Hưng Đạo vương/Hồi 8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ TÁM

Cửa Hàm-tử, Chiêu-văn phá giặc,
Bến Chương-dương, Thượng-tướng lập công.

Hưng-đạo vương trông ra thấy Phạm-ngũ-Lão tình nguyện xin đi. Ngài mừng lắm, sai dẫn 5.000 quân vào Nghệ-an hiệp lực với Trần-quang-Khải giữ chặn đường Toa-Đô, Đường-ngột-Đải, Ô-mã-Nhi.

Toa-Đô, Đường-ngột-Đải, Ô-mã-Nhi tự khi phá được mấy trại, đánh thẳng ra ngoài. Quang-Khải cự không nổi, phải lui quân giữ chặn đường hẻm; không dám ra đánh.

Phạm-ngũ-Lão dẫn quân vào đến nơi, ra mắt Trần-Quang-Khải, nói rằng:

— Tiểu-tướng phụng lịnh Hưng-đạo vương đem quân vào đây giúp Thượng-tướng.

Trần-quang-Khải mừng rỡ. Sực có tin báo Toa-Đô dẫn quân đến phá ải. Quang-Khải sai Phạm-ngũ-Lão đem quân xuống ải dàn trận. Một nhát, Toa-Đô kéo quân đến, Phạm-ngũ-Lão thúc ngựa múa đao ra trận quát lên rằng:

— Quân kia chớ thị hùng, có ta ở đây!

Toa-Đô sai Ô-mã-Nhi ra ngựa đấu nhau với Ngũ-Lão. Hai tướng giao phong hơn trăm hợp, chưa phân thắng phụ. Toa-Đô thúc quân đánh tràn vào, Trần-quang-Khải cũng thúc quân tự trên ải đánh xuống. Đôi bên đánh nhau một hồi, đều cùng mỏi mệt, rồi đâu lại thu quân về đấy.

Sáng hôm sau, Toa-Đô, Ô-mã-Nhi lại dẫn quân đến đánh. Phạm-ngũ-Lão cũng đem quân ra địch. Đôi bên lại đánh nhau trận nữa, cũng chưa phân thắng phụ.

Toa-Đô về trại, hỏi Ô-mã-Nhi rằng:

— Quân kia giữ mất đường hiểm, lại có dũng tướng hợp sức, ta nên nghĩ thế nào bây giờ?

Ô-mã-Nhi nói rằng:

— Quân ta giữ mãi ở đây, lương thảo đã gần cạn, mà đánh ra ngay thì chưa thể đánh được. Chi bằng ta lại theo đường bể kéo ra, hợp với quân của Trấn-nam vương.

Toa-Đô theo nhời, mới dẫn quân xuống thuyền vượt đường bể kéo ra.

Có quân do thám báo với Trần-quang-Khải. Quang-Khải sai người phi báo về Thanh-hóa cho vua biết.

Vua hỏi Hưng-đạo vương rằng:

— Quân Thoát-hoan đã to thế, nay Toa-Đô, Ô-mã-Nhi lại dẫn quân ra hợp sức, ta tính thế nào?

Hưng-đạo vương tâu rằng:

— Toa-Đô tự Chiêm giở ra, trải qua vùng Ô-lí[1], Hoan[2], Ái[3], đường xá gập ghềnh, quân sĩ vất vả, nay lại men bể ra ngoài bắc, thì xức lực cũng đã mỏi mệt. Xin bệ-hạ sai một đại-tướng đem quân ra đón đường mà đánh, chắc là phá được. Nếu phá xong quân Toa-Đô, thì Thoát-hoan cũng mất vía, bấy giờ sẽ thừa cơ đánh gấp vài trận là xong.

Vua hỏi các tướng rằng:

— Trong các tướng có ai dám cầm quân ra đón đường Toa-Đô, Ô-mã-Nhi, không?

Chiêu-văn vương Nhật-Duật xin đi.

