Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XXVII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ XXVII

Mưu chế-thắng, dẹp yên tặc-đảng,
Biểu khải-hoàn dâng tấu triều-đình.

Trong khi Phùng-Ngọc làm lễ thành-thân cùng Quí-Nhi, ngày hôm sau, chư-tướng đến mừng, Tư-trai sai bầy tiệc khoản-đãi. Đương lúc uống rượu, chợt thấy ngựa lưu-tinh chạy về phi-báo rằng: « Mai đại-vương bị bại-trận, phải chúa Nam-lĩnh là Giang Vạn-Dụ vây ở đèo Hoàng-nghê, thế rất nguy-cấp! » Phùng-Ngọc cả kinh, liền viết công-văn để tâu về, và đem tất cả những thủ-cấp các tướng giặc và thủ-cấp Lam Năng đóng cả vào hòm, cùng đảng giặc bắt được hơn nghìn người đem giam cả vào tù-xa, lại điều-bát một vạn quân sai Giả Kỳ, Hoàng Doãn đem giải nộp về quân-môn để hiến tiệp. Chỉ lưu Lý công-chúa ở lại trấn-thủ Sái-đầu, đàn-áp các đô-ấp Khoan-đắc để bảo-hộ gia-quyến, còn thì đem hết các tướng-sĩ kéo thẳng đến đèo Hoàng-nghê.

Nguyên trại Nam-lĩnh là thuộc về mán Vĩnh-an ở đất Lão-bình, phía đông nam cách xa huyện hơn tám-mươi dặm, ở trong khoảng giữa muôn ngọn núi, cao hơn bốn trăm trượng, chu-vi hơn một trăm dặm, bốn mặt cao ngất, ở giữa mở rộng thùng ra, chỉ có một con đường nhỏ thông vào, cực-kỳ hiểm-trở, có thể thủ-hiểm được. Bốn mặt lại có núi Liêm-tử, núi Nha-cốc, núi Ngũ-bi các ngọn núi. Đời Tống năm Cảnh-viêm thứ hai, Thừa-tướng Văn Thiên-Tường đã từng qua đất ấy lập trại-sách để cố-thủ, đến bây giờ trong thành Nam-lĩnh hãy còn đền thờ Văn Thừa-tướng. Giang Vạn-Dụ từ khi chiếm-cứ đất ấy, tụ-chúng đến hơn mười vạn cùng với chủ trại Tân-điền Lưu Hán-Giang cùng làm ỷ-giốc, thế rất hung-hăng. Nghe tin triều-đình sai Hoàng Phùng Ngọc đem binh-mã hai trại đến đánh, liền hội chư-tướng lại thương-nghị mà rằng:

— Quân Dao-man hung hãn, nếu cứ để cho hắn kéo đến Nam-lĩnh này hạ-trại đâu vào đấy, thời khó lòng mà đánh phá được, gì bằng ta đón nửa đường mà đánh úp lấy, các ngươi nghĩ thế nào?

Kiêu-tướng Lục Tại-Bắc nói:

— Tôi liệu chừng quân Dao-man kéo đến Nga-phụ tất là đóng dinh-trại nghỉ ở đó. Chủ-công muốn đón đánh, thì phải sai người đến đó mai-phục, đương đêm khởi lên cướp trại thì tất là toàn-thắng.

Giang Vạn-Dụ nói:

— Kế ấy rất hay!

Lập-tức sai các kiêu-tướng là: Đặng Tất-Tín, Hùng Tự-Tân, Mạc Hán-Khanh, Chu Thiệu-Đường, đều đem một vạn quân đến Nga-phụ mai-phục các nơi xa xa, đợi mãi mấy ngày không thấy gì cả. Lại sai người sẽ đi dò la thám-thính. Té ra là quân-sư Gia-Cát Đồng khi kéo quân đến Bạch-vân, đêm hôm ấy ăn lầm phải thứ cá hấu. thành bệnh tiết-lỵ, bụng đau như cắt, uống thuốc không dằn, đã có phần nguy-cấp. Mai Anh lấy làm lo-buồn, họp chư-tướng lại thương-nghị mà rằng:

— Hoàng tướng-công lấy việc quân-tình lớn-lao này giao cho ta đương một mặt, không ngờ quân-sư lại mắc bệnh như thế dùng-dằng mãi không tiến-binh đi. sợ vạn-nhất lầm-lỡ chăng thì sao cho phải?

Tống Kim-Cương nói:

— Phải nên bàn với quân-sư mới được.

Mai Anh nghe lời đến trước giường quân-sư hỏi rằng:

— Thưa quân-sư, nay trong bụng người đã hơi khoan-khoái chưa?

