Bước tới nội dung

Hưng Đạo vương/Hồi 9

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ CHÍN

Trận Tây-kết, Toa-Đô bỏ đời.
Sông Vạn-kiếp, Thoát-Hoan trốn nạn.

Thoát-Hoan tự khi thua bỏ kinh-thành, chạy sang mặt bắc, dần dần thu quân về Bắc-giang, lập trại giữ nơi hiểm-yếu, để cự nhau với quan quân. Thủy quân thì còn đóng rải rác từ bến Đông-bộ-đầu cho đến sông Đại-hoàng.

Hưng-đạo vương rước xa-giá ra Tràng-an (bây giờ là tỉnh Ninh-bình), đưa mật-thư cho Thượng-tướng Trần-quang-Khải sai đóng bè tre bè gỗ cho nhiều, chứa đá vụn trên bè, thả tự thượng-lưu cho thuận dòng sông trôi xuống, để chặn đường thủy quân giặc. Một đường sai hai con là Hưng-võ vương Nghiễn, Hưng-nhượng vương Tảng và Dã-Tượng, Yết-Kiêu, dẫn thủy quân đánh tự sông Đại-hoàng đánh lên.

Tướng Nguyên là Phàn-Tiếp giữ ở dọc sông Đại-hoàng, thấy chiến thuyền của Hưng-võ vương, Hưng-nhượng vương kéo đến, liền dàn thuyền ra cự chiến. Một nhát gió tây-bắc nổi to, các bè đá ngổn ngang trôi xuống, tràn sông lấp bến. Chiến thuyền của Phàn-Tiếp vướng bè đá, lui tới không được, mặt dưới hai vương đánh lên, mặt trên thì Quang-Khải đánh xuống. Thuyền giặc tan nát, quân-sĩ xin hàng rất nhiều, còn Phàn-Tiếp thì chạy lên bộ trốn được thoát.

Bấy giờ Toa-Đô, Ô-mã-Nhi, Đường-ngột-Đải vẫn còn đóng quân ở cửa bể Thiên-trường, cách nhau với Thoát-Hoan hơn 200 dặm, chưa biết tin Thoát-Hoan đã chạy về Bắc-giang, mới tiến binh vào sông Thiên-mạc, muốn lên hợp sức với quân Thoát-hoan làm thế ỷ giốc.

Tiền quân của Toa-Đô có một tên tổng-quản là Trương-Hiển dẫn 3.000 quân đi trước, bị quan quân trịt hết các đường. Trương-Hiển đi lẻn ra sông Hát-giang, bạt lên đến địa phận Sơn-tây, rồi kéo quân lên bộ, muốn đi xuyên đường Hưng-hóa về Vân-nam. Khi đến huyện Phù-Ninh, qua rặng núi Chĩ-sơn, bỗng trông thấy trên đầu núi, cờ cắm đỏ khé, trống đánh vang lừng. Một tướng to tựa Khổng-Lồ, cao hơn Ông-Trọng, đầu đội nón nan nhớn tầy nong, tay cầm cánh cung dài hai trượng. Quân Nguyên kinh hồn lạc phách, nhơ nhơ nhác nhác nhìn nhau; lại thấy một cây to ở cạnh đường, có một mũi tên dài 8 thước, cắm ngập nửa thân cây. Quân Nguyên cho là thần-tướng trên giời xuống giúp, ù té cắm đầu cắm cổ mà chạy.

Đó là Hà-Đặc làm phụ-đạo-tử (chức quan mường) ở hạt ấy, biết trước rằng quân Nguyên thế nào cũng kéo qua, mới làm hình nhân to lớn bằng nan ấy, và cắm một mũi tên vào cây to, để cho quân giặc trông thấy hồ nghi không dám tiến binh. Quân Nguyên quả nhiên kinh chạy. Hà-Đặc thừa thế dẫn quân xuống núi đuổi đánh. Đuổi mãi đến làng A-lạp, ở đó cách một con sông, quân Nguyên chạy khỏi qua cầu, sai quân cất bỏ cầu. Hà-Đặc đuổi đến nơi, sai quân bắc cầu phao kéo sang đuổi theo. Trương-Hiển ngảnh cổ lại xem thì không thấy tướng nào to nhớn, mới quày lại đánh nhau. Trương-Hiển vốn là tướng khỏe mạnh, Hà-Đặc địch không nổi, bị Trương-Hiển giết chết. Quân Hà-Đặc thấy chủ tướng bị giết, tan vỡ chạy về. Trương-Hiển sai quân vây bọc cả lại, bắt sống không sót một người nào.

