Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XVII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ XVII

Mượn chuyện công, xin đi đánh giặc báo thù,
Bị ghen công, phải tạm rút binh về trại.

Nói về Lý công-chúa nghe Mai Anh nói xin trở về sơn-trại, bèn sắp sửa bày tiệc để tiễn-hành. Chợt thấy một người chạy lại trước dinh, quì trước mặt Mai tiểu-thư, phục xuống khóc oà lên. Mai tiểu-thư vội nhìn ra thì là Trương Chí-Long, liền đỡ dậy mà rằng:

— Chẳng hay anh có việc gì cứ nói lên, chớ đừng khóc thảm thương làm vậy.

Chí-Long nói:

— Nay tuy rằng chồng em tôi đã được ra khỏi oan-ngục rồi, nhưng còn cái thù của một nhà Chí-Long này, chưa báo được một chút nào Vậy xin hiền muội nghĩ thương đến em tôi gặp nỗi đắng-cay, xin cho hùng-binh để đi báo-thù cho em tôi với.

Phùng-Ngọc nghe nói, cũng giẫm chân cả khóc. Lý công-chúa và Mai Anh vội vàng đứng dậy ngảnh lại hỏi Mai tiểu-thư rằng:

— Vị kia là ai đó vậy?

Mai tiểu-thư nói:

— Vị này là lịnh-huynh Trương Quí-thư ở thôn Mai-hoa đó.

Mai tiểu-thư nói rồi bèn thuật-chuyện lại khi gặp ông lão-nhân và đánh giết Nhiêu-Hữu cứu cho Chí-Long rồi cùng nhận làm anh em, các việc đầu đuôi như thế nào đều thuật lại một lượt. Mai Anh liền ngảnh lại Phùng-Ngọc mà rằng:

— À ra tình tiết như thế này, sao không bảo sớm cho tôi biết, ngày mai tôi xin đem một đội quân đi đánh phá tan giặc Hỏa-đái, để báo thù cho chồng chị tôi mới được.

Lý công-chúa nói:

— Đại-vương mới kết-hôn với xá-muội, ngày mai nên đưa xá-muội cùng về Thiên-mã trước; còn việc báo thù để tôi xin đảm đang.

Phùng-Ngọc nói:

— Nhạc-gia tôi, cả nhà gặp phải phen thảm-độc này, tôi vẫn muốn nói để đại-vương và Công-chúa biết, và xin binh đi báo-thù. Song lại nghĩ đến binh tướng hai trại chỉ vì Phùng-Ngọc này mà đã phải bấy lâu lao-khổ; nay mới được cổi-giáp, mà lại làm phiền phải động-binh nên Phùng-Ngọc này không muốn khải-xỉ nói ra vội. Bây giờ đại-vương và Công-chúa đã có bụng hưng binh báo-thù, nhưng tôi xin đại-vương không phải thân chinh làm chi, chỉ xin hai trại cho tôi tá-binh độ ba vạn, với vài viên đại-tướng, để cho Phùng-Ngọc này tự đem đi đánh giặc Hỏa-đái, phá tan thành-lũy nó đi, để báo-thù cho Nhạc-gia tôi mới nghe.

Mai Anh nói:

— Hoàng-công chớ có khinh giặc, tôi nghe quân giặc Hỏa đái nó hung-bạo dị thường, phải nên đem đại-binh đảo-phá nó đi mới được.

Phùng-Ngọc nói:

— Tôi nghe: Binh quí tinh bất quí đa, quân giặc Hỏa-đái kia chẳng qua là quân ô-hợp, nếu ta đem quân có tiết-chế lại đánh, thời cũng như rung khô đập bụi mà thôi, xin đại-vương chớ lo. Nhưng phải nên bẩm trước lên quan Tuần-phủ, xin cấp cho binh-phù và ít nhiều thuyền bè, để cho đi đến những quan-tân ải-khẩu không có điều gì trở ngại mới được.

Đương lúc thương-nghị thì thấy có thám mã chạy vào trước dinh báo tin rằng: « Quân giặc Hỏa-đái thấy quân ta kéo đi vây đánh tỉnh thành, nó thừa thế kéo tràn ra đánh phá Long-xuyên, Hà-nguyên mọi huyện, nay đã kéo tràn đến Thác-viên rồi. » Phùng-Ngọc nghe tin báo giơ tay lên chán mà rằng:

— Ấy là trời giúp ta thành công đó!

Mai Anh hỏi:

— Chẳng hay sao lại biết trước được như vậy?

Phùng-Ngọc nói:

— Đại-vương tuy đã qui-hàng rồi, song quan dân chắc là chưa có bụng tin hẳn; nay lại vì sự tư-cừu của Phùng-Ngọc. dấy binh đi đánh nơi xa, thời họ hẳn là nghi ngờ. Gì bằng nhân cái cơ-hội này, mượn việc công để xin giúp đỡ, không những là khỏi lòng nghi-hoặc của họ, mà lại mong được họ giúp cho lương-thảo nữa, há chẳng phải là trời giúp đó hay sao!

Phùng-Ngọc nói rồi lại ngảnh lại Mai tiểu-thư mà hỏi rằng:

— Chẳng hay ngày trước vào thành nói với quan Tuần-phủ mà giảng-hòa ấy là vị nào vậy?

Lý công-chúa đáp rằng:

— Vị ấy là thúc-phụ của thiếp tên là Đặng Bưu.

Phùng-Ngọc liền sai người mời Đặng Bưu đến, thi-lễ mời ngồi xong. Phùng Ngọc nói:

— Nay Phùng-Ngọc muốn đi thân-chinh giặc Hỏa-đái, chỉ sợ quan Đốc-phủ ngần-ngạn không muốn cho đi. Nay nghe tin quân giặc ấy đánh phá ba huyện tôi muốn phiền thúc-phụ vào yết-kiến quan Tuần-phủ nói xin cho tôi đi đánh giặc để hiệu-lực lập-công, thời họ ắt là nghe theo. Nhân tiện lại xin quan giúp cho lương-thảo thuyền bè thì hay lắm.

Đặng Bưu vâng mệnh lui ra, liền lên ngựa đem theo một người hầu đi vào tỉnh-thành.

