Thánh-tôn thấy Mông-cổ bắt phải chịu sáu khoản như thế, tuy ngoài mặt vâng nhời, nhưng vẫn dùng dằng không chịu. Cách hai năm sau, Mông-cổ lại sai Hốt-lung-hải-Nha sang thay cho Nạp-xích-Đinh làm đạt-lộ-hoa-xích, mà Trương-đình-Trân thì làm phó đạt-lộ-hoa-xích. Hai người mang chiếu thư của vua Mông-cổ đến, vua nhận chiếu không bái mạng, mà cũng không xuống chào mời bọn sứ-thần. Vua bảo với bọn ấy rằng:

— Các ngươi là một chức quan trong triều, ta đây là một vì vua ngoại-quốc, các người ngang hàng thế nào được với ta?

Trương-đình-Trân nói rằng:

— Chúng tôi tuy làm quan, nhưng là người của thiên-tử; người của thiên-tử tuy rằng nhỏ, cũng còn ở trên hàng vua chư-hầu.

Vua nghiễm nhiên không đáp lại. Bọn ấy biết ý vua không nghe, từ giở ra về.

Không bao lâu tòa Trung-thư bên Mông-cổ lại viết thư sang dẫn nghĩa xuân-thu nói: « Nguyên, là trung-quốc, mà Nam-việt là chư-hầu nghĩa tất phải kính trọng thiên-sứ. » Vua cũng nhất định không chịu, sai Lê-Đà và Đinh-củng-Viên sang sứ Mông-cổ biện bác nghĩa ấy.

Lê-Đà, Đinh-củng-Viên, hai người đều có tài ứng đối, khi ấy phụng mệnh đi sứ, sang đến triều-đình Mông-cổ, vua Mông-cổ mắng rằng:

— Các ngươi là sứ-thần Nam-man có phải không?

Lê-Đà tâu rằng:

— Tâu thiên-triều hoàng-đế, mọi-rợ mới gọi là man, nước chúng tôi là nước văn-hiến, không tranh bờ lấn cõi nước nào, mà cũng không hà hiếp ai, không gọi mà man được. Chúng tôi là sứ-thần Nam-quốc, chớ không phải sứ-thần Nam-man.

Vua Mông-cổ thấy nói có ý sỏ siên, tức giận, quát mắng:

— Nam chúa nhà các ngươi, không biết sức mình, làm sao dám ngạo-nghễ cả với thiên-triều?

— Chúa chúng tôi cũng chịu thiên-triều là to nhớn hơn, mới phải cống hiến, sao lại gọi là ngạo-nghễ?

— Vậy chớ sao chiếu-thư đến không lạy, mà lại không kính trọng sứ-thần?

— Lễ bái, chẳng qua là hư-văn, che mặt thế gian ở ngoài. Chúa chúng tôi kính trọng thiên-triều, là cốt tự trong lòng. Thiên-triều nếu sử nhân đức với ngoại-quốc, thì dù chẳng lễ nhưng vẫn kính trọng muôn phần; nếu không có bụng kính trọng thì cho rằng bày hương-án, áo mũ lễ thì thụp, cũng chẳng ra gì. Còn như sứ-thần chẳng qua là một người của thiên-triều sai sang, hoàng-đế là vua một nước nhớn, chúa tôi cũng là vua một nước nhỏ, có chịu thì chỉ chịu kém hoàng-đế mà thôi, có nhẽ đâu lại phải kém cả đầy-tớ của thiên-triều nữa?

Vua Mông-cổ thấy hai người cãi gàn, lại càng giận lắm, hầm hầm quát rằng:

— Quân tao đi đến đâu, tan vỡ đến đấy, chỉ sông, sông cạn, chỉ núi, núi tan, chúng bay có biết không?

Đinh-củng-Viên tâu rằng:

— Hoàng-đế đem nhân nghĩa ra trị thiên-hạ, thì ai chẳng kính phục; nếu chỉ cậy binh hùng tướng dũng, thì nước nào chẳng có binh có tướng, có sông núi hiểm trở? Nước chúng tôi tuy nhỏ mọn, cũng đủ binh tướng cho ra tiếp ứng quân của thiên-triều.

Vua Mông-cổ thấy hai người ứng đối cứng cỏi, mà nói cũng có nhẽ dễ nghe, biết là không ăn hiếp nổi, mới dịu sắc mặt dụ rằng:

— Các ngươi nói tuy có nhẽ, nhưng phép xưa nay có chiếu mạng thiên-triều đến thì phải lạy, mà phải trọng đãi sứ-thần. Nếu từ sau còn cưỡng nữa, thì trẫm sẽ cất quân đến hỏi tội đó.