Trương-Hiển lập trại đóng quân ở đấy.

Có ngựa lưu-tinh chạy về Tràng-an báo tin với Hưng-đạo vương. Hưng-đạo vương lập tức đưa hịch ra Thăng-long, sai Trần-quốc-Toản, Phạm-ngũ-Lão dẫn quân lên đánh Trương-Hiển. Hai tướng phụng mệnh dẫn quân mới lên đến huyện Đan-phượng. Em Hà-Đặc là Hà-Chương cũng bị Trương-Hiển bắt được giam trong trại. Hà-Chương nhân lúc đêm khuya, giết hai tên lính canh ngục, trốn thoát ra ngoài, lại lấy được cờ hiệu, áo giáp và ngựa, chạy về đến nửa đường gặp Trần-quốc-Toản dâng nộp, và thuật truyện đầu đuôi làm vậy.

Quốc-Toản bàn với Phạm-ngũ-Lão sai quân mặc áo giáp giặc, lấy cờ giặc làm hiệu, cho Hà-Chương dẫn đường lên cướp trại Trương-Hiển. Sáng tinh sương hôm ấy, Quốc-Toản dẫn quân đến trước trại. Trương-Hiển không ngờ, vẫn tưởng là quân mình, chưa kịp phòng bị. Chợt đâu quan quân đánh ập vào, Trương-Hiển giật mình, vội vàng mang quân ra trại cự địch, Quốc-Toản đánh bừa vào. Quân Nguyên bối rối chạy trút về mé sau. Lại gặp phải Phạm-ngũ-Lão đánh tự sau trại vào, phóng hỏa đốt trại. Trương-Hiển dẫn bại quân chạy ra mé sông, xuống thuyền về bến Đại-mang. Lại bị chiến-thuyền của Dã-Tượng, Yết-Kiêu chặn mất đường thủy. Trương-Hiển nghĩ hết đường lui tới, bó giáp xin hàng.

Toa-Đô đóng quân trên sông Thiên-mạc, nghe tin Trương-Hiển bại trận đã hàng rồi, mà các bến thì chỗ nào cũng có quan quân án ngữ, mới lui quân về đóng ở Tây-kết, cho người đi dò xem quân tình của Thoát-Hoan làm sao.

Quân thế của Hưng-đạo vương bấy giờ phấn trấn lắm. Các tướng thắng trận, ai nấy đưa tin về báo tiệp. Hoài-văn hầu thì đưa Hà-Chương về; Dã-Tượng, Yết-Kiêu thì đem Trương-Hiển đến; cùng kéo về ra mắt Hưng-đạo vương. Hưng-đạo vương mừng rỡ, dùng Hà-Chương làm bộ-tướng, còn Trương-Hiển thì hãy giam lại một nơi.

Hôm sau Hưng-đạo vương tâu với vua rằng:

— Thoát-Hoan lui về Bắc-giang, mà Toa-Đô thì hiện đóng tại Tây-kết, binh thế đã cô. Xin bệ-hạ sai Chiêu-văn vương Nhật-Duật hiệp với Thượng-tướng Quang-Khải dẫn quân chặn giữ các đường, không cho Thoát-Hoan, Toa-Đô đi lại thông tin với nhau. Còn tôi thì xin tiến binh đánh quân Toa-Đô trước, rồi sẽ đánh Thoát-Hoan.

