Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Hồi thứ XI
HỒI THỨ XỊ
Mai Ánh-Tuyết quyết chí đi tìm chồng,
Trương Chí-Long thoát nạn gặp em gái.
Nhắc lại hồi Mai Anh ở núi Cẩm-thạch an-táng Hứa Ngọc-Anh rồi, đêm hôm ấy cùng với Phùng-Ngọc uống rượu đến hết canh một, mới về trại đi nghỉ. Sáng sớm trở dậy, thấy tả hữu vào báo rằng:
— Hoàng tướng-công trốn đi mất rồi!
Mai Anh vỗ án mà rằng:
— Ta kiểm phòng khờ quá mất rồi, nếu ta cùng với Hoàng-công cùng ngủ một chỗ thời có can sao, bây giờ về nói với chị sao đây?
Nói rồi, cúi đầu nghĩ một hồi lâu, rồi gọi bốn tên tì-tướng dặn bảo rằng:
— Đêm hôm qua mây đen mờ mịt, núi cao, đường tối, ta chắc rằng Hoàng tướng công cũng chửa đi xa được. Lũ các ngươi nên phân ra bốn ngả, đem quân đuổi theo Hoàng tướng-công mà mời về
Các tì-tướng đều tuân-mệnh, tuyển lấy tinh-binh khoái-mã chia ra các nẻo đuổi theo, đuổi đến ngoài ba bốn dặm không thấy tăm hơi gì cả, phải trở về phục-mệnh. Cuối cùng có một tên tì-tướng tự con đường châu Đức-khánh trở về, bẩm rằng:
— Tâu đại-vương, tiểu-tướng không dò được tin tức Hoàng tướng-công đi đàng nào, song có hỏi thăm được một việc
Mai Anh hỏi:
— Dò biết được việc chi?
Tì-tướng nói:
— Bẩm, khi tôi đến châu Đức-khánh, nghe thấy người ta nói rằng Lý công-chúa vẫn còn, tiểu-tướng đã lưu-tâm hỏi khắp cả, thời dân ở vùng ấy đều nói như vậy.
Mai Anh nghe rồi không nói gì cả, chỉ truyền quân-sĩ nhổ trại kéo về núi Thiên-mã. Mai tiểu-thư vội vàng ra ngoài cửa trại nghênh-tiếp, hỏi rằng:
— Nào Hoàng-lang ở đâu?
Mai Anh nói:
— Chẳng hay đêm qua, Hoàng-lang trốn đi lúc nào mất!
Mai Anh nói rồi bèn giải-tán cho quân-sĩ đâu về đó, rồi lui vào trại sau, thấy Mai tiểu-thư ngồi ở trên cái ghế gỗ vòng, tay chống vào bên má, đối cái gương lăng-hoa cổ mà ngồi, hơi rơm rớm nước mắt. Sau có ông Nại-am-tử đề bài thơ rằng:
Phương tây có người đẹp,
Ngồi soi kính một mình.
Không phải ngồi tô-điểm,
Nước mắt chỉ chạy quanh.
Chừng nghĩ chi đây hẳn,
Nói ra không hết tình.
Mai Anh thấy quang-cảnh như thế, nghĩ không đành lòng, bèn tới lại khuyên giải mà rằng:
— Thôi, chị không nên phiền-muộn, em xin sai người đi mọi nơi tìm xem Hoàng-lang đi lạc vào đâu, thế nào rồi cũng kéo được y trở về.
Mai tiểu-thư chẳng nói chẳng rằng. Mai Anh lại khuyên dỗ mà rằng:
— Nay dẫu phải anh Hoàng-lang bạc bẽo như thế, song thiên-hạ thiếu gì người anh-hùng, há lại không có người hơn gấp mười anh Hoàng-lang ư! nếu chàng ấy không trở lại, em xin vì chi kén khắp cả trong thiên-hạ, thế nào cũng được một người tài-mạo song-toàn để sánh đôi với chị.
Mai tiểu-thư nghe nói nổi giận lên thét mắng mà rằng:
— Đồ trẻ con chỉ nói càn, Mai Ánh-Tuyết này dễ thường coi ai cũng là chồng cả hay sao? Nếu Hoàng-lang mà không trở về, thì ta chỉ quyết lòng ăn tray niệm phật. để kết-duyên về kiếp sau; ngươi sao dám nói bậy làm vậy.
Mai Anh phải quở trách bèn bước lui ra. Thực là:
Lòng thiếp không như dạ mán đâu,
Chữ trinh ghi-tạc để ngàn thâu.
Trăng tà bóng hạnh bên lò rượu,
Thề thuyết bao quên khúc bách dầu.
Thấm-thoắt chừng qua nửa tháng chợt có quan phó-soái Liên-than tên là Văn Đại-Đao sai người mời Mai Anh và Gia-Cát Đồng đến chơi thưởng mai, Mai Anh đi rồi, Mai tiểu-thư bèn sai người đi tìm gọi Hoàng Hán vào hầu, hỏi rằng:
— Mày còn nhớ nhà Trương thái-công ở thôn Mai-hoa không?
Hoàng Hán thưa:
— Bẩm vẫn còn nhớ, chúng tôi theo hầu Hoàng tướng-công ở chơi nhà Trương thái-công hơn một tháng, mới qua lại đây, sao lại không nhớ.
Mai tiểu-thư cả mừng mà rằng:
— Lý công-chúa nay đã chết rồi, ta chắc rằng tướng-công nhà ngươi không có ở Gia-quế, tất là về nhà Trương tiểu-thư; ta muốn cùng với hai chúng bay đến thôn Mai-hoa tìm Hoàng tướng-công, nếu tìm không gặp, thời ta về thẳng Trình-hương ở với ông cụ bà cụ, hai ngươi nghĩ sao?
Hoàng Hán nói:
— Chỉ sợ rằng tiểu-thư nói không thực đó thôi, nếu quả chân-tâm thời thực là một người đàn bà chí-khí cổ kim ít có vậy!
