Bước tới nội dung

Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XVIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ XVIII

Trương Quí-Nhi cải nam-trang lánh nạn,
Bàn Bả-tổng truyền thư-tín đến nơi.

Lý công-chúa thấy Phùng-Ngọc thường nghĩ thương nhớ đến Trương Quí-Nhi, bèn khuyên sai người đến thôn Mai-hoa thăm hỏi. Nào hay đâu Trương Quí-Nhi đã thăm dò đến nhà Phùng-Ngọc ở đã hơn một năm. Nguyên khi trước Trương thái-công cùng với Phùng-Ngọc đi chơi La-phù, gặp ông Hoàng sơn-nhân tặng cho một câu thơ có ý-tứ không được tốt-lành, sợ trong nhà xẩy ra có sự gì chăng liền từ-biệt Phùng-Ngọc trở về nhà, thấy trong nhà vợ con vẫn bình-yên vô-sự mới đành lòng, liệu-tưởng Phùng-Ngọc đi Tùng-hóa vãng-phản chỉ độ một hai tháng là tất trở về, bèn cho đi tìm một thầy tinh nghề xem ngày là Lý Lão-Toàn, nhờ xem trước hộ cho ngày thiên-di cát-nhật, chỉ chực đợi Phùng-Ngọc trở về, thì cùng dọn về ở Trình-hương. Tháng ngày thấm thoắt, hết hè sang thu, không ngờ đã đến tháng bảy, mà Phùng-Ngọc vẫn chưa thấy trở về. Trương thái-công trong bụng nghi hoặc có ý lo, cứ mỗi khi buổi cơm sáng xong, thì đi ra ngoài cửa đầu làng trông ngóng, cứ thế mãi đến hơn một tháng. Một hôm mặt trời đã xế chiều, đợi ngóng mãi không thấy, toan chống gậy trở ra về, nhác trông đàng xa thấy có một người cưỡi ngựa đi lại; trong bụng nghĩ thầm cả mừng mà rằng: « Người đi lại đó dễ thường Hoàng-lang đấy chăng?» Mắt già nhập-nhèm, tựa gậy bên vai, xoa mắt mà nhìn, khi người ấy đến gần giơ tay mà rằng:

— Tôi trông vẫn tưởng là ai, có phải Trương tiên-sinh đấy không? trời đã chiều mà còn đứng đợi ai đó?

Trương thái-công nhập nhoạng mới trông nhận ra là Diệp tú-tài ở bên xóm tây, bèn cũng qua-loa đáp lại mấy lời, rồi buồn-bã thủng thỉnh bước lần về, thời thấy bà vợ là Long-thị đứng chờ ở cửa gắt lên mà rằng:

— Hoàng-lang trở về thì tự khắc là nó về đến trong nhà này; nếu chửa về đến nơi, thời dẫu ông đứng cổng làng đợi trông thủng mắt ra cũng chẳng về; ông nay tuổi tác già-nua, nếu cứ lọm-khọm ra ngoài ấy, ngộ xẩy chân ngã quay ra đấy thời chả làm hại cho thân già này lắm ư!

Trương thái-công nói:

— Ta không phải là không biết thế, chỉ nghĩ rằng Hoàng-lang khi từ-biệt ta, ý hắn cũng nóng muốn trở về, nay sao đã quá kỳ rồi mà không về, nên ta lấy làm nghi ngại lắm.

Long-thị nói:

— Tôi nghe người cô Hoàng-lang sinh được mấy đứa con đều mất dạy cả, hoặc giả có sinh-sự gì chăng, nên phải ở đó để giúp đỡ hộ, cũng chửa biết chừng. Ông cứ ở trong nhà trong cửa mà đợi anh ta, cần gì phải cứ lọm-khọm ra ngoài cửa làng trông ngóng đến mãi tối đêm tối mò, để cho tôi lại càng lo thay cho ông nữa.

Trương thái-công nói:

— Bà nói thế cũng phải.

