Bước tới nội dung

Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Hồi thứ III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ III

Thơ một bài, trẻ nhà giàu đảo-áp.
Thuốc hai hoàn, phương đạo sĩ ban cho.

Phùng-Ngọc ở lại thôn Mai-hoa ba bốn ngày, rồi cáo từ Trương-lão mà rằng:

— Tiểu-tế đi dọc đường dùng-dằng đã lâu, nay ở lại đây cũng đã mấy ngày trời, sợ ở nhà mong đợi, vậy xin cáo từ nhạc-phụ, đi Tùng-hóa để thăm cô tôi, rồi tôi xin trở về ngay để cùng với nhạc-phụ khởi trình về Nam, còn như La-phù, tiểu-tế cũng chẳng đi chơi nữa.

Trương-lão cầm tay Phùng-Ngọc mà rằng:

— Thân-ông ở nhà còn khoẻ mạnh, chẳng cần phải là nghĩ chi lắm, gần đây có cảnh Tây-hồ ở Huệ-châu, cứ 18 tháng tư này có hội Dục-phật vui lắm; ở đấy xưa nay vẫn có thi-xã, người các nơi đến làm thơ để thi nhau rất nhiều, nay hiền-tế đã đến đây, lão-phu muốn cùng hiền-tế đến đấy khảo thơ chơi, nhân thể thưởng-ngoạn cảnh Tây-hồ, thừa hứng cùng hiền-tế đi chơi La-phù luôn thể. Chơi La-phù rồi hiền-tế đi qua núi Phú-thúy-xuyên ra sông Bác-la, ở đó đáp thuyền lên tỉnh rất là cận tiện; song bây giờ mới là mồng ba tháng tư, kỳ khảo thơ còn xa, thì hãy hoãn vài hôm nữa ta đi cũng vừa.

Phùng-Ngọc không muốn trái ý nhạc-phụ phải lưu lại ở chơi.

Nói về cảnh Tây-hồ ở về mé hữu thành Huệ-châu, bởi Xà-khê và Liêm-toàn hai dòng nước chảy rót vào thành ra hồ, vòng quanh hơn 20 dặm, ở giữa có ghềnh Thóa-ngọc, gò Điểm-thúy, vũng Minh-nguyệt, vô số nơi danh-thắng. Trước kia về đời nhà Đường các bậc tấn-thân tiên-sinh thường nhân lúc đầu mùa hạ khí trời còn mát mẻ, thường đề-huề bầu rượu, túi thơ để đến nơi thưởng-ngoạn. Trước kia có quan Trần Chủ sự tên là Tất-Đoan mộ cái thói văn-thơ xướng họa, mới xướng lập ra thi-xã ở chùa Thê-thiền đất Phong-hồ, về sau người đến khảo thơ càng ngày càng đông, hễ ai được phê giải nhất thì về sau ra thi tất là đỗ cao, cho nên những người có bão-phụ giỏi-giang đều đến khảo thi chơi để làm cái khuôn thí-nghiệm