Vua hỏi rằng:

— Toa-Đô là một dũng tướng, lại có Đường-ngột-Đải, Ô-mã-Nhi giúp đỡ, vương cự làm sao nổi?

Tâu rằng:

— Tôi mới dùng được một kiêu-tướng, tên là Triệu-Trung. Y là người bên Tống; tự khi nhà Tống phải nhà Nguyên diệt mất, y không chịu hàng, dẫn quân chạy sang ta, vì thế tôi dùng làm bộ-hạ. Người ấy có sức khỏe địch muôn người, đủ đánh được bọn Toa-Đô.

Vua nghe nói, cho đòi Triệu-Trung lên thềm rồng xem mặt, quả nhiên người cao nhớn lực lưỡng, tướng hổ mình beo. Vua mừng rỡ, phong làm nha-môn-tướng, cho theo Chiêu-văn vương ra cự giặc.

Bấy giờ Hoài-văn hầu Quốc-Toản, Tướng-quân Nguyễn-Khoái cũng xin đi. Vua sai Chiêu-văn-vương làm chánh tướng. Quốc-Toản, Nguyễn-Khoái làm phó tướng, dẫn 5 vạn quân ra đón đường đánh Toa-Đô. Chiêu-văn vương sai Triệu-Trung làm tiên-phong dẫn quân đi trước; Quốc-Toản dẫn quân đi mặt tả; Nguyễn-Khoái cầm quân đi mặt hữu; mình thì dẫn quân tiếp ứng mặt sau.

Toa-Đô, Đường-ngột-Đải, Ô-mã-Nhi kéo quân men đường bể ra Hải-dương, kéo vào đến bến Hàm-tử, (thuộc huyện Đông-an tỉnh Hưng-yên) thì vừa gặp chiến-thuyền của Triệu-Trung kéo đến. Quân Nguyên trông thấy quân sĩ bên này nhiều người ăn mặc dáng quân Tống, nghi có người Tống sang giúp, trong bụng đã kinh. Triệu-Trung vác kích thúc quân đánh ập vào trong đội thuyền quân Nguyên. Toa-Đô, Ô-mã-Nhi chia thuyền làm hai cánh vây bọc thuyền của Triệu-Trung. Triệu-Trung đứng đầu thuyền, tay cầm kích, lưng đeo cung, hễ gặp thuyền giặc, phi đâm thì bắn, đi đến đâu rẽ ra đến đấy. Toa-Đô, Đường-ngột-Đải, Ô-mã-Nhi hết sức vây bọc. Quân của Triệu-Trung dần dần núng thế. Triệu-Trung tuy khỏe, nhưng ít quân không địch lại được với quân Nguyên. May có Nguyễn-Khoái cũng vừa dẫn thủy quân đến nơi, trông thấy thuyền giặc vây bọc thuyền quân nhà, liền nổi trống thúc thuyền đánh thốc vào. Ô-mã-Nhi vội vàng dẫn chiến-thuyền ra địch nhau với Nguyễn-Khoái. Triệu-Trung nhân thế đánh vung ra. Quân Nguyên bị trong ngoài đánh dồn hai mặt, trong bụng đã trồn. Sực lại thấy trống vang giời, sóng cồn nước, có một đội thuyền tự mé tả kéo đến, cờ đỏ bay phấp phới, đề rõ sáu chữ: « Phá cường-địch báo hoàng-ân! » Đầu thuyền có một tướng trẻ tuổi, tay cầm ngọn thương, hô lên rằng:

— Bớ nghịch tặc! Hoài-văn hầu Quốc-Toản đã đến đây, biết thân thì chịu chết đi cho sớm!