Từ bấy giờ Trương thái-công không hay đi ra cửa làng nữa, chỉ ở nhà mong đợi. Ngày tháng như tên, thoi đưa thấm thoắt, vụt cái đã hết đông sang xuân, lại vừa đầu năm mới. Từ khi sang năm mới, không ngày nào là không mưa, làm cho Trương thái-công ngồi đứng không yên, rất là buồn bã, vậy có thơ rằng:

Giọt thềm thánh-thót mấy đêm qua,
Buồn bực ai hay biết đó mà.
Bóng nhạn tuyệt-vời non biển cách,
Tờ ngư nhắn-nhủ nước mây xa
Lạnh-lùng bên trướng cơn giông giật,
Tầm-tã cành tiêu giọt nước sa.
Đêm ấy đêm nào trời tối mít,
Chiêm bao non nước biết đâu là!

Đến đầu tháng ba, mưa dầm mới tạnh, Trương thái-công lại muốn ra đầu làng để trông ngóng, Long-thị ngăn giữ lại. Trương thái-công phải ngồi ở nhà buồn bực một mình mãi đến khi chiều hôm, trời lại phơi-phới lun-phun đổ mưa xuống, Trương thái-công buồn bã không muốn ăn cơm chiều nữa, bèn cứ để cả áo đi nằm ngủ, chừng đến trống canh hai, vụt nghe thấy tiếng reo, vô-số quân giặc ở đâu kéo ập ngay vào nhà, Khi ấy Trương Quí-Nhi nhân vì nhà dột chảy ướt cả hòm áo đương trở dậy khêu đèn mở xem, sực nghe thấy tiếng reo biết là kẻ cướp liền cầm ngay lấy bọc áo chạy ra ngoài cửa buồng rồi mở cửa sau trốn chạy. May khi ấy trời tối như mực, lẻn trốn đi không ai biết, nàng bèn chạy vòng ra đàng sau nhà không còn nghĩ gì chân giầy yếu-ớt, cứ quãng tối bước đi liều, chạy ra đến chân núi, cố leo lên sườn núi, ngảnh đầu lại trông thì thấy trong nhà khói lửa bốc lên ngùn-ngụt ngất trời. Lại sợ rằng có quân giặc đuổi theo, bèn cứ theo ven núi mà chạy, chẳng còn kịp đề-phòng gì cả, thế nào vấp ngã một cái lăn ngay xuống cái hố đất, đau không thể nhịn được phải đành nằm phục ở đấy không dám thở nữa. Đợi đến trời sáng rõ, nàng mới vin mây rẽ cỏ, cố leo lên; đôi giầy đi không biết rơi chỗ nào mất, phải đi chân không lần xuống núi, trông theo rừng mai mà bước lần về. Khi về đến nhà chỉ kêu trời là khổ, bao nhiêu nhà cửa buồng the đều bị đốt sạch ra tro cả; chỉ còn gian buồng bên tả đổ sạt xuống còn chửa cháy hết, Quí-Nhi vào để bọc áo ở đó, phục xuống đất mà khóc thương-thảm. Nếu Quí-Nhi không phải là người con gái lanh-lợi, gặp cơn tai nạn này có khi đến linh-đinh lưu-lạc mà chết oan. Quí-Nhi mới nghĩ rằng: Bây giờ cha mẹ không biết còn hay mất dường nào. hai anh thì ở xa, cấp-bách không thể thông tin tức ngay được; còn Hoàng-lang thì phụ ước không thấy đến, mà ở gần đây thì không có bà con họ hàng nào có thể tạm ở nhờ được, một mình biết nghĩ sao bây giờ, nghĩ quanh nghĩ quẩn không biết nghĩ kế sao; bèn phải nhịn khóc đứng dậy đi quanh chỗ tro tàn khói lửa, thì chỉ thấy cột tàn sà cháy, đầy đất ngổn ngang; bếp đổ khói xông, không còn gì cả; trong lòng bâng-khuâng thê-thảm lại khóc một hồi; rồi nàng nhặt lấy cái áo cháy dở đem bọc vào chân cho đỡ đau. rồi tay xách bọc áo, định bụng muốn đi ra đàng trước làng tìm lấy một nhà vào nghỉ chân rồi sẽ hay. Khi đi qua đến một cái hố nhỏ ở bên rào, nghe thấy có tiếng kêu rền-rĩ, nàng bèn tới gần nhìn xem, thấy một người nằm phục ở trong hố, vội vàng đỡ dậy xem thời là con thị-tì xấu-xí của nhà mình tên là Tiểu-Thanh. Khi đương đêm phải quân giặc nó đánh cho ngã lăn xuống hố, may không bị trọng-thương nên không đến nỗi chết; chỉ là đầy mình bùn nước ướt-át, rét cứng người ra nói không ra hơi. Quí-Nhi vội-vàng đưa đến chỗ buồng đổ, tìm được cái ghế cụt chân để cho con thị-tì ngồi, toan muốn lột bộ áo của mình ra để thay bộ áo ướt cho nó; cúi đầu xem ra thì bộ áo mình mặc lại bùn lấm bằng mấy áo nó. Trông ra trên nền nhà thì hãy còn khói lửa chửa tắt; nàng bèn đi nhặt những đầu dui đầu gỗ cháy còn dở dang, chất lại ở trong phòng, thổi lửa lên đốt, rồi đỡ Tiểu-Thanh đến bên đống lửa sưởi một lúc; lửa nóng hồi dương, Tiểu-Thanh mới hơi mềm lưỡi khóc oà lên mà rằng:

