Kinh Dịch/Phương vị sáu mươi tư quẻ của Phục Hy
Phương vị sáu mươi tư quẻ của Phục Hy
Các thuyết về bốn hình vẽ trên đây, đều do họ Thiệu[1] vẽ ra. Đó là họ Thiệu học được của Lý (chi tại) Đĩnh Chi, Đĩnh Chi học được của Mục (Tu) Bá Trưởng, Bá Trưởng học được của ông Hy Di Trần (Đoàn) Đồ Nam ở Hoạ Sơn, vẫn gọi môn học Tiên thiên.
Trong hình vẽ này, chỗ xếp xuông là: Kiền hết giữa ngọ, Khôn hết giữa tý, Ly hết giữa mão, Khảm hết giữa dậu, Dương sinh trong tý, chót ở trong ngọ, Âm sinh trong ngọ, chót ở trong tý, Dương ở về Nam, Âm ở về Bắc; chỗ xếp vuông là: Kiền bắt đầu ở Tây Bắc, Khôn cùng tận ở Đông Nam, Dương ở về Bắc, Âm ở về Nam. Hai cách xếp đặt đó, tức là độ số Âm Dương đối nhau, tròn mà ở ngoài là Dương, vuông mà ở trong là Âm; tròn thì động mà là trời, vuông thì tĩnh mà là đất.
Lời bàn của Tiên Nho
Thiệu Tử nói rằng: Thái cực đã chia, hai Nghi dựng rồi[2] Dương giao lên với Âm, Âm giao xuống với Dương, mà bốn Tượng sinh ra[3]; Dương giao với Âm, Âm giao với Dương sinh ra bốn Tượng của trời; cứng giao với mềm, mềm giao với cứng, sinh ra bốn Tượng của đất[4].
Tám quẻ cọ nhau mà sau muốn vật mới sinh ra.
Cho nên một chia làm hai, hai chia làm bốn, bốn chia làm tám, tám chia làm mười sáu, mười sáu chia làm ba hai, ba hai chia làm sáu tư, như rễ có gốc, gốc có cành, càng lớn càng ít, càng nhỏ càng nhiều. Cho nên Kiền dùng để chia, Khôn dùng để hợp, Chấn dùng để làm cho lớn lên, Tốn dùng để làm cho tiêu đi. Lớn thì phải chia, chia thì phải tiêu, tiêu thì phải hợp. Kiền, Khôn là ngôi nhất định, Chấn, Tốn là cuộc giao hợp thứ nhất; Đoái, Ly, Khảm, Cấn là cuộc giao hợp thứ hai. Cho nên Chấn Dương ít mà Âm còn nhiều; Tốn Âm ít mà Dương còn nhiều; Đoái, Ly, Dương nhiều hơn Khảm, Cấn Âm nhiều hơn.
Lại nói: Trước khi Vô cực, Âm ở trong Dương: sau khi có Tượng, Dương tách với Âm, Âm là mẹ của Dương, Dương là cha của Âm, cho nên mẹ chửa con trai cả thành ra quẻ Phục, cha sinh con gái cả thành ra quẻ Cấn; vì vậy Dương khởi ở quẻ Phục, Âm khởi ở quẻ Cấn.
Lại nói: Dương ở trong Âm, đi ngược, Âm ở trong Dương, đi ngược, Dương ở trong Dương, Âm ở trong Âm, thì đều đi xuôi[5]. Đó là lẽ chân thật cùng tột, theo hình vẽ trên mà xét, có thể thấy được[6].
... Lại nói: “Từ quẻ Phục đến quẻ Kiền, tất cả một trăm mười hai hào Dương; từ quẻ Cấn đến quẻ Khôn tất cả tám mươi hào Dương; từ quẻ Cấn đến quẻ Khôn tất cả một trăm mười hai hào Âm; từ quẻ Phục đến quẻ Kiền, tất cả tám mươi hào Âm[7].
