Bước tới nội dung

Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XXVI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ XXVI

Dụ Hoàng Doãn, một mình thông tin,
Giết Lam Năng, bốn bề mai-phục.

Nói về Phùng-Ngọc từ biệt Ngô Đốc-phủ rồi phát súng mở thuyền ra đi, mái chèo khua nước, bóng tinh rợp trời, cánh buồm thuận gió kéo thẳng đến Huệ-châu. Phùng-Ngọc liền mời Mai Anh, Gia-Cát Đồng cùng đến thương-nghị. Gia-Cát Đồng nói:

— Quân giặc ở Vĩnh-an này tuy rằng có đến vài mươi vạn, đồn giữ các nơi hiểm-yếu, song khi tụ khi tán, cũng không lấy gì làm khinh trọng. Chỉ có Lam Năng là tay dũng-hãn mà lại gian-hoạt hơn, các đảng giặc đều sợ phục cả. Nếu đánh phá được Lam Năng, thì các đảng giặc tự khác là mất vía hết cả.

Phùng-Ngọc nói:

— Chẳng hay dùng kế gì mà đánh được bây giờ?

Gia-Cát Đồng nói:

— Trại Tân-điền, trại Nam-lĩnh là chân tay của giặc; Trại Miêu-mi, trại Thượng-trấn là tai mắt của giặc. Tướng-quân nên khiển-bát một cánh quân ra đàng núi Nga-phụ, để khiên-chế quân trại Nam-lĩnh, Tân-điền; lại khiển-bát một cánh quân nữa ra Thượng-trấn để ách-tắc quân trại Miêu-mi, Thượng-trấn. Tự mình thời thống-lĩnh đại-quân kéo thẳng đến Sái-đầu như thế mới thực là thượng-sách!

Phùng-Ngọc mừng mà rằng:

— Quân-sư luận-binh, thực rõ ràng như trỏ bàn tay!

Phùng-Ngọc lại ngoảnh vào Mai Anh mà rằng:

— Xin phiền đại-vương đem binh tướng bản-bộ theo đường bộ qua Nga phụ rồi đem quân đóng chặn các nơi, cứ giữ thành cho bền chớ không ra đánh. Đợi khi đánh phá được Sái-đầu, sẽ liệu đường tiến-thủ, thì ắt được như lời quân-sư liệu trước không sai.

Mai-Anh nói:

— Tiểu-đệ xin đi.

Liền từ-biệt Phùng-Ngọc kéo quân đi.

Phùng-Ngọc lại sai Bàn Ma-La làm chánh tiên-phong. Mã Tán, Đan Dũng làm phó tiên-phong, theo con đường Khổ-trúc tiến lên giữ hầm Phật-tử, rồi tự đem đại-quân tiến phát theo sau.

Nhắc lại Lam Năng khi đánh phá Súc Nục rồi tung quân ra cướp bóc, phía nam đến Trình-hương, bắc đến Long-xuyên, đông đến Đông-quản tây đến Bắc-la, không nơi nào là không đến cướp phá. Kíp thấy tin Ngô Quế-Phương lại ra nhậm chức mới thu các quân-đội kéo về sơn-trại. Lại cướp được vô-số kiều-nương mĩ-nữ họp đầy trong một trại, say sưa múa hát, suốt ngày ở trong xóm ôn-nhu. Kịp nghe thấy tin Phùng-Ngọc đem binh-mã hai trại lại đánh, y tự cậy mình là anh-hùng, chẳng coi ai vào đâu cả, cũng chẳng cùng với Quí-Nhi thương-nghị điều gì cả, liền sai ngay Lại Triệu-Minh làm tiên-phong, Trương Dịch làm nguyên-súy, Hoàng Doãn làm cứu-ứng, đem hai vạn quân kéo thẳng đi cự-địch. Khi kéo đến Kiều điền thì hầm Phật-tử đã bị Bàn Ma-La chiếm-cứ mất rồi. Trương Dịch gọi Lại Triệu-Minh vào trướng thương-nghị mà rằng:

— Nay đã thám được tin quân Dao-man oai-phong còn đương sắc xảo lắm phải nên sâu hào cao lũy, cứ cố-thủ chớ không nên ra đánh vội. Đợi cho đến khi quân nó muốn khiêu-chiến không được, mỏi mệt chán chê, rồi mới xuất kỳ-binh ra đánh thì chắc là phải được.

Lại Triệu-Minh nói:

— Đại-vương ta từ khi chém Trần Thiết-Ngưu đến giờ, đánh đâu cũng không ai địch được. Nay mới uỷ cho Thừa-tướng ra tự đương một mặt, mà đã rút-rát khiếp sợ như thế, chẳng sợ để cho người rừng họ cười cho ư! Tiểu-tướng biết chắc rằng quân Dao-man chẳng qua như đồ cáo chuột, nay đã lìa khỏi tổ hang thì làm trò gì được. Tiểu-tướng xin rấn thân đi trước quân-lính, dám quyết chắc là vì Thừa-tướng đánh phá được giặc.

Trương Dịch hai ba lần ngăn cản. Triệu-Minh không nghe, cứ khởi binh đi. Trương Dịch không nài sao được, phải đem binh-mã đi theo sau. Đi chưa được mười dặm, chợt nghe tiếng pháo nổ, Bàn Ma-La đem quân ra bày thành trận-thế; tay cầm búa tuyến-hoa, đứng ở dưới cửa cờ. Bên tả thì Mã-Tán, bên hữu thì Đan Dũng trông khác với binh-mã của Súc Nục khi xưa nhiều. Triệu-Minh bước ra trước trận trỏ tay mà mắng rằng:

— Mày là loài sơn-tinh ở xó rừng, sao dám đến đây mà động đến đất cõi của nguyên-soái ta!

Bàn Ma-La nghe nói, nổi giận lên như con báo nhẩy, ầm ầm như sấm, múa cây đại-phủ xung-sát nhẩy thẳng ra. Bộ-tướng của Lại Triệu-Minh là Thẩm Anh nói lên rằng:

— Không cần phải đến tay tướng-quân, cứ để cho tiểu-tướng ra bắt ngay được!

Nói rồi, liền vung cây thương ra giao-chiến. Bàn Ma La liền giơ búa lên hướng vào giữa đỉnh đầu bổ xuống. Thẩm Anh vội vàng giơ cây thương lên đỡ. Nhưng tay búa bổ xuống nặng quá, chẳng khác gì như hòn núi Thái-hàng tự lưng chừng trời sa xuống, đánh ầm một tiếng, cây thương gẫy đôi làm hai đoạn, vỡ toạc hổ-khẩu ra, Thẩm Anh xuýt nữa ngã ngựa liền nhẩy xông ra, vừa toan quay đầu ngựa chạy về trong trận, liền bị phải Bàn Ma-La sấn lên, vung tay búa chém lăn xuống ngựa. Triệu-Minh cả giận, thúc ngựa lên giơ đao toan đâm đàng sau não Ma-La. Ma-La thét lên một tiếng mà rằng:

— Quân giặc kia hãy khoan!

