Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Hồi thứ V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ V

Thích ngâm thơ Phùng Ngọc mắc phải mẹo,
Cam làm thiếp Tiểu-Hoàn chịu nhún mình.

Lý Tiểu-Hoàn phải Súc-Nục bày kế sai người đến tuần sát sách-nhiễu nhiều lần, dần dần khánh-kiệt mãi đi, cầu Phù-Hùng bày kế giúp cho. Phù Hùng nói:

— Trước kia bọn anh-hùng ở Lương-sơn-bạc đã họp được nhiều binh-mã, mà lương-thảo bất-phu, bèn sai các tiểu đầu-mục đi khai-trương tửu-điếm ở các nơi, hễ gặp được những kẻ phú-thương đại-cổ, hay là kẻ tham-quan ô-lại, đi lại qua đó, thời dùng thứ thuốc mê lừa cho họ mê đi, lấy không biết bao nhiêu là vàng bạc để chi-dụng, mà quỉ không biết thần không hay, Công-chúa sao không bắt chước mẹo ấy: sai giăm ba người tiểu đầu-mục đi ra các con đường xung-yếu ở năm huyện mở mấy ngôi hàng tửu-điếm để kiếm ít của về chi-dùng. Vả lấy của của quan dân triều-đình lại để cung về việc tuần-binh, cho triều-đình thế không phải là chí-công chí-đáng hay sao?

Công-chúa cười mà rằng:

— Công cũng chửa chắc đã công, đáng cũng chửa chắc đã đáng Song việc đã đến thế này thời không làm thế cũng không xong, xin nhờ cữu-phụ trù-liệu cho.

Phù-Hùng tuân-mệnh trở về trại triêu-tập hơn một trăm tì-tướng rồi chọn lấy mười viên thông-hiểu tiếng các xứ đường ngoài. mà lanh-lợi tinh tế cho đi lập tiệm ở các con đường xung-yếu trong năm huyện, lại kén cho mỗi người bốn tên Mán đã quen thuộc thông-thổ cho theo đi giúp việc. Phù-Hùng lại đem ra mười thanh bảo-kiếm trao cho các tì-tướng mà bảo rằng:

— Công-chúa năm nay đã 17 tuổi, ta xem nội trong sơn-trại này không có người nào tài-mạo tương-đương. để cùng sánh đôi với Gông-chúa được. Ta giao cho các ngươi mỗi người một thanh bảo kiếm, đem đến tiệm để trong nhà hậu đường, hễ gặp được người nào tài năng xuất-chúng, niên-mạo tương-đương, thời mời vào nhà trong chỗ để gươm, cứ làm như thế... như thế... thời khác thử biết được tài-năng rồi sẽ dụ lừa lên sơn-trại. các ngươi phải nên lưu-ý hễ tìm được người là công nhất. ấy được của là công nhì đó.

Chư-tướng đều lĩnh gươm rồi từ biệt xuống núi trong chư-tướng có một người là Mã-A-Ma đem đầy tớ đến con đường xung yếu ở huyện Tùng-hóa, chọn một chỗ bốn bề có nước non quang cảnh đẹp đẽ, dựng lên một tòa tửu-lâu, ngoài cửa treo biển chiêu bài sơn son thếp vàng, hai bên đề câu đối rằng:

Chợ Hoàng-công ngoài cõi,
Lầu Thái-bạch trong mây.

Trong nhà tiệm bên tả bày các thức dò nem thịt tái, rượu tăm, và các đồ sào nấu hoa quả, bên hữu bày một cái tủ dài; trong nhà bày bàn đặt ghế, và treo các bức đối-liên tranh họa của các bậc danh nhân bài trí rất là thanh nhã, ân cần khoản-đãi các người tân khách đi qua lại, nên các hàng vương tôn công-tử, đại cổ phú thương khi ấy đều tấp nập đến cửa hàng Một hôm A-Man đang ngồi ở mé trong cái quầy trông ra thấy một người thiếu-niên cưỡi ngựa, trạc tuổi độ mười lăm mười sáu môi đỏ răng đen, người đẹp như ngọc, theo sau hai tên đầy tớ đi tới trước cửa tiệm, A-Ma vội vàng đứng dậy, đón vào trong tiệm thi lễ mời ngồi, rồi tự mình đáng chắp tay mà hỏi rằng:

— Chẳng hay quí khách ở đâu qua đây, quí tính đại danh là gì, nhân đi đâu có việc gì vậy?

Người thiếu-niên đáp:

— Tiểu-sinh họ Hoàng, tự là Phùng Ngọc, người làng Trình-hương quận Thanh-sơn, phủ-lỵ Học sơn, nước Lạc viên, nhân qua Tùng-hóa đây để thăm bà con, nay trời đã gần tối, muốn nghỉ lại một đêm chỉ sợ lại làm nhiễu quí-tiệm chăng?

A-Man cười mà rằng:

— Tướng-công dạy quá lời, nếu tướng-công hạ-cố đến cho, thời chúng tôi được vẻ-vang nhiều lắm! song tôi xem tướng-công là người văn nhân, hay ưa thanh-nhã tĩnh-mịch, ở đây tối đến nhiều khách, sợ ồn-ào chăng, xin mời tướng-công vào nghỉ nhà trong cho tiện.

Phùng-Ngọc cả mừng. A-Man liền gọi hỏa-đầu đem đồ hành-ý trang của Hoàng tướng-công vào nhà trong. Tên hỏa-đầu hiểu liền đỡ Hoàng Hán đem ngay gánh hành-lý vào, thày tớ Hoàng Phùng-Ngọc theo chân tiến vào, thời là riêng một sở vườn hoa, trồng vô-số các thứ cây hoa quả, bóng mát rợp vườn. Bên tả có một cái nhà ngăn làm hai phòng chính gian giữa treo một bức họa Dục-nhật bi-đình nét bút ông Trần Bạch-Sa: bên tả treo một bức chữ triện của ông Lê Dao-Thạch; bên hữu treo một bức họa-đồ Lâm-đường xuân-hiểu nét bút ông Lâm-Lang vẽ, ở giữa đặt một cái hương án, trên án có cái giá trầm-hương xinh đẹp gác trên một thanh bảo-kiếm, vỏ ngà chuôi ngọc. vẽ phụng chạm rồng, huy-hoàng đoạt-mục Phùng-Ngọc vốn là người thích kiếm, tới gần xem kỹ một hồi lâu, khen tán mà rằng:

— Cái kiếm này trang-sức mới khéo chứ!