Lại nói: Khảm Ly là giới hạn của Âm Dương, cho nên Ly ngang vào Dần. Khảm ngang vào Thân, mà số của nó vẫn thường vượt qua. Đó là Âm Dương thừa ra, nhưng cái dụng số thì chẳng hề quá mực giữa[8].
Chu Tử nói rằng: Hình vẽ tròn, Kiền ở phương Nam, Khôn ở phương Bắc; hình vẽ vuông, Khôn ở phương Nam, Kiền ở phương Bắc. Ngôi Kiền hợp nhiều vạch Dương, ngôi Khôn hợp nhiều vạch Âm. Đó là Âm Dương theo loại mà tụ, đều có pháp tượng tự nhiên.
Lại nói: Hình vẽ tròn giống trời, một đường xuôi và một đường ngược, trong cuộc lưu hành vẫn có đăng đối. Như tám quẻ cung Chấn đối với tám quẻ cung Tốn v.v… Hình vẽ vuông giống đất, có đường ngược không có đường xuôi. Trong ngôi nhất định cũng có đăng đối, - bốn góc đối nhau - Như tám quẻ cung Kiền đối với tám quẻ cung Khôn v.v… Đó là sự khác nhau của hình vẽ vuông và hình vẽ tròn.
Hình vẽ tròn giống trời, nghĩa là trời tròn mà xoay, bao bọc ngoài đất. Hình vẽ vuông giống đất, nghĩa là đất vuông mà đứng im, bị nhốt trong trời. Hình vẽ tròn là đạo trời, có Âm có Dương; hình vẽ vuông là đạo đất, có cứng có mềm. Chấn, Ly, Đoái, Kiền là phần Dương của trời, phần cứng của đất, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn là phần Âm của trời, phần mềm của đất. Đạo đất phải theo đạo trời, đem cái cứng mềm của đất, ứng với Âm Dương của trời, vẫn cùng một lẽ. Có điều, ở trời thì một đường xuôi, một đường ngược, khí của các quẻ nhờ đó mà vận hành; ở đất chỉ có đường ngược, vạch của các quẻ nhờ đó mà làm nên, thế thôi.
Có người hỏi Thiệu Tử nói rằng: “Cái học Tiên thiên tức là tâm pháp[9]. Hình vẽ đều bắt đầu từ giữa. Muôn “hoá”[10], muôn việc đều do trong bụng sinh ra, như thế là nghĩa làm sao?
Đáp rằng: Ở trong hình vẽ, chỗ trắng là Thái cực, ba hai quẻ Âm, ba hai quẻ Dương là hai Nghi; mười sáu quẻ Âm, mười sáu quẻ Dương là bốn Tượng, tám quẻ Âm tám quẻ Dương là tám Quái. Lại nói: “Muôn vật muôn hoá đều tự trong đó trôi ra”. Đó là tâm pháp bắt đầu từ giữa[11].
Lại hỏi: “Hình vẽ dù không có chữ, ta nói suốt ngày vẫn cũng không lìa nó" câu ấy là thế nào?
Đáp rằng: Hình vẽ Tiên thiên nay vẽ ra đó là nói về cuộc vận hành một năm. Nếu lớn ra, mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm của cổ kim chỉ là cái vòng ấy, mà nhỏ lại, mười hai giờ trong một ngày cũng chỉ là cái vòng ấy, đều từ quẻ Phục tính đi… Nói về một tháng, thì từ Khôn đến Chấn, là trăng mới mọc, tức ngày mồng ba; đến Đoái là trăng thượng huyền, tức ngày mồng tám; đến Kiền, là trăng tuần vọng, tức ngày mười lăm; đến Tốn là trăng mới khuyết; tức ngày mười tám; đến Cấn, là trăng hạ huyền, tức ngày hai ba; đến Khôn, là trăng tuần hối, tức ngày ba mươi… Một ngày có vận một ngày, một năm có vận một năm, lớn thì đầu chót của trời đất, nhỏ thì sống thác của người và vật, xa thì cuộc thay đổi của đời xưa đời nay, đều không ra ngoài vành ấy và chỉ là lẽ đầy vơi, tiêu, lớn mà thôi.
