Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Hồi thứ IV
HỒI THỨ IV
Mộng Lục-Giả, Dao-vương ứng triệu sinh con,
Lập đồn-điền, công-chúa vâng lời qui-mệnh.
Phùng-Ngọc biệt Thu-cốc rồi đi sang Tùng-hóa. về địa phận gần Quảng đông Nay nói về phần đất Quảng-đông, chỉ có độ một phần bình-điền. còn hai phần núi, đến ba phần sông với bể. Bình-địa thì nhiều Hoa-dân ở, ở mặt nước thời có nhiều giống người thuộc về loài Đản, ở trên núi thời có những giống như là: Dao-nhân, Lang-nhân, Dư-nhân, Linh-nhân, Hắc nhân Lê nhân, Mã-nhân Trong các giống ấy chỉ có giống Dao-nhân là nhiều nhất mà lại dữ-tợn hay giết người. Đời nhà Đường về năm đầu niên-hiệu Trinh-quán, người Dao qui-phục về Tàu, vua Tàu lại phân về nước Việt quản-trị đặt ra quan Dao, quan Lang quan Đỗng để cai-quản, chỉ gọi là đánh ít thuế tạp-dịch để giàng buộc đó mà thôi, cho nên cũng được yên ổn. Đến năm Nguyên-phong đời nhà Trần (1251) các ti-quan ăn tiền hối-lộ của người Dao, dung túng kẻ phạm phép, làm lắm điều ngoan-ngạch tàn-hại kẻ bình dân, cướp bóc kẻ buôn-bán, mà những người đầu-mục chỉ là làm nhũng-nhiễu thêm. nên những kẻ điêu-gian trong bọn Dao-nhân mới thừa cơ-hội ấy nổi lên làm loạn. Giết hết cả Dao-quan, chiếm-cứ các trang trại, cướp phá các châu huyện, tàn hại bách tính, Quảng-châu cả loạn. Lúc bấy giờ mạnh thế nhất chỉ có giống người Dao ở La-bàng, chia ra có ba giống một là giống ở núi cao, hai là giống ở đồng bằng, ba là giống Hoa đỗ đều là người dữ-tợn khỏe mạnh, hiệu là giặc Ngũ-hoa, chiếm cứ núi Thiên-mã để làm loạn. Thứ hai là núi Gia-quế ở giữa trong đám ngàn rừng muôn núi xung-quanh bao bọc, phía bắc cách tỉnh thành hơn hai trăm dặm, ở vào khoảng giữa ba ngọn sông thuộc về Phiên-ngung, Nam-hải. gần tiếp giáp Tùng-hóa với Thanh-viễn. Trước kia Đặng A-Man chiếm giữ ở đó. Sau A-Man chết, thời đến con nuôi là Lý-Cương. Lý-Cương múa thanh đại-đao rất tài, muôn người khôn địch, tự hiệu là Đô-bối đại-vương có đến hơn 10 vạn quân, vẫn hùng cứ ở núi ấy, quan quân đã mấy lần vào đánh không được. Một hôm Lý-Cương say rượu ngủ ở trong sơn-trại; mơ-mơ màng màng chợt thấy một người áo gấm, mũ hoa cực-kỳ mĩ-lệ, đi đến trước mặt chắp tay vái mà rằng:
— Tôi là Lục-Giả làm quan Đại-phu ở đời Hán, muốn đến nhờ thác dưới cờ, xin Đại-vương thu-dưỡng cho.
Nói rồi liền bước vào nhà trong. Lý-Cương chợt tỉnh dậy, đương nghi ngờ, thì có tin báo rằng, phu-nhân ở cữ. Lý Cương cả mừng mà rằng:
— À thế ra mộng ứng ra thế!
Lý-Cương bụng nghĩ là con trai, vội vàng mặc áo vào nhà trong hỏi thời là sinh con gái, Lý-Cương nguyên chưa có tử-tức, nay sinh được người con gái cũng lấy làm mừng rỡ. Qua sáu bảy năm, người con gái ấy lớn dần lên, càng ngày lại càng xinh, rõ thật là trắng như ngà, đẹp như ngọc, hoa cười ngọc thuyết đoan-trang, mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Tính người con gái ấy lại khác tính cha: Lý-Cương thời dữ tợn bạo-ngược, mà tính người con gái thời trung hậu ôn nhu, trong trại không kỳ người lớn người bé hễ trông thấy cô bé ấy ai cũng lấy làm ưa. Lý-Cương yêu giấu quá chừng, đặt tên là Tiểu-Hoàn. Tiểu-Hoàn tính ưa đọc sách, Lý-Cương bèn sai mấy tên đầu-mục đi đến hạt Đông-quản bắt mấy người nữ-sư có tiếng đem về để dạy cô ta. Khi Tiểu-Hoàn lên tám chín tuổi, văn thơ đàn-địch, nghề gì cũng tinh thông cả.
Một hôm Lý-Cương đem quân đi ăn cướp vắng, Tiểu-Hoàn bước ra trường diễn-võ thấy ở trên giá có để cái roi kim-tiên hình đốt trúc của cha vẫn dùng xưa nay; Tiểu-Hoàn cầm lấy xem thấy đề một dòng chữ nhỏ là: « Nặng 60 cân. » Tiểu-Hoàn bụng nghĩ rằng: Cái roi này nặng sáu mươi cân, để ta thử tập múa xem, bèn bắt chước lối cha múa hằng ngày, giơ lên giơ xuống, múa đi vùn vụt. Đương lúc múa, chợt Lý-Cương ở đâu về, trông thấy cả kinh mà rằng:
— Mày còn bé con, sao nhắc nổi roi này của tao mà múa!
