Bước tới nội dung

Làm đĩ/Một vấn đề, hai ý kiến

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Một vấn đề, hai ý kiến

Trước mặt bạn đọc, đáp lại Linh Mục
J. M. Thích, chủ bút báo «Vì Chúa»

TRONG Sông Hương số 4, tôi có bài «Trả lời cho một ông cố đạo». Hôm nay người ta đã biết rõ ông cố đạo J. M. Thích. Vì bài «Vì Chúa» ra đời, ông ấy làm chủ bút, ngay ở số 1 đã có bài trả lời cho tôi.

Hôm nay tôi lại nói đến việc ấy ở đây, không phải trả lời cho một ông cố đạo nữa, mà trả lời cho một vị chủ bút, một bạn đồng nghiệp.

Trong bài của ông chủ bút J. M. Thích ở «Vì Chúa» số 1 có hai phần: Một phần lớn chỉ-trích từng câu từng lời của bức thơ tôi đăng ở Sông Hương số 4: một phần nhỏ cuối cùng biểu-thị cái thái-độ ông đối với báo Sông Hương chúng tôi.

Cái phần lớn ấy, ai có đọc qua hẳn thấy, ông chỉ cãi nhau với tôi về sách vở. Sự cãi nhau về sách vở là sự xưa nay ai cũng biết là không thể dứt khoát được, vì đằng nào cũng sẽ viện ra lý của đằng ấy. Bởi vậy tôi không muốn đả-động đến phần ấy nữa. Người biết sẽ bảo tôi đã tránh một cuộc bút chiên dây dưa vô vị, tôi xin cảm ơn: người không biết sẽ bảo tôi đã chịu thua ông chủ-bút báo «Vì Chúa» rồi, tôi cũng xin nhận.

Tôi chỉ muốn phân trần với bạn đồng-nghiệp ở trước mặt độc-giả của cả hai tờ báo về phần nhỏ cuối cùng trong đó, ông J. M. Thích tỏ ý vì cái truyện dài «Làm Đĩ» mà đòi tẩy chay báo Sông Hương.

Một tờ báo không đáng đọc, dù không ai tẩy chay nó cũng vẫn không có người đọc. Còn nếu một tờ báo đáng đọc thì dù bị tẩy chay, người ta cũng vẫn cứ đọc như thường. Tôi nói câu ấy để tỏ ra Sông Hương tin ở mình và tin ở bạn đọc lắm, không hề nao-núng trước những lời đe-doạ chút nào.

Cũng may được dịp này để tôi cắt nghĩa tại sao Sông Hương đăng cái truyện dài ấy.

«Một vấn đề, hai ý kiến», câu tiêu-đề trên đây có thể suy ra mọi việc ở xã-hội ngày nay, việc nào cũng vậy. Cái lẽ phải có lẽ nhất định, nhưng ở lúc chưa nhất định được thì nó phải trình ra cái hiện-tượng như thế.

Đây tôi nói về vấn-đề nam-nữ. Thu nó lại và lột trần nó ra, tức là vấn-đề «giao-cấu».

Vả giao-cấu là một việc rất quan-trọng của loài-người mà cũng là việc rất xấu xa của loài-người. Chẳng phải chính mình nó là xấu-xa, mà bởi người ta đã nhân nó mà chuốc lấy sự xấu-xa, cho mình. Bao nhiêu những sự thủ-dâm, thông-dâm, cưỡng-dâm, mãi-dâm, là sự gây ra tật-bệnh phạm vào pháp luật, làm giống-nòi trở nên hèn-yếu, xã-hội trở nên đồi bại, đều bởi việc ấy mà ra cả. Rõ là một vấn đề trọng đại và khẩn yếu, ngang với các vấn-đề khác như chính-trị, kinh-tế, giáo-dục... của một nước.

Những người gọi là có tri-thức, đối với những sự tệ-hại của vấn-đề ấy, có lẽ ai cũng thấy cả, chỉ về cách đối-phố hay giải-quyết, họ có ý kiến khác nhau mà ta có thể chia làm hai phe.