Mai tiểu-thư nói:
— Sao lại không thực, song chỉ có một điều: hai người là đàn ông, mà mình ta là con gái, phải nghĩ kế tuyệt-diệu làm sao, thời người ta mới khỏi nghi-hoặc mình được.
Hoàng Hán cúi đầu nghĩ một lúc rồi nói rằng:
— Tiểu-thư nghĩ phải lắm, chỉ sợ đi không thoát, phải người ta biết tiểu-thư là ở núi Thiên-mã xuống, ngộ bị phải tróc-nã thì làm sao. Gì bằng tiểu-thư cải mặc nam-trang, hai chúng tôi theo hầu cứ gọi tiểu-thư là công tử, thời đố ai dò biết cho ra được.
Mai tiểu-thư cả mừng mà rằng:
— Ừ, mày nghĩ cũng hợp ý ta
Bèn lấy một nghìn lạng bạc để vào trong hòm da và các đồ y-phục dù che, sắp làm một gánh, giao cho Hoàng Hán gánh, lại sai Hoàng Thông đem con ngựa hoàng-phiêu của Phùng-Ngọc cưỡi ngày trước thắng yên vàng lên, dắt ra trước cửa viên-môn để ứng-hậu. Mai tiểu-thư thời tự mình cải-trang mặc áo đạm-hoàng-bào thắt dây lưng loan-đái, mặc ngoài áo mã-quải nỉ đại-hồng, đầu đội mũ phù-dung, trên mũ lại quàng một cái khăn tuyết-mạo mùi lục, lưng đeo thanh kiếm thư-hùng, bước ra trước trại truyền gọi tướng-sĩ thủ-trại vào dặn bảo mà rằng:
— Ta nay đi đến thôn Mai-hoa để tìm Hoàng-lang, chúng ngươi phải giữ trại cho cẩn-thận không được sơ-sài. Hễ đại-vương trở về thời bẩm cho đại vương hay, và bảo rằng không phải lo nghĩ chi đến ta làm gì.
Chư-tướng đều khấu-đầu quị xuống mà rằng:
— Bẩm tiểu-thư, tiểu-thư với đại-vương chỉ có hai anh em, nếu tiểu-thư muốn đi xa thời xin để đợi đại-vương về đã, rồi bấy giờ hãy từ-biệt.
Mai tiểu-thư rỏ nước mắt mà rằng:
— Ta không phải là không biết thế, song đại-vương trở về thời tất là không cho ta đi
Tiểu-thư nói rồi gạt nước mắt nhẩy lên ngựa mà đi. Chư-tướng không ai dám lan-trở, đều theo tiễn xuống núi.
Tiểu-thư ngảnh lại mà rằng:
— Các ngươi ở lại phụng-sự đại-vương cho phải đạo nhé.
Chư-tướng đều quị bái mà rằng:
— Dám xin vâng mệnh.
Tiểu-thư xua tay bảo chư-tướng trở về. Chư-tướng về đến trong trại lập tức đêm hôm ấy sai người đến trại Văn đại-vương báo tin cho Mai Anh. Mai Anh vội vàng trở về, hỏi biết đầu đuôi. muốn sai người đi đuổi theo đón về.
Chư-tướng bẩm rằng
— Tiểu-thư đã quyết chí ra đi, dẫu đuổi theo cũng không trở lại. Gì bằng sai người đi dò xem tiểu-thư ở đâu, rồi cho người đến hỏi thăm là phải.
Mai Anh thấy nói phải lẽ cũng thôi không sai người đi đuổi theo nữa.
Nói về Mai tiểu-thư đi đến bến Nam-giang, vượt qua bể, rồi ba thầy tớ theo đường bộ trông về thôn Mai-hoa mà đi, đi được hai ba ngày, gần đến Mã-khư, thời thấy vô-số những người hầu-sáng nhà trọ ra đón rước bảo rằng:
— Mời khách-quan đến trọ nhà tôi, nhà tôi giường chiếu sạch sẽ, không như các chỗ khác luộm-thuộm lắm.
Lại một đứa nữa bảo rằng:
— Xin mời tướng-công đến nhà tôi, nghỉ trọ tiệm nhà tôi rượu ngon chè nóng, không có như các nhà kia luộm thuộm đâu.
Bọn người nhà trọ làm rối beng cả lên tranh nhau dằng kéo cương ngựa om xòm. Mai tiểu-thư xưa nay không có ra cửa đi đâu bao giờ, thấy quang cảnh như thế không biết lũ chúng nó làm trò gì, đã toan gắt lên, Hoàng Hán chạy lại thét lên rằng:
— Người ta vào đâu nghỉ trọ phải để tùy-ý người ta chớ, làm gì mà om xòm rối rít cả lên thế!
Hoàng Hán nói chưa rứt lời trong đám ấy có một người gọi to lên rằng:
— Bác Hoàng quản-gia đã trở về đấy à!
Hoàng Hán ngửng đầu lên trông thời là Vương Tiểu-Nhị khi mùa hè năm trước Phùng-Ngọc đi đến Đại-hám-sơn có nghỉ trọ nhà anh Tiểu-Nhị ở Mã-khư này, Hoàng Hán trông thấy cả mừng mà rằng:
— Thôi, trọ chỗ lạ không bằng chỗ quen, anh Tiểu-Nhị ôi, tôi lại đến trọ tiệm nhà anh đấy.
Bọn nhà trọ kia thấy bọn khách ấy đã có nhà trọ quen đón rước, bèn lả tả tan đi hết cả. Vương Tiểu-Nhị cả mừng mà rằng:
— Hoàng quản-gia, tôi coi bộ bác già nua mà vẫn tường-tượng như năm trước, còn như công-tử chủ-nhân bác tôi trông lại trẻ hơn trước nhiều nên lúc nẫy tôi nhận không ra.
