Bước tới nội dung

Hoàng Lê nhất thống chí/VIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

VIII

Nguyên-soái Tây-sơn từ khi mới đến Vị-hoàng, liền làm tờ tâu nói rõ về ý tôn-phù, và đã sai người lẻn lên kinh-thành dâng vua. Người ngoài cũng nghe phong-thanh chuyện đó. Nhưng mà phần nhiều cho rằng lòng giặc khó lường, lời nói của họ chưa thể tin được. Bởi vậy, lúc đó, quan, quân, lại, sĩ tranh nhau trốn trước. Người nào bận về việc quan, hoặc còn mắc cớ gì khác, chưa kịp ra thành, thì ngày 26 cũng đều lật-đật xách gói đội rương ra nốt.

Nhân lúc rối-rít, dân-gian rủ nhau đón đường cướp bóc, xe ngựa của tôn thất đại-thần và các quan-lại đều bị họ lột mất cả. Những người trơ cái thân không mà chạy, không biết bao nhiêu. Còn bọn kiêu-binh sau khi tan vỡ, đều phải trốn ra các làng. Nhưng chúng đến đâu cũng bị dân quê kể tội kiêu-lộng ngày trước và làm nhục-nhã đủ đường, không có chỗ nào chứa-chấp. Có người cởi trần trùng-trụ chốt-hoảng ở phía trong thành chạy ra, khi qua cửa ô, bị dân ở đó trông thấy, họ liền chỉ mặt và nói:

— Thằng bụng phệ kia có nhẽ là lính Nhưng-Kiện, lôi cổ nó lại mà đánh chết đi!

Người ấy vội đáp:

— Không phải. Ta là quan huyện-úy huyện Thọ-xương đây!

Mọi người cùng cười:

— Người ta vẫn bảo « ông huyện to bụng » thật là không sai!

Người ấy cũng cười rồi đi!

Bữa ấy lính Thanh lính Nghệ dắt nhau về quê đói khát chết ở dọc đường kể có hàng trăm. Riêng có chi-phái nhà vua, và gia-thần nội-điện, cùng những phường phố quanh điện, thì đều yên-ổn như thường.

Đến ngày kinh-đô bị hạ, Nguyễn Văn-Bình bước chân vào thành, liền sai tỳ-tướng lĩnh một cánh quân đến giữ cung-điện. Lúc ấy hoàng-thượng đương đau, các hoàng-tử đều ở trong điện hầu-hạ. Thấy có binh-lính xúm quanh cung-điện, ngờ giặc đến bức nhà vua, ai nấy bảo nhau nâng hoàng-thượng dậy và dìu ngài ra phía vườn sau Tam-sơn, rồi trốn. Chợt thấy viên tỳ-tướng đó quì ở cửa thành, hai tay nâng một bản tâu lên trán, tỏ ý dâng nộp, gia-thần nội-điện chạy ra đón lấy và tiến trình ngự-lãm. Trong tờ tâu đại-ý trước nói thỉnh-an, sau xin ngày khác sẽ vào triều yết. Hoàng thượng xem xong, trong lòng mới yên.

Hôm sau trời vừa sáng rõ Bình và Chỉnh đã cùng tới điện Vạn-thọ. Quan hầu vào tâu, hoàng-thượng nằm ở trong chăn, sai vén màn lên cho Bình vào hầu ở trước sập ngự. Bình thụp xuống lạy năm lạy và vái ba vái.

Hoàng-thượng sai hoàng-tử ra nâng Bình dậy và mời đến ngồi vào một chiếc sập ở cạnh sập ngự.

Bình khiêm-tốn chối là không dám.

Hoàng-thượng phải hai, ba lần kèo nài, Bình mới ngồi ghé vào một góc chiếu cuối sập, một chân thõng xuống dưới sập. Hoàng-thượng phủ-dụ cực-kỳ ôn-tồn.

Bình nói:

— Thần vốn là một tên dân ở Tây-sơn, gặp thời nổi dậy, chưa từng mặc đến áo của bệ-hạ, ăn đến lộc của bệ-hạ. Nhưng vì thánh-đức của bệ-hạ tràn đi xa rộng, thần tuy ở chốn mán mọi, vẫn rất kính mến. Ngày nay được thấy long-nhan, cũng là bởi lòng chí-thành của thần xui ra. Vả lại, cũng vì họ Trịnh vô-lễ, lấn-bức quân-thượng đã lâu, cho nên hoàng-thiên mới mượn tay thần trừ diệt bọn Trịnh, cho tỏ oai của bệ-hạ. May mà thành công thế này, cũng do hồng-phúc của bệ-hạ mà ra. Thần chỉ cầu xin thánh-thể khỏe mạnh, coi trị thiên-hạ, cho thần được nhờ dư-phúc.