Phùng-Ngọc nói rồi ngảnh lại thời thấy điếm-chủ đứng ở bên sau, Phùng-Ngọc liền hỏi rằng:

— Cái thanh kiếm này có phải để bán không?

A-Man nói:

— Không phải là bán, đó là công-tử tôi bảo đem ra để đây làm phần thưởng đấy,

Phùng-Ngọc nói:

— Làm phần thưởng gì đó?

A-Man nói:

— Tướng-công lại không biết à? Lão-cha tôi họ Lý làm quan chủ-sự bộ Hộ bây giờ, chỉ sinh được một mình công-tử tôi, mà tính lại ham đọc sách làm thơ, và lại ham chơi kiếm, mới rồi có được một đôi kiếm thư-hùng, kiếm ấy chém sắt như chém bùn, công-tử tôi mừng lắm, muốn làm một bài thơ để tả cái thần-năng kiếm ấy, song làm mãi mấy lần mà không làm được một bài tuyệt-diệu, công-tử tôi tức lắm, mới đem cái kiếm thư-hùng này giao cho tôi ở đây, bảo rằng hễ ai làm được một bài thơ hay đích đáng thời thưởng cho cái kiếm này.

Phùng-Ngọc nói:

— Đã có người nào làm được chưa?

A-Man nói:

— Cũng có người đến làm thơ, song đều không vừa ý công-tử tôi cả.

Phùng-Ngọc nói:

— Tiểu-sinh muốn làm có được không?

A-Man nói:

— Chỉ sợ tướng-công không biết làm thơ, nếu làm được ra thời hẳn là được tặng kiếm này chớ chẳng sai.

Phùng-Ngọc cả mừng, liền gọi Hoàng-Thông đem nghiên bút lại, A-Man ngăn lại mà rằng:

— Tướng-công hãy khoan để tôi nói một điều này đã.

Phùng-Ngọc nói:

— Còn có điều chi nữa?

A-Man nói:

— Công tử tôi trước vẫn phó mặc cho ai muốn làm thơ thời làm, sau có mấy người không biết ở đâu đi sao nhặt được bài cũ của người khác, đem đến chực đánh lộn sòng, phải công tử tôi mời vào nhà trong diện-thí, thời nửa ngày không nặn ra được một chữ, công-tử tôi mới than rằng: « Bảo-kiếm này cốt để tặng cho người tài-tử chân-chính, nếu lầm phải người dốt đặc thời chả hoài lắm ru! » Song ngư-mục hỗn-châu, chân-tài khó biện, cho nên công-tử tôi lại nghĩ ra được một kế là làm thơ thời phải bản-điếm hạn vần cho mà làm ngay trước mặt, làm xong thời viết lên trên tấm vóc kia, chân, thảo, triện, lệ, tùy người làm thơ muốn viết lối nào thời viết. Nhưng phải thơ cho hay chữ cho tốt mới được. Tôi sẽ đem trình công-tử tôi xem, nếu công-tử tôi cho là được, bấy giờ sẽ mời thi-nhân vào nhà trong thử thơ một lần nữa nếu hẳn là bậc tài-tử vườn Nam, văn hay chữ tốt. thời mới được tặng kiếm này. Tướng-công muốn làm thơ để tôi xin đem vần ra.

Phùng-Ngọc nói:

— Thế thời càng hay...!

A-Man liền bước vào cầm ra một cái bình bạc cao hơn một thước, có một đôi đũa ngọc cắm ở trong bình, sau lưng lại có một tên hắc nô cầm theo ra một bức vóc nền vàng và các đồ văn-phòng tứ-bảo đặt lên trên án, tên hắc-nô bèn đứng mài mực, A-Man trỏ cái bình bạc mà rằng:

— Vần thơ ở trong cái bình này tướng-công gắp ra được vần nào thời làm theo vần ấy.

Phùng-Ngọc ung dung cầm đôi đũa ngọc đưa vào trong bình bạc sẽ gắp ra miếng giấy thời là vần chữ « hồ », trông trên mặt án thời thấy một cái bút cùn. Phùng-Ngọc cầm lấy quản bút dầm vào nghiên lấy mực, không nghĩ ngợi không viết giáp gì cả. cầm bút viết ngay lên trên bức vóc, chữ viết thật là tân-kỳ đĩnh-đặc, khuôn phép mà không nệ-nập. phóng-túng mà không lông-bông, chuyết mà càng xảo, cương mà hay nhu hình như con thiên-mã bôn-trì thiên-lý, khí thế hùng-hồn; chửa biết thơ ra làm sao, nhưng mới xem nét bút đã đủ kinh sợ. A-Man đứng bên cạnh trông Phùng-Ngọc cầm ngòi bút cùn khiến đi như là hạc múa lưng trời, hồng bay qua bể. thời đã lấy làm mừng. Khi viết xong, A-Man trông Phùng-Ngọc cười mà rằng:

— Tướng-công thực là thiên tài chỉ xem chữ viết này đã đủ đáng giá nghìn vàng. song chữ thảo tôi không nhận ra được hết, xin tướng-công đọc cho tôi nghe.