Nói về Đới Tuần-phủ nghe tin giặc Hỏa-đái nổi nên, rất lấy làm kinh sợ, muốn đem quân đi đánh dẹp, thì lại sợ quân trại Thiên mã, trại Gia-quế hãy còn đóng ở Hoa-huyện. sợ họ thừa hư vào đánh úp lấy tỉnh-thành chăng. Nếu không đi đánh để ứng-cứu thì lại sợ Huệ-châu thất-thủ, không phải là việc vừa. Đương lúc hoang-mang, chợt thấy báo tin có Đặng Bưu ở trại Gia-quế đến yết-kiến. Đới tuần-phủ liền sai người mời vào nhà nội-đường, thi-lễ xong. Đới Tuần-phủ hỏi rằng:

— Chẳng hay túc-hạ bao giờ trở về sơn-trại?

Đặng Bưu nói:

— Chúng tôi định đến ngày mai cáo-từ đại-nhân xin đem quân trở về sơn-trại. Song chủ-công tôi là Hoàng Phùng-Ngọc nghe tin quân giặc Hỏa-đái nổi lên đánh phá Long-xuyên, Hà-nguyên mọi huyện, khí-thế nó rất xương-cuồng, nên chủ-công tôi muốn mượn và vạn quân của hai trại, đem đi đánh quân giặc ấy để báo-hiệu. Bởi vậy mới sai Bưu này đến để bẩm-mệnh với đại-nhân, và xin đại-nhân cấp-phó cho thuyền bè lương-thảo.

Đới Tuần-phủ cả mừng mà rằng:

— Nay Phùng-Ngọc hay vị triều-đình xuất-lực, sau khi lập công bản-chức sẽ tâu về triều-đình cho. Còn như cầu-nhu những vật gì, bản-chức đều cấp-phó cho cả.

Đặng Bưu thấy Đới Tuần-phủ đã y lời trợ-cấp, bèn cáo-từ trở về phục mệnh cho Phùng-Ngọc biết. Phùng-Ngọc cả mừng liền cùng với Mai Anh thương-nghị: Trại Thiên-mã thì lưu lại chánh phó tướng hai người: Vạn Nhân-Địch và Trần Long, tinh-binh ba vạn. Trại Gia-quế thì lưu lại chánh tướng hai người: Mã Tán và Đan Dũng, và cũng để lại ba vạn tinh binh. Lập-tức ngày hôm ấy Phùng-Ngọc đem Lý công-chúa và Mai tiểu-thư, từ biệt chư tướng, rồi phát hiệu súng đem quân lên đường. Mai Anh tiễn đi một độ đường rồi lại trở về huyện-thành, sai Tống Kim-Cương vào tỉnh-thành nói cáo-từ với Đới Tuần-phủ, rồi cùng với Nguyệt-Nga kéo quân về sơn-trại. Đặng Bưu từ khi cáo-từ Đới Tuần-phủ ra về đã sai người đi dò xem biết đích rằng Đới Tuần-phủ đã sai quan Du-kích Trần Dần đi vận lương để trợ-cấp, và sai Tham-tướng Lý Ứng-Tường đem 5.000 quân đi làm sách-ứng. Đặng Bưu than rằng:

— Hay đâu Đới Tuần-phủ mở lòng thành-thực công-minh thế này, thực là người nhân đức lắm!

Nói rồi bèn truyền nhổ trại đem quân về Gia-quế.

Phùng-Ngọc thời tự Hoa-huyện kéo quân đi, khi đến cảng Mộc-thông, chia quân làm thủy lục hai đường đều tiến lên, và sai Thiên-lý-câu Trần Long đi lên trước thám-thính quân giặc xem còn đóng ở Thác-viên không, thì phải trở về tốc báo. Trần Long liền lĩnh-mệnh ra đi.

Nhắc lại Hà Túc-Tượng từ khi ở thôn Mai-hoa phải Mai tiểu-thư đả cho một quả đấm, vội vàng bỏ bọn du côn vô-lại chạy trốn về nhà, nằm liệt trên giường đến nửa tháng không dậy được, Bọn vô-lại ấy về sau thám biết được tin Nhiêu-Hữu phải anh chàng con trai hôm ấy đã đánh chết rồi vứt thây vào lửa đốt đi mất Còn Trương Chí-Long thì không biết trốn đi đàng nào. Chúng vẫn tưởng rằng người con trai gặp hôm ấy ắt là ở tự trại Gia-quế xuống mới có cái thủ-đoạn ấy. thế thì Chí-Long hẳn là trốn về ở đấy bèn bỏ Chí-Long không theo nữa, liền trở về xui giục vợ Nhiêu-Hữu đến nhà Hà Túc-Tượng mà tìm chồng, Túc-Tượng nghe tin cả kinh, hoang-mang trở dậy đi tìm bọn du-côn vô-lại ấy đến, để thượng nghị rằng:

— Từ khi tôi phải cái thằng con trai hôm ấy thụi phải một quả đấm, đau không thể chịu được; nên phải liều bỏ chúng bạn mà trốn đi về trước, nằm liệt trên giường đến hơn nửa tháng trời; từ đấy đến nay không thấy Nhiêu tiên-sinh về đến đây; tôi vẫn tưởng rằng ông ấy ở nhà có mắc bận việc gì, ai ngờ rằng bà vợ ông ấy nay lại đến nhà tôi tìm ông ấy, bảo rằng từ hôm ấy ra đi đến nay không thấy trở về nữa, chẳng hay vì tại duyên cớ làm sao?

Bọn du-côn giả-cách kinh-hãi mà rằng:

— Việc ấy mà anh không biết ư!

Túc-Tượng nói:

— Chẳng hay có việc gì vậy?

Bọn du-côn nói:

— Nhiêu-Hữu đã phải Trương Chí-Long cùng với hai người con trai hôm ấy đánh chết, đem vứt vào lửa thiêu đi rồi!

Hà Túc-Tượng nghe nói thất-kinh, hồn vía lên mây, vội nèo giữ lũ du-côn lại mà rằng:

— Nếu như thế thì bây giờ nói trối làm sao để bảo bà vợ ông ta được? Xin các anh nghĩ cái tình tương-xử xưa nay với nhau mà sẽ bảo-cho tôi với nao!

