Bước tới nội dung

Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XIX

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ XIX

Tìm chưa gặp, thương tình ly-biệt,
Bói thử xem, mong hội đoàn-viên.

Quí-Nhi chỉ vì mong Phùng-Ngọc không thấy về, trong bụng nóng nẩy, muốn nói với bố mẹ chồng y theo ý tốt của Lý công-chúa khuyên mời đi đến trại Gia-quế, rồi sẽ xin binh báo-thù. Song lại sợ bố mẹ chồng già nua tuổi tác, đi xa xôi bạt-thiệp không phải là dễ. Nếu bố mẹ chồng không đi, mà Hoàng-lang thì không thấy trở về, chỉ dùng dằng mong đợi mãi lâu ngày, lại sợ hài-cốt cha mẹ không thể bảo-toàn được; nghĩ đến nông-nỗi ấy khác nào như con kiến bò ven bên chậu nước nóng, lui lên lui xuống không biết giở đàng nào; trong lòng lo nghĩ quá độ rầu rĩ uất kết, mới thành ra bệnh tâm-thống; sáng sớm trở dậy rửa tay bỗng dưng hét lên một tiếng ngã lăn xuống đất, hôn-mê cả người, hàm răng nghiến chặt, chân tay giá ngắt. Vợ chồng Tư-trai vội vàng chạy lại ôm lấy, hô hoán một hồi lâu mới hơi tinh-tỉnh. Tư-trai bảo Sa-thị và Tiểu-Thanh đỡ Quí-Nhi vào trong giường. Tư-trai thì vội-vàng đi đến Tây-thôn, đón một ông thầy thuốc danh-tiếng là họ Trương; nguyên thầy lang ấy: thân-thể ngắn-ngủi, trạng-mạo thanh-kỳ; đi đứng xuềnh-xoàng, giầy áo sốc-sếch, trong lòng toàn diệu-thuật thanh-nang, trên tay đủ kỳ-phương Bạch-hổ; khi say thì lê-la cả bùn cả nước, lúc hứng cũng ngâm-nga nào phú nào thơ; được cuộc ra lại vênh váo vuốt râu, vung tay dậy đi ngông-nghênh đánh chén; thực là người danh-sĩ tiêu-dao ngoài cõi tục, hay là bậc địa-tiên mặc quách cả giàu sang.

Khi thầy lang ấy đến nơi đưa vào trong phòng. Tiểu-Thanh ở trong màn vân-mẫu nâng đỡ cổ tay nàng đưa ra. Thầy lang xem mạch suốt cả tam-quan lục-bộ, xong rồi. bảo Tư-trai rằng:

— Xin cho xem dung-nhan lịnh-tức qua một chút.

Tư-trai liền bảo Tiểu-Thanh mở cánh màn ra. Thầy-lang xem qua rồi trở ra nhà tiền-đường bảo rằng:

— Bệnh lệnh-tức là chứng uất đấy. Kinh rằng: « Mạch hành kết-súc, thành ra bệnh uất » bệnh uất có năm chứng. song chứng bệnh lịnh-tức đây thời bởi tại bi-ai sầu-não mà sinh ra; bi-ai đau-đớn. sầu não mãi ở trong, rồi thành ra khí bế-tắc không lưu-thông đi được, hễ khi nào phát lên thời tâm-hệ cấp-súc mà thượng-tiêu không thống, thường có cái chứng bạo-thống bạo-tuyệt. Nhưng chứng uất có khi nhân bệnh mà sinh uất. có khi nhân uất mà sinh bệnh; nay mạch lệnh-tức xem ra thời súc-kết mà có lực, mà nét mặt thời thần-khí tiêu-tác, đó là bởi uất mà sinh ra bệnh đấy. Phép trị-bệnh phải trị-kỳ-bản, nay bệnh lịnh-tức không phải chỉ nhờ ở thuốc-thang mà khỏi được, tất phải trừ bỏ bệnh-căn thì mới khỏi được, chớ không nên để cho tái-phát, nếu để thì thành ra cố-tật đó.

