Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Hồi thứ XIV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ XIV

Phá sào-huyệt, giương bên đông đánh bên tây,
Mắc phục binh, chống đàng tả hụt đàng hữu.

Nói về Súc Nục đương chợp ngủ ở trên lầu cửa tây bị mái lầu sụt xuống, liền đổ cả ghế ỷ ngã xuống cửa lầu, may nhờ được cái cột chắn đỡ hòn đá không đến nỗi bị trọng-thương. Tả hữu liền chạy đến cứu đỡ dậy khiêng về phủ-đường. Gia-Cát Đồng ở ngoài thành, trông thấy lầu thành cửa tây sạt mất một góc, cả mừng, lại thúc quân-sĩ khuân vác đá lớn thường thường vận ném vào trong thành, làm cho trong thành náo-động như thần-kinh quỉ khốc. Đới Tuần-phủ hoảng sợ cùng với Lâm Bỉnh-Hán thương-nghị làm tờ văn thư cáo-cấp. mật sai quân-hiệu đương đêm thừa phía cửa bắc chỗ quân giặc đóng thưa; ròng dây thả tên quân-hiệu ấy xuống dưới thành để đi đến Huệ-châu cầu binh cứu-viện.

Nguyên có quan Tổng-binh Trào-châu là Lâm Thiên-Tứ đem mười hai vạn quân cùng với quan Tổng-binh Huệ-châu là Ân Chính-Mậu họp binh đóng lại ở đó. Nhưng vẫn sợ thanh-thế quân Dao-man dùng dằng không dám tiến binh. Nay lại tiếp công văn cáo-cấp của Đới Tuần-phủ gửi đến mới biết rõ là tỉnh thành sắp nguy đến nay mai, nhưng vẫn trông ngóng dùng-dằng không dám cả quyết tiến binh. Khi ấy có Thôi-quan Diêu Hội-Gia hiến kế mà rằng:

— Quân mán kia tuy rằng cường-bạo thật, nhưng bây giờ đã không phá được tỉnh thành, thì tất là nản lòng thoái chí; nếu hai quan-lớn sai người nói phao lên rằng: « Hàn Nguyên-soái đương đề-binh bốn mươi vạn do Quế-lĩnh thẳng đến đánh trại Thiên-mã để đạp phá sào-huyệt quân giặc. » Nếu nó nghe tin ấy thời tất sợ phá mất tổ phải đem binh về cứu. Khi ấy hai quan lớn đem binh-mã do đường tắt đi đến mai-phục ở Giao-tây, Ngẫu-đường, đợi cho quân giặc kéo đến, thì ra đánh chặn đường về, hai bên đánh đổ xô lại; trong thành nghe được tin ấy tất đem binh ra đánh tập-hậu. Lại truyền-lịnh cho quân ở Hổ-môn ra khiêu-chiến với thủy-quân giặc, khiến cho nó không kịp cứu-viện được nhau, thời quân ta có thể toàn-thắng được.

Ân Chính-Mậu nói:

— Kế ấy rất hay!

Liền sai người đi các nơi nói phao lên rằng: « Đại binh quan Hàn Nguyên-soái đã kéo đến Quế-lĩnh; và một mặt đề-binh do đường bể đến mai-phục ở Tây tráng và Lệ chi-loan. Diêu Hội-Gia lại giả làm mạo tờ hịch của Hàn Ung truyền-hịch cho Lâm Thiên-Tứ đồn binh ở Thiết-cương, để chặn đường quân giặc chạy về phía đông, và truyền-hịch cho Ân Chính-Mậu, Triệu Phục đồn binh ở Triệu-khánh, để chẹn đường về của quân giặc, đợi khi nào đại-binh đảo phá được sào-huyệt quân giặc, rồi cùng hợp-binh lại xung sát quân giặc vân vân. » Làm thành ra tờ hịch như thế. rồi sai người do Phật-sơn vòng qua đường cái lớn Hàn-thành cầm tờ hịch đem đi, cố ý cho quân giặc bắt được đem giải nộp vào trại Mai Anh, tả hữu khám xét trong lưng bắt được tờ hịch, đệ-trình Mai Anh. Mai Anh xem rồi cả kinh. vội vàng cho mời quân-sư đến thương nghị mà rằng:

— Tôi nghe Hàn Ung là người túc-trí đa-mưu, không phải coi thường như kẻ khác, mà nay kéo đại-binh đến đánh trại ta mà quân tinh-binh của trại Thiên-mã ta đều kéo ra đóng ở đây cả, nếu phải quan-quân đánh phá sào-huyệt, thời quân ta không có đường lui về, chẳng hay quân-sư định liệu tính sao đây?

Gia-Cát Đồng nói:

— Tỉnh-thành này phòng-bị kiên-cố, không phải nửa tháng hay một tháng mà đánh được ngay. Vả nay nghe Hàn Ung đã kéo quân đến Quế-lĩnh thời gì bằng ta hãy thu quân về, đánh phá Hàn Ung, rồi ta lại kéo quân trở lại đánh tỉnh thành.

Mai Anh nghe lời, liền gọi Thiết Lão-Hổ cho đi đoạn-hậu, truyền-lệnh đến trống canh ba thời đều khởi quân kéo đi. Mai tiểu-thư nghe thấy lệnh ấy cả kinh, vội vàng đến yết-kiến quân-sư mà rằng:

— Đại-quân ta kéo đến đây không phải là dễ, nay chửa cứu được Hoàng-lang, chẳng hay quân-sư cớ sao lại thoái binh về?

Gia-Cát Đồng nói:

— Nay nghe tin Hàn Ung đem 40 vạn đại-binh do tỉnh Quảng-tây thẳng đến đảo-phá trại Thiên-mã. Vậy ta nên hãy trở về đánh phá Hàn Ung, rồi sau sẽ kéo quân trở lại.

Mai tiểu-thư nói:

— Không nên, cái tin quân Hàn Ung kéo đến, cũng chửa biết hư thực thế nào, mà tỉnh thành này chỉ sớm tối là đánh phá được. Đã phá được tỉnh-thành, dẫu có quân Hàn Ung kéo lại cũng không làm trò gì được. Nếu chỉ nghe lời ngoa-truyền mà vội thoái binh ngay, sợ rằng quan-quân đã răn cái lỗi ngày trước thời tất là nghiêm-gia phòng bị các chốn cửa ải bến đò, quân-sư dẫu muốn kéo quân lại, có thể được chăng?

Gia-Cát Đồng cười mà rằng:

— Bất-tài này có phải là tin cái tin đồn Hàn Ung kéo binh lại đâu, song chỉ nghĩ rằng tỉnh-thành này kiên-cố quá, phi có người nội-ứng thời tất không thể phá được; bấy nay tỉnh-thành này đã bị quân ta vây hãm hơn một tháng trời, thế tất nhân-dân trong thành đã thiếu thốn cả củi đuốc, nên ta hãy tạm lui quân đến Triệu-khánh, để mặc cho trong thành mở cửa cho nhân-dân ra kiếm củi, ta sẽ mật sai dũng-sĩ đi lẻn vào thành làm nội-công, rồi sau ta lại quay binh đánh vào; như thế thì nội ngoại giáp-công, mới hay phá được tỉnh-thành, xin tiểu-thư chớ ngại.

Mai tiểu-thư nói:

— Nếu định kế như thế thời phải.

Gia-Cát Đồng nói:

— Bây giờ nên sai Vạn Nhân-Địch đem một vạn quân, đầu canh một kéo đi trước; còn thời đến canh ba cứ dần dần sẽ kéo theo sau, chỉ lưu Thiết Lão-Hổ đem một toán quân đi đoạn-hậu.