Tiểu-Hoàn thấy cha về cầm cái roi sẽ đặt xuống, rồi quay lại vái cha hai vái, đứng ra một bên. mặt chẳng đỏ một chút nào, mà cũng chẳng hề nhọc thở tí nào cả, Lý-Cương lè lưỡi nói.
— Mày là con gái mà lại có sức khỏe thế này, về sau tập ra tất thành một tay nữ-tướng có danh tiếng. Ta đã có thứ đồng tốt chế ra một thanh mai-hoa-trường-thương, nặng ước chừng hơn 30 cân dài độ một trượng hai thước, chế-tạo rất là tinh-trí ta để cho mày lấy mà luyện tập.
Tiểu-Hoàn lĩnh mệnh cha, thường ở đằng sau trại suốt ngày diễn-tập Lý-Cương thường thường ra chỉ bảo; không đầy mấy ngày học được thuần thục, hai cha con bèn ra trước trại đua thi, đánh nhau đến nửa ngày, thành ra Lý-Cương đối-địch cũng không nổi. Lý-Cương mừng không biết chừng nào.
Một hôm Tiểu-Hoàn ở sau trại tập bắn chợt nghĩ ra rằng: Ta đã có võ-nghệ thế này, thế nào cũng phải theo cha đi đánh trận, song ta là con gái, ở trong đội lính con trai, đi lại hỗn-tạp thời không tiện, nên bắt trước nàng Lục-nương là con gái Hạ-vương Đậu Kiến Đức đời nhà Đường, luyện tập lấy một bộ nữ-binh theo hầu thời mới là tiện. Nghĩ vậy bèn vào thưa với cha, Lý-Cương bảo rằng:
— Con nói rất phải!
Liền sai kén con gái các đỗng Dao-dân, tuyển lấy độ ba trăm nữ-binh tráng-kiện giao cho Tiểu-Hoàn luyện tập. Tiểu-Hoàn nhân đàng hiên nhà sau đổi làm sảnh diễn võ, tự-hiệu là Lý công chúa, chia ra đoàn-ngũ để dạy nữ-binh, suốt ngày luyện tập.
Một hôm Lý-Cương đem 300 Dao-binh đi cướp phá huyện Tam-thủy, cho Tiểu-Hoàn đem quân đến bến Nha nhi ứng-tiếp, Tiểu-Hoàn đợi đến nửa ngày không thấy cha trở về, trong bụng nghi hoặc, liền đem nữ-binh lẻn đi thám-thính, chợt thấy báo Lý-Cương bị vây ở bờ đê Lệ-tử, Tiểu-Hoàn vội vàng phó-cứu, thời thấy phụ-thân bị quan Tuần-phủ thống-lĩnh đại-binh hai mươi vạn đi đánh trại Đại-đằng ở Quảng-tây trở về, chợt gặp quân Lý-Cương, bèn thúc quân vây kín lại, Lý-Cương ít quân không địch nổi, đã phải mấy dấu bị thương xuýt nữa nguy. Tiểu-Hoàn nghe tin cả kinh kíp ruổi ngựa lại cứu. Quan Tuần-phủ nghe có quân cứu-binh đến, liền sai một tên kiện-tướng là Quách-Dũng đi đánh chặn đường. Quách-Dũng trông thấy một người con gái trán bịt gấm hoa, tóc cài đuôi trĩ, mình mặc áo hồng cẩm-chiến-bào, chân đạp ngựa ngân-tung bạch-mã, chạy lại như bay. Quách-Dũng khinh là con gái yếu ớt thét to lên rằng:
— Con tặc-tì kia đi đâu?
Thét rồi liền giơ đao toan chém, Tiểu-Hoàn cầm cây thương đỡ gạt ra, giao-chiến độ vài hiệp, Tiểu-Hoàn nóng muốn cứu cha hăng máu lên cầm cây thương xông vào đâm ngay vào giữa bụng Quách-Dũng, Quách-Dũng đỡ không kịp liệng mình đi ngã lăn xuống ngựa mà chết Tiểu-Hoàn cầm cây thương vẫy quân kéo lại, ba trăm nữ binh đổ xô lại như bướm liệng ong bay, xông vào trong đội quan quân, vung đao chém bừa đi, Tiểu-Hoàn đánh thẳng vào đám trung-quân, đấu chiến với chư-tướng, chợt trông thấy một người mặc áo hồng bào, đội mũ kim-khôi, cưỡi ngựa đứng ở dưới tướng-cờ trỏ bảo. Tiểu-Hoàn biết là chủ-soái bèn bỏ không địch với chư-tướng, tế ngựa lại vung thương ra đâm chủ-soái. Tuần-phủ Súc-Nục cả kinh vội vàng tháo lui thời bị một nhát thương trúng vào đùi Các hàng tả hữu chư-tướng là Sầm Trung, Trần Cao đều liều chết kháng cự lại, đánh độ mươi hợp, thời Sầm Trung bị Tiểu-Hoàn đâm một nhát thương ngã lăn xuống ngựa. Trần Cao thời bỏ cả mũ mà chạy trốn, Lý-Cương thấy cuối trận quan quân đã rối loạn, biết rằng đã có cứu binh đến nơi, bèn thúc quân hăng lên tự trong đánh ra, quan quân vỡ tan ra mà chạy. Cha con Lý-Cương hợp binh lại đuổi theo đến hơn mười dặm mới trở về. Trận này cha con Lý Tiểu-Hoàn chỉ có tám trăm quân; mà đánh phá Súc-Nục hai mươi vạn quân, chém chết được năm quan Chỉ-huy-sứ, hai viên kiêu-tướng, quân-sĩ giầy-séo lẫn nhau mà chết không biết bao-nhiêu mà kể. làm cho quan quân mất vía kinh hồn, nội vùng Quảng-châu xa gần nghe thấy tiếng Lý Công-chúa, không còn ai dám thở nữa. Vậy có câu rằng:
Sinh trai chớ mừng vội,
Sinh gái chớ lo chi.