Tư-trai nghe nói, bùi ngùi mà rằng:

— Lời tiên-sinh dạy thực là thấu hết phủ-tạng, dẫu thầy Biển-Thước cũng không kịp được.

Bèn hậu-tạ thầy lang mà tiễn ra về. Thực là:

Diệu-lý đã hay thần lĩnh-hội,
Cao-danh nào phải tiếng đồn suông.

Tư-trai từ khi nghe lời thầy lang nói, trong bụng buồn bã, trở vào bàn với Sa-thị mà rằng:

— Nếu muốn cho con dâu nó khỏi hẳn bệnh-căn, thời trừ-phi thằng con Phùng-Ngọc nó trở về, nó đi đến trại Gia-quế xin binh hộ để báo-cừu cho thân-ông và đem được hài-cốt thân-ông về họa may mới bớt được cái lòng thương đau của con dâu nó: nhưng không biết cái thằng súc-sinh ấy vì việc gì mà hết ngày ấy sang ngày khác không thấy trở về, ta còn biết làm thế nào mà giải-cứu cho con dâu được ta đây! Thương thay cho con dâu nó đầu xanh tuổi trẻ, gặp phải tai-vạ, may mà trốn thoát, lặn-lội nghìn dặm mới đến tìm được tôi với bà, nay lại để cho nó phải chịu uất-ức mà chết, lòng nào lại nỡ thế bao giờ.

Tư-trai nói rồi, rỏ nước mắt khóc. Sa-thị cũng khóc mà rằng:

— Hay là ta cứ nói dóng lên cho nó mừng rằng ông với tôi đợi Phùng-Ngọc mà không thấy về, nếu mai kia con dâu nó khỏi, thì đem tất cả nhà cùng đến trại Gia-quế ở rồi cầu Lý công chúa phát binh báo cừu hộ cho; cứ nói dóng lên cho con nó sướng nó khỏi đã, rồi ta sẽ thương-lượng, có nên chăng?

Tư-trai gật đầu mà rằng:

— Đó cũng là cái phương cứu-cấp. bà cứ vào nói cho con nó hay.

Sa-thị bèn trở bước vào phòng hỏi rằng:

— Con ơi! Trong bụng con bây giờ đã thấy khoan-khoái hay chưa?

Quí-Nhi thưa:

— Trong bụng con bây giờ còn đương nôn-nức lắm.

Sa-thị nói:

— Này con, ông con đã bảo con mà khỏi dậy, nếu đợi Phùng-Ngọc không thấy về, thời vào độ thượng-tuần tháng tư khí trời mát mẻ, cả nhà cùng đến trại Gia-quế sẽ nói với Lý công-chúa phát binh báo-thù hộ cho con.

Quí-Nhi nguyên không có bệnh gì chỉ vì đợi Phùng-Ngọc không thấy trở về, sợ lỡ mất cái cơ-hội tốt, không sớm đi xin binh báo thù, nếu chậm ra thì không kịp nữa, nên mới ưu-uất thành bệnh; nay nghe thấy bố chồng bằng lòng đem cả mình đến trại Gia-quế để thỉnh binh; tựa như cổi mối sầu-tràng. đau đớn biến đi đâu mất hết, vụt cái đứng trở dậy, khấu đầu lạy tạ Sa-thị. Sa-thị cả mừng mà rằng:

— Con nay thân-thể hãy còn yếu, đợi ít bữa nữa bổ-dưỡng cho khỏe-mạnh như thường đã, rồi mẹ sẽ nói với ông chọn ngày khởi-trình ra đi.

Sa-thị nói xong, bước ra ngoài cửa buồng sẽ nói cho Tư-trai biết. Tư-trai cũng lấy làm mừng thầm.