Quân Nguyên vốn đã biết tiếng Quốc-Toản là người hùng dũng, nay đang lúc nguy núng, lại thấy tướng ấy đến nơi, ai nấy kinh hồn lạc đảm, thuyền bơi xô nhau mà chạy. Quốc-Toản sai chèo thuyền đánh ập vào; khi gần đến nơi, Quốc-Toản cầm thương nhảy vọt sang thuyền giặc, đâm luôn mấy đứa. Có một tên tì-tướng trong thuyền giặc cầm gươm xông ra đánh. Quốc-Toản một tay cầm thương gạt lưỡi gươm xông vào, một tay tóm tướng ấy quẳng xuống sông. Quân trên thuyền thất kinh nhào cả xuống nước. Toa-Đô, Đường-ngột-Đải, Ô-mã-Nhi thấy nam quân mạnh thế, liền rút quân tìm đường tháo lui. Triệu-Trung, Nguyễn-Khoái, Quốc-Toản hết sức đuổi đánh, thuyền giặc tan nát, quân sĩ tổn hại ba phần mất hai. Toa-Đô, Đường-ngột-Đải, Ô-mã-Nhi dẫn bại quân chạy về mé xuôi, lại gặp phải Chiêu-văn vương dẫn đội thuyền to đánh một trận nữa. Ba tướng Nguyên cố chết đánh tháo lấy đường mới được thoát.

Quân Nguyên chạy xa rồi, Chiêu-văn vương mới thu quân về, liền cho người vào Thanh-hóa báo tiệp. Toa-Đô, Đường-ngột-Đải, Ô-mã-Nhi lui về giữ ở của bể Thiên-trường.

Có thơ khen Chiêu-văn vương rằng:

Lập mẹo bày mưu kéo chiến-thuyền,
Cửa sông Hàm-tử phá quân Nguyên.

Sóng cồn mặt nước nay còn réo,
Danh tiếng nghìn thu để miệng truyền.

Hưng-đạo vương được tin Chiêu-văn vương phá được quân Toa-Đô, mới tâu vua rằng:

— Quân ta mới thắng, khí sức đang hăng; mà quân Nguyên thua, tất cũng chột dạ. Vậy xin nhân dịp này tiến quân đánh Thoát-Hoan, để khôi phục kinh-thành.

Vua nghe nhời, truyền sắp sửa điều binh khiển tướng. Sực có Thượng-tướng Trần-quang-Khải tự Nghệ-an dẫn quân giở ra. Vua mừng rỡ, an úy một hồi, và thuật truyện sắp tiến binh ra đánh Thoát-Hoan.

Trần-Quang-Khải tâu rằng:

— Lão-hầu trước giữ Nghệ-an, tội nhiều công ít, vậy xin chuyến này ra mặt bắc, phá quân Nguyên, để chuộc tội ấy.

Sực lại có Hoài-văn hầu Quốc-Toản phụng tướng lịnh của Chiêu-văn vương vào Thanh-hóa tâu việc. Nhân thấy Quang-Khải phụng mệnh đi đánh Thoát-Hoan, cũng tình nguyện xin đi. Hưng-đạo vương tâu vua sai Quang-Khải, Quốc-Toản, Phạm-ngũ-Lão dẫn quân đi ra mặt ngoài; một đường truyền hịch sai Chiêu-văn vương Nhật-Duật, Tướng-quân Nguyễn-Khoái đóng quân tại bến Hàm-tử giữ chặn đường Ô-mã-Nhi, Toa-Đô, không cho kéo về hợp với Thoát-Hoan.

Thượng-tướng Quang-Khải phụng mệnh dẫn bọn Quốc-Toản, Ngũ-Lão, và 300 chiến thuyền, đi đường bể vòng ra sông Phú-lương, tiến lên đến huyện Thượng-phúc, rồi đóng quân ở đấy.

Khi ấy Thoát-Hoan sai đại tướng là A-Thích đóng quân tại bến Thượng-phúc; Lý-Hằng, Khoan-Triệt đóng quân tại Quảng-yên; còn mình thì đóng đại quân ở kinh-thành.

