Hưng Đạo vương/Hồi 3
HỒI THỨ BA
Trá hòa-thượng xem mặt kiêu-kỳ,
Phong sứ-giả gợi đường sinh sự.
Nguyên-chúa có ý muốn gây truyện, thường sai quân đi lại xem xét địa thế. Quan trấn-thủ mặt bắc sai người về báo.
Vua Thánh-tôn một đường sai Lê-khắc-Phục, Lê-thúy-Kim sang sứ Nguyên-triều giảng giải sự tranh cạnh; một đường sai Đào-thế-Quang giả tiếng sang mua thuốc bên Long-châu, để thám binh-tình xem làm sao.
Lê-khắc-Phục, Lê-thúy-Kim phụng mệnh sang Nguyên-triều giảng giải. Nguyên-chúa không nghe, nói rằng:
— Nam-chúa muốn trẫm bãi binh, thì phải thân vào chầu mới được.
Hai người từ giở về.
Thái-tôn thượng-hoàng từ khi nhường ngôi, nhất thiết công việc trong nước, giao phó cho vua xử đoán, duy có việc gì quan hệ, thì ngài vẫn tự chủ trương. Lúc nhàn nhã, ngài vui chơi trong cảnh chùa chiền, thường thường ngự chơi chùa núi An-tử. Một-bữa, ngài ngồi chơi trong ngự-đường, bỗng có con rết leo lên áo ngự. Ngài giật mình, vội vàng giũ con rết ấy xuống đất, thì thấy có tiếng kêu leng keng, té ra là một cái đinh. Có người đoán rằng: « Đinh tức là năm Đinh, điềm này đến năm Đinh thì có sự. » Đến năm Đinh-sửu quả nhiên ngài phải bệnh, tháng tư ngài cưỡi rồng lên chầu giời.
Ngài là một vị minh quân, có đức hiền hậu, thay ngôi nhà Lý tự khi 8 tuổi, trị vì 33 năm, nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi.
Vua Thánh-tôn và quần thần dùng nghi lễ rước ma táng tại Chiêu-lăng ở phủ Long-hưng (xưa là đất làng Đa-cương thuộc tỉnh Hưng-yên, vì nhà Trần có tổ mộ ở đấy, mấy gọi là phủ Long-hưng.)
Tháng mười năm sau là năm Mậu-dần, vua Thánh-tôn nhường ngôi cho thái-tử Sấm. Thái-tử lên ngôi, cải niên hiệu gọi là Thiệu-bảo, tức là Nhân-tôn hoàng-đế, tôn vua cha gọi là thượng-hoàng, lại theo như khuôn phép khi trước.
Nguyên-triều nghe tin Thái-tôn thượng-hoàng thăng hà, muốn nhân dịp trong nước có tang, gây sự khởi binh, mới sai Lễ-bộ Thượng-thư là Sài-Thung sang sứ dụ vua vào chầu.
Sài-Thung đi tự Giang-lăng đến Ung-châu rồi vào nước ta, đi đến đâu sách nhiễu đến đấy. Khi đến kinh-thành, lên mặt kiêu ngạo, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương-minh, đến mãi đền Tập-hiền mới xuống ngựa.
Thung sai đưa thư vào trách vua rằng: Sao không xin phép thiên-triều, mà dám tự lập? Nay phải thân sang chầu thiên-triều hoàng-đế mới xong.
Vua sai người mời Sài-Thung vào sứ quán nghỉ ngơi, và sai Tướng-quốc Thái-úy là Trần-quang-Khải ra khoản tiếp.
Sài-Thung cậy mình là sứ-thần và quyền cao chức trọng ở đại-quốc đi đến tiểu-quốc, không coi ai thấm vào đâu. Khi Tướng-quốc Quang-Khải vào ra mắt, Thung vắt vẻo nằm trên sập, không thèm đứng dậy, mà cũng không thèm đáp lại một nhời. Quang-Khải không sao được giở ra.
Hưng-đạo vương nghe truyện làm vậy, căm tức vô cùng, muốn vào thẳng xem mặt mũi ý tứ đứa kiêu ngạo làm sao, nhưng ngại mình là người An-nam, thì nó tất không nói mấy. Ngài vốn thuộc tiếng Tàu, mới cạo đầu, mặc áo cà-sa, cổ đeo tràng-hạt, giả làm một người bắc hòa-thượng, đến cửa quán xin vào bái kiến.
Sài-Thung thấy có sư Tàu vào chơi, cho người ra mời vào trong nhà, đứng dậy chào hỏi, pha chè thiết đãi.
Ngài chào trước nói rằng:
— Nam-vô A-di-đà-phật! Bản-tăng nghe tin tướng-công đến đây, vậy xin vào bái kiến.