Tháng ngày thấm thoắt vụt như thoi đưa, chớp mắt đã đến đầu tháng tư rồi. Quí-Nhi không thấy Tư-trai nói nhắc đến việc đi đến trại Gia-quế nữa, trong bụng nghĩ thầm rằng dễ thường bố chồng nói dứ ta chăng. Nàng bèn chạy vào trong buồng lấy một tờ hoa-tiên viết ra một bài thơ, sai Tiểu-Thanh sẽ đem vào để ở trên án. Tư-trai trở vào thấy trên án có một tờ hoa-tiên đề thơ, nét bút ngay ngắn tươi tốt, trông như người gái đẹp bông hoa tươi, biết là chữ của nàng dâu viết, bèn cầm lấy thơ xem, thơ rằng:

Ơn sâu báo-đáp biết bao giờ?
Giọt lệ khôn cầm luống ngẩn ngơ.
Gối điệp buồn nghe chim gáy sớm,
Dây loan biếng gẩy nhện trăng tơ.
Đường hoa mưa rấp hồn vơ-vẩn,
Hiên trúc trăng tà bóng phất-phơ.
Đọc sớ nàng Oanh thêm tủi dạ
Soi gương càng thẹn vẻ ngây thơ.

Tư-trai xem thơ xong, than-thở mà rằng:

— Con dâu ta thực là tài đức vẹn toàn cả hai, vì ta có hứa với nó cùng đi đến trại Gia-quế; nay đã lâu rồi mà không nhắc đến nữa. nên nó làm ra bài thơ này, ý nó thực là nóng ruột lắm; song lời thơ rất hàm-súc, không dám nói giục-giã ta; người con dâu hiền hiếu như thế này, mà ta không đưa nó đi, là sai lời hứa với con, thì ta không phải là cha nó nữa.

Tư-trai nói rồi bèn chạy vào nhà hậu-đường, cùng bàn tính với Sa-thị mà rằng:

— Thầy lang bảo chứng bệnh con dâu nó hễ khỏi rồi, không nên để cho nó tái phát nữa; nếu để tái-phát thì thành ra cố-tật, thằng Phùng-Ngọc súc-sinh kia, chẳng mong gì nó trở về nữa đâu; ta trước đã nói hứa với con dâu rằng cùng đi đến trại Gia-quế, mà nay không đi thì nó hẳn không được thỏa lòng, sợ lại tái-phát cái bệnh ấy ra thì oan-gia. Vả lại Lý công-chúa ở trại Gia-quế cũng có gửi thư lại, lời nói truân-thành khẩn-thiết lắm. có mời tôi với bà đến sơn-trại để phụng-dưỡng. Nếu chúng ta đến chơi đó, thì con dâu nó hẳn vui mừng, hay là ta cùng với con dâu nó cứ đi đến trại Gia-quế một phen, vì nó mà xin phát binh báo thù hộ cho cả nhà thân-gia, cũng là tỏ cái tình thù-đáp nhà Trương thân-gia một chút. Song đường sá xa xôi, chỉ một mình ta với nàng dâu đi thì không tiện, hay là bà mày cùng đi chơi nên chăng?

Sa-thị nói:

— Lý công-chúa mới kết thân với con ta mà biết sai người đưa đồ cam-chỉ về biếu tôi với ông, thế cũng là người con dâu hiền đấy, ừ thì tôi với ông cùng đến chơi trại Gia-quế thăm xem cũng hay.

Tư-trai nghe nói cả mừng liền sai người đến thư-phòng gọi con thứ hai là Hoàng Phùng-Châu trở về, dặn bảo rằng:

— Ta với mẹ con cùng chị dâu con định đi đến chơi trại Gia-quế, việc nhà ta giao phó cả cho con, con nên sớm tối cẩn-thận trông nom, rồi thì đem sách ra học, chớ có chơi đùa, hễ ta xong việc thì ta liền trở về ngay.