Ở gần Phong-hồ có một nhà phú-hộ tên là Hà-Tiếu, súc-tích giàu đến và vạn lạng bạc, mua vô số ruộng nương nhà cửa. Tự phụ là một anh hào kiệt, chỉ vì dốt đặc cán mai, chữ nhất là một không biết, nên không được dự cái thú vui thơ từ bình-hoa phẩm-nguyệt, vậy có gặp các bậc danh công, cự-khanh, cao nhân dật-sĩ, thường tự sỉ mình là kém thua. Về sau có sinh được một đứa con trai tên là Túc-Tượng, khi mới lên bảy tám tuổi, có đón một ông thầy tên là Nhiêu-Hữu về để dạy ý muốn cầu danh cho thêm vang vẻ, ngờ đâu chí khí Túc-Tượng cực kỳ ngu-ngốc. hễ trông vào sách thì như thuốc ngủ, mình cứng dại ngay ra, mắt nhắm nghiền ngay lại, không thể nào mở mắt nhìn vào chữ được nữa; nếu gặp sự chơi đùa thì nhảy nhót suốt ngày không biết mỏi. Lại được ông thầy không có nghĩa lý gì cả, chỉ ton ngót nó là con nhà thiên-kim phú-hộ, không những là không răn bảo kiềm-chế nó, lại dẫn dụ nó chơi những việc vô-lý. Đến khi mười bốn, mười lăm tuổi, học đến chữ nhân là người cũng quên, song ông thầy hễ gặp ai thì khoe Túc-Tượng là một anh tài-tử, sao hộ ra cho nó mấy bài văn cũ, khuyên-khuyên điểm-điểm đỏ loe cả ra bảo nó đem cho cha xem, ông cha lại phải người dốt mà lại có tính hiếu-danh, không sợ gì ai cả, thấy quyển bài của con khuyên đỏ ngòm cả lên tưởng là con đã vào bậc tài giỏi hay chữ chân tay múa mênh cả lên, lấy làm xướng quá, bụng nghĩ rằng: con ta học đã giỏi thì sau này hiển đạt cho cha mẹ được phong tặng là sự nắm chắc trong tay. Song chửa biết thời-vận đến bao giờ mới đỗ, nghe đâu nay mai ở thi-xã Phong-hồ có hội khảo thi để chiêm-nghiệm sự khoa-danh, ta nên cho con đi khảo thơ chơi, nếu được phê trúng giải nhất thời ta sẽ sắp sửa... Chủ ý đã định bèn gọi Túc-Tượng đến bảo rằng:

— Ngày mai ta đem mày đến thi-xã để khảo thơ, chớ cứ ở chúi trong xó nhà thời thanh-danh tài giỏi ai biết.

Túc-Tượng nghe cha nói ngay đực người ra nghĩ rằng mình viết hãy còn chưa thành tự, nếu đến thi-xã khảo thơ thì làm thế nào, thôi ta hãy vào nói với thầy xem bàn định ra làm sao, liền chạy vào thư phòng thuật lại lời cha bảo cho thầy nghe và nói rằng:

— Nếu đến đấy mà viết không thành câu thì làm thế nào?

Nhiêu-Hữu nói

— Không can sao, ta đã có mẹo này chỉ tốn độ mươi lạng bạc thì chắc là làm cho mày giật được giải nhất.

Túc Tượng nói:

— Bạc để làm gì?

Nhiêu-Hữu nói:

— Ta có mấy người bạn thân thật là tài thi bá đời bây giờ, nếu có mấy lạng bạc thì ta mời người ấy đi với mày cùng ngồi cả một chỗ, nhờ người làm hộ cho rồi sẽ đưa cho mày nộp, lo gì chẳng đảo-áp cả nghìn người

Túc-Tượng cả mừng nói:

— Bạc thì đã có đây, xin tiên-sinh lo liệu cho được việc, ngày mai tôi với cha tôi xin đi.

Nhiêu Hữu nhận lấy bạc đi nhờ các thi-bá nào thì không biết.

Nói về thi xã năm ấy chủ hội là ông Hiếu-liêm tên là Diệp Xuân-Cập, đến hôm kỳ-khóa, ông Hiếu-liêm đã đến ở chùa Thê-thiền, bày dàn sắp sửa đâu vào đấy chỉ đợi mọi người lại hội khóa, phỏng độ giờ thìn người đã tề-tựu cả, Diệp Hiếu-liêm nói:

— Thi-xã Phong-hồ ta xưa nay rất có tiếng, song mấy năm nay không có mấy bài được siêu-đẳng, đó là tại chư-quân-tử không chịu cố gắng. nay tôi xin đặt ra một điều lệ này để có ý kích-lệ chư-quân-tử đều cố gắng lên, chẳng biết các ông nghĩ sao?

Chúng đều nói:

— Xin ông cho nghe.