Quân lịnh ấy truyền xuống các binh trại, thời các trại đều sắp sửa đâu đấy, nhân đêm sáng trăng đều lìa bỏ tỉnh-thành trông về Tây-trường mà kéo đi. Vừa đi đến Ngẫu-đường, chợt nghe một tiếng súng nổ, phục binh ở đâu kéo uà ra; đàng trước thì Ân Chính-Mậu, bên hữu thì Lâm Thiên-Tứ, bên tả thì Diêu Hội-Gia, vây kín Mai Anh vào giữa vòng vây. Mai Anh vung kích ra xông đột lên trước. Song phải Ân Chính-Mậu đem hết cả xe của dân lấp các đường yếu-hại, tên nỏ bắn ra tua tủa như châu-chấu bay, không thể nào đi lên được. Gia-Cát Đồng liền sai quân-sĩ đem lửa đốt các xe cộ. Chính-Mậu đã chứa sẵn nước tưới ngay vào, lửa không thể cháy lên được. Đương lúc xung-đột, thời Thiết Lão-Hổ ở đám hậu quân phải Đới Tuần-phủ biết rằng quân mán đã lui liền đem quân trong thành ra, vây đánh Lão-Hổ một trận. Lão-Hổ không chống lại được phải bại trận mà chạy. Mai Anh cả kinh, thúc quân đánh uà lên, nhưng không thể nào ra được, đánh nhau mãi đến sáng rõ, phàm bao nhiêu đường ra phải quan Đới Tuần-phủ chia binh ra phòng giữ hết cả. Mai Anh phải tạm đóng binh trại lại nghỉ ngơi. Đêm hôm ấy vào trống canh hai, bỗng dưng nổi lên một cơn bão, đá sỏi bay bốc lên mù mù, Đới Tuần-phủ thừa được cơn phong-ba, sai quân-sĩ bắc giá súng lên, thuận chiều gió bắn ra, hễ bắn ra một phát thì chết đến vài trăm người; lại sai quân-sĩ lấy đoản-đao mộc-thuẫn xông ra đánh, làm cho quân mán rối loạn tơi bời.

Mai Anh trong bụng hoang-mang bèn cùng thương-nghị với quân-sư Gia-Cát Đồng mà rằng:

— Chẳng hay quân-sư có diệu-pháp gì, đánh phá được cái súng ấy? chớ như quân giặc dẫu trăm vạn, tôi có sợ gì đâu!

Khi ấy Gia-Cát Đồng không biết nghĩ mưu-kế gì cả, ngồi lặng một hồi lâu rồi nói rằng:

— Súng ấy thời không phép nào đánh phá được, mà bao nhiêu đường phía trước đều bị chẹn lấp hết cả, chỉ còn đường phía bắc có một toán quân lơ thơ, ta nên đánh xông ra đường ấy, chiếm cứ lấy một đầu núi, rồi sau sẽ thương-nghị.

Mai Anh khi bấy giờ cũng nghe lời quân-sư sai Thiết Lão-Hổ làm quân tiên-phong, đánh xông ra phía bắc, chính gặp Đỗ-Tùng, vừa giao chiến được ba hợp, thì Đỗ Tùng liền phải Lão Hổ đánh cho một côn ngã lăn xuống ngựa, Lão-Hổ thừa thế xông ra, Mai Anh tiến theo sau, dũng-mãnh không thể ai đương được. Quan trấn-phủ Lâm Bỉnh-Hán vội-vàng hô quân-sĩ đem súng Qua-oa bắn ra. Quân-sĩ được lệnh liền bắn ra như mưa, một tiếng nổ rầm trời, viên đạn đâu bay trúng vào giữa ngực Lão-Hổ, thấu qua áo giáp ngã lăn xuống ngựa, quân mán liền chạy giật lùi cả lại. Vụt đâu Mai tiểu-thư tế ngựa lại trợn mắt thét lên rằng:

— Chư-tướng, phải cố sấn lên, không đánh phá được súng ấy thời không được lui lại!