Thung hỏi lại:
— Sư-già pháp hiệu là gì, quê quán ở đâu?
— Bẩm tướng-công, bản-tăng hiệu là Huyền-minh, quê ở làng Thạch-đỗng tỉnh Hồ-nam.
— Người ở chùa nào, tu trì đã được bao lâu?
— Bản-tăng bỏ xứ sở sang Nam-quốc, đã ngoại 10 năm nay, mây bay thiên-hạ không định xứ nào, gần nay bản-tăng trụ trì tại chùa Nhất-trụ cạnh thành này, nên mới được biết tin tướng-công mà đến hầu. Vậy xin hỏi tướng-công đến đây có việc gì?
— Tôi nhân phụng mệnh trung-triều hoàng-đế, đến đây dụ Nam-quốc vương vào chầu.
— Bữa qua bản-tăng nghe có Tể-tướng Nam-quốc vào hầu tướng-công, tướng-công không thèm hỏi đến, có truyện thế không?
— Phải, chúng nó thấm vào đâu, mà tôi chào hỏi! Có sư-già là người bản-quốc, thì tôi còn muốn nói truyện, còn như đồ nhỏ nhặt ấy, tôi có coi vào đâu!
— Nam-vô phật! Tướng-công nghĩ thế cũng phải, nhưng trò ở đời, mất gì một nhời nói, tướng-công tự quí, mà để cho người ta mất lòng, thiết tưởng cũng không nên.
— Mất lòng thì chúng nó làm gì nổi được tôi; chúng nó muốn giang-sơn nhà nó ra cám, thì hãy trêu đến tôi!
— Nam-vô phật! phật tổ phù hộ cho tướng-công bình yên, vạn thủy thiên sơn, đi đến nơi về đến chốn.
Hai người trò truyện một hồi, có đứa đầy tớ Sài-Thung, thấy đầu sư trọc, tinh nghịch lấy mũi tên đâm vào đầu, máu chảy ròng ròng, mà ngài vẫn nghiễm nhiên trò truyện, tựa hồ không biết. Dã-Tượng, Yết-Kiêu đứng xem ngoài cửa, thấy quân xấc lếu như thế, nổi giận hầm hầm thốc vào cửa, lính canh hơn 20 tên cản lại không nổi. Ngài thấy ngoài cửa xôn xao, trông ra thì thấy hai người đang đá những quân canh, ngã lăn ngã lộn, kêu giời kêu đất; ngài liếc mắt một cái, hai người hằn học cắm đầu đi ra, rồi lẩn mất.
Ngài từ đứng dậy giở ra, Sài-Thung tiễn ra khỏi cửa, nhưng vẫn chưa biết sự cớ làm sao. Dần dần mới vỡ nhẽ hai người ấy là đầy tớ Hưng-đạo vương, mà nhà-sư tức là Hưng-đạo vương. Sài-Thung lấy làm xấu hổ, mang lòng thù oán.
Hưng-đạo vương về dinh mắng Dã-Tượng, Yết-Kiêu rằng:
— Chúng nó tuy chẳng ra gì, nhưng vua còn đương giữ lễ với ngoại-quốc, sao chúng ngươi dám càn làm vậy?
Hai người nói rằng:
— Chúng tôi thấy nó hỗn láo, muốn đánh chết ngay chúng nó đi, để làm gì những quân kiêu ngạo ấy.
Hưng-đạo vương lại mắng rằng:
— Chúng nó tuy vô lễ, nhưng mình phải kính quân mệnh làm trọng.
Hai người nín lặng giở ra.
Vua Nhân-tôn tuân lệ cũ, mở tiệc yến trong hành-lang, mời Sài-Thung ăn tiệc. Thung vẫn bắc hực kiêu kỳ, không thèm đến.
Bữa sau phải mở tiệc khác ở đền Tập-hiền, cho đón trước hai ba lần mới đến. Khi uống rượu, Thung nhắc lại việc trước, dụ vua vào chầu.
Vua nói thác ra rằng:
— Quả-nhân xưa nay sinh trưởng ở trong cung, không quen phong thổ, không thể nào đi được.
Tàn tiệc, Sài-Thung từ ra, cách vài hôm về nước.
Vua sai Trịnh-đình-Toản, Đỗ-quốc-Kế mang thư sang sứ Nguyên. Nguyên-triều thấy Nam-vương không vào chầu, mà chỉ đưa thư sang nói thoái thác ra việc nọ việc kia. Các đình-thần xin cất quân sang đánh. Nguyên-chúa còn ngần ngại chưa quyết, mới giữ bọn Trịnh-đình-Toản ở lại không cho về.