Phùng-Ngọc lên cao giọng mà đọc rằng:

Gươm này là của báu non Ngô,
Chạm rũa khen ai khéo điểm tô?
Vỏ ngọc tuốt ra lanh nhoáng chớp,
Chuôi ngà trỏ ngược sáng lòe châu.
Ngang trời chém phắt loài yêu quỉ,
Vạch đất khua tan lũ giặc thù.
Muốn biết của này là của quí,
Có chăng đem hỏi khách Phong-Hồ[1]

Phùng-Ngọc đọc xong. A-Man vỗ tay cả cười mà rằng:

— Hay thay! hay lắm! Ngày mai xin mời tướng-công vào nhà trong để cùng công-tử tôi hội-diện.

A Man nói rồi, liền sai đầy tớ bày tiệc trân kỳ mĩ vị không thiếu một thức gì Phùng-Ngọc cả kinh mà rằng:

— Sao ông lại bày biện xa-xỉ thế này?

A-Man nói:

— Đó là công-tử tôi dặn hễ ai đến làm thơ thời phải khoản-đãi như thế, xin mời tướng-công ngồi, khí trời nóng nực xin mời tướng công uống vài chén rượu.

Phùng-Ngọc từ chối mãi rồi mới chịu ngồi, hai người chén thù, chén tạc uống mãi đến lúc đầu cành trăng xế, đồng hồ sang canh. A-Man chợt hỏi rằng:

— Chẳng hay tướng-công đi hỏi thăm bà con ở xứ nào?

Phùng-Ngọc nói:

— Tôi đi thăm cô tôi ở dưới núi Trà-mi cách cửa Nam huyện Tùng-hóa ngoài 20 dặm.

A-Man nghe nói liền bảo rằng:

— Như thế thời hay lắm!

Phùng-Ngọc nói:

— Sao vậy?

A-Man nói:

— Nhà công-tử tôi cũng ở đàng cửa Nam ngoại 10 dặm, ngày mai xin mời tướng-công qua chơi công-tử tôi. rồi từ đó tiện đường đến núi Trà-mi, chỉ độ nửa ngày thời đến nơi, thực là tiện lắm! Vả lại đi qua con đường tắt này thời lại mát mẻ mà gần hơn nữa.

Phùng-Ngọc cả mừng khoái ý, uống rượu mãi đến khuya mới nghỉ Ngày hôm sau, A-Man trở dậy dặn bảo đầy tớ trông coi tửu-điếm, lại bảo tên hắc-nô gánh đồ hành-lý thay cho Hoàng Hán, còn mình thời cùng với thày tớ Phùng-Ngọc cưỡi ngựa thẳng trỏ về đàng núi Gia-quế mà đi. Đi được hai ba ngày đến dưới chân núi. Phùng-Ngọc trông lên thời thấy: núi cao ngất trời. đèo ngang ngăn đất, đá lởm chởm hình như hổ-cứ, suối ầm-ầm hưởng tựa sấm vang, cây cối bùm-tum, oanh yến bay ra không lọt; loan-phong trùng-điệp, cáo cầy nhẩy nhót vô-vàn; thực là đường cùng hết đất, núi ngất che trời. Phùng-Ngọc trong bụng nghi-ngờ mà hỏi rằng:

— Tôi nghe nói đến huyện Tùng-hóa không xa mấy, sao nay đi đã ba bốn ngày, mà lại vào mãi chốn thâm-sơn cùng-cốc này làm vậy?

A-Man nói:

— Xin tướng-công chớ nghi ngờ, qua ngọn núi trước kia thời trông thấy núi Trà-mi ngay.

A-Man bèn đưa Phùng-Ngọc đi theo mé rừng quanh co đi một hồi lâu, xa xa trông thấy đột-khởi hai ngọn núi, ở giữa khai ra một cửa ải, cây thương ngón giáo cắm đầy trên ải, rất là hùng-tráng, đôi bên núi đá bích-tập như thành, ở giữa có một con đường xây bằng đá xanh cứ từng bậc mà lên, vào trong cửa ải thời là một gò đất phẳng lập ra một dinh trại, chia ra từng phòng, có dựng một cột cờ cao ngất trời, trên treo một lá cờ vàng, đề ba chữ: « Triều-thiên-quan », gió đưa phe phẩy; đàng sau dinh trại lại thấy một dẫy đình-đài cao trót-vót. Phùng-Ngọc cả kinh ngảnh lại A-Man mà hỏi rằng:

— Đây là chỗ nào? ông lừa tôi đến đây làm gì thế?

A-Man cười mà rằng:

— Tướng-công đừng kinh-sợ chi cả, một lát nữa sẽ biết; nay trời đã tối xin mời tướng-công vào quán-dịch này tạm nghỉ.

Phùng-Ngọc không làm thế nào được phải bước vào quán-dịch, thời thấy có hai viên tì-tướng ở trong ra nghênh-tiếp Phùng-Ngọc vội vàng xuống ngựa chào hỏi mà rằng:

— Chào hai tướng-quân, dám đâu lao-phiền hai vị tiếp rước làm vậy.

Khi vào đến trong quán-dịch, hiến trà nước xong, thời thấy một tên tiểu-tốt cầm một cái danh-thiếp đỏ vào quì trước mặt Phùng-Ngọc mà rằng:

— Phù tướng-quân tôi xin vào bái yết tướng-công.

Phùng-Ngọc ngơ ngác mà rằng:

— Chẳng hay Phù tướng-quân nào, tôi không quen biết bao giờ, sao lại đến tương-kiến có việc chi vậy?