Vua nghe nhời ấy, cho Hưng-đạo vương tùy ý mà sai khiến. Hưng-đạo vương mới đưa hịch cho Trần-quang-Khải, Trần-nhật-Duật, sai chặn đường không cho Thoát-Hoan đến cứu Toa-Đô; một mặt hội các tướng lại truyền lịnh rằng:

— Toa-Đô đóng ở Tây-kết, hiện chia làm 3 trại: Đường-ngột-Đải giữ trại đầu; Ô-mã-Nhi giữ trại cuối; còn Toa-Đô giữ thủy-trại ở giữa. Chuyến này các ngươi nên cố sức đánh một trận, chắc là bắt được Toa-Đô. Hễ bắt được Toa-Đô, thì đánh Thoát-Hoan một trận là phá tan được giặc.

Các tướng nghe lịnh ai nấy mừng rỡ, cùng vỗ tay xin hết sức đi đánh giặc.

Hưng-đạo vương trước hết sai Lê-phụ-Trần, Hà-Chương dẫn 3.000 quân đến phá trại Đường-ngột-Đải. Thứ hai sai Trần-quốc-Toản, Nguyễn-Khoái dẫn 3.000 quân đến phá trại Ô-mã-Nhi. Bốn tướng vâng mệnh dẫn bộ-quân đi trước. Lại sai Hưng-võ vương Nghiễn, Hưng-hiếu vương Úy, Cao-Mang, Đại-Hành dẫn 300 chiến-thuyền đến phá thủy-trại của Toa-Đô. Sai Phạm-ngũ-Lão, Dã-Tượng, Yết-Kiêu phục sẵn 3.000 quân ở sau núi Tây-kết chặn đường Toa-Đô chạy ra bể.

Các tướng ai nấy lĩnh mệnh dẫn quân đi.

Nói về Lê-phụ-Trần, Hà-Chương đương đêm mang quân đến đánh trại Đường-ngột-Đải. Ngột-Đải sai người phi báo Toa-Đô, rồi cứ giữ trại không dám ra đánh. Lê-phụ-Trần chia quân làm hai mặt đánh hỏa công phá tung cửa trại. Ngột-Đải thất kinh, dẫn quân chạy về mé sau, lại bị Hà-Chương đánh ập đến. Ngột-Đải cố sức đánh tháo đường chạy được thoát. Toa-Đô được tin Đường-ngột-Đải, sắp muốn cất quân đến cứu, thì toán quân Hưng-võ vương dẫn chiến-thuyền vừa đến, chiêng trống kinh động. Toa-Đô vội vàng xuất thủy quân ra đánh. Đôi bên bắn nhau loạn xạ. Quân Toa-Đô dần dần núng thế, kéo quân chạy lên bộ, định đến trại Ô-mã-Nhi. Đi được vài dặm, bỗng nghe tiếng quân đi rậm rịch, tiếng nói xì xào, tự mặt trước kéo đến. Toa-Đô giật mình, sai quân thám xem binh nào, thì té ra là quân của Ô-mã-Nhi. Vì là trại Ô-mã-Nhi đã bị Quốc-Toản, Nguyễn-Khoái phá mất, y toan dẫn quân chạy đến với Toa-Đô. Hai tướng gặp nhau, thương nghị muốn kéo quân chạy ra mặt bể. Khi đi đến mé sau rặng núi, bỗng lại thấy trống đánh rầm rĩ, quân phục đôi bên đổ ra, thì là quân của Phạm-ngũ-Lão, Dã-Tượng, Yết-Kiêu. Bấy giờ quân Nguyên vừa bị thua chạy, khí sức đã mệt, nay lại gặp phải phục binh, ai nấy run như cầy sấy. Phạm-ngũ-Lão, Dã-Tượng, Yết-Kiêu xông vào đánh giết, quân Nguyên tan tành. Ô-mã-Nhi hết sức đánh phá vòng vây, chạy thoát ra ngoài. Còn Toa-Đô thì bị vây dầy quá, không tài nào đánh ra được, bị tên bắn chết ở dưới sườn núi. Phạm-ngũ-Lão sai quân cắt lấy đầu Toa-Đô đem về nộp.

Vua trông thấy đầu Toa-Đô, mặt mũi dữ tợn vẫn như lúc sống, mắt mở trừng trừng; vua than rằng:

— Làm bầy tôi nên như người này!