— Cô ơi! Ông, bà đều phải giặc bắt đi mất cả rồi, làm thế nào được bây giờ đây!

Quí-Nhi nghe nói cũng cả khóc. Đương đêm hôm ấy, hai người phải nhịn đói, ngồi sưởi đến nửa đêm, lửa đã gần tắt, trong mình đã thấy lành-lạnh, trong bụng lại càng sợ hãi, không dám đi ra tìm nhặt củi nữa, nhưng lạnh không thể chịu được chợt nghĩ ra rằng: Hiện có bọc áo ở đây, nay không giở ra mặc, còn để làm gì nữa. Nàng nghĩ rồi bèn bảo Tiểu-Thanh thổi lửa sáng lên. Tự mình thì mở bọc áo ra xem, lại chỉ kêu khổ mà thôi. Nguyên là từ khi Phùng-Ngọc đi khỏi, Quí-Nhi bèn lấy tấm vải cát-bá mềm-mại lượng phỏng-chừng thân-thể Phùng-Ngọc may thành bộ áo mặc mát, và sắm khăn lượt, giầy nhung, tất lụa, mỗi thứ một đôi; lại lấy cả cái khăn lụa của Phùng-Ngọc tự Trình-hương đem đến làm sính-nghi gói cả vào trong bọc ấy, đợi khi Phùng-Ngọc trở về thì lấy cho Phùng-Ngọc mặc. Vì đêm hom ấy trong bụng hoảng-hốt vội vàng cầm ngay cái bọc ấy đi, nên bây giờ giở ra thấy toàn đồ nam-trang cả, chỉ kêu là khổ. Nàng lại tự nghĩ rằng: Ta là con gái nhan-sắc hay gợi mắt người ta, nếu một mình ở chốn này, sợ có khi sông lở cát bay sinh ra việc gì, thời tính mệnh ta cũng đi đời mất; gì bằng ta đem quách những đồ vòng hột nữ-trang này bán đi để làm tiền lộ-phí, rồi thì ta lấy ngay mấy bộ sống áo này mặc cải làm nam trang, đi tìm đến nhà Hoàng-lang ở với bố mẹ chồng, đợi khi Hoàng lang trở về rồi sẽ bàn-tính để báo thù lại. Chủ-ý nàng đã định như thế, rồi đợi đến sáng rõ, đem xút cả vòng hột ra, rồi lấy cái bộ khăn áo may cho Phùng-Ngọc ấy mặc vào mình, lại xé cái khăn bao bọc vào gót chân cho to ra, rồi mặc bít tất đi giầy nhung, bèn chạy đến bên giếng soi xem, cười thầm mà rằng:

— Ăn mặc thế này mới ngộ-nghĩnh chứ!

Tiểu-Thanh trông Quí-Nhi bấy giờ giống như một người con trai đẹp, cả cười mà rằng:

— Cô mặc áo như thế này, thật là giống Hoàng-lang như hệt!

Quí-Nhi răn bảo rằng:

— Từ rầy đừng gọi ta là cô, hễ ai hỏi cứ xưng là cậu tôi, nhớ nhé.

