Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Hồi thứ XIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ XIII

Giận giết sạch huyện Nam-thủy,
Vây hãm kín thành Ngũ-dương.

Súc Nục bỏ cả mũ vứt cả áo, một mình một ngựa chạy về hướng bắc, chạy được hơn 10 dặm, khi rẽ qua đường đê nhỏ, chợt gặp một đội quân chắn ngang đường, thất-kinh ngã lăn xuống đất, khi mở mắt ra trông té ra là Đỗ Tùng. Nguyên Đỗ Tùng là tướng thủ trại, bị Đồng Miêu-Công đánh thua, mới đem toán bại-quân lui ra giữ ở chỗ ấy, vừa đứng trên cao trông xa thấy người chết đầy sông trôi xuống, biết là đại-quân đã bị thua, đương lúc bàng-hoàng sợ-hãi, thời chợt thấy một người cưỡi ngựa xoà đầu rũ tóc từ đàng xa chạy tế lại như bay, vụt thấy ngã sa xuống đất. Đỗ Tùng vội vàng chạy lại xem thì là Súc-Nục, liền xuống ngựa dỡ dậy mà rằng:

— Nguyên-soái thoát được đại-nạn này thực là may sao! song ở đây còn gần quân giặc, tiểu-tướng xin hộ-vệ Nguyên-soái về thành Triệu-khánh rồi ta sẽ liệu.

Nói rồi liền thôi-đốc toán bại-quân chạy về thành Triệu khánh. Quan chấn-thủ thành ấy là Lâm Bỉnh-Hán ra đón rước Súc Nục vào trong thành, rồi phân-phó quân sĩ đóng chặt bốn cửa thành lại, thân ra tuần phòng, canh giữ ngày đêm, sợ phong quân mán thừa-thắng đến đánh thành chăng.

Nói về Gia-Cát Đồng thừa-thắng đem quân đuổi giết quan-quân máu trẩy đầy đường, thây phơi khắp đất; còn bọn quan quân nào chạy sang bên nam, đều bị đuổi xua xuống sông chết đắm vô-số bỏ cả tinh-kỳ khí-giới chất đầy như đống núi. Gia-Cát Đồng đuổi giết quan-quân mãi đến chiều hôm mới thu quân lại, đóng ở trong trại Súc Nục một đêm, ngày hôm sau kéo đến thành Triệu-khánh, vây kín bốn cửa thành lại hình như rào sắt, rồi bắc thang mây thúc quân-sĩ trèo lên đánh thành trông như kiến bò, lại sai quân đào hầm đường vào phía thành đông bắc. Song gặp phải Lâm Bỉnh-Hán cũng là tay tướng giỏi, sai lấy nước đổ xuống hầm, quân ngoài không thể chui vào được; lại sai lấy móc và hỏa-hổ đốt phá thang mây, quân ngoài không thể leo lên được. Trong thành mới không đến nỗi thất-thủ. Đến ngày thứ ba, Gia-Cát Đồng cùng với 10 viên tướng-tá mặc áo gấm, đội mũ hoa cưỡi ngựa đi dạo xem phía thành đông, nam, bắc, hai ba lượt rồi trở về trong trại, truyền-lịnh cho Tống Kim-Cương kén lấy một vạn quân già yếu đem đến đánh phía cửa thành đông, nam, bắc, tinh-kỳ làm ra bộ sốc-sếch không chỉnh-tề; còn thời đem quân đến đóng về phía cửa tây, cắm cờ khua trống, sai quân đi lấy cỏ rác chất đầy phía tây-môn cao ngất như núi, nói phao lên rằng sắp để đốt thành. Khi ấy có quan Giám-quân là Cố Dưỡng-Khiêm thấy quân giặc cử-động như thế đến thưa với Lâm Bỉnh-Hán rằng:

— Nay quân giặc đi dạo xem phía cửa đông, nam, bắc đến nửa ngày. mà lại đem tinh-binh họp đóng cả cửa tây, chỉ để bọn quân già yếu đánh ba cửa đông, nam, bắc; đó là muốn cho ta đem tinh-binh giữ cửa tây rồi nó đánh lẻn vào ba cửa kia, khiến cho ta không thể cấp-cứu được nữa. Nhưng ta đừng mắc phải mưu nó, phải đem tinh-binh phòng giữ ba cửa đông. nam, bắc, chỉ để quân già yếu giữ cửa tây, chẳng hay tướng-quân nghĩ sao?