Hoàng-thượng đáp:

— Đa tạ ông có lòng hậu với quả-nhân, trèo đèo vượt suối từ đâu ra đây, lính-tráng tôi tớ đều phải vất-vả. Tiếc rằng quả-nhân làm vua thanh-bạch giản-dị, không có vật gì biếu tặng...!

Bình nói:

— Thần vì, nghĩa tôn-phù mà phải tới đây, đâu dám kể đến công-lao. Vả chăng, chuyến này thần ra cũng là lòng trời, không phải sức người làm được. Nếu bảo là thần có hậu-tình riêng với bệ-hạ, mà kéo quân ra, thì những quân lính thuyền bè, đành rằng thần vẫn có thể điều-khiển, nhưng đến chuyện nước sông sụt xuống, gió nam mạnh lên, há phải sức thần làm nổi? Đấy là trời muốn bệ-hạ thống-nhất bờ cõi, lưu lại nền-móng về ức vạn năm. Từ nay thần xin bệ-hạ chấn-chỉnh giường-mối, yên kẻ trong và nuôi kẻ ngoài, đưa cõi đời này lên cảnh thái-bình, ấy là thần được chịu ơn nhiều lắm.

Rồi Bình ngảnh lại trông Chỉnh và nói với hoàng-thượng:

— Đây là bầy tôi cũ của bệ-hạ đấy.

Chỉnh liền ra trước sập ngự lạy chào.

Hoàng-thượng phán cho Chỉnh ngồi, Bình lại nói:

— Người này nhờ đội tước-lộc của bệ-hạ tưởng chưa nhiều lắm. Thế mà cái lòng của « nghỉ » trung với bệ-hạ, thật trong nước Nam khó có thêm một người nữa. Thần được tới đây, cũng đều nhờ sức giúp-đỡ của «nghỉ».

Hoàng thượng đáp:

— Chỉnh biết trung-nghĩa như vậy, cũng là do ông gây dựng cho hắn.

Chỉnh dập đầu tạ:

— Thật đúng như lời « bề trên ».

Hoàng-thượng yên-ủi hồi lâu. Bình cáo-từ:

— Bây giờ thánh-thể không được yên lắm, ứng tiếp mãi sợ rằng mệt quá. Thần xin tạm lui về nơi quân đóng. Từ mai trở đi, thần xin thỉnh thoảng lại vào chầu thăm. Nếu bệ-hạ muốn hỏi điều gì, thần xin cung-kính vâng chỉ.

Hoàng-thượng nói:

— Quả-nhân có nước mà không được dự, khoanh tay rủ áo hơn 40 năm. Nay đã già-lẫn, việc nước việc quân đều không quen thạo. Ông đã có lòng tôn phù, thì nên ở lại « tệ-quốc » để giúp quả-nhân, xin ông đừng bỏ quả-nhân.

Bình nói:

— Thần chỉ vâng mệnh vua anh đi lấy Thuận-hóa. Nay ra đến đây, cũng là mượn việc nọ mà làm việc kia, không dám ở lâu. Tuy vậy, bốn phương vẫn còn chưa yên, thần cũng phải quét một phen cho yên rồi mới xin về.

Hoàng-thượng sai trà-đồng pha trà thết Bình. Bình ung-dung uống mấy tuần trà rồi ra. Chỉnh cũng theo ra.