Hai người lạy từ giở ra.

Sáng hôm sau, Mông-cổ mở một tiệc yến trên tròi cao. Tròi có một cột cao 10 trượng, ở trên cắm một đôi tàn, mời hai sứ lên ăn yến. Hai người biết Mông-cổ muốn thử tài, không lên thì tất bị chúng cười, mới trèo thang lên ăn yến. Vừa lên khỏi, quân Mông-cổ ở dưới cất thang. Hai người cứ vững vàng ăn uống như không, no say đâu đấy, mỗi người cầm một cái tàn từ trên trời nhảy xuống. Tàn hứng gió cứ từ từ xuống đất, quân Mông-cổ ai cũng chịu là có trí.

Mông-cổ thấy vậy lại bắt hai người giam vào một cái chùa, không cho thức gì ăn cả, khóa kín cửa bốn bề, hẹn rằng: « Hết một tháng thì cho ra. » Hai người ở trong chùa, chỉ thấy có hai ông bụt và một chum nước.

Lê-Đà bảo với Đinh-củng-Viên rằng:

— Có nước thì tất phải có cái, hai ông bụt này chắc là đồ ăn của ta đây!

Hai người mới bẻ ra xem, thì quả nhiên bụt làm bằng bột nhào với đường, ngoài thì sơn son thiếp vàng. Hai người từ đó mỗi bữa bẻ dần ra ăn, rồi múc nước trong chum ra uống.

Đầy một tháng, quân Mông-cổ mở cửa ra xem, thì thấy hai người vẫn mạnh khỏe, mà bụt thì biến mất.

Quan Mông-cổ hỏi rằng:

— Chớ nào hai ông bụt trong chùa ở đâu?

Hai người thưa rằng:

— Nhân sinh thành phật, phật tử thành nhân. Hai ông bụt ấy tức là hai chúng tôi ở đây.

Quan Mông-cổ vỗ tay cười ầm cả lên, khen hai người có tài ứng-biến, mới tâu với vua Mông-cổ cho về.

Từ bấy giờ đôi bên lại hòa-hiếu như trước. Sang năm Tân-mùi, Mông-cổ cải quốc-hiệu gọi là Đại-Nguyên, sai sứ sang dụ vua Thánh-tôn vào chầu, vua từ rằng mệt yếu không đi được.

Tháng tư năm sau, Nguyên sai sứ sang hỏi cột đồng-chụ ở thời Mã-Viện dựng lên về xứ nào. Vua sai viên-ngoại-lang là Lê-kính-Phu hội đồng với quan Nguyên đi khám, tìm tra lâu ngày không thấy, rồi nói là cột ấy lâu năm đổ mất, nay không tường về xứ nào. Việc ấy rồi cũng thôi.

Cách ba năm sau, Nguyên lại sai Diệp-thức-Nghê sang thay làm đạt-lộ-hoa-xích.

Nhân dịp ấy, vua sai sứ sang Nguyên thương thuyết rằng:

« Chức đạt-lộ-hoa-xích nên đặt vào các nước mường rợ; chứ như bản-quốc là một nước chư-hầu, nhẽ đâu lại sai quan giám trị. Vậy xin đổi chức ấy gọi là sứ dẫn-tiến. »

Nguyên không nghe, lại trách phải chịu sáu khoản triều cống kể trước, và có ý muốn nhân sự ấy gây việc binh đao, thường thường sai quân đi tuần kiểm xem xét địa thế.

Đó là:

Thông hiếu muốn yên trong một nước,
Thị hùng lại chực ếp muôn phần.

Chưa biết đôi bên rồi ra làm sao, sẽ xem hồi sau phân giải.


  1. Cứ trong Nguyên-sử thì Ngột-lương-cáp-Thai bình xong Đại-lý, đem quân tràn sang nước Nam, vì là sai sứ đến dụ hàng không thấy sứ về. Ngột-lương-cáp-Thai chia đường kéo quân vào nước Nam, thừa thắng đến tận kinh-thành, đóng đấy 9 ngày, vì nắng nực lắm mà phải rút quân về Tàu. Cứ Nam-sử, thì bấy giờ đang tháng chạp, làm gì có nóng nực, hoặc giả tướng Nguyên kiêng nói sự thua, mới nói thác ra thế.