Khi ấy trong bọn du-côn có đứa bảo: «Cứ nói dối bà ta rằng ông ấy đi đến chơi nhà anh em bạn không được biết.» Có đứa bảo rằng: «Kế ấy không được, nói dối như thế chỉ được một vài tháng mà thôi, chớ nói dối được hai ba năm hay sao; vạn-nhất sự ấy lộ ra, thời họ bảo bọn chúng mình tri-tình mà ẩn-nặc đi, rồi thì can-liên đến cả bọn mình không thể gỡ ra được. Gì bằng cứ đổ riệt ngay cho Chí-Long bảo rằng Trương Chí-Long lừa dụ ông ta đến thôn Mai-hoa rồi xui bọn lâu-la ở trại Gia-quế giết chết; để cho họ cứ đi truy-tầm Trương Chí-Long; họ đi truy-tầm Chí-Long, thời bọn chúng mình thoát khỏi can-hệ ». Khi ấy trong bọn du-côn lại có một đứa tên là Mao Diện nói rằng:

— Cái kế ấy cũng không xong, chính ngày hôm ấy Hà-huynh rủ chúng ta đi bắt Trương Chí-Long, nào là vác sào vác gậy, tứ-lân đều biết cả; vạn nhất mà có người giác chuyện ấy ra, hẳn là bị quan phủ tróc-vấn, bảo rằng lũ chúng mình tụ-chúng hành-hung, ngày hôm ấy đi làm việc gì, thời ta thử hỏi các anh đáp lại ra làm sao?

Chúng đều cười mà rằng:

— Ừ, anh nói phải lắm, thế thời làm thế nào bây giờ?

Mao Diện nói:

— Đã nói thì cứ nói thực cho anh ấy biết, chỉ có một điều là phen này Hà-huynh muốn tiếc tiền cũng không được nào!

Hà Túc-Tượng nói:

— Thôi. tôi xin nhờ các anh bàn tính hộ cho giá có tốn độ mươi lạng hay trăm lạng bạc, tôi cũng không dám tiếc.

Mao Diện nghe nói liền lắc đầu mà rằng:

— Các anh chẳng biết đấy ư, tục có câu rằng: «Tuyết cửa nhà ai nhà ấy quét, giọt sương mặc quách mái nhà người». Thôi việc ấy tôi xin chịu, để mặc nhà người lo liệu lấy!

Mao Diện nói rồi liền chắp tay vái một cái mà rằng:

— Thôi tôi xin kiếu!

Nói rồi liền quay mình toan tháo lui. Hà Túc-Tượng nắm giữ lại mà rằng:

— Tôi không hiểu tại tôi nói thế nào mà Mao-huynh lại lấy làm quái-lạ làm vậy?

Mao Diện nói:

— Việc này sự-quan nhân-mệnh có phải chơi đâu, giá bỏ ra đến bốn năm nghìn lạng bạc, hồ dễ lo liệu đã xong, thế mà anh lại bảo tốn độ mươi lạng hay trăm lạng, sao anh lại coi khinh-thường thế; nếu tôi không lui về, thời anh lại bảo lũ chúng tôi chỉ nói dậm-dọa anh đấy thôi.

Nói rồi, Mao Diện lại chực tháo lui. Túc-Tượng ngăn giữ cả bọn lại, rỏ nước mắt ra tầm-tã mà rằng:

— Xin mời các anh hãy thư thả liệu tính hộ cho, nếu lo được cho trôi chẩy vô-sự, thời dẫn tốn đến vài ba nghìn lạng, tiểu-đệ cũng xin để mặc các anh lo liệu hộ cho.

Mao Diện thấy Hà Túc-Tượng đã có ý lo sợ, bèn dừng chân đứng lại mà rằng:

— Nếu anh đã chịu tốn bỏ tiền bạc ra, thời lũ chúng tôi xin giùm giúp cho anh vô-sự. Nhưng bây giờ anh em chúng ta phải đến trước mặt bà Nhiêu Hữu nói rõ sự-tình, để xem bà ta nói ra làm sao, rồi cả chúng ta tùy-cơ ứng-biến mà lo-liệu hộ cho Hà-huynh mới được.

Chúng đều đồng-thanh mà rằng:

— Mao-huynh nói phải đấy!

Nói rồi, chúng đều đổ xô lại sắp sửa tiến vào nội-đường để chào hỏi vợ Nhiêu-Hữu. Khi ấy vợ Nhiêu-Hữu đương cùng với bà mẹ Túc-Tượng ngồi nói chuyện ở nội-đường, trông thấy Túc-Tượng đưa lũ bạn vào, hai người toan đứng dậy chạy vào phòng. Chúng liền mời vợ Nhiêu-Hữu lại mà rằng:

— Nhiêu đại-tẩu, chúng tôi có câu chuyện này xin nói để bà chị nghe.

Vợ Nhiêu-Hữu liền trở ra chào qua một lời mà hỏi rằng:

— Chẳng hay các chú có câu chuyện gì vậy?

Mao Diện nói:

— Chúng tôi không dám nói giấu gì bà chị; vì tháng trước Hà-huynh định đến thôn Mai-hoa bắt một người, có rủ anh em chúng tôi và cả Nhiêu đại-huynh cùng đi. Không ngờ rằng người ấy nó dụ quân lâu-la giết chết mất Nhiêu đại-huynh. nó lại đem đốt mất cả hài-cốt đi; chúng tôi sợ bà không biết chăng, nên chúng tôi lại nói để bà biết.

Vợ Nhiêu-Hữu nghe nói cười mà rằng:

— Các chú sao nói đùa làm chi vậy, đương buổi đời thanh-bình yên-lặng này, lẽ nào lại có bọn lâu-la ở đâu nẩy ra mà dám bạch-nhật sát-nhân phóng-hỏa?

Mao Diện nói:

— Sự-quan nhân-mệnh. chúng tôi sao dám nói đùa; nếu bà chị không tin, sau này bà chị đừng trách chúng tôi là không mách-bảo.

Vợ Nhiêu-Hữu cả kinh mà rằng:

— Thế thì những ai chứng rõ việc ấy?

Chúng đều nói:

— Lũ chúng tôi đều trông thấy rõ cả:

— Vợ Nhiêu-Hữu nghe nói bèn la ầm lên. lăn ngay vào lòng Túc-Tượng vừa kêu vừa khóc mà rằng:

— Ới trời ơi! Nào chồng tôi đâu, trả chồng tôi đây! Rõ ràng chồng tôi ở nhà anh. sao anh lại dụ chồng tôi đi đâu, để cho người ta giết chồng tôi đi nào!