Thét rồi, quay búa lại đỡ, đao đâm lại búa bổ ra, nhất-vãng nhất-lai, đánh nhau đến hàng trăm hiệp, không phân thắng phụ. Trương Dịch thấy Triệu-Minh đánh không nổi tướng Dao-man, liền sai kiêu-tướng là Đồng Lạc-Đà. Trịnh Bạch Hồ phi mã ra đánh xông vào hai bên. Đan Dũng, Mã Tán trông thấy cũng nhẩy ngựa ra nghênh-địch roi vàng công-kích, gươm ngọc tung hoành, cứ từng đôi một đánh nhau giáp-lá-cà. Đan Dũng vung một đôi ngân giản tung ra như từ trên không rơi xuống. Trịnh Bạch-Hồ đỡ không kịp trúng ngay vào bả-vai và đập tan đầu sọ ra như cám, và cả con ngựa cũng bị què gẫy. Đồng Lạc-Đà trông thấy, trong bụng hoang-mang, liền bị Mã Tán đánh cho một roi, tránh không thể kịp, nghiêng mình ngã ngựa mà chết. Đan, Mã liền xông hai ngựa đến đánh Triệu-Minh. Triệu-Minh dẫu khỏe, song phải ba viên hổ-tướng vây đánh không thể địch nổi, liền nhẩy ra ngoài vòng vây, muốn quay ngựa mà chạy. Ma-La thét to lên một tiếng mà rằng:

— Chạy đi đàng trời!

Liền sấn lên chém Triệu-Minh làm hai đoạn. Trương Dịch cả kinh, vội vàng toan tháo chạy. Mã Tán đã tế ngựa lên trước trận vung roi ra đánh Trương Dịch ngã lăn ra trước ngựa. Ma-La liền giơ tay lên vẫy. quân Dao man liền xung-sát xông lên ầm-ầm như là một đàn cọp, chém giết quân giặc thây lăn đầy nội, huyết chẩy thành ngòi. Đương lúc đuổi giết không đề-phòng gì cả, chợt đâu Hoàng Doãn đem một cánh quân tự trong hang núi sấn ra chặn đường. Ma-La thu quân không kịp, bị Hoàng Doãn đánh úp cho một trận, thiệt mất ít nhiều binh-mã, vội vàng thu quân kéo đến đóng ở Trúc-bình. Hoàng Doãn cũng không dám đuổi theo nữa, liền thu-thập lại những quân tàn-binh bại-mã, đóng giữ núi Nguyệt-giốc, sai người báo tin cho Lam Năng. Lam Năng cả kinh mà rằng:

— Không ngờ quân Dao-man lại giỏi như thế!

Nguyên Lại Triệu-Minh là một tướng kiêu-dũng đánh giỏi, quân giặc vẫn tỉ như là Lã Bố, hiệu là Lã Ôn-hầu, thế mà bây giờ bị giết chết nên quân giặc cũng sợ mất vía. Vì thế Lam Năng kíp sai người mời Quí-Nhi ra thương-nghị kế cự-địch. Quí-Nhi nguyên đã dò thám kỹ-càng, cùng với Kim-Liên đã bàn định kế giết giặc, chợt nghe thấy Lam Năng cho gọi, liền ra yết-kiến Lam Năng mà rằng:

— Tôi nghe Lý công-chúa ở trại Gia-quế trước kia chỉ lấy có ba trăm nữ-binh mà đánh phá hai mươi vạn binh của Súc Nục ở Lệ-tử; giặc Ngũ-hoa ở La-bàng, thời đánh thành Triệu-khánh, làm cỏ huyện Tam-thủy, vây hãm tỉnh-thành, đi ra vào như cõi không người, không ai chống nổi. đó đều là bọn kình-địch. Thế mà đại-vương không nghĩ cái kế vạn-toàn chỉ sai những tướng hung-hăng ra đánh, vọng động khinh-cử, làm cho tổn mất quân-thanh, nhụt mất nhuệ-khí, binh lính mất mật, ba đô hết hồn, mưu-trí tôi nông nổi còn làm sao được nữa.

Lam Năng nói:

— Ta hối không dùng ngươi, nay đến lúc nguy-cấp mới dùng đến ngươi thực là lỗi quả-nhân. Thôi xin ngươi chớ tiếc kỳ-mưu vì quả-nhân lo tính hộ cho.

Quí-Nhi nói:

— Đại-vương nếu hẳn là dùng tôi, thời nên truyền hịch cho các trại, phải cứ cố-thủ các giới-hạn, nghiêm-cấm quân lính không được thì-thọt ra vào. Để mặc tôi thân đến trại Hoàng Doãn, thám-thính tình hư thực quân Dao-man, xem có cái cơ khả-thừa rồi sau sẽ ra đánh, thời mới có thể bảo-toàn được.

Lam Năng nói:

— Ngươi lo việc thực là cẩn-thận, chớ không có khinh-táo như quả-nhân, tất là hay phá được giặc. Phàm sự quả-nhân đều tùy ý cho ngươi cứ việc mà làm.

Quí-Nhi cáo từ lui ra, ngầm đem theo cái khăn lụa thêu gấm hoa là của sính-lễ, và tên tiểu-đồng đi theo, đi đến núi Nguyệt-giốc báo tin trước cho Hoàng Doãn biết, Hoàng Doãn ra đón mời vào trong trại. Quí-Nhi hỏi rằng:

— Chẳng hay mấy hôm nay Dao-binh có đến khiêu-chiến không?

Hoàng Doãn nói:

— Hôm trước tôi có sai thám-tử đi dò, nghe tin rằng chủ-tướng Hoàng Phùng-Ngọc mới đến, còn án-binh chưa động đậy gì cả.

Quí-Nhi nghe nói mừng thầm. Đêm hôm ấy Quí-Nhi đốt nến ngồi trong trướng, sai đuổi cả tả-hữu ra ngoài, sai người gọi Hoàng Doãn vào hỏi rằng:

— Tôi nghe thúc-phụ là người sinh-viên ở Long-xuyên, chẳng hay vì sao mà lại đây làm giặc?

Hoàng Doãn nói:

— Tiểu-tướng vì việc giết người, phải quan-tư họ bức-bách tầm-nã nên mới đến đây, chớ kỳ-thực không phải là bản-tâm.

Quí-Nhi nói:

— Tôi nghe Ngô đốc-phủ là người từ-tường dễ-dãi, yêu dân như con. Trại Thiên-mã trại Gia-quế thì binh-cường tướng-dũng kỷ-luật xâm-nghiêm. Nếu chư-tướng ta đều theo ước, thúc-đồng tâm hiệp-mưu, sự thắng phụ cũng chửa biết ra làm sao. Huống-chi là kiêu-căng tàn-ác có khi thúc trống không chịu tiến, hồi chiêng không chịu lui, cháu sợ rằng cháu với thúc-phụ không biết chết về chỗ nào đó.

— Hoàng Doãn nói:

— Lam đại-vương từ khi theo mưu-kế của hiền-điệt thắng-trận luôn mãi sinh ra kiêu-căng, suốt ngày chỉ hoang-dâm vui chơi, không thương gì quân-lính cả, tất là không thành công được. Về phần tiểu-tướng thì sống đã có phép sống, chết đã có phép chết. Chỉ lo cho hiền-điệt là rể yêu của y, bấy lâu tận-trung hết trí, công ra công cốc. Thực là đáng tiếc đó mà thôi.