Diệp Hiếu-liêm nói:

— Các ông nào đã nộp quyển rồi, hẹn đến giờ tỵ ngày hôm sau họp cả dưới thạch-đài về mé bên hữu thiền-viện, để đợi người trên đài kiểm phong xướng danh phát quyển dưới đài về bên tả thì đặt một bàn rượu, bên hữu thì đặt một bàn nước, từ quyển phê thứ 10 trở lên quyển thứ nhất, hễ ai lĩnh quyển thời sang bên tả thưởng một chén rượu, còn quyển bét cuối cùng thời phải phạt một chén nước, song xướng danh thì xướng ngược lên, xướng từ quyển bét trước.

Mọi người đều nghĩ bụng rằng chén nước phạt ấy không lẽ lại đến mình được, đều đồng-thanh nói rằng:

— Điều ấy cực diệu!

Mọi người chỉ nói qua một lần cực-diệu mà thôi, ông thân-sinh ra Hà Túc-Tượng thì vỗ tay xướng lên mười lần cực-diệu! cực diệu! Vì sao ông ấy lại thích cái điều ấy như thế, vì ông ấy nghĩ rằng những quyển văn bài của con người ta, thì chỉ thấy khuyên điểm một vài câu hay một vài dòng mà thôi; chớ như quyển văn của con mình thì thấy ông thầy khuyên từ đầu đến cuối, giải thơ nhất hôm nay không vào con mình thì còn ai vào đấy nữa, nếu chiếm được giải nhất mà người ta đứng ở trên thạch đài xướng danh rầm lên, thời tiếng con mình đồn rậy lên như đất bằng nổi sấm, thế chẳng xướng lắm du, nên mới liên-thanh cho điều ấy là thích. Diệp Hiếu-liêm cả mừng liền yết đề mục thơ ra ở trên cánh tường, mọi người xô đến xem thời đầu đề là: « Chiêu-vân mộ hoài cổ 朝 雲 暮 懷 古 ». Cho làm phóng-vận, mọi người sao đề-mục ra để làm, người nào hiểu ra thời cực kỳ ung-dung, người nào không hiểu thời cực kỳ mang-bách. Các người còn nhận đầu bài đề chưa xong, Phùng-Ngọc đã xong trước nộp quyển trở ra, Trương Thu-cốc hỏi:

— Đầu bài gì? sao hiền-tế không làm mà lại trở ra?

Phùng-Ngọc cười mà rằng:

— Tôi đã làm xong rồi.

Thu-cốc cả kinh nói:

— Hiền-tế làm sao nhanh mấy?

Hai người bèn trở ra, đến giờ tỵ ngày hôm sau, lại đến dưới thạch-đài để nghe xướng danh thời thấy mọi người đã đến đông cả đấy rồi, người soạn quyển đứng ở trên đài xướng lên rằng:

— Xin các ông đứng yên để nghe xướng danh, lĩnh quyển, mà xin y theo nghị hôm trước xướng từ quyển cuối xướng ngược trở lên.

Khi bấy giờ Hà-Tiếu đã đem cậu con vào đứng ở trước mặt, su tay áo lại làm thinh, hình như không thèm nghe, bụng nghĩ vơ vẩn, con ta nếu bị xướng danh vào uống nước thì nó uống được, chỉ sợ tửu-lượng nó kém mà phải uống rượu thời nó không uống được nhiều, đương nghĩ vơ vẩn, chợt nghe người trên đài xướng lên rằng:

— Tên cuối cùng một trăm băm sáu: Hà Túc-Tượng!

— Hà-Tiếu chợt nghe thấy như tiếng sét ở lưng chừng trời rơi xuống, thất-kinh đi, há hốc mồm ra, lại thấy bên hữu có một người chạy ra tay cầm một chén nước cắn rửa chân, nói to lên rằng:

— Xin mời quí-vị vào uống một chén nước rửa ruột này cho mát, để khi về cho khỏi than lửa nó phát nóng ra!

Mọi người nghe nói cười ầm cả lên, làm cho Hà-Tiếu tức khí chết đi được, song bấy giờ tiến thoái lưỡng nan, quyển cũng không buồn lĩnh nữa, chỉ thẹn cúi gầm đầu xuống, đứng ở một bên, thẹn quá rồi thành giận mà rằng:

— Thử xem ông ta phê lấy quyển đệ-nhất thế nào, như thực là người hay chữ có tiếng thời thôi! nếu không phải là người có danh-vọng hay chữ, để rồi ta sẽ tính. Bất-quá anh ta là một anh cử-nhân, đây ta chỉ mất van bạc, là đủ làm cho anh ta nhừ-tử.