Vợ Nhiêu-Hữu cứ hai tay níu lấy Túc-Tượng, nào là khóc lóc nào là kể lể kêu gào, hai chân thì giẵm xuống đất rẫy lên đành-đạch. Mẹ với vợ Túc-Tượng thấy vậy sợ run lên, chạy lại khuyên giải, vợ Nhiêu-Hữu liền quờ ngay tay ra níu cả lấy mẹ Túc-Tượng, đập đầu lăn ra ăn vạ, ba người đều ngã xô cả lại một đống, cùng níu lẫn nhau. Bọn vô-lại thấy làm rầm-rĩ như vậy, sợ lộ chuyện ra vội vàng cùng chạy đến can ngăn gỡ ra. Ba mẹ con Túc-Tượng liền chạy lẻn sang bên nhà láng-diềng. Vợ Nhiêu-Hữu thời cứ lăn ở trên đất kêu gào, rách tung cả quần áo, khóc đến nỗi thê-thảm làm cho trời-ám đất-hôn.

Khi ấy trong bọn vô-lại có một đứa hiệu là Lưỡng-đầu-xà, tên là Kim Diệc, thấy mẹ con Túc-Tượng đã chạy đi rồi, bèn chạy vào đỡ vợ Nhiêu-Hữu dậy mà rằng:

— Này, bà Nhiêu đại-tẩu ơi! Bà ở đây khóc mãi cũng chẳng làm trò gì được, gì bằng bà cứ về nhà làm lấy mấy lá đơn, rồi bà đem đến quan huyện sở-tại mà khống-tố thì mới được.

Vợ Nhiêu-Hữu nghe nói khấu-đầu mà rằng:

— Tôi xin nhờ chú giúp hộ cho tôi với.

Nói rồi liền đứng dậy đưa Kim Diệc cùng trở về nhà Bọn vô-lại vội vàng chạy đi tìm Hà Túc-Tượng bảo rằng:

— Hà-huynh anh phải đem ngay tiền bạc ra mà đấm mõm cho Kim Diệc trước đi bảo hắn đừng có làm vỡ lở ra thì mới trôi được việc này, không có hắn xui đem đơn vào thưa quan, thì khó lòng mà cứu vớt lại được nữa đấy!

Túc-Tượng cả sợ vội vàng gọi mẹ về mở khóa dốc hòm được hơn nghìn lạng bạc đưa cả cho Mao Diện đem đi mà lo liệu, Mao Diện liền bảo cả bọn vô-lại hãy cứ lưu ở lại trong nhà Túc-Tượng không nên kéo cả lũ đi, sợ lộ chuyện ra thì không thu xếp xong được việc. Mao Diện bảo chúng ở cả lại rồi một mình đi lẻn về nhà, đem bạc cất bớt đi một nửa còn một nửa giắt đem đi đến nhà Nhiêu-Hữu. Khi đến cửa nghe trong nhà lặng ngắt không có tiếng người, Mao Diện nghĩ thầm rằng: dễ thường Kim Diệc nó đem mụ này đi đầu-đơn rồi chăng? Nghĩ vậy lại lần đến đàng sau nhà, nghe thấy mé trong có tiếng người nói Mao Diện không làm động đậy gì cả, cứ lẳng-lặng đi đến nấp ở bên dưới cửa sổ con, nghe thấy bên trong văng-vẳng có tiếng người thì-thầm gạ-gẫm lại chợt nghe tiếng vợ Nhiêu-Hữu thở dài mà rằng: «Anh Kim ơi! tôi xin bằng lòng theo anh nhờ anh thân-oan hộ cho chồng tôi với.» Kim Diệc nói: «Mình không sợ đã có tôi giúp hộ mình lo gì không xẻ được nửa nhà Hà Túc-Tượng, để làm của cho ta với mình cùng được nửa đời khoái-hoạt hay sao! » Mao Diện nghe nói rùng mình, sẽ nhẩy bước ra, nhưng không lên tiếng vội đợi cho đôi đàng xong việc yên đâu đấy, mới bước đến đàng trước sẽ gõ cửa gọi. Vợ Nhiêu-Hữu vội vàng mặc quần chạy ra hỏi rằng:

— Chẳng hay ai gọi cửa đấy?

Mao Diện nói:

— Tôi đây, tôi lại đưa cho bà chị một cái nửa đời khoái-hoạt đây!

Vợ Nhiêu-Hữu nghe nới thẹn đỏ mặt lên, không dám ra mở cửa, Mao Diện cứ gõ cửa ồn lên mà rằng:

— Bà chị không sợ đã có tôi lại giúp hộ cho bà đây, bà sao lại cứ ních chặt cửa không cho tôi vào với.

Vợ Nhiêu-Hữu nghe nói có ý xỏ-xiên, vội vàng chạy vào phòng nói với Kim Diệc mà rằng:

— Anh rõ thật khờ quá anh cứ nói om lên, để cho người ta nghe thấy cả, làm thế nào bây giờ?

Kim Diệc cười mà nói rằng:

— Chẳng hề chi, tôi nghe tiếng gọi cửa đấy là anh Mao Diện đấy, mình cứ ra mở cửa để tôi ẩn ở dưới giường này xem một mình bà ra nó làm ra thế nào.

Vợ Nhiêu-Hữu bèn đi ra mở khóa cửa để cho Mao Diện tiến vào. Khi Mao Diện vào đến nhà trong vái chào vợ Nhiêu-Hữu một cái mà rằng:

— Đây tôi đã vị bà chị xẻ một nửa nhà Túc-Tượng đem lại đây, thôi bà chị nên hoà với hắn đi cho xong; nếu đem đi thưa quan, có tiền đút-lót ra còn khá, huống chi không tiền đút cho quan, thì quan nào họ lại thân-oan cho chồng bà, gì bằng mua lấy chút nhân-tình cho êm chuyện cả đôi đàng đi là xong.

Nói rứt lời, liền giở năm trăm bạc ở trong lưng ra trắng xóa bày ở trước mặt, Mao Diện trỏ đống bạc mà rằng:

— Ấy đấy, há chẳng đủ làm khoái-hoạt cho nửa đời bà chị hay sao? Nhưng bà chị phải viết cho tôi một cái biên-lai nhận bạc, tôi sẽ giao món bạc này cho bà chị nhận lấy.

