Hội đồng làm sách giáo khoa
Bài xã thuyết số vừa rồi, nói về hai việc cần kíp cho sự giáo dục tiểu học ngày nay, chúng tôi có ước mong rằng rồi đây sẽ có một hội đồng biên tập sách giáo khoa ở dưới quyền bộ Giáo dục.
Lâu nay hễ có hội đồng tu thư lập ra, ắt có một ông quan người Pháp làm chủ tọa. Sự ấy đã quen thành lệ rồi […………..]
Bởi vậy mới có sự thảo sáng những bài học ra bằng tiếng Pháp rồi đem dịch thành tiếng Nam, cùng là sự lựa chọn bài học theo ý riêng mình.
Trẻ con học tiếng bản quốc cần phải học ngay cái tự nhiên của tiếng ấy; nay cho chúng nó học cái từ một thứ tiếng khác dịch ra, thì đã xa với cái tự nhiên ấy rồi. Này là một điều quan hệ lớn lắm về đường văn học của nước chúng tôi mai sau, chúng tôi sao đặng chẳng để ý vào?
Trong sách giáo khoa quốc văn hiện đương thông hành có những bài học nói về các tục lệ của người An Nam như đám cúng tế hay là đám rước. Cái đó, chẳng những có một phần thiên về mê tín, mà trẻ con thấy trước mắt hằng ngày, tưởng chẳng cần phải học làm chi. Có người bảo chúng tôi rằng đem những bài như vậy vào sách giáo khoa là theo ý ông chủ tọa. Chúng tôi cho lời ấy có lý lắm: một người Pháp, theo con mắt mình, phải lấy những chuyện này làm lạ, lạ thì phải để vào sách dạy trẻ con. Chúng tôi nói “chọn bài học theo ý riêng”, tức là chỉ sự đó vậy.
Một đoạn trên đó, ấy là để giãi bày cái lẽ phải mà chúng tôi căn cứ.
Nói đến sự lợi hại quan hệ giữa người Pháp với người Nam thì càng dễ thấy lắm. Nếu có một hội đồng biên tập sách giáo khoa do một viên đại thần người Nam giám đốc, thì các sách giáo khoa của hội đồng ấy soạn ra chắc sẽ vừa ý người Nam hơn. Vừa ý ắt vui lòng; vui lòng ắt tin; tin tức là lợi, mà không tin tức là hại.
Ta còn nên để ý lắm đến cha mẹ trẻ con. Một đứa trẻ ở trường về, ôn lại những bài học, nếu cha mẹ nó nghe mà nói rằng: “Học gì những chuyện như thế mà cũng học”, thì cái đức tin phải giảm, và cái tiếng của câu nói ấy sẽ vang ra…
Bởi mấy điều nói trên đây, chúng tôi ước mong có một hội đồng soạn sách giáo khoa tiểu học lập lên ở dưới quyền quan Thượng thư bộ Giáo dục; mà cũng bởi mấy điều ấy, chúng tôi cho sự ước mong ấy là chánh đáng.
Ta còn phải ngó đến cái quyền thống trị của nước Pháp ở xứ này. Không lo chi, quan Toàn quyền sẽ vạch ra mấy cái nguyên tắc hoặc về tiêu cực, hoặc về tích cực, rồi quan Thượng thư bộ Giáo dục cứ theo trong phạm vi của những nguyên tắc ấy mà làm. Huống chi còn có quan Cố vấn người Pháp của bộ Giáo dục ở một bên nữa.
Khi nào sự biên tập sách giáo khoa ở dưới quyền bộ Giáo dục rồi mà sách còn không thích dụng, thì đó là trách nhiệm của bộ Giáo dục…
PHAN KHÔI