Đương lúc hăng-giận, thời đã xướng đến quyển đệ-nhất là người huyện Trình hương tên là Hoàng-Quỳnh, 16 tuổi, Hà-Tiến bất giác càng giận hăng lên, nói:

— Đồ cẩu trệ ở đâu! Huệ-châu là một phủ to, có lẽ đâu lại không có một người nào là bậc danh-nho chân-tài thực-học hay sao, để đến nỗi một thằng bé con ở huyện Trình-hương nhỏ kia nó đảo áp cả. Mày cậy mày là Cử nhân ăn tiền hối-lộ của người ta mà dám coi khinh-thường nhân tài cả một phủ, người khác sợ mày chứ như Hà-Tiếu đây không sợ mày đâu!

Nói rồi, lấy chân đá ngay vào cái bàn rượu bên tả đạp đỏ cả xuống đất. Gia-sư là Nhiêu-Hữu lúc mới thấy Túc-Tượng khảo thơ phải thua bét, thẹn không biết là chừng nào, nghĩ bụng rằng: Đó thực là mình làm hại nó, đem nó đến đây để đeo mo vào mặt, chỉ tại mình tham lừa nó lấy mấy lạng bạc, mà làm bán mất chỗ cửa tốt đi, đương nghĩ dở dang, chợt thấy Hà-Tiếu nổi giận bèn chạy lại kéo bè bênh lẫn nhau nói rằng:

— Các anh em ta sao không kéo cổ lão Diệp-Xuân-Cập ra hỏi xem nào!

Có mấy người trong bọn khảo-thơ hỏng, đều reo ầm lên toan chạy lên trên đài, mọi người giằng lại nói:

— Các anh hãy thong thả, bảo ông Diệp tiên-sinh đem quyển thơ của Hoàng-Quỳnh ra đây cho chúng ta xem, nếu quả là bất công, bấy giờ chúng ta sẽ làm nhục ông ta cũng vừa.

Hà-Tiếu nói:

— Các ông nói phải, gọi bảo đem quyển thơ ra đây cho các ông xem.

Bấy giờ Diệp Xuân-Cập mới biết là bầy ra trò phạt nước là không phải, nghe thấy mọi người đòi xem thơ, liền sai đem quyển đệ-nhất ra cho các ngài xem, Thơ rằng:

Phất phơ bờ liễu cỏ xanh rì,
Tiên-tháp còn đây sự để ghi.
Giận nỗi ba sinh đâu vắng tá,
Thương tình một mối có ra chi.

Gió đưa bóng nguyệt hồn vơ-vẩn,
Mưa tát hồi chuông tiếng lặng đi.
Ngao ngán tình-hoài đem bút tả,
Ca đâu văng vẳng bến ngư-ky.

Lúc trước mọi người cũng có người không phục, đến lúc xem đến thơ, đều lui-lủi lảng tan dần, chỉ độc có cha con Hà-Tiếu và Nhiêu Hữu thời nhất-định không phục, nói:

— Có lẽ đâu thằng bé con 16 tuổi đầu mà làm được thơ hay như thế; hẳn là Diệp Xuân-Cập làm sẵn từ bao giờ đưa cho nó chớ không sai.