Trong lúc ngồi chầu, Chỉnh thấy các quan tản mác, gia-thần của hoàng-thượng chẳng có người nào ứng-đối nên lời. Còn về hoàng-thân thì có hai người là Lê Duy-Tích và Lê Hữu-Chiếu, đều là hạng người lêu-lổng ở kinh-thành, vì cùng quá không cần phải trốn, mới vào nội-điện nương tựa. Rồi nhân có Thanh-nguyên-hầu đưa lên ra mắt hoàng-thượng, tiện thể hoàng-thượng cũng dùng để coi về việc giấy má. Chỉnh vốn không ưa cả hai, liền nghĩ: Gần đây triều-đình vẫn tin-cạy và mình đã biết, chỉ có Tứ-xuyên-hầu Lê Duy-Phiên, Kiến-xuyên-hầu Trương Đăng-Quĩ, Thao-đường-hầu Uông Sĩ-Lãng, Luyện-đường-hầu Trần Công-Thước, Thiêm-sai Nhữ Công-Chấn, Hoàn-quận-công Nguyễn Hoàn, tất cả sáu người, Chỉnh bèn tâu xin hoàng-thượng tuyên sắc đòi đến. Hoàng-thượng đều lập-tức vời vào.

Lúc ấy Lê Duy-Phiên và Nhữ Công-Chấn vì phải cách quan, lâu nay vẫn ở nhà, Nguyễn-Hoàn, Trương Đăng-Quĩ, Uông Sĩ-Lãng và Trần Công-Thước thì đều lánh nạn binh-đao chạy ra ngoài thành. Nghe có chỉ đòi, mọi người đều vâng mệnh tới kinh. Duy Nhữ Công-Chẩn từ chối là có bệnh điên, Uông Sĩ-Lãng tưởng có việc gì quở trách, trước khi vào triều vội đem chiếc ấn Binh-bộ của mình vẫn lĩnh nộp Chỉnh xin hàng. Chỉnh lại giao trả bảo hãy cứ về. Từ đó các viên ấy ngày ngày vào triều bàn việc.

Những quan khác nghe tin cũng đều lục-tục đến kinh. Hoàng-thượng bắt những người đó phải năng giao-thiệp với Bình.

Bình tự nghĩ mình ở phương xa mới đến, chưa quen quốc-thể, cho nên công việc tiếp đãi quan triều, đều giao cho Chỉnh.

Chỉnh bảo với Bình:

— Ông lấy danh-nghĩa « tôn-phù » đến đây, thiên-hạ ai cũng mong ngóng. Nhưng có « danh » phải có « thật ». Muốn cho thống-nhất, thì những việc quân việc nước, đều phải do mình chuyên-quyết, đấy là cái « thật » của sự tôn-phù. Ông cần phải làm cái « thật » ấy đi. Hôm nọ, ông vào ra mắt hoàng-thượng ở điện Vạn-thọ, mới chỉ là việc tự-yết, chưa thật tỏ với thiên-hạ. Nay ông nên chọn ngày lành, làm lễ triều-kiến hoàng-thượng, để cho thiên-hạ đều biết. Có thế mới là việc chính-đại.

Bình lấy làm phải, bèn chọn ngày bảy tháng bảy, xin vào triều-kiến hoàng-thượng.

Đúng ngày, hoàng-thượng mở cuộc đại-triều ở điện Kính-thiên, các quan đều theo thứ-tự đứng hầu, Bình tự đem các tướng-sỹ do cửa Đoan môn đi vào. Sau khi đã lạy năm lạy và vái ba vái, Bình dâng tờ tâu nói về công diệt họ Trịnh và các sổ sách dân quân, xin hoàng-thượng sai quân coi giữ.

Nhận lễ triều xong, hoàng-thượng tiễn Bình ra khỏi cửa điện, rồi bãi triều.

Hôm sau, hoàng-thượng sai quan đem chiếu và « sách » ra tận dinh quân của Bình, phong Bình làm chức nguyên-súy, tước Phù-chính dực-vũ Uy-quốc-công.

Bình nhận chức tước xong rồi, tức-thì sai sứ vào triều tạ ơn, lễ ý rất là chu-chi.

Sau đó, Bình bỗng bảo riêng với Chỉnh:

— Ta đem mấy vạn quân lính đến đây, chỉ đánh một trận giẹp yên được cả thiên-hạ. Một hòn đất, một tên dân của nước Nam đều là của ta. Ta muốn xưng đế, xưng vương, gì mà không được? Sở-dĩ nhường những ngôi đó không muốn ngôi nào, là ta hậu với nhà Lê mà thôi. Cái chức nguyên-súy quốc công, với ta có hơn cái gì? Hay là nước Nam muốn lấy những tiếng hão đó để lung-lạc ta?. Nếu ta không nhận, sợ rằng hoàng-thượng bảo ta kiêu-căng. Nhận mà không nói, lại sợ người nước bảo ta là kẻ mán mọi. Bởi vậy, nên ta phải nói.