Quí-Nhi dặn bảo xong, liền bảo Tiểu-Thanh dẫn đường đi ra chợ, thời thấy những cư-dân đôi bên đường phải giặc tàn-phá tiếng khóc ỷ eo. Khi đến chợ đem đồ vòng hột nữ-trang bán đi được hơn 20 lạng bạc, lại đến phố hàng áo cũ, mua cho Tiểu-Thanh một bộ áo quần dài; rồi đi đến chỗ khuất vắng, cho Tiểu-Thanh cải-trang làm đứa hầu trai, rồi lại mua đôi đẫy, để cho nó gánh. Tìm đến một ông già hỏi thăm được đường về Trình-hương rồi đi ra bến sông, thuê thuyền trông về Trình-hương mà đi. Khi đến Tùng-giang lên bờ, cứ dần-dà hỏi thăm tiến đi, đi mãi đến nơi núi cao rừng rậm, đường hẹp khe quanh, quanh góc nọ ra đường kia, lại đến một khu rừng mù-mịt, sực thấy một ngọn núi cao ngất chặn ngang đường đi. Quí-Nhi kinh hãi nghĩ rằng: Dễ thường đi lạc đường chăng. Lại cố đi lên một cánh đồi nữa, chuyển ra ngoài góc núi, thời khoát-nhiên trông thấy một làng. Thực là:

Cuối nước đầu non ngờ hết đất,
Liễu mờ hoa tỏ lại còn thôn.

Quí-Nhi xem ra thời thấy một dòng nước trong leo-lẻo, giáp đôi bên bờ toàn là một giống đào-hoa. Khi ấy đương vào trung-tuần tháng ba, mưa dầm mới tạnh, bóng khe sắc núi, lóng lánh như vẽ. Vậy có thơ rằng:

Nước trong veo quanh-co suối chẩy,
Cảnh lâm-tuyền vui mấy u-nhân.
Hoa đào phơn-phớt mầu xuân,
Lại càng đặm vẻ giai-nhân vui-vầy.
Suối Đào-nguyên chừng đây chăng tá?
Non Thiên-thai ngờ đã gặp tiên.
Bức tranh sơn-thủy thiên-nhiên,
Thợ trời khéo vẽ một nền văn-chương.
Chung-linh đất ấy lạ nhường!

Quí-Nhi trông thấy phong-cảnh như vậy có ý mừng thầm. chợt trông thấy một ông già, đầu đội nón lá. mình mặc áo vải, râu tốt trắng xóa như bạc ở đâu trong rừng thông vừa nhẩy ra. Quí-Nhi bước lên vái chào một vái mà rằng:

— Dám hỏi trưởng-giả, chẳng hay đây có phải thôn Đào-hoa chăng?

Lão-ông vái trả lại mà rằng:

— Chính phải, cậu ở đâu lại đó?

Quí-Nhi nói:

— Tiểu-sinh tự Huệ-châu lại đây, muốn hỏi thăm vào trong làng để đưa hộ cái phong-thư cho ông Hoàng Tư-trai.

Lão-ông liền hỏi:

— Chẳng hay thư-tín gì vậy?

Quí-Nhi thưa:

— Nguyên con cụ Tư-trai là anh Phùng-Ngọc, tháng ba năm ngoái có ở chơi nhà tôi một tháng, khi bước ra đi biết rằng tiểu-sinh sắp đến quí-huyện, có nhờ tôi đưa hộ cái phong-thư cho Hoàng thái-công.

Lão-ông cả mừng mà rằng:

— Chính là lão-phu đây, thằng con bất-tiếu tôi nó đi bấy lâu không trở về, lại không có âm-tín gì cả, làm cho mẹ nó lo nghĩ thương đau nằm liệt giường không dậy được. Nay cậu lại đây vừa hay, mời cậu vào chơi trong nhà nói chuyện.

Lão ông lại chắp tay mà rằng:

— Mời cậu đi, lão xin đưa đường.

Lão-ông bèn đưa Quí-Nhi về đến thảo-đường, gọi to lên một tiếng, bảo lão bếp già rằng:

— Mau pha chè ra đây, có cậu học-sinh đem thư của Phùng-Ngọc về đưa tin đó.