Quí-Nhi hỏi:

— Chẳng hay thúc-phụ bảo là sống có phép sống như thế nào, xin bảo cho biết với?

Hoàng Doãn nói:

— Tiểu-tướng may được gặp hiền-điệt phụ-tử, đã nhận làm họ hàng cốt-nhục, lại còn dám nói giấu gì nữa. Nếu quan-quân mà thắng thì tôi cũng liệu đường qui phụ đó thôi.

Quí-Nhi nói:

— Cháu thực cũng có bụng ấy, chỉ sợ thúc-phụ còn mê-man chửa nghĩ lại đó thôi. nay đã biểu đồng-tình, thời xin phải cẩn-mật lắm mới được. Ngày mai để tiểu-điệt cứ như thế... mà làm, thúc-phụ phải thân đến Kiều-điền ứng tiếp, phản-họa vi phúc là ở cơ-hội này đây!

Hoàng Doãn nghe nói cả mừng. Ngày hôm sau, Quí-Nhi ăn mặc chững chạc, đem theo tên tiểu-đồng. nói giả cách là đi thám xét xuống khỏi núi Nguyệt-giốc, trông về trại quân Phùng-Ngọc mà tiến đi. Khi đến gần trại quân, bị phải đội nữ-binh bắt được, đem giải vào nộp trại Mai tiểu-thư. Mai tiểu-thư đương ngồi trong trướng, trông thấy Quí-Nhi tươi như hoa xuân hớn hở, trắng như ngọc tuyết phớt phơ, đặm như tinh-thần đào-kiểm, đẹp như cố-cách lê-hoa. Mai tiểu-thư thét mà hỏi rằng:

— Mày là người ở đâu, mà dám đến đây đi do thám?

Quí-Nhi không hoang-mang gì cả, cứ ung-dung mà rằng:

— Tiểu-sinh không phải là người do thám, lại đây là muốn đem cái kế phá giặc để hiến cho Công-chúa đấy thôi.

Mai tiểu-thư nói:

— Ngươi có biết Công-chúa à!

Quí-Nhi nói:

— Tiểu-sinh không biết Công-chúa, nhưng có người em họ nói rằng có tình qua-cát với Công-chúa, nhờ tôi lại đây để hiến kế đó.

Mai tiểu-thư hỏi:

— Chẳng hay người em họ ngươi tên họ là gì nay ở đâu?

Quí-Nhi nói:

— Em họ tôi, họ Hoàng tên là Quí-Nhi hiện ở Sái-đầu, là một người tâm-phúc của Lam đại-vương.

Mai tiểu-thư nghe nói liền mắng rằng:

— Thật là nói dối quanh, đã là người tâm-phúc của quân Lam tặc, cớ sao lại chịu đến đây mà bày mưu phá-tặc?

Quí-Nhi nói:

— Em tôi vẫn sợ rằng Công-chúa có bụng nghi ngờ, nên có nhờ tôi đem lại một vật, bảo rằng đưa vật này ra cho Công-chúa xem, rồi chuyển-giao cho Hoàng tướng-quân xem thì tự-khắc là biết rõ.

Nói rồi liền giở trong mình lấy ra một cái khăn lụa thêu hoa gấm đưa lên. Mai tiểu-thư tiếp lấy nhận xem, có ý kinh-nhạ, nghĩ thầm rằng: Cái khăn lụa này giống như cái khăn lụa ở trong hòm Hoàng-lang, nghe Hoàng-lang nói cái khăn này là tự tay bà mẹ dệt ra, chỉ có hai cái, một cái đã đưa cho Trương thư-thư làm sính-lễ, hay là cái khăn này chăng? Nhưng tên là Quí-Nhi thì tuy rằng phải thật, sao mà lại họ Hoàng thì lạ thật! Liền hỏi lên rằng:

— Chẳng hay Hoàng Quí-Nhi chừng độ bao nhiêu tuổi, đến Sái-đầu từ bao giờ? Có người nào cùng bạn không?

Quí-Nhi nói:

— Em tôi ước độ mười bảy mười tám tuổi. hồi tháng tư năm nay cùng với cha mẹ định đi đến chơi sơn-trại Công-chúa. Khi qua đường Long-xuyên, bị phải bộ-tướng Lam đại-vương bắt giải về trong trại. Lại gặp được nghĩa-nữ Lam đại-vương là Tạ Kim-Liên yêu cái tài-mạo của y, cưới lấy làm chồng, hiện nay làm Tam-đô Đô-đốc.

Mai tiểu-thư nghe nói nghĩ thầm rằng: Nếu đã phải người nghĩa-nữ cưới lấy làm chồng, thì lại là người con trai, lại càng lấy làm nghi, rồi lại hỏi rằng:

— Chẳng hay cha mẹ anh ấy tên họ là gì, mà là người ở đâu?

Quí-Nhi nói:

— Người ở thôn Đào-hoa làng Trình-hương cha hiệu là Tư trai, mẹ là Sa-thị.

Mai tiểu-thư nghe nói lấy làm kinh-dị nghĩ thầm rằng: Nếu nói như thế thì rõ là tên bố mẹ chồng ta rồi. Song chẳng hay chú Phùng-Châu khi nhỏ có gọi tên là Quí-Nhi bao giờ! Toan sai người mời Phùng-Ngọc ra hỏi. Chợt đâu Trương Chí-Long tự đàng ngoài tiến vào. Mai tiểu-thư nói:

— Anh lại đây vừa hay!

Liền trỏ vào Quí-Nhi mà rằng:

— Vừa rồi bọn nữ-binh có bắt được người kia, hỏi ra thì nói nghiêu-khê chẳng hiểu ra sao cả.

Chí-Long liền nhìn nhận Quí-Nhi, bất-giác thất-thanh mà rằng:

— Ờ hay! người này rõ giống em tôi!

Quí-Nhi trông thấy anh bụng nghĩ chua xót, bưng mặt khóc mà rằng:

— Tiểu-muội chính là Quí-Nhi đây!

Chí-Long nghe nói, vừa kinh vừa mừng, liền chạy đến hỏi rằng:

— Thế ra hiền-muội bấy lâu không phải chết, chẳng hay trong hai năm nay ở đâu, làm sao lại mặc giả-dạng như vậy?

Quí-Nhi nói:

— Tiểu-muội nếu không ăn mặc giả dạng như thế này, thì có khi không được trông thấy anh nữa.

Mai tiểu-thư nghe nói biết là Quí-Nhi, vội vàng bước xuống đi ra dắt tay Quí-Nhi mà rằng:

— May sao gặp được thư-thư, xin mời vào trại trong tương-kiến

Khi vào đến trại trong, thi-lễ xong, Quí-Nhi hướng vào Chí-Long thổn-thức mà rằng:

— Em nghe Công-chúa đã vị nhà ta báo cừu giết giặc rồi, chẳng hay anh đã từng đến Hỏa-đái thu-nhặt lấy hài-cốt cha mẹ chưa?

Chí-Long cũng khóc mà rằng:

— Hiền-muội chớ thương đau, hai thân tuy bị giặc bắt đến Hỏa-đái, song gặp được người môn-sinh Lợi Tân-Vương cứu đỡ cho đem về trong trại, không đến nỗi phải khổ-sở. Hồi tháng ba mới rồi may gặp được chồng em cùng với Lý công-chúa và vị Mai Ánh-Tuyết này đem quân đến đánh phá Hỏa-đái, cứu được cha mẹ ta đem ra, lại nhờ được hai vị đưa về ở trại Gia-quế, lấy hậu-lễ tiếp-đãi tử-tế.