Một phe hình như lấy cái thái-độ tiêu-cực. Đối với những điều tệ-hại ấy, họ biết là đáng trừ-khử, và phải đợi nó phát ra rồi mới trừ-khử. Họ không dám đem những điều cần nên biết về sự giao-cấu mà rao giảng ra trước khi người ta vì sự ấy mà phạm tội hoặc mang bệnh. Vì họ nói cũng có lý của họ, họ sợ rằng trong khi rao giảng đó, thiên hạ chưa chắc nghe mình để làm điều phải, mà lại làm ngay cái điều mà mình đã đem khuyên răn thiên hạ đừng nên làm. Do cái ý ấy, mới đặt ra pháp luật để trừng-trị các tội dâm-ác và mở ra bệnh viện để chứa những chứng bệnh thuộc về phong tình. Phe này gồm các nhà chính-trị, tôn-giáo đời nay, và nhà nho nước ta cũng thuộc vào đó.

Một phe nữa, ý kiến phản đối với phe trên, là các nhà khoa-học, nhất là các nhà sinh-lý-học. Những người này họ xét rõ: cái nguồn gốc của sự tệ hại ấy là do sự ngu-dốt mà ra. Đợi phạm tội rồi mới trừng-trị bằng những điều luật nghiêm-khắc, đợi phát bệnh rồi mới tiêm thuốc, họ cho rằng như thế không bằng chữa ngay cái ngu-dốt đi cho khỏi phạm tội và mắc bệnh là hơn. Trong khi đem sự ấy rao giảng cho người ta biết dù không khỏi có kẻ làm bậy chăng nữa, quyết cũng còn có được một số đông nghe theo mà làm phải. Phe này lấy cái thái-độ tích-cực, vì họ mạnh-bạo, liều-lĩnh đem cái chuyện loài người giấu kín mà nói toang ra.

Hai cái ý kiến ấy, báo Sông Hương chúng tôi ngả về cái sau, mặc dù chúng tôi không phải nhà khoa-học hay sinh-lý-học, nhưng chúng tôi là một nhà ngôn-luận. Chúng tôi nhận thấy sự tệ hại ấy ở xã-hội ta đã đến cực-điểm rồi, cần phải chữa nay, không còn do-dự nữa, không còn đợi ngày nào nữa.

Chúng tôi có ý-kiến ấy mà không có cách nào thực hành ngoài cách tuyên truyền trên báo. Vì đó, chúng tôi đăng truyện dài «Làm Đĩ».

Làm việc tuyên-truyền này chỉ sợ một điều là vô ý mà lại thành ra khiêu dâm. Nhưng bạn đọc chớ lo, trong truyện dài này, chúng tôi đã hết sức tránh khỏi điều vô ý ấy.

Chúng tôi cũng hết sức tránh những danh-từ thô-tục trong đó nữa. Chỉ khi nào cực chẳng đã, phải dùng thì chúng tôi mới dùng với một cách dè dặt.

Chúng tôi đã lâu nay không làm như người khác mà tuyên-bố mình theo chủ nghĩa nào, duy... gì, nhưng ở đây chúng tôi phải nói rõ ra rằng chúng tôi chủ-nghĩa duy-vật. Về sự nam-nữ, chúng tôi chẳng nhận có ái-tình tinh-thần hay cao-thượng gì cả, chúng tôi chỉ biết rằng ái-tình do nhục-dục mà ra và giao-cấu là cái mục đích cuối cùng của ái-tình. Vậy chúng tôi xin khuyên thanh-niên nam-nữ đừng lấy cái ái-tình tinh-thần hay cao-thượng mà đánh lừa nhau nữa, hay tôn-trọng sự giao-cấu, coi nó là thần thánh, đợi một trường hợp nào đáng dùng nó, hãy dùng, để giữ toàn hạnh-phúc cho cả đời mình. Trong truyện dài «Làm Đĩ» của Sông Hương, rút lại chẳng qua có mấy lời khuyên bảo ấy mà thôi.

Ông J. M. Thích, trước khi chưa thấy cái truyện nói những gì, vì lúc đó chưa đăng ra — mà nay chắc ông cũng không thấy nữa vì ông không thèm đọc — mà ông đã công-kích vội chỉ bởi hai chữ «Làm Đĩ», ông cho là dơ-bẩn, thì thật là quá đáng. Đến nay ông đòi tẩy-chay báo Sông Hương lại còn quá đáng hơn.

Không nghe nhau thì ông làm theo ý-kiến của ông, chúng tôi làm theo ý-kiến của chúng tôi, chứ việc gì! Chỉ xin lấy lòng quân-tử mà đừng ngờ chúng tôi đăng cái truyện này để thủ lợi.

PHAN-KHÔI