Đề Oanh cứu cha đó,
Bằng trăm chú nam-nhi!
Nói về Lý-Cương đắc-thắng rồi thu quân về trại, chỗ bị thương phát ra đau lắm, chữa thuốc không thấy hiệu, thành ra hôn-mê bệnh rất nguy cấp. Mẹ con Lý Tiểu-Hoàn ngày đêm trông nom than khóc, Lý Cương chợt tỉnh mở mắt ra trông thấy mẹ con Tiểu-Hoàn và người cậu là Phù Hùng ngồi ở bên cạnh, Lý-Cương bèn bảo vợ là Phù-thị rằng:
— Nay ta không còn cùng xum họp với ái-khanh được nữa, nhờ ái-khanh trông nom con cho ta.
Tiểu-Hoàn ôm lấy ngực cha mà khóc. Lý-Cương cầm lấy tay Tiểu-Hoàn nhìn lâu một lúc thở dài mà than rằng:
— Ta năm mươi tuổi mà chỉ sinh được có một mình con, chưa kén cho con được một người rể hiền, ta chết cũng không tài nào nhắm mắt được!
Nói rồi nước mắt chẩy ra dàn dụa. Phù-Hùng nói:
— Đại vương cứ yên nghỉ, nếu mà đến mệnh nào, sau này việc con cháu, Phù-Hùng này xin đảm-đang.
Lý-Cương nghe nói, liền bảo Tiểu-Hoàn rằng:
— Con ơi! Con ra lạy cữu-phụ đi, ta cũng đi đây.
Nói rồi liền nhắm mắt mà chết. Tiểu-Hoàn kêu khóc lăn lộn ngất đi hai ba lần. Phù phu-nhân thấy con gái thương khóc quá, vội vàng ôm lấy dỗ bảo rằng:
— Con ơi! con nỡ bỏ mẹ hay sao? Mẹ chỉ trông cậy có một mình con, con sao lại thế, để cho mẹ chua xót trăm đường nghìn nôi, con ơi!
Tiểu-Hoàn nghe lời mẹ, phải cố gượng dậy. Phù-Hùng cũng thương khóc, họp các đầu-mục lại để trị việc tang. Khi liệm-táng xong rồi, con đón chư-tăng thầy cúng bày ra lắm trò cúng cap. Được may hôm Phù-Hùng cùng các đầu-mục cùng tôn Tiểu-Hoàn làm trại chu, Tiểu-Hoàn từ mà rằng:
— Tôi là con gái, sao làm nổi được chủ trại, cữu-phụ nên chọn trong các đầu-mục người nào trí-dũng kiêm-toàn làm được thời làm. Vả lại ơn đức cha tôi ví như trời bể, phải để tang cho hết ba năm, sao dám thay áo cát-phục để nhận lễ mừng.
Phù-Hùng cả cười mà rằng:
— Sao cháu lại nói lễ-văn khiêm-tốn chi cho lắm, dễ thường cậu là người tho-bỉ không biết những lẽ ấy hay sao. Nếu bảo rằng con gái không làm được chủ trại, thời xưa kia bà Trưng-Trắc, Trưng-Nhị, ba Thạch-long phu-nhân, Ninh-quốc phu-nhân, chẳng phải con gái là gì? Thế mà làm được sự-nghiệp long trời lở đất! Huống chi cháu cũng là tay anh-hùng, trận đánh ở bờ đê Lệ-tử, toàn tỉnh mất vía, nếu ngoại cháu ra còn tìm đâu thấy người thứ hai nữa. Vả lại phụ-vương cháu đã có-ân uy thiếp-phục người ta, lập cháu lên thời không ai nói gì, nếu lập người khác thời họ không phục, thành ra tranh nhau đánh nhau, quan-quân họ dò biết, tất là họ họp binh đến báo thù, như thế thời không những mẹ con nhà cháu không yên thân, sợ đến phụ-vương nhà cháu cũng không khỏi cái vạ đào mồ phơi thây vậy.
Tiểu-Hoàn nghe đến sự đào mồ phơi thây, sợ giật mình sởn óc lên, nói:
— Cữu-phụ đã dạy như thế, cháu xin tùng-mệnh. Nhưng cháu muốn xem lấy cái đất danh-thắng ở về mé tây núi Gia-quế, trước lập một cái miếu Đô-bối đại-vương để thờ phụ-thân cháu, tế cáo xong rồi, sẽ xin nhận chức chủ trại, chẳng biết cữu-phụ nghĩ sao?
Phù-Hùng nói:
— Việc ấy rất là chánh-đáng để cậu đốc-suất bảo làm ngay.