Chữ Dịch chua là biến đổi lại chua là giao đổi, đó là cái nghĩa truyền đổi, cứ coi hình vẽ Tiên thiên thì thấy: Một vạch Âm ở phía Đông thì đối với một vạch Dương ở phía Tây. Bởi vì cả một phía Đông vốn đều là Dương, cả một phía Tây vốn đều là Âm; vạch Âm ở phía Đông nguyên đều ở phía Tây sang, vạch Dương ở phía Tây nguyên đều ở phía Đông lại; quẻ Cấn ở phía Tây là năm vạch Dương từ phía Đông sang; quẻ Phục ở phía Đông là năm vạch Âm ở phía Tây lại, truyền đổi lẫn nhau mà thành sự biến đổi của Dịch. Tuy có nhiều cách, nhưng đó là cuộc biến đổi thứ nhất…
Trong Dương có Âm, trong Âm có Dương, Đông Tây giao Dịch, mỗi chỗ đều có đối nhau. Thật ra, không phải là cái này đi mà cái kia lại, chỉ là tượng nó như thế. Thánh nhân lúc đầu cũng không nghĩ tính như vậy, chỉ là vạch một nét Âm, vạch một nét Dương, mỗi cái lại sinh ra hai cái nữa: trên một vạch Dương lại sinh ra một vạch Dương và một vạch Âm, trên một vạch Âm lại sinh ra một vạch Âm và một vạch Dương. Chỉ cứ như thế mà đi, từ một ra hai; hai ra bốn, bốn ra tám, tám ra mười sáu, mười sáu ra ba hai, ba hai ra sáu tư, thành rồi, thì liền chỉnh tề như thế. Đó đều là những sự mầu nhiệm bản nhiên của trời đất, chỉ mượn qua tay thánh nhân vạch ra…
Lại khi đáp Diệp Vĩnh Khanh, Chu Hy có nói: Theo thuyết tiên thiên, trước hết nên đem sáu mươi tư quẻ làm hình vẽ ngang, thì Chấn, Tốn, Phục, Cấn vừa ở chính giữa. Trước hãy từ Chấn và Phục đi lùi đến Kiền, rồi lại từ Tốn và Cấn đi xuôi đến Khôn thì thành hình tròn, mà Xuân, Hạ, Thu, Đông, hối, sóc, huyền, vọng, ngày, đêm, sớm, tối, đều có thứ tự, đó là đại ý của việc làm ra hình vẽ.
Lại nữa: Một trăm chín mươi hai hào phía tả đều thuộc về Dương; một trăm chín mươi hai hào phía hữu đều thuộc về Âm, ấy là vì sự đối vọng, truyền đổi với nhau mà thành hình ấy. Nếu không bắt đầu từ giữa đi ra hai đầu, mà chỉ từ đầu đến đuôi, thì những loại ấy đều không thể thông. Thử dùng ý đó mà suy, tự nhiên thấy rõ.
Hình vẽ Tiên thiên vốn của Phục Hy, không phải Khang Tiết chế ra. Tuy nó không có lời lẽ gì cả, nhưng mà cai quát rất rộng, ở trong Kinh Dịch ngày nay, không có một chữ hay một nghĩa nào mà không do đó trôi ra.
Chú thích
- ▲ Tức Thiệu Ung.
- ▲ Chu Hy nói rằng: Đoạn này nói về hào thứ nhất. Một hào lẻ bên tả là Dương, một hào chẵn bên hữu là Âm, vẫn gọi hai Nghi.
- ▲ Chu Hy nói rằng: Đoạn này nói về hào thứ nhất sinh hào thứ hai. Nửa hào Dương dưới giao lên với nửa hào Âm trên, thì sinh ra một lẻ và một chẵn về hào thứ hai trong phần Âm, thành ra Thiếu dương Thái âm; nửa hào Âm trên giao xuống với nửa hào Dương dưới, thì sinh ra một lẻ một chẵn, về hào thứ hai trong phần Dương, thành ra Thái Dương Thiếu Âm, gọi là hai Nghi sinh ra bốn Tượng.