Phùng-Châu nghe lời xin vâng. Tư-trai bèn sắp sửa hành-trang, định chọn ngày để khởi-trình. Quí-Nhi bèn cùng Sa-thị thương-nghị mà rằng:

— Ông nay tuổi già, đi dọc đường phải có người hầu-hạ; con lúc lại đây mặc nam-trang, vậy nay con lại xin mặc nam-trang như trước, để khi xuống thuyền vào trọ, không phải kiêng kỵ gì và lại tiện việc hầu-hạ, thưa mẹ nghĩ có nên chăng?

Sa-thị nói:

— Để ta bàn với ông xem thế nào?

Sa-thị liền lại nói với Tư-trai. Tư-trai cả mừng mà rằng:

— Phải lắm, con dâu ta nhan-sắc phi-thường, chỉ sợ gợi động đến con mắt người ta ta vẫn lấy làm lo nghĩ, nay mà cải nam-trang thì không phải lo gì nữa.

Quí-nhi nghe mệnh bèn cải-trang mặc ra lốt học-trò, tuân-mệnh sai Tiểu-Thanh thuê ba cái kiệu ra đi. Lại bảo Bàn Vi-Liên gọi hai tên lính gánh đồ hành-lý đi theo hầu sau kiệu, cùng đi đến Tùng-giang, thuê thuyền để kéo đi. Khi thuyền đến Trường-sa, thấy người xôn-xao truyền-thuyết bảo rằng: «Người Mán làm phản, quân quan Đốc-phủ bị thua, tỉnh-thành đã phải vây hãm cả rồi. » Tư-trai nghe nói cả kinh, kíp gọi Bàn Vi-Liên đến hỏi rằng:

— Nghe có tin đồn rằng Công-chúa nhà ngươi làm phản, thì lũ ngươi không nên đi lên vội.

Bàn Vi-Liên nói:

— Hạt Quảng-đông này thuộc về dân Mán chúng tôi ở rất nhiều, nhưng chỉ có một mình Công-chúa tôi là qui-thuận triều-đình; còn thời như mán Bát-bách-túc ở Liên-sơn, đảng Ngũ-hoa-tặc ở La-bàng, đều có đến vài mươi vạn quân, không phục theo vương-hóa. Nay dẫu có tin bọn Mán Mèo làm phản, nhưng chắc là không phải Công-chúa tôi, xin thái-công chớ ngại.

Tư-trai nghe nói, bèn cứ phóng tâm đi lên, khi đi đến Hưng-ninh lại nghe thấy người đồn rằng: « Người Mán đem binh đến đánh quân giặc ở trại Hỏa-đái: về đường Long-xuyên, binh thuyền sung-sích, không thể đi lên được. » Bàn Vi-Liên nghe được tin ấy bèn nói với Tư-trai rằng:

— Tôi nghe có quân đến đánh trại Hỏa-đái, xin Thái-công cứ đi mau lên đến Long-xuyên thử hỏi thăm xem là trại Mán nào đem quân đến đánh.

Tư-trai nghe nói cho là phải, bèn cứ giục lái thuyền đi sấn lên. Khi đi đến Thanh-khê bèn trở lên bộ, gặp thấy vô số những người mặt võ mình gầy, quần áo lam-lũ, lũ năm lũ ba từng đàn kéo đi. Tư-trai cũng không để ý làm chi. Khi đi đến Kỳ-lĩnh, thấy vô số người quây-quần lại trỏ chân trỏ tay vòng quanh lại hỏi bọn lam-lũ ấy. Tư-trai bèn chạy đến gần nghe xem nói chuyện gì, thì thấy một người nói: « Tôi từ tháng mười năm ngoái bị giặc bắt đi, quân giặc nó bảo tôi viết thư về nhà bảo nhà đem nghìn bạc đến chuộc; nhưng tôi biết rằng quân giặc vô-đạo, dẫu cho nó nghìn bạc, vị tất nó đã tha cho; bởi thế nó khảo-đả kìm-cặp bắt ép tôi viết thư, tôi nhất định không viết; nó lại đem trói chân tay tôi-lại bỏ vào chuồng lợn; rồi nó lại lấy dây trói chân tôi treo ngược lên sà nhà, tưởng chừng không thể sống được. May sao chúa Mán đem binh đến đánh, giết chết thằng đầu đảng giặc, tôi mới được tha; lại nhờ chúa Mán cấp tiền lộ-phí cho về nhà, chúa Mán ấy thật là cha mẹ tái-sinh ra lũ chúng ta đó!» Tư-trai nghe nói, rẽ mọi người ra, giơ tay vái một cái mà hỏi rằng:

— Các ông là người bị-nạn ở trại Hỏa-đái được tha về, dám hỏi các ông có biết một người ở thôn Mai-hoa châu Huệ là người nhà thân-gia với tôi tên là Trương Thu-cốc, chả biết có được tha về không?

Người bị nạn ấy nói:

— Chúng tôi là phải quân giặc trại Ô-cầm nó bắt, cách xa trại Hỏa-đái nên không được biết. Nhưng ngay trước lũ chúng tôi ở Long xuyên, thấy có chúa Mán kéo quân về họp tập ở trước quan-ải, người đi tiễn-đưa đến vài nghìn người, nếu người nhà thân-gia ông mà không việc gì, thì tất là đã trở về rồi.

Tư-trai nghe nói cả mừng, vội vàng chạy lại nói cho Quí-Nhi biết mà rằng:

— Ta mừng cho con, ta nghe mới rồi có đến vài nghìn nạn-dân được tha, thì tất là thân-ông cũng không việc gì; bây giờ không phải đến trại Gia-quế nữa, cứ về ngay thôn Mai-hoa, thì cha con hẳn là được đoàn-viên gặp nhau.

Quí Nhi thở-dài nức nở mà thưa rằng:

— Cứ như tin ông nghe, phàm người bị giặc bắt, đều phải nó khảo-đả kìm-cặp, đủ vành thảm-độc; như thế thì cha mẹ con tuổi già mình yếu, thể nào sống được. Nay quân giặc đã bị tiễu-diệt, nạn-dân đã tan về cả rồi, như thế thời hài-cốt cha mẹ tôi còn biết đâu mà thăm-được nữa!

Quí-Nhi nói rồi, vật mình cả khóc. Tư-trai nói:

— Thôi, con chớ thương đau nữa, gần đây có miếu thờ Hàn Văn-công, cực kỳ linh-ứng, chúng ta hãy vào lễ trong miếu ấy bói thử một quẻ xem cát hung thế nào.

Tư-trai nói rồi bèn cùng đi vào miếu Văn-công, cùng làm lễ bái-yết xong. Quí-Nhi bèn lẩm-bẩm khấn xin keo, cầm lấy hai cái keo tung lên một cái, thì quả nhiên là một quẻ linh-keo nhất-âm nhất-dương. Tư-trai cả mừng mà rằng:

— Con xin keo tốt thế này, thì thân-ông ta hẳn không việc gì. Nhưng con lại khấn xin Văn-công cho một quẻ keo nữa, để chứng xem có can-ngại gì không.

Quí-Nhi lại quị xuống khấn, cầm keo tung lên một cái, thời keo ấy lại biến ra sấp cả. Quí-Nhi thấy được keo chứng-nghiệm là không việc gì, cũng có ý mừng. Tư-trai cầm lấy hai cái linh-keo ở tay mà rằng:

— Hàn Văn-công là bậc nhân-thần chính-trực, không khi nào lại ứng-bảo cợt người; con hãy đứng dậy, để ta thay con khất một keo xem.

