Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Hồi thứ X

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ X

Tìm bạn cũ đi suông không gặp,
Tỏ tình ngay, vu-phản mắc-nàn.

Phùng-Ngọc tưởng là Lý công-chúa đã chết rồi, thừa-gián cùng với Mai Anh đi đến nơi liệm-táng, tế xong, đến quá nửa đêm lẻn ra ngoài trại, sẽ đi xuống núi Cẩm-thạch, dò được một con đường nhỏ cứ đi liều. Đêm hôm ấy mây đen mù mịt, trăng sao không có, tối mù mù. Phùng-Ngọc đã qua được mấy quả núi đá, không ngờ đi đến đường cùng, tiến-thoái lưỡng-nan, mặt đàng trước thời nước reo như sấm. Phùng-Ngọc trong bụng hoang-mang, ngửng đầu giơ tay lên vin lay hòn đá, chực muốn trèo lên mé trên, không ngờ rêu trên mặt đá sương xuống ướt nhơm-nhớp trơn như mỡ đỏ, víu không được vững, trượt chân một cái, hình như con diều liệng mình rơi đánh bõm tự lưng chừng trên sườn núi sa xuống nước, chẳng khác chi:

Đá trên sườn núi treo leo,
Phút đâu ném xuống nặng gieo mặt doành,

May sao sa xuống mặt nước, nếu va vào đá thời không tan ra tro, cũng phải vỡ đầu sứt trán.

Phùng-Ngọc ngã xuống khe nước, hình như có vật gì đỡ lên đưa đến bên sườn núi, may bíu được một cái rễ long-tu, liền bơi vào, men lên ngồi trên sườn núi, may sao không thương hại gì đến thân người cả, chỉ quần áo mặc trong mình thời ướt hết sạch. Song khí-hậu phương nam khi ấy hãy còn ôn-hòa, dẫu đương tiết tháng mười cũng không đến nỗi rét lắm. Phùng-Ngọc ngồi xo đấy đến sáng, ngửng đầu trông ra, thời thấy hai bên bờ khe đều là núi cao chót vót; trông xuống dưới thời nước sâu thăm-thẳm, nghĩ chột dạ mà rằng: « Ngã xuống chỗ này mà không chết, há chẳng phải là thiên-mệnh hay sao? Song làm sao mà ra cho thoát được chốn này? Đương lúc nghĩ ngợi tơ tưởng chợt nghe văng vẳng có tiếng chèo đò bì bõm, khoan thai bơi lại, liền mở mắt trông ra thời thấy hai người con gái: một người độ hơn 20 tuổi, mặc cái áo vải mùi lam chịt vào mình, đầu đội khăn quan-lục, đứng ở mui thuyền thả lưới đánh cá; một người con gái nhỏ chừng độ 15, 16 tuổi, mặc cái áo vải mùi tía, đầu cài lược bịt cái khăn nhiễu xanh, một tay cầm lái, một tay cầm cành hoa mai, đứng ở đàng lái thuyền, đủng đỉnh hát lên rằng:

Hoa mai hớn-hở cành xuân,
Tiêu giao cho thỏa cái thân mới là!
Dòng sông bến nước lân-la,
Mái chèo đủng-đỉnh câu ca dịp dàng.

Phùng-Ngọc nghe thấy tiếng hát gọi to lên rằng:

— Ới hỡi! hai cô, cứu tôi với!

Hai người con gái nghe thấy tiếng gọi bèn bơi thuyền lại đón Phùng-Ngọc xuống thuyền. Khi ấy hai người con gái thấy Phùng-Ngọc quần áo ướt cả, bèn lấy bộ quần áo khác đưa cho Phùng-Ngọc mà rằng:

— Nay khí trời rét mướt, công-tử hãy bỏ bộ quần áo ướt ấy ra, để tôi hong hộ.

Phùng Ngọc nhận lấy áo thay ra, hai người con gái đem vắt nước đi phơi hộ; lại làm cơm rượu nóng sốt, để mời Phùng-Ngọc xơi. Phùng-Ngọc ăn cơm xong cảm-tạ mà rằng:

— Tiểu sinh không may gặp phải nạn này. may nhờ được hai cô cứu giúp cho thế này, tôi không biết lấy gì mà tạ ơn được, xin người cho biết tên hiệu, để khi khác lại tạ-ơn.

— Người con gái lớn nói rằng:

— Hai chúng tôi là con nhà thuyền chài cứu vớt người sa ngã xuống nước đó cũng là việc thường, có cần chi mà phải tạ. Dám xin hỏi công-tử ở đâu lại đây, vì sao mà lại ngã xuống nước?

Phùng-Ngọc nói:

— Tiểu sinh người làng Trình-hương quận Thanh-sơn, thuộc về châu Phong nước Việt, nhân vì đi hỏi thăm cô trở về, chượt chân sa xuống nước, nếu không gặp được hai cô thời đành chết rét ở hang núi kia, không biết đây là chỗ nào, đi về tỉnh còn bao nhiêu đường đất nữa?