Nguyên-chúa lại sai Thượng-thư là Lương-Tằng sang dụ rằng:
— Nam-quốc vương nếu không thể thân sang chầu được, thì phải tiến một người bằng vàng, đôi mắt bằng ngọc trân-châu để thay; lại phải nộp hiền-sĩ, các thầy âm-dương bói-toán, các thợ khéo, mỗi hạng hai người.
Vua sai người chú họ là Trần-di-Ái và Lê-Tuân, Lê-Mục, sang sứ Nguyên để thay vua vào chầu. Nhưng Nguyên chúa không bằng lòng, có ý muốn chiếm giữ quyền cai trị nước Nam, giáng chỉ lập một tòa Tuyên-phủ-tư ở nước Nam, sai Bốc-nhan-nhiếp-mộc-Nhi sang làm chánh-sứ, đặt nhiều liêu thuộc để giám trị các châu huyện. Bọn Mộc-nhi phụng chỉ đáo nhậm, vua không nhận đuổi cả về Tàu.
Nguyên-chúa thấy bọn ấy giở về, đùng đùng nổi giận, lập ngay Trần-di-Ái lên làm Nam-quốc vương, phong cho Lê-Mục làm Hàn-lâm Học-sĩ, Lê-Tuân làm Trung-thư-lịnh. Lại sai Sài-Thung dẫn 1000 quân hộ tống cho bọn ấy về nước.
Trần-di-Ái tuy không có bụng phản-quốc, tranh ngôi, nhưng cũng không biết thủ nghĩa, từ chối làm sao, thấy Nguyên chúa phong cho cũng nhận, đưa về cũng về; chắc cũng đồ là chuyến này nhờ sức cường-bang, may việc xong ra thì một đời vinh hiển; nhược bằng không xong, thì đổ cho là Nguyên chúa bắt hiếp, tất cũng không việc gì. Vì thế mới theo Sài-Thung về nước.
Sài-Thung đưa bọn Di-Ái đến đầu cõi Nam-quan. Có tin phi báo về kinh-đô. Vua nổi giận nói rằng:
— Đồ thất-phu! Sao dám vô lễ làm vậy?
Liền sai Tướng-quân là Nguyễn-Khoái dẫn một đội quân lên mặt thượng-du đón đường đánh quân Sài-Thung và bắt quân phản-quốc ấy về.
Nguyễn-Khoái phụng mệnh dẫn quân đi, đến Lạng-sơn thì gặp quân Sài-Thung vừa đến. Nguyễn-Khoái dàn quân chặn ngang đường.
Sài-Thung cưỡi ngựa ra trước trận mắng rằng:
— Đàn sâu bọ kia! Đây tao đưa vua mới nhà mày về đây, biết thân thì hàng ngay đi cho chóng việc, đừng để quân tao phải bận tay chém giết.
Nguyễn-Khoái trừng mắt lên trông, thì chính là mặt đứa kiêu ngạo khi trước, liền quát rằng:
— Bớ quân coi người bằng nửa con mắt kia! Mày khinh người vừa chứ, hôm nay tao mới ra tay cho mày.
Nói vừa buông nhời, giương cung bắn ra một phát, tin ngay vào giữa mắt Sài-Thung, ngã lăng xuống ngựa. Các tướng Nguyên xô ra, kẻ thì cứu Sài-Thung đứng dậy, kẻ thì thúc ngựa ra tiếp đánh Nguyễn-Khoái. Quan quân kéo tràn vào đánh, quân Nguyên vì có chủ tướng đã bị thương, không dám kháng cự nữa, cứu được Sài-Thung rồi thì vừa đánh vừa chạy, Nguyễn-Khoái đuổi hơn 20 dặm mới thôi.
Sài-Thung thoát nạn về Tàu, còn bọn Trần-di-Ái, thì nhân lúc loạn quân, chạy trốn vào rừng, rồi về triều-đình thú tội.
Di-Ái lạy vua khóc mà tâu rằng:
— Tâu lạy bệ-hạ, chúng tôi bị Nguyên chúa bắt hiếp, chớ quả không có bụng nào dám phản quốc.
Mặt rồng nổi giận, mắng rằng:
— Đồ súc sinh kia! Ngươi có phải trung tâm với chúa, thì dù nó ăn hiếp thế nào mặc lòng, chỉ có chết là cùng, chớ sao ngươi dám nghe nhời nó, mà lại dắt giặc về đây?
Các quần-thần xin đem chính pháp, vua còn thương là người tôn-thân, mới cách hết cả chức tước bọn ấy, đầy ra nơi khác làm quân lính.