Nói rồi liền từ ra, cùng với mọi người đầu-mục đi đến phía tây núi xem xét địa-thế, rồi khởi-công làm, không bao lâu dựng nên một nhà miếu, cột vẽ son đỏ, cửa thếp sơn vàng, tường rợn cánh mây, thềm lồng bóng nguyệt cực kỳ tráng-lệ gian giữa tôi một pho tượng Đô-bối đại-vương, tả hữu hai bên tô tượng văn thần võ-tướng. cầm siêu-đao kim-ấn đứng hầu, cực-kỳ là uy-nghiêm, ngoài hiên khắc một câu đối rằng:
Oai-phong treo nhật nguyệt,
Thụy khí khắp kiền khôn.
Trên cửa miếu đề năm chữ đại-tự là: « Đô-bối đại-vương miếu » có đôi câu đối kèm sơn son thếp vàng rằng:
Song phong hình hốc ứ,
Bách-Việt thế long-bàn.
Tu-tạo chỉnh-tề đâu vào đấy, chọn ngày mời Tiểu-Hoàn trai-giới ra làm lễ xong rồi trở về trại, lên chủ tọa để cho các đầu-mục vào bái-yết, Tiểu-Hoàn nói:
— Thiếp vốn là tư-chất hèn yếu ở chốn khuê-môn, nay chư-tướng suy-tôn lên làm chủ trại, thời từ nay về sau cứ gọi thiếp là Công-chúa là phải, bất tất phải xưng là Đại-vương. Các ngươi cũng nên bắt chước tiếng người Hán mà gọi, chớ đừng gọi những tiếng ma-mường thô-bỉ làm chi. Vả thiếp xem trong trại dẫu có đến hai mươi vạn quân, song đều là quân ô-hợp cả, chửa luyện-tập bao giờ, nếu gặp phải quân đại-địch thời đổ lướt thua ngay. Nay thiếp muốn phân làm chín tiễu-quân, chia ra các trại luyện-tập, như thế thời tiến lên mới đánh được, lui về mới giữ được, Đằng trước núi nên lập ra ba cửa quan-ải, trên ải chứa gỗ đá cho nhiều, để phòng khi ném tung ra đánh. Khi đấng Đô bối-đại vương ta hãy còn, hễ đánh trận được bao nhiêu thời chia cho quân-sĩ hết cả, không có tích-trữ gì, thế có phải là cái đạo thâm-căn cố-đế đâu. Nay thiếp muốn lập ra các đầu-mục chia giữ từng việc: tư-thư, tư-khố, tư-thưởng-phạt, để cho có qui-mô, chẳng hay chư-tướng nghĩ thế nào?
Phù-Hùng nói:
— Công-chúa kiến-thức cao xa lắm, mạt tướng chúng tôi xin tuân-hành.
Công-chúa bèn gọi lấy bút phân ra như sau này:
Gia-quế sơn | Tả | tiễu-tổng | Phù Ly, |
» | Hữu | » | Triệu Tín, |
» | Tiền | » | Phù Hùng, |
» | Hậu | » | Mã Tán, |
» | Triều-thiên-quan tiễu-tổng Bàn Ma-La, | ||
» | Tư-hán-quan tiễu-tổng Phùng Lực-Mộc, | ||
» | Vọng-hải-quan tiễu-tổng Đường Hỗ. |
Những các Tiễu-tổng trên này đều cách trung doanh mười dặm lập ra một trại.
Ngọc-nhị-sơn Tiễu-tổng Đặng Bưu (Con nhà anh Đặng A-Man)
Trung-đỗng-sơn Tiễu-tổng Mã Cách.
Các tướng trên này đều thống lĩnh 15.000 quân-mã, tì-tướng 10 viên đều phải diễn tập phòng khi điều-bát đi chinh-chiến. Phân phái xong, các tướng đều đi lập trại, dựng thành quan ải, diễn-tập quân mã suốt ngày, không đầy vài ba tháng, Lý công-chúa đi xét các trại, thời thấy khôi-giáp chỉnh-tề, thương-đao tinh nhuệ, tập-luyện phải phép lên lui hợp nghi, Công-chúa rất lấy làm mừng; lại đến đỗng Ngọc-nhị xem xét một hồi rồi trở về trại, bụng nghĩ rằng: «Ta xem trái núi này ở thỏm vào trong giữa muôn núi, bàn cứ năm khu, đồi núi bao bọc, đồng áng phẳng phiu, thế gió thuận mà nước trào thông, nếu sức các Tiễu-tổng đem quân-sĩ đi khai-khẩn cày cấy, thời địa-lợi cũng đủ cung-cấp, cũng là cái phép đồn-điền khi xưa, can gì lại cứ hằng ngày đi ăn cướp, tan-hại sinh-dân, thế chẳng ô-danh lắm ru?» Ngày hôm sau họp tập các Tiểu-tổng khuyên bảo làm đồn-điền và bảo lấy những phép khẩn đất đào ngòi, cấy lúa gieo giống các tướng đều dũng-rược vui mừng, đều đi khích-lệ quân-sĩ mở mang đồn-điền, đất bỏ hoang đã lâu nay mới khai-khẩn tốt bội dị-thường, thấm thoắt vài năm, thu được thóc lúa kê đậu chất đống lên như núi, trâu dê đầy nội gà lợn từng đàn; quân-sĩ các trại đúc được thứ rượu ngon, hễ gặp ngày tết thời mổ trâu mổ lợn, mời nhau uống rượu rất là vui vẻ, chẳng hơn là đi ăn cướp đốt nhà lấy của ư?