Người con gái nói rằng:

— Đây là cửa sông Tường-kha, đi về tỉnh chừng độ mười ngày đường nữa.

Phùng Ngọc nói:

— Xin nhờ hai cô đưa tôi lên chỗ bờ này, để tôi đi về tỉnh có được không?

Người con gái lớn nói rằng:

— Đi lên chỗ bờ này thời không có đường nào đi cả, phải đi đến Việt-thành mới có đường cái lớn, công-tử nếu có lòng yêu xin ở lại trong thuyền này, ngày mai chị em tôi xin đưa công-tử đến Việt thành, có được không?

Phùng-Ngọc khi bấy giờ, đã uống chuếnh choáng mấy chén rượu thấy trong mình mệt nhọc, vả lại hôm trước không được chớp mắt ngủ lúc nào, bấy giờ đã buồn ngủ liền đáp rằng:

— Chỉ sợ ngủ đây không tiện.

Người con gái lớn nói rằng:

— Sao lại nói như vậy?

Liền trỏ vào cái đệm mà rằng:

— Công-tử hẵng ngủ tạm chỗ kia một lúc.

Phùng-Ngọc theo lời, liền giải đệm ra, ngủ một giấc đến chiều, hai người con gái gọi tỉnh dậy, đã thấy bày ra một tiệc, nào là cá gỏi, tôm tươi, rượu ngon, rau nõn, không thiếu một thứ gì.

Phùng-Ngọc cả kinh mà rằng:

— Hai cô sao lại bày đặt ra thịnh-soạn thế này!

Người con gái lớn cười mà rằng:

— Tôm cá là bữa cơm thường nhà em, chứ có gì đâu.

Nói rồi liền rót rượu khuyên mời, uống rượu đến chập tối, người con gái lớn trông vào người nhỏ cười mà rằng:

— Đêm hôm nay chỉ có một cái chăn nghĩ làm sao cho tiện?

Người con gái nhỏ cúi đầu mỉn cười. Người lớn nói:

— Thôi cũng được, để ta ngủ ngoài khoang thuyền cho em với chàng cùng ngủ.

Phùng-Ngọc nói:

— Có lẽ nào thế, tiểu sinh nhờ được hai cô cứu vớt cho, lại cho ăn uống, đã lấy làm cám-ơn lắm, sao dám chiếm cả chăn đệm để nằm. Đêm nay xin mời hai cô cứ ngủ ở trong đệm kia, tôi đã ngủ suốt một ngày, xin ngồi ở ngoài khoang thuyền này đợi cho đến sáng

Người con gái lớn nói rằng:

— Thôi, chàng không phải suy-nụy nữa. hai chúng tôi dẫu là con nhà thuyền-chài song cũng biết tự-trọng. Nay nhân gặp gỡ chàng đây nên cũng chẳng e lệ gì, xin giải hầu chăn đệm, cũng là run rủi duyên may, xin chàng chớ ngần ngại, chẳng hay ý em nghĩ sao?

Người con gái nhỏ sẽ nói:

— Ngủ thì ngủ cả ba người, cùng một cái chăn cũng được!

Người chị cười mà rằng:

— Em nói mới thú chứ!

Liền dọn-dẹp bồi-bàn, lấy nước cho Phùng-Ngọc rửa tay, rồi đi giải chăn bày đệm mời Phùng-Ngọc đi ngủ. Phùng-Ngọc bấy giờ đã cảm-ơn nên không dám trái ý phải cùng đi ngủ, duyên càng đặm lửa càng nồng, nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang. Hai nàng đều là xử-nữ cả, ái-tình rất là đầm-thắm Phùng Ngọc lấy làm kỳ-dị bèn hỏi rằng:

— Chẳng hay hai nàng, đã có ai đính-hôn chửa?

Người con gái lớn nói rằng:

— Hai chị em tôi gặp được người dị-nhân, cho bài thuốc linh-đan, nên những loài rắn rết ác-độc quỉ-quái tinh-ma, không dám phạm đến, bởi vậy mới dám đi lại một mình ở chốn nguồn sông bãi bể này, cũng muốn bắt chước như nàng Lưu Tam-Muội thề không lấy ai, chỉ tùy-ý tiêu-dao ca-vịnh cho sướng đời. Đêm hôm trước chị em tôi ngồi ở mũi thuyền câu-cá, chợt thấy một đám hồng-vân bay phủ ở trên bờ, quang-thái rực-rỡ, chị em tôi trông lên, thấy hiện rõ một vị phu-nhân. mình mặc hồng-bào, đầu đội bạch-mao, tự xưng là: « Hứa Ngọc-Anh, nhờ đức Ngọc-Hoàng thương là người trung-trinh, phong cho làm La-bàng hậu-thổ phu-nhân. Nay vì Văn-khúc tinh-quân gặp nạn. nên ta mới hiện ra đây để báo cho hai em biết hai em vốn có túc-duyên với tình-lang, hai em nên kíp bơi thuyền đến cửa sông Tường-kha để cứu hộ ». Nói rồi vụt biến đi mất Bởi vậy hai chị em tôi phải tin lờ mà bơi thuyền đến đây, vừa may gặp lang-quân đó, chẳng phải là duyên phận hay sao

Phùng-Ngọc nghe thấy nói đến tên Hứa Ngọc-Anh mặt nóng lên bừng bừng nghĩ mãi không ra, một hồi lâu mới nghĩ ra mà rằng:

— Phải rồi, thế ra nàng đã chết rồi!