Nói chưa rứt lời tiểu-thư đã tế ngựa lên trước, thò tay vào cẩm-nang vốc lấy một nắm đậu đã luyện có thần-pháp, rồi vung ném vào đám quân bắn súng, chẳng khác gì hàng trăm viên đạn bắn ra, hễ rơi vào người nào, thời cháy sém cả da thịt. Tiểu thư ném luôn và mươi vốc như thế, đám quân bắn súng đổ xô nhau bỏ cả súng mà chạy. Mai Anh cùng chư-tướng thừa thế đánh xông lên ngọn núi Bạch-vân, liền chiếm giữ trên đỉnh núi, chia quân-sĩ ra phòng giữ các cửa núi, quân-lính khi bấy giờ mới hơi vững lòng. Thực là:

Hổ mạnh đến khi sa cạm bẫy,
Núi cao phải liệu chốn nương thân.

Mai Anh tuy chiếm giữ được núi Bạch-vân, song phải Đới Tuần-phủ hợp binh vây kín cả bốn mặt, đánh mãi không ra được, lương-thảo dần dần đã thấy khuyết-phạp, trong trại đều hoang-mang. Gia-Cát Đồng bấy giờ phải giở hết phép thuật bình-sinh ra. cùng với Tống Kim-Cương đem một vạn quân đi tiên phong, tự mình thì xòa tóc chống gươm xông đến trước trại Đới Tuần-phủ, niệm-chú chân-ngôn, bỗng dưng cuồng-phong nổi lên ầm ầm, hắc-khí mê-man, quan quân giáp mặt không trông thấy nhau, chỉ trông thấy vô số quỉ-binh tự lưng chừng trời giáng xuống, tay cầm chầy giáng-ma, xung sát vào đám quan-quân Quan-quân cả kinh, đều chạy giật lùi lại không thể cấm-át được, Diêu Hội-Gia thấy như thế liền bảo rằng:

— Đó chẳng qua là tà-thuật, quân-sĩ chớ kinh.

Liền cầm súng chĩa vào quỉ-binh bắn ra, vụt chốc quỉ-binh đều tản về núi Bạch-vân mà tan đi hết. Đêm hôm ấy Gia-Cát Đồng lại đi đến núi Ma-tinh, đợi khi nước trào sắp lên, lại xòa tóc chống gươm, giở phép-thuật ra phù-chú, bỗng dưng nước trào dâng lên và mươi trượng, bạch lãng trắng-xóa, cuồn-cuộn dồn vào chân núi. Quan-quân xôn xao cả lên. Diêu Hội-Gia bảo Đới Tuần-phủ rằng:

— Nước thủy-trào không khi nào tràn lên như thế. đó tất là tà thuật của quân Dao-tặc; thời nên lấy và mươi miếng ván gỗ viết bảy chữ: « Quảng-lợi hồng-thánh vương đáo-thử 廣 利 洪 聖 王 到 此 », ném xuống nước thời tà-thuật tự khác tan.

Đới Tuần-phủ y theo lời, viết và mươi miếng ván rồi ngảnh mặt về hương Nam khấn vái mà ném xuống nước, vụt chốc ba-đào thiếp-nhiên đều yên-lặng hết cả.

Nói về Gia-Cát Đồng ở trên đỉnh núi Ma-tinh làm pháp-thuật xong, chợt thấy một trận gió thoảng qua, sóng thủy-trào nổi lên ầm ầm như sấm chẩy tràn vào đến chân núi Bạch-vân, quan-quân đã xôn xao cả lên, trong bụng cả mừng, toan sắp sửa xuống núi, phát quân ra xung-sát. Vừa toan dời bước thời đã thấy sóng nước yên lặng cả, bèn cả kinh mà rằng:

— Phép-thuật này mà cũng có người khám-phá được thì lạ thật!