Tư-trai quị xuống khấn rằng:

— Tâu lạy tôn-thần. khi ngài sinh-thời, lấy lòng thành cảm-động ngạc-ngư, lấy chính nghĩa diện-chiết Đình-Thấu, sinh-thời chính-trực như thế thì sau khi thác-hoá hẳn là thần-minh. Nay đệ-tử có người thân-gia phải giặc nó bắt đi, nếu không việc gì đến chết, thì xin một quẻ linh-keo chứng-nghiệm.

Khấn rồi tung keo lên một cái, thời quả được quẻ linh-keo nhất-âm, nhất-dương. Tư-trai cả mừng mà rằng:

— Thân-ông ta không việc gì, dâu ta tất có ngày được gặp gỡ đoàn-viên.

Tư-trai nói rồi cầm keo bỏ trả lại, thời lại biến ra âm-keo sấp cả. Tư-trai bèn thu nhặt đứng dậy mà rằng:

— Cổ-nhân có nói: Khấn xin đến hai ba lần là nhàm, nhàm thời quỉ-thần không bảo nữa. » Nay thần minh đã bảo ta là không việc gì rồi, thì ta không nên khất keo bói nữa. Con lạy tạ tôn-thần đi.

Quí-Nhi nghe lời lạy tạ đứng dậy, nhưng trong bụng vẫn còn lo sợ hồ nghi, thấy trên án có sẵn bút mực, bèn cầm lấy chạy đến bên tường đề bài tứ-tuyệt rằng:

Thân gái bơ-vơ lạc mẹ cha,
Non Tần tìm tõi dặm đường xa
Tuy đà giết giặc chưa nguôi dạ,
Báo-phục còn căm giận đó mà.

Quí-Nhi đề thơ xong rồi, xiết nỗi thương đau. Chợt có người Miếu-chúc là thày tự giữ đền ở đó chạy ra thi-lễ chào Tư-trai mà hỏi rằng:

— Tôi xem cậu thiếu-niên kia chừng có việc gì khó giải-quyết mà ngơ ngẩn làm vậy?

Tư-trai nói:

— Phải, cũng có chút việc không biết nghĩ ra thế nào.

Người Miếu-chúc nói:

— Ở gần đây mới có một bà tiên-cô họ Lưu, tự-xưng là Lưu tam-muội hậu-thân, có phép nhương-tinh để giải-cứu tai-ách cho người; lại tài các thuật-số như là bói chân gà, bói vua Táo, bói tiên, đều hay đoán biết được việc quá-khứ vị-lai; cụ sao không cầu bà ấy xem số mà giải-quyết cho. Nếu có điều gì bất-cát. thì lại nhờ bà ấy bửa cái trứng gà ra xem là yêu quái gì nó quấy-nhiễu, rồi sắm lấy mâm cỗ để cùng nhương-trừ, thì tự-nhiên là vô-sự.

Tư-trai nói:

— Bà tiên-cô ấy nếu thực xem số linh-nghiệm như thế, giá mời được bà ấy ra đây để hỏi bói thì hay lắm! Không biết bà tiên-cô ấy ở đâu?

Miếu-chúc nói:

— Cụ muốn mời bà ấy xem bói, thì để tôi đi mời hộ cho cụ nhé.

Tư-trai cả mừng mà rằng:

— Nếu thầy mời hộ cho tôi thì hay lắm!

Miếu-chúc liền đi độ một lát đón bà tiên-cô đến nơi. Khi tiên-cô bước vào miếu, Tư-trai trông ra thì thấy: Mặt dáng hoa đào, tóc xòa lông hạc; vẻ giầy thái-phụng, nếp áo thanh-sương; dây đeo tết vẻ vân-long, mũ đội gài bông bích-ngọc; trông ra phẩm kỳ-tuyệt, biết là người dị-nhân. Tư-trai vội-vàng đem Quí-Nhi ra đón rước tiên-cô vào, thi lễ mời ngồi xong. Tiên-cô trông thấy Quí-Nhi rồi nói rằng:

— Cậu thiếu-niên này, tiếc thay là con trai, thì không khỏi âm dương hỗn-tạp; nếu là con gái, thì thực là bà nhất-phẩm phu-nhân.