Lâm Bỉnh-Hán nói:

— Giám-quân liệu địch như thế chắc không sai!

Liền sai tinh-binh ra phòng giữ ba cửa kia chỉ để hơn một nghìn quân già yếu giữ cửa tây, cũng cắm cờ khua trống để canh giữ.

Nói về chị em Mai Anh cùng ở trong nhà trọ Tiền Tử-Cán suốt ngày không ra đến ngoài, chợt một hôm Tử-Cán hoảng hốt ở đâu chạy về nhà trọ nói rằng:

— Đại-binh quan Đốc-phủ bị quân Thiên-mã đánh thua, nay quân giặc đã vây kín cả thành rồi, không biết nghĩ sao đây!

Tiền cô-tẩu và Tiền cô-nương nghe thấy tin ấy kinh-hoảng, ngồi xúm lại với nhau, Tiền cô-nương thì xì-xụt khóc lóc cả ngày. Mai tiểu-thư khuyên giải mà rằng:

— Xin cô-nương chớ lo, đã có chị em tôi ở đây, dẫu đến vỡ thành cũng xin giữ gìn được vô-sự.

Đến ngày hôm thứ ba. Mai Anh cùng với chị thương-nghị mà rằng:

— Ở đây đến đàng cửa tây phải đi vòng quanh hai con đường, vả chị lại mặc nữ-trang, đi ra ngoài sợ người ta ngăn hỏi, gì bằng chị nói với Tiền cô-nương lấy cho mượn bộ áo đàn ông, để cải nam-trang, thời mới có thể làm việc được.

Mai tiểu-thư gật đầu cho là phải liền đi vào nhà trong nói với Tiền cô-nương mà rằng:

— Nay em muốn chạy đến đàng cửa nam hỏi thăm người bà con, nhưng vì trong thành quân lính lộn sộn. con gái chạy đi không tiện, tôi muốn mượn cô-nương bộ áo con trai để cải mặc nam-trang, chẳng hay có bộ áo nào mặc vừa không?

Tiền cô-nương chạy lại nói với anh. Tiền Tử-Cán nói rằng:

— Ta khi nhỏ tập bắn vẫn có một cái khăn bao lục và một cái áo bào mùi da đồng, nay hãy còn mới. Không biết dài ngắn thể nào, hãy đem cho y mặc thử.

Tử-Cán nói rồi liền mở bao lấy bộ áo đưa cho Tiền cô-nương để đem đến cho Mai tiểu-thư cải-trang, thời vừa vặn như in. Tử-Cán chạy vào trông ngắm Mai tiểu-thư một hồi rồi ngạc-nhiên mà rằng:

— Ối chà! sao thư-thư mặc nam-trang mà diện mạo trông ra quen lắm!

Mai tiểu-thư rằng:

— Tôi đã cùng với đại-tú đi đường với nhau hơn 10 ngày, lẽ nào lại quên ngay đi được!

Tử-Cán mới nhận ra chính là Hoàng Ngọc-Sơn khi trước, thẹn đỏ mặt lên liền quì gối xuống mà rằng:

— Tôi không hay hai chị em thư-thư biến-hóa phi-thường, thực là anh-hùng vô-địch, không phải là người vô-sự đi chơi, xin bảo cho tôi được biết.

Mai tiểu-thư dắt tay đứng dậy mà rằng:

— Hôm nay không nói ra được, ngày mai sẽ biết; đêm hôm hoặc có sự gì náo-động, xin cô-nương với đại-tú chớ lo, đã có chúng tôi hộ-vệ.

Đêm hôm ấy sắc trời mờ tối, Mai tiểu-thư cùng với Mai Anh ra ngồi ở trước nhà đợi đến trống canh ba sẽ mở cửa lẻn ra, đi đến đầu phố, thấy một toán tuần-đinh đi qua, hai người bèn lẻn đi về phía cửa tây, chợt nghe thấy tiếng thanh-la, rồi thấy một viên tướng tay cầm búa sắt, đem ba trăm kỵ-binh xồng xốc chạy lại.

Mai tiểu-thư liền giở phi-tinh-trùy ra đứng nép ở bên đường phố rồi nhẩy ra thét to lên rằng:

— Quân trại Thiên-mã ở đây!