Hà-Tiếu còn đương hậm-hực nói lôi thôi, thời thấy mọi người đã lảng cả đi rồi. Diệp Xuân-Cập nhân lúc mọi người đương xem thơ bèn lẻn qua thạch đài đi trở về. Còn mấy bác thi-bá khảo thơ trượt, vốn xưa nay cũng không có giao-du gì với cha con Hà Tiếu, chẳng qua phải Nhiêu-Hữu nói súc vào nên mới vào hùa, nay thấy mọi người đã lảng cả, cũng giả cách tảng lờ giảng giải. rồi cũng lẩn đi mất. Chỉ còn cha con Hà-Tiếu với Nhiêu-Hữu ba người trơ ra đó không làm trò gì được cũng lủi thủi ra về, vừa thẹn vừa tức. Hà-Tiếu suốt đêm không chợp mắt, đến gần sáng chợt nghĩ ra rằng: Con ta nếu thực là tài-tử thì văn thơ không đến nỗi đớn hèn, sao mà đến nỗi này, hay là tại Nhiêu-Hữu nó bưng bít ta. Ta có người em gái lấy chồng ở Phạn-la-cương cũng gần đây, người chồng đỗ Tú-tài, ta mang quách văn bài của con ta cho ông ấy xem, thời mới biết sức học của nó thực hay giả được. Nghĩ như vậy, sáng ngày dậy sớm gọi hỏa-đầu làm cơm sớm, rồi sắm sẵn một ít phẩm-vật để đem đi làm quà và lấy cả văn bài của con tập hằng ngày và cả quyển của Nhiêu-Hữu phê cho, cùng cả quyển thơ khảo hôm ấy bỏ cả vào túi để đem đi, sai tên quản gia sắm con ngựa tốt cuỡi đi tới gò Phạn-la, không đầy hai ngày đã đến nhà ông Tú-tài, thi lễ xong ngồi nói chuyện hàn-huyên, và nói muốn cậy xem văn bài của con, Tú-tài xem xong bèn cười nhạt mà nói rằng:

— Văn bài này thật là tài-tử, song là tài-tử đời cổ, chớ không phải tài-tử đời kim.

Hà-Tiếu nói:

— Sao lại không phải tài-tử đời nay?

Tú-tài nói:

— Những bài văn này đều là những bậc có danh tiếng ở bản triều như là ông Trần Tế-Thái ông Hoàng-Đôn đều là tay lão tiên-sinh làm ra cả.

Hà-Tiếu nghe nói, lại lấy một quyển thơ nữa đưa ra, nói:

— Đây là quyển thơ làm khảo ở chùa hôm nọ đây

Tú-tài xem thấy viết đầu đề là: « Chiêu-vân-mộ hoài cổ » cho làm phóng vận, xem đến thơ thời thấy viết mấy câu rằng:

Chiêu-vân-mồ ở mô?
Mồ ở đám mây mù,
Mây mồ mù mịt tối.
Sớm tối tối mò mò.

Tú-tài xem xong cười sằng sặc mà rằng:

— Văn thơ như thế này bị phạt chén nước lã, Diệp tiên-sinh còn là để thể-diện cho đấy. Nếu như tôi, thời tôi đánh cho trăm hai mươi roi đồng-côn mới đáng.

Hà-Tiếu nói:

— Ông thử xem Diệp tiên-sinh phê bình thế nào?

Tú tài xem xuống cuối quyển thấy phê rằng:

Đề Chiêu-vân mồ.
Học dốt làm mò,
Giật giải quán-quân,
Không được phải thua.

Tú-tài nói:

— Câu phê này của Diệp tiên-sinh phê cũng hay lắm!

Hà-Tiếu hỏi:

Hay ra làm sao?

Tú-tài nói:

— Lời phê này là bảo nhờ thằng đui lại dắt thằng đui, thật là câu phê-bình đích đáng giọng các quan giáo lắm!

Hà-Tiếu nghe nói hối hận điếng người đi, mới biết rõ rằng mình là thằng đui, lại phải thằng chó ấy nó lừa mình, tức giận quá, mời ở lại ăn cơm cũng không chịu ở, cố từ ra về. Khi về đến nhà, khí uất-phẫn xung lên, sai người vào thư-phòng gọi con ra, đạp một cái ngã lăn xuống đất, vác ghế toan đánh vào đầu. Vợ Hà-Tiếu nghe thấy chồng vừa đi về nổi giận, không biết là vì chuyện gì, vội vàng chạy ra, trông thấy giật ngay lấy cái ghế mà rằng:

— Ối chao ôi! ông làm gì mà giận dữ thế?