Hoài-văn hầu Quốc-Toản nói với Thượng-tướng Quang-Khải rằng:

— Thoát-Hoan đóng thủy quân ở ngoài, còn đại quân đóng cả trong thành. Nếu ta đánh phá thủy-binh, thì quân trong thành tất ra cứu. Vậy tiểu-tướng xin dẫn một đạo bộ quân phục sẵn nửa đường, Thượng-tướng thì dẫn quân đến phá thủy-trại của giặc. Hễ trong thành có quân ra cứu, thì tiểu-tướng đánh chặn lại, phá xong quân ngoài, ta thừa cơ đánh bừa vào lấy lại kinh-thành.

Quang-Khải mừng nói rằng:

— Hoài-văn hầu nói phải lắm!

Lập tức cấp cho Quốc-Toản 3.000 quân lên bộ tìm nơi hiểm yếu mai phục; rồi liền kéo chiến-thuyền đến phá thủy-trại của A-Thích.

A-Thích nghe tin Quang-Khải kéo quân đến, tức thì phi báo vào thành Thăng-long; một mặt dàn thuyền tại bến Chương-dương[4] cự địch.

Quang-Khải sai Phạm-ngũ-Lão làm tiên phong, dẫn một đội thuyền đi trước, Ngũ-Lão dẫn quân đến bến Chương-dương, trông thấy thuyền giặc đã dàn trận. Ngũ-Lão cầm một lá cờ, đứng tại đầu thuyền, lưng đeo thanh quất, sai quân đánh trống hò reo kéo vào trận giặc. Khi vào gần đến nơi, đôi bên tên bắn ra như mưa. Ngũ-Lão phất cờ đỡ tên, sấn thẳng vào trong đám chiến-thuyền của giặc. A-Thích cũng thúc thuyền ra đánh. Đôi bên đánh nhau cực dữ. Bỗng lại nghe thấy nước sông réo lên ầm ầm, chiêng trống vang động, thì là Quang-Khải dẫn một đội thuyền to, chia làm hai ngả đánh ập vào. Quân Nguyên hết sức chia binh ra cự. Ngũ-Lão xông xáo đánh đến đâu tan ra đến đấy. A-Thích cự không nổi, bỏ thuyền chạy lên bộ. Quang-Khải, Ngũ-Lão kéo quân lên bộ đuổi theo.

Thoát-Hoan ở trong thành, được tin A-Thích, vội vàng sai Phàn-Tiếp dẫn quân ra cứu. Phàn-Tiếp đi đến nửa đường, bỗng nhiên quân phục ở đôi bên rặng lau đổ ra, một tướng tiên-phong còn trẻ tuổi, cầm thương quất ngựa xông vào thét đánh. Quân Nguyên hốt hoảng tinh thần, Phàn-Tiếp vội vàng phi ngựa ra cự địch, mới được mươi hợp, bị tướng ấy đánh hăng quá, Phàn-Tiếp quay ngựa chạy về. Quan quân thừa thế đánh tràn vào, quân Nguyên tan vỡ chạy ra tứ phía. Tướng ấy đuổi đánh hơn 10 dặm, Phàn-Tiếp rút quân chạy vào thành.

Tướng ấy là Hoài-văn hầu Quốc-Toản. Quốc-Toản thắng trận, dẫn quân định ra bờ sông ứng tiếp Quang-Khải, lại gặp A-Thích bại trận giở về. Quốc-Toản ra sức đánh một trận, A-Thích chống không nổi, chạy lẩn ra đường tắt, rồi trốn thoát về thành Thăng-long.