Gia-Cát Đồng nói:

— Nay tuy đã bớt đau, song tinh-thần hãy còn mỏi mệt, không thể dậy ngay được. Hoàng tướng-quân có giao mặt Nam-lĩnh này cho đại-vương, thời đại-vương nên đem binh kíp tiến đi, chậm-trễ mãi sợ lầm-lỡ ra chăng. Song đại-quân ta đóng đây đã lâu, sợ quân giặc nó biết thì nó tất dự-bị đến cướp trại ta. Đại-vương nêu đề-phòng từng bước, chớ để cho nó thừa-khích, mới được.

Mai Anh khóc mà rằng:

— Tôi nay mà đi, quân-sư phải nên khéo tự điều-dưỡng mới được.

Gia Cát-Đồng gật đầu, Mai Anh lui ra, cắt một viên tì-tướng và năm trăm quân ở lại trông nom quân-sư. Còn tự mình thì đem quân tiến đi, không đầy một ngày đã kéo đến Nga-phụ, vì không am-tường địa-thế không dám tiến lên nữa, bèn chia quân ra hạ-trại. Thời chỉ thấy:

Rừng hoang quãng vắng bóng tà,
Chim bay xào xạc biết là về đâu?

Chừng đến trống canh hai, chợt thấy trước trại tiếng reo nổi lên ầm-ầm, biết là có quân giặc đến cướp trại. Mai Anh vội vàng nhẩy ra cầm kích kìm ngựa đứng trước cửa trại, truyền lịnh cho quân-sĩ không được loạn-động. Nói chửa rứt lời, thời chợt nghe thấy tiếng pháo nổ, quân giặc bốn mặt kéo xô đến đánh. Mai Anh chống-cự không nổi, liền đem Nguyệt-Nga thúc binh ra đánh ùa đi. Song địa-thế khi-khu không thể đánh tung ra được, xung-xát đến nửa đêm, thế nào Nguyệt-Nga lạc mất. Mai Anh, một mình đôi tay đôi kiếm, tả-xung hữu-đột, tìm mãi đến quá nửa đêm, tìm không thấy đâu cả, trong bụng hoang-mang, trông thấy phía đông nam có một đám binh-mã vây dầy đặc. Nguyệt-Nga liền phấn-dũng đánh xông vào, trông ra thì là Tống Kim-Cương và Vạn Nhân-Địch bị khốn ở đó. Nguyệt-Nga kíp hỏi rằng:

— Chẳng hay đại-vương ở đâu?

Tống Kim-Cương nói:

— Thạch tướng quân đã bị tử-trận rồi, tiểu tướng đi tìm mãi đại-vương chửa thấy đâu cả.

Nguyệt-Nga nói:

— Mau mau theo tôi ra đây!

Hai tướng liền theo Nguyệt-Nga xung-sát ra ngoài trùng-vi, đi đến núi Dương-đề, vừa dừng tại trước cửa núi thì sắc trời đã bình-minh, bèn sai quân-sĩ lên trên đỉnh núi dòm xem, thì thấy một ngọn núi ở đàng xa về phía đông-nam có vô-số binh-mã vây bọc. Nguyệt-Nga liền sai Vạn Nhân-Địch đi trước, Tống Kim-Cương đi sau, tự mình đi giữa, xung-sát xông lên trước núi, thì quả là Mai Anh bị vây ở đó. Vạn Nhân-Địch xông-đột lên hai ba lần, đều bị trên bắn xuống phải lui lại. Nguyệt-Nga khoa đôi gươm xông lên trước, năm người tướng giặc đều xông lại đánh. Nguyệt-Nga giả cách thua, chạy đảo về trận nhà. Tướng giặc không bỏ, cứ sấn ngựa đuổi theo. Nguyệt-Nga liền lấy ra năm tay nỏ liên chi, dùng phép bắn liên-châu bắn chĩa ra hai bên, năm tướng đều chết lăn ra cả, Nguyệt-Nga liền quay đầu ngựa xông lên, giơ tay hô lên một tiếng, múa gươm xông thẳng lên. Theo sau một đội man-binh vỗ gươm múa mộc cứ theo riết Nguyệt-Nga ầm-ầm đánh xông vào trận, giết được binh-mã trong trận giặc đều phải đổ xô giật lùi. Tống Kim-Cương liền thúc quân xông lên đánh giết, quân giặc phải chạy rẽ bên đông rạt bên tây. Mai Anh thấy trận-cước chuyển-động, biết rằng đã có cứu-binh kéo đến, liền thúc quân đánh ra, đánh rẽ tan quân giặc rồi họp binh lại làm một, muốn tìm đường tháo đi. Lại chợt nghe thấy tiếng súng nổ, Giang Vạn-Dụ lại đốc-suất đại-đội binh-mã đến đánh, Mai Anh người ngựa mỏi mệt không dám luyến-chiến, cứ trông về quãng không-khoáng mà chạy, không ngờ chạy đến đèo Hoàng-nghê, liền xông vào cướp lấy trại, đem binh lên đóng trên đỉnh núi, truyền cho quân-sĩ chia giữ các đường hiểm-yếu, lại sai và mươi tên tiểu-tốt chia đường đi đến trại Phùng-Ngọc để cáo-cấp. Phân-phó vừa xong, thì Giang Vạn-Dụ đã kéo quân đến. chỉ-huy quân-sĩ vây-bọc xung-quanh núi kín như giào sắt. Mai Anh ở trên núi ngày đêm đi tuần-phòng mãi đến hơn mười ngày lương-thảo đã hầu cạn cả, mà cứu-binh thì không thấy tin tức gì. Mai Anh kinh-hoảng, liền họp chư-tướng lại thương-nghị mà rằng:

— Nay lương-thảo đã hết, mà đợi mãi cứu-binh không thấy đến; nếu cứ giữ mãi ở trong xó núi này ngồi để đợi chết, gì bằng chúng ta xuống núi liều chết mà đánh một trận, họa may ở trong đất chết mà cầu sống lại được chăng.

Các tướng nghe nói đều lấy làm phải. Đợi đến đêm khuya im-ả, Mai Anh, Nguyệt-Nga đi lên trước, Tống Kim-Cương đi giữa, Vạn Nhân-Địch đi sau, reo ầm lên một tiếng rồi xung-sát đánh xuống núi. Giang Vạn-Dụ liền đem quân sấn lại đánh. thì Nguyệt-Nga đã xung-sát đánh ra khỏi trung-vi rồi, ngoảnh lại trông lũ Mai Anh thì đều bị bắn dữ quá phải lùi lại, Nguyệt-Nga khóc oà lên, muốn liều mình lại đánh trở vào. Bọn nữ-binh ngăn lại mà rằng:

— Nếu bây giờ mà lại đánh trở vào thì không lẽ nào sống được nữa, gì bằng ta tìm đường mà đi đến trại quân Hoàng tướng-công, cầu phát binh lại cứu là hơn.

Nguyệt-Nga nghe lời phải đem bọn nữ-binh theo con đường lớn mà đi. Đi được nửa ngày, chợt nghe có tiếng đánh nhau reo ầm-ầm, Nguyệt-Nga liền thúc ngựa lên núi trông xem, thì thấy về phía tây bắc có một cánh quân kéo lại, trống reo cờ mở đầy lấp cả cửa núi, biết là có cứu-binh kéo đến, nhưng phải quân giặc chẹn đường. Nguyệt-Nga liền xuống núi đem quân đánh vào cửa núi, tướng giặc là Lục Tại-Bắc trông thấy cánh quân của nàng ít ỏi, lấy làm khinh-thường cũng không ra lan trở. Nguyệt-Nga liền đánh xông vào trong lũy, tung nữ-binh ra xung-sát vào trận đánh giết quân giặc chạy tan rẽ cả ra. Lục Tại-Bắc bấy giờ mới hoảng sợ, vội vàng vác thương xông ra cự-chiến, liền phải nữ-binh xúm quanh đến trước ngựa, phang chặt chân ngựa, Tại-Bắc ngã ngựa, chúng liền chém lấy thủ-cấp, đánh tan quân-giặc, mở đường cho cứu-binh tiến lên, Mai tiểu-thư bắt gặp liền hỏi thăm tin-tức Mai Anh. Nguyệt-Nga cả khóc mà rằng

— Nay quân của Mai đại-vương lương-thảo đã hết, mà xung-đột mãi không ra được, xin cô-nương phải hỏa-tốc lại cứu mới xong.