- ▲ Chu Hy nói rằng: Đoạn này nói về thứ hai sinh hào thứ ba: Dương là Thái Dương, Âm là Thái Âm, cứng là Thiếu Dương, mềm là Thiếu Âm. Nửa Thái Dương dưới giao với nửa Thái Âm trên thì sinh ra một lẻ một chẵn về hào thứ ba trong phần Thái Âm, thành ra quẻ Cấn, quẻ Khôn; nửa Thái Âm trên giao với nửa Thái Dương dưới thì sinh ra một lẻ một chẵn về hào thứ ba trong phần Thái Dương thành ra quẻ Kiền, quẻ Đoái, nửa Thiếu Dương trên giao với nửa Thiếu Âm dưới thì sinh ra một lẻ một chẵn về hào thứ ba trong phần Thiếu Âm, thành ra quẻ Ly quẻ Chấn; nửa Thiếu Âm dưới giao với nửa Thiếu Dương trên thì sinh ra một lẻ một chẵn về hào thứ ba trong phần Thiếu Dương thành ra quẻ Tốn quẻ Khảm. Đó là bốn Tượng sinh ra tám Quẻ. Kiền, Đoái, Cấn, Khôn do ở Thái Dương Thái Âm sinh ra, cho nên gọi là bốn Tượng của trời; Ly, Chấn, Tốn, Khảm do ở Thiếu Dương Thiếu Âm sinh ra, cho nên gọi là bốn Tượng của đất.
- ▲ Chu Hy nói rằng: Trong hình vẽ này phía tả thuộc về Dương, phía hữu thuộc về Âm. Từ Chấn một hào Dương, Ly, Đoái hai hào Dương, Kiền ba hào Dương là Dương ở trong Dương, đi xuôi; từ Tốn một hào Âm, Khảm Cấn hai hào Âm, Khôn ba hào Âm, ở trong Âm đi xuôi, Khôn không có Dương, Cấn Khảm một hào Dương, Tốn hai hào Dương, là Dương ở trong Âm, đi ngược; Kiền không có Âm, Đoái Ly một hào Âm, Chấn hai hào Âm là Âm ở trong Dương, đi ngược.
- ▲ Ông Từ Trai nói rằng: Hình Tiên thiên tròn, phía tả là Dương, phía hữu là Âm. Hai mươi hai quẻ phía hữu là Dương, bắt đầu từ hào Chín Đầu quẻ Phục, biến mười sáu lần đến hai hào Dương là quẻ Lâm; lại biến tám lần đến ba hào Dương là quẻ Thái, lại biến bốn lần đến bốn hào Dương là quẻ Đại tráng, lại biến một lần đến năm hào Dương là quẻ Quái, có quẻ Kiền làm chủ cho những quẻ ấy. Sự tiến của khí Dương, trước thong thả mà sau nhanh chóng, nó tiến dần dần, thế là “Dương ở trong Dương đi xuôi”. Khí Dương chủ về bốc lên, từ dưới đến trên, cho nên là xuôi. Từ quẻ Phục đến quẻ Vô vọng ba mươi hào Dương, từ quẻ Minh đi đến quẻ Đồng nhân ba tám hào Dương, từ quẻ Lâm đến quẻ Ly cũng ba tám hào Dương, từ quẻ Kiền đến quẻ Thái ba sáu hào Dương. Ba mươi là Dương còn nhỏ, hai tám là Dương đã to, mười sáu thì Dương rất thịnh. Khi Dương ở Bắc thì nhỏ, ở Đông thì to, ở Nam thì thịnh, thế cũng là xuôi, Dương xuôi Âm ngược, không nói cũng biết. Nhưng hào Dương ở hai quẻ phía hữu thì trái hẳn thế. Vì thế mới nói: “Cái lẽ chân thật cùng tột xét theo hình vẽ, có thể biết được”.