Quí-Nhi nghe nói mới biết rằng nàng đứng đó không phải là Lý công-chúa, té ra là nàng Mai tiểu-thư, Hà Túc-Tượng đã từng nói là nàng ấy có cứu cho hắn. Quí-Nhi liền lau nước mắt hướng vào Mai tiểu-thư toan thụp xuống lạy. Mai tiểu-thư liền giơ tay ra đỡ lấy mà rằng:

— Chết nỗi! Thư-thư làm thế thì giết tôi không bằng. Chẳng hay thư-thư cớ sao lại cải-trang ra làm vậy?

Quí-Nhi bèn kể lại sự nhà gặp nạn, phải cải-trang đi đến thôn Đào-hoa để tìm bố mẹ chồng, nào là lúc thì bị cướp, lúc thì phải chiêu-hồn, và những hồi dụng kế chém Thiết-Ngưu, giết Trần Hưng, phá Dũng-khẩu, được phong làm quân-sư, đều thuật qua cả lại một lượt. làm cho Mai tiểu-thư mừng rỡ khen rú lên mà rằng:

— Thư-thư thực là người có gan có trí, tiểu-muội không hể kịp được. Bấy lâu Hoàng-lang nhớ thư-thư, suốt ngày khóc-lóc, trước kia ở Gia-quế đã vì thư-thư làm lễ thành-phục chiêu hồn. Hoàng lang đã toan quyên-sinh. Nay gặp thư-thư lại đây thì hay lắm, xin mời vào trung-quân cùng Hoàng-lang tương-kiến để cho yên lòng một chút.

Quí-Nhi nói:

— Nay tôi ăn mặc giả dạng thế này, trông thấy Hoàng-lang cũng thẹn mặt, nhờ tiểu-thư đạo-đạt hộ cho.

Mai tiểu-thư nói:

— Thư-thư đã biết thấu được bụng giặc, nay lại đây tất là có thâm-mưu. Nếu không vào yết-kiến Hoàng-lang thì hoạch-kế làm sao được.

Quí-Nhi không thể sao được. phải nghe theo Mai tiểu-thư đưa vào trung-quân. Mai tiểu-thư nói:

— Thư-thư hãy đứng ở đây, để tôi vào bảo cho biết trước để ra đón.

Quí-Nhi bèn đứng lại ở cửa viên-môn. Phùng-Ngọc và Lý công-chúa nghe tin Quí-Nhi chửa chết, mà cha mẹ mình bị hãm ở Sái-đầu, may cũng không can sao, bất giác vừa kinh-sợ vừa mừng rỡ, liền cùng với Công-chúa ra ngoài cửa viên-môn để đón rước. Quí-Nhi trông thấy Phùng-Ngọc, đỏ mặt tưng-bừng, cầm quạt che mặt không chịu bước lên. Lý công-chúa và Mai tiểu-thư cùng dắt đưa vào trại trong. Phùng-Ngọc ra dáng bẽn-lẽn vái một vái mà rằng:

— Tiểu-sinh phụ-ước, để đến nỗi hiền-thê phải kinh-sợ. Nay trông thấy hiền-thê thực lấy làm thẹn-thùng lắm! Cha mẹ tôi nhờ hiền-thê cứu hộ được vô sự, chẳng hay ít lâu nay có được yên vui không?

Quí-Nhi che mặt khóc mà rằng:

— Ông bà ở trong sơn-trại may nhờ được nghĩa-nữ của Lam Năng là Tạ Kim-Liên sớm hôm phụng-dưỡng cũng được bình-yên cả, chàng không phải lo. Bấy lâu thiếp nghe chàng vì thiếp mà bị nhục ở ngục Nam-hải, sau lại vì thiếp mà đánh phá giặc Hỏa-đái, thâm-tình cao-nghĩa của chàng, dẫu thiếp quyên-sinh đi cũng không thể báo đáp được.

Nói rứt lời, liền giở địa-đồ ra, dắt tay Lý công-chúa đến trước án, trỏ bảo rằng:

— Cái địa-đồ này tứ-chí phân-minh, đủ cả các nơi hiểm-yếu.

Lại trỏ cái trại Tam-giác mà rằng:

— Trại này rừng sâu rậm rạp, có thể phục-binh được. Công-chúa nên kén lấy cường-binh mãnh-tướng, mai-phục khắp cả mọi nơi, trong khoảng giữa thì giả-cách bày ra các doanh-trại kéo cờ hiệu Hoàng-lang. Đợi đến ngày mồng tám tháng chạp tôi sẽ bày kế khiến các tướng kiêu-dũng của Lam Năng lại đó cướp trại, rồi ta nổi phục-binh lên đánh, thì bọn cường-đồ khá giết được cả. Giết được bọn cường-đồ ấy rồi lập-tức chia binh tiến đi đánh các trại Dương-giốc, Yến-vĩ, có thể một trận đánh là hạ được cả. Công-chúa cùng Hoàng-lang thì đem một cánh quân kéo thẳng đến Sái-đầu, tôi sẽ bảo Hoàng Doãn mở cửa ải ra nghênh-tiếp. Thôi nói thế là đủ, tôi phải trở về ngay bây giờ, sợ trì-trệ ra thì tiết-lộ chăng.

Lý công-chúa nói:

— Thư-thư đã nói như thế, thì tôi không dám lưu lại nữa. Song tôi không biết thư-thư ở trong trại giặc thì thôi, nay đã biết thư-thư ở đó, có lẽ cứ phóng-tâm để cho thư-thư đi một mình sao đành.

Liền ngảnh lại bảo Mai tiểu-thư rằng:

— Ta muốn cho hiền-muội theo thư-thư cùng đi.

Quí-Nhi nói:

— Cùng đi sao được, tôi lại đây không có tiểu-thư theo hầu, nay trở về lại đeo một nàng tiểu-thư đem về, há chẳng thêm cho người ta sinh ngờ ra ư?

Mai tiểu-thư nín lặng nghĩ một hồi rồi nói rằng:

— Tôi có mẹo này rồi!

Liền ngảnh lại Chí-Long mà rằng:

— Anh ra tìm thằng nhỏ hầu Quí-nương, bảo nó lột áo mũ ra cho tôi mượn.

Chí-Long ra lột áo mũ của thằng nhỏ đem vào. Mai tiểu-thư cầm lấy đem vào chỗ khuất, cải-trang mặc ra lốt tiểu-đồng, rồi chạy ra hỏi rằng:

— Mặc như thế này có được không?

Chúng đều cười mà rằng:

— Mặc như thế thì hệt lắm!

Quí-Nhi cũng bưng mồm cười mà rằng:

— Theo hầu thế thì coi sao đang.

Mai tiểu-thư cứ việc giắt ngầm lưu-tinh-trùy vào trong mình, để thằng tiểu-đồng hầu Quí-Nhi ở lại, rồi từ-biệt mọi người cùng với Quí-Nhi ra khỏi cửa trại. Chợt gặp Hoàng Nhượng họp quân hương-dũng đem binh-mã đến trại định vào yết kiến Phùng-Ngọc, chợt trông thấy mặt Quí-Nhi nói lên rằng:

— Tên ngụy-đô-đốc của quân Lam-tặc này, làm sao lại đến đây!