Nói rồi, nước mắt liền chẩy ra ràn rụa. Hai người con gái vội vàng hỏi rằng:

— Chẳng hay vì sao mà chết đấy hử?

Phùng-Ngọc nói:

— Hai nàng mà trông thấy Hứa Ngọc-Anh đó, chính là nữ-tướng của Lý công-chúa ở núi Gia-quế; nay hai nàng đã có bụng yêu tôi, dẫu tôi nói ra cũng không sao.

Phùng Ngọc bèn đem những truyện từ trước đến sau thuật hết cả ra mà rằng:

— Nàng Ngọc Anh tất là theo Lý công-chúa mà tử trận, nay hiện ra báo hai nàng đến cứu ta, trong đàn bà mà có người trung-trinh như thế, lẽ nào lại chẳng động đến trời đất.

Hai người con gái nghe nói liền cả mừng mà rằng:

— Thế ra các nàng trông thấy lang-quân ai cũng tranh cướp nhau mà lấy, lang-quân thực là người ph-thường dám hỏi lang-quân nay muốn đi đâu?

Phùng-Ngọc nói:

— Nay Công-chúa đã mất rồi, dẫu tôi đến đó cũng vô-ích, tháng tư năm ngoái tôi đi qua thôn Mai-hoa, đã đính-hôn với nàng Trương thị có hẹn với tôi rằng hễ đi Tùng-hóa trở về, thời Trương-ông đem cả nhà theo tôi về phương Nam, vì tôi mắc nhiều sự ngăn trở nên dùng-dằng mãi đến nay, ngày mai tôi xin từ-biệt hai nàng để về thôn Mai hoa thăm Trương-thị.

Hai người con gái nói rằng

— Lang-quân nếu muốn đến thôn Mai-hoa thời chị em tôi xin đưa lang-quân tới bến Bác-la thời mới có đường đi được.

Phùng-Ngọc cả mừng mà rằng:

— Nếu được hai nàng đưa tôi đi, thời ơn-đức lớn lao ấy tôi xin để lòng ghi dạ không bao giờ quên.

Ba người cùng nói chuyện với nhau thỏa-thích lắm, mãi đến trống canh tư mới đi ngủ.

Sớm hôm sau trở dậy đủng-đỉnh bơi thuyền trông về bến Bác-la mà đi. Hễ qua chợ búa tỉnh thành nào thời tất lên mua rượu thịt về làm tiệc để cùng mời Phùng-Ngọc uống rượu rất là ân-cần vui vẻ, tối đến thời ba người duyên vầy cá nước, đằm thắm cùng nhau, gió mát trăng thanh, đêm nào cũng vậy. Thấm thoắt đã đến bến Bác-la. Người con gái lớn bảo người bé rằng:

— Em hãy ngồi hầu lang-quân đây để cho chị đi mua tửu-hào tiễn biệt lang-quân,

Người con gái lớn ấy đi một lúc lâu trở về thời thấy mua các thức ăn và đem một vò rượu với các thứ phẩm quả đưa về bảo người con gái nhỏ đi làm rượu, rồi bày ra một tiệc trọng-thể mời Phùng Ngọc dự tiệc, hai người con gái ngồi hầu hai bên, uống được vài tuần rượu, rồi người con gái nhỏ vịn vai Phùng-Ngọc đưa mắt nhìn mà hát lên rằng:

Ngựa kia ai cưỡi tới đây?
Thúng kia ai đẵn tre này mà đan?
Ai đem đựng đậu đầy tràn,
Đậu xanh như gợi mối hờn tương-ty.
Nhớ ai chắp cánh bay đi,
Cành kia trơ đó chim kia đâu nào?

Người con gái nhỏ hát xong, người lớn nhăn mày mà rằng:

— Sao em lại hát câu ấy để chị hát cho mà nghe này:

Bóng mây dưới nước có không?
Nước trôi bóng động tình trung hững-hờ.
Mây đi nước chảy thờ-ơ,
Mây nào phụ nước bao giờ, nước ơi!

Người con gái nhỏ cúi đầu mỉm cười.

Phùng-Ngọc động lòng rỏ nước mắt, người con gái lớn cầm khăn tay lau nước mắt cho Phùng-Ngọc mà rằng:

— Đó là chị em tôi nói bỡn đấy thôi, sao chàng lại nghĩ thật mà buồn bã làm vậy?