Chỉnh biết ý Bình bất-mãn, bèn đặt ra lời hoàng-thượng nói riêng với mình, rồi mình tiết-lậu với Bình mà rằng:

— Hoàng-thượng đã có bảo riêng với tôi thế này: « Nhà vua kiệm-bạc, không có vật gì đáng tặng. Vẫn biết những cái danh tước nhỏ mọn, không đủ làm cho ông sang thêm. Chỉ vì tục nước vốn thích lễ nghĩa, gọi là tỏ cái lòng thành của ngài kính ông mà thôi. Bản-ý của ngài, tự biết mình đã tuổi già, sợ rằng sau khi ông về, không thể nương-tựa vào ai, ngài muốn giàng buộc tình thân của hai họ, để cho hai nước đời đời cứ làm thông-gia với nhau. Nhưng vì chưa biết ý ông thế nào, cho nên chưa dám nói rõ.

Bình đáp:

— Xưa nay những kẻ xa nhà, tình khuê-phòng rất là cần-thiết. Hoàng-thượng cũng xét đến chỗ ấy à? Ừ! em vua nước Tây, làm rể hoàng-đế nước Nam, môn đương hộ đối như thế, tưởng cũng không mấy người được...!

Cả đám đều cười.

Rồi Bình lại nói:

— Nói đùa đó thôi.!... Hoàng-thượng nghĩ vậy thật là « lão mưu đa kế ». Ngài muốn hai nước hòa nhau...

Chỉnh biết là Bình bằng lòng, bèn vào tâu với hoàng-thượng, kể hết đầu đuôi như vậy. Và hỏi con gái hoàng-thượng hiện còn mấy vị công-chúa chưa lấy chồng.

Kể ra trong lớp công-chúa sinh hồi hoàng-thượng tuổi già, số chưa chồng cũng còn đến năm, sáu người. Tựu-trung chỉ có Ngọc-Hân công-chúa, vừa có tư-sắc, vừa có đức-hạnh, hoàng-thượng rất yêu. Ngày thường, ngài vẫn thường nói: « Con này ngày sau nên gả cho làm vương-phi, không nên gả cho hạng phò-mã tầm thường ». Lúc ấy nghe lời Chỉnh nói, ngài định gả nàng cho Bình, bèn bảo với Chỉnh:

— Con gái chưa chồng của trẫm còn nhiều, nhưng chỉ có mình Ngọc-Hân hơi có nhan-sắc. Song mà người ta yêu con hay thiên, trẫm nghĩ thế..., chưa biết con mắt người ngoài ra sao. Ngươi hãy ở đấy, để trẫm đòi cả ra đây, coi qua, rồi ngươi lựa xem người nào xứng-đáng, thì giúp cho thành việc đi!

Rồi ngài liền sai thị-giả vào đòi. Một lát các vị công-chúa nhất-tề ra trước ngự-tọa, Chỉnh liếc coi qua rồi nói:

— Được rồi! mối nhân-duyên này thần xin xe tơ, mười phần chắc xong cả mười.

Tức thì Chỉnh về nói với Bình:

— Câu chuyện hôm qua tôi nói với ông, nay tôi vào chầu hoàng-thượng, ngài vui mừng mà bảo tôi rằng: Nếu đã được ông bằng lòng thì đó cũng là duyên trời run rủi. Hiện ngài có vị công-chúa thứ chín, mới mười sáu tuổi, xin-cho nương bóng hậu dinh, hầu-hạ khăn lược, để cho hai nước thành nghĩa thân-gia, đời đời hòa hiếu với nhau.

Bình đáp bằng giọng bông đùa:

— Vì dẹp loạn mà ra rồi lấy vợ mà về, trẻ con nó cười thì sao? Tuy vậy, ta chỉ mới quen gái Nam-hà, chưa biết con gái Bắc-hà. Nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không?

Cả đám đều cười.

Dây lát, Chỉnh ra, Bình nói giữa bọn tả hữu:

— Tôi xin gửi lại hoàng-đế bệ-hạ vạn tuế! « Hang núi » (?) đến đây, đâu dám đường-đột như thế... Bây giờ may sao lại được bám vào cành vàng lá ngọc. Thật là « Thiên tải kỳ duyên »! « hang núi » (?) mừng-rỡ khôn xiết!