Tư-trai hỏi:

— Sao tiên-cô lại biết làm vậy?

Tiên-cô nói:

— Tôi xem cậu này: Sắc mặt trang-nghiêm, mầu da bóng-nhoáng, nếu là con gái thời tốt lắm, con trai thời hơi kém.

Tư-trai nghe nói mừng thầm. Hiến trà xong, Quí-Nhi khóc thưa với tiên-cô rằng:

— Cha mẹ tôi bị giặc cướp bắt đi, không biết sống chết dường nào, xin tiên-cô trỏ bảo cát hung quyết-đoán cho.

Tiên-cô nói:

— Cái việc đó chẳng khó gì.

Tiên-cô bèn đứng dậy lấy năm nén hương, hướng lên trời mà khấn rằng:

— « Số trời năm, số đất năm, số đại-diễn cũng năm; ba nhiều thì hung, năm nhiều thì công, năm với số năm. số người ở trong, xin thần linh-ứng, mách bảo cho thông. »

Tiên-cô khấn rồi, cầm năm nén hương vung ra, rồi nhặt lấy một nén tận ngoài xa, lấy ngón tay đo ngắn dài, bẻ ra thành sáu đốt, bày thành ra một quẻ, viết ra bốn câu rằng:

Nhất dạ nguyệt minh,[1]
一 夜 月 明
Thiên sơn phong định[2]
千 山 風 定
Phá mạch kiến phu,[3]
破 麥 見 麩
Tự đắc chân tín[4]
自 得 真 信

Tiên-cô viết xong đưa cho Quí-Nhi mà rằng:

— Cứ như quẻ này bây giờ dẫu xấu, nhưng về sau này tốt không ngại gì cả. Song tôi xem tướng minh-đường cậu hơi có ám-sắc, thế nào cũng gặp phải sự hư-kinh, để tôi xem lại cho một quẻ xem thế nào.

Tiên-cô nói rồi lại lấy hương làm như trước bày ra một quẻ, lại viết ra bốn câu rằng:

Ngộ kinh vật kinh,
遇 驚 勿 驚.
Ngộ ưu vật ưu,
遇 憂 勿 憂.
Họa hề phúc ỷ,
禍 兮 福 倚.
Cát hướng hung cầu.
吉 向 凶 求.

Tiên-cô viết rồi lại bảo rằng:

— Quẻ này dưới quẻ Đoái trên quẻ Kiền thành ra là quẻ 履, có cái tượng giầy séo lên đuôi hổ mà hổ không cắn người, thế thì dẫu gặp hư-kinh cũng không ngại gì cả.

Tiên-cô nói rồi đứng dậy cáo-biệt. Tư-trai lấy ra một gói bạc để kính tạ. Tiên-cô cười nhạt mà không chịu nhận. liền phất đuôi chủ phiêu-nhiên mà đi. Tư-trai than thở mà rằng:

— Đó thực là bậc tiên-cô, coi với những hạng người chiêu hồn lộng-quỉ chỉ đi lừa dối đàn-bà thực khác xa lắm!

Khi Tư trai ra tiễn tiên-cô rồi trở vào, bèn lấy cái phong bạc định tăng tiên-cô ấy đem tặng cho Miếu-chúc, rồi từ-biệt khởi-trình ra đi, trông về Lão-lung mà tiến-phát.

Thực là:

Đất khách như xui lòng viễn-biệt,
Dặm trường chỉ ngại bước quan-san.


  1. Nghĩa là: suốt sáng trăng trong, —
  2. nghìn non gió lặng; —
  3. chữ phu 麩 bỏ chữ mạch 麥 đi, chỉ thấy chữ phu 夫, nghĩa bóng là gặp thấy chồng;
  4. đó mới là được tin đích-thực.