Quí-Nhi chẳng nói chẳng rằng cứ bước ra đi. Phùng-Ngọc xua tay. Hoàng Nhượng hỏi lại rằng:

— Chẳng hay tướng-quân cùng với người ấy có quen biết không?

Phùng-Ngọc cười mà không trả lời chỉ hỏi rằng:

— Chẳng hay thúc-phụ đem đến được bao nhiêu binh-mã?

Hoàng Nhượng nói:

— Có được hơn một nghìn quân.

Phùng-Ngọc nói:

— Nay thúc-phụ khá đem quân về Trung-trấn, đến mồng tám tháng chạp thì cứ y kế như thế... Có thể phá Thượng-trấn mà bắt được Lý Đường-Tôn; rồi thừa-thắng đánh phá Miêu-mi thì Tô Doãn-Sơn cũng khá chém đầu được.

Hoàng Nhượng lĩnh mưu kế rồi kéo quân đi, Phùng-Ngọc lên trướng họp chư-tướng lại truyền lịnh: sai Đan Dũng, Mã Tán, Bàn Ma-La, Triệu Tín, Đường Hổ, Mã Cách, Giả Kỳ, Lợi Dụng đều đem một vạn quân tinh dũng, cường-cung kính-nỗ cứ lẳng lặng kéo đến chòm Tam-giác, chia ra tám mặt mai-phục, hễ nghe hiệu pháo liên-châu nổi lên, thì đều xung-sát ra đánh đừng có để cho một tên giặc nào chạy thoát được. Mã A-Ma thì đem ba trăm binh đến chòm Tam-giác, bày ra dinh-trại giả, rồi dựng cờ hiệu của ta lên. Nếu trông thấy quân giặc kéo đến, thì liền nổi hiệu pháo rồi tháo lui. Đợi khi chém hết quân giặc, thì lại lập-tức đem binh đi đánh các trại: Dương-giác, Yến-vĩ, Kê-quan, Tử-liêm, rồi đến trại Sái-đầu mà hiến-tiệp. Phùng-Ngọc phân-phát đã xong, các tướng đều chỉnh-bị kéo quân đến Tam-giác; chỉ lưu hai vạn quân trông nom thuyền-bè. Còn tự mình thì cùng với Lý công-chúa lĩnh lấy năm vạn binh bản-bộ đợi đến ngày mồng tám tháng chạp thì tiến đi đánh trại Sái-đầu.

Thực là:

Bày sẵn bẫy hầm rình bắt cọp,
Thả ngầm mồi tốt dử câu kềnh.

Nhắc lại Quí-Nhi cùng với Mai tiểu-thư đi lẻn về đến Kiều-điền. Hoàng Doãn ra nghênh-tiếp, rồi cứ y-kế bí-mật mà làm, truyền lịnh cho các tướng đóng binh-mã thủ-hiểm ở Nghĩa-cốc, Tiệp-khê, Viên-đôn đều triệt-quân về Sái-đầu phòng-bị. Lam Năng nghe tin cả kinh, liền gọi Quí-Nhi đến hỏi rằng:

— Nay quân giặc ở trước mặt, mà ngươi đem triệt hết cả quân thủ hiểm đi. Nếu quân giặc họ dò biết mà ruổi tràn vào, thì làm thế nào?

Quí-Nhi nói:

— Tôi dò được đại-binh của Phùng-Ngọc đóng hết cả ở Phật-tử, tự mình chỉ đem một cánh quân đóng ở chòm Tam-giác. ý là muốn dòm nom Vĩnh-an, chiếm-cứ lấy Đan-chướng-cung, để chặn đường ứng-cứu của ta. Tôi muốn nhân mưu nó mà đánh lừa lại, cứ để cho binh-tướng nó kéo tràn sâu vào. Tôi thì cùng Hoàng Doãn, Lý Kỳ đem binh cố-thủ. Đại-vương thì cùng với Diệp Thiên, Tần Vinh kén lấy độ năm nghìn quân tinh-kỵ kéo thẳng ra Tam-giác đánh úp lấy, thì có thể bắt được Phùng-Ngọc. Đã bắt được Phùng-Ngọc rồi thì liền đem binh ra Bạch-khê vòng ra đàng sau quân giặc, chẹn lấp các nơi hiểm-yếu tuyệt hẳn đường về. Tôi cùng với Hoàng Doãn bấy giờ mới mở cửa ải ra phấn-kích, ấy là cái kế phản-khách vi-chủ, dẫu quân Dao-man mạnh đến đâu cũng không bay thoát được.

Lam Năng cả mừng mà rằng:

— Bấy lâu ngươi hoạch ra một kế-sách nào, ý-tưởng người thường không ai nghĩ đến được!

Ngày hôm sau. Lam Năng liền điểm binh khởi đi, và đem theo Tần, Diệp các kiêu-tướng cùng xuống núi trông về phía Tam-giác mà kéo đi. Khi bấy giờ đương mùa đông rét mướt. mây sầu tối đất, khí chướng ngất trời. Vậy người trước có bài phú Ngữ-chướng, lược dịch như sau này:

Nguyên là: Lĩnh-nam lãnh-khí, thấp-nhiệt huân-chưng, độc cây nọc rắn, uất-kết vô-chừng.

Có lúc: Bốc lên nghi-ngút. như khói như mây, tối mù non nước, thảm-đạm cỏ cây.

Nếu mà trúng phải, liền phát bệnh ngay, khi nóng khi rét, buồn bã chân tay.

Nếu uống lỗi thuốc, khó chữa được nào, có phép trâm trích, chỉ dùng tiêm dao.

Ấy phép Ngữ-chướng, truyền lại đã lâu ai đi đến đó phải biết mà cầu.

Khi Lam Năng kéo quân gần đến Tam-giác, sai người do thám, quả có một toán quân đóng ở trong xóm giữa, ngọn cờ bay phấp-phới thoáng trông thấy hai chữ: « Đại-súy » to tướng, Lam Năng cả mừng, liền thúc binh-mã kéo xông lên. Một ngựa đi lên trước, phá toang cửa viên-môn, thấy trong là một trại không, biết là trúng kế. Lam Năng liền đem quân lui ra, chợt đâu một tiếng pháo liên-châu nổ ầm lên, bốn mặt núi tiếng reo xô-xát ầm-ầm lên như sấm, không biết là bao nhiêu binh-mã bổ vây kéo lại, thoạt-tiên trông thấy một tướng mặt đen như chôn nồi, tiếng vang như sấm động, tay sử một cây Bát-quái tuyên-hoa-phủ, ra chặn ngang đường đi, thét lên rằng:

— Bàn Ma-La ở đây!