Chỉnh ở phủ ra, liền vào triều tâu với hoàng-thượng. Hoàng-thượng bèn hạ chỉ dụ gả Ngọc-Hân công-chúa cho Bình.

Sau khi đã được quan triều báo tin cho biết, Bình bèn chọn ngày làm lễ thành-hôn.

Mồng mười tháng ấy, Bình sắp hai trăm lạng vàng, hai nghìn lạng bạc, hai chục tấm đoạn, giàn-bày gươm-dáo cờ-quạt, sai viên Hình-bộ thượng-thư đưa các món đó và một tờ tâu vào điện Vạn-thọ.

Hoàng-thượng sai hoàng-tử là Sùng-nhượng-công đón nhận lễ vật, đệ vào Thái-miếu làm lễ, định đến hôm sau đưa dâu. Rồi ngài truyền chỉ các vị hoàng-thần, hoàng-phi, công-chúa và các quan văn-võ ai nấy đều phải sắm-sửa xe ngựa, sớm mai đợi ở cửa điện, để đưa Ngọc-Hân công-chúa ra phủ.

Sáng sớm hôm sau, Bình lại sai quan đệ một tờ tâu vào triều, xin cho làm lễ nghênh-hôn; một mặt Bình đốc quân lính đứng sắp hàng ở hai bên đường, từ cửa điện đến cửa phủ. Trai gái trong kinh đi xem đông như nêm cối, ai nấy đều cho là việc ít có xưa nay. Khi xe công-chúa đi tới cửa phủ, Bình tự ngồi kiệu rồng vàng ra đón, hết thẩy các lễ đều theo đúng như lệ thường các nhà. Công-chúa vào cung, Bình đặt tiệc ở ngoài để thết các vị hoàng-thân, hoàng-phi và các quan đi đưa dâu. Trên tiệc mọi người đều theo thứ-tự mà ngồi. Tan tiệc, Bình sắp hai trăm lạng bạc, sai quan đưa ra ngỏ lời kính tặng các vị nhà gái và tiễn ra khỏi cửa phủ. Các quan ra về, lại họp tại nhà công-đường bộ Lễ, ai nấy đều khen nhà vua kén được giai-tế, từ nay nước An-Nam ta đã có một nước dâu-gia.

Công-Chúa lúc đầu cũng hơi e thẹn, sau rồi cũng lấy làm yên. Bữa vào lễ yết các Tiên-hoàng-đế ở nhà Thái-miếu, lúc đã lễ xong, công-chúa và Bình dóng kiệu cùng đi về phủ.

Bình vốn có tính kiêu-căng, một hôm hỏi gặng công-chúa:

— Con trai con gái nhà vua đã có mấy người được sướng như chúa?

Công-chúa đáp:

— Nhà vua ít lộc, con trai, con gái ai cũng thanh-bạch nghèo-khó. Riêng tôi có duyên lấy được ông lớn, cũng như hạt mưa bụi ngọc, bay ở giữa trời, được sa vào chốn lâu đài thế này, là sự may mắn của tôi mà thôi.

Bình nghe câu ấy thích lắm.

Đến ngày mười bốn, hoàng-thượng bệnh đã nguy-kịch, Bình muốn trong khi ngài còn, để ngài nhận lễ chầu mừng về cuộc nhất-thống, tỏ cho trong ngoài đều biết, cho trọn cái công tôn-phù của mình, bèn chọn ngày rằm đặt cuộc đại-triều, rồi dâng tờ tâu xin với hoàng-thượng. Hôm sau, triều-đình bày cuộc đại-nhạc ở phía đông và phía tây đan-trì, các quan bộ Lễ sắm sửa nghi-vệ cực kỳ trang-hoàng, rồi xin hoàng-thượng ngự ra coi trầu. Sau khi các vị hoàng-tử đã dìu hoàng-thượng lên ngự-tọa, ngoài điện nổ ba tiếng súng làm hiệu, trăm quan lần lượt làm lễ mừng..

Lễ xong, hoàng thượng mới ban tờ chiếu nói việc nhất-thống, đem dán ngoài cửa Đại-hưng. Tôi, dân thiên hạ thấy vậy, đều khen hoàng thượng đủ cả, « phúc lộc thọ khảo ».