Phùng-Ngọc nói:

— Tiểu-sinh thật là phụ lòng hai nàng lắm lắm, nếu nàng bằng lòng theo tiểu-sinh về Nam, nhà tiểu-sinh hãy còn có tư-bản đủ để cung dưỡng được, không biết ý hai nàng nghĩ sao?

Người con gái lớn lắc đầu mà hát lên rằng:

Mái chèo đủng-đỉnh bên sông.
Thuyền-quyên một lá giữa dòng tiêu-dao.
Rau tiên trồng được đâu nào,
Tấm thương xin chớ tuôn dào mạch sương.

Phùng-Ngọc lau nước mắt mà rằng:

— Hai nàng hiền-khanh thật là người cao-thượng, sau này tiểu-sinh muốn đến thăm, sợ rằng tiên-tung mờ mit, biết chốn nào mà hỏi bến thăm đường?

Người con gái lớn nói rằng:

— Chàng cũng bất-tất phải đến thăm, sau này hai chị em tôi tự đến tìm chàng.

Nói rồi ba người cùng đi nghỉ

Ngày hôm sau hai người con gái đưa tặng cho Phùng-Ngọc mười lạng bạc, Phùng-Ngọc rỏ nước mắt bước lên bờ, hai người con gái quay mũi thuyền bơi đi

Phùng-Ngọc từ khi tương-biệt hai người con gái, thăm đường đi đến thôn Mai-hoa, đi được vài ngày chợt gặp một trận gió mùi thơm thoang-thoảng, thấp-thoáng trông thấy thôn Mai hoa gần gần đã tới nơi, Phùng-Ngọc than thở mà rằng:

— Năm trước ta đến đây, quả xanh đầy cành, bóng cây rợp đất, thấm-thoát không bao lâu mà hoa mai đã nở đến hai lần. biệt-thành ra một cảnh-giới khác.

Lúc ấy Phùng Ngọc vô-tâm không muốn ngoạn-cảnh gì cả, chỉ chăm-chăm đi cho mau tới nhà họ Trương. Khi đến nơi thấy một tòa nhà đã bị lửa cháy. đổ nát tan tành, cánh tường xây bằng vỏ mẫu-lệ, đổ sập xuống một bên, chỉ còn có một góc nhà phía bên đông, thời đã cửa siêu vách đổ, tịnh-mịch không nghe thấy tiếng người, Phùng-Ngọc nghĩ bụng cả kinh mà rằng: « Không lẽ nào nhạc-phụ ta đợi ta chửa về mà cứ dọn dẹp thiên cư đi trước, và không biết cớ sao mà nhà cửa lại bị thiêu-hủy đi cả » Đương lúc kinh nghi chợt thấy tiếng người ở trong cửa đổ gọi lên, khi chạy ra thời là một người học trò chắp tay mà hỏi rằng:

— Chẳng hay tướng-công ở đâu đến đây có việc gì?

Phùng-Ngọc vội vàng vái chào mà thưa rằng:

— Tôi là Hoàng Phùng-Ngọc. tháng tư năm trước có đến đây nhờ ơn nhạc-phụ tôi là Trương Thu-Cốc tiên-sinh gả cho lịnh-ái, hẹn tôi đi Tùng-hóa về, sẽ cùng với tôi di cư đến ở huyện tôi, song tôi vì việc ngăn trở, mãi đến bây giờ mới về được. không biết nhạc-phụ tôi dọn đi đâu đã từ bao giờ, mà nhà cửa bị đốt cháy hết cả? Bác là thế nào mà lại ở đây?

Người học trò ấy nghe thấy nói khóc oà lên mà rằng:

— Thế ra chú là em rể tôi, tôi là Trương Chí-Long đây, tháng sáu năm nay tôi mới tự Quảng tây trở về, thì thấy nhà cửa đã bị cháy cả, hỏi thăm người hàng xóm mới biết rằng cha mẹ và em tôi từ hồi tháng ba đã phải tên Hà Túc-Tượng ở Phong-hồ cùng với tên Nhiêu-Hữu đem dắt quân giặc Hỏa-đái về cướp bắt đi mất rồi!

Phùng-Ngọc cả kinh mà rằng:

— Chẳng hay anh đã đi thăm dò biết ở nơi nào chưa?

Chí-Long nói:

— Tôi đã đi hỏi thăm dò. song sào-huyệt quân giặc hiểm hóc lắm, không có đường lối nào thông vào được, phải chịu trở về, tức nhịn không được, có lên phủ đầu đơn thưa. Song Hà Túc-Tượng nó cũng lắm khóe, đã sai người đem đút tiền bạc cho quan phủ, cho nên quan phủ bác đơn tôi đi không hỏi chi đến. Nay chú đến đây rất là may mắn, làm thế nào bày mưu đặt kế cứu được cha mẹ và em ta đây?