Túc-Tượng nhờ mẹ cứu cho thoát chạy trốn mất. Nhiêu Hữu nghe biết vỡ truyện cũng lảng trốn đi mất. Hà-Tiếu tức khí uất lên, vợ kiếm lời khuyên giải mãi, bày cơm cháo ra khuyên mời. Hà-Tiếu tức khí tắc cổ không tài nào nuốt đi được, uất tức hai ba ngày, một hôm sáng sớm dậy rửa tay, chợt ngất người ngã lăn xuống đất, cả nhà kinh-hoàng kêu khóc, vội đỡ lên giường, thời hãy còn thoi thóp, liền sai người gọi con về đi đón thầy thuốc.

Thầy lương-y tên là Hoạt Diêm-La đến nơi, xem qua mạch rồi hỏi căn do chứng bệnh, ngồi phe phẩy cái quạt mà rằng:

— Bệnh này may mà đón tôi thời còn có chút sinh-cơ; nếu đón thầy khác thời chả hòng sống được nữa, để tôi kê cho một cái đơn bốc lấy thuốc sắc ngay cho ông uống, nếu thấy tỉnh dần ra thời không sợ gì nữa.

Túc-Tượng đem giấy bút lại, Hoạt Diêm-La khai đơn: « Trúc-hoàng, Xuyên-bối, Liên-kiều, Ngưu-bàng ». Khai đơn xong, bốc thuốc ngay. Hoạt Diêm-La thân-thủ sắc thuốc, gọi Túc-Tượng cầm đưa cho cha uống Còn mình thì ngồi ở nhà ngoài nghĩ vơ-vẩn rằng: Nếu chữa được món này thời nhờ tài-chủ ít ra cũng tạ được ngoại trăm bạc, chỉ cầu khẩn cho cái đơn thuốc này, thiên linh-linh, địa linh-linh, uống vào trúng bệnh ngay là sướng. Hoạt Diêm-La đứng ở nhà ngoài nghĩ viển vông thời Túc-Tượng đã đem thuốc vào nhà trong, mẹ con muốn đỡ Hà-Tiếu lên để uống thuốc, thời thấy Hà-Tiếu ruỗi thẳng hai chân ra, đầu đảo mắt trợn, nghẹn sặc lên ắng-ặc một tiếng thời đi đời. Cả nhà khóc ầm, Hoạt Diêm-La nghe tiếng khóc bước chạy như bay, bỏ quên cả dù che cút mất. Hà Túc-Tượng thấy cha đã chết không khác gì như chim sáo xổ lồng, mừng thầm rằng từ bây giờ không còn ai cai quản được ta nữa. Lại sai người đi tìm Nhiêu-Hữu về trông nom giúp hộ việc tang, hắn lại gọi những quân gà mờ ăn hại đến giúp việc, cả ngày chỉ chè chén nhởn đùa mà thôi.

Nói về Phùng-Ngọc hôm ấy khảo thơ được giải nhất, y cũng chẳng lấy chi là vinh hạnh, lại thấy Hà-Tiếu ghen tức đạp đổ bàn rượu, y bèn bước ra cùng với Trương Thu-cốc đi chơi du-ngoạn cảnh Tây-hồ, tiện đường đi tắt đến La-phù, tìm nơi quán-dịch để nghỉ chân, ngày hôm sau đem theo Hoàng Thông đi lịch-lãm các xứ, phàm những nơi danh-thắng như núi Ngọc nữ, chùa Ma-cô, cầu Thiết-kiều hang Thạch-lũ, suối Phi liêm, dòng Bộc bố, đều đi lãm cảnh hết cả, du-lãng đến hai ba ngày. Một hôm tìm đến lò luyện-đan của ông Cát Trĩ-xuyên, mới đi đến đầu núi Lang-hổ chợt gặp một người Đạo-sĩ. mình mặc áo đạo bào thâm, nằm ở trên hòn đá Bát-quái, bên cạnh có dựng một cái gậy, trên đầu gậy buộc một cái hồ-lô, treo một cái bầu dừa. Đạo-sĩ nghe thấy có người đi lại. vội ngồi trở dậy, lấy tay xoa hai con mắt, mở mắt ra trông thấy Phùng-Ngọc, ngắm đi ngắm lại mãi mà rằng:

— Anh có phải Hoàng Phùng-Ngọc đấy không?