Vua thấy người hùng dũng, mà lại hết lòng với chúa, vua thương tiếc, than như thế rồi cổi áo ngự đắp vào đầu Toa-Đô, sai quân dùng lễ mai táng cho tử tế. Bấy giờ là tháng năm, năm Ất-dậu.

Hưng-đạo vương thấy Ô-mã-Nhi chạy thoát ra đường bể, liền sai Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-Khoái, Dã-Tượng, Yết-Kiêu, dẫn thủy-quân đuổi theo. Một mặt sai Hoài-văn hầu Quốc-Toản, Lê-phụ-Trần dẫn bộ quân đi gấp đường vào Thanh-hóa, chặn đường mà đánh. Ô-mã-Nhi quẫn thế, phải bỏ hết cả thuyền bè quân quyền, chỉ một thầy một tớ bơi một chiếc thuyền nan, nhân lúc đêm khuya lẻn chạy ra bể, thoát được về Tàu.

Quan quân đuổi theo bắt sống được hơn năm vạn người và chiến thuyền, khí giới không biết bao nhiêu mà kể.

Hưng-đạo vương được trận toàn thắng, mở tiệc khao thưởng ba quân, rồi tiến quân lên mặt bắc, để tiễu trừ Thoát-Hoan.

Bấy giờ Thoát-Hoan đóng quân ở Bắc-giang, nghe tin Toa-Đô tử trận; Ô-mã-Nhi, Đường-ngột-Đải thì đã trốn về Tàu. Quân tình tướng sĩ ai nấy ngã lòng. Vả lại giời đang mùa hè, nóng nực khó chịu, kế đến mấy trận mưa, sơn lam chướng khí bốc lên, quân sĩ dịch tễ chết hại cũng lắm. Bởi thế có bụng muốn rút quân về Tàu.

Hưng-đạo vương cũng đã biết cơ Thoát-Hoan tất phải chạy, mới hội các tướng lại truyền lịnh rằng:

— Thoát-Hoan không bao lâu nữa tất chạy về Tàu, các tướng nên cố kỉnh một phen này, để cho tiệt hẳn giống Mông-cổ.

Các tướng cùng reo lên rằng:

— Giặc Mông-cổ quấy nhiễu, nhờ có đại-vương hết lòng giúp nước, chúng tôi cũng xin đồng lòng hết sức, trừ cho tiệt giống tàn ác ấy.

Hưng-đạo vương liền sai Nguyễn-Khoái, Phạm-ngũ-Lão, dẫn ba vạn quân đi lẻn đường núi phục sẵn hai bên rừng sậy ở bến sông Vạn-kiếp, để chờ lúc quân Nguyên chạy đến thì đổ ra mà đánh.

Lại sai Hưng-võ vương Nghiễn, Hưng-hiếu vương Úy dẫn ba vạn quân đi đường Hải-dương ra mặt Quảng-yên, giữ chặn đường về châu Tư-minh.

Ngài tự dẫn đại quân lên Bắc-giang.

Thoát-Hoan nghe tin Hưng-đạo vương kéo quân lên, cũng gượng dẫn quân ra dàn trận. Hoài-văn hầu Quốc-Toản múa thương tế ngựa ra khiêu chiến; trận bên Nguyên thì Phàn-Tiếp nhảy ra, đôi tướng quần nhau một hồi. Thoát-Hoan sai A-bát-Thích, Lý-Quán chia làm hai cánh đánh sang. Hưng-đạo vương cũng sai Dã-Tượng, Yết-Kiêu làm cánh tả; Cao-Mang, Đại-Hành làm cánh hữu; kéo ra địch nhau với bên kia trống trận vang giời, tiếng reo rậy đất. Hưng-đạo vương lại sai Lê-phụ-Trần, Hà-Chương dẫn một toán quân lẻn ra mé sau quân Nguyên đánh tập hậu. Quân Nguyên tuy còn mạnh thế, nhưng bị quân tướng bên này đánh hăng lắm, không thể nào địch lại cho nổi, mới vừa đánh vừa lui quân chạy về. Quân ta thừa thế đánh tràn vào, quân Nguyên bỏ giáp quẳng khí giới đi mà chạy, lại bị quân ta đôi mặt đánh ập vào. Thoát-Hoan dẫn các tướng cố sức đánh giết, mở lấy một đường mà chạy trốn. Quan quân thừa thắng đuổi theo, bắt được khí giới rất nhiều.