Nói chửa rứt lời, phi-tinh-trùy đã đập ngay vào mặt tướng ấy ngã lăn xuống ngựa, Mai Anh liền nhẩy lên ngựa vung búa ra giết sạch cả ba trăm kỵ-binh. Mai tiểu-thư cũng cướp lấy con ngựa nhẩy lên chạy tế về đàng cửa tây đánh tan bọn quân già yếu mở toang cửa thành ra, bắc cầu lên cho chư-tướng vào, chư-tướng đều xông ồ cả vào. Lâm Bỉnh-Hán nghe tin trong thành có quân nhập-hỏa, liền đem quân đến ứng-cứu. Song binh mã đại-đội quân Thiên-mã, đã như nước vỡ, xô xát kéo vào thành. Bỉnh-Hán đốc thúc chư-tướng cự-chiến. Nhưng chị em Mai Anh dũng-mãnh không thể đương được. Bỉnh-Hán phải tháo lui chạy về cửa đông cùng với chư-tướng hộ-vệ Súc Nục, thâu đêm chạy ra huyện Tam-thủy. Quan huyện Tam-thủy là Trần Khởi-Phụng ra cửa thành đón rước, hiến sách với Súc Nục mà rằng:

— Quân giặc mán này đã thừa-thắng tất sinh kiêu, hẳn không có phòng bị gì. Nguyên-soái nên đem đại-quân ra mai-phục cả bốn mặt, đợi khi giặc mán kéo đến để cho tiểu-chức này xin ra trá-hàng, đem trâu rượu ra khao thưởng cho quân nó ăn uống say mê; khi bấy giờ mới đột-khởi phục-binh lên đánh, tất là được toàn-thắng

Súc Nục lắc đầu mà rằng:

— Quân ta đã thất đảm đi rồi, dẫu đương đêm đem ra đánh giặc cũng không thành công được, không nên, không nên.

Trần Khởi-Phụng lại thưa rằng:

— Nếu không làm theo kế ấy, thời xin Nguyên-soái giao cho tiểu-chức ba vạn quân, tiểu-chức dẫu không hay giết sạch được giặc mán, nhưng cũng làm cho nó thất kinh một trận mới nghe!

Súc Nục nói:

— Nay tỉnh-thành là nơi yếu-địa, mà quân phòng bị vẫn còn sơ sài, ta phải đem quân về giữ chốn căn-bản là hơn.

Súc Nục không nghe lời Trần Khởi-Phụng, thâu đêm kéo quân về tỉnh thành. Trần Khởi-Phụng không biết nghĩ kế sao, bèn cùng với các quan thủ-thành là Thiên-tổng Vương Cảnh-Hòe, Cát Siêu-Quần; Bả-tổng Vương-Ứng, thương-nghị mà rằng:

— Nay Nguyên-soái đã không chịu lưu-binh ở đây, thời thành này quyết-nhiên không giữ được. Song chức phận người thủ-thổ phải nên cùng sống thác với thành-trì, nếu cứ ngồi đợi đây mà chịu chết, sao bằng bày mưu để giết giặc, liều chết may ra sống được chăng, chẳng hay ba vị tướng-quân có chịu giúp tôi một tay không?

Ba tướng đều hăng hái mà rằng:

— Tiểu-chức chúng tôi xin thề liều chết để báo nước, tiên-sinh nếu có dùng đến thời chúng tôi chết cũng không oán hận gì!

Khởi-Phụng cả mừng. Liền giao cho mỗi người một nghìn quân, dặn bảo cứ làm như thế.... Ba tướng cả mừng, rồi đều kéo quân phân đi mọi ngả. Khởi-Phụng thời sắm sửa lễ-vật trâu rượu, để ra khao quân, trên thành cắm lên một ngọn hàng-kỳ. thân ra ngoài cửa thành đón rước

Thực là:

Làm cho quân giặc thâu đêm sợ,
Chỉ dụng kỳ-binh độ mấy nghìn.