Thoát-Hoan thấy hai tướng bị thua giở về, trong bụng buồn rầu, muốn khởi hết đại quân ra đánh báo thù. Sực thấy Trần-quang-Khải kéo quân đến dưới chân thành. Thoát-Hoan dẫn bọn Phàn-Tiếp, A-Thích ra thành cự chiến. Quang-Khải sai tên tì-tướng ra khiêu chiến, A-Thích múa đao phi ngựa ra địch. Đôi bên giao phong, mới độ mươi hợp, tên tì-tướng quay ngựa chạy về. A-Thích thúc ngựa sấn vào, đuổi tên tì-tướng. Thoát-Hoan hô quân đánh tràn sang. Quang-Khải dẫn quân chạy. Quân Nguyên hết sức đuổi theo, độ 20 dặm, bỗng dưng quân phục đôi bên của Quốc-Toản đổ ra, trịt hẳn đường về. Quang-Khải quay binh đánh vật lại. Thoát-Hoan bị hai mặt quân đánh ập một, quân tình bối rối, tan vỡ chạy ra tứ phía. Thoát-Hoan nhờ có các tướng hết sức giữ gìn, đánh tháo lấy đường chạy về thành. Khi về gần đến nơi, đã thấy trong thành cắm toàn cờ hiệu nhà Trần, một tướng ngồi trên chòi cao trỏ gươm xuống, quát lên rằng:

— Thành trì nào của nhà mày, mà mày dám về đây?

Tướng ấy là Phạm-ngũ-Lão, nguyên Ngũ-Lão phụng mật-kế của Thượng-tướng Quang-Khải, phục sẵn quân ở bờ ruộng dưới chân thành, chờ khi Thoát-Hoan dẫn quân đuổi đi xa rồi, thì thừa cơ mà cướp lấy thành trì. Vì thế Ngũ-Lão lấy lại được thành. Quân Nguyên còn ít nhiều ở trong thành thấy quân Trần đã vào được, chạy trốn cả ra bờ sông. Ngũ-Lão chia quân ra giữ hết các cửa.

Khi Thoát-Hoan chạy về trông thấy Ngũ-Lão ngồi trên chòi cao, thất kinh hồn vía. Sực lại nghe mé sau lưng tiếng reo ầm ầm, thì là Trần-quang-Khải dẫn quân đuổi sắp đến nơi, trên thành thì tên bắn xuống tua tủa, Thoát-Hoan không dám đánh thành, vội vàng rút quân ra bờ sông, chạy qua cầu phao về mặt Kinh-bắc (bây giờ là Bắc-ninh).

Trần-quang-Khải dẫn quân đến dưới thành, Phạm-ngũ-Lão mở cửa ra rước vào. Quang-Khải vào thành, sai quân sĩ sửa sang lại các cung điện, mở tiệc khao thưởng ba quân. Khi uống rượu vui vẻ, Quang-Khải ngâm một bài thơ như sau này:

Chương-dương cướp giáo giặc,
Hàm-tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước đấy nghìn thu.

Tiệc tan, sai người dâng biểu về Thanh-hóa báo tin thắng trận.

Hưng-đạo vương tiếp được biểu-văn, dâng lên thượng-hoàng và vua mà tâu rằng:

— Quân Nguyên thua luôn mấy trận, thế lực đã yếu. Vậy xin thượng-hoàng và bệ-hạ chuyến này tiến binh ra ngoài bắc, để tiễu trừ cho tiệt hẳn quân giặc.

Thượng-hoàng và vua bấy giờ thấy quân thế đã mạnh, hởi lòng hả dạ; mà các tướng sĩ cũng phấn trấn hăng hái. Lại nhờ có Hưng-đạo vương cầm quân vững chãi, gan bền tựa sắt, và lại khéo dùng nhời khuyên dỗ, khiến cho bụng người cảm động, sinh lòng trung nghĩa. Cho nên tướng-sĩ dũng khí đáng có mười phần, mà gấp thêm lên thành ra trăm phần. Ai nghe thấy nói đến sự đánh giặc, cũng vỗ tay reo mừng muốn đi.

Thượng-hoàng và vua nghe nhời Hưng-đạo vương, dự bị cất quân ra ngoài bắc đánh giặc.

Đó là:

Đánh cờ gặp nước nên thừa thắng,
Phá giặc đồng lòng mới lập công.

Chưa biết sự thể về sau thế nào, sẽ xem hồi sau phân giải.



  1. Thuận-hóa.
  2. Nghệ-an.
  3. Thanh-hóa.
  4. Thuộc huyện Thượng-phúc, phủ Thường-tín, tỉnh Hà-đông.