Phùng-Ngọc vội-vàng thi-lễ nói:

— Tiểu-tử chính là Phùng-Ngọc, họ Hoàng tên Quỳnh, chẳng hay đạo-trưởng sao lại biết rõ tên-tự tiểu-tử.

Đạo-sĩ trỏ vào hòn đá bên tả nói :

— Anh hãy ngồi xuống đấy, đây tôi phụng-mệnh đấng Cát Trĩ-xuyên tiên-sư, đem cho anh hai hoàn kim đan, để cho anh khỏi phải phiền-não.

Đạo-sĩ vừa nói vừa lấy cái hồ-lô ở trên đầu gậy xuống, nghiêng ra lấy hai viên hồng-hoàn bằng hai hột đậu lớn đưa cho Phùng-Ngọc, lại lấy cái bầu dừa đổ ra một bầu tiên-dịch, hương thơm phưng-phức đưa cho Phùng-Ngọc bảo uống đi. Phùng-Ngọc nhận lấy nuốt viên hồng-hoàn và uống chiêu nước tiên-dịch, thời thấy trong mình khoái-hoạt nhẹ nhàng khác thường. Đạo-sĩ lại nghiêng bầu đưa rót cho Thu-cốc uống, mà rằng:

— Tôi với ông cũng có duyên với nhau, mời ông uống bầu nước này; tôi có bốn câu thơ này để cho ông nhớ lấy nghiệm về sau.

Thơ rằng:

Ngộ thủy vi tai
Phùng hỏa vi nạn,
Ly tại ngọ hương,
Tụ qui đông-ngạn

Đạo-sĩ lại ngoảnh về Phùng-Ngọc mà nói rằng:

— Anh uống thuốc kim-đan và nước tiên-dịch này, có thể tránh khỏi được tai-nạn phi thường, nếu sau này công-thành danh-toại, mà hay thuận dòng cáo lui, thanh-tâm quả-dục, ta sẽ sai người lại trỉ dẫn cho anh lại trở về chốn cũ.

Nói rồi liền đứng dậy toan đi. Phùng-Ngọc nèo lại hỏi rằng:

— Xin người bảo cho quí-hiệu, để lần sau có hỏi thăm cho biết.

Đạo-sĩ nói:

— Tôi người ở núi Hoàng-sơn này.

Nói rồi liền giơ tay trỏ mà rằng:

— Kià nhà đạo-viện ở trên đỉnh núi kia là chỗ tôi ở.

Thu-cốc và Phùng-Ngọc hai người ngẩng đầu lên trông thời không thấy có nhà đạo-viện nào cả, ngoảnh lại thời Đạo-sĩ đã biến đi đâu mất rồi. Hai người mới biết là mình gặp tiên, vội vàng hướng-không vái tạ, rồi trở về ngụ-quán. Thu-cốc bảo Phùng-Ngọc rằng:

— Hoàng sơn-nhân tặng cho ta câu thơ, xem ý thơ không được tốt. Vả ta nay đi vắng nhà đã lâu, nhà lại không có người trông nom, ta phải vội về thăm mới được. Hiền-tế cứ theo đường trước này, đi độ một vài dặm rồi rẽ về mé tây, đi độ bốn năm dặm đường nữa, hễ trông thấy trên núi trồng nhiều ngô-đồng, đó tức là núi Phú-thúy, đi về bên tả núi ấy độ bảy tám dặm. đường nữa, thời đến sông Bác la, qua sông thời đến Tùng hóa. Khi thăm bà cô rồi thời hiền-tế liệu sớm trở về, lão-phu xin đợi.

Phùng-Ngọc nói:

— Xin nhạc-phụ trở lại, tiểu-tế đã hiểu đường rồi.

Nói rồi từ biệt mỗi người đi một ngả.

Thực là:

Non nước vui chơi ham cảnh lạ,
Cỏ hoa đưa đón gặp người tiên.