Sau ngày ấy, bệnh của hoàng-thượng càng tăng Công-chúa xin Bình vào thăm, Bình nói:

— Bây giờ tôi với hoàng-thượng nghĩa như cha con, ý tôi cũng muốn kịp khi ngài còn, vào trông mặt ngài, để tỏ tấm lòng luyến mộ. Nhưng tôi ở xa đến đây, người nước chưa chắc đã tin tất cả, Hôm qua Hoàng-thượng vừa ra coi triều, ai có biết đâu ngài mắc bệnh nặng! Giả-sử tôi vào lại nhằm giữa lúc « thanh cung án giá », há chẳng để tôi mang tiếng mãi mãi? Vậy chúa cứ về thăm ngài và nói rõ với các anh em như thế, để ai nấy đều biết bụng tôi.

Công-chúa bèn từ biệt về cung.

Đêm ấy, hoàng-thượng hãy còn tỉnh táo. Ngài cho đòi Hoàng-tự-tôn dặn dò hết các việc lớn nhà nước, rồi lại cho đòi công-chúa và dạy về đạo làm vợ đinh-ninh chu trí không còn sót một điều gì. Giờ mão ngày mười bảy, ngài mất ở điện chính-tẩm. Bấy giờ ngài thọ bảy mươi tuổi, ở ngôi được bốn mươi năm. Ngài tướng râu rồng, mũi rồng, tóc bạc, mắt phượng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non, tính rất khoan-từ giản-dị, khi hãy còn làm hoàng-tử, vì việc hoàng-tử Duy-Mật đánh lại họ Trịnh, ngài bị chúa Trịnh nghi ngờ, bắt giam ở nhà một viên nội-thị là Hồng quận-công. Đến hồi Trịnh-Doanh mới lên làm Chúa, quận Hồng ra trấn Sơn-nam, Doanh sai đưa ngài đến giam ở nhà cậu y là Bỉnh quận-công. Trước đó quận Bỉnh chưa biết Doanh có lệnh ấy, thình-lình một đêm mơ thấy thiên-tử tới nhà, cờ quạt phấp-phới, đàn sáo dập-dìu, rõ ra cảnh tượng của đời thái-bình. Sáng mai, chợt thấy quận Hồng cho giải hoàng-tử đến giam, quận Bỉnh rất lấy làm lạ, tin rằng giấc mộng ban đêm không phải là sự ngẫu-nhiên, bèn vào kể lại với Doanh. Bấy giờ bốn phương đương loạn, thế nước đương sắp nghiêng đổ, Doanh thấy điềm đó, muốn nhờ phúc-đức của ngài để giẹp cho yên thiên-hạ, bèn đón ngài về làm vua, đặt niên-hiệu là Cảnh-hưng.

Sau khi ngài đã lên ngôi, bốn phương dần dần giẹp xong, thiên-hạ dần dần bình-yên, Doanh biết hồng-phúc của ngài rất lớn, nên càng hết sức tôn-kính. Ngài cũng nhã-nhặn khiêm-tốn, thực bụng tin Doanh. Thỉnh-thoảng Doanh lại dâng-tiến thức nọ thức kia, nên sự chi-dụng của ngài cũng được thừa-thãi.

Lúc ngài làm vua, chẳng qua khoanh tay rủ áo, tìm trò mua vui, không có việc gì phải lo. Ngài lại sính về các món kỹ-xảo lặt-vặt. Bao nhiêu cung điệu nhạc-phủ, ngài đều chế ra bài mới, tiếng bậc cực-kỳ du-dương. Có khi ngài còn theo tranh Tam quốc, bắt các cung-nhân mặc áo trận, cầm đồ binh, chia ra thế trận ba nước Ngụy Ngô và Thục, dạy họ những cách ngồi, đứng, đâm, đánh, làm trò vui trong lúc thư-nhàn.

Hồi ngài tuổi già, gặp phải Trịnh Sâm đè nén đủ cách, người khác chắc phải tức-giận, không thể chịu nổi, song ngài vẫn cứ đùa vui như thường, Tả hữu thấy vậy đều can. Ngài nói;

— Các người mới biết một đường, chưa biết hai đường. Nhà vua với nhà Chúa hiện đương ngờ nhau, nếu trẫm lấy sự mất quyền làm tức, Nhà Chúa ắt phải ngấm-ngầm tính việc chẳng hay, vì vậy, trẫm phải mượn trò chơi vui để tránh tai vạ đó thôi!