Chí-Long nói rồi khóc oà lên Phùng-Ngọc nghe thấy nói, cũng gieo mình xuống đất khóc oà lên mà rằng:

— Trời ơi! Phùng-Ngọc này có tội tình gì, mà khiến cho gặp những cảnh cùng-khốn đến như thế này!

Hai người cùng khóc lóc một hồi lâu, Chí-Long dắt Phùng-Ngọc vào trong nhà đổ kia, kéo cái chõng gẫy ra mời Phùng-Ngọc ngồi, rồi nấu cháo bưng lên cho Phùng-Ngọc ăn. Phùng-Ngọc bấy giờ nuốt làm sao được, hai người ngồi than thở với nhau đến trống canh hai, Phùng-Ngọc nói:

— Hay là tôi với anh cùng đến cửa quân-môn để khống-cáo và xin phát-binh đi chinh-tiễu quân giặc thời mới xong.

Chí-Long nói:

— Tôi có đem về được một ít bạc, đã hai lần đi khiếu oan đút-lót hết mất cả tiền, nay muốn đến kêu cửa quan không còn có tiền nữa thời làm thế nào?

Phùng-Ngọc nói;

— Tôi nhờ được người bạn tặng cho hai mươi lạng bạc hãy còn đây, ngày mai anh em ta cùng đi.

Hai người bàn với nhau đâu đấy, rồi cởi áo cùng đi nghỉ. Phùng-Ngọc đã thương xót Trương tiểu-thư, lại nghĩ thương Lý công-chúa, nằm tựa gối xùi xụt không thể ngủ được, đợi đến sáng rõ rửa mặt chải đầu xong đâu đấy, Chí-Long thu cất chăn chiếu, rồi cùng với Phùng-Ngọc đi ra bến song, đáp thuyền đi lên tỉnh tìm đến chỗ nhà trọ vào nghỉ ngơi, Phùng-Ngọc viết một tờ trạng, đợi khi quan Đốc-phủ ra công đường thời vào hầu bái-yết để dâng tờ trạng, quan Đốc-phủ nhận tờ trạng mở ra xem thấy trong tờ trạng có ba chữ tên « Hoàng Phùng-Ngọc » liền cầm tờ trạng gấp lại để ra một bên, ngảnh bảo kẻ tả-hữu rằng:

— Đứa nào ra gọi tên đầu-đơn này là Hoàng Phùng Ngọc vào đây.

Khi bấy giờ Phùng-Ngọc còn đợi ở ngoài cửa dinh, nghe thấy quan Đốc-phủ cho đòi, vội vàng sóc áo bước vào quì ở trước sân. Quan Đốc-phủ hỏi:

— Tên kia có phải là Hoàng Phùng-Ngọc đó không?

Phùng Ngọc lạy rập đầu mà thưa rằng:

— Bẩm chúng con quả là Hoàng Phùng-Ngọc.

Quan Đốc-phủ nói:

— Lấy vợ ở núi Gia-quế, có phải đích là mày không?

Phùng-Ngọc lại khấu-đầu thưa rằng:

— Chúng con không dám lấy, vì Lý công-chúa ép, con bất đắc dĩ phải nghe lời đó thôi.

Quan Đốc phủ lại hỏi:

— Lấy vợ ở núi Thiên-mã cũng là mày đó có phải không?

Phùng Ngọc thấy quan Đốc-phủ hỏi đến câu ấy, nét mặt hầm hầm Phùng-Ngọc chỉ khấu-đầu mà thưa rằng:

— Tôi có lấy vợ ở núi Thiên-mã là vì tôi đi thăm cô tôi qua đó phải giặc bắt, nó đem gán chị nó là Mai Ánh Tuyết bắt ép tôi phải lấy tôi vẫn biết nó là quân phản-tặc, phải giả cách theo ời, mới đây tôi thừa-hư lẻn trốn ra được đây, xin quan lớn lượng xét.

Quan Đốc-phủ vỗ án thét lên mà rằng:

— Đất La bàng trùng-sơn vạn-điệp, nếu nó không tha cho mày, thời mày sao trốn được ra đây, rõ ràng là mày giao thông với quân mán-mèo, để mưu làm việc phản-trắc, nay dám giúp cho quân giặc mà đi do thám. lại dám cả gan đến quân-môn giả cách để đầu đơn, rõ thực là đáng ghét.

Phùng-Ngọc chỉ lạy rập đầu mà thưa rằng:

— Bẩm, hai chỗ ấy kỳ thực là nó dụ hiếp chúng tôi, chớ chúng tôi thực không có tâm gì với chúng nó.

Quan Đốc-phủ cả giận mà rằng:

— Thiên-hạ biết bao nhiêu là người nó không có dụ ai, mà nó chỉ dụ lừa một mình mày, đồ cẩu-trệ này đánh cho một trận thời mới chịu xưng đây.