Mai tiểu-thư cả kinh, không kíp đợi cả toán đại-binh chỉ cùng với Nguyệt-Nga đem lũ Bàn Ma-La vội vàng chạy đến đèo Hoàng-Nghê. Giang Vạn-Dụ dò biết tin rằng có quân Dao-man sắp kéo đến, đã giải vây kéo về Nam-lĩnh rồi. Mai tiểu-thư đến yết-kiến Mai Anh, rồi sắp trại đóng ở dưới núi, để đợi đại-binh đến nơi rồi cùng tiếu-phát. Ngày hôm sau. Phùng-Ngọc đem chư tướng đến nơi, cùng Mai Anh tương-kiến, rồi khởi binh kéo đến Nam lĩnh. Khi đến nơi, ngửng mặt lên trông Nam-lĩnh thì thấy:

Gò cao quanh khắp rẫy,
Giáo tủa dựng đầu non.
Rừng tuyết hùm kêu rống,
Cành sương vượn véo von.
Tanh xông mây bát-ngát,
Xương dãi cỏ hao mòn.
Hiểm óc trông mà khiếp,
Thêm xui dạ chạnh buồn!

Phùng Ngọc xem xét địa-thế, rồi truyền quân hạ-trại, sai người đến trại Nam-lĩnh hạ chiến-thư, Giang Vạn-Dụ phê vào thư rằng: « Ngày mai quyết-chiến ». Ngày hôm sau hai bên ra đối-lũy bày trận. Phùng-Ngọc với Mai Anh đều kìm ngựa đứng ở dưới cửa cờ, trông thấy Giang Vạn-Dụ mặt to tai lớn, râu dài năm chòm, ra bộ đĩnh-đặc chớ không tục. Phùng-Ngọc có ý khen thầm là kỳ-dị, thúc ngựa ra trước trận mà rằng:

— Ngươi không xem như Lam Năng dũng-mãnh dường nào, thế mà thiên binh kéo đến thì nhừ xương ra ngay, ngươi sao không đầu-hàng sớm đi, cho khỏi bị chu-lục.

Giang Vạn-Dụ cả giận mà rằng:

— Ngươi sao dám giết Lam đại-vương ta, ta chỉ cốt ra báo-thù đây, đứa nào dám dụ hàng ta được.

Nói rồi ngảnh lại bảo tả hữu rằng:

— Chư-tướng ra bắt lấy tên kia cho ta!

Đặng Tất-Tín liền thét lên nhẩy ra. Nguyệt-Nga ở sau lưng Mai Anh liền nhẩy ra tiếp-chiến, đôi tay múa đôi kiếm, đánh nhau hơn ba mươi hiệp, Nguyệt-Nga quay ngựa giả cách chạy, Tất-Tín sấn lên đuổi theo. Nguyệt-Nga liền lấy ra một cái lưới gấm vụt quay đầu ngựa tung lưới gấm ra một cái chụp ngay được Tất-Tín ngã quay xuống ngựa. Quân-sĩ liền chạy xô lại bắt trói. Chu Thiệu-Đường, Hùng Tự-Tân đều nhẩy ngựa ra cứu. Vạn Nhân Địch, Đan-Dũng vội vàng chạy ra đánh chặn lại, đánh nhau đến hơn năm mươi hiệp. Mai tiểu thư trông thấy Giang Vạn-Dụ ở mé trong đương ngóng trông ra, liền nghĩ thầm rằng nếu bắt được Giang Vạn-Dụ thì là xong việc. Nghĩ vậy liền thúc ngựa xông lên như gió bay chớp giật, phóng ngọn kích đâm ngay vào giữa bụng Giang Vạn-Dụ. Vạn-Dụ thất-kinh, vội vàng chống đỡ, đánh nhau đến hai ba mươi hiệp. Mai tiểu-thư liền vốc lấy ra một nắm thần-đậu cầm ở tay, ném tung vào giữa mặt Giang Vạn-Dụ, đậu tung ra rào rào rơi tủa vào mặt, làm cho mặt Vạn-Dụ trắng như tuyết bị cháy sạm đen như gio, râu mày đều nóng lên hôi-hổi, đau nhức không chịu được, xuýt nữa ngã ngựa. Phùng-Ngọc liền vung roi lên chỉ-huy, chư-quân đều sấn lên xung-sát, hùng-dũng không thể ai đương được. Hùng Tự-Tân không kịp giở mình, bị Đan Dũng phang cho một mũi ngân-giản chết quay. Chu Thiệu-Đường hoang-mang thất-thố, bị Vạn Nhân-Địch nhẩy lên bắt sống trên mình ngựa, ném quăng xuống đất, quân-sĩ chạy xô lại trói. Rồi liền múa thương tuốt gươm giết đánh binh-mã Giang Vạn-Dụ đều bỏ áo giáp vứt đồ binh mà chạy. Vạn-Dụ chạy về đến trên núi, dặn bảo quân-sĩ khẩn-giữ cửa ải, rồi trở về trong thành, thì thấy mặt xưng húp lên, đau suốt đến cốt-tuỷ. Bèn nhảy xuống ngựa đi vào đến trước thềm, thấy trên hòn đá mài còn đọng nước mầu mài dao, liền lấy tay thấm lấy bôi lên trên mặt, thì thấy hơi bớt đau nhức. Vạn-Dụ cả mừng, vào nằm ngửa trên ghế ngựa, nhắm nghiền cả mồm mắt lại, sai tả-hữu lấy nước mài dao bôi sấp lên mặt luôn luôn, thời thấy dần dần bớt đỡ. Nguyên là Mai tiểu-thư dùng phép ném xưng mặt lên ấy không dùng nước dỉ sắt bôi thì không khỏi, cái nước mài dao ấy cũng có dỉ sắt, may cho Giang Vạn-Dụ mệnh chửa đến chết, tình-cờ lấy bôi mà khỏi. Khi ấy Giang Vạn-Dụ có năm viên đại-tướng mà chỉ còn sống sót có một viên là Mạc Hán-Khanh, Vạn-Dụ lại bị phải Mai tiểu-thư đánh cho lang-bái. nên cũng ngớp sợ. chỉ sai người giữ chặt các cửa ải, không dám thò cổ ra nữa. Thực là:

Qua cơn sống sót là may,
Rùa đành rụt cổ từ rầy dám ra.

Phùng-Ngọc thấy Giang Vạn-Dụ không chịu ra, bèn đốc binh lên đánh phá cửa ải, đánh luôn trong sáu bảy ngày không được việc gì cả. đã lấy làm nóng ruột lắm. Hoàng Nhượng ra hiến-kế mà rằng:

— Đất Nam-lĩnh này bốn mặt đều là núi cao cả, chỉ có một đường thông vào được. Nếu quân giặc không chịu ra, thì dẫu trăm vạn quân cũng chịu không thể sao được. Kế bây giờ không gì bằng làm như thế... này, lừa cho nó ra, thì mới đánh phá được.

Phùng-Ngọc nói:

— Kế ấy dẫu hay, nhưng bỏ thúc-phụ vào trong đám giặc, thì bụng Phùng-Ngọc này không yên

Hoàng Nhượng nói:

— Tôi chỉ mong hiền-điệt phá tan được quân giặc, để vì Nhượng này rửa cái thù-sỉ cho nhà tôi, thời Nhượng này dẫu chết cũng không tiếc gì.

Hoàng Nhượng cứ cố xin đi. Phùng-Ngọc phải nghe lời. Hoàng Nhượng cả mừng, liền cáo-từ Phùng-Ngọc đi vào trại Nam-lĩnh. Phùng-Ngọc gọi chư-tướng ra truyền lịnh: Hoàng Khải-Ngu, Triệu Tín thì đem binh đến mai phục ở phía bên tả đất Tân-điền, đợi khi nào Lưu Hán-Giang lìa trại ra đi, thì khởi-binh lên cướp lấy Tân-điền. Bàn Ma-La thì ra nghênh-địch ở mặt đường Tân-điền đi lại. Hoàng Khải-lỗ, Tống Kim-Cương thì đi mai-phục ở bên cạnh trại Nam-lĩnh, đợi khi nào Giang Vạn-Dụ ra khỏi trại thì liền khởi-binh lên cướp lấy cửa ải. Còn các tướng-sĩ đều phân ra mai-phục các nơi đâu vào đấy cả, chỉ đợi Giang Vạn-Dụ động binh đi thì ập vào đánh.

Nói về Hoàng Nhượng khi đi đến cửa trại Nam-lĩnh. gõ cửa ải xin vào yết-kiến. Giang Vạn-Dụ cho gọi vào hỏi rằng:

— Ngươi là người ở đâu, vào yết-kiến ta có việc gì?

Hoàng Nhượng nói:

— Nhượng vốn là người ở Trung-trấn, mấy năm trước được nhờ Lam đại-vương bảo-hộ, cả họ đều lấy làm cảm khích. Tức giận thay cho Hoàng Phùng-Ngọc dám đem quân đến giết mất Lam đại-vương; lại thả quân Dao-man ra tàn-sát giết sạch mất cả họ hàng nhà Nhượng, và bắt hai con Nhượng là: Khải-Ngu, Khải-Lỗ sắp vào đội quân, cho làm quân xung-phong đột-kỵ đi trước. Cái thù ấy thì sao cho quên được, Nhượng này xin đem thân làm con tin, xin Nguyên-súy đem quân ra cướp trại, đã có hai con tôi làm nội-ứng ở trong, quân Dao-man có thể đánh phá được. Nếu đánh tan quân Dao-man rồi, thì Nguyên-súy thưởng cho cha con Nhượng này làm chủ trại Sái-đầu, tôi xin hết lòng khuyển-mã để báo đền ân ấy.