Lam Năng liền đem Diệp, Tần chư-tướng hăng-hái liều chết mà đánh. Ma-La giơ búa ra nghênh-địch, đánh nhau được mươi hiệp, bên tả thì Đan Dũng, bên hữu thì Mã Tán xông ra, Diệp Thiên Tần Vinh phải chia ra hai ngả nghênh-địch. Triệu Tín, Đường Hổ lại đem chư-tướng sấn đến, bổ vây Lam Năng vào trong trùng vi Lam Năng phấn-khởi hết sức hùng-dũng, đâm bên tả, thích bên hữu, xông đàng trước, đỡ đàng sau, giao-chiến một hồi lâu, vụt đâu mũi gươm sáng lòe vung ra, thì Đường tướng-quân đã bị chém phăng mất đầu rồi. Lợi Dụng vừa buông lỏng tay gươm một cái cũng bị phải Lam Năng chém ra một đao tự trên đỉnh đầu phang xuống, toác ra làm đôi, đầu óc nát ra như cám. Mã Tán trông thấy nổi giận, thét to lên rằng:

— Không sợ roi ta à!

Cây roi như kim-long quá-hải vụt qua đôi mắt Diệp Thiên đập ngay vào giữa não. Mã Tán đánh Diệp Thiên rồi liền vung roi xông vào đánh Lam Năng. Lam Năng nổi cơn hung thét lên một tiếng. Mã A-Ma không kịp chống đỡ, liền bị phải Lam Năng một đao chém chết Bàn Ma-La nổi cơn nóng lên như lửa bốc vung cây búa ra trúng ngay phải cánh tay tả Lam Năng ngã sa xuống ngựa. Lam Năng phải bỏ cây đại-đao, rút lấy dao găm ra còn đánh giết được và mươi người, mới bị phải Mã Tán đánh cho một roi ngã lăn chiêng, liền xông vào cắt lấy thủ-cấp, chừng độ một hồi lâu, đôi con mắt Lam Năng còn xạ hào-quang ra trừng trợn. Mã Tán cầm lấy thủ-cấp giơ lên bảo Tần Vinh rằng:

— Ta đã lấy được thủ-cấp tên giặc đầu-đảng nhà mày rồi, mày còn cố đánh làm gì nữa!

Tần Vinh trông thấy, kêu lên một tiếng ngã lăn xuống ngựa mà chết Quân giặc thẩy đều buông qua bỏ giáp phục xuống đất mà xin hàng. Bàn Ma-La bảo Mã Tán thu lấy quân tàn-binh và hài cốt chư-tướng, đem về sơn-trại liệm-táng trước. Rồi bắt quân hàng-tốt làm hướng-đạo chia đường đi đánh các trại Dương-giốc, Yến-vĩ.

Nhắc lại Phùng-Ngọc đợi đến ngày mồng tám tháng chạp, đem quân kéo thẳng đến Sái-đầu, suối dọc đường không có ngăn trở tí gì. Khi kéo đến Sái-đầu, trông thấy trên núi tinh-kỳ xan-xát mà không thấy động-tĩnh gì cả. Trời đã gần về chiều hôm, Phùng-Ngọc bèn truyền cho quân-sĩ phân ra các nơi đóng trại. Quân trong sơn-trại trông thấy, phi-báo về phủ Đố-đốc. Quí-Nhi truyền lệnh quân-sĩ không được vọng động. Đến ngày hôm sau, bại-quân lục-tục chạy về báo rằng: « Hỏng mất rồi! đại-vương đang bị vây ở trại Tam-giác mất rồi! » Một lát nữa lại thấy người về bảo rằng: « Lam đại-vương với Diệp, Tần hai tướng-quân đều bị giết mất cả rồi! Quan-quân đã kéo đi đánh phá các trại. » Quí-Nhi nghe thấy báo cả mừng, liền cùng Mai tiểu-thư đều cưỡi ngựa tế ra cửa ải, sai Hoàng Doãn mở cửa ra đánh. Lý Kỳ nói:

— Tôi nghe tin đại-vương đã bị hại rồi, Đô-đốc không nên ra trận nữa.

Quí-Nhi thét lên rằng:

— À, thế ra mày thấy sự biến đã chực muốn làm phản à?

Mai tiểu-thư liền lấy lưu-tinh trùy ra thét to lên rằng:

— Ta đây vì Lam đại-vương mà giết quân phản-tặc này đi mới được!

Nói rứt lời, thì trùy lưu-tinh đã đập ngay vào mặt Lý Kỳ. Quân sĩ trông thấy đều sợ run cả lên. Hoàng Doãn thét sai mở cửa ải xông-sát xuống núi. Phùng-Ngọc với Lý công-chúa đương kìm cương ngựa đứng đợi ở trước cửa cờ, trông thấy Hoàng Doãn tự trong ải đi ra. Phùng-Ngọc hỏi lên rằng:

— Tướng đi tới đó là tên chi?

Hoàng Doãn nói:

— Tôi là Hoàng Doãn, là bộ-hạ Hoàng Đô-đốc.

Phùng-Ngọc nghe nói cả mừng, liền giơ kiếm giả-cách đấu với Hoàng Doãn và mươi hiệp, Hoàng Doãn giả-cách thua chạy. Phùng-Ngọc liền phi mã kíp đuổi theo, giả-cách thét lên rằng:

— Mày có chạy đi đường trời!

Lý công-chúa liền đốc binh-mã đánh xông vào sơn-trại. Lam Khuê vội vàng chạy ra đóng cửa ải. Hoàng Doãn vùng đao ra chém quay ở dưới ngựa. Quân Dao-man kéo đổ xô vào, Mai tiểu-thư tiếp được binh liền tung ra xung-sát, giết quân giặc kêu khóc rầm trời, lăn khe sa hốc mà chết đầy cả hang núi. Quí-Nhi thấy Phùng-Ngọc đã tiến vào cửa ải rồi, liền lẻn về Hoa-viên cải-trang. Phùng-Ngọc liền sai Hoàng Doãn vây bọc nơi trại gốc bắt hết cả họ hàng Lam Năng và trăm người, và xét sổ xem những người nào có chức-sự đều thu bắt cho hết đem gông cùm cả lại, đợi khi đánh phá các trại xong cả, đều giải kinh để chính-pháp. Phân-phát đâu vào đấy. Phùng-Ngọc bèn sai Mai tiểu-thư dẫn đường, đưa mình với Lý công-chúa đến hoa-viên vào bái kiến ông bà Tư-trai. Phùng-Ngọc quì xuống đất mà thưa rằng:

— Bất-tiếu này không ngờ lưu-lạc tha-phương, để lụy đến cha mẹ phải chịu kinh sợ, thực là tội tại con

Phùng-Ngọc nói rồi nhỏ nước mắt khóc. Sa phu-nhân dắt Phùng-Ngọc đứng dậy. Tư-trai nói:

— Cha mẹ mày nếu không có Quí-Nhi, Kim-Liên hai con dâu đồng-mưu giúp đỡ, thì xuýt nữa cũng khốn!

Phùng-Ngọc nghe nói, liền bảo người mời hai nàng ra để bái tạ. Hai nàng không chịu ra. Lý công-chúa nói:

— Hôm nay tốt ngày. Hoàng-lang nên cùng làm lễ thành-thân với Quí-thư là phải.

Tư-trai liền sai người đi sắm sửa hoa-trúc. Quí-Nhi nghe biết như vậy liền cho người gọi Mai tiểu-thư vào nói chuyện. Mai tiểu-thư hỏi rằng:

— Chẳng hay thư-thư hỏi chuyện gì vậy?