Thoát-Hoan dẫn bại-quân chạy gần đến bến Vạn-kiếp, quân sĩ người nào người ấy đã nhược, sắp sửa gọi đò sang sông, bỗng dưng thấy nổ ba tiếng pháo, rồi quân phục ở hai bên bụi sậy đổ ra. Thoát-Hoan kinh hồn tán đảm, dẫn các tướng men bờ sông chạy xuôi. Quân sĩ thì tan vỡ chạy ra tứ phía. Phạm-ngũ-Lão, Nguyễn-Khoái thúc quân vào đánh giết, quân Thoát-Hoan mười phần lại tổn mất năm. Lý-Hằng bị tên thuốc độc chết trong đám loạn quân; còn Phàn-Tiếp, A-bát-Thích, Lý-Quán dẫn bại quân hết sức giữ gìn Thoát-Hoan, vừa đánh vừa chạy, Lý-Quán thấy quan quân đuổi kíp quá, sợ hại mất Thoát-Hoan, trong quân sẵn có ống đồng to, mới nói với Thoát-Hoan rằng:

— Việc cấp lắm rồi, điện-hạ nên quyền nghi ẩn vào trong ống đồng này, kẻo quân kia trông thấy thì khó lòng mà trốn cho thoát.

Thoát-Hoan nghe nhời, chui vào ẩn trong một cái ống đồng to. Lý-Quán để lên trên xe, sai các tướng kèm giữ, dẫn quân chạy ra châu Tư-minh.

Hưng-đạo vương thúc các tướng đuổi cực rát. Lý-Quán đem quân vừa đến Tư-minh, thì lại gặp phải Hưng-võ vương Nghiễn, Hưng-hiến vương Úy dẫn quân ra chặn đường.

Lý-Quán bảo với các tướng rằng:

— Quân ta đến đây chỉ cách một ít nữa thì về đến địa phận nước nhà, nay gặp phải quân chặn đường, nếu các tướng không liều chết mà đánh, thì chắc là không còn sống sót được một người nào.

A-bát-Thích, Phàn-Tiếp thúc ngựa xông vào đánh nhau với Hưng-võ vương Nghiễn và Hưng-hiến vương Úy. Quân Nguyên cũng liều thân lăn xả vào đánh. Hai vương địch không nổi tướng Nguyên, phải mở đường cho quân Nguyên chạy khỏi, rồi đuổi theo đánh tập hậu. Lý-Quán đi kèm xe đồng chạy mé sau. Hưng-võ vương giương cung bắn theo, Lý-Quán trúng phải tên, ngã quay xuống ngựa. Các tướng giữ gìn Thoát-Hoan chạy được thoát về Quảng-châu. Quân Nguyên chết như rạ.

Hai vương thấy quân Nguyên chạy xa, mới thu quân về ra mắt Hưng-đạo vương. Đại quân của Nguyên thế là tan cả, còn dư đẳng ít nhiều tản nát các nơi, cũng dần dần bị quân ta tiễu trừ được hết. Hưng-đạo vương mới điểm duyệt quân tướng, thì duy thiệt mất Trần-bình-Trọng, và ít nhiều tì-tướng; còn các danh tướng vẫn hội đủ mặt, không thiếu người nào. Trong bụng ngài lấy làm mừng rỡ lắm. Mới giết trâu mổ bò khao thưởng tướng sĩ, rồi chỉnh đốn cơ nào đội ấy kéo về Tràng-an.

Đó là:

Bụi hồng quét sạch quân cường khấu,
Đường tía rung rinh tiếng khải ca.

Muốn biết về sau thế nào, xem hồi sau phân giải.