Vợ Nhiêu Hữu xưa nay không trông thấy bạc bao giờ, nay trông thấy một đống bạc trắng xóa, hoa cả mắt lên, trong bụng thom thóp mà rằng:

— Tôi không biết chữ thì viết làm sao được?

Mao Diện nói:

— Bà chị không cần nóng nẩy vội. Kim Diệc cũng là bạn cánh hẩu với tôi. bà cứ gọi anh ấy ra đây viết hộ cho là được.

Kim Diệc nghe nói bưng mồm cười ha hả chạy ra mà rằng:

— Chẳng ngờ việc hai chúng ta phải chú em nó nghe lỏm hết cả, xin chú tha thứ cho ta với nhé.

Mao Diện nói:

— Tôi cũng chẳng chấp gì anh, nếu xóa bỏ việc gian tình đi thời cũng nên xóa bỏ cả việc nhân-mệnh đi, phàm sự đời chẳng gì bằng dĩ hòa vi-quí.

Kim Diệc nói:

— Ừ chú nói phải, phải lẽ lắm, để tôi hộ bà Nhiêu đại-tả biên-lai cho chú.

Kim Diệc viết xong liền bảo vợ Nhiêu-Hữu điểm-chỉ, rồi giao cho Mao Diện nhận lấy.

Mao Diện bèn điểm bạc giao cho vợ Nhiêu-Hữu thâu-nhận Mao Diện liền từ ra về bảo Túc-Tượng rằng:

— Công việc thì tôi đã điều-đình tiềm tiệm xong, chỉ hiềm thiếu một ít bạc nữa mới được.

Túc-Tượng giật mình hỏi rằng:

— Lại còn thiếu bao nhiêu nữa mấy?

Mao Diện bèn thò ra một cái đơn kê tên rõ dài, nào là người này đòi mười lạng. người kia đòi trăm lạng, tính ra hàng nghìn lạng mới đủ. Túc-Tượng không thể sao được, phải biện thêm mất một nghìn bạc nữa đưa cho Mao Diện, thời Mao Diện mới thôi không sách-nhiễu nữa. Bọn vô-lại dò biết Túc-Tượng đã bỏ ra mất nhiều bạc, đều phải thằng Kim thằng Mao đút túi cả, không thể nhịn được bèn nổi tức lên, thôi thì đứa đòi năm chục, ba chục, đứa thì đòi bảy tám chục một trăm; làm cho mẹ con Hà Túc-Tượng kêu khóc suốt ngày. Thực là:

Lột da chửa chán xương rần nốt,
Khôn xiết lòng tham rắn nuốt voi.

Trong bọn vô-lại có một thằng tên là Hữu Nhân-Tâm, thấy bọn vô-lại hay dậm-dọa sách-nhiễu Túc Tượng không ra bộ dạng gì; bèn cùng bàn riêng với Túc-Tượng mà rằng:

— Những quân nô-tài này tệ thật, Hà huynh hằng ngày nào là rượu nào là thịt, khoản-đãi chúng nó biết là bao nhiêu, thế mà ngày nay hoạn-nạn không nghĩ cách giải-cứu hộ cho, thấy người mắc cạm lại chẹn đá thêm, rõ thật là tệ! Nếu anh tin tôi tôi sẽ có một kế này, đủ làm cho lũ chúng nó chẳng làm rầy-rà gì được anh nữa.

Túc-Tượng nói:

— Bấy lâu điều gì là tôi không tin anh, nếu anh có kế sách gì xin chỉ giáo cho tôi với.

Hữu Nhân-Tâm nói:

— Trước kia anh tốn mất biết bao nhiêu tiền bạc mới được lạy Lại đại-vương trại Hỏa-đái nhận làm cha; nay sao anh không giấu bịt chúng nó mà đem cả gia-tài cầm quách đi, rồi lấy tiền lẻn đi đầu-hàng chúa trại Hỏa-đái, xin ngay làm con vua chững-chạc, hà-tất suốt ngày cứ ngồi chịu chết mãi xó nhà, chịu cho bọn nô-tài kia nó chọc tức.

Túc Tượng cả mừng mà rằng:

— Ờ phải, không có anh nói ra, tôi xuýt nũa quên đi mất, xin nhờ anh bảo-lĩnh đưa tôi đến nhà tài-chủ chỉ cầm lấy ít tiền sao cho được nhẹ lãi là hơn.

Hữu Nhân Tâm nghe lời bảo-lĩnh hộ cho Túc-Tượng thâu đêm đến nhà tài-chủ cầm lấy tiền; sắp sửa nhờ Hữu Nhân-Tâm ra bến đò thuê thuyền để lẻn đi. Chợt nghe tin chúa trại Hỏa-đái cùng với bọn giặc Hoàng-sa ở trại Ô-cầm đã nổi binh lên phá Long-xuyên, cướp Hà-nguyên, và đã tràn đến Thác-viên rồi. Túc-Tượng nghe tin cả mừng, liền đem cả mẹ và vợ cùng người em gái, sắm đôi ba cặp ngựa để đi, đi không đầy một ngày đã đến Thác-viên, quả trông thấy tinh-kỳ xan-xát, sát-khí đằng-không, có một tòa dinh trại đóng ở giữa. Túc-Tượng liền xuống ngựa, sai Hữu-Nhân-Tâm vào trại thông-báo trước mà rằng:

— Nay có tên, nghĩa-tử của đại-vương là Hà Túc-Tượng đem cả gia quyến đến đầu-hàng bẩm xin đại-vương thu-lục.

Đầu đảng giặc là Lại Hữu-Danh nói rằng:

— Nghĩa-nhi ta sao hôm nay mới đến?

Nói rồi liền sai người ra đón vào trại. Túc-Tượng lạy xong, dâng hiến tiền bạc. Hữu-Danh nói:

— Con nuôi ta coi như một nhà cả, can chi lại bày ra làm vậy.