Hoàng Hán cười mà rằng:
— Công-tử tôi vốn người thanh-nhàn, sang chơi nhà bà con ở một ít lâu lại vô-sự lắm, cho nên tự-nhiên lại trẻ thêm ra,
Tiểu-Nhị nói: phải. Bèn đến đỡ gánh cho Hoàng Hán đưa về nhà tiệm. Khi ấy trong tiệm đã có một viên tú-tài ngồi đó, người cao đậm đà, râu ria đầy mép, đầu bịt khăn thâm chữ vạn, mình mặc áo cừu nghìn vàng, trông thấy Mai tiểu-thư bước vào, cứ ngắm đi ngắm lại mãi, thời thấy: mũi bóng như ngọc quỳnh-dao, mắt sáng như gương thu thủy, mày không tô mà xanh biếc, môi không điểm mà đỏ hồng, da nhoáng như ngà, phong-vận ra chiều liễu yếu; điểm-trang không phấn, yêu-kiều hơn dáng đào non, rất mực phong-lưu, ai trông cũng phải thần-hồn mê mẩn. Viên tú-tài trông thấy mê tít người đi, vội vàng đứng dậy đến trước mặt Mai tiểu-thư vái một cái, Mai tiểu- thư cũng vái lại đáp lễ, rồi bước đến ghế ngồi. Tú-tài đứng chắp tay hỏi rằng:
— Chẳng hay nhân-huynh quí-tính đại-danh là gì, người đi chơi đâu có việc chi chăng?
Hoàng Hán đứng cạnh đỡ lời đáp lại rằng:
— Công-tử tôi họ Hoàng, tên là Ngọc-sơn, muốn đến hỏi thăm bà con ở thôn Mai-hoa châu Huệ.
Viên tú-tài cả cười khanh khách mà rằng:
— Tiểu-đệ với nhân-huynh gặp gỡ thật là có duyên lắm!
Hoàng Hán nói:
— Sao vậy?
Tú-tài nói:
— Tiểu-đệ họ Tiền. tên là Tử-Cán, sinh-bình vốn tập nghề võ, khoa thi trước quan Trương tôn-sứ lấy tôi đỗ đầu; năm ngoái có người bà con ở thành Huệ-châu, đã hai ba lần sai người đến mời tiểu-đệ sang chơi đó để dạy người con tập võ. Tiểu-đệ vốn quen thói thanh-nhàn, đi chơi đường sá bạt-thiệp lấy làm ngại lắm, nên đã mấy lần sang mời tiểu-đệ vẫn không đi, mới rồi lại sai người nhà đem một trăm bạc sang mời, thế nào tôi cũng phải sang chơi, ý tôi muốn tìm một người văn-học để kết bạn cùng đi. Song bây giờ đương mùa đông rét mướt, ai cũng muốn ở nhà với vợ con ấm áp còn ai chịu xung-phong mạo-tuyết đi chơi làm chi. Bởi thế tôi buồn bã lững thững ra đây hoặc có gặp ai chăng, may ra gặp được người bạn ở Huệ-châu đi trở về, thời mình kết bạn cùng đi, cho khỏi lúc đi đường tịch-mịch. thế nào lại gặp được nhân-huynh, chẳng phải là duyên-ngộ lắm ru!
Hoàng Hán nói:
— Nguyên là vì thế, chẳng hay Tiền tướng-công nhà ở gần đâu?
Tử-Cán nói:
— Ở về đàng trước mặt này, cách đây cũng không xa mấy, hôm nay xin nhân-huynh cả mấy thày trò vào nhà tôi nghỉ ngơi, sớm mai ta sẽ kết bạn cùng đi thì hay lắm.
Hoàng Hán đưa mắt trông Mai tiểu-thư. Mai tiểu-thư nói:
— Nhân-huynh đã có ý tốt cho tiểu-đệ cùng đi, xin nhân-huynh cứ về nhà sắp sửa, tiểu-đệ xin đợi nhân-huynh ở đây.
Tiền Tử-Cán không nghe; hai ba lần cố mời mãi. Mai tiểu-thư nhất định không chịu đi. Vương Tiểu-Nhị nghe tiếng chạy lại mà rằng:
— Tiền tú-tài đã có ý tốt mời vào chơi. Hoàng tướng-công không nên chối từ là phải. Các ngài không biết Tiền tú-tài là người hay lắm, gia-tư đến hàng hơn mười vạn mà hay cứu giúp cho người nghèo, lại hay giao kết với các người hào-kiệt. Vả lại võ-nghệ cao-cường, đến hàng trăm người cũng không địch nổi, nếu phải người hào-kiệt đời nay, thời ông ấy mới lại chơi, Hoàng tướng-công nên qua chơi là phải.
Mai tiểu-thư xưa nay có sợ gì ai, vả nay đã cải nam-trang, chỉ cốt giữ gìn thế nào cho khỏi lộ ra cho người ta biết mà thôi; trong tiệm là chỗ đàn ông trọ cả, giá vào nghỉ chơi trong nhà ông ta cũng chẳng phương ngại gì. Mai tiểu-thư nghĩ như vậy bèn đứng dậy mà rằng:
— Đã như vậy, thời tôi xin vâng lời vào chơi.
Tiền Tử-Cán thấy Mai tiểu-thư đã nhận lời mừng rỡ khôn-xiết, bèn rước mời Mai tiểu-thư ra cửa tiệm, rồi mời tiểu-thư lên ngựa. Mai tiểu-thư nói:
— Nhà nhân-huynh cũng không xa gì mấy, xin cùng với nhân-huynh đi bộ cũng được.