A-Man chắp tay mà rằng:

— Xin tướng-công chớ lấy làm quái lạ, tôi xin nói thực: đây là núi Gia-quế, chu-vi hơn 500 dặm, dân Mán Mèo chúng tôi vốn chiếm-cứ ở đây, hùng-binh hai mươi vạn, chiến-tướng ngoại nghìn viên, chúa dân Mán Mèo chúng tôi là Lý đại-vương trước khi mất không có con trai chỉ sinh được một Công-chúa, năm nay 17 tuổi, tài kiêm văn võ, đẹp sánh Tây thi, chúng tôi tôn lên làm chủ trại. Hai năm trước Công-chúa tôi đem chúng tôi qui-mệnh theo về thiên-triều, nhờ ơn Hoàng-đế phong cho chủ-trại tôi làm Nhất-phẩm Kim-hoa công-chúa, hằng năm thâu-nạp tô-thuế, theo về làm lương-dân, từ đó Công chúa tôi ưu-du vô-sự, nhàn vịnh văn thơ, mới rồi bắt được hai thanh bảo-kiếm, muốn vịnh một bài thơ mà nghĩ mãi không được bài nào hay, nhân tôi xuống núi có việc công, bèn sai tôi cầu các bậc tài-tử trong thiên-hạ làm hộ cho một bài thơ, trước chúng tôi nói dối là công-tử, song kỳ-thực chính là đấng Công-chúa chúng tôi vậy.

Phùng-Ngọc nghe nói mới biết là bị lừa, song đã lỡ đến đây không biết nghĩ sao, sẽ đủng-đỉnh nói rằng:

— Nếu phải là giai-nhân muốn khảo thơ thời cũng hay, sao không bảo trước, mà lại phải nói dối quanh-co mãi thế.

A-Man nói:

— Nói thực ra sợ tướng-công có lòng hiềm-nghi chăng, xin tướng-công thứ tội.

A-Man nói vừa rứt lời, thời nghe tiếng thanh-la đã tới gần, quân tả-hữu chạy vào báo: Phù tướng-quân đã tới nơi. Phùng-Ngọc bấy giờ cũng phải xuống thềm để nghênh-tiếp, Phù-Hùng trông thấy cả mừng, dắt tay Phùng-Ngọc lên thềm, thi-lễ mời ngồi. Phù-Hùng nói:

— Tướng-công tài mạo, thực là thiên-hạ vô song, Phù-Hùng này may được tiếp tôn-nhan, thực lấy làm hân-hạnh lắm!

Phùng-Ngọc cúi mình mà rằng:

— Kẻ tiện-sĩ chốn thảo-mao, tài hèn trí mọn, may ngài không quở trách đã là mừng, dám đâu đang được tiếng khen quá-đáng.

Phùng-Ngọc nói:

— Công-chúa tôi xem bài thơ của tướng-công lấy làm thâm-phục lắm, ngày mai muốn cầu tướng-công làm cho một bài nữa, sẽ tạ ơn một thể, xin tướng-công chớ tiếc lời vàng ngọc.

Phùng-Ngọc vâng lời. Phù-Hùng cả mừng, ngảnh lại A-Man mà rằng:

— Ngươi khá bồi-tiếp tướng-công ở đây, ngày mai ta sẽ thân đến tiếp rước tướng-công.

Phù-Hùng nói rồi liền cáo từ lui ra. Ngày hôm sau, Phù-Hùng và Bàn Ma-La đem quân lính rước kiệu hoa và nghi trượng đến nơi quán dịch nghênh-tiếp. Phùng-Ngọc cố khiêm nhường không được, phải bước lên kiệu, chiêng trống rước đi thẳng về đàng trái núi sau trại, đi được vài dặm đường trông thấy một cửa ải. Tướng giữ ải ra cúi mình nghênh-tiếp. Phùng-Ngọc liền xuống kiệu đáp lễ, thông-tỏ tính-danh, rồi lên kiệu lại đi; đến cửa ải Vọng-hải; tướng giữ ải là Đường Hổ cùng bốn viên tổng trại đều ra nghênh-tiếp, Phùng-Ngọc tiếp-kiến đáp lễ xong lại lên kiệu đi, xa xa trông thấy một thành, cửa thành viết ba chữ đại-tự: « Gia-quế-lĩnh. » Khi vào đến trong thành thời thấy tả hữu đôi bên đường đều là người Mán Mèo ở từng chòm một làm ăn như thường, ở giữa có một vương-phủ, cực-kỳ tráng-lệ, đi vào đến trong cửa phủ thời đôi bên nữ-binh bày hàng đôi, đến hàng trăm người, toàn là con gái Mán Mèo, đều mặc đồ nhung-trang, đeo gươm buông tay mà đứng; chư-tướng mời Phùng Ngọc vào cửa viên-môn đến bên tả-vũ, rồi bẩm rằng:

— Xin mời tướng-công ngồi tạm đây một lát, để tiểu-tướng vào mời Công-chúa ra tương-kiến.

Nói rồi, chư-tướng đều bước tới công-đường sai người vào bẩm, một lát nghe tiếng chuông kêu, thời thấy vô số cung-trang mĩ-nữ rước ra một vị Công-chúa, mình mặc áo hồng-cẩm, đầu đội mũ thúy-châu, Phùng-Ngọc liếc mắt trông thời thấy Công-chúa quang-thái động-nhân, cử-chỉ an-nhàn, thực là bậc khuê-tú, phong-tư yểu-điệu, rõ là dáng cung-nga, đem tỉ với Hán-cung Công-chúa thời mày ngài mắt phụng có phần còn hơn Phùng-Ngọc bụng nghĩ thầm rằng: Không ngờ trong giống người Mán Mèo mà lại có người con gái đẹp như thế. Đương lúc kinh-nghi, thời đã thấy Phù-Hùng chạy đến mời. Phùng-Ngọc sóc áo bước lên tương-kiến. Công chúa trông thấy Phùng-Ngọc bước lên sẽ đứng dậy dần dần bước tới thềm bên tây đứng trông về bên đông Phùng-Ngọc trông lên vái một vái mà rằng:

— Tiểu-sinh Hoàng Quỳnh xin đến yết-kiến.

Công-chúa sẽ khép vạt áo mà rằng:

— Xin tướng-công sá lễ cho.