Nói về Mai Anh hạ được thành Triệu-khánh bao nhiêu vàng bạc trong thành đều lấy sạch sai quan tì-tướng vận-tải chở về trại Thiên-mã. Lại sai một tì-tướng đến nhà trọ Tiền Tử-Cán mời chị em Tiền Tử-Cán vào phủ-đường tương-kiến. Tử-Cán sợ khiếp người ra mặt như chàm đổ, cùng với Tiền cô-nương đi đến phủ-đường, sợ run cằm cặp quị xuống dưới đất. Mai Anh và tiểu-thư vội vàng đỡ dậy mà rằng

— Tôi được nhờ hiền-huynh đưa tôi vào thành này, thực là một cái công to vậy.

Tử-Cán nghe nói ngửng đầu lên trông mới biết bọn con hát đả-hoa-cổ tức là Dao-vương, liền lạy rập đầu mà thưa rằng:

— Tiểu-sinh tội thực đáng chết!

Mai Anh liền đỡ dậy mà rằng:

— Hiền-huynh muội cũng là có nhãn-lực anh-hùng, khi lệnh-muội mới trông thấy tiểu-thư, liền biết kính yêu ngay cũng là người hào-kiệt trong đám nữ-lưu vậy. Nay tôi mới mười bảy tuổi, chưa có phối-ngẫu nơi nao, nay muốn sánh đôi cùng lệnh-muội, chẳng hay hiền-huynh có thuận cho không?

Tiền Tử-Cán nghe nói cả mừng mà rằng:

— Chỉ sợ Tề, Trịnh sang hèn khác nhau, nài sao cho xứng đáng?

Mai Anh nói:

— Sao hiền-huynh lại nói thế!

Mai Anh liền ngoảnh lại quân-sư Gia-Cát Đồng mà nói rằng:

— Xin nhờ quân-sư làm mối hộ cho.

Gia-Cát Đồng nói:

— Tôi dẫu bất tài, xin đương việc mối lái này!

Mai Anh cả mừng, truyền bày tiệc khánh-hạ. Mai tiểu-thư liền dắt Tiền cô-nương và Tiền cô-tẩu đưa vào nhà hậu-đường khoản-đãi. Ngày hôm sau sai một viên tỳ-tướng điều-bát một vạn quân đưa cả nhà Tiền cô-nương về trại Thiên-mã. Rồi liền khởi-binh kéo đến huyện Tam-thủy. Quân Tiên-phong báo rằng; có quan huyện Tam-thủy đem trâu rượu đến nghênh-tiếp đại-vương. Mai Anh cho gọi đến tương-kiến. Trần Khởi-Phụng bước đến quì ở trước ngựa, Mai Anh cho đứng dậy mà úy lạo rằng:

— Khen thay tiên-sinh cũng là người hào-kiệt thức-thời đó!

Trần Khởi-Phụng cúi mình mà thưa rằng:

— Nay đại-vương đánh trận nào được trận ấy, phá thành nào được thành ấy, dẫu tướng giỏi như Tôn Ngô đời xưa cũng không hơn được. Thế mà quan Đốc-phủ tôi không biết giảng-hòa cùng đại-vương, lại muốn ruổi quân chó, dê tranh chọi với đội hổ-báo, có khác gì bọ ngựa dám chắn ngang xe, đem trứng mà chọi với đá, trách nào mà chẳng thua! Tiểu-chức vốn hâm-mộ hùng-phong đã lâu, nay được nép lạy dưới cờ thực là vạn-hạnh, cúi xin đại-vương thu-lục.