Một ngày kia, Phù-Hùng mời các tổng trại đến trại mình uống rượu thưởng-nguyệt. Tiệc rượu nửa chừng, Phù-Hùng nhân bảo các tổng-trại rằng:
— Lũ chúng ta nhờ Công-chúa dạy bảo cho, mới có sự vui vẻ ngày nay, cái ơn to lớn của Công-chúa không thể quên đi được, Năm nay Công-chúa đã 16 tuổi, tôi định ngày mai làm lễ gài trâm dâng mũ cho Công-chúa, các ông nên cùng bảo nhau đến dinh làm lễ bái-hạ là phải.
Các tổng-trại cả mừng, nói:
— Chúng tôi xin sắm sửa đồ hạ-nghi để dâng mừng Công-chúa.
Đêm hôm ấy các tổng trại đều uống rượu say rồi lui về. Ngày hôm sau sắm sửa lễ-nghi, chiêng trống rầm trời, đàn sáo dậy đất, rước Công-chúa đến tế cáo Đô-bối đại-vương xong rồi trở về dinh, Phù phu-nhân và Phù-Hùng dâng mũ kim-quan và áo gấm đại-hồng, xiêm gấm lục, đai ngọc bàn-long, Công-chúa mặc xong, lên chủ-tọa để cho chư-tướng bái-hạ, rồi mở tiệc ban cho chư-tướng yến-ẩm, dâng được vài tuần rượu, Công-chúa bèn phán rằng:
— Ta nghe: « Thuận-thiên giả xương, nghịch-thiên giả vương». Nay Đại-Tống Hoàng-đế nhất thống bốn bể, đông, tây, nam, bắc đâu cũng qui phục cả, chỉ có Dao-dân ta vẫn không theo chính sóc, đó là nghịch mệnh trời, ta muốn theo như bà Tiển phu-nhân khi trước thần-phục về nhà Tùy, nhà Trần, dâng biểu theo về phụ-thuộc, chư-tướng nghĩ sao?
Mã Cách đứng dậy thưa rằng:
— Không nên, hiện bây giờ triều Tống vua thời kiêu-căng, tôi thời xiểm-nịnh hối-lộ công-hành, các quan hữu-tư thời tham lam tàn-khắc. Nay nếu về phụ thuộc, thời quyền không tự mình, thuận ra thời không lấy đâu cho đầy được túi tham, nếu trái ra thời cái vạ hãm hại cũng khó mà tránh được.
Công-chúa nói:
— Không phải thế, ta dẫu qui-phụ, chẳng qua là phụng biểu xưng thần mà thôi; không phải tự buộc mình mà vào triều-cống họ dẫu tham khắc sao hay hại được ta.
Phù-Hùng nói:
— Công-chúa nói dẫu là phải, song lời Mã tướng-quân nói cũng không là trái Nay chỉ nên sai sứ dâng biểu xem thử làm sao, nếu họ xử với ta có ân có lễ, thời ta sẽ theo về thâu nộp cho ít nhiều thuế má; nếu họ sinh sự lôi thôi, thời binh-lực ta vẫn sẵn đủ có làm gì được ta
Chư-tướng đều khen là phải. Lý Công-chúa bèn tự soạn lấy tờ biểu, nói cái ý muốn xin về thần-phục và xin nộp thuế cống; lại viết một tờ khải nữa bẩm lên quan Đốc-phủ, sai quan Hữu-Tiễu-tổng Triệu Tín đến cửa quân dâng nộp. Quan Đốc-phủ Ngô Quế-Phương cả mừng hậu đãi Triệu Tín, cho mời quan Tuần-phủ Súc-Nục và các quan cùng đến hội-nghị; các quan đều nói rằng:
— Mấy năm nay các dân Mèo dân Mán chỗ nào cũng xuẩn-động nổi giặc cả. Nay một mình Lý công chúa hay không quên triều-đình về qui phục trước nhất, thì nên dâng biểu lên tâu xin thánh-thượng tinh-thưởng cho để khích-khuyến về sau.
Khi ấy chỉ có một mình Súc-Nục vẫn tức Lý-công-chúa chém chết mất kiêu tướng của hắn, làm tỏa mất uy-phong của hắn, ý muốn báo thù; nay nghe lời các quan bàn bèn nói to lên rằng:
— Việc ấy không nên, cha con Lý Tiểu-Hoàn phá châu cướp huyện, làm tàn hại sinh-linh hơn mười năm nay; nay không đem binh đánh giết đi, mà lại nghe lời nó trá hàng, lại tâu biểu xin tinh-thưởng cho nó, thế là thưởng kẻ làm phản thời sao răn được kẻ khác. Tôi dẫu bất tài, xin đem mười vạn quân đánh giết nó đi, để tiết-phẫn cho nhân-dân năm huyện.
Quế-Phương nói:
— Năm trước ông đem hai mươi vạn quân. còn bị thua khốn ở đê Lệ-tử huống-chi nay ông xin đem mười vạn mà đánh giết được nó, thôi thà nhận cho nó qui-phục là hơn, đừng quấy-rối làm chi nữa.
Các quan đều đồng-thanh nói:
— Lời đại nhân nói phải!