Giang Vạn-Dụ nói:

— Ta chỉ sợ ngươi nói dối thôi.

Hoàng Nhượng nói:

— Nhượng này dẫu ngu-dại đến đâu, có lẽ nào lại liều thân để chịu búa rìu ư. Chỉ nghĩ rằng quân Dao-man nó mạnh thế lắm, nếu Nguyên-súy đem cô-quân ra đánh, thì khó lòng mà đánh được. Nên sai người đến Tân điền hẹn với Lưu nguyên-súy cùng ra đánh úp, thì chắc là được hẳn.

Giang Vạn-Dụ cả mừng mà rằng:

— Nếu quả đánh được, thì ta cùng ngươi kết làm anh em, cùng chia giữ đất Tam-đô này.

Hoàng Nhượng nói đáp tạ lại. Giang Vạn-Dụ một mặt thì sắp sửa binh-mã; một mặt sai người đến Tân-điền hẹn với Lưu Hán Giang khởi-binh đi cướp trại. Sứ-giả về báo rằng:

— Lưu nguyên-súy đã nghe lời, lập tức khởi-binh đi rồi.

Giang Vạn-Dụ cả mừng, cột ngựa sắp binh, đợi đến nửa đêm, đem Mạc Hán-Khanh cùng lẳng lặng xuống núi, gặp vài mươi tên tiểu-tốt chạy đến trước ngựa, sẽ thưa hỏi rằng:

— Chẳng hay đi lại đó có phải là Giang đại-vương đấy không?

Giang Vạn-Dụ hỏi rằng:

— Lũ các ngươi là quân bộ-hạ của ai?

Bọn tiểu-tốt sẽ thưa rằng:

— Chúng tôi theo Khải-Lỗ là bộ-hạ Hoàng tướng-quân, sai ra để đón đại-vương đây.

Vạn-Dụ cả mừng, liền sai đi trước dẫn đường, đi gần đến trại trung-quân. Vạn-Dụ một mình một ngựa đi xông lên trước đánh phá vào trại trung-quân, thời thấy đèn đuốc sáng trưng mà tịnh không có một người nào, biết là trúng kế, vội vàng tháo lui ra. Thời thấy bên tả Đan Dũng, bên hữu Mã Tán reo ầm lên xông ra đánh. Vạn-Dụ rẽ đuờng mà chạy, chạy lên và dặm đường, thời gặp vợ chồng Mai Anh ra đánh chặn đường. Nguyệt-Nga đôi tay đôi kiếm múa xông lên chực đâm vào giữa ngực Vạn-Dụ. Vạn-Dụ liền giơ đao lên chống cự. Mai Anh thì đón đánh Mạc Hán-Khanh, giao-chiến không được ba hợp. Hán-Khanh hoang-mang, bị phải Mai Anh đâm cho một kích chết lăn ra, binh lính chạy tan hết. Mai Anh liền thúc quân vây bọc Vạn-Dụ, đánh nhau một hồi lâu, Nguyệt-Nga lấy ngay lưới gấm ra tung chụp vào giữa mặt. Vạn-Dụ không kịp giở mình phải Nguyệt-Nga chụp lưới giật được, nghiêng mình ngã ngựa, quân-sĩ xông lên trói ngay lại. Rồi liền tung binh lên đánh xông vào trại, thời trong trại đã bị Khải-Lỗ đánh phá được rồi. Nguyên là Khải-Lỗ phục binh ở dưới núi, dò được Giang Vạn-Dụ đã đem binh xuống núi rồi, sợ cha mình ở trong trại giặc phải quân giặc nó giết hại, liền đem quân tráng-dũng của mình, hò reo xông lên trước, quân giặc đều chạy rạt cả, chém được mười bảy cái thủ-cấp giặc, phá được trại Nam lĩnh, mở toang cửa ải ra cho quan-quân uà vào. Giết hết quân giặc giữ trại không còn sót một mống nào cả, cứu được Hoàng Nhượng đem ra. Khải-Lỗ mình phải mất mấy nhát trọng-thương, đau không thể nhịn được, kêu to lên một tiếng mà chết. Hoàng Nhượng khóc lóc một hồi rồi liền mua quan-tài liệm-thần. Trời sáng rõ, Phùng-Ngọc cùng với Mai Anh đều kéo vào trong trại Nam-lĩnh, ngồi yên đâu đấy các tướng đều lần lượt vào hiến-công. Tả hữu báo rằng: « Triệu tướng-quân đã trở về. » Phùng-Ngọc sai gọi vào hỏi. Bẩm rằng: « Đã đánh phá được trại Tân-điền Lưu Hán-Giang đã bị Khải Ngu chém chết rồi. Khải-Ngu cũng bị thương chết. Bàn tướng-quân còn lưu lại trấn-thủ Tân-điền, đợi mệnh lệnh tướng-quân phán bảo. » Phùng-Ngọc cả mừng, đều ghi công vào sổ công-lao, đặt tiệc ăn mừng. Ngày hôm sau, lại phân-phát các tướng đi bình-định các trại Sơn-liêm, Tử-chướng, Thi-cang. Cầm-giang, tặc-đảng thế là yên hết. Bèn viết tờ lộ-bố sai người về trước báo-tiệp cho Ngô đốc-phủ. Lại sai gọi Bàn Ma-La về, báo tin cho Lý công-chúa biết, sắp sửa thu quân khải-hoàn. Hoàng Nhượng tiến đến trước trướng khóc mà từ rằng:

— Nhượng này gặp buổi thời-vận không ra gì, để cho vạ lây đến phần-mộ tiên-nhân May nhờ tướng-quân chỉ-huy đánh giết được giặc để rửa xấu hổ, thực là may lắm. Nay chí-nguyện tôi đã xong rồi, xin kính-từ tướng-quân, xin về để mai-táng cho hai con.

Phùng-Ngọc nói:

— Thúc-phụ công cao, để đợi cho tiểu-điệt tâu về thiên-tử gia quan phong-thưởng cho đã.

Hoàng Nhượng nói:

— Nhượng này vì cha mẹ mà phải đi báo cừu chớ có công cán gì đâu. Bấy lâu theo hàng-trận, nhờ được uy-linh thiên-tử và lệnh chỉ-huy của tướng-quân, chớ có công-trạng gì. Những điều ân-sủng quá bản-phận mình, lẽ nào tôi lại dám nhận.

Phùng-Ngọc nghe nói càng thêm kính-phục đem nghìn vàng ra tặng. Hoàng Nhượng từ trối hai ba lần không được, phải nhận lĩnh lui ra, gọi bảo người nhà đem linh-cữu Khải-Ngu, Khải-Lỗ rước về hợp-táng ở Lâm điền Trướng-bát-lĩnh về phía tây huyện. Quan Tri-huyện Trần Triết sai lập bia đá đề 11 chữ « Đại-Tống hiếu-tử Hoàng Khải-Ngu Khải-Lỗ chi mộ ». Về sau Hoàng Nhượng mất thì táng ở Ngưu-đường Đại-sơn-đầu về phía bắc huyện. Mộ không có bi-kiệt gì cả, thế mà người đi đường ai cũng biết là mộ Hoàng hiếu-tử. Sau Khuất Đại-Quân đi qua trước mộ có đề vào đá rằng:

Cha hiếu sinh con hiếu,
Cha con một nhà hiếu.
Ngưu-đường cùng Tây-lâm
Hai mộ còn để dấu.
Người qua dưới bóng cây,
Ai là không trỏ bảo.

Hoàng Nhượng khi đã táng hai con rồi lại viết thư nhờ Phùng-Ngọc đưa lên Ngô đốc-phủ để tâu về thiên-tử, xin lập huyện Vĩnh-an để trấn-thủ cho phương-dân ở đó Lời thư lược rằng:

« Cổ-danh thuộc huyện Qui-thiện, Cầm-giang thuộc huyện Trường-lạc, là nơi đất hiểm-yếu liền những núi non, chính là nơi sào huyệt cho kẻ hung-đồ. Vả lại cách nơi huyện-lỵ đến hơn hai trăm dặm, quân giặc nó nổi lên một cái thì dân không trông nhờ vào đâu được. Vậy xin lập ra một huyện để yên họp lấy dân, tuy là khó nhọc một ngày mà yên ổn được đến vạn-thế. »

Phùng-Ngọc đem thư ấy trình Ngô Đốc-phủ, Ngô Đốc-phủ cho làm phải tâu về triều-đình. Hoàng-thượng cả mừng liền cho Hoàng Nhượng đốc-sức khởi-công. Hoàng Nhượng vâng mệnh, mộ phu đắp thành, lấy quân-pháp đốc-thúc, chia lao dật cấp lương-thực, thuổng cuốc đủ, ván đắp đều, qua bốn tháng mà đắp xong thành. Nhượng thọ 81 tuổi, lên bậc thượng-thọ trong ngôi hương-ẩm. Khi mất rồi, có chiếu vua tinh-biểu tận nhà, lập đàn thờ ở huyện Vĩnh-an, để biển-ngạch rằng: « Nhất môn tam hiếu. »