Mai Anh cả mừng, sai tả hữu sắp ngựa cho Trần lão-cha ngồi rồi cùng đến dưới thành truyền lệnh đóng dinh trại ở đó. Trần Khởi-Phụng mời Mai Anh vào thành chiêu-an dân-sự. Mai Anh đem hơn một trăm tướng-sĩ tiến vào thành, nghiêm lệnh không được xâm-phạm mẩy lông gì của dân. Bách-tính đều bày hương hoa ra đón rước. Trần Khởi-Phụng bày tiệc ở giữa huyện đường, mời Mai Anh ngảnh mặt về hướng nam mà ngồi, còn thời đều đứng hầu bên cạnh rót rượu, uống rượu đến gần trống canh một, Mai tiểu-thư sai người vào đón. Song Mai Anh vì Trần Khởi-Phụng hầu hạ khuyên mời sướng thích quá, uống rượu cực say, khi trở về trại quay đầu ra ngủ ngáy khè khè. Chư-tướng thời vì liền mấy hôm chinh-chiến đều thắng-trận cả, đến huyện Tam-thủy này lại không phải đánh mà đã đầu hàng, nên không ai coi quan quân vào đâu cả. Nay thấy Mai Anh đã tiến vào thành uống rượu, bèn sai các tiểu đầu-mục đi đến các chốn hương-thôn cướp lấy trâu rượu, đem về mổ thịt ăn uống, say khướt cả ra, rồi cởi cả áo giáp bỏ cả đồ binh say ngủ lăn, lộn, vừa đến trống canh ba sực nghe thấy tiếng pháo nổ góc thành tây bắc. ngọn lửa bốc lên rực trời, tiếng reo ầm lên dậy đất, chợt thấy một toán quân vụt đâu kéo đến ầm ầm như nước vỡ sóng reo, xung-sát đánh vào trong trại, cầm dao búa băm chém bừa đi. Thạch Thung-Cữu đương lúc mơ màng sực tỉnh dậy, ngựa không kịp thắng yên, người không kịp mặc giáp, hoảng-hốt nhẩy lên mình ngựa trần, chạy ra ngoài cửa trại sực nghe phía đông bắc súng nổ ầm ầm, lửa sáng rừng rực, lại thấy một toán quân như mưa sa gió táp kéo lại không biết là bao nhiêu; quân-sĩ trong hai trại lộn sộn giầy séo lẫn nhau, trong quân đại-loạn. Đồng Miêu-Công đóng quân ở bên sông, nghe thấy trên bờ có tiếng reo như sấm, biết là có quan-quân đến cướp trại, sắp sửa muốn đem quân lên bờ để ứng-cứu thời lại thấy ven sông lửa cháy rực lên, bèn không dám động-binh nữa.

Mai Anh sực tỉnh dậy rút gươm cầm ở tay ra đứng giữa cửa trại truyền-lệnh cho quân-sĩ không được vọng-động, hễ thấy quân ngoài đến thời chỉ dùng cung nỏ bắn ra.

Vừa truyền-lệnh đâu đấy, thời thấy trong thành nổi trống reo lên đánh xông vào đám trung-quân. Song bị trung-quân Mai Anh bắn ra dát quá, xông-đột vào mấy lần đều bị bắn mà phải lui. Mai tiểu-thư thời đem cánh quân từ bên hữu vòng vào tiền-trại để cứu-viện. Vạn Nhân-Địch và quân-sư Gia-Cát Đồng thời đem Tống Kim-Cương từ đàng sau đến cứu-viện. Thạch Thung-Cữu thời đương bị phải thiên-tổng Vương Cảnh-Hòe thúc quân-sĩ xông vào thừa lúc loạn-quân xung-sát. Cảnh-Hòe bị phải Kim-Cương đâm cho một mũi thương chết liền. Kim Cương liền đánh tan bọn quân-sĩ rồi lại cứu-viện cho Vạn Nhân-Địch. Khi ấy thiên-tổng là Cát Siêu-Quần đã phải Mai tiểu-thư giết chết rồi, song đàng mặt trước vẫn trông thấy lửa sáng rực rỡ, tiếng reo ỳ ầm, nhưng vẫn không thấy kéo xông lại Gia-Cát Đồng không hiểu là ý sao, bèn sai thám-mã chạy lên trước do thám, thời nguyên là có một bọn bách-tính dùng cỏ gianh bó thành hình chữ Thập rồi tẩm dầu vào, bốn đầu đều đốt lửa lên sáng rực, lũ bách-tính thời khua chiêng đánh trống, reo hò lên để giúp oai, nhưng không biết rằng quan-quân đã bị giết sạch, vẫn cứ ở đàng xa reo hò. Gia-Cát Đồng nghe thấy báo làm vậy, cả cười, rồi sai quân-sĩ kéo uà lên chém giết; lại sai Tống Kim-Cương đem một vạn quân phân ra các mặt đuổi theo chém giết bách-tính làm cỏ không còn sót một người nào, mãi đến sáng rõ mới thu quân về. Khi điểm-kiểm quân-sĩ, thời thấy quân bị giết chết mất hơn một vạn, còn giầy xéo nhau mà chết không biết bao nhiêu mà kể. Mai Anh cả giận, thét quân đao-phủ đem điệu Thạch Thung-Cữu, Vạn Nhân-Địch ra ngoài cửa viên-môn để chém. Quân-sư Gia-Cát Đồng vội vàng bước lên can rằng:

— Dám xin đại-vương khoan giận, hãy tha cho hai tướng, để cho hai tướng đánh huyện Tam-thủy, đem công mà chuộc lấy tội.