Súc-Nục bị Quế-Phương mắng gạt trước mặt các quan thời thẹn đỏ mặt lên không dám nói gì nữa. Quế-Phương bèn làm bài biểu và bài biểu của Lý công-chúa, đều sai quan đem dâng tâu vua. Thần-tôn cả mừng, bèn phong Tiểu-Hoàn làm Nhất-phẩm kim-hoa công-chúa, ban cho mũ phượng-quan và một cái áo mãng bào, một đai ngọc-đới, hai trăm lạng bạc, lại phong cho Lý-Cương nhưng theo hiệu cũ là Đô-bối đại-vương, mẹ Tiểu-Hoàn là Phù-thị làm nhất-phẩm phu-nhân. Quế-Phương sai quan cầm tờ chiếu cùng với Triệu Tín đi đến núi Gia-quế để tuyên-phong. Triệu Tín sai người về báo trước. Công-chúa ra nghênh tiếp sứ-giả về trại làm lễ tuyên-phong, xong rồi cũng tung-hô vạn-tuế để tạ ơn. Khoản-đãi sứ-giả rất hậu. Ngày hôm sau sắp đủ một trăm hộc lương lại sai Triệu Tín cùng với sứ giả đem thâu nộp vào ti Bố chính và dâng biểu tạ-ân nhân dân năm huyện nghe tin ấy đều lấy làm mừng rỡ Chỉ có một mình Súc Nục giận Lý công-chúa đâm vào đùi bị thương, lại giận Ngô Đốc phủ bỉ-bác làm bẽ mặt mình, ngày đêm nghĩ ngợi, bụng bảo dạ rằng: « Tất thế nào cũng kiếm cách để làm khích biến con Lý tặc-tì này thời mới làm hại được Ngô Quế Phương. » Ngày đêm nghĩ mãi, chợt nghĩ ra một kế rằng: «Tất phải thế này... thời mới khích nó làm phản, bấy giờ mới nói vu cho Quế-Phương là giao thông với quân Mán Mèo, mà tâu gièm cho nó, ý muốn mưu làm phản-nghịch, hãm cho hắn vào tội phản-nghịch, như thế không thể nào cãi được nữa; đợi đến khi bắt được con tặc-tì rồi định tội cho hắn một thể, chúng nó có bay lên trời! ». Định mưu thế rồi, liền gọi quan Thiên-tổng là Dương Kiệt đến dặn rằng:
— Quân Mán Mèo ở núi Gia-quế đã về hàng-phục rồi, thời phải sai quan đi tuần xét cho nó khỏi sinh lòng phản-trắc, nay thăng cho ngươi làm chức Tuần-dao quan-sát-sứ, đem ba trăm quân đi tuần xét các sơn-trại, hễ thấy đầu-mục Mán Mèo thời phải làm nguy-nghiêm và hạch-sách tiền khao-thưởng, chớ đừng khoan-dung chút nào, chớ để cho nó khinh-thị phép-tắc triều-đình. Nếu ngươi làm hợp ý ta khi trở về sẽ được thăng-thưởng.
Dương Kiệt nghe nói cả mừng, cúi đầu lạy tạ rồi trở ra, điểm lấy 300 quân cường-tráng, đều lưng đeo gươm. tay cầm côn đi trước, còn mình thì cưỡi một con ngựa lớn, làm bộ hách-dịch quan-dạng kéo đến núi Gia-quế, trước viết một tờ hiểu-dụ truyền đòi đầu-mục núi Gia quế ra ứng tiếp, dụ rằng:
— Tuần-dao quan-sát-sứ Dương, hiểu dụ rằng: Bản-chức phụng-mệnh quan Đô-sát-viện Phó-đô-ngự-sử Tuần-phủ Súc đại-nhân, đi tuần xét các sơn trại, phàm các đầu-mục phải đem đủ tiền lương ra ứng tiếp, nếu chậm trễ thời bị phạt nặng không tha, Nay hiểu dụ.
Khi tờ dụ ấy truyền đến cửa ải Triều-thiên, Bàn Ma-La xem thấy đùng đùng cả giận mà rằng:
— Quan-sát là bộ dạng chức quan gì, mà dám ra oai dậm dọa, tao đây không cung-ứng mày, thời mày làm gì tao!
Nói rồi liền rút gươm ra toan chém kẻ sứ-giả, tì-tướng Lợi-Dụng can rằng:
— Xin tướng-quân hãy khoan-giận, quan-tư ấy dẫu đáng ghét, song phải bẩm mệnh cho Công-chúa biết mới phải, nếu vội chém sứ-giả, sợ Công-chúa quở trách thì làm sao?
Ma La mới dừng hươm lại hầm hầm mà rằng:
— Ừ! hãy tha cho nó, ngươi hãy đem tờ dụ này đệ lên Công-chúa xem.
Lợi-Dụng bèn cầm tờ dụ phi ngựa đi báo Công-chúa. Công-chúa cầm tờ dụ xem xong, ngẫm nghĩ một hồi lâu, rồi truyền họp chư-tướng lại hội-nghị, chư-tướng nghe lệnh đều tới nơi. Công-chúa đưa tờ hiểu-dụ cho chư-tướng xem ai cũng đều tức giận, Mã Cách nói:
— Đồ súc-sinh! lúc mới nghị-hàng ta đã biết nó tất sinh sự.
Triệu Tín nói:
— Ta mới về qui-phục mà họ đã dậm dọa như thế, không biết về sau họ bạc-đãi ta đến như thế nào?
Bàn Ma-La vung cánh tay lên mà rằng:
— Công-chúa là bậc anh hùng, mà lại có chư-tướng hiệp-lực nếu lấy Quảng-đông như trở bàn tay! Cần gì phải quì gối lượm tay để cho lũ quan tham-tàn nó làm tức khí!