Phù-Hùng mời Phùng-Ngọc ngồi ngảnh mặt về hướng tây: Công-chúa ngồi ở bên hữu ngảnh mặt về hướng nam, các thị-nữ cầm quạt che hầu, hiến trà xong, Công-chúa sẽ cất tiếng nói mà rằng:

— May được tướng-công hạ-cố ban cho lời châu-ngọc, đọc lên nghe thời như mở lòng mao-tắc: nay muốn xin tướng-công vịnh cho một bài thơ nữa, để truyền làm của báu ở núi này, xin tướng-công chớ tiếc.

Phùng-Ngọc nói:

— Văn thơ tiểu-sinh tỉ như đất bùn, không đáng để giai-nhân lưu thanh-nhãn; song đã có lòng dạy đến, dạy thời xin vâng.

Thị-nữ đem bày ra trên án một bức vóc trắng Công-chúa đưa cho thị-nữ một tờ hồng-tiên đệ đến trước án. Phùng-Ngọc mở ra xem thời thấy trong tờ hoa-tiên viết một hàng chữ rằng: « Dĩ cầu tự vi vận » nghĩa là lấy chữ « cầu » làm vần thơ. Phùng-Ngọc bước đến trước án cầm bút muốn viết ngay, song chửa biết viết lối chữ gì cho tốt, ngửng đầu lên trông thấy ở tiền-đường treo hoành-biển phỏng lối chữ lệ ông Lê Dao-Thạch viết ba chữ đại-tự: « Thuận-chính-đường» bên cạnh viết lạc-khoản là: «Lý Tiểu-Hoàn hiệu bút » Phùng-Ngọc biết ngay là chữ của Công-chúa viết, nếu Công-chúa thích chữ lệ, thời ta viết ngay cho một bức chữ lệ. Viết xong, thị-nữ đem đệ đến trước án Công-chúa, Công chúa đứng dậy xem thời thấy chữ viết bút-thế tung-hoành, lại tốt thập-bội hơn lối chữ Dao-Thạch. Công-chúa ra dáng mừng rỡ tươi cười, lại đọc đến thơ rằng:

Một ngọn thần quang quỉ nép đầu,
Muôn vàn nào dám sánh chi đâu.
Lồng mây vẻ sáng rồng bay lượn,
Rẽ nước oai thiêng song lộn ngầu.
Chớp nháng Công-tôn khi đấu sức,
Sao sa Việt-nữ lúc đua nhau.
Phong thành dấu cũ dù ai biết,
Của báu còn đây ắt phải cầu

Công-chúa xem thơ xong, thấy giọng thơ từ-khí hùng-hồn lại có ý đả-động đến mình câu cuối có ý tán-dương trong bụng Công-chúa lấy làm cảm-kích lắm, bèn cúi đầu vái tạ, Phùng-Ngọc cung kính đáp lễ lại. Công-chúa vái tạ xong liền ngảnh lại bảo Phù-Hùng rằng:

— Nhờ cữu-phụ khoản-tiếp Hoàng tướng-công hộ cháu.

Nói rồi Công-chúa liền thư-từ trở vào, thị-nữ đôi hàng theo hầu nghiêm-chỉnh. Phù-Hùng bèn cùng chư-tướng mời Phùng-Ngọc đến nhà tiền-đường phô trương đàn sáo, bày ra yến tiệc khoản đãi, chuốc chén chúc mừng, uống rượu mãi đến canh khuya mới tan tiệc. Phùng-Ngọc nghỉ ở trong trại Phù Hùng ngủ đến đầu canh năm mới tỉnh giấc dậy, bụng nghĩ thầm rằng: Hôm qua Công-chúa sao lại hạn lấy chũ « cầu » làm vần thơ, hay là có ý muốn bắc cầu Ô-thước gì chăng? Song ta không phải là Sái Bá-Giai sao hay bỏ cha mẹ, quên làng nước, phụ ước nàng Trương-Thị mà đi theo ai? Vả lại không phải là nòi giống ta thời bụng họ ăn ở tất khác, tính quân Mèo Mán hung tợn phản-trắc vô-thường, không thể ở đây mãi được, nếu họ có ý cầu mình, thời mình nhất-định là không theo Phùng-Ngọc nghĩ như vậy bèn sóc áo trở dậy hỏi quân hầu tả hữu rằng:

— Hai tên đầy tớ hầu ta nó ở đâu?

Tả hữu thưa:

— Bẩm tướng-công, hôm qua tiểu-đầu-mục trong trại tôi mời hai anh ấy về đàng sau trại uống ruợu, hẳn là nghỉ ở đàng ấy.

Phùng-Ngọc nói:

— Nhờ các anh gọi nó về đây, để tôi bảo nó việc này.

Tả hữu thưa:

— Các anh ấy thế nào rồi cũng lại, không thể đến gọi được.

Nói vừa rứt lời thời thấy Phù-Hùng bước vào nói:

— Tướng-công trở dậy sớm mấy?

Phùng-Ngọc nói:

— Hôm qua thừa tướng-quân hậu-ý khoản-đãi, uống rượu say quá, ngủ đến mới rồi vừa tỉnh dậy.

Phù Hùng nói:

— Chốn sơn-trại chúng tôi luộm thuộm quê mùa quá, xin ngài miễn-chấp cho.

Phùng-Ngọc nói:

— Chúng tôi thực là quấy quả ngài lắm lắm!

— Thưa tướng-công chớ ngại, tiểu-tướng có một lời tâm-phúc này, xin tướng-công chớ hiềm đường-đột cho tiểu-tướng xin thưa.

— Xin tướng-quân cứ nói có can sao.

— Thưa tướng công, chẳng dám nói giấu. Kim-hoa công-chúa chính là sanh-nữ gọi tiểu-tướng bằng cậu. năm nay 17 tuổi, khi tiên-tỉ-phu tôi là Đô-bối đại-vương lúc hấp-hối, có phó thác cho tiểu tướng kén hộ người rể. Song tiểu-tướng trộm nghĩ rằng sanh-nữ con nhà cũng có chút tài-tình phẩm-hạnh. khác với kẻ dung-lưu; tất phải kén người nào anh-hùng tài mạo kiêm-toàn, thời sánh đôi mới xứng đáng. Nhưng trời đất dẫu mênh-mông, mà anh hùng thực hiếm có, đã thăm dò mấy năm trời mà không thấy ai hơn được tướng-công, nay xin tướng-công chớ hiềm là loài Mường Mán, cho được kết duyên Tần Tấn nên chăng?