Khi về đến trong trại, không biết nghĩ giở kế gì nữa. Ngày hôm sau, Mai Anh họp cả chư-tướng lại thương-nghị mà rằng:

— Hiện nay trong quân chỉ còn lương-thảo độ ba ngày; nếu quá ba ngày, trong quân hết lương; không khéo đến chết đói cả, chẳng hay nghĩ kế sao bây giờ?

Gia-Cát Đồng nói:

— Bất-tài này mấy hôm nay ở luôn trên đỉnh núi xem xét, biết đích rằng lương-thảo của quan quân đều chứa ở phía đông chùa Long-quả, nếu kén được quân cảm-tử, nửa đêm lẻn xuống núi bất-thình-lình lại cướp lương, thì tất là được. Song trong quân không kén được người dũng-cảm thời nài sao?

Gia-Cát Đồng nói rồi, Mai Anh liếc mắt trông chư-tướng, chư-tướng đều sợ oai súng đạn, không ai dám ứng-mệnh cả. Mai tiểu-thư hăng-hái lên mà rằng:

— Nay chỉ vì sự cứu Hoàng-lang nhà tôi, thì tôi xin thân-chinh đi, dẫu chết cũng không oán hận chi cả.

Gia-Cát Đồng cả mừng mà rằng:

— Nếu mà tiểu-thư đảm-đương thân-chinh ra đi, thời nên đem ba vạn bộ-binh độ đầu canh hai khởi-trình đi trước; đại-vương thời lĩnh binh tiếp ứng theo sau. Còn Tống Kim-Cương thời từ phía núi bên nam xông xuống đánh Đới Tuần-phủ; Thạch Thung-Cữu thời từ phía núi bên tây xông xuống đánh Ân Chính-Mậu; hễ bao giờ nghe thấy trên núi nổi hiệu pháo liên-châu thời mới đều hồi quân cả.

Phân-phó đâu vào đấy; Gia-Cát Đồng lại giở pháp-thuật ra cầm gươm giơ trỏ vào trại quan-quân hô-thét lên mấy tiếng to, vụt chốc mây đen bốn mặt kéo lên, làm cho trại quan-quân giáp mặt không trông thấy nhau. Mai tiểu-thư lẳng-lặng đem quân kéo thẳng đến trước chùa Long-quả, rúc lên một hồi còi, rồi reo ầm lên xông vào phá trại. Quan-quân thấy xưa nay quân giặc không đến đó bao giờ, lại nhân đêm hôm ấy gió thổi ào ào, mây tối mờ mịt, vẫn tưởng rằng sắp có trận mưa to, quân giặc tất không kéo đến nào; cứ đóng cửa trại cho chặt, ngủ kỹ, chợt nghe tiếng reo kéo đến không biết rằng quân giặc nhiều hay ít thế nào, vội vàng ôm đầu trở dậy chạy tán loạn. Mai tiểu-thư thúc quân đánh xông vào, ùa cả vào chùa Long quả, bao nhiêu lương-thảo đều cướp mang đi sạch. Đới Tuần-phủ nghe thấy phía đông súng nổ rầm trời biết rằng có quân giặc đến cướp lương, vội vàng sắp quân lại cứu, thời lại nghe tiếng súng nổ, Tống Kim-Cương ở đâu xung-sát kéo ập đến. Đương lúc ấy khí trời mù mịt, Đới Tuần-phủ sợ có phục binh, không dám đánh xông ra, chỉ truyền cho quân-sĩ bắn súng ra mà thôi. Tống Kim-Cương thời chỉ ở đàng xa reo hò. Ân Chính-Mậu nghe tin ấy, kíp cùng với Chỉ huy là Hùng Bưu đem quân đi ứng-cứu, vừa ra khỏi trại, gặp ngay Thạch Thung-Cữu kéo đến, đôi bên giao-chiến một hồi, Thạch Thung-Cữu liền quay ngựa chạy Hùng Bưu cậy tài dũng mãnh, vung đao lên đuổi theo, gần đến Nguyệt-khê, chợt nghe súng nổ, phục binh ở đâu ùa ra. Thung-Cữu lại quay ngựa trở lại giao-chiến, thét to lên rằng:

— Quân cẩu-tặc kia, có chạy lên trời!