Mai Anh nói:

— Ta nể có lời quân-sư nói, hãy tha cho hai ngươi một ngày, phải đem quân bản-bộ đến đánh huyện Tam-thủy, hễ đánh được thời mới cho về yết kiến ta, nếu quá hạn không hạ được thành, thời phải đem đầu hai ngươi dâng nộp!

Hai tướng khấu đầu lạy tạ lui ra, đem quân đi đánh thành. Trần Khởi-Phụng giữ trong thành Tam-thủy, lấy lời trung-nghĩa khích-khuyến bách-tính, đua nhau khuân gạch vần đá đem lên mặt thành hộ-vệ, hễ quân giặc kéo đến, thời bắn tên ném đá xuống ầm ầm, mãi đến mặt trời gần lặn mà thành vẫn không hạ được. Vạn Nhân-Địch đã lấy làm lo, liền một tay cầm gươm, một tay cầm mộc, che đỡ cho mình liều chết xông vào trong đám rừng tên, cầm búa phá toang tường thành, rồi nhẩy phắt lên mặt thành, bách-tính trông thấy kinh hoảng bỏ chạy. Trần Khởi-Phụng vội vàng cầm thương lại đâm, Vạn Nhân-Địch giơ mộc lên đỡ hắt Trần Khởi-Phụng ngã lăn xuống hào. Thung-Cữu liền nhẩy xuống hào bắt trói Khởi-Phụng lại, rồi hô quân-sĩ trèo uà lên thành, phá toang cửa thành ra, đại-quân kéo uà cả vào, hạ được huyện Tam-thủy, Thạch Thung-Cữu liền giải Trần Khởi-Phụng đem về nộp trước trại. Khởi-Phụng cứ đứng sững ra không chịu quì. Mai Anh rút gươm ra thét lên rằng:

— Ta tưởng mày là người khá, ai ngờ mày sinh lòng phản-trắc, nay đã bị bắt, mày còn muốn biện-thuyết gì nữa chăng?

Trần Khởi-Phụng cười mà rằng:

— Làm tôi tận trung, dẫu chết cũng không hối-hận, chả phải biện-thuyết gì nữa cả.

Khởi-Phụng cứ ung-dung cười nói, thần-sắc không biến chút nào. Mai Anh cũng sinh lòng kính-phục mà rằng:

— Người này không sợ uy mà chịu khuất, không sợ nạn mà cẩu-miễn, cứ thung dung tựu-nghĩa, coi cái chết như không, thực là người quân-tử!

Mai Anh muốn tha cho về, Khởi-Phụng nói rằng.

— Kẻ bày tôi thủ thổ, phải cùng với thành-trì cùng sống thác, Khởi-Phụng này há lại chịu thâu-sinh hay sao! Chỉ mong rằng đừng làm hại bách-tính ta, đừng làm tàn bờ cõi ta, thời Khởi-Phụng này được nhờ ơn lắm lắm!

Mai Anh ngảnh lại bảo tả hữu mà rằng:

— Ấy đó mới-thực là trung-thần! thôi thời chém đi để cho thành danh-tiết.