Có lần ngài đã bảo với cung-nhân như vầy:

— Trong đời ta, ắt có ngày được trông thấy cuộc nhất-thống, nhưng ta vẫn không lấy thế làm mừng.

Cung-nhân hỏi lại:

— Nhà Chúa lấn-áp thế này, Chúa bại tức là may cho nhà vua. Cớ gì bệ-hạ không mừng?

Ngài đáp:

— Trời sai Nhà Chúa phò ta, Chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui. Mất Chúa, tức là cái lo về ta, ta còn vui gì!

Lúc Đoan-nam-vương[1] mới lập, bọn kiêu-binh có kẻ đã nghĩ đến việc tôn-phù nhất-thống và có xin ngầm với ngài. Tả hữu khuyên ngài nên theo ý họ. Ngài nói:

— Ta chỉ thành-thật nghe trời mới được thế này. Những sự do ở mưu người xếp đặt, ta không thèm làm. Kẻ nào còn dám nói đến chuyện đó, ta sẽ đưa ra cho Chúa, để Chúa theo phép làm tội..

Bởi vậy, việc ấy mới thôi.

Hồi này thấy Bình làm việc tôn-phù, bề ngoài tuy ngài vẫn mừng, nhưng bề trong thì ngài rất lo, những việc thù-tiếp đều là việc bất-đắc-dĩ.

Tới lúc bệnh nặng, ngài bảo với Hoàng-tự-tôn:

— Ta chỉ sớm tối sẽ được trút hết gánh nặng. Những sự lo lắng đều ở mình mày, mày phải nghĩ đó!

Lúc sắp mất, ngài lại dặn lại:

— Sau khi ta đã nhắm mắt, việc nối ngôi là việc lớn-lao, hết thẩy lại phải bẩm qua với hắn.

Nói xong ngài mất. Theo phép, Hoàng-tự-tôn được lên ngôi vua.

Trước đó, từ khi Ngọc-Hân công-chúa mới về với Bình, Bình đã hỏi khắp đức-tính các vị hoàng-tử. Người nào thế nào, công-chúa đều đã kể thật với Bình. Khi Bình hỏi nhân-phẩm của Hoàng-tự-tôn, công-chúa tuy khôn mà vẫn là tính-tình đàn bà, tự nghĩ anh thân hơn cháu, sợ rằng Tự-tôn cướp mất ngôi vua của Sùng-nhượng-công, bèn đáp:

— Nhân-phẩm Tự-tôn vào hạng tầm-thường.

Vì thế, ý Bình vẫn không thích Tự-tôn.

Đến lúc bệnh của hoàng-thượng đã nguy, triều-đình bàn nhau lập Hoàng-tự-tôn làm vua, bèn sai người ra nói với Bình.

Bình không nghe.

Sứ-giả về triều thuật lại lời Bình, cả triều bàn bạc phân-vân, không biết làm ra thế nào. Thình-lình trong bọn có người nói lớn:

— Tự-tôn không được làm vua, thiên-hạ ắt loạn, họ Lê sẽ mất, ấy là lỗi tại công-chúa. Công-chúa đã làm hại đến việc lớn của xã-tắc, thì nên xóa tên trong sổ họ, để cho công-chúa về nước Tây-sơn mà hưởng phú-quí, họ ta không thiếu gì một người ấy.

Mọi người đều nhìn xem ai, thì là hoàng-thân Vượng quận-công.

Công-chúa nghe nói cũng sợ, liền về phủ để xin với Bình.

Bình bằng lòng cho!

Sau khi hoàng-thượng tắt nghỉ, bách-quan bèn phù Tự-tôn lên ngôi.