Bà mẹ Phùng-Ngọc là Sa-thị nghe thấy có thư của con đưa tin về, đương nằm trên giường vùng một cái trở dậy, chạy ra ngoài tiền-đường, định hỏi thăm con đi lạc đến nơi nào, Quí-Nhi trông thấy Sa-thị bước ra, động lòng không thể nhịn được, chạy ngay đến ôm lấy đầu gối Sa-thị rồi liền quị xuống cả khóc mà rằng:

— Lạy mẹ, mẹ nhận lấy dâu con mấy!

Hai vợ chồng Tư-trai kinh-dị mà rằng:

— Cậu học-sinh làm sao lại thế?

Quí-Nhi nói:

— Tôi là Trương-thị con dâu mẹ đây, tôi là người ở thôn Mai-hoa châu Huệ; xin cha mẹ ngồi để con xin kể hết tình đầu cho cha mẹ nghe.

Quí-Nhi bèn thuật chuyện hết từ khi Phùng-Ngọc vào ngủ trọ, nào là thi-phép cứu-nạn, đính ước kết-hôn, cho đến lúc nhà Quí-Nhi bị cướp, nên phải cải nam-trang đi tìm Phùng-Ngọc, đầu đuôi thế nào nói rõ hết cả, lại giở ở bên mình lấy ra một cái khăn thêu gấm là của tin sính-lễ của Phùng-Ngọc, đưa ra trình, rồi cứ nắm lấy gấu áo Sa-thị cất tiếng khóc òa lên. Vợ chồng Tư-trai xem thấy khăn thêu vừa kinh vừa mừng, vội đỡ Quí-Nhi dậy mà rằng:

— Đã là dâu nhà ta, thì con cứ đứng dậy vào trong này thay áo đi để tương-kiến.

Sa-thị liền dắt Quí-Nhi đưa vào trong phòng, lấy đồ thủ-sức và quần áo đưa cho Quí-Nhi cải-trang: rồi nàng mời ông bà lên ngồi, để cho nàng vào bái kiến. Vợ chồng Tư-trai trông thấy Quí-Nhi nét mặt khuôn trăng, lông mày chữ bát, cử-chỉ đoan-trang, nói năng nhuần-nhã, lấy làm mừng lắm mà rằng:

— Ừ, thế mới thực là dâu con ta thực! Mừng cho dâu ta đi được đến nhà mà bảo-toàn vô-sự; nay con đi đường nhọc mệt, hãy đi nghỉ ngơi; việc nhà lỡ ra thế này, con nên nguôi bớt lòng thương đau đi, để đợi con ta là Phùng-Ngọc nó về, rồi sẽ sai người đến trại Hỏa-đái thám thính xem cha mẹ con có khỏi bị hại không, nếu chưa việc gì, rồi sẽ tìm phương giải-cứu.

Sa-thị liền gọi ả Hoàn đi quét dọn một phòng riêng để cho cô dâu mới nghỉ ngơi. bấy giờ Quí-Nhi sớm tối vấn-an, ra vào thị-thiện. giữ trọn đạo làm dâu. Hai ông bà cả mừng. Một đêm kia, Tư-trai thức dậy đi ngoài, đi qua ngoài phòng Quí-Nhi, nghe thấy Quí-Nhi ở trong buồng khóc xì-xụt. Ngày hôm sau, sẽ cho gọi Tiểu-Thanh ra hỏi rằng:

— Dâu ta đêm qua cớ sao mà khóc vậy?

Tiểu-Thanh rỏ nước mắt mà thưa rằng:

— Cô tôi thương ông bà tôi gặp phải tai-vạ này, không biết sống chết dường nào; đêm nào cũng khóc-lóc, chớ không những đêm hôm qua; nhưng chỉ sợ ông bà biết, nên không dám khóc to mà thôi.

Tư-trai nghe nói, nghĩ bùi ngùi không vui, rồi cùng bàn với Sa-thị mà rằng:

— Con dâu nó hễ lúc nào lên hầu tôi với bà thì vui vẻ tươi cười, tôi tưởng nó nghe lời ta khuyên giải nguôi bớt đoạn khổ-tình đi. Ai ngờ nó khuất mặt tôi với bà, đêm nào nó cũng khóc; người ta được bao nhiêu tinh-thần mà thương khóc mãi như thế thì oan-gia, bà nên gọi nó ra đây, để ta khuyên-giải nó mới được.