Tiền Tử-Cán cố mời Mai tiểu-thư lên ngựa. Tiểu-thư phải lên ngựa trông theo Tử-Cán cứ thư-từ mà đi. Đi đến trước cửa một cái trang trại rất lớn, Mai tiểu-thư xuống ngựa. Tử-Cán mời vào nhà khách, thấy trong nhà bài-trí rất là thanh-nhã, đôi bên hành-lang lại treo vô số cung tên đao kiếm, Mai tiểu-thư cũng chẳng nhìn chi. Tử-Cán phân ngôi chủ khách mời ngồi, đèn lửa sáng trưng, rồi Tử-Cán sẽ lẻn vào nhà trong một lúc thấy người nhà đem bày tiệc ra. Tử-Cán mời Mai tiểu-thư ngồi bên khách-vị, ân cần khuyên mời uống rượu, Mai tiểu-thư chủ ý đã định thoái-thác rằng mình tố-tính không uống được rượu, không chịu uống nhiều, chỉ cất nhắc vài chén, nhắm nhót vài miếng mà thôi. Tiền Tử-Cán rót một chén rượu nâng lên tươi cười mà rằng:
— Nhân-huynh mấy hôm đi đường xá mệt nhọc, hôm nay nghỉ chơi nhà tiểu-đệ, uống chơi và chén rượu cũng bất-phương ngày mai đi đường thời thôi không uống nữa.
Mai tiểu-thư nói:
— Nhân-huynh đã có lòng tốt, nhưng quả thực tiểu-đệ không thể uống được.
Tiền Tử-Cán thấy Mai tiểu-thư nhất định không uống, phải gọi lấy cơm ăn. Nguyên là Tử-Cán không phải là định đến Huệ-châu, hắn chỉ là anh nhà giàu mà lại có tính máu dê, nhưng chỉ ưa thích người đàn ông đẹp trai mới lấy làm khoái, trong nhà vô số hầu non gái đẹp, hắn cho làm ngứa mắt không thèm nhìn đến, hễ thấy người con trai nào tuổi trẻ thời không kỳ là ai hắn chết mệt ngay đi được. Không khác gì chú ếch quáng hoa cứ thấy thì vồ. Nay trông thấy Mai tiểu-thư nhan sắc tuyệt-trần, liền mê ngay người đi, vả lại tiểu-thư trong lúc đi đường, ăn mặc lại cực-kỳ huyễn-diệu, nên Tử-Cán biết là con nhà phi-thường, không dễ mấy khi đã được gặp, tất phải cố mải miết theo đuổi mới xong. Nhân khi Hoàng Hán nói rằng định đi về thôn Mai-hoa châu Huệ, y liền nói theo rằng y cũng định đến Huệ-châu, định đi đường ve-vãn gạ gẫm, Mai tiểu-thư làm thế nào cho mắc vào bẫy mình; lập mưu như thế tự lấy làm bợm bãi lắm. Còn Mai tiểu-thư thời nghĩ rằng mình đã cải nam-trang, tưởng rằng trong bạn con trai lại yêu con trai, cũng như là bạn gái lại yêu bạn gái, thân-nhiệt với nhau là sự thường. Nào ngờ đâu con trai đối với con trai lại có cái thói yêu ngầm yêu ngấm xâu-xa như vậy. Cho nên cũng vô-tình cứ cho y cùng đi. Hoàng Hán lại là đứa lão-thực, cho nên ba đầy tớ mới vào nhà Tử-Cán nghỉ trọ đêm hôm ấy. Ngày hôm sau, trở dậy cơm sớm rồi, Tiền Tử Cán thay mặc bộ quần áo mới, đem theo một tên nhỏ dắt ngựa và một tên kiện-bộc mang hành-lý theo hầu, cùng với Mai tiểu-thư khởi-trình, theo đường Huệ-châu ra đi. Khi đi đường Tử-Cán cứ giong cương ngựa đi gần bên cạnh tiểu-thư, nói ngon nói ngọt làm ra bộ thân-nhiệt. Nào biết đâu Mai tiểu-thư vốn là con gái thấy Tử-Cán ra ý muốn lần lữa thèm-thuồng, không ra bộ gì, sợ có ý lần-khân chăng. Từ đấy Tiểu-thư bèn lảng ra hình như không trông thấy Tử-Cán. Chốc lại gọi Hoàng Thông theo hầu gần bên mình. Vì thế Tử-Cán dẫu ruột nóng như cào, vẫn không dám nói lộ ra câu chuyện gì cả. Đi được và ngày đã đến Tam-thủy. Tử-Cán nghĩ bụng rằng: « Nay cứ đi theo đường bộ suốt ngày mà đầy tớ nó lại cứ đi theo riết, còn lúc nào nói gạ được chuyện gì, ta nên thuê một chiếc thuyền to có mui có cửa theo đường thủy mà đi, như thế thời được cùng ngồi trong thuyền gần gặn, may ra có thể lân-la gạ gẫm được chăng ». Bụng nghĩ như vậy bèn nói với Mai tiểu-thư rằng:
— Bây giờ đương mùa gió bể mà đầy tớ nó đi đường đã mệt-nhọc, gì bằng để tiểu-đệ, thuê một chiếc thuyền lớn, thuận gió chạy buồm, một ngày có thể chạy được mấy ngày đường, việc gì lại cứ ngồi trên ngựa để chịu sương sa gió táp.
Mai tiểu-thư nghĩ rằng nếu chỉ ba đầy tớ mình cùng xuống thuyền mà đi thời hay. Nay lại có mấy đầy tớ họ Tiền, sợ xuống thuyền chật chội không thể chứa được nhiều người, gì bằng cứ đi bộ là hơn Tiểu-thư nghĩ như vậy bèn cười mà trả lời rằng:
— Nếu nhân-huynh không quen sương gió thì xin cứ tự-tiện đi thuyền. Tiểu-đệ vốn đã dạn quen sương nắng.
Tiền Tử-Cán nói:
— Tiểu-đệ với nhân-huynh, tình đồng cốt-nhục, nếu nhân-huynh có cần việc gì sai khiến đến tiểu-đệ thời dẫu chết tiểu đệ cũng không sợ, chớ sợ gì phong sương Chỉ nghĩ rằng: nhân-huynh tư-chất yêu-kiều, mà mạo cơn rét mướt, thời tiểu-đệ lấy làm áy náy mà thôi.