Bữa ấy, Bình ở trong phủ, nghe tin hoàng-thượng đã mất, liền sai các lính thị-vệ sắm-sửa xe kiệu nghi-trượng, để chờ khi Hoàng-tự-tôn lập rồi, hoàng-tộc hoặc có lại trình và mời đến lo việc tang, thì sẽ tự đến xem xét công việc, Tự-tôn không hiểu ý đó, sợ phiền, nên không dám mời, mãi khi nhập-liệm xong rồi, mới bẩm với Bình,

Bình giận vì không mời trước, cho là có ý coi mình cũng như người ngoài, lập-tức sai người vào triều bắt phải hoãn lễ đăng-cực, muốn lập người khác. Sứ-giả tới nơi, thì việc đăng-cực đã xong, triều-đình đã cho người ra báo tin thành-lễ với Bình. Bình càng căm tức, liền đòi công-chúa về phủ và mắng:

— Tiên-đế là vua thiên-hạ, không phải vua riêng của họ. Ta thương-mến tiên-đế, hôm qua tỵ-hiềm không dám vào thăm, hôm nay muốn khi nhập-liệm được thấy ngọc-nhan, cho hết cái tình bố vợ chàng rể. Nhưng ta tự-nhiên xông đến, sợ rằng trái lẽ, sao họ lại nỡ bỏ ta ra ngoài mà không thèm mời? Nếu không có ta, thử hỏi triều-đình sẽ thành cái gì? chính-sự sẽ ra cái gì? Cớ sao lại dám khinh-miệt ta như vậy? Ta thử bỏ đây mà đi, xem họ làm ăn ra sao.

Rồi Bình truyền lệnh các quân thủy bộ sắm-sửa hành-trang, cho kịp ngày mai rút quân về nước.

Công chúa mếu khóc xin Bình ở lại, một mặt ngầm sai người thân lẻn vào trong triều, tâu với Tự-hoàng như thế, như thế.

Tự-hoàng được tin, tức thì cho người ra phủ tạ lỗi và xin Bình hãy lưu lại. Bấy giờ Bình mới thôi việc hồi quân.

Đến ngày làm lễ thành-phục, Tự-hoàng sai quân mời Bình vào tế.

Bình mặc áo trắng, đứng ở tế-điện coi xét lễ-nghi cực-kỳ chu-tất. Lúc tế, có một tên lại tả-phiến hơi có vẻ cười, Bình sai lôi ngay ra chém. Đại-khái đối với việc tế-lễ kính cẩn như thế.

Bấy giờ Bình đã có ý định đi, bèn nói với các quan triều:

— « Tên nhỏ » vâng mệnh vua anh đem quân ra, vì việc tôn-phù tới đây, nay đã đã xong việc, ngày nay lại là con rể. Muốn hết đạo hiếu với bố vợ, « tên nhỏ » chỉ mong trước khi chưa về, làm xong cái việc tang-tế, để cho trung-hiếu vẹn cả hai bề. Đó là chí-nguyện của tôi.

Triều-thần đều nói:

— Chúng tôi xin vâng lời ngài.

Rồi đó các quan chọn ngày để đưa tử-cung xuống thuyền.

Bình suốt ngày đêm ra sức sắm-sửa việc tang, tuy là nghi-vật thảo-lược, nhưng lễ-số không sót thứ gì.

Đến ngày phát-dẫn, Bình tự cưỡi voi đem ba nghìn quân đưa đến bến đò, chờ coi lễ rước tử-cung xong rồi, mới quay trở lại.

Tới lúc công-chúa về phủ, Bình nhơn-nhơn ra vẻ tự-đắc, bảo với công-chúa:

— Tiên-đế có hơn ba chục con trai, ngày nay báo hiếu lại có con gái. Thử xem có ai giúp-đỡ công-chúa được chút nào không? Cổ-nhân bảo « nữ tác môn my », phải lắm.

Công-chúa tạ ơn:

— Nhờ về công-đức của ông lớn, tôi được báo hiếu với hoàng-khảo, mở mặt với anh em, tục-ngữ nói: « Trai không ăn mày vợ, gái phải ăn mày chồng » chính là nghĩa thế.

Chợt có tin báo chúa Tây-sơn[2] sắp ra, Bình vội sai đem yết-thị dán khắp kinh-sư, đại-khái nói rằng; « Thiên-vương ra Bắc để xét việc cấy gặt và coi phong-tục của dân-gian, chỉ mươi ngày nữa sẽ tới. Vậy báo-cáo cho cả trong ngoài đều biết ». Một mặt Bình sai tâu với Tự-hoàng xin cho văn võ trăm quan ra ngoài cửa ô đón tiếp.

Triều-đình nhận được tin ấy, ai nấy đều phải ngạc-nhiên, không hiểu hư thật thế nào.

  1. Tức là Trịnh Tông.
  2. Tức là Nguyễn Nhạc.