Sa-thị bèn vào phòng đưa Quí-Nhi ra. Tư-trai bảo rằng:

— Con nên thuận cảnh biến bớt lòng thương đi, hãy đợi con ta ít bữa. Nếu nó mà không về, cha sẽ sai người đến Tùng-hóa cho gọi nó về, và sai người đến trại Hỏa-đái thám-thính tin tức ông bà thân-gia, xem cát hung thế nào cho biết đích-thực để bảo cho con hay. Nếu con cứ đêm nào cũng khóc, thì cha còn mong gì nữa, con nên bớt thương đi.

Quí-Nhi thưa:

— Con có thương khóc gì đâu, xin cha chớ lo nghĩ.

Tư-trai thấy con dâu hiền-thảo, trong bụng vẫn lấy làm lo nghĩ; ngày ngày tựa cửa mỏi mắt trông mong. Xót người tựa cửa hôm mai, ngổn ngang trăm nỗi dùi mài một thân.

Một hôm buổi sáng, có một con quạ, đậu ở cây trước cửa kêu lên một tiếng. Tư-trai liền bấm một quẻ độn xem, cả mừng mà rằng:

— Hôm nay con ta tất trở về.

Tư-trai đợi đến hồi gần trưa, bèn đội nón lá bước ra cửa làng, đứng đợi một hồi, chợt thấy một người to lớn đeo cái nón rơm bỏ ra đàng sau lưng, bên sườn đeo một con dao lưng; trông bộ mạnh-mẽ đi đến trước cửa làng. Sau lưng lại có hai người lực lưỡng, đeo hai cái bao lớn đi theo, mồ-hôi nhễ nhại, trông thấy Tư-trai giơ tay chào mà rằng:

— Dám thưa hỏi cụ, đây tới thôn Đào-hoa chừng độ bao đường đất nữa?

Tư-trai nói:

— Chính làng ấy ở trước kia rồi.

Người to lớn ấy cả mừng mà rằng;

— Tốt lắm, tìm đến nơi rồi.

Tư-trai thấy ba người ấy hỏi thăm vào trong làng lấy làm lạ thường, trong bụng kinh ngạc, bèn chắp tay mà hỏi rằng:

— Chẳng hay ba thầy hỏi thăm vào thôn Đào-hoa có việc gì vậy?

Người to lớn ấy thưa rằng:

— Lũ chúng tôi phụng-mệnh chủ trại tôi và Công-chúa đến đưa tờ gia-thư về cho ông cụ bà cụ.

Tư-trai nói:

— Chẳng hay chủ-trại với Công-chúa nào vậy? thôn Đào-hoa này có người ấy bao giờ!

Người to lớn ấy nói:

— Chủ-trại tôi là Hoàng Phùng-Ngọc, mà ông cụ thân-sinh là Tư-trai Hoàng-thái-công, chủ-trại tôi có nói rõ cả quê-hương đường xá, sao lại sai lầm được.

Tư-trai nghe nói lại càng kinh ngạc mà rằng:

— Thế thời thầy tự thôn Mai-hoa đến đó phải không?

Người to lớn ấy nói:

— Không phải, chúng tôi tự trại Gia-quế lại đây.

Tư-trai lại càng lấy làm kinh-ngạc. Người to lớn ấy thấy Tư-trai cứ hỏi gặng mãi, bèn hỏi lại rằng:

— Chẳng hay cụ có biết cụ Hoàng thái-công không?

Tư-trai nói:

— Chính là lão-phu đây.

Người to lớn ấy nghe nói cả mừng, liền quì xuống khấu-đầu. Tư-trai vội vàng đỡ dậy đưa về thảo-đường. Những người to lớn ấy bèn cởi bỏ nón rơm và dao lưng ra, mời Tư-trai lên ngồi để bái-kiến.