Liền giờ đao lên chém phăng Hùng Bưu làm hai đoạn. rồi lại thúc quân đánh tràn lên. Ân Chính-Mậu vội vàng thu quân vào trại. Khi ấy trên núi đã nổi hiệu súng liên-châu, Thạch Thung-Cữu bèn thu quân đắc-thắng hồi trống kéo về Gia-Cát Đồng thân xuống núi tiếp-kiến, thấy cướp được vô số lương-thảo; Thung-Cữu lại chém được tướng, thắng trận trở về Gia-Cát Đồng cả mừng, trọng thưởng cho Thung-Cữu và truyền đem lương thảo phân-cấp cho các trại quân Dao-man thẩy đều mừng rỡ. Thực là:

Chẳng hề tượng cái khoe lương-thảo
Chỉ cậy thâu đêm cướp lấy lương.

Ngày hôm sau, Hoàng Hán vào yết-kiến Mai tiểu-thư mà thưa rằng:

— Tôi nghe đêm hôm trước thư-thư đi cướp được lương về. quân-sĩ thẩy đều vui mừng khôn-xiết. Song chỉ Hán này lấy làm lo, là vì cớ sao? Là lấy cái số lương có chừng hạn ấy, để cung làm lương thực cho quân-sĩ vô-cùng, nếu số lương ấy hết đi, thời thư-thư có hay lại đến chùa Long-quả cướp lấy được nữa không?

Mai tiểu-thư nói:

— Ngươi nói phải thật, nhưng không có kế nào ra thoát được trùng-vi nữa thời làm thế nào?

Hoàng Hán nói:

— Thư thư nếu tin lời tiểu-nô, thời tiểu-nô khắc có một kế, không những là đánh phá được quan-quân như rung cành khô bẻ cành ải, mà hay khiến họ phải cúi đầu lượm tay đem trả Hoàng tướng-công cho thư-thư ngay lập tức!

Mai tiểu-thư nghe nói, nét mặt tươi cười, đứng phắt ngay dậy mà rằng:

— Ngươi nếu có diệu-kế gì hay, cứ việc nói ra, ta há lại không tin lời ngươi hay sao!

Hoàng Hán nói:

— Trước kia ở huyện Tam-thủy khi đại vương vào huyện-đường uống rượu; các tiểu-đầu-mục đều rủ nhau đến các hương thôn cướp lấy trâu rượu tôi cũng cùng với bộ-hạ thư-thư là lũ Sái Kinh đi ra tranh cướp. Lúc trở về đến đường cái quan, gặp thấy bộ-hạ Thạch tướng-quân đương bắt hỏi hai tên quân-hiệu om-xòm lên ở bên đường Tôi bèn chạy lại can ngăn, nhận biết tên quân-hiệu ấy chính là tì-tướng bộ hạ của Phù tướng-quân ở trại Gia-quế tên là Mã A-Ma, tôi bèn thét giữ y lại, hỏi y đi đâu? Thời y nói là: «Lý công-chúa có người cô ở Lệ-pha tỉnh Quảng-tây, cũng hiệu là Lý công-chúa, khi 40 năm trước đã qui-thuận về riều-đình, mông-ơn triều-đình xử-trí cho ở châu Vĩnh-an, cho con được thế-tập, năm nay đã chín mươi tuổi thọ, nên Lý công-chúa sai chúng tôi đem thọ-lễ đến mừng». Tôi nghe nói như vậy, nên mới biết rằng Lý công-chúa hãy còn, vậy tôi đem chuyện Hoàng tướng-công nói cho y hay. Hai tên quân ấy biết rằng Hoàng chúa công hãy còn đều cả mừng mà rằng: « Lý công-chúa ngày đêm chỉ thương khóc Hoàng chúa-công, nếu nay mà Hoàng chúa-công hãy còn, thời thế nào Công-chúa cũng đi tìm cho được». Song hai tên quân ấy vì gần đến kỳ hạ-thọ, không dám dùng dằng ở lại, liền từ giã tôi mà đi. Lúc ra đi hai tên quân ấy có dặn đi dặn lại tôi thế nào cũng thông tin cho Công-chúa biết. Nhưng vì độ này tôi thấy việc quân khống-tống, nên không dám nói để thư-thư hay. Nay tôi lại nghĩ rằng đại-quân ta đã bị khốn ở đây đã nguy-cấp lắm; nếu Lý công-chúa đã chết, thời các tướng bộ-hạ thấy thư-thư trước kia giết mất chúa mình ắt là oán giận thư-thư đến in vào cốt-tủy thì còn nói gì nữa Nhưng nay Lý công-chúa hãy còn, mà ở đây đến trại Gia-quế chỉ độ năm ngày đường; thư-thư sao không đến trại Gia-quế, cầu Lý công-chúa phát binh giải vây, để cùng cứu lấy Hoàng chúa-công ta. Giá mà Lý công-chúa chịu phát binh, thời hợp cả quân tinh-dũng hai trại lại, mà đánh bọn quân khiếp-nhược kia, thời chỉ cầm gậy mà đánh cũng đủ tan hết còn có lo ngại gì nữa.