Liền thét tả hữu giăng nọc Phùng-Ngọc, rồi lột quần ra. Quan Đốc-phủ trỏ mà thét lên rằng:

— Đánh cho quân cẩu-trệ ấy một trận!

Kẻ tả hữu liền dạ da ngọn côn vô-tình kia tự lưng trời đánh xuống luôn hai mươi côn. Phùng-Ngọc rách cả da nát cả thịt, ngất đi một lúc mới tỉnh. Quan Đốc phủ truyền tả hũu đem giải đi giam ở huyện Nam-hải, giao cho quan huyện xét hỏi cho rõ hết tình hình phản-bạn rồi tâu lên để nghĩ án chém. Tả hữu tuân lịnh liền đem siềng, siềng vào cổ Phùng-Ngọc rồi giải đi. Chí-Long đứng ngoài nghe thấy người ta xì xào nói rằng quan Đốc-phủ có bắt được quân do thám ở núi Thiên-mã là Hoàng Phùng-Ngọc đã giải đến huyện Nam hải để tra hỏi. Chí Long không biết sao, kinh sợ mất vía, thâu đêm lần ra ngoài thành trốn đi. Đến ngày hôm sau muốn đến hỏi thăm cho đích thực lại sợ bị phải bắt nốt, nên đành phải bỏ Phùng-Ngọc mà trốn về thôn Mai-hoa. Cứu nhau khôn biết nài sao. anh-hùng giọt lệ tuôn dào khôn ngăn!

Nói về Phùng-Ngọc phải giải đi giam ở huyện Nam hải quan huyện ấy tên là Hồng Nhất-Giáp tính cực tham-lam không cứ là ai hễ gặp phải tay quan huyện ấy tra hỏi thời cực khốn đốn Nay quan Đốc-phủ cho giải rể chúa mán mèo đến cho mà tra hỏi, thời Nhất-Giáp cả mừng mà rằng:

— Thôi miếng ngon đã đến tay ta rồi.

Vội vàng ra ngồi công đường truyền linh giải vào. Tả hữu dẫn Phùng-Ngọc vào đến trước án. Phùng-Ngọc không thể quì được, nằm ngửa ra ở dưới đất. Hồng Nhất-Giáp cười mà rằng:

— À, thằng này ở núi Thiên-Mã, núi Gia-quế làm rể chúa mán-mèo đã ra phết mô-dạng, nay đến trước huyện-nha đây lại không thèm quì hay sao?

Phùng-Ngọc kêu rằng:

— Chúng con quả là bị trọng-thương không thể quì được xin quan-lớn thương lại mà rộng bút tha cho.

Hồng Nhất-Giáp cười mà rằng:

— Ta nể mày là con rể chúa mán, hẳn là có học biết lễ phép, hôm nay ta hãy tha cho.

Nói rồi liền truyền tả hữu điệu Phùng-Ngọc ra ngoài hành-lang giam giữ, Nhất-Giáp thời lui vào nhà trong. Kẻ sai-dịch điệu Phùng-Ngọc ra sẽ bảo rằng:

— Ngươi có lễ-vật gì đem cung-kính quan lớn liệu mà mau mau đưa ra, để chúng ta đệ bẩm hộ cho, thời ngày mai mới khỏi được trọng-phạt.

Phùng-Ngọc khóc mà rằng:

— Tôi thực không còn tiền bạc gì cả, xin các thầy thương xót kẻ vô-tội, trước mặt quan lớn nói giúp hộ cho.

Kẻ sai-dịch rằng:

— Nếu nói rằng không có tiền. thời chẳng ma nào thương cho đâu.

Lại một đứa nói:

— Tuy ở bên mình đây không có tiền, nếu thông tin cho chúa mán biết là con rể phải bị giam, thời lo gì chúa mán chẳng đem hàng nghìn hàng vạn đến lo liệu cho ngươi được.

Lại một đứa nữa nói:

— Cậu này đôi đùi non trắng nõn như tuyết, nếu không chịu bỏ tiền ra lo liệu, thời đùi non ấy chịu sao được đòn.

Một đứa cười mà rằng:

— Không kể chi đùi, xem như cái mặt cậu ta ai cũng phải yêu.

Một đứa nữa rằng:

— Mày yêu cậu ta, sao mày không đem về nhà, xuất tiền bạc ra mà lo liệu cho cậu ta.

Đứa kia nói:

— Phản-nghịch là tội rất to, nếu là tội nhỏ xem tôi có lo liệu cho cậu ta, rõ ra mặt không?

Phùng-Ngọc nghe nói nghĩ tức khí hăng lên mà rằng:

— Những đồ nô-lệ này mà dám kiêu-ngạo làm vậy. Ta đây là đại-trượng-phu, chết cũng đành chết, chớ lại thèm đút lót kẻ tham-quan, cúi xin kẻ nô-lệ hay sao?

Khi bấy giờ chí-khí Phùng-Ngọc hăng lên trong bụng nghĩ khoái-hoạt, quên cả đau đi, thức nhắp suốt thâu đêm đến sáng.