Tư-trai không chịu lên ngồi, ba người đều quị xuống lạy rập đầu, rồi trở dậy buông tay đứng ra một bên cúi mình mà bẩm rằng:

— Tiểu-tướng tên là Bàn Vi Liên phụng-mệnh chủ-trại tôi là Công-chúa đem thư về để dâng cụ ông cụ bà, và dặn bảo tiểu-tướng cứ lưu lại ở đây, đợi chủ tôi trở về, sẽ cùng đón cụ ông cụ bà đến trại Gia quế để phụng-dưỡng.

Nói rồi liền mở bao phục lấy cái thư của Phùng Ngọc và của Công-chúa ra dâng lên. Tư-trai mở thư ra xem, nét mặt buồn-rầu, dặn người nhà đem pha chè ra tiếp đãi, rồi cầm thư vào nhà trong bàn với Sa-thị mà rằng:

— Thằng cẩu-trệ này, lại đi đến trại Gia-quế lấy Lý công-chúa, nếu con dâu nó nghe tiếng lại thêm uất lên, thì làm thế nào?

Sa-thị nói:

— Chẳng hay Lý công-chúa là người nào vậy?

Tư-trai nói:

— Là con gái Lý Cương là chúa Mán trại Gia-quế, khi Cương chết vô-tự, chúng mới lập lên làm chủ-trại; mấy năm trước đã qui hàng triều-đình được phong làm Kim-hoa công-chúa, có tinh-binh đến hai mươi vạn, dũng-tướng được hơn trăm viên. Nàng cũng có thư đưa cho tôi với bà, nói rằng còn đợi Phùng-Ngọc đến thăm cô ở châu Đức-khánh trở về, rồi cùng mời tôi với bà và cả nhà Trương thân-gia đến trại Gia-quế để phụng-dưỡng, nay trước sai một viên tiểu-tướng, đem dâng đồ cam-chỉ và 200 lạng bạc, cùng hai bộ áo nhiễu đại-hồng đưa về dâng biếu. Đó tuy là ý tốt, nhưng ta nghĩ con dâu nó gặp phải tai-nạn, thiên-tân vạn-khổ mới tìm về được đến nhà ta, vợ chồng đã chưa được gặp nhau, nay lại chợt nghe thấy tin này, có khi uất lên mà chết mất!

Sa-thị nghe nói cũng bùi-ngùi không vui.

Ngờ đâu Quí-Nhi cũng nghe tiếng, nét mặt tươi cười chạy lại mà thưa rằng:

— Con nghe Hoàng-lang có thư đưa về đó, xin ông cho con xem với.

Tư-trai thấy con dâu đòi xem thư không lẽ không cho, bèn thở dài mà rằng:

— Thằng bất-tiếu này trước đã làm lỡ con, nay lại bậy bạ lam càn, con cứ coi mặt vợ chồng ta này, đừng có tức khí những quân ấy làm gì.

Nói rồi bèn cầm thư đưa cho Quí-Nhi xem, Quí-Nhi cả mừng mà rằng:

— Thưa ông, cái thù của con có thể báo được rồi.

Tư-trai liền hỏi rằng:

— Sao con lại biết được?

Quí-Nhi thưa:

— Quân giặc Hỏa-đái cùng với quân giặc Nam-lĩnh, Sái-đầu cùng ỷ-giốc với nhau, hung-hãn dị-thường, nào là bắt quan-lại, cướp châu huyện, đào mồ cuốc mả hiếp gái bắt trai, giết-gióc nhân-dân, phơi thây đồng-nội. Phàm bách-tính người nào bị bắt đem về trại thời lấy dây xỏ lỗ mũi, buộc cẳng chân, treo ngược lên sà nhà, bắt ép phải viết thư nhắn về thân-thích người nhà đem tiền bạc đến chuộc, đưa đến nghìn bạc, lại còn đòi vạn bạc, cho nên một người bị bắt không còn thể sống được nữa. Cha mẹ tôi đều gần bảy mươi tuổi, tài nào chịu được những nỗi đắng cay như thế, nếu phải bắt đến trại Hỏa-đái thì tất là chết mất rồi; nay muốn báo thù cho cha mẹ không có binh cường tướng mạnh không xong. Tuy rằng Hoàng-lang văn vũ toàn tài, song thủ-vô-thốn-thiết thì làm trò gì được, nên con vẫn lấy làm lo. Nay may được Lý công-chúa có binh như thế, tướng như thế, lại cùng với Hoàng-lang ý-hợp tâm-đầu, nếu nhờ Hoàng-lang nói hộ cho, thời nàng không lẽ nào lại không dấy quân lên, vì con mà trừ kẻ tàn-tặc. Chỉ mong Hoàng-lang nói sớm hộ cho thì hay lắm, sớm ra thì thây hai cha mẹ tôi may còn nhận được. nếu để chậm thì xương rã ra đầy núi, không thể nào nhận được.