Mai tiểu-thư chỉ cười nhạt mà không đáp lại chi cả. Tử-Cán không thể nài sao được phải cứ theo tiểu-thư đi bộ. Mai tiểu-thư dần dần mới biết hắn có ý-tứ sằng, nên có lúc đi trước lúc đi sau, chớ suốt ngày không nói với hắn một câu gì cả. Chính hợp vào câu của ông lão hái sen hát rằng: « Đứng xa thời mặc chàng trông, lại gần ngán nỗi chàng không được gần ». Tiền Tử-Cán thấy Mai tiểu-thư cứ việc quất roi ngựa mà đi lên không thèm đoái-hoài nhìn chi lại, lại càng mê mẩn thần-hồn, không nghĩ chi đến ăn uống nữa, càng ngày lại càng thậm-tệ, không ngờ đã đi được hai ba ngày đường. Tên đầy tớ Tử-Cán thưa với Tử-Cán rằng:
— Tôi xem thầy ra ý mệt-nhọc hôm nay đã đến Bác-la, xin thày nghỉ ngơi uống một chén thuốc xem thế nào?
Tử Cán giật mình mà rằng:
— Chiều hôm nay đã đến Bác-la rồi ư!
Tử-Cán vừa giật mình nói lên như thế thì xuýt nữa ngã ngựa. Liền nghĩ ngay rằng đêm nay nếu không mặt dầy đánh liều mà gạ gẫm, thời ngày mai đến Huệ-châu đã chia tay mỗi người đi một ngả; thôi tính mệnh Tử-Cán cũng liều chết với anh chàng này; hễ đến Bác-la, thì ta hãy tìm nơi nhà tiệm tĩnh-mịch cho hai tên đầy tớ anh ta đi uống rượu một nơi, rồi ta gạ gẫm anh ta, nếu không nghe thời ta giở võ ra hiếp lấy cho bằng được. thời mới khỏi uổng mất công, Tử-Cán đã lập tâm như thế, liền gọi tên Kiện-bộc lại dặn bảo cứ làm như thế... Tên Kiện-bộc lĩnh-mệnh đi lên trước, tìm nơi nhà tiệm, rồi ra đầu phố đứng đón mời Mai tiểu-thư và cả mấy thầy trò vào nhà tiệm nghỉ ngơi, rồi giao tiền cho chủ tiệm dọn một tiệc lớn, bày ở trong phòng mời Mai tiểu-thư vào đó, và bày một bàn nữa ở mé ngoài
Mai tiểu-thư nói:
— Nhân-huynh sao lại bày tiệc thịnh-soạn làm vậy?
Tử-Cán cười mà rằng:
— Tiểu-đệ cùng đi với nhân-huynh đã mấy hôm nay, tình thân-mật như keo sơn, ngày mai tiểu-đệ với nhân-huynh đã mỗi người đi một ngả, nên bày chén rượu nhạt này để cùng với nhân-huynh đàm đạo cho thỏa tình ly-biệt.
Mai tiểu-thư là người con gái hào-hiệp, thấy y ngày mai đã sắp tương-biệt, nên cũng hòa-nhan mà rằng:
— Ngày mai nhân-huynh đã tương-biệt, thời tiệc này để tiểu-đệ bày ra tiễn-hành nhân-huynh mới là phải.
— Tử-Cán nói:
— Hai chúng ta hình tuy phân biệt, mà tình thì không có đây đấy gì khác nhau, tiệc này có kể chi là của tôi hay là của anh làm gì.
Nói rồi hai người đều ngồi uống rượu. Hoàng Thông cứ đứng ở bên cạnh mình Mai tiểu-thư. Tử-Cán gọi người nhà bảo rằng:
— Ở ngoài đã bày một tiệc, mày mời Hoàng quản-gia ra đó uống rượu với nhau, ngày mai tương-biệt, không biết bao giờ lại được gặp nhau bước đường ly-biệt, chúng bay lẽ nào lại vôi tình đi được.
Tên đầy tớ nhà họ Tiền bước vào dắt tay Hoàng Thông mời ra uống rượu.
Hoàng Thông nói:
— Hãy cho tôi ở đây để hầu thầy tôi đã.
Mai tiểu thư nói:
— Tiền tướng-công đã có bụng cho thời cứ đi ra mà uống rượu
Hoàng Thông phải đi ra, Tử-Cán thấy đầy tớ đã ra cả, bèn cười ngả nghiêng mà rằng:
— Tiểu-đệ không biết làm sao, từ khi trông thấy nhân-huynh thời như mê như dại, mộng hồn đêm nào cũng mê tưởng đến nhân-huynh.
Mai tiểu thư thấy Tử-Cán nói câu ấy tưởng rằng hắn đã biết mình là con gái, đỏ bừng mặt lên mà rằng:
— Nhân-huynh ra chừng say rồi!
Tử-Cán nói:
— Tôi dẫu chưa uống, nhưng vẫn say vì tình!
Nói rồi liền rót một chén rượu nâng đến trước mặt Mai tiểu-thư mà rằng:
— Xin nhân-huynh thương tôi, cứu lấy tính-mệnh cho tôi mà uống chén rượu này.
Mai tiểu-thư thấy Tử-Cán có ý bất-nhã. bèn gọi to lên rằng:
— Hoàng Thông đem nước chè vào đây!
Song khi ấy người nhà họ Tiền đã nói với chủ tiệm mời Thông với Hán hai người vào đàng mé trong uống rượu Mai tiểu-thư gọi luôn mấy tiếng không thấy Hoàng Thông thưa. Mai tiểu-thư nóng ruột đứng phắt dậy đi ra mà mắng rằng:
— Thằng chết này ở đâu gọi mãi không thấy thưa.
Tử-Cán vội vàng đứng dậy ngăn dữ lại mà rằng:
— Nhân-huynh thương lấy Tử-Cán này, chỉ vì nhân-huynh mà theo đến đây. Nay đầy tớ đều đi uống rượu ở nhà tiệm khác, xin nhân-huynh cho Tử-Cán này được hoan hùy một chút, thời mới thực là thỏa kiếp sướng đời!
Mai tiểu-thư cả giận mà rằng:
— Mày làm cái trò gì thế!
Tử-Cán khi bấy giờ si tình quá, thấy tiểu-thư đã nổi giận, liền nghĩ rằng mặc dầu Mai tiểu thư chịu hay không chịu không bắt ép không được liền sấn lại ôm lấy tiểu thư. Mai tiểu thư cả giận mà rằng:
— Quân súc-sinh này sao dám vô lễ!
Liền vung cánh tay thích cho một cái, đá hắt Tử-Cán ra ngoài cửa buồng. Mai tiểu-thư lại chạy sấn ra đạp lên ngực Tử-Cán thụi luôn cho một hồi, chẳng khác gì tám mươi cân sắt giáng xuống, làm cho Tử-Cán hộc cả máu mồm, kêu rống lên một tiếng không trở dậy được nữa. Chủ tiệm thấy xẩy ra cớ-sự như thế liền gọi bốn tên đầy tớ lại. Hoàng Thông vội vàng gỡ ngay Mai tiểu-thư ra. Tử-Cán đứng trở dậy thẹn quá hóa ra tức giận xông lại đánh miếng hậu chực luồn qua Mai tiểu-thư. Mai tiểu-thư mắt sáng tay nhanh đỡ ngay được miếng hiểm-độc, liền đá trái cho một cái hất lên trên mặt, Tử-Cán râu phờ cả ra và sứt ngay một miếng mũi cực lớn. Chủ tiệm thấy tiểu-thư đánh miếng độc, sợ hại đến nhân-mạng, liền gọi nhà bếp đem Tử-Cán ra ngoài, khuyên giải mà rằng:
— Ông là người học hành lại là người cùng bạn đi đường với người ta. sao lại sinh sự đánh nhau như vậy?
Tử-Cán bẽn lẽn không nói ra làm sao được. Hai tên đầy tớ họ Tiền chạy lại lấy khăn đập bụi cho Tử-Cán và lau sạch máu me, rồi thu-thập hành-lý, tính trả tiền nhà chủ tiệm, liền đêm hôm ấy hai tên đầy tớ đưa Tử-Cán lên ngựa ra đi.
Thực là dơ-dáng dạng-hình,
Bẽ-bàng còn mải chữ tình nữa thôi!
Hoàng Hán hỏi rằng:
— Chẳng hay sao lại đánh Tiền Tử-Cán làm vậy?
Mai tiểu-thư cười mà rằng:
— Ghét thay quân súc-sinh! Trước mặt ta dám giở trò vô lễ.
Hoang Hán không dám hỏi nữa, đi lấy nước chè đem lại cho Mai tiểu-thư uống. Ngày hôm sau tính trả tiền cơm, rồi Mai tiểu-thư sắm sửa lên ngựa ra đi. Người chủ-nhân ở tiệm đối cửa chạy sang sẽ hỏi tên hầu-sáng Tiểu-Nhị ở bên này rằng:
— Tối hôm qua đánh Tiền quân có phải là cậu bé kia không?
Tiểu-Nhị gật đầu bảo là phải. Người chủ tiệm lè lưỡi mà rằng:
— Cậu bé ấy trông người mảnh rẻ yếu ớt như cành hoa, sao mà tài-giỏi làm vậy, đá hắt một người lớn lực-lưỡng như là đá con gà con, tung đàng trước hat đàng sau, người kia không thể nào chống-cự lại được, thật là một sự kỳ!
Mai tiểu-thư thoảng nghe tiếng chỉ là cười thầm. Nào biết đâu thân lừa dẫu lớn, vẫn phải sợ sức khỏe cọp con.
Ba đầy tớ Mai tiểu-thư từ giã Bác-la ra đi, đi dọc đường chuyện trò cười nói, không ngờ đi được hai ba ngày đến chỗ con đường ngã ba, Hoàng Hán nhận chưa rõ là đi về đàng nào, bèn mời tiểu-thư xuống ngựa ngồi tạm ở trên hòn đá để đợi người đi qua lại hỏi thăm đường. Một lát thấy một ông lão già mặc áo đạo-bào, chống gậy trúc-trượng, đủng-đỉnh tự trong khe núi đi ra, tay cầm một cành mai-hoa, miệng ngâm mấy câu Tô-từ, mà rằng:
Cao-tình gửi đám mây bay,
Hoa lê chi mải giấc say mơ màng
Hoàng Hán liền bước ra cúi mình mà hỏi rằng:
— Dám hỏi tiên-ông, đây về thôn Mai-hoa đi đàng nào?
Lão-ông trỏ tay mà rằng:
— Đi về con đường phía tây kia, thời trông thấy hoa mai đó
Mai tiểu-thư nghe nói, đứng dậy bước ra lên ngựa. Lão-ông trông thấy Mai tiểu-thư nhìn đi nhìn lại mãi rồi giơ tay lên hỏi rằng:
— Chẳng hay quí-khách đến thôn Mai-hoa có việc gì?
Hoàng Hán nói:
— Bẩm, muốn đến nhà Trương thái-công để hỏi thăm người thân-quyến.
Lão-ông lại hỏi rằng:
— Quí công-tử cùng với ông Thu-Cốc vốn là tương-thức phải không?
Hoàng Hán nói:
— Trương thái-công là nhạc-phụ của công-tử tôi.
Lão ông nghe nói vội vàng bước đến trước mặt Mai tiểu-thư vái một cái mà hỏi rằng:
— Tôi nghe túc-hạ phải quan Đốc-phủ bắt giam cấm ở Nam-hải, sao lại thoát được oan-ngục mà ra tới đây?
Mai tiểu-thư ngẩng đầu ngơ ngẩn mà rằng:
— Thực không có việc ấy.
Lão-ông lắc đầu cười mà rằng:
— Thế mới thực là kỳ tuyệt! xin hỏi túc-hạ quí-tính đại-danh là gì?
Hoàng Hán thưa:
— Công-tử tôi họ Hoàng tên là Ngọc-sơn.
Lão-nhân nói
— Thế thời lịnh-nhạc của công-tử không phải là Trương Thu-Cốc tệ-hữu tôi đâu; thôn Mai-hoa lẽ nào lại có hai ông Trương Thu-Cốc dễ thường túc-hạ nhớ lầm chăng?
Hoàng Hán nói:
— Sao lại nhớ sai được, tháng tư năm trước. công-tử tôi đã đến ở chơi nhà ông ấy hơn một tháng mới đi, bà nhạc mẫu là Long-thị tôi vẫn nhớ rành rành như vậy.
Lão-nhân nghe nói liền nắm tay Mai tiểu-thư mà rằng:
— Thế thời cái người tháng trước lại đây dễ thường là mạo xưng, nay túc-hạ lại đây thực là hay lắm, rồi đã có Chí-Long nó nhận ra. Vả lại túc-hạ có biết ông bà lịnh nhạc cả nhà phải bị thảm-họa gì không?
Hoàng Hán thoạt nghe lão-ông nói tháng trước Phùng-Ngọc có đến đấy đã lấy làm mừng, rồi lại nghe nói cả nhà Trương-thái-công bị họa, liền thất-kinh mà rằng:
— Nhà Trương thái-công bị tai vạ ra làm sao?
Lão-ông nói:
— Kể ra không thể hết được, xin túc-hạ hãy ngồi xuống đây để lão này thuật lại cho mà nghe.
Nói rồi liền dắt tay Mai tiểu-thư ngồi xuống mà rằng:
— Lão đây chính là tệ-hữu với Trương Thu-Cốc, không ngờ tháng tư năm trước cùng với túc-hạ đi đến Phong-hồ khảo-thơ đảo-áp làm nhục Hà Túc-Tượng, làm cho Hà Tiếu tức khí mà chết Túc-Tượng phẫn uất không thể nhịn được, nghe lời Nhiêu-Hữu đi giao-kết với giặc Hỏa-đái, chực muốn báo thù lại. Diệp Hiếu-liêm nghe biết tin-tức như vậy đem bạc hối-lộ cho Nhiêu-Hữu. Nhiêu-Hữu bèn che chở nói với Túc-Tượng tha cho Diệp Hiếu-liêm. rồi đi khắp mọi nơi dò xét tung-tích túc-hạ, dò mãi biết Thu-Cốc là lịnh-nhạc túc-hạ, nhưng chưa rước dâu về. Tháng ba năm nay nó đem quân giặc Hỏa đái đến nhà Trương Thu-Cốc cướp sạch cả của cải đàn ông đàn bà đem đi hết, lại phóng hỏa đốt cả nhà cửa. Đến tháng sáu, con trưởng Thu-Cốc là Trương Chí-Long mới về thấy tình hình như thế bèn đi thưa các tòa nha-môn, thời nha-môn nào cũng ăn tiền hối-lộ của quân giặc Hỏa-đái, không chịu chấp đơn để tra hỏi cho. Tháng trước thấy có một người thiếu-niên tự xưng Hoàng Phùng-Ngọc nhận là rể Trương Thu-Cốc đem Chí-Long cùng đi đầu trạng ở cửa quân, phải quan Đốc-phủ bảo người ấy giao-thông với mán mèo mưu làm sự phản-nghịch, tức thì đánh cho hai mươi côn rồi phát-vãng ra huyện Nam-hải để tra tấn. Chí-Long đứng ngoài chạy thoát được, hôm trước mới đến nhà, thời sớm hôm nay bọn Hà Túc-Tượng, Nhiêu-Hữu đem bốn năm mươi đứa lại, tự-xưng là phụng mệnh quân-môn đến tróc-nã tặc-đảng, liền bắt Chí-Long trói lại khảo-đả Lão tưởng rằng quan quân đi tróc-nã, không có lẽ lại như quân kẻ cướp trừng trợn như thế, hẳn là chúng nó nhờ gió bẻ măng đến để báo oán đó mà thôi Lão nghĩ thương tình nghĩa bè bạn, bèn đến nói để gỡ cho Chí-Long. Không ngờ chúng nó nghiến răng nghiến lợi nói rõ tên túc-hạ là theo về đảng giặc Gia-quế, Thiên-mã, hiện phải bắt giam ở huyện Nam-hải chiêu xưng rõ ràng, chúng nó định trở về quân-môn cáo-giác lão là đản-hộ cho đảng phản-nghịch. Nên lão mới chạy ra đây, nay túc-hạ đến đây. rồi sẽ cùng với chúng nó biện-chất xem ra làm sao.
Ba người nghe thấy lão-ông nói Phùng-Ngọc bị giam ở huyện Nam-hải, đều ngẩn người ra. Mai tiểu-thư hỏi rằng:
— Chí-Long hiện bây giờ bị trói ở chỗ nào?
Lão-ông nói:
— Lũ chúng nó còn ở trong thôn ấy làm cơm ăn với nhau, nó chưa giải đi.
Mai tiểu-thư đứng phắt dậy trông vào Hoàng Hán mà bảo rằng:
— Ta hãy vào trong thôn này hỏi thăm Chí-Long cho đích-thực đã, rồi sẽ liệu.
Hoàng Hán rỏ nước mắt bảo rằng phải. Ba người liền bái từ lão-ông rồi vội vàng đi vào trong thôn, đến chỗ trại tàn-phá thấy một lũ đến sáu bảy mươi tên kẻ cướp ngồi quanh cả lại với nhau ăn cơm, ở giữa để một nồi cơm to tướng, Chí-Long thời nó trói vào cái bậc cửa ở chỗ cửa đổ. Mai tiểu-thư trông thấy nổi cơn giận lên mà thét rằng:
— Hoàng Hán vào cởi trói người kia ra cho tao!
Nhiêu Hữu nghe tiếng, liền thét lên rằng:
— Nào! đứa nào dám động vào đây!
Hoàng Hán khi bấy giờ cậy có Mai tiểu-thư cũng không sợ gì lũ chúng nó cứ bước vào cởi trói. Sực có tên kẻ cướp nhẩy ra vung tay đánh nhau với Hoàng Hán. Mai tiểu-thư nổi giận nhẩy xuống ngựa xông vào, một tay nắm chẹt lấy cổ tên giặc, một tay nắm lấy khố đàng sau, ném tung tên giặc rơi ngay vào cái nồi cơm to tướng nóng hôi-hổi, kêu đánh toang một cái, nồi cơm đổ bừa cả ra đất. Lũ kẻ cướp đứng cả dậy xông đến Mai tiểu-thư. Mai tiểu-thư hăng lên tay đấm chân đá đánh toán-loạn lũ ấy như nước chẩy hoa trôi. Hà Túc-Tượng thấy thế núng lên đi cút mất. Lũ kẻ cướp thấy Túc-Tượng trốn đi mất rồi, cũng đều tan trốn đi cả. Mai tiểu-thư cùng với lũ Hoàng Hán ba người đuổi theo một hồi, rồi lại quay về trong trại, thấy một người ngã què một cẳng nằm phục ở dưới bờ rào. Hoàng Hán chạy lại xem thời hình như người ấy đã gặp một lần ở chùa Thê-thiền đứng ở dưới đài thi thơ trông ra hãy còn tưởng tượng, Hoàng Hán bèn thét lên rằng:
— Mày có phải Nhiêu-Hữu đấy không?
Nhiêu-Hữu gục đầu mà kêu rằng:
— Xin người tha cho tính-mệnh tôi với.
Mai tiểu-thư sai đem cái thừng trói Chí-Long hãy tạm trói Nhiêu-Hữu lại, rồi sau này sẽ phát-lạc.
Mai tiểu-thư đảo vào trong nền nhà cũ. Chí-Long rỏ nước mắt quị xuống mà thưa rằng:
— Nếu Chí-Long này không gặp được tráng-sĩ thời không biết nó giết chết lúc nào dám xin hỏi đại-danh tráng-sĩ là gì vậy?
Mai tiểu-thư vội vàng đỡ dậy mà rằng:
— Đã là anh của Trương quí-thư, thời tức là anh tôi, xin mời đứng dậy tương-kiến.
Chí-Long đứng dậy trùi nước mắt mà rằng:
— Chẳng hay tráng-sĩ sao lại biết xá-muội tôi vậy.
Hoàng Hán nói:
— Đây là Mai tiểu-thư chị ruột chúa Thiên-mã, là vợ thứ ba Hoàng Phùng-Ngọc là chủ tôi, hôm nay đến đến đây cốt là tìm Hoàng-chủ-công và Trương lịnh-muội để cùng đón về nam.
Hoàng Hán nói xong. Mai tiểu-thư mời Chí-Long cùng tương-kiến hai người đều vái chào nhau, rồi gọi nhau bằng anh em, cùng oà lên khóc. Thông, Hán cũng khóc, khóc một hồi lâu, rồi Chí-Long thuật chuyện đầu đuôi Phùng-Ngọc khi trước trở về.
Mai tiểu-thư nói:
— Nay Hoàng-lang đã mắc phải tội vu-phục, tưởng tài nào cũng khó gỡ cho ra được; nếu anh em mình ở đây, chỉ làm đứa Sở-tù trông nhau mà khóc, cũng chẳng được trò gì.
Nói rồi liền trỏ cái hòm da mà rằng:
— Trong hòm này tôi có một nghìn lạng bạc, ý tôi định đem về Trình-hương để phụng-dưỡng ông bà. Nay anh với Hoàng Thông đem cái hòm bạc này đi ngay lên tỉnh, liệu mà đút lót chỗ này chỗ khác, để cho Hoàng-lang khỏi phải kẻ ngục-tốt nó hành hạ khổ sở. Còn tôi thời cùng với Hoàng Hán trở về sơn-trại, khởi đại-binh đem đến đạp phá tỉnh thành để tiết cái giận cho tôi mới nghe.
Tiểu-thư nói rồi cầm thìa khóa giao cho Chí-Long. Chí-Long khóc và trỏ Nhiêu-Hữu mà rằng:
— Cái thằng cừu-nhân kia, chính là nó đem giặc đến phá hại nhà tôi đó nay nên phát-lạc ra làm sao?
Mai tiểu-thư nói:
— Cái việc đó xử cũng dễ.
Liền bảo Hoàng Hán vào trong nhà đổ, nhặt nhạnh lấy cả sống áo chăn màn và các thứ đồ dùng đem ra, rồi đem rong phèn cỏ rác ở ngoài chất đầy vào trong nhà, điệu Nhiêu-Hữu vào bắt quì phục xuống, rồi Mai tiểu-thư rút thanh gươm sáng quắc ra trỏ vào Nhiêu-Hữu mà bảo rằng:
— Chồng tao có thù hằn gì với mày, và nhà chị tao có oan trái gì với mày? mà mày dám làm độc ác như thế, phá hại cả nhà cả cửa người ta, thời mày đáng tội gì?
Nhiêu-Hữu khấu đầu kêu xin mà rằng:
— Đó là tụ Hà Túc-Tượng nó làm, chớ tôi không dự gì đến đó
Mai tiểu-thư nói:
— Đã trối không cho người biết, thời đừng có làm. Nay những sự Túc-Tượng làm càn, đều là đồ cẩu-trệ ấy xui khiến nó cả, nay ta tha cho mày, thời lưới trời cũng không dung tha mày đâu!
Nói rứt lời, liền vung thanh gươm ra chém Nhiêu-Hữu ra làm hại đoạn. Thực là:
Ác báo lưới trời khôn tránh thoát,
Mũi gươm oan nghiệt đáng đời chưa!