Ngày hôm sau, quan huyện không thấy Phùng-Ngọc đem đút lễ-vật gì cả, bèn ra công-đường tra hỏi, lính lệ điệu Phùng-Ngọc lên. Hồng Nhất-Giáp thét to lên mà rằng:

— Mau mau cung xưng ra cho thực thời khỏi phải tra-tấn.

Phùng-Ngọc nói:

— Xin cấp cho bút giấy.

Quan huyện truyền lấy bút nghiên đem cho Phùng-Ngọc bảo phải chiêu xưng cho thực. Phùng-Ngọc mài mực xong cầm bút viết lên trên mặt giấy tám chữ: « Hoàng thiên hậu thổ, thực giám thử tâm » Viết xong trình lên quan huyện. Quan xem cả giận mà rằng:

— À! quân phản-tặc này dám khinh nhời ta mà kháng cự lại, phải đem côn trượng ra đây!

Lính lệ dạ ran lên, đem dây nọc trăng Phùng-Ngọc ra. Phùng-Ngọc kêu lên một tiếng nằm ngất ra trên mặt đất; tên lính-lệ ngậm ngụm nước lạnh, rồi nâng đầu Phùng-Ngọc lên, phun nước vào mặt, Phùng Ngọc bâng khuâng một hồi lâu mới hơi tinh tỉnh. Quan huyện thét lên rằng:

— Cung xưng cho mau mau lên!

Phùng-Ngọc cãi lại rằng:

— Bắt Hoàng Phùng-Ngọc này chiêu-xưng việc gì chứ?

Quan huyện nói:

— Mày duyến-dẫn bọn mán mèo để mưu sự phản-nghịch có phải không?

Phùng-Ngọc nói:

— Quả tôi không có thế, trời cao đất dầy đều soi xét cho tâm tôi.

Quan huyện cả giận mà rằng:

— Đánh cho nó một trập nữa.

Quân lính-lệ dạ dạ, giơ roi côn đánh cho một trận, làm cho Phùng-Ngọc phờ đầu xoã tóc nằm ngất ra trên mặt đất. Quân lính lại lấy nước phun cho tỉnh. Quan huyện nói:

— Bây giờ mày đã chịu chiêu-xưng chưa, hay nhất-định không xưng?

Phùng Ngọc nói:

— Bụng tôi đã có trời đất biết, ngoài ra tôi không biết cung-xưng việc gì cả.

Quan huyện lại sai lính lấy dùi ra khảo cho một hồi. Phùng-Ngọc lại chết ngất đi hồi lâu mới tỉnh a dần dần, song người đã khốn-quyện nằm đừ ra ở mặt đất, không ứng-đáp gì được nữa. Quan huyện sai hãy khiêng ra để ngày mai lại tra hỏi. Quân lính bèn khiêng Phùng-Ngọc ra tống vào nhà tù, đem siềng sắt siềng lại, rồi khóa chặt cửa lại giao canh. Thương thay Phùng-Ngọc là con người văn-nhã sang trọng, mà phải chịu những sự hình-phạt độc-ác thế này giam vào trong ngục, một hớp nước cũng không ai cho uống, dần dần huyết uất lên mà chết ngất đi, hôn-trầm bất-tỉnh nhân sự, hồn lìa phần xác, theo hòn đất vụt đi, cứ theo gió mà bay đi mãi, vì tơ tưởng núi Gia-quế, bèn bay mãi đến trước miếu Đô-bối đại-vương, thấy có một vị nương-nương chạy ra, mình mặc áo hồng bào, đầu đội mũ phi-bạch Phùng-Ngọc tưởng là Lý công chúa gọi to lên rằng:

— Công-chúa cứu tôi với!

Người con gái ấy trông thấy Phùng-Ngọc khóc xùi-xụt mà nói rằng:

— Thiếp không phải Công-chúa, thiếp là nữ-tướng theo dưới cờ Công-chúa tên là Hứa Ngọc-Anh đây, ông hãy theo tôi đến đây đã.

Phùng-Ngọc nghe lời theo vào trong ngục-thất, Ngọc-Anh bèn chiêu-hồn vào trong hòn đất, lấy tay sẽ xoa đi xoa lại rồi nâng lên lấy bàn tay ấn một cái thật mạnh, Phùng-Ngọc thất-kinh tỉnh dậy kêu lên một tiếng rằng: « Giết chết tôi rồi. » Mở mắt ra xem thời thấy sao sáng vằng vặc, sương sa mịt mù, chẳng thấy Hứa Ngọc Anh đâu cả, văng vẳng nghe tiếng trống điểm canh tư. Phùng-Ngọc bấy giờ trong bụng nôn nao có ý trằn trọc ọe thổ. rồi thổ ra hai viên hồng-hoàn mùi thơm sực nức, Phùng-Ngọc bèn nhặt lấy xem, cả kinh mà rằng:

— Hồng-hoàn này là khi ta cùng với nhạc-phụ đến núi Long-hổ, gặp Hoàng sơn-nhân tặng cho, làm sao bây giờ lại thổ ra đây?