Phùng-Ngọc liền nghiêm nét mặt cự lại mà rằng:

— Tiểu-sinh thừa hậu-ý tướng-quân khuyên bảo như vậy, tiểu-sinh đâu dám chối từ; song tiểu-sinh nghĩ có ba điều, quyết không có thể tùng-mệnh được, xin tướng-quân lượng cho.

— Thưa tướng công, ba điều gì xin cho tiểu-tướng được hay.

— Thưa tướng-quân, tiểu-sinh còn có phụ mẫu tại-đường, chắc rằng Công-chúa không hay bắt chước được như Tôn phu-nhân, theo Lưu-Bị mà đi về bên Hán; tiểu-sinh cũng không dám theo thói chàng Ngưu mà quên cha mẹ, cho nên không tùng-mệnh được, điều ấy là một. Tiểu-sinh nguyên đã cưới lấy nàng Trương-thị làm vợ rồi, xưa kia Tống Hoằng làm trai mà không quên nghĩa tao-khang, Vĩ-sinh chịu chết mà không phụ lời ước-thệ, huống chi như tiểu-sinh dám đâu bỏ vợ đấy lại đi lấy vợ khác. chịu mang tiếng là người phụ-bạc, không thể tùng mệnh được, điều ấy là hai. Vả lại kẻ bần-nho nơi ngõ hẻm, đâu dám ngõi đến mùi vinh-hoa, nàng Tống-tử chốn buồng hương, nên sánh cùng người sang-quí, vì thế xưa kia cậu công-tử Hốt không dám làm rể nước Tề, nhà nho Bất Nghi thời từ-hôn họ Hoắc, quân-tử vẫn lấy làm khen, tiểu-sinh đâu lại như ai mà dám mộ quí ham giàu. để nhơ nhuốc đến cành vàng lá ngọc, không thể tùng-mệnh được, điều ấy là ba Vả tôi nghe bậc quân-tử lấy đạo-đức yêu người, chớ không ép uổng, xin tướng-quân tuyển-trạch lấy bậc danh-môn khác, cho tiểu-sinh xin cáo biệt.

Phù-Hùng cười mà rằng:

— Việc đó xin hãy nghĩ kỹ, vả lại tướng-công đã nói ra ba điều như vậy, để tiểu-tướng vào phúc bẩm Công chúa xem nghĩ xử thế nào?

Phù-Hùng nói rồi liền đứng dậy cáo-từ lui ra, một lát lại trở lại, mỉm cười mà rằng:

— Công-chúa tôi nói hai điều trên cực là dễ xử, còn một điều sau nữa thời xin tướng-công chỉ mở to con mắt ra mà xem là xong.

Phùng-Ngọc nói:

— Nghĩa là làm sao?

Phù-Hùng nói:

— Công-chúa tôi nói: Tướng-công không phụ Trương phu-nhân, thời tất là không phụ Công-chúa tôi, song tướng-công còn có ông cụ bà cụ song-thân tại-đường, nếu khi thành-thân rồi thời mặc tướng-công đi lại hai nơi, hoặc năm ba năm đến sơn-trại một lần cũng được, chớ không ai dám ngăn cấm. Tướng-công đã lấy Trương phu-nhân rồi, thời Công chúa tôi xin làm thứ có ngại chi. Còn như nói là học trò không dám lấy Công-chúa, chẳng qua là lời trang-sức, tướng-công thực không phải là trọng Công-chúa, chẳng qua là khinh chúng tôi là lũ Mường Mán đó mà thôi xưa kia nàng Mộc-Lan trung-dũng hiếu-nghĩa, người đời ai cũng khen, thế mà xét đến quê quán thời cũng là dân nòi Mường Mán thuộc về bộ Xương-bà Khắc-hãn rợ Tây-đột-quyết; tướng-công lại dám coi khinh Công-chúa tôi không làm được như Thẩm phu-nhân ư? sao lại khinh người làm vậy?

Phùng-Ngọc phải Phù-Hùng nói kháy mấy câu, thẹn đỏ mặt lên mà rằng:

— Tôi đâu dám khinh Công-chúa. song thực là một sang một hèn không đáng. Nay Tướng-quân đã quá yêu như thế, hãy để cho tôi cùng với người nhà bàn tính xem sao.

Phù-Hùng cả mừng lui ra, liền cho gọi Hoàng Hán với Hoàng Thông hai người vào hầu.

Phùng-Ngọc hỏi:

— Hai chúng ngươi sao không ở đây hầu ta?

Hoàng Hán thưa:

— Bẩm tướng-công, vì có tên tiểu-đầu-mục mời chúng tôi đến đàng trại sau núi, giữ không cho lại, họ bảo rằng Công-chúa định kết-thân với tướng-công, thời người trong sơn-trại này đều là đầy tớ tướng-công cả, đều phải hầu hạ tướng-công, không cần phải gọi đến hai chúng tôi nữa. Tôi có bảo rằng: Tướng-công đã lấy tiểu-thư con gái cụ Trương thái-công rồi, sợ không thể ép lấy được. Họ cười mà bảo rằng: Hễ đã đến trong sơn-trại này, chỉ sợ là Công-chúa không thèm lấy, nếu Công-chúa đã có ý chung-tình, thời dẫu con gái vua đương-triều, cũng không thể cướp giật tướng-công nhà người đem đi đâu được. Không biết ở đàng này có ai nói đến chuyện ấy không?

Phùng-Ngọc bèn đem lời Phù-Hùng nói chuyện thuật lại cho Hoàng Hán nghe.

