Bước tới nội dung

Lễ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Xem báo là việc có ích, tuy có lúc cũng thấy buồn chán. Lệ như, Trung Quốc là quốc gia có rất nhiều kỷ niệm quốc sỉ hơn hết trên thế giới, đến ngày ấy, trên báo chiếu lệ phải có mấy đoạn kỳ sự, mấy bài văn. Có điều cái việc ấy làm đã nhiều lần quá, di dẳng quá, rất dễ mà bài nào cũng như bài ấy, lần nầy dùng được, lần sau cũng dùng được, năm ngoái đã dùng rồi, sang năm có thể còn dùng được nữa, miễn là không có việc nào mới. Dù cho có việc mới, những bài văn hiện thành e cũng vẫn cứ dùng được, bởi vì đằng nào cũng chỉ nói mấy câu thôi. Cho nên, nếu không phải là người mạnh quên, thì không khỏi đâm ra buồn chán, vì không thấy được cái gì mới cho nó khêu gợi mình.

Nhưng mà tôi vẫn cứ xem. Hôm nay tình cờ xem thấy cái ký sự ở Bắc Kinh truy điệu vị anh hùng kháng Nhật Đặng Văn, đầu tiên là báo cáo, rồi đến diễn giảng, cuối cùng là "lễ thành, tấu nhạc, tân hội".

Thế rồi tôi được sự khen gợi mời: Phàm niệm, "lễ" mà thôi vậy.

Trung Quốc vốn là "nước lễ nghĩa". Những sách nói về lễ, có cho đến ba bộ lớn[1], cả đến ở ngoại quốc cũng đã dịch rồi, tôi thật phục sát đất cái người nào dịch sách Nghi lễ. Thờ vua, bây giờ khả dĩ không nói đến ; thờ cha mẹ, đương nhiên phải hết đạo hiếu, những việc sau khi cha mẹ qua đời thì đã quy vào trong tế lễ, mỗi một việc đều có nghi, tức là hiện nay cúng ngày giỗ, mừng âm thọ[2] các thứ. Ngày giỗ mới có thêm ra, thì ngày giỗ cũ hơi nhạt đi vì rằng "ma mói lớn, ma cũ nhỏ"[3]. Những ngày kỷ niệm của chúng ta, ngày nào cũ, chúng ta đối với nó không được sốt sắng lắm, còn những ngày mới chỉ đợi đến mai kia rồi nó cũng nhợt nhạt dần đi, chẳng khác nào ngày giỗ của nhà người ta. Có người bảo, quốc gia Trung Quốc lấy gia tộc làm nền tảng, thật phải lắm.

Trung Quốc lại vốn là lấy "lễ nhượng trị nước"[4]. Đã có lễ, thì phải có nhượng, mà càng nhượng thì lễ lại càng phiền phức thêm. Tóm lại, về điểm này, thôi, không nói[5].

Thuở xưa, hoặc lấy đạo Hoàng Lão[6] trị thiên hạ, hoặc lấy đạo hiếu trị thiên hạ, bây giờ đây, e đã đến thời kỳ lấy lễ trị thiên hạ rồi. Biết điều ấy thì biết rằng trách dân chúng thờ ơ đối với ngày kỷ niệm là sai, vì "Lễ" có nói: "Lễ chẳng xuống đến thứ nhân"[7] ; còn như trách keo kiệt chẳng chịu bỏ ra cái gì về vật chất cũng là sai, vì đức Khổng chẳng đã nói, "Người Từ, mầy tiếc con dê, ta lại tiếc cái lễ!"[8].

"Không phải lễ chờ xem, không phải lễ chớ nghe, không phải lễ chớ nói, không phải lễ chớ động", cứ yên lặng đợi người khác "làm nhiều điều bất nghĩa, ắt tự làm cho mình chết", ấy là lễ vậy[9].

20-9-1933
(Dịch ở Chuẩn phong nguyệt đàm)

   




Chú thích

  1. Trung Quốc đời xưa có ba bộ sách nói về lẽ, gọi là "Tam Lễ", tức là: Chu lễ, Nghi lễ, Lễ ký.
  2. Tục Trung Quốc trước kia, những nhà giàu sang có làm lễ mừng thọ ông bà cha mẹ sau khi chết rồi, gọi là "âm thọ". Ví dụ: một người chết vào năm 55 tuổi, đến cái năm tính được 60 tuổi, con cháu làm lễ mừng âm thọ lục tuần cho người ấy.
  3. Đây là một câu tục ngữ ở Trung Quốc, nguyên văn: "Tân quỷ đại, cố quỷ tiểu".
  4. Đây là chữ trong sách Luận ngữ, nguyên văn cả câu là: "Năng dĩ lễ nhượng vi quốc hồ hà hữu = hay lấy lễ nhượng trị nước, nào có khó". Ý muốn nói: lấy lễ nhượng trị nước thì trên thuận dưới hòa, trong ấm ngoài êm, nước được trị an, không có khó gì.
  5. Lỗ Tấn viết bài này vào sau khi Nhật Bản tấn công Thượng Hải (1932), Tập cữu lộ quân chống đánh mà bị Tưởng Giới Thạch ra lệnh rút lui. "Nhượng" đây là ám chỉ Tưởng Giới Thạch nhượng bộ Nhật Bản, nhưng nếu nói toang ra thì bài không được đăng, cho nên "thôi, không nói". Hay ở chỗ đã không nói mà lại tuyên bố rằng mình không nói để cho người đọc phải ngẫm nghĩ mà thấy ra cái chỗ tại sao mình không nói, thế cũng tức như mình đã nói vậy.
  6. Hoàng là Hoàng đế, Lão là Lão tử, đều thuộc về "Đạo gia".
  7. Kinh Lễ có nói: Lễ chẳng xuống đến tiến hành nhân (dân), hình chẳng lên đến đại phu (quan).
  8. Tử là tên Tử Cống. Tử Cống muốn bỏ con dê làm lễ cốc sóc. Vì lấy lẽ rằng lễ ấy đã không còn có nữa mà cứ giết con dê là vô ích. Khổng Tử bảo: "Mày tiếc con dê, ta lại tiếc cái lễ = Nhĩ ái kỳ dương, ngã ái kỳ lễ". Ý ngài muốn nói: Lễ ấy tuy mất rồi, mà cứ sắm con dê, còn mong có ngày sẽ phục nó lại. Chuyện này thấy trong sách Luận ngữ.
  9. Về mấy câu ở trong dấu ngoặc trên, xem lời chua số 10 của bài Chuyện phiếm cuối xuân trên kia ; về câu trong dấu ngoặc dưới, là một câu có sẵn trong sách Tả truyện, nguyên văn là: "Đa hành bất nghĩa tất tự tệ".