Túc-Tượng liền dẫn cả mẹ và vợ cùng em gái vào yết-kiến. Hữu-Danh cả mừng, truyền cho đem vào trại sau để đó sẽ dùng. Túc-Tượng không thể sao được. Ngày hôm sau, Túc-Tượng đem sự tình những quân vô-lại dối trá sách-nhiễu nói xin phụ-thân báo-cừu hộ cho. Hữu-Danh cả giận, lập-tức sai kiêu-tướng Hồ Kềnh-Ngư đem ba nghìn binh, cho Hữu Nhân-Tâm đi đưa đường kéo đến Phong-hồ bắt hết cả bọn du-côn vô-lại điệu đem về trại quị một lượt. Lại Hữu-Danh thét mà rằng:

— Đồ cẩu-trệ kia, sao dám quấy nhiễu con ta? Quân ta đâu điệu cổ chúng nó ra chém cho sạch!

Quân tả hữu liền đem bọn vô-lại ra ngoài viên-môn chém sạch. Nhân-dân Phong-hồ nghe tin ấy ai cũng uống rượu ăn mừng. Lại Hữu-Danh thấy Túc-Tượng đưa cả vợ và em gái cùng cả mẹ đến hàng phục có ý muốn đặt tiệc để mừng Túc-Tượng. Chợt có tin thám-mã về báo rằng:

— Nay quan Đới Tuần-phủ đã giảng hòa với hai trại: Thiên-mã, Gia-quế rồi, nghe tin quân ta đánh-phá đến đây, đã lập-tức sai binh-mã hai trại, không biết nhiều ít dường nào kéo đến như bạc ngàn man-dã!

Lại Hữu-Danh cả kinh, họp chúng tướng lại thương-nghị mà rằng:

— Ta nghe trại Gia-quế có một viên nữ-tướng, cực kỳ kiêu-dũng, đã từng đem ba trăm nữ-binh mà đánh phá quân Súc Nục hơn hai mươi vạn; nay lại hợp với quân Ngũ-hoa kéo lại đây; nếu ta ra cự-chiến cũng khó lòng mà thủ-thắng được. Gì bằng ta hãy trở về sơn-trại, phòng thủ các nơi trại sách cho vững; rồi sai người đến Nam-lĩnh để cầu cứu Giang đại-vương, cho viện-binh đến giúp, thì mới toàn-thắng được.

Chúng-tướng đều đồng-thanh mà rằng:

— Đại-vương nói rất phải!

Lại Hữu-Danh bèn nhổ trại đem cả nhà Túc-Tượng và những tiền của, lụa là, con gái cướp lấy được, đều đem cả về sơn-trại, đóng chặt cửa trại lại phòng giữ; một mặt thì sai người đến Nam-lĩnh cầu-cứu. Nói về Thiên-lý-câu Trần Long đi do thám được đích-thực tin quân giặc về báo Phùng-Ngọc mà rằng:

— Quân giặc đã tràn đến Thác-viên, vì nghe tin tướng-công đem quân lại đánh, nó liền thâu đêm trốn về sơn-trại cả rồi.

Phùng-Ngọc cười mà rằng:

— Ta vẫn biết quân giặc chẳng làm trò gì được.

Rồi cứ đem binh từ từ tiến lên chẳng đầy mấy ngày đã kéo đến Cổ-danh-đô, do ngòi Lãm-khê đi mảng vào độ hai ba trăm dặm, thời thấy đôi bên núi non cao ngất, dòng sông như mắc cửi, sườn non vách đá đỏ ối như mầu lửa hồng, trông thực kỳ quái! Vậy người trước có thơ vịnh dải rừng Hỏa-đái rằng:

Ngang trời lưng núi tía,
Dọc đất mạn rừng hồng.
Ngàn trúc lồng mây ngất.
Đường chim dắt nẻo thông.
Oanh kêu trong suối vẳng,
Cây khuất bóng người không.
Thành Xích đây chăng tá?
Bên khe mỏi mắt trông.

Nói về Hà Túc-Tượng nghe tin quan-quân kéo đến liền chạy ra trước cửa ải thông báo lên rằng: « Giang đại-vương đã đem đại-binh đến giúp kia kìa. mau mau vào báo đại-vương ra ứng-tiếp! » Người giữ ải trông rõ là Hà Túc-Tượng thông báo, tin ngay là thực, vội vàng chạy vào báo tin. Lại Hữu-Danh liền đem hơn trăm quân kỵ ra trước cửa ải, trông thấy một đám tinh-kỳ phấp-phới, kéo lại như bay, có một lá cờ đại đi trước. trông thấp-thoáng có hiệu cờ đề chữ « Giang », trong bụng cả mừng, lại trông thấy Hà Túc-Tượng ra bái-kiến. Hữu-Danh liền bảo rằng:

— Sao không báo cho biết trước!

Hữu-Danh nói rồi, liền phi ngựa ra ngoài ải để nghênh-tiếp. Ngờ đâu Đan Dũng, Mã Tán hại tướng đã chực sẵn lẻn ngay vào trong cửa ải. Mai tiểu-thư trông thấy một tướng râu cú đầu báo, đem quân kỵ chạy lại, biết ngay là Lại Hữu-Danh ra nghênh-tiếp; cứ để cho đến gần, liền lắp tên vào điêu-cung nhằm giữa cổ họng bắn ra một phát, mũi tên ấy chớp mắt tin ngay vào cổ họng Hữu-Danh điếng người ngã lăn ra. Quân-sĩ đổ xô lên cắt lấy thủ-cấp Hữu-Danh, rồi liền xung-sát kéo vào cửa ải. Quân giặc toan đóng cửa lại, thời đã bị Đan, Mã hai tướng vung tiên ra đánh rát cho một trận chạy tan cả. Mai tiểu-thư truyền lịnh cho quân-sĩ rao lên rằng: « Đứa nào hàng thì được tha giết ». Quân giặc nghe thấy thế đều bỏ mũ cổi giáp, lạy phục xuống đất xin đầu hàng cả. Giặc Hỏa-đái là bọn giặc có tiếng xưa nay, thế mà mũi nhọn đồ binh không phải đến rây máu mà hay hàng-phục được cả, thực là công của Mai tiểu-thư vậy.