Nói rồi liền nhặt lấy hai viên Hồng-hoàn đưa vào miệng sẽ nhai nhỏ ra rồi dần dần nuốt đi, thời thấy cốt-tiết khắp trong mình rãn dần dần, rồi thấy trong bụng sảng khoái, quên mất cả sự đau đớn tinh-thần lại tỉnh tao như xưa, cả mừng mà rằng: « Hoàng sơn-nhân trước kia bảo rằng: « Uống Hồng-hoàn này thì khỏi được cái nạn phi-thường » quả như lời tiên bảo đã nghiệm thời chắc cũng chẳng can sao ». Phùng-Ngọc nghĩ vậy nên trong bụng khoan-khoái bèn bắt cong cánh tay mà nằm nghỉ. Sáng sớm ngày, quân lính canh đẩy cửa vào xem, thời thấy Phùng-Ngọc không hề chi cả, lấy làm sợ hãi mà rằng:

— Người hôm qua phải chịu hình phạt đau đớn như thế, sao cách một đêm mà lại khỏi hết được như cũ hay là có phép thuật gì chăng?

Phùng-Ngọc cười mà rằng:

— Nào có phép gì đâu chỉ là nhờ trời thương kẻ thiện-nhân tự nhiên có người lại cứu giúp cho đó mà thôi.

Nói chưa rất lời thời thấy mé trong có người thét lên rằng:

— Lính canh ở đâu? quan lớn truyền giải tên tù phạm hôm qua là Hoàng Phùng-Ngọc lên hỏi?

— Lính canh nghe lịnh truyền liền giải Phùng Ngọc vào quì trước công-đường, Hồng Nhất-Giáp nói:

— Bản-chức hôm qua mộng thấy hai nàng tiên-nữ tự trên không bay xuống, một người ước độ 20 tuổi. một người độ 15, 16 tuổi, tự-xưng là Châu-thư, Vân-muội phụng-mệnh Hứa phu-nhân đến nói với bản-chức khoan-xá hình phạt cho ngươi, sau sẽ có người đến cứu ngươi. Sớm hôm nay phu-nhân ta trở dậy cũng kể mộng hợp y như bản-chức, hiện nay phu-nhân ta trên trán có phát ra một cái nhọt đỏ lớn bằng một cái chén chè, không ai chữa khỏi bà Vân-muội có bảo phu-nhân ta rằng: « Nếu hay bảo chồng khoan-xá hình phát cho Hoàng-lang thời chữa cho khỏi nhọt, liền thò vào trong tay áo lấy ra một con dao con cắt ngay cái nhọt ở trên trán phu-nhân ta mà không đau đớn chút nào, sớm hôm nay trở dậy lại lành như cũ, xem như thế thời ngươi thật là oan uổng. Song quan Đốc-phủ vốn thù hằn với Lý công-chúa ở trại Gia quế, bản-chức nếu không tra được đích thực tội phản-nghịch của ngươi, thời bản-chức cũng không khỏi quở trách, sợ rằng lại đà-lụy đến ngươi mà phải giải đến nha-môn-khác để tra hỏi, gì bằng ngươi hãy cứ cung-xưng ra để bản-chức làm thành văn-án qua loa đệ trình, như thế thời ngươi có thể thung dung đợi cứu được, ý ngươi nghĩ sao?

Phùng-Ngọc lúc mới còn sợ quan huyện đánh lừa nhất định không nghe; sau thấy nói đến Hứa phu nhân nghĩ ngay ra là Hứa Ngọc-Anh lại đến cứu mình. Song còn Châu-thư, Vân-muội không biết là ai? chợt lại tỉnh-ngộ nghĩ ra rằng ý hẳn hai chị em người thuyền chài hôm trước dễ thường cũng là tiên, nghe như hai câu ca chèo đò rõ là có cái thú xuất-trần tiêu-sái. Thôi sống chết đã có mệnh trời, chẳng lo chi mà sợ, Phùng-Ngọc nghĩ vậy bèn thưa với Hồng Nhất-Giáp mà rằng:

— Đã nhờ lượng quan lớn giúp đỡ cho, tôi xin cung-xưng tạm ra đây. để nhờ ngài liệu xử.

Hồng Nhất-Giáp cả mừng, truyền đem Phùng-Ngọc tạm tống giam cấm những quân lính và tù-đồ không được hành hạ, hễ xét tên nào trái lịnh mà sách nhiễu, thì phải trọng trách Quân lính vâng lịnh giải Phùng-Ngọc tống giam và truyền lời quan huyện dặn bảo cho quân canh biết đều phải tuân lịnh cả.

Thực là.

Mắc oan thương nỗi người vô-tội
Cứu hộ còn mong kẻ hữu-tình.