Hoàng Hán nói:

— Tôi nghe Công-chúa là người rất tử-tế, tất cả trong sơn-trại ai cũng coi Công-chúa như cha mẹ. Nếu họ đã nói như thế, thời tướng-công cũng nên nghe theo. Nếu không nghe theo, mà Công-chúa giá có để cho tướng công trở về, tôi sợ bọn thủ-hạ họ lại thả dây ra mà giằng kéo lại, cũng chửa dễ đã về thoát được nào

Phùng-Ngọc nguyên vẫn có ý yêu mến Công-chúa, nay lại nghe lời Hoàng Hán nói liền gật đầu mà rằng:

— Ừ, ngươi nói cũng phải.

Liền sai Hoàng Hán đến trả lời cho Phù-Hùng biết. Phù-Hùng cả mừng, ban thưởng cho Hoàng Hán. Chọn ngày mời Phùng-Ngọc tắm gội, mặc áo đại-hồng cát-phục, rước đến Thuận-chính-đường, kèn sáo chuông trống nổi lên, thị-nữ rước Công-chúa ra. Hai vợ chồng song-song làm lễ tế bái thiên-địa, rồi trở vào làm lễ lạy Phù phu-nhân. Xong rồi hai vợ chồng mới làm lễ giao-bái, đưa nhau vào chốn động-phòng, Phùng-Ngọc sẽ cất cái khăn hồng-sa phủ đầu của Công-chúa ra thời thấy Công-chúa ôn nhu yểu-điệu, quang-diễm động-nhân, thực là làn thu-thủy nét xuân-sơn, mây thua nước tóc tuyết nhường mầu da.

Phùng Ngọc mừng rỡ khôn xiết. Thị-nữ dâng chén hợp-cẩn, hai người đều là hào-kiệt không thẹn thò như kẻ nhi-nữ tầm-thường, cùng cất chén thù tạc một hồi. Phùng-Ngọc đưa mắt nhìn Công-chúa, Công-chúa hiểu ý bảo các thị-tì lui ra chỉ để hai tên thị-tì hầu thân là Xuân-Hoa. Thu-Nguyệt ở lại dọn giường giải đệm, cất áo trao đai rồi khép cửa buồng lại, hai người cùng nhau chung phủ chăn uyên, nghỉ yên giấc điệp.

Ngày hôm sau trở dậy, Công chúa mời Phùng-Ngọc ra nhà trung-đường bái tạ Phù phu-nhân, chư-tướng đều đến hỉ-hả. Phù phu-nhân truyền thiết yến ở ngoài để khoản-đãi chư-tướng. Phùng-Ngọc làm chủ-tịch; mặt trong thời khoản đãi các vợ chư tướng, dẫu không có nem công chả phượng, song thực là rượu như nước thịt như non. yến ẩm luôn ba ngày. Các tướng trong trại thay đổi nhau mời Phùng-Ngọc đãi tiệc, hầu đến hơn một tháng, cả đến Hoàng Thông. Hoàng Hán theo hầu Phùng-Ngọc cũng được đãi rượu, mê man cả ngày lúc nào cũng say, không ngờ thấm thoát thoi đưa, hắt hiu gió lạnh, sân ngô cành biếc đã chen lá vàng, đã qua sang đầu tháng bảy. Phùng Ngọc bèn nói với Công-chúa rằng:

— Tôi vì vâng mệnh cha để đi thăm cô, khi bước ra đi mẹ tôi khóc lóc cầm tay tôi mà bảo rằng: « Con ơi, con liệu mà trở về cho sớm, đừng để mẹ sớm hôm tựa cửa trông mong. » Tôi có hẹn với mẹ tôi rằng: « lâu ra là ba tháng, không thời chỉ trong hai tháng là trở về » không ngờ trước gặp Trương-thị đã lưu-liên mất một tháng, nay lại gặp Công-chúa lưu luyến đã bấy lâu Phùng Ngọc ngày nay muốn từ Công-chúa để đi hỏi thăm cô, rồi tạm trở về quê hương để yên lòng song-thân mong đợi. Vả lại Nhạc-trượng Trương thái-công tôi còn muốn đem cả nhà, về ở Trình-hương đợi tôi qua đó, khởi trình cùng đi, tôi đã hẹn lời rồi, sợ Trương-công mong đợi. Vậy cho tôi đi đón Trương-thị về nhà, để xếp đặt ở nhà cho yên-ổn. rồi tôi sẽ trở lại cùng với Công-chúa duyên ưa cá nước vui-vầy.

Công-chúa nói:

— Thưa cùng chàng, cha mẹ chàng tức là cha mẹ thiếp, thiếp há lại quên đi hay sao? Song bây giờ đương mùa tam-phục[2], lửa nắng chẩy vàng, ở trong dinh cao toà lớn này, quạt luôn tay mà còn mồ hôi đổ ra như tắm, chàng há nên đi đường sá xa xôi. xin hãy đợi đến mùa mát, thiếp sẽ chỉnh-bị chút cam chỉ lễ thường, sai người theo hầu chàng cùng đem về dâng cha mẹ. Còn như bà cô thời chàng bất tất phải thân-chinh đến thăm, chỉ xin chàng viết cho một phong thư, để thiếp sai người đến núi Trà mi tiếp rước bà cô đến đây cùng ở là tiện, chắc rằng bà cô ở núi Trà-mi đó, quang-cảnh cũng không có gì, chàng thử nghĩ xem sao?

Phùng-Ngọc cả mừng liền viết một phong thư đưa cho Công-chúa. Công-chúa bèn gọi một tên tì-tướng đến giao cho một gói bạc 50 lạng và một phong thư, dặn bảo rằng:

— Nay ta cho ngươi đến huyện Tùng-hóa, cách ngoài cửa Nam độ 20 dặm, thăm tới núi Trà-mi, hỏi tìm đến nhà bà cô của Hoàng chúa công, rồi đưa trình thư này ra, cố mà nèo đón cả mẹ con nhà bà lên sơn-trại này.