Lý-công-chúa cứ ngồi im không nói gì, đưa mắt trông Phù-Hùng. Phù-Hùng biết ý mà rằng:
— Chư-tướng tức khí đều là ý kiến tiểu-trượng-phu cả, ý-kiến tôi thời cho hắn dẫu ngược-đãi ta cứ thuận-thụ, là vì sao vậy? Là vì lời cổ có nói rằng: « Tuy hữu trí-tuệ bất như thừa thế, tuy hữu tư cơ bất như đãi thời. » Nay triều-đình dẫu vô-đạo, song thiên-hạ vẫn toàn-thịnh cả, nay muốn lấy một xó đất Gia-quế này, và vạn quân mà tranh-hành với quân trong thiên-hạ, sợ rồi binh-liên-họa-kết, mà ta trong không có lương trừ-súc, ngoài không có quân cứu-viện dẫu tài giỏi đến đâu cũng không giữ được về sau này. Vả lại, tờ hiểu-dụ là nói phụng-mệnh của Súc-Nục mà đến đây, bởi vì hắn tức về trận thua ở đê Lệ-Tử ý muốn báo thù, song ta đã đầu hàng chịu phong, hắn không có thừa được hố-khích gì mà bày truyện ra được, nên hắn mới chọc tức lũ ta, để cho ta tức không chịu được, biết đâu lại chẳng mắc phải mẹo hắn, thế cho nên tôi bảo rằng họ dẫu ngược-đãi, ta hãy nên thuận-thụ, là vì thế.
Triệu-Tín nghe nói mới tỉnh ngộ mà rằng:
— Phù tướng-quân liệu lượng không sai chút nào, hôm trước tôi phụng-mệnh Công-chúa đem tờ biểu đến quân-môn, thời hôm sau quan Ngô Đốc-phủ có họp các quan hội-nghị, khi ấy tôi nghe Súc-Nục cố ý ngăn-trở không muốn cho hàng, muốn xin đem quân đi đánh, phải Ngô Đốc-phủ bẻ bác cho bẽ mặt, nên bây giờ mới bày ra chuyện này để cấu-khích lũ ta, để hắn kiếm chuyện vu-chức đó thôi.
Đường Hổ nói:
— Nếu như thế, thời ta cứ phải ở cho tử tế, mang vàng bạc đi khao-thưởng quân hắn, xem hắn xử ra làm sao. Hai là ta phải phòng bị cho nghiêm nhặt, để phòng nó thừa hư đánh úp ta chăng.
Phù-Hùng nói:
— Đường tướng-quân nói phải lắm.
Lý Công-chúa bèn sai sắm sửa lương-thảo vàng lụa sai Phù-Hùng ra ngoài cửa ải 10 dặm để nghênh tiếp. Khi ra ngoài cửa ải thấy một đám quân cầm côn hò hét kéo đến, trông thấy Phù-Hùng, thét to lên rằng:
— Quan Sát-sứ tới nơi, xuống ngựa cho mau!
Phù Hùng vội vàng xuống ngựa đứng ở bên cạnh đường trông xa xa thấy ở dưới bóng tàn xang có một ông quan mặc áo lam-bào, đội mũ sa-mạo, nghênh ngang ngồi trên mình ngựa, Phù-Hùng biết đó hẳn là Quan Sát-sứ, bước lên cúi mình mà rằng:
— Chúng tôi là Phù-Hùng ở núi Gia-quế này, phụng mệnh Công-chúa tôi đến đây để nghênh tiếp đại-lão-cha.
Dương-Kiệt dừng ngựa lại nói:
— Lý Tiểu-Hoàn sao không thân ra nghênh tiếp dám khinh thường ta hay sao?
Phù-Hùng cúi mình mà rằng:
— Công-chúa tôi đâu dám thế, chỉ vì là thân gái ở chốn khuê-môn ra làm lễ không tiện, nên sai Phù-Hùng ra đây để nghênh tiếp đại-lão-cha.
Dương Kiệt thét lên rằng:
— Phá nhà lấy của, thời không kêu là con gái, nay có quan Triều-đình tới lại bịa đặt ra kêu là đàn bà con gái. À! mày cậy là con giảo-thỏ có ba hang lẩn lút hay sao? Gặp ta đây không xích cổ mày lại được hay sao?
Phù Hùng liền dạ dạ lẩn đi theo sau. Quân kéo đến ải Triều-thiên, thời thấy cửa ải đóng chặt tinh-kỳ rợp đất, qua-mâu ngang trời, không thấy tiếng một người nào cả. quân-sĩ gọi đến nửa ngày không thấy ai thưa, khi Phù Hùng tới nơi thét to lên rằng:
— Mở cửa!
Khi ấy liền thấy trên ải nổ ba tiếng súng đại-bác, chiêng trống rầm trời, cửa ải mở toang ra, hơn một nghìn quân Mán kéo ra đầu đội khăn tía, tay cầm giao găm, ở giữa một viên hắc-tướng đầu đội mũ đen, mình mặc giáp đen, mặt đen như trôn nồi, mắt lồi như vú chiêng tay cầm lưỡi búa đi ra như bay, thét một tiếng lên như sấm mà rằng:
— Triều-thiên quan Tiễu-tổng Bàn Ma-La. ra nghênh tiếp Quan Sát sứ đây!