Bấy giờ Nguyên Thế-tổ đã triệt xong Tống-triều, nhất thống thiên-hạ, đã được ba năm; văn-thần, võ-tướng như rừng, lương-thảo, quân binh tựa bể; đánh đông dẹp bắc, tiếng lừng lẫy khắp đến Âu-châu; đạp núi lấp sông, oai hùng cường nhất trong hoàn-võ; có uy thế ấy, chắc là sai khiến các nước nhỏ thế nào cũng phải chịu; chuyến này cho Sài-Thung đưa bọn Trần-di-Ái về, quyết hẳn Nam-quốc không dám cự; mà Sài-Thung cũng tưởng rằng: « Ta phụng mệnh hoàng-đế, đem binh sang nước nhỏ mọn, chắc họ phải sợ ta như cọp ». Ai ngờ nghìn quân đi, trăm quân giở về; hai mắt sang, một mắt giở lại; vừa đau vừa xót, vừa thẹn vừa tức, đi đường cho mau cho chóng, để về mà thuật tình khổ não ấy.
Khi về đến triều, Sài-Thung khóc lóc tâu với Nguyên chúa rằng:
— Tâu bệ-hạ, tiểu-thần phụng mệnh đưa Trần-di-Ái về nước, không ngờ Nam-quốc vương cự mệnh, sai quân ra đón đường đánh tiểu-thần, đến nỗi tiểu-thần bị thương về đây, xin bệ-hạ cất quân hỏi tội rửa thù cho tiểu-thần.
Nguyên chúa cả giận, hội các tướng-sĩ lại hỏi rằng:
— Trẫm từ khi khởi binh đến nay, đánh đông dẹp bắc, đâu đâu cũng phải chịu oai quyền của trẫm, chẳng hề nước Nam kia nhỏ vừa bằng cái bàn tay ếch, thế mà hai thứ làm nhục quân của trẫm rồi, tướng-sĩ các ngươi nghĩ sao?
Thái-tử tên là Thoát-Hoan tâu rằng:
— Tâu lạy vua cha, xin vua cha chớ ngại, con xin đề binh sang đánh, chắc là thu được Nam-quốc vào trong tay áo.
Sực có một tướng nhảy ra tâu rằng:
— Tiểu-tướng xin theo thái-tử sang bình Nam.
Nguyên chúa trông ra thì thấy tướng ấy mặt to mồm rộng, mắt sắc như dao, tướng hổ, mình beo, tay vượn, lưng gấu; tướng ấy tên là Toa-Đô, tay sử nổi một đại-đao nặng 80 cân, sức khỏe địch đổ muôn người, nguyên là một dũng-tướng bộ-hạ của Nguyên chúa.
Nguyên chúa mừng rỡ cho đi. Sực lại có một tướng khác bước ra tâu rằng:
— Tiểu-tướng xin hiệp sức với Toa-Đô, giúp Thái-tử.
Nguyên chúa trông ra thấy người này tướng cũng dữ tợn, mình cao 9 thước, lưng đẫy 10 vây, tên là Ô-mã-Nhi, cũng là một kiêu-tướng.
Nguyên-chúa cả mừng, hỏi rằng:
— Vậy thì các ngươi có kế gì chưa?
Tả-thừa là Lý-Hằng hiến kế rằng:
— Bệ-hạ muốn đánh Nam-quốc, nên cho một mặt sang đánh Chiêm-thành[1], ta sẽ giả tiếng đánh Chiêm, mà mượn đường đi qua Nam-quốc, bắt y phải ứng biện lương thảo. Khi nào vào đến trong nước, thì thừa cơ mà đánh, khiến cho y không biết đâu mà phòng bị trước.
Nguyên chúa nghe kế ấy, sai Thoát-Hoan làm Trấn-nam vương, tổng thống đại quân. Lý-Hằng làm Tả-thừa, Lý-Quá làm Hữu-thừa, hai người tham-tán nhung-vụ. Toa-Đô, Ô-mã-Nhi, Đường-ngột-Đải, Phàn-Tiếp làm Đại-tướng-quân khởi 50 vạn quân sắp sửa kéo sang Nam-quốc.
Quan trấn-thủ Lạng-sơn tên là Lương-Uất, cho người do thám được tin Nguyên sắp cất quân, vội vàng sai người chạy ngựa trạm về kinh-đô phi báo.
Vua được tin cả kinh, hội cả quần thần văn võ lại thương nghị.
Đó là:
Đang cuộc thanh bình vui quản nhạc,
Bỗng trong thảng thốt nổi phong ba.
Chưa biết hội đồng bàn ra làm sao, sẽ xem hồi sau phân giải.
- ▲ Bây giờ là tỉnh Phú-yên và Bình-định ở Trung-kỳ.