Tì-tướng vâng mệnh ra đi. Công-chúa bèn sai thị-tì bày tiệc ở hoa-viên, để cùng uống rượu với Phùng-Ngọc. Công-chúa hỏi rằng:

— Thưa chàng, Trương tiểu-thư sao lại chịu theo chàng về Nam?

Phùng-Ngọc thuật lại chuyện trước một hồi cho nghe. Công-chúa ngồi ngẫm-nghĩ hồi lâu mà rằng:

— Thiếp tưởng từ Mai-hoa thôn về đến nhà chàng, đến hơn nghìn dặm, giá về ở sơn-trại này với thiếp thời lại gần hơn, chàng sao không đón nàng đến đây để cùng ở với thiếp.

Phùng-Ngọc nói:

— Sợ Trương tiểu-thư không chịu đến chăng.

Công-chúa nói:

— Thiếp muốn viết hai phong thư: một phong đưa cho Trương tiểu-thư, một phong trình với ông bà nhà ta, để tỏ ý thiếp ân-cần, họa là ông bà với tiểu-thư cảm cái lòng thành của thiếp mà chịu lại chăng, song đưa thư cho ông bà thời chàng phải sai người nhà thân đi, còn tiểu-thư thời chàng phải thân đi đón mới được, chàng nghĩ có phải không?

— Nếu tiểu-thư không chịu lại, thời làm thế nào?

— Nếu mà nàng nhất-định không lại thời bấy giờ tùy chàng xử-trí, thiếp không dám cưỡng.

— Nếu như thế thời hay lắm, hãy đợi đón được bà cô về đây. rồi Công-chúa sẽ viết cho mấy phong thư để gửi đi.

Thấm thoát quá nửa tháng, tên tì-tướng trở về, bẩm rằng:

— Tiểu-tướng đến núi Trà-mi hỏi thăm đến chỗ nhà bà cô, thời không còn thấy có bóng người nào cả, hỏi thăm láng diềng đều nói rằng: mùa thu năm ngoái có người con lớn bà ấy ở châu Đức-khánh mở cửa hàng buôn bán cũng khá, có sai người về đón mẹ con bà đi ra ở đó, tôi lại hỏi rõ tên đất xứ đó là gì, thời bảo tên là Đại-hám-sơn thuộc châu Đức-khánh

Phùng Ngọc nghe nói sinh lòng buồn bã. Công-chúa nói:

— Dám xin lang-quân chớ phiền, cô-nương dẫu đã đến châu Đức-khánh, song để thiếp lại sai người đến đón rước bà lại đây.

Phùng-Ngọc nói:

— Như thế quyết là không được, khi bà cô tôi còn ở núi Trà-mi, nếu cho người đón không chịu lên sơn-trại, thời tôi đến tận nơi hỏi thăm cũng dễ. Nay đã đến Đức-khánh, đường-cái xa xôi, nếu cho đón mà không chịu lại, tôi lại phải đi đến nơi, đi lại chỉ thêm tổn mất ngày tháng, gì bằng tôi đi đến thăm ngay, nếu mà chịu lại thời tôi đón luôn đi; nếu không chịu lại, thời tôi trở về sơn trại, rồi về luôn nhà quê, như thế mới khỏi chậm trễ, để cha mẹ tôi khỏi nhớ mong và nhà Trương-thị cũng không phải chờ đợi. thế nào tôi cũng về xếp đặt cho yên-ổn, rồi sẽ lại cùng với Công chúa thỏa-thuê. Còn như trước bàn định để Công-chúa viết thư gửi về nhà, hãy để tôi khởi-trình đi rồi, sẽ sai người cầm thư về nhà cũng được.

Công-chúa nói:

— Lang-quân đã nói như vậy để mai tôi xin viết thư.

Đêm hôm ấy Phùng Ngọc vì uống rượu luôn mấy ngày mệt nhọc. Vả lại nay mai lại sắp phải đi Đức-khánh, trong bụng buồn rầu, nửa đêm tự-nhiên phát sốt rét, phiền-táo hôn-mê. không ăn không ngủ được Công-chúa cả kinh, đón thày điều-trị, tự mình hầu hạ thuốc-thang, đai áo mặc luôn mình đến hơn một tháng. Phùng-Ngọc mới hơi bớt dần dần, lại phải điều-dưỡng đến hơn một tháng nữa, tinh-thần mới được như cũ. Phùng-Ngọc muốn cáo-từ Công-chúa đi Đức-khánh ngay. Công-chúa cố giữ lại mà can rằng:

— Thưa lang-quân, nay lang-quân quí-thể mới yên, mà gió đông rét mướt thế này, còn đi đâu được nữa. Xin đợi đến sang xuân, khí trời hoà ấm. bấy giờ ra đi cũng chẳng trễ gì.

Phùng-Ngọc nghe lời phải lưu ở lại, qua hết mùa rét sang tới mùa xuân, thời gió lạnh mưa dầm, luôn mấy tháng không tạnh đến sang đầu mùa hè, mới thấy mây quang mưa tạnh. Phùng-Ngọc liền bảo Công-chúa viết thư tự mình cũng viết một phong thư nữa giao lại cho Công-chúa. rồi gọi Hán, Thông hai tên đầy tớ bảo sắp sửa hành-trang. Lại đinh-ninh dặn bảo Công-chúa một hồi, rồi vào từ tạ Phù phu nhân để khởi-trình ra đi. Công-chúa tiễn ra khỏi sơn-trại, chư-tướng đều lại tống-tiễn, Phùng-Ngọc đều giã ơn tạ lại cả, và xin Công-chúa trở lại, vái từ mà đi.

Thực là:

Giọt lệ trượng phu không phải cạn,
Bước đường ly-biệt ngại chi xa.


  1. Tên người có tiếng xem gươm sành
  2. Là ba ngày phục: thượng phục, trung phục, mạt phục. ở về cuối hè sang thu, khí trời nóng nực.