Mai Anh liền truyền-lịnh cho tướng-sĩ không được cướp bóc tàn hại dân Tam-thủy. Lịnh vừa mới truyền ra, thời bách tính trong thành đã phải Vạn Nhân-Địch làm cỏ giết sạch, chốn dân-cư huyện-lị đều bị đốt phá ra gio tàn. Mai Anh nghe tin ấy than thở hồi lâu. Đoạn rồi phát súng lên ngựa kéo quân thẳng đến tỉnh-thành đi đến đâu quan-quân đều nghe phong-thanh đã vỡ tan hết, không khác gì đi vào cõi đất không có người. Khi kéo đến tỉnh-thành sai Thiết Lão-Hổ đóng đồn ngoài cửa Thái-bình. Đồng Miêu-Công đóng đồn ngoài cửa Tĩnh-hải, Thạch Thung Cữu đóng ngoài cửa chính đông, còn Mai Anh cùng với chư-tướng chia ra đóng đồn ở cửa tây, ngày đêm đánh xông vào thành Song thành lớn và cao, trên mặt thành tên đạn bắn xuống như mưa, đánh luôn hai ba ngày không thể vào được Gia-Cát Đồng sai quân sĩ lấy vài nghìn tấm da trâu, rồi căng ra khung tre coi như bức tường, cầm che mà tiến vào, song tên đạn bắn xuống hăng quá, không thể tiến vào được. Quan Tuần-phủ là Đới Diệu ở trong thành sai quân-sĩ bắc đá để pháo thất-tinh tên bắn ra, tên đạn hỏa-hổ bắn xuống như mưa, những tấm da trâu đều bị cháy rách ra cả. Gia-Cát Đồng lại nghĩ ra một kế sai quân-sĩ làm thạng câu liêm bằng sắt và nghìn cái để móc leo lên thành, quân-sĩ đánh trống hò reo leo lên, như kiến Đới Tuần-phủ truyền lịnh quân trong thành không được ồn ào, chỉ bắn súng khuân đá ném xuống quân ngoài không thể xông vào được. Lại bỏ rơm tẩm dầu ném xuống đốt những thang tre, lại sai người bắn hỏa-hổ ra, thang móc đều bị đốt gẫy sạch. Gia-Cát Đồng cả giận sai bắt bách-tính xung quanh thành, cốn bè, bó củi, khuân đất lấp đầy vào hào cao lên như núi, rồi dựng dàn che lá ở trên hình như mái nhà, để che đá ném; quân-sĩ thời phục cả ở trong mái: dùng dao dùng nỏ bắn ném vào trong thành, các tướng-sĩ thủ-thành đều bị bắn chết lăn ra cả; trong thành đều thất kinh. Quan Đới Tuần-phủ liền mộ lấy quân tử-sĩ. thừa khi ban đêm ròng dây lẻn xuống dưới thành, cuốn rơm tẩm dầu phóng-hỏa đốt những nhà dàn bằng lá, lửa cháy núi lở, những quân-sĩ phục ở dưới đống núi đều bị đè chết bẹp. Gia-Cát Đồng không biết nghĩ kế gì nữa. Mai Anh nói:

— Nay quân-sĩ chỉ đánh ở trên bộ, mà trong thành cũng chỉ phòng bị ở trên mặt thành, sao không sai Đồng Miêu-Công dụng bọn Côn-lôn-nô cho nó đi ngầm đường thủy đào hầm lẻn vào trong thành, phóng hỏa đốt lên, hễ trong thành rối loạn, thời quân ngoài bắc thang lên bốn mặt thành mà đánh, khiến cho trong thành không thể cứu-ứng được nhau. lo gì mà chẳng hạ được thành.

Gia-Cát Đồng nói:

— Kế đại-vương thật là diệu lắm!

Liền sai người đến cửa bể Tĩnh-hải bảo Đồng Miêu-Công lo liệu các việc. Nguyên là đội thủy-quân của Mai Anh dụng được bọn Côn-lôn-nô ở núi Đam-nhĩ, con mắt xanh biếc, lặn nước cực tài. lặn được ba bốn ngày, hễ đói thời bắt tôm cá mà ăn. Mai Anh dụng được và trăm đứa để cho lặn nước cực kỳ đắc-lực Nay quân-sư truyền lệnh sai bọn ấy, lấy giấy dầu bọc thuốc súng buộc ở ngang lưng, rồi lặn xuống cửa bể, để vào phóng hỏa. Khi ấy đợi đến nửa đêm nước trào dâng lên, bọn Cô-lôn-nô lặn xuống nước bơi theo chiều nước vào đến cửa cống mở toang cửa ra chui mãi vào đến cầu Thanh-vân chực bò lên để phóng-hỏa. Thế nào phải quan Tham-tướng giữ cửa Văn-minh là Đào Túc-Dụng trông thấy liền hô hoán bắn tên đạn ra giết sạch bọn Cô-lôn-nô, sáng sớm hôm sau đem bêu đầu ở trước thành. Gia-Cát Đồng nghe thấy tin ấy không còn biết giở trò gì được nữa. Thực là:

Đã khôn lại gặp khôn hơn.
Khoe khéo thế nào cũng vụng,
Đành chịu bó tay mà ngồi,
Biết nghĩ kế chi vận động.