Nói về Phùng-Ngọc sắp sửa binh-mã, thu quân về tỉnh, khi kéo đến núi Bạch-vân, thì quân-sư Gia-Cát Đồng đã mất rồi, còn quàn cữu ở trong nhà trạm, Mai Anh vỗ áo quan khóc viếng thương-thảm, Phùng Ngọc cũng lấy làm cảm thương khôn xiết, bày lễ điện, rồi sai người đưa linh-cữu về an-táng ở núi Thiên-mã, Phùng-Ngọc kéo quân về đến Huệ-châu thì Lý công-chúa cùng bố mẹ và Quí-Nhi, Kim-Liên đã về đó ba ngày trước rồi. cả nhà gặp mặt vui mừng khôn xiết cùng kéo về tỉnh-thành. Ngô Đốc-phủ đem các quan ra khỏi ngoài thành mười dặm nghênh tiếp, cầm lấy tay Phùng-Ngọc mà rằng:

— Hôm trước tiếp tin báo-tiệp, mới biết rằng Quí-đài trung-hiếu dũng-liệt đều họp cả một nhà giúp đỡ nên công, cái vĩ-tích ấy thực là thiên cổ hãn-hữu; lão-phu này đã sai quan tâu về thiên-tử rồi.

Phùng-Ngọc nói đáp tạ lại. Khi vào đến trong thành, đem binh-mã đóng ở dưới phía đông pháo-đài, rồi đem chư-tướng vào quân-môn, dâng sổ công-lao lên Ngô Đốc-phủ Đốc-phủ sai bày tiệc-yến ăn mừng, đem ra rất nhiều trâu rượu để khao-thưởng quân-sĩ Ngày hôm sau, Phùng-Ngọc đem các tù phạm giải nộp. Đốc-phủ sai quan tư-pháp điểm-xét cho tống giam, để đợi chỉ vua phán-định. Quan Đốc-phủ cùng với Phùng-Ngọc đều làm tờ biểu khai tường công-lao các tướng-sĩ, Phùng-Ngọc lại làm riêng một tờ biểu kể cái hiếu-liệt của Trương Quí-Nhi và Tạ Kim-Liên, trung trinh của Lý Tiểu-Hoàn, dũng-liệt của Mai Ánh-Tuyết, đều tâu lên vua biết. Thần-tôn xem tờ biểu, long-nhan mừng rỡ, liền xuống tờ-chiếu triệu Phùng-Ngọc và mọi người cho tiến-kinh vào bệ-kiến. Phùng-Ngọc vội vàng nghênh-tiếp chiếu-chỉ. sai thiết hương-án làm lễ phủ-phục nghe tuyên-chiếu

Chiếu rằng: Sắc cho Hoàng Quỳnh Trẫm sét tờ tấu của ngươi biết rằng ngươi đã dẹp tan quân giặc, yên tĩnh một phương. trẫm rất lấy làm khen ngợi. Vả, thê thiếp của ngươi đều là người trung hiếu dũng-liệt, đủ để khuyên đời, trẫm muốn nhất-kiến; ngươi khá đem tất cả các tướng-sĩ có công, giải quân tù-phạm tới kinh, để làm lễ cáo-miếu đền công, tỏ ra việc đại-điển. Còn như kỷ-luật nghiêm-minh, quân đi qua đâu không xâm phạm, việc đó ngươi đã biết, trẫm không cần phải nói. Nay sắc.

Tuyên chiếu xong, Phùng-Ngọc phủ-phục tạ ơn, khoản-đãi giả về kinh xong rồi. Phùng-Ngọc liền họp chư-tướng lại thương nghị sắp sửa tiến-kinh. Mai Anh không muốn về kinh, muốn cùng với Nguyệt-Nga hộ-tống ông bà Tư trai về trại Gia-quế, rồi lĩnh quân đem Tiền phu-nhân và vợ chồng Đặng Bưu về núi Thiên-mã. Vạn Nhân-Địch, Bàn Ma-La không muốn làm quan đều xin từ về sơn-trại. Phùng-Ngọc tiễn đưa mọi người về rồi, trở vào trong trướng, thu-thập hành-trang, vào cáo từ Ngô Đốc-phủ rồi lên đường tiến-kinh. Thực là:

Tướng-quân bắt giặc vừa xong việc,
Thiên-tử bàn công muốn tấn phong.