Các quan quân nghe tiếng đều thất kinh ngồi thụp cả xuống, Dương Kiệt mặt xám như chàm đổ, xuýt nữa ngã ngựa, Phù-Hùng chạy lên trước thét mắng, thời Ma-La liên thanh dạ dạ bảo rằng: « Có dám làm gì đâu.... ». Nói rồi liền quay đầu ngựa vòng ra con đường nhỏ bên tả cửa ải mà đi. Nguyên là Bàn Ma-La biết trước là Quan Sát-sứ sắp đến đấy, tất là hắn hồ-giả hổ-oai mà dậm dọa, cho nên giấu cả Phù-Hùng mà ra oai như thế để tỏ cái oai-phong quân trại của mình cho hắn xem. Dương Kiệt thấy quân Mán đã kéo lui. khi ấy mới định-thần hỏi rằng:
— Phù tướng-quân, mới rồi là người nào đó?
Phù Hùng thưa:
— Đó là tướng giữ ải này, xin đại-lão-cha khoan-thứ cho hắn là người thô lỗ.
Dương Kiệt nói:
— Bản-chức phụng thượng mệnh đến đây có sợ ai nạt-dọa đâu.
Dương Kiệt miệng dẫu nói thế, song trong bụng đã thất đảm không dám hách dịch thét-lác như trước nữa.
Khi Dương-Kiệt kéo đến ải Vọng-hải, Phù-Hùng đem vàng bạc ra khao quân và bày tiệc để khoản-đãi Dương Kiệt lại sắm một món tiền lễ riêng để dâng. Chỉ có độc Bàn Ma-La không chịu cung-phụng, còn thời các tổng trại đều đem hậu-lễ đến cung ứng cả. Dương Kiệt đóng lại hai ba hôm mới sắp sửa trở về, lại xách-tống lương-thảo mấy nghìn hộc. rồi mới kéo quân xuống ải. Phù-Hùng tiễn ra khỏi cửa ải rồi mới trở về. Lý công-chúa gọi quan tư-khố đến kê tính, thời tốn đến hơn nghìn vàng. Công-chúa không coi thấm vào đâu, sau chư-tướng đều không phục, bẩm Công-chúa rằng:
— Chúng tôi sinh trưởng ở núi này đã hai ba mươi năm nay không thấy có quan-tư nào dám lại đây mà dậm doạ. Nay quan này dám làm bộ dậm doạ tống lấy biết bao nhiêu vàng bạc, chúng tôi xin liều chết, chứ không chịu tức thế được, nay bẩm qua công-chúa. xin đem binh đi đuổi đánh quân súc-sinh kia, mà truy lấy lại tang vật giết hết nó đi thời mới thoả lòng!
Công-chúa nghe nói cả kinh mà rằng:
— Sách có chữ rằng: « Có nhẫn-nại thời việc mới xong, có khoan dung thời lượng mới lớn ». Nay chư-tướng không nén được lòng giận mà muốn sinh-chí một thời để cho kẻ gian-thần được tạ-khẩu, nếu đại-binh nó kéo lại làm đổ nát cả sào-huyệt thì sao? Chư tướng muốn làm như thế, thời Tiểu-Hoàn này xin cắt tóc đi tu cho rồi, chớ không muốn trông thấy chư-tướng theo con đường phúc-triệt mà bại-hoại.
Công-chúa nói rồi liền rỏ đôi hàng nước mắt, chư-tướng cũng khóc.
Phù-Hùng nói;
— Chúng ta nên thể cái ý trung-trinh của Công-chúa, không nên làm càn để đau lòng công-chúa.
Chứ-tướng đều khóc mà lui ra.
Nói về Dương Kiệt lấy được vàng bạc trở về đến tỉnh-thành vào ra mắt Súc-Nục, đem những đồ lấy được dâng lên. Súc-Nục nói:
— Đó là công của nhà ngươi, bản-chức hãy ban kỷ-lục cho nhà ngươi một lần, còn những đồ lấy được thời chia làm hai phần: Nhà ngươi lấy một phần; còn một phần thời quân-phân cho các tướng-sĩ. Từ đây về sau cứ ba tháng một lần đi tuần-xét, mỗi lần thêm binh 300 người. thêm đến 1200 người, bấy giờ bản-chức sẽ có kế-sách.
Dương Kiệt lĩnh mệnh lui ra, rồi cứ theo lệnh mà làm.
Nói về trại Gia-Quế phải bốn năm lần cung-ứng về quân lính tuần-sát phí-tổn nhiều lắm dần dần kiệt-quệ mãi đi. Lý công-chúa lo sợ, gọi Phù-Hùng vào thương-nghị mà rằng:
— Quan quân cứ mỗi lần đến tuần sát thời ta phải cung-ứng, sau này mỗi một lần hao hụt mãi đi, ta không thể cung-ứng được nữa, thời công-lao trước chẳng hoài đi mất ru? Chẳng hay cữu-phụ có kế-sách gì, làm cho nảy tiền bạc ra, thời mới không đến nỗi thúc-thủ?
Phù-Hùng nói:
— Sao lại không có kế-sách. song phải nghe theo lời tôi mới được, chỉ sợ nói ra thời công-chúa lại không chịu làm mà thôi.
Công chúa nói:
— Chỉ trừ có mưu phản-bạn, còn thời xin vâng theo mệnh cữu-phụ cả,
Phù-Hùng nói:
— Kế-sách của tôi có thể lấy được tiền bạc mà lại không mang tiếng là phản-nghịch, thực là chí-công chí-đáng lắm!
— Công-chúa nói:
— Chẳng hay cữu-phụ có kế sách-chi, xin cữu phụ nói ngay cho biết.
Phù-Hùng mới giơ hai ngón tay lên làm bộ suy-tính chớ chưa nói ra vội.
Thực là:
Trách kẻ túi tham vơ sạch của,
Mong người lượng bể giúp bày mưu.