Mai tiểu-thư đã đánh phá được Lại Hữu-Danh bèn chiếm giữ lấy trại lớn, sai Trần Long mở cửa ải ra đón rước Phùng-Ngọc; lại sai Đan Dũng, Mã Tán đem binh đi đánh trại Ô-cầm chém giết giặc Hoàng-sa, bình-định yên đất Cổ-danh. Vạn Nhân-Địch giải đem tộc-thuộc hai bọn giặc: họ Lại, họ Hoàng đến trình Phùng-Ngọc phát-lạc, Phùng-Ngọc đều tra hỏi kỹ-càng, phàm những người dân phải giặc bắt hiếp-chóc đều tha cho về cả. Còn như Túc-Tượng làm hại cả nhà họ Trương, lý-ưng cả mẹ và vợ cùng em gái đều phải chém cả. Song lại nghĩ Túc-Tượng là một thằng bị-thịt chỉ vì bị người ta xui-siểm. Nhưng khi phá giặc cũng có công, thì hãy tha cho. Túc-Tượng lạy tạ xin lĩnh mẹ và vợ cùng em gái ra về, khi đi đến Lý-giao lại phải quân Du-kích ở Sái-đầu bắt được, về sau cả nhà Túc-Tượng đều phải Trương Quí-Nhi chém chết.

Phùng-Ngọc đã phóng xá cho bọn nạn-dân đâu về đấy hết cả rồi, bèn sai Chí-Long dựng một lá cờ trắng ở trước trại, dưới cờ đặt một cái hương-án trên hương-án đặt ba cái bài vị: một bài đề: «Cố-phụ Trương Hãn», một bài đề: «Cố-mẫu Long-thị», còn một bài vị đề là: « Trương Quí-Nhi. » Chí-Long và Phùng-Ngọc đều mặc áo vải sô trắng. sai điệu tộc-thuộc hai họ quân giặc hơn năm trăm người bắt quị ở trước án, và đem cả thủ-cấp Lại Hữu-Danh đệ ở trước án, để làm lễ tế điện chiêu-hồn, rồi sai quân đao-phủ điệu cả tộc-thuộc hai họ giặc ra đều mổ ruột lấy máu để tế một nhà Trương-thị. Phùng-Ngọc và Chí-Long vào tế khóc òa lên, thương-thảm động cả ba quân. Lý công-chúa và Mai tiểu-thư cũng ra thắp hương lễ-bái. Chư-tướng thấy Phùng-Ngọc khóc thương-thảm, cũng ra khóc viếng. Đương lúc khóc ầm cả lên, chợt đâu có kẻ hàng-tướng Lợi Tân-Vương dẫn một ông già đến. Xoa mắt nhìn vào bài vị hỏi rằng:

— Chẳng hay chư-vị tướng-quân có bà con gì với Trương Hãn mà khóc ông ta làm vậy?

Chư-tướng, toan đáp trả lời, Chí-Long quị ở trước án, ngửng đầu lên trông, vội vàng chạy lại ôm lấy, cả khóc mà rằng:

— Ối cha ơi! Cha tôi hãy còn đấy ư?

Phùng-Ngọc vội vã chạy lại xem thì quả là nhạc-phụ Trương Thu-Cốc; ba người cùng ôm nhau mà khóc, Lý công-chúa và Mai tiểu-thư nghe tin cả mừng, vội chạy lại khuyên giải, đỡ vào trong trại. Chí-Long hỏi rằng:

— Chẳng hay mẹ tôi với em tôi ở đâu?

Thu-Cốc trỏ Lợi Tân-Vương khóc mà rằng:

— Vợ chồng ta không may phải giặc bắt đem về núi, may nhờ bác môn-sinh kia cứu-giúp, đưa về nơi ngụ-sở, không đến nỗi khổ-sở, còn con em nó đêm hôm ấy thất-lạc, đến bây giờ không biết sống chết dường nào!

Phùng-Ngọc nghe nói lại càng khóc nức-nở. Lý công-chúa vội vàng sai người đến nhà Lợi Tân-Vương đón rước Long thị, cả nhà ra nghênh tiếp, lại khóc một hồi. Lý công-chúa và Mai tiểu-thư mời vợ chồng Thu-Cốc lên ngồi, rồi cùng ra làm lễ bái-kiến. Phùng-Ngọc trỏ từng người mà rằng:

— Đây là Lý công-chúa ở trại Gia-quế, đây là Mai tiểu-thư ở trại Thiên-mã, đều mới kết-thân với tiểu-tế đó.

Long-thị cầm tay hai nàng khóc lóc mà rằng:

— Con gái tôi phúc bạc, không được cùng với hai nàng cùng phụng-sự Hoàng-lang.

Mai, Lý hai nàng đồng-thanh mà rằng:

— Xin lão phu-nhân khoan-hoài chớ nghĩ, chúng tôi xin thay Quí-thư hết lòng hiếu-dưỡng hai thân.

Nói rồi, liền sai bày tiệc khoản-đãi. Ngày hôm sau, Phùng-Ngọc cùng với Mai, Lý hai nàng thương-nghị mà rằng:

— Nay Lại, Hoàng hai đảng giặc dẫu đã nộp đầu, nhưng Sái-đầu, Nam-lĩnh hãy còn mọi đảng giặc chiếm-cứ các sơn-trại, ngày ngày giết kẻ vô-cô, xin hiền-thê giúp tôi để tiễu-bình các trại, trước là vì địa-phương trừ hại, sau là tiết bớt cái giận trong bụng tôi.

Lý công-chúa nói:

— Xin lang-quân chớ lo phiền, lũ chúng tôi xin vì lang-quân tiễu-trừ hết cả.

Nói rồi liền sai đem thủ-cấp hai tên giặc đóng hòm, phái Trần Long đem về trình Đới tuần-phủ để báo-tiệp. Một mặt truyền-lịnh thao-luyện ba quân, để sắp binh tiến-phát.

Nói về Trần Long đem thủ-cấp giặc về nộp, khi đến tỉnh-thành thì Đới Tuần-phủ vì có giặc Hoàn-nhan vào cướp Tô-châu, đã phải phụng chỉ nhà vua đem binh đi chinh-tiễu rồi. Khi ấy Súc Nục đã khỏi bệnh, lại ra thị-sự như cũ; sực nghe tin báo-tiệp, trong bụng cả giận, liền cho gọi Hồng Nhất-Giáp vào thương-nghị mà rằng:

— Ghét thay quân giặc này, nó không phải dùng đồ binh đến rây máu mà phá được giặc Hỏa-đái, nếu nó tiến binh lên bình-định được cả Tam-đô, khi Đới Diệu trở về thì ắt là tâu công nó lên thánh-thượng, nó hẳn được phong-quan tứ-tước, ta còn làm gì nó được nữa. Ngươi có kế-sách gì làm ngăn-trở cho nó không được thành-công, thì ta sẽ trọng thưởng.