Đương lúc Gia-Cát Đồng ngồi buồn ở trong trại, sực thấy Tống Kim-Cương vào thưa rằng:

— Thưa quân-sư, ở ngoài kia có một người học trò tự xưng là họ Vương tên Đắc-Giai, bảo rằng có diệu-kế đánh phá được thành, vậy tôi vào bẩm để quân-sư được biết.

Gia-Cát Đồng liền sai gọi vào tương-kiến. khi người ấy vào yết-kiến, Gia-Cát Đồng chắp tay mà rằng

— Tôi nghe nhà thầy có cái diệu-sách phá được thành, dám xin thầy dạy bảo, hễ hạ được thành này, nhà thầy muốn sao cũng chiều ý.

Vương Đắc-Giai nói rằng:

— Thành này vừa cao vừa bền. không dùng cách xe của Lã-công thời không phá được.

Gia-Cát Đồng hỏi:

— Cách chế xe ấy thế nào?

Vương Đắc-Giai nói:

— Cách xe này hình như cái thuyền, cao một trượng năm thước, dài 500 thước trên làm ra hai từng lầu, phên che tả-hữu lát ván như đất phẳng, một người xòa tóc chống gươm đứng ở trước xe, trên dựng một ngọn cờ vũ-mao; ở trong và trăm người đều cầm nỏ cứng tên độc để bắn, bánh xe thời làm bằng đá tròn, bắt và trăm con trâu kéo đi; hai bên lầu xe thời mở rộng ra cao hơn bờ thành, người đứng trên đó trông suốt vào trong thành được, đàn bà con gái trông thấy đều phải khiếp sợ mà khóc, quân-sư nếu dùng cách xe ấy phá thành thì lo gì mà chẳng phá được!

Gia-Cát Đồng cả mừng, liền sai Vương Đắc-Giai giám-đốc chế ra kiểu xe ấy; không đầy mấy ngày đã chế xong chỉnh-tề, bắt trâu kéo chạy đi xồng xộc. Quân dân và phụ-nữ trong thành trông thấy đều khóc. Đới Tuần-phủ vội vàng trèo lên thành trông xem, rồi nói rằng:

— Đấy là kiểu xe Lã-công, ta đã có cách phá được rồi. can chi mà kinh hoảng.

Liền sai quân-sĩ lấy và mươi chục cây gỗ to, làm thành ra những cột trụ mỗi một cột trụ lại làm máy trụ. buộc những hòn đá vài nghìn cân vào, rồi vặn trục tung ra bay như viên đạn. tự lưng chừng trời rơi xuống, xe không dám đến gần nữa; lại mộ quân tử-sĩ lấy súng lớn bắn vào những con trâu kéo xe, trâu bị thương chạy lùi trở lại. Gia-Cát Đồng và Vương Đắc-Giai khó nhọc cơ-mưu và tốn không biết bao nhiêu tiền lương mới nghĩ ra kiểu xe ấy; nay lại phải Đới Tuần-phủ khám-phá cơ-mưu, không dám chở xe lại gần thành. trong bụng tức giận không biết nói sao được. Vương Đắc-Giai lại thưa rằng:

— Tiểu-sinh còn có một phép này nữa xin quân-sư lại chế thử làm xem.

Gia-Cát Đồng nói

— Chẳng hay có phép gì vậy?

Vương Đắc-Giai thưa:

— Nay nó hay lăn gỗ ném đá ở trong thành ra, để phá xe Lã-công của ta. Thời ta sao không lại dùng phép ấy, vần gỗ ném đá mà đánh lại?

Gia-Cát Đồng cả mừng mà rằng:

— Nhà thầy thực là tài giỏi binh-pháp!

Liền sai quân-sĩ chế ra và chục cột gỗ buộc vào và nghìn hòn đá lớn, rồi kéo trục ném đá vào thành mà đánh. Khi ấy Súc Nục đương giữ của tây luôn mấy ngày khó nhọc, mới vừa chợp ngủ ở trên lầu mặt thành, chợt nghe quân-sĩ kêu rầm lên, thời một viên đá lớn rơi xuống đầu nóc nhà lầu đánh ầm một tiếng, sạt mất nửa góc nhà lầu. Thực là:

Đá đâu ném xuống lưng trời,
Làm cho hồn vía rụng rời cơn mê.