Quí-Nhi nói rồi, nước mắt chẩy ra đầm đìa. Tư-trai nói úy-lạo mà rằng:

— Con có cái độ-lượng như thế, và có cái kiến-thức như thế cha không bằng được. Vả con có hiếu-tâm như thế, thiên-thần ắt là bảo-hựu, chắc rằng thân-ông thân-bà không đến nỗi như mọi người bị-nạn đâu, con chớ lo ngại. Ta tính ra Phùng-Ngọc từ hồi tháng tư đến núi Đại-hám, ước chừng tháng bảy tháng tám, tất là về đến nhà này, khi về nhà sẽ lại sai đến thỉnh-binh trại Gia-quế, phỏng chừng về hồi tháng mười, tất là phá tan được quân giặc Hỏa-đái, cứu được ông bà thân-gia về; con cứ khoan-tâm chớ ngại.

Quí-Nhi gạt nước mắt xin vâng. Tư-trai liền gọi người nhà làm rượu khoản đãi ba thầy tớ quan Bả-tổng, rồi thu lấy lễ-vật, để cho ba thầy tớ quan Bả-tổng ở một nơi. Nào biết đâu rằng Phùng-Ngọc lại phải Mai tiểu-thư dụ đến trại Thiên-mã còn sinh ra lắm chuyện ngăn trở mà không thể trở về được. Ngày qua tháng lại, thấm thoắt đã đến tháng chạp gần hết năm, gió giục năm tàn, sương mù đất khách, mà âm-tín Phùng-Ngọc chẳng thấy tăm hơi gì cả. Làm cho Quí-Nhi mặt võ mình gầy, bụng rối như bòng bong. Lại nghĩ cha mẹ chồng tuổi già mình yếu, sợ lo nghĩ quá mà sinh ra đau yếu thì làm thế nào. Vậy nên nàng dẫu buồn rầu mà bề ngoài vẫn phải tươi cười, để yên lòng cha mẹ. Nhưng hễ đến đêm khuya thì lại phục gối xùi-xụt giọt ngắn giọt dài, huyết-lệ thấm hoen cả gối đệm, đau đớn không thể sao nguôi được, nên cũng thường ký-thác ngâm vịnh để tả lòng bi-ai. Những thơ nàng làm toàn là giọng bi-ai thê-thảm như vượn hót ve ngâm, nghe ra càng thêm thiểu-não không thể kể hết được, xin dịch thử một bài như sau này:

Giấc mộng canh tàn sực tỉnh ra,
Nàng Oanh ngẫm thử thẹn cho ta.
Than thân chua xót khan lời khóc,
Cám cảnh tan hoang cực nỗi nhà
Nguyệt chếch bên rèm vơ vẩn bóng,
Gió lùa trước cửa lạnh lùng hoa.
Thù kia chửa báo khôn nguôi giận,
Giọi lệ tuôn rơi giọt máu sa.

Thấm thoắt đông tàn xuân tới, phong cảnh trêu ngươi. Quí-nhi vì lo nghĩ uất-phẫn đã lâu, mới biến thành ra chứng tâm-thống, lúc mới còn có thể gượng được, sau dần dần không thể nhịn được, ngày đêm rền rĩ. Vợ chồng Tư-trai cả sợ, vội vàng đón thày thuốc đến điều trị. Song thuốc bốc chẳng qua mấy vị: Trúc-Hoàng. Xuyên-bối, Liên-kiều, Ngưu-hoàng, thuốc bốc chẳng ăn thua gì cả, nên bệnh càng ngày càng trầm-trọng. Một hôm nàng trở dậy sớm rửa tay, chợt hét lên một tiếng: « chết tôi rồi! » Ngã lăn ra đất bất-tỉnh nhân-sự, không biết sống chết nhường nào.