Hồng Nhất-Giáp nói:

— Cái việc đó có khó gì, chỉ cho đòi Lý Ứng-Tường và Trần Dần về không vận lương trợ-cấp cho nữa; và đưa thư trách nó sao dám chuyên-sát, như thế tuy không ngăn-trở mà tức là mẹo ngăn-trở đó.

Súc Nục cả mừng, liền sai người đi triệu hai tướng về, và giao-phó tờ công-văn cho Trần Long đem về, Trần Long khi về đến núi Hỏa-đái phúc-bẩm rằng:

— Khi tiểu-tướng đến tỉnh-thành thì Đới Tuần-phủ đã tiến-kinh rồi chỉ có Súc Nục phát tờ công-văn cho tiểu-tướng đem về đây.

Phùng-Ngọc hỏi:

— Chẳng hay Súc Nục có nói gì không?

Trần Long nói:

— Tiểu-tướng chẳng thấy Súc Nục nói gì cả, chỉ khi trở về ngang đường có gặp Trần, Lý hai tướng kéo quân về, bảo rằng có tướng-lịnh bắt phải triệt về không đi vận-tải lương nữa.

Phùng-Ngọc nghe nói cả kinh, bèn mở công-văn ra xem liền cau đôi mày lại hồi lâu không nói được nữa. Lý công-chúa hỏi rằng:

— Lang-quân sao mà buồn làm vậy?

Phùng-Ngọc bèn đưa công-văn cho Công-chúa xem. Lý công-chúa xem xong cả giận xé nát tờ công-văn vứt xuống đất thét mắng mà rằng:

— Vợ chồng mình đi dẹp giặc hộ cho nó, mà nó không nói úy-lạo được một lời. nó lại muốn bới móc ra để bẻ bắt!

Mai tiểu-thư hỏi rằng:

— Chẳng hay trong thư nó nói gì vậy?

Lý công-chúa nói:

— Trong thư nó trách Hoàng-lang là chuyên-sát, là vô quân, thế là nó bảo lũ chúng ta trước sau vẫn không chừa, đó chẳng phải nó bới móc ra để bẻ bắt là gì!

Mai tiểu-thư cười mà rằng:

— Thằng Súc Nục này mà không chết, không cứ rằng bình được Cổ-danh-đô, dẫu dẹp yên được cả dải Cầm-giang, cũng vị-tất cái ân-điển thưởng-công đã tưởng-lục đến Hoàng-lang chút nào! Gì bằng ta hãy bỏ mặc những quân giặc Sái-đầu ở đó, đợi khi Đới-hầu trở về, sẽ lại thỉnh-mệnh đi chinh-tiễu, như thế mới có thể làm địa-bộ cho Hoàng-lang xuất-đầu được.

Lý công-chúa nói:

— Hiền-muội nói phải đấy!

Liền truyền-lịnh hiểu dụ cho các quân hàng-tốt đứa nào muốn tình-nguyện lưu ở lại làm lính, thì cho biên vào bộ-ngũ, đứa nào không muốn thì cấp tiền lộ-phí cho về quê hương. Phân phát yên đâu đấy, bèn đốt bỏ sào huyệt quân giặc, thu lấy vàng lụa, đem cả nhà Trương Thu-Cốc khởi-binh trở về sơn-trại. Khi đi đến Long-xuyên, Phùng-Ngọc muốn từ-biệt Mai. Lý hai nàng tạm trở về nhà để thăm cha mẹ, Lý công-chúa nói:

— Không nên, Súc Nục nó cừu hằn với lũ chúng ta, càng ngày nó càng kết oán, nếu Hoàng-lang mà đi một mình về, vạn-nhất nó sinh chuyện gì chăng, mà lúc ấy chúng tôi ở xa không kịp cứu, thì làm thế nào? Gì bằng hãy về tạm trụ ở sơn-trại, đợi khi nào Đới-hầu trở lại làm chủ-trương cho, thời mới đi về được.

Phùng-Ngọc bất-đắc-dĩ cũng phải nghe. Khi trở về đến huyện Tam-thủy, Mai tiểu-thư bèn cho Vạn Nhân-Địch và Trần Long trở về núi Thiên-mã, Lý công-chúa bèn lấy những đồ vàng lụa lấy được ở trại Hỏa-đái chia một nửa cho Vạn Nhân-Địch đem về sơn-trại để chia thưởng cho quân-sĩ; lại sắp một món hậu-lễ nữa để đưa tặng cho Nguyệt-Nga. Phùng-Ngọc lại viết thư đưa gửi lời để cảm-tạ Mai Anh và Quân-sư. Vạn Nhân-Địch đều thu nhận rồi bái biệt ra về. Phùng-Ngọc và Mai tiểu-thư thì đem binh cùng về với Lý công-chúa. Lý công-chúa đã cho Vạn Nhân-Địch đi về rồi bèn dẫn binh về trại Gia-quế, truyền-lịnh giết trâu mổ bò, cùng với Phùng-Ngọc, Mai tiểu-thư làm lễ tế-cáo Đô bối đại-vương yến-hưởng quân-sĩ ăn uống luôn đến và mươi ngày. Lại sai dựng một nhà tinh-xá ở bên đỉnh núi Gia-quế, để mời ông bà Trương thái-công ở đấy, sớm tối cung-dưỡng. Mai, Lý hai nàng hoặc một hai ngày tất thân đến trước màn ông bà Trương thái-công để vấn-an. Phù phu-nhân lại thường-thường sai người mời bà Long-thị vào trại chơi để vui vầy với dâu con. Ông bà Trương thái-công nên cũng yên tạm trụ. Chỉ có Phùng-Ngọc thương nhớ đến Trương Quí-Nhi thì lại thở vắn than dài.

Lý công-chúa nói:

— Đương khi ấy Trương thái-công chỉ biết là Quí-thư thất-lạc, chớ không biết sống hay chết thế nào, lang-quân sao không sai người đến thôn Mai-hoa, hỏi thăm đây đó xem, họa may còn náu ẩn ở nhà thân-thích nào chăng, cũng chửa biết chừng.

Phùng-Ngọc nói:

— Hiền-khanh nói phải lắm!

Lập tức sai tên đầu-mục cẩn thận đi đến thôn Mai-hoa hỏi thăm.