Quí-Nhi khóc mà rằng:

— Tôi đây không gặp được em Kim-Liên thì không còn được đến ngày nay. Tôi trước đã hứa với em tôi rằng về sau cùng phụng-sự Hoàng-lang, vậy xin nhờ tiểu-thư bẩm với Công-chúa cho, để cho Kim-Liên được dự vào số tiểu-tinh, thì tôi xin lấy phận tì-nhi hầu tiểu-thư suốt đời.

Nói rồi lại xùi-xụt khóc. Mai tiểu-thư cả kinh mà rằng:

— Thư-thư sao lại nói quá ra làm vậy, nếu lại được Kim-Liên cùng làm chị em nữa thì càng hay. Không những một nàng, dẫu đến trăm nàng nữa cũng chẳng là thừa.

Nói chưa rứt lời, Sa phu-nhân đã dắt Lý công-chúa tiến vào. Quí-Nhi vội vàng lau nước mắt ra nghênh-tiếp. Công-chúa nói:

— Chẳng hay thư-thư có việc gì mà lại không vui làm vậy?

Mai tiểu-thư liền đem lời Quí-Nhi thuật lại. Lý công-chúa mỉm cười mà rằng:

— Thế ra Quí-thư cũng lấy thường-tình lượng bụng chị em mình đấy thôi.

Liền lại hỏi rằng:

— Chẳng hay Tạ hiền-muội thế nào, tôi chưa được biết mặt, bây giờ ở đâu?

Mai tiểu-thư nói:

— Để tôi vào mời chị ấy ra.

Nói rồi liền chạy vào trong phòng dìu kéo ra, nét mặt Kim-Liên khi ấy hãy còn vẻ ủ-ê giọt lệ, trông càng xinh đẹp. Công-chúa cả mừng mà rằng:

— Hoàng-lang thực là chúa hoa, đều gặp được những hoa phi-phàm cả!

Hai người thi-lễ tương-kiến xong, Công-chúa cười mà rằng:

— Thôi, hiền-muội chớ lo, mau mau sắm sửa làm tân-nương đi.

Kim-Liên khóc mà rằng:

— Tuy rằng một cây cù-mộc, vốn sẵn lòng che chở cho thân cát-đằng. Song thiếp hãy còn cái thù hai đời chửa báo. cái tang ba năm chửa trả nghĩa xong. Thời thiếp dẫu được chăn ấm gối êm, nỡ lòng nào ăn nằm cho yên được, vậy chỉ cầu Công-chúa cho mượn cái đầu Lam Năng, để cho thiếp được làm lễ phát-tang thành-phục, thời dẫu chết cũng cam lòng. Huống-chi lại được hầu gần để đỡ việc rẩy quét thì còn gì bằng nữa!

Kim-Liên nói rồi khóc cực thảm-thiết. Lý công-chúa thất-kinh hỏi rằng:

— Chẳng hay hiền-muội sao lại thương đau như vậy?

Sa phu-nhân bèn đem đầu đuôi sự-trạng của Kim-Liên, thuật lại một lượt. Lý công-chúa nói:

— Nguyên là truyện đầu đuôi như thế, hiền-muội cũng chớ phải lo, để ta nói chuyện với Hoàng-lang là xong việc.

Công-chúa lui ra nói chuyện cho Phùng-Ngọc biết, Phùng-Ngọc nói:

— Nếu như vậy, thì việc hôn họ Tạ hãy hoãn lại. Đợi ta hoàn-hôn với Trương-thị xong đã, rồi sẽ nghị đến.

Tư-trai nói:

— Con ta nói phải lẽ.

Ngày hôm sau, Hoàng Doãn mới biết ra rằng Quí-Nhi nguyên là con dâu Tư-trai, Phùng-Ngọc mới chính là con trai của Tư-trai, nửa kinh nửa mừng, vội vàng tới đến chúc mừng Tư-trai. Phùng-Ngọc lấy lễ hàng cháu ra bái-yết, Hoàng Doãn cả mừng mà rằng:

— Hiền-điệt là người anh-tuất, mà nàng cháu dâu lại là bậc kỳ-nữ trong thiên-hạ, thực đáng mừng lắm!

Tư-trai sai bày tiệc-yến ở trong hoa-viên, để khoản-đãi Hoàng-Doãn. Đương lúc uống rượu, bên ngoài chợt có tin báo rằng:

— Tuần-phương là cha con Hoàng Nhượng và các vị tướng-quân đều đến hiến-tiệp.

Phùng-Ngọc nghe tin cả mừng ra ngoài trước trại lên ngồi trên trướng, các tướng-sĩ ầm-ầm kéo về đến nơi: cha con Hoàng-Nhượng về dâng thủ-cấp Tô Doãn-Sơn là ngụy Phiêu-kỵ tướng-quân ở Miêu-mi, và thủ-cấp Lý Đường-Tôn là ngụy Đô-đốc ở Thượng-trấn. Bàn Ma-La thì dâng thủ-cấp Lam Năng và Lưu Tán ở núi Kê-quan; Đan Dũng thì dâng thủ-cấp Tần Vinh và Chung Nuy-tử ở trại Dương-giốc; Mã-Tán thì dâng thủ-cấp Diệp Thiên và Từ Tử-Tân ở Yến-vĩ; Triệu Tín thì dâng thủ-cấp Trương Tính ở Tử-liêm-chướng; Giả Kỳ thì dâng thủ-cấp Hứa Phụng-Nguyên ở Hoàng-tử-sơn; giặc giã vùng Khoan-đắc thế là yên hết. Phùng-Ngọc đều lần lượt uý-lạo các tướng-sĩ xong rồi, liền sai người dựng lên hai lá cờ trắng, bên tả lập đàn đặt bài-vị Tạ Thượng, Tạ Nhân; bên hữu lập đàn đặt bài-vị cha mẹ Hoàng Nhượng. Rồi sai đem thủ-cấp các tướng-giặc bày ra hai bên tả hữu. Phùng-Ngọc đổi mặc áo trắng. lấy lễ con rể ra làm lễ điếu-tang, Kim-Liên thì mặc áo gai cầm gậy vông, vải sô trắng trùm đầu, thị-nữ đưa dẫn đến trước linh-vị. Mai tiểu-thư với Lý công-chúa cũng cùng ra dự lễ. Kim-Liên đốt hương khóc lạy rồi đứng dậy đỡ lấy linh-vị khóc cực thê-thảm, khóc đến nỗi như gió lạnh buốt xương, nhật nguyệt cũng phải mờ ám, núi non cũng phải thảm-sầu! Khóc một hồi lâu, rồi xoay mình trở lại hướng vào Phùng-Ngọc, Lý công-chúa, và Mai tiểu-thư, thắp nến lên toan cúi xuống lạy bốn lạy. Lý công-chúa và Mai tiểu thư vội vàng đỡ dậy. Kim-Liên ngảnh lại thị-nữ mà rằng:

— Ta với mày cùng lạy tạ Quí-Nhi đi, kiếp này không đền ơn được, kiếp sau xin làm thân khuyển mã để đền nghì!...