Mai tiểu-thư lắc đầu mà rằng:

— Ta nghe Lý Công-chúa từ khi bị quân ta đánh thua, ba lần đến viên-môn quan Đốc-phủ xin binh để đánh báo thù ta. Nay nghe quân ta bị khốn ở đây, lửa cháy họ chẳng đổ dầu thêm thì chớ, khi nào họ lại chịu đem binh đến cứu chúng mình.

Hoàng Hán nói:

— Không lo thế đâu, Lý công-chúa là người có tình có nghĩa, nếu nghe tin Hoàng chúa-công ta bị vu phải giam ở ngục. lẽ nào lại nỡ ngồi yên mà nhìn? Vả lại thư-thư đem ba mươi vạn binh-mã đã sát-đáo đến tỉnh-thành, mà còn phải thua không hay cứu được Hoàng chúa công; huống chi là một quân trại Gia-quế có thể cứu được Hoàng chúa-công không? Cứ nói lẽ ấy thời lo gì Ly công-chúa chẳng thâu đêm xuất-binh mà sợ.

Mai tiểu-thư nghe nói biết theo đường ấy là phải, nhưng nghĩ mình có điều không phải, nay mà phải chịu nói với Lý công-chúa thì thật là vô-nhan, vậy chỉ gạt đi nói rằng Lý công-chúa không khi nào chịu phát binh, dẫu đi cầu-cứu cũng vô ích. Hoàng Hán không hiểu ý ấy cứ nói đi nói lại mãi quyết rằng đi là hữu-ích. Hai người biện-thuyết mãi, có người đem chuyện ấy truyền đến tai quân-sư và Mai Anh biết. Gia-Cát Đồng bèn bói thử một quẻ bói xem cát hung thế nào, thời bói được quẻ Đồng-nhân, trong bụng cả mừng, liền cùng với Mai Anh vào yết-kiến tiểu-thư, thi-lễ ngồi yên. Gia-Cát Đồng trông vào Mai tiểu-thư cười mà rằng:

— Lời Hoàng Hán nói phải, có thể nghe theo được, xin thư-thư thương lấy tính-mệnh hơn 20 vạn quân mà đừng ngại chuyến đi này. Tôi lại vừa bói được một quẻ thượng-cát, thư thư đi lần này không những là cứu được tính-mệnh hơn hai mươi vạn quân và cũng chẳng phải dùng đến thiết-thuyết mà Hoàng chúa-công cũng có thể cứu được, xin thư-thư chớ ngần ngại.