- ▲ Hồ Ngọc Trai nói rằng: Từ quẻ Phục đến quẻ Kiền ở về phía tả hình vẽ, là phương Dương, cho nên Dương nhiều mà Âm ít. Từ quẻ Cấn đến quẻ Khôn ở về phía hữu hình vẽ, là phương Âm, cho nên Âm nhiều mà Dương ít. Một vạch Dương bên tả, đối với một vạch Âm bên hữu; một vạch Âm bên tả đối với một vạch Dương bên hữu. Đối nhau để dựng nên thế, Âm Dương đều có một nửa. Theo đó mà xét, thì trong khoảng trời đất, Âm Dương đều chiếm một nửa, vốn không có lẽ “tiệt nhiên là Dương, tiệt nhiên là Âm”. Có điều Tạo hóa quý Dương rẻ Âm. Thánh nhân phò Dương nén Âm, cho nên trong khi tiêu lớn, sự khác nhau của thứ ngay (Dương) thứ gian (Âm) không thể không phân biệt cho kỹ.
- ▲ Hồ Ngọc Trai nói rằng: "Khảm Ly là giới hạn của Âm Dương". Đó là theo ngôi Dần Thân mà nói. Nói về bốn mùa thì Xuân là Dương, bắt đầu từ tháng Dần, ấy là Ly ngang vào Dần mà là giới hạn của khí Dương; Thu là Âm, bắt đầu từ tháng Thân, ấy là Khảm ngang vào Thân mà giới hạn của khí Âm. "Số thường vượt qua" nghĩa là: Ly tuy ngang vào với Dần mà giữa Mão mới hết, Khảm tuy ngang vào với Thân mà đến giữa Dậu mới hết. Đó là vượt qua giới hạn Dần, Thân, mà Âm Dương thừa ra. "Dụng số không quá mực giữa", nghĩa là lấy Dần Thân không lấy Mão Dậu. Bởi vì, ở ngôi Tý tuy Dương đã sinh, nhưng chưa ra khỏi đất, đến Dần khi ẩm nóng mới làm việc; ở ngôi Ngọ, tuy Âm đã sinh nhưng chưa làm hại cho Dương, đến Thân khí giá rét mới làm việc. Thế là dụng số không quá Dần Thân là số chính giữa.
- ▲ Những điều thầy trò truyền trao cho nhau, không có ở trong kinh điển, gọi là tâm pháp.
- ▲ Chỉ về các sự biến hóa.
- ▲ Chỗ này Trần Tân An có giải thêm rằng: Trong câu "Cái học tiên thiên tức là tâm pháp, hình vẽ đều bắt đầu từ giữa". Chữ "đều" đó là cớ làm sao? Ấy là nói gồm tất cả hình vuông hình tròn. Trời đất định ngôi, đó là hình tròn bắt đầu từ giữa Sấm (chỉ vế quẻ Chấn) dùng để làm cho động, gió, (chỉ về quẻ Tốn) dùng để làm cho tan, đó là hình vuông bắt đầu từ giữa. Giữa là ngôi của năm và mười ký ngụ. Cho nên hình tròn khi xoay về tả bắt đầu từ Khôn, khi xoay về hữu bắt đầu từ Kiền, đó là chỗ giữa khởi đầu ở ngôi nhất định của trời đất. Hình vuông chỗ giao nhau của tây bắc và đông nam, bắt đầu từ Chấn và Tốn; chỗ giao nhau của đông bắc và tây nam bắt đầu từ Hằng và Ích chúng; chỗ gặp nhau của Nam và Bắc bắt đầu từ Hằng Chấn và Tốn Ích; chỗ gặp nhau của Đông và Tây bắt đầu từ Chấn Ích Hằng Tốn: đó là cái giữa khởi đầu ở sự động, tan của sấm và gió. Theo đó mà bàn, thì tròn là hình động, lấy ngôi nhất định làm bản thể; vuông là hình tĩnh, lấy sự động tan làm công dụng, cho nên động mà không động, tĩnh mà không tĩnh. Đó là tâm pháp của môn học tiên thiên đấy chăng? Điều đó không thể không tìm cả ở trong hình vẽ.