Nói vừa rứt lời, trong tay áo liền rút ra một ngọn dao chủy-thủ vung lên toan cắt cổ, may nhờ Mai tiểu-thư nhanh tay giật được dao ném xuống đất mà rằng:

— Em sao lại thế, cả nhà họ Tạ chỉ còn trông cậy có một mình, thời phải nên lưu cái thân ấy để sẽ thương-nghị với Hoàng-lang, xin lập đền thờ cho ông cha nhà mình, kể còn vô-số công việc lớn lao chửa làm xong, mà em đã vội tự-tử ngay, thì còn trông mong gì nữa.

Kim-Liên nghe lời ngồi xệp xuống đất tựa vào Mai tiểu-thư khóc nức-nở. Phùng-Ngọc trông thấy quang-cảnh ấy, cũng thương cho Kim-Liên mà khóc xụt-xùi. Lý công-chúa sai thị-nữ đỡ Kim Liên đưa vào, Quí Nhi vội vàng ra hoa-viên tiếp rước đem vào, theo ngồi kề bên làm bạn, nói chuyện khuyên-giải trăm đường. Bên ngoài thì ông bà Tư-trai đưa các tướng vào làm lễ viếng Phùng-Ngọc đều thay Kim-Liên đáp lễ lại cả Lễ xong, sai nhổ cờ trắng và linh-vị phân hóa. Lại đem thủ-cấp các tướng giặc để sang bên hữu, để tế điện cha mẹ Hoàng Nhượng. Phùng-Ngọc sai mổ trâu bò yến-hưởng quân-sĩ, xong cuộc rồi tan. Ngày hôm sau Tư-trai sai Hoàng Doãn sắm sửa hoa-chúc để làm lễ thành-hôn cho con dâu. Quí-Nhi biết ý mời bà Sa-thị lên thưa rằng:

— Thưa mẹ, xin mẹ nói cho ông biết, để ông bảo Hoàng-lang hãy trước làm lễ thành-thân với Kim-Liên muội-tử, để cho yên-ủi tấm lòng.

Kim-Liên nghe biết ý, nhất định thề chết không dám tiếm hơn Quí-Nhi. Hai nàng mĩ-nhân, người nọ nhường người kia trối lâu mãi không quyết định. Mai tiểu-thư cười mà rằng:

— Tôi có một điều này là êm cả.

Lý công-chúa hỏi:

— Chẳng hay em có điều gì nghĩ hay làm vậy?

Mai tiểu-thư nói:

— Gì bằng để cả hai nàng cùng thành-thân trong một ngày hôm nay để cho cùng yên lòng cả và lại giản-tiện hơn, vừa làm tiện cho Hoàng-lang một thể.

Tư-trai nghe nói cả mừng mà rằng:

— Mai tức-nhi nói phải đó, thôi cả mấy chị em hôm nay đều cùng tiệc đuốc hoa, cùng uống chén hợp-hoan cho vui vẻ.

Bốn nàng đều mừng rỡ. Đêm hôm ấy tới ngay chốn hoa-viên bày tiệc, bốn nàng đều trang-sức như thiên-tiên, rước đón ra rước đình. Quí-Nhi muốn nhường Lý công-chúa đứng đầu. Công-chúa nói:

— Thư-thư nhường thế là lầm, tôi mà dám tiếm hơn thư-thư, thời Mai tiểu-muội cũng dám tiếm hơn tôi, lẽ đó sao cho đang, chỉ nên theo thứ-tự ai gặp Hoàng-lang sau hay trước mà định mới phải.

Tư-trai nói:

— Lời Công-chúa nói phải đó, Trương tức-nhi không được quá khiêm-nhường nữa.

Quí-Nhi mới phải nghe lời tựu-vi, Nhã-nhạc tâu lên, trước làm lễ lạy thiên-địa. sau lạy ông bà, sau nữa năm vợ chồng cùng giao-bái, đưa vào đỗng-phòng cùng hợp-cẩn giao bôi, giai-nhân tài-tử mãn tiệc vui vầy thiên-cổ chưa có tiệc đuốc-hoa nào lạ như thế bao giờ. Phùng-Ngọc trông thấy Quí-Nhi người đậm-đà mà tươi-nhuận, tỉ với khi mới gặp ở thôn Mai-hoa lại càng xinh đẹp ưa nhìn. Lại ngắm đến Kim-Liên thì thực là:

Vẻ người băng-tuyết phẩm người tiên,
Đôi tám đương vừa tuổi thiếu-niên.
Điểm nhạt mày ngài vầng nguyệt-chếch.
Xanh rờn tóc phụng vẻ mây in.
Miệng cười tươi tắn hoa đào nở,
Dáng đứng yêu-kiều bóng liễu nghiêng.
Nét bút khôn đem truyền vẻ đẹp,
Tiêu-hồn còn lắm vẻ say điên!

Phùng-Ngọc trông thấy như vậy, mừng không xiết kể. Kim-Liên cũng liếc mắt trông trộm Phùng-Ngọc thì thấy mi phân yển-nguyệt, mắt sáng thự-tinh, răng tựa đồi-mồi, mũi như trái mật, thần sảng-lãng như băng-thanh ngọc-nhuận, khí hiên-ngang như hổ-bộ long-hành; thực là bậc văn võ toàn-tài, công-khanh xuất-thế. Kim-Liên trông thấy như vậy trong bụng mừng thầm. Uống xong một tuần rượu, Lý công-chúa dắt Mai tiểu-thư đứng dậy mà rằng:

— Đôi chúng ta đi đánh bài đi!

Mai tiểu-thư nói với Phùng-Ngọc rằng:

— Thôi, mời chàng đi êm giấc Dương-đài cho khoái-hoạt!

Phùng-Ngọc nắm giữ hai nàng lại mà rằng:

— Tiểu-sinh đã kính mời hiền-thê chén nào đâu, mà đã vội đi đánh bài thế, xin cạn chén này đã nào!

Lý công-chúa nói:

— Tôi say quá rồi, cho tôi xin kiếu thôi.

Phùng-Ngọc nhất-định cố dằng giữ cho được, sai thị-nữ rót rượu đem lại trước mặt hai nàng khuyên mời mỗi người uống một chén, Mai tiểu-thư nói:

— Thôi, hai nàng mĩ-nhân đã sốt ruột lắm rồi, chàng cứ giả vờ mời rượu mãi!

Lý công-chúa bựt cười, cầm cán quạt ngọc sẽ đập vào Mai tiểu-thư mà rằng:

— Mày chỉ pha trò cười mãi, không có phép tắc gì cả.

Mai tiểu-thư cả cười, đều nhận lấy chén rượu uống mà lui ra. Kim-Liên muốn cáo từ lui về bên phòng mình, Phùng-Ngọc nắm giữ đóng ngay cửa phòng lại. Trướng Tô giáp mặt hoa đào, vẻ nào chẳng mặn nét nào chẳng ưa... Ngày hôm sau, các tướng đều đến chúc mừng. Tư-trai sai bầy tiệc khoản đãi chư-tướng, và bầy trò chơi chịch-sắc đánh bài. Đương khi uống rượu vui vẻ, chợt có ngựa lưu-tinh về phi báo rằng: « Hỏng mất rồi! Mai đại-vương đang bị vây ở Hoàng-nghê-chướng nguy lắm! » Phùng-Ngọc nghe tin cả kinh. Thực là:

Vừa vui duyên mới chưa tan cuộc,
Lại mảng tin đâu luống giật mình!