Mai tiểu-thư thấy quân-sư cứ cố tán cho mình đi, không lẽ lại trối từ, bèn nói rằng:

— Thôi, tôi xin đem tính-mệnh tôi phó mặc cho quân trại Gia-quế; thời mới biết rõ cái bụng tôi chỉ một niềm vì Hoàng-lang, chớ chẳng nghĩ chi mình nữa.

Gia-Cát Đồng thấy tiểu-thư đã nghe lời, cả mừng mà rằng:

— Nay thư-thư đã bằng lòng đi, thời chừng vào đầu canh một, đương lúc bất-tài này điều-bát chư-tướng phân ra đánh các mặt quan-quân, thư-thư cứ sẽ cùng với Hoàng Hán đem một chi binh từ đài Thê-hạc xung-sát đánh xuống, rồi xuyên qua sườn núi lẻn ra đường Liên-châu mà đi.

Thương-nghị đâu vào đấy rồi, Gia-Cát Đồng và Mai Anh từ ra về trại, đợi đến hồi canh một, Gia-Cát Đồng điều-khiển chư tướng hướng về mặt tây nam xung-sát đánh xuống. Đới Tuần-phủ nghe thấy súng nổ rầm trời, lại tưởng quân giặc lại kéo đến phía đông cướp lương, vội vàng truyền lệnh quân-sĩ giữ trại cho vững, tự mình đem đại-binh kéo sấn đến chùa Long-quả chia ra mai-phục các nơi để đợi quân giặc. Kịp đến khi toán quân đóng ở Bắc-sơn về báo có bọn giặc kéo một cánh quân xung-sát đánh xông ra kéo đi, thời không gặp Đới Tuần-phủ ở trong trại trung-quân, lại phải chạy đến chùa Long-quả để báo tin. Đới Tuần-phủ vội vàng đem quân đi đuổi theo, đuổi đến Tàn-quan, Mai tiểu-thư quay quân lại đánh; quan quân xô-xát kéo lại như ong. Tiểu-thư sợ lạc mất Hoàng Hán, vội vàng muốn lui quân lại. Đương lúc cấp-bách chưa thể nào thoát thân được, chợt nghe tiếng súng nổ, một tướng ở đâu xung-sát vào đánh tan đám quan-quân. Mai tiểu-thư trông ra thời là Vạn Nhân-Địch. Nguyên là Vạn Nhân-Địch đêm hôm ấy phải quan-quân đánh chặn ở đấy nghe thấy tin Mai Anh bị khốn, liền vội vàng quay binh lại cứu, nhưng phải phục-binh của Diêu Hội-Gia đánh chặn lại. Vạn Nhân-Địch phải lui lại Hoa-huyện, chiếm cứ lấy thành-trì, rồi sai người báo tin để họp binh với Đồng Miêu-Công, chực đem binh đi cứu-viện. Song vì quân ít không địch nổi được quan-quân, chưa dám tiến binh lên vội. Nay chợt nghe tiếng reo hò, liền sai người đi thám-thính biết rằng là có binh tướng bọn mình đương phải quan-quân đại-đội đánh đuổi theo. Vạn Nhân-Địch liền đánh xông ra, thời vừa gặp Mai tiểu-thư, bèn thúc quân lên đánh riết một trận, đuổi tan đám quan-quân. Mai tiểu-thư cả mừng, liền đem cả toán quân bộ-hạ của mình giao cho Vạn Nhân-Địch dặn bảo hãy tạm đóng quân ở đấy để đợi binh mã trại Gia-quế đến rồi cùng đánh giải vây Mai tiểu-thư thời chỉ đem Hoàng-Hán với và mươi tên kiện-tốt, trông về núi Gia-quế đi lên như bay... Thực là:

Gian-nan chẳng quản thân mình,
Chẳng hay ai có thấu tình cho chăng?